Thiên vị

Chúa Nhật 25 Thường Niên B

(Kn 2,12.17-20; Gc 3,16–4,3; Mc 9,29-36)

Sống chung trong một xã hội, con người không tránh khỏi những va chạm, ganh tị và cãi vã. Con người mang tính ích kỷ trong mình và luôn mong muốn được hơn người khác. Người ta bon chen đua đòi hơn thua về mọi khía cạnh cuộc sống cả về tinh thần lẫn thể xác. Tranh dành về quyền thế, địa vị, danh vọng, tiền bạc và về thành qủa công ăn việc làm. Điều gì tốt đẹp và có lợi ích cũng có kẻ ham muốn chiếm đoạt. Sách Khôn Ngoan đã cảnh báo: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo” (Kn 2,12). Kẻ sống trong lầm lạc, tự do và bất công thì thù ghét những người công chính và ngay thẳng. Họ ghen tị người khác chỉ vì họ yêu thích lối sống tầm thường theo bản năng.

Nhiều người chạy theo những đòi hỏi tạm thời mau qua chóng hết để thoả mãn cuộc sống. Họ sống buông thả đi ngược lại với luân thường đạo lý. Họ ghét bỏ những người dám lên tiếng trách cứ hành động sai trái và lầm lạc của họ. Những người sống vô kỷ luật thì không muốn nhắc đến luật lệ vì lương tâm của họ có thể sẽ bị cắn rứt nhức nhối. Họ cũng không muốn ai nhắc bảo điều hơn lẽ thiệt vì có thể sẽ mất đi những hương vị ngọt ngào và dễ dãi của kiểu sống hưởng thụ. Tâm hồn của những kẻ gian ác chứa đầy những mầm mống của thù hận, ghen ghét và hủy hoại. Nếu không biết thức tỉnh, những sự thôi thúc nội tâm của bản năng thú tính sẽ đưa đẩy và kéo lôi con người vào sự dữ. Chúng ta không thể tưởng tuợng sự hung dữ cực kỳ của con người có máu lạnh.

Theo lời dạy của Thánh Giacôbê Tông đồ: “Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa” (Gc 3,16). Trong thế giới, xã hội con người đã trải qua những cuộc tàn phá diệt chủng khủng khiếp ở Đức Quốc, Rwanda và Campuchia… Khi cái ác chiếm ngự tâm hồn thì con người giống như những con quái vật. Họ mất đi tính người mà hành động theo thú tính, thực tình mà nói dữ hơn thú dữ. Chúng ta không thể hiểu điều gì đã thôi thúc cháy lửa trong lòng để họ phải hành động dã man như thế. Người ta gọi họ là những người say máu hay khát máu. Khi lương tâm một người bị cuồng say và sa đoạ, người đó có thể làm bất cứ điều gì. Sự thiện và sự ác, tình yêu cũng như hận thù, nếu không được khơi dậy, dưỡng nuôi và chăm tưới, nó sẽ lụi tàn. Càng gây hận thù thì lửa hờn ghen báo thù càng mạnh. Chúng ta đừng thêm dầu vào lửa.

Sự ghen tương và tranh quyền đạt lợi đã dẫn đến những cuộc chiến tranh thảm khốc gây nên sự chết chóc, chia ly và phá huỷ. Tất cả là do lòng tham sân si của con người. Hai bên thiện ác luôn đối nghịch trong cuộc sống của con người xã hội. Sự ác dữ và sự sai trái có một hấp lực thu hút con người cách mạnh mẽ như nam châm. Tội ác làm chúng ta mê lầm và mù quáng khi xét đoán: “Chúng suy tính như vậy thật sai lầm, vì ác độc mà chúng ra mù quáng” (Kn 2,21). Người gian ác chỉ muốn tiêu diệt và phá huỷ. Người ác tìm cách giết hại những người công chính. Tác giả sách Khôn Ngoan muốn ám chỉ về Con Thiên Chúa. Như một lời tiên báo Con Người sẽ phải bị kết án và chết cách nào: “Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm” (Kn 2,20).

Chúa Giêsu dám đối diện với sự thật vì chỉ có sự thật mới có thể giải thoát. Chúa đã từ từ mạc khải cho các môn đệ về đường đi lối bước của Chúa. Chúa chọn con đường khởi từ thấp đi lên và con đường chông gai khổ đau để đạt tới vinh quang. Chúa Giêsu đã dạy các Tông đồ một cách rất chân tình: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Đối diện cái chết, thường thì ai cũng tránh né và sợ hãi. Mấy ai dám nói đến sự chết của riêng mình. Vua chúa trần gian tìm mọi cách để bảo vệ sự sống và vương quốc của riêng mình. Họ lo xây dựng và tìm đạt vinh quang qua sự hy sinh của thuộc hạ và toàn dân. Trong khi Chúa Giêsu chọn một con đường khác biệt, con đường thánh giá. Không mấy ai muốn hiến thân đi vào con đường này.

Con đường Chúa đi là con đường đi lên Núi Sọ. Con đường của hiến thân phục vụ và hy sinh mạng sống vì anh chị em. Các tông đồ dù đã đi theo Chúa nhiều ngày, nhiều tháng những vẫn chưa hiểu được ý nghĩa thâm sâu của mầu nhiệm thập giá. Các tông đồ vẫn còn não trạng của con người trần thế tìm đạt vinh quang mau qua chóng hết. Các ngài tranh luận với nhau và tranh dành chỗ đứng trong anh em. Chúa Giêsu mở một đường sống mới: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Làm đầu là để phục vụ. Đây là một tư tưởng hoàn toàn mới lạ đối với các Tông đồ và chúng ta. Chúa Giêsu dẫn các Tông đồ vào con đường hẹp của thập giá.

Chúa lại chọn con đường khiêm hạ và đau khổ thập giá để đến với nhân loại. Chúa đi con đường khổ hẹp cốt để thuyết phục nhân tâm. Chúa đã hạ mình xuống tận đáy vực thẳm để cảm thông những cùng cực của kiếp người. Chúa dẫn dắt con người vào chính lộ của niềm vui phục vụ và bác ái. Niềm vui tự tại trong tâm hồn. Muốn theo Chúa, chúng ta phải vác thánh giá hằng ngày mà theo. Thánh giá chính là những sự vui buồn và sướng khổ của cuộc sống. Chúng ta vui nhận cuộc sống vô thường này với tất cả ý thức và sự trân quý. Không có điều gì tốt lành mà chúng ta đã thực hiện mà không sinh ích. Việc tốt sẽ sinh trái tốt. Chấp nhận mọi sự cố xảy đến trong đời với sự bình tâm và thanh thản. Chọn lựa thái độ sống là của chúng ta và không có sự gì có thể làm khó chúng ta.

Thánh Giacôbê khuyên dạy chúng ta hãy có thái độ khôn ngoan: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc 3,17). Hoa trái của sự khôn ngoan là sự hài hoà, tha thứ, bao dung và hợp nhất. Người ta thường nói: Người đầu bạc thì khôn ngoan. Muốn nên hoàn thiện, chúng ta phải kinh qua thử thách như lửa thử vàng, gian nan thử đức. Càng trải nghiệm qua nhiều đau khổ, chúng ta càng có nhiều kinh nghiệm sống và khôn ngoan đối xử. Gian khổ là nấc thang giúp chúng ta bước lên, tiến tới, gạn bỏ đi những lầm lỗi và nết hư tật xấu. Bất cứ nhân đức nào cũng cần phải tu luyện, tập tành và bồi dưỡng hằng ngày.

Chúa Giêsu đã loan báo sự đau khổ, sự chết và sống lại. Chúa đã từng trải tất cả những biến cố đau thương và chết cách nhục nhã trên Thánh giá. Từ trên Thánh giá nguồn ơn phúc đổ tràn. Chúa tha tội cho mọi người xúc phạm đến Chúa. Chúa mở cửa thiên đàng đón nhận kẻ biết ăn năn hối cải. Chúa giao hoà giữa Thiên Chúa Cha và loài người cùng ban ơn cúu độ cho nhiều người. Thánh giá đã trổ hoa.

Lạy Chúa, Chúa đã đi qua tất cả các chặng đường khổ đau qua sự chết tới sự sống lại. Xin cho chúng con biết kết hợp những sầu khổ vào thánh giá của Chúa, để những khổ đau biến thành những hoa trái của niềm hoan lạc và hạnh phúc muôn đời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Chia sẻ Bài này:

Related posts