- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Tận mắt thấy mà vẫn hồ đồ

Ngày xưa, tôi rất thích chơi ô chữ. Lớn hơn một chút, lại thích trò “chơi chữ”, kiểu dùng một chữ theo nhiều nghĩa hoặc chiết tự để có một nghĩa khác hẳn. Ngẫm nghĩ người xưa thâm thuý thật! Những con chữ tưởng như vô tri giác lại có khả năng chuyển tải những tư duy trừu tượng, những triết lý sống, những tư tưởng sâu sắc… Chả thế mà những người không biết chữ thường bị gọi là “mù chữ”.

Thời mở cửa, bập bẹ nói tiếng Anh với khách nước ngoài, từ mà tôi được nghe nhiều nhất là: “I see”. Không chỉ đơn giản nghĩa là “tôi thấy” mà còn là “tôi biết”, “tôi hiểu” (I know, I understand). Động từ “thấy” vẫn bao hàm nhiều nghĩa như Chúa Giêsu đã lên tiếng cách đây vài ngàn năm:

“Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” Những người Pharisêu đang ở đó với Đức Giêsu nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” Đức Giêsu bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!” (Ga 9, 39-41).

Thì ra, cái sự “thấy” cũng lắm nhiêu khê! Có mắt chưa hẳn đã thấy. Nói mình thấy chưa hẳn đã thấy. Diễn tả những thứ trước mắt chưa hẳn đã thấy. Vậy thì, như thế nào mới gọi là thấy?

Tôi lại nhớ chuyện Khổng Tử và Nhan Hồi:

Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Dạo đó, chiến tranh loạn lạc nên đói kém, thầy trò chỉ còn một ít gạo… Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi ở nhà thổi cơm.

Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ. Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống, thấy Nhan Hồi tay đang mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ… Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, rồi từ từ đưa cơm lên miệng… Khổng Tử thở dài, ngửa mặt lên trời mà than thầm: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư?”

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về luộc… Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm. Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy… cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?” Các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!” Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền ngăn lại: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.” Khổng Tử hỏi: “Tại sao?” Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì làm mất một phần ăn. Vì thế, cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và anh em… Và thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi, suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

Một người minh triết như Khổng Tử còn “suýt trở thành hồ đồ” chỉ vì những điều chính mắt mình thấy, vậy thì có khi không thấy lại tránh được những chuyện hồ đồ! Tôi đã hiểu được phần nào câu nói của Chúa Giêsu: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!” Trong cuộc sống thường ngày, tôi luôn muốn chứng tỏ mình là “người thấy” bằng những kiến thức cóp nhặt đó đây, bằng những am hiểu con người và thời thế, bằng những thông tin theo kịp thời đại, bằng những nguyên tắc nguyên lý… Và lắm khi, để củng cố cho điều mình nói tôi thường sử dụng câu “chính mắt tôi thấy” mặc dù nhiều khi tôi chẳng thấy gì sất! Tệ hơn nữa, tôi cứ tự cho mình “thấy” nên tha hồ phê phán, xét đoán vung vít mà chẳng cần biết đối tượng có thể tổn thương đến đâu. Chỉ cần phô diễn cho mọi người biết rằng “tôi thấy” (I see, I know, I understand).

Anh chàng Bartimê mù loà trong trình thuật hôm nay đã “thấy” ngay cả trước khi Chúa chữa cho anh được sáng mắt.

* Vì “thấy” nên anh mới kêu lên: “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi!”
* Vì “thấy” nên anh càng kêu to hơn khi người ta bảo anh im.
* Vì “thấy” nên anh mạnh dạn liệng áo choàng để đến cùng Chúa.
* Vì “thấy” nên anh mới thưa cùng Chúa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.”
* Vì “thấy” nên anh được Đức Tin chữa lành và đi theo Chúa.

Anh thấy gì? Chắc chắn anh không thấy những điều thị phi làm lý lẽ hơn thua ở đời. Anh chỉ thấy trước mặt mình một Đấng quyền phép và khoan dung. Mặc kệ mọi người ngăn cản hay mắng nhiếc, anh vẫn tin Đấng ấy sẽ thương xót anh, cứu vớt anh, chữa lành cho anh, đem anh ra khỏi bóng tối bấy lâu hằng vây chặt lấy anh. Anh đang ngồi ăn xin, nghĩa là anh xin ở người qua đường miếng cơm tấm bánh qua ngày; nhưng với Đấng ấy, anh chỉ xin được “thấy”.

Thật bất ngờ, Đấng ấy không phô diễn quyền phép mà chỉ nói: “Đức Tin của anh đã cứu chữa anh!” Đấng ấy đã cho anh và cho cả tôi hôm nay một bài học mới: Chỉ có Đức Tin mới có thể hóa giải tình trạng mù lòa trong mỗi người chúng ta. Chính tình trạng mù loà này đã khiến chúng ta “thấy” mà vẫn trở thành hồ đồ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tự nhận là kẻ đui mù để được Chúa thương xót và đem ánh sáng Đức Tin soi vào lòng trí chúng con. Nhờ đó, chúng con mới thực sự “nhìn thấy” những gì thuộc về vinh quang Chúa để chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ suốt mọi ngày trong đời sống chúng con. Amen.

Pio X Lê Hồng Bảo

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]