Trở nên nhân chứng Đấng Phục Sinh

Thưa quí vị.

Đời sống văn minh ngày nay với phản lực, nguyên tử, vi tính, xe hơi, nhà nhiều tầng, tàu hoả v.v… đã làm cho văn chương Kinh thánh trở nên lỗi thời, lạ lẫm. Các hình ảnh cổ xưa như thuyền gỗ bé xíu, bắt cá bằng tay, tung lưới, đi dép da cột dây, đường làng bụi bậm, nông dân vãi hạt, mục đồng lùa chiên gặm cỏ… chỉ còn thấy trong các nước chậm tiến, lạc hậu, gần như biến mất ở các nước tiên tiến. Cho nên độc giả tân thời khó mà hiểu hết nội dung của các câu truyện Phúc âm. Bước ra khỏi nhà là đã có xe hơi sang trọng đưa đón thì hiểu thế nào được phải đi bộ hàng trăm cây số? Mua bán bằng E-mail, vi tính thì hiểu thế nào việc gồng gánh? Thực phẩm, thịt cá, được sản xuất hàng tấn trong nháy mắt thì hiểu làm sao được các Tông đồ vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào? Tuy nhiên, có nhiều điểm vẫn chung cho dân bán khai và người tân thời. Đó là những lao khổ, lo lắng, vật lộn, yêu ghét, sống chết hàng ngày. Thuở xưa đã vậy, thời nay vẫn thế. Câu truyện Tin mừng Chúa nhật này nói rõ điều đó: “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: Bình an cho anh em. Các ông kinh hồn, bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?” Trong các tình huống như vậy, cũng như người xưa, chúng ta tự hỏi: “Tại sao?”

Tôi nhất trí với thánh Luca khi ông ghi lại câu truyện các môn đệ nghi ngờ việc Chúa thật sự còn sống. Chính tôi cũng có nghi nan. Tin thế nào được mấy ông thuyền chài dốt nát, một chữ bẻ đôi không biết? Mấy mụ đàn bà còn ngu muội hơn? Khi Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ thánh nhân mô tả: “Các ông kinh hồn, bạt vía”. Phản ứng của tôi cũng y như thế, nếu tôi có mặt với họ. Chúa Giêsu nhận thấy các môn đệ đang gặp rắc rối khi trông thấy Ngài. Trường hợp của tôi có lẽ tương tự. Họ nghi ngờ thì tôi cũng có những câu hỏi trong lòng. Ông này đúng là Chúa? Cho nên tổ tiên chúng ta trong đức tin đã có phản ứng ra sao trước hoàn cảnh thì ngày nay chúng ta cũng vậy. Không thể làm khác. “Tôi cũng thế” là phản ứng đương nhiên trước hoàn cảnh. Thành thực mà nói, bụng tôi vui mừng khi nghe thánh sử, tổ tiên trong đức tin của chúng ta, thuật lại các mẩu truyện của lòng họ cho chúng ta ngày hôm nay. Trước những thực tế của cuộc sống, chúng ta cũng thấy nghi nan, phức tạp, cũng “kinh ngạc và hết hồn hết vía.”

Họ nói với chúng ta rằng: “Chúng tôi đã từng có khó khăn và ngờ vực, vâng, chúng tôi đã từng cảm thấy như đi trong bóng đêm, phải, sự chết đã mang đi hết thảy những thứ chúng tôi có, kể cả hy vọng, phải, Người đã hiện ra như một bóng ma. Nhưng tiếp liền sau là những tin vui quan trọng: “Nhưng Ngài không phải bóng ma, Ngài vẫn còn sống, Ngài không phải là sản phẩm của tưởng tượng. Chúng tôi đã xem thấy Ngài ăn uống như chúng tôi. Ngài đúng là con người xương thịt như chúng tôi đã thấy xưa kia. Hơn nữa, Ngài đồng hành trên những con đường chúng tôi đi. Ngài đã từng thất vọng và đau thương như chúng tôi ! Hiện thời Ngài đang tiến bước trên khắp các nẻo đường thế giới, ban hy vọng và sức sống cho hết những nơi tưởng chừng như lãnh địa của tử thần. Cho nên thoáng nghe, các câu truyện trên chỉ là hoang đường, truyện của những người Galilêa “mộng du”. Kỳ thực không phải vậy. Chúng là những sự kiện rất thật và quan trọng. Chúng nói trực tiếp với trái tim và trí óc nhân loại về hy vọng và thất vọng, gian dối và chân lý, sự sống và cái chết. Chúng củng cố đức tin khi nghi nan ập tới. Chúng được các tín hữu tiên khởi truyền lại không những để chúng ta hoan hỉ mừng lễ mà còn khích lệ trong những giây phút khó khăn, tăm tối, khi mọi sự xem ra vượt khỏi tầm kiểm soát. Bởi lẽ, Thiên Chúa nói qua những thực tại đó lúc vui cũng như khi buồn. Các câu truyện Phúc âm được Chúa Thánh Thần mặc khải để soi sáng trong đêm thâu, để hướng dẫn khi lạc đường. Bây giờ xin bắt đầu từ bài đọc sách Công vụ.

Rõ ràng ông Phêrô đã hoàn toàn thay đổi. Sáng tinh sương Chúa nhật phục sinh, ông chạy ra mồ, thấy ngôi mộ trống, dây băng và khăn liệm còn đấy. Nhưng xác Chúa Giêsu biến mất. Người môn đệ “khác” cũng chứng kiến như vậy và đã tin Chúa phục sinh. Phêrô không phản ứng. Bài đọc một hôm nay mô tả một Phêrô khác hẳn. Ông rời mộ, mạnh dạn rao giảng Tin mừng phục sinh cho người Do thái. Trên đường lên đền thờ cầu nguyện, ông và Gioan gặp anh què ăn xin. Phêrô đã chữa lành anh què, và đám đông hiếu kỳ tuôn đến xem dấu lạ. Phêrô nắm lấy cơ hội rao giảng về Chúa Giêsu. Bài đọc hôm nay là khởi sự bài giảng đó. Tác giả Mary Catherine Hilkert, OP, đã dùng phép lạ này như điểm khởi đầu cho cuốn sách của dì về thần học giảng thuyết công giáo. Tôi xin mạn phép tóm tắt vài điểm như sau:

Kết quả thứ nhất của việc chữa lành và bài giảng của Phêrô về Chúa Giêsu phục sinh là ông và Gioan bị bắt do lệnh của các thế lực đền thờ: tư tế, lãnh binh, và nhóm Sađucêo. Hai ông bị tống ngục qua một đêm. Ngày hôm sau bị giải ra toà án tôn giáo Do thái. Phêrô lại có cơ hội rao giảng Chúa Giêsu phục sinh. Sự thông thái uyên bác của ông làm cho hội đồng ngạc nhiên. Công vụ ghi lại như sau: “Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và Gioan mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu (4,13). Từ lúc nhìn vào mồ trống, Phêrô đã thay đổi. Kết quả thứ hai là nhiều thính giả đã tin vào sứ điệp của hai ông: “Nhưng trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng 5000.” (4,4) Trong một thành phố chỉ khoảng 40.000 dân thì số 5000 quả là ấn tượng. Tỷ lệ là 1/8. Tức cứ 8 người thì đã có một người tin theo lời của Phêrô và Gioan. Tỷ lệ này ngày nay chúng ta không thể đạt được. Thực sự việc Đức Kitô sống lại đã biến đổi các Tông đồ một cách ngoạn mục. Phêrô can đảm nói với đám đông: “Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh là Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Về điều này, chúng tôi xin làm chứng. (3,14). Mới mấy ngày trước các ông còn run sợ người Do thái, đóng kín cửa khi hội họp cầu nguyện. Bây giờ tuyên bố mình là nhân chứng. Bài Tin mừng Luca cũng dùng từ “nhân chứng” : “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (24,48). Khi hai môn đệ trở về từ Emmaus kể lại việc họ đã gặp Chúa sống lại và đã nhận ra Ngài lúc bẻ bánh và đang được mọi người nói cho hay Chúa cũng hiện ra với Simon thì bất ưng Chúa xuất hiện, cắt ngang câu truyện của họ. Mọi người ngạc nhiên, sửng sốt và sợ hãi. Chúa khiển trách họ cứng lòng tin. Ngài cho họ xem các thương tích để minh chứng Ngài đã sống lại và đang sống bằng thân xác mà họ đã thấy khi họ theo Ngài. Cũng thân xác ấy đã chịu đóng đinh. Tuy nhiên sự bất ngờ quá sức họ chịu đựng và hiểu được. Ngài thấy rõ tình thế, cho nên ăn một mẩu cá nướng để họ vững tin hơn: Chính Ngài chứ không phải bóng ma. Cuối cùng thì họ vui mừng vì được gặp lại Thầy. Cũng như trong trình thuật làng Emmaus, Chúa Giêsu đã giải thích Kinh thánh và bẻ bánh để mở mắt cho các ông. Cũng có bữa ăn để liên tưởng đến bữa cơm chiều tại Emmaus. Cử chỉ thân thiện trong bữa ăn khiến họ nhận ra Ngài. Chúa Giêsu sai họ đi làm chứng “về những điều họ mục kích”. Chúng ta vừa nghe thánh Phêrô trong bài đọc 1 xưng mình như nhân chứng về cái chết và sống lại của Chúa trước đám đông. Vậy thì một nhóm người, quê mùa, dốt nát, nhát đảm, đóng kín cửa vì sợ, bỗng nhiên trở nên mạnh dạn, liều thân làm chứng Chúa đã phục sinh, không phải là dấu chỉ hay sao? Từ thái độ ẩn trốn, rút lui, lúc này họ bước ra công khai và can đảm đó không phải là một sự thay đổi lớn hay sao?

Cho nên chúng ta phải tin rằng ở Giêrusalem, hơn hai ngàn năm trước, đã xảy ra một phép lạ, biến đổi các môn đồ Chúa Giêsu từ những người mà hội đồng Do thái tuyên bố là “không chữ nghĩa, thuộc tầng lớp bạch đinh” thành những con người can đảm và uyên bác. Họ đã mục kích quyền bính đền thờ loại trừ Thầy mình một cách nhục nhã và tưởng rằng: “Như thế là chấm dứt”. Hai môn đệ đã nhanh chóng rời Giêrusalem để về Emmaus. Trên đường họ gặp khách lạ cùng đi một hướng. Họ chia sẻ với người khách ý nghĩ chung của cả nhóm: “Chúng tôi hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel.” (Lc 24,21). Lòng đầy thất vọng các môn đệ phân tán, ẩn trốn. Bỗng tự nhiên họ bung ra rao giảng và ăn nói mạnh bạo, thông thái không kém các kinh sư, triết gia. Quyền năng họ nhận được ở “căn phòng trên lầu” thúc đẩy họ công bố sứ điệp biến đổi toàn thể loài người. Đức Giêsu đã chết, nay còn đang sống và ơn tha thứ được ban cho “mọi quốc gia”.

Ngay từ đầu sách Công vụ, thánh Luca đã cho chúng ta hay ơn Chúa sống lại đã hoàn toàn thay đổi nếp sống, nếp suy nghĩ của các Tông đồ. Thánh kinh trong suốt tuần lễ sau Phục sinh sẽ còn kể lại các hồng phúc mà Giáo đoàn tiên khởi nhận được từ Chúa sống lại. Điều này ảnh hưởng chúng ta ra sao, những kẽ sống cách xa biến cố hàng ngàn năm? Chúng ta có đủ can đảm rời bỏ nơi cư ngụ an toàn, sang trọng để bung ra rao giảng Chúa Phục sinh cho đồng bào vùng sâu, vùng xa đang đói khát Tin mừng? Chúng ta có dám từ bỏ sợ hãi, bất an lại sau lưng mà xung phong tới các nơi nguy hiểm để rao giảng danh Chúa? Xin lưu ý: Hội đồng Do thái gọi các Tông đồ Phêrô và Gioan là những đạo hữu phần đời, không thuộc vào hàng tư tế đền thờ. Do đó, công việc làm chứng cho Chúa sống lại không phải là đặc ân của hàng giáo sĩ, nhà tu. Nó là bổn phận chung cho hết mọi tín hữu. Thánh sử Luca đáp ứng quan điểm này. Ngài khai mở câu truyện bằng sự nhắc nhớ đến việc bẻ bánh của các Tông đồ. Chúa Giêsu hiện đến giải thích Thánh kinh cho họ, tất cả các phần chính của Kinh thánh Do thái, các Ngôn sứ, lề luật Môsê và Thánh vịnh. Như vậy ngày hôm chúng ta cũng sẽ được gặp gỡ Chúa Kitô Phục sinh trong hai hoạt động chính của cộng đoàn : đọc Thánh kinh và bẻ bánh. Điều mà chúng ta đang thực hiện trong ngôi thánh đường này. Chúng sẽ là nguồn sức mạnh để đi rao giảng Đức Ki-tô và làm chứng cho Ngài. Đúng như các tín hữu tiên khởi đã làm.

Chúng ta sẽ làm chứng khi hoàn toàn thay đổi lối sống và não trạng vô đạo. Gióng lên tiếng nói đức tin. Bài đọc hai gợi ý tình yêu là đặc điểm chính yếu của nếp sống theo Chúa Kitô: Chỉ khi nào tình yêu ngự trị giữa cộng đoàn, lúc ấy Chúa Giêsu hiện diện. Cuộc sống tín hữu luôn luôn được tăng cường, đổi mới nhờ việc đọc Thánh kinh, hội họp cầu nguyện và bẻ bánh yêu thương. Giống như thánh Phêrô và Gioan là nhân chứng phần đời của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng như vậy nhờ các sinh hoạt trên. Thế giới ngày nay đầy dẫy những lo âu, chiến tranh, hận thù: Iraq, Korea, Israel, lục địa Phi Châu. Xem ra lẽ phải thuộc về kẻ mạnh, người nhiều võ khí. Nhu cầu làm chứng cho Vua hoà bình, Đức Ki-tô Phục sinh ngày càng trở nên cấp thiết. Người nghèo khổ, già cả, yếu đau, lạc loài, trẻ nhỏ, càng cần được bảo vệ. Trái đất, môi trường sinh thái phải được chăm lo đúng mức để làm chỗ ở vui tươi lành mạnh cho mọi người. Chắc hẳn sứ điệp hoà giải của Chúa Phục sinh cũng hàm chứa các ý tưởng đó. Chúng ta hãy làm chứng cho Ngài bằng lối sống yêu thương hoà hợp với mọi thành phần nhân loại, mọi quốc gia và với Đức Ki-tô Phục sinh. Amen. Allêluia.

Lm. Jude Siciliano, OP.

VietCatholic Network

Chia sẻ Bài này:

Related posts