Sống Thế Nào Thành Thể Ấy!

Trong vở hài kịch mang tên “The Curious Savage,” nhân vật Fairy May thấy chán chường nên than thở, “Suốt một ngày đằng đẵng như hôm nay, chưa ai tỏ ra yêu thương tôi cả.” Nghe vậy, một nhân vật tên là Savage đáp lại, “Có rồi đấy, Fairy. Mình đã nghe Florence nói điều đó ở bàn ăn. Florence bảo, ‘Này Fairy, đừng ăn nhanh quá.'” Fairy vặn lại, “Nói vậy mà bảo yêu thương tôi à?” Savage đáp, “Chứ còn gì nữa. Khi người ta bảo, ‘Nhớ mang dù theo, trời đang mưa kìa,’ hoặc ‘Đi sớm về sớm nhé,’ hoặc ‘Coi chừng, không khéo gẫy cổ đấy,’ tức là người ta đã quan tâm đến mình. Có cả trăm ngàn cách để thể hiện lòng yêu thương. Fairy thân mến, mình phải để ý mới nhận ra được.”

Fairy May bấy giờ mới nói, “Anh chàng nha sĩ bảo tôi có sức hấp dẫn mê hồn. Theo chị, như vậy là anh ấy thừa nhận đã yêu thương tôi sao?” Savage đáp ngay, “Chứ còn gì nữa?” Fairy May, mặt mày rạng rỡ, nói lí nhí trong miệng, “Cảm ơn chị. Tôi đã vô ý bỏ qua nhiều quá. Ôi, anh nha sĩ của tôi đã yêu tôi rồi!”

Cách giao tế sẽ tạo nên hình ảnh chúng ta trong cái nhìn của người khác. Khi hình ảnh chúng ta hiện lên trong tâm trí người khác, chúng ta muốn nhận được một phản ảnh như thế nào? “Đồ xấu bụng” hay “Hạng ích kỷ” hay “Đồ đưa điều đặt chuyện” hay “Đó là người hôm nay đã thừa nhận rằng tôi rất dễ thương.” Quả thật, chúng ta có thể tác động lên nhận định của người khác – nhất là khi chúng ta coi tiếng Anh (hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào khác) là ngôn ngữ thứ hai, còn tiếng Chúa Thánh Thần mới là ngôn ngữ thứ nhất của mình. Hãy mở rộng tâm hồn của chúng ta, cảm xúc của chúng ta, khát vọng của chúng ta, tưởng tượng của chúng ta, ngôn từ và cử chỉ của chúng ta cho Chúa Thánh Thần và hãy nói năng, hãy ca hát, hãy nhảy múa, hãy tán dương và hãy loan truyền thứ ngôn ngữ hân hoan ấy.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu dạy: “Thầy là cây nho. Cha Thầy là người trồng nho. Các con là nhành nho. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Không có Thầy, các con không thể làm gì được” (Ga 15:5). Theo mạch văn ở đây, từ “sinh nhiều hoa trái” có nghĩa là sống một Sự Sống mới, sự sống mà chúng ta, những Kitô hữu, đã tìm kiếm được. Những nhành nho chẳng sinh hoa kết trái không thể mưu ích cho thế giới và tha nhân như ý muốn Chúa Kitô. Tình trạng vô dụng của họ ví như những nhành nho héo úa và chết khô, sẽ bị chặt bỏ và vứt đi. Nhưng tất cả những nhành nho, kể cả những nhành lắm hoa sai trái, nếu được cắt tỉa, sẽ hưởng lợi và sẽ sinh nhiều hoa trái hơn nữa. Vì thế, Thiên Chúa, người trồng nho, sẽ cắt tỉa nơi các môn đệ Chúa Kitô để họ trổ sinh hoa trái dồi dào. Mục đích của cây nho là sinh hoa kết trái. Mục đích của Chúa Kitô, Cây Nho, là tìm kiếm các môn đệ, những người không những thể hiện mà còn chia sẻ Sự Sống mới mà Người đã ban tặng cho họ. Đối với anh chị em, cũng như với tôi, căn bản việc “sinh hoa kết trái” là đời sống kết hợp với Chúa Kitô, Cây Nho đích thực.

Sứ điệp Phúc Âm hôm nay là Chúa Kitô mong chờ nơi chúng ta, các môn đệ của Người, một cuộc sống. Hơn nữa, Người còn giúp chúng ta sống cuộc sống ấy. Nhưng điều kiện – điều kiện không thể thiếu – là chúng ta phải sống với Người, lệ thuộc vào Người và không bao giờ xa cách Người. Chúa Kitô là sức mạnh, là thần lực, là sự sống trong chúng ta; và chúng ta đừng bao giờ nghĩ tưởng đến việc nương nhờ hoặc kiếm tìm bất kỳ một nơi nào khác. Chúa Giêsu cho biết, cuộc sống của chúng ta chỉ thực sự được ban phúc khi chúng ta sống với Người và trong Người mà thôi.

Sống với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô là sống theo thánh luật của Người. Sống với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô là noi theo tấm gương của Người để thi hành thánh ý Chúa Cha. Sống với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô là sống giới luật yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta. Sống với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô là sinh nhiều hoa trái qua việc hằng ngày thể hiện nếp sống làm môn đệ Người.

Trước cuộc thương khó và tử nạn ít lâu, Chúa Giêsu đã nặng lời với bọn giả hình, “Khốn cho các ngươi, vì các ngươi bỏ bê các điều quan trọng nhất trong lề luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Đây là những điều phải làm” (Mt 23:23). Chúa đã cảnh báo các môn đệ đừng để những kẻ giả hình ấy dẫn đường chỉ lối, vì “họ nói mà không làm” (Mt 23:3).

Bạn và tôi,  chúng ta sống thế nào, chúng ta sẽ thành thế ấy. Chúng ta hãy sống theo một lối suy nghĩ để nó sẽ trở thành tư tưởng đặc trưng của chúng ta. Sống theo những tư tưởng thiên kiến, và chúng ta sẽ thành một người thiên kiến. Sống theo những tư tưởng căm ghét – “tôi ghét cái này,tôi ghét cái kia,tôi ghét anh này,tôi ghét chị nọ” – và chúng ta sẽ trở thành một con người đầy căm ghét. Sống theo những tư tưởng hắc ám và chúng ta sẽ trở thành một con người hắc ám. Sống theo những tư tưởng vui tươi, chúng ta sẽ dần dà tạo lập niềm vui – làm lan tỏa niềm vui – niềm vui sẽ trở thành lối suy nghĩ và đặc điểm riêng trong nhân cách của chúng ta. Và rốt cuộc, chúng ta sống thế nào, chúng ta sẽ trở thành thế ấy:
Ngày xưa có một thằng nhỏ, trong lúc giận dỗi tức tối, như muốn gào lên, “Con ghét mẹ!” Nhưng vì sợ bị đòn, nó đã chạy lên sườn đồi gào xuống thung lũng: “Con ghét mẹ! Con ghét Mẹ! Con ghét Mẹ! Con ghét mẹ!” Thế rồi từ đáy thung lũng có thanh âm vọng lại, “Con ghét mẹ! Con ghét mẹ! Con ghét mẹ! Con ghét mẹ!” Hiện tượng này làm thằng nhỏ hoang mang, chạy về nhà và kể cho mẹ biết dưới thung lũng có tiếng kêu, “Con ghét mẹ.” Người mẹ dẫn con ra sườn đồi và bảo nó la to: “Con yêu mẹ! Con yêu mẹ! Con yêu mẹ! Con yêu mẹ!” Khi đứa trẻ vừa dứt tiếng, từ thung lũng có tiếng đáp lại, “Con yêu mẹ! Con yêu mẹ! Con yêu mẹ! Con yêu mẹ!”

Chúng ta nhận lãnh những gì chúng ta trao tặng. Chúng ta gặt hái những gì chúng ta gieo vãi. Hoa trái sinh ra sẽ trả lại dồi dào cho chúng ta. Nhưng để nghiệm được niềm vui của đời sống tốt lành và phong phú Chúa Giêsu đã ban tặng, chúng ta cần phải sống! Chúng ta cần phải sống, phải sống như một Kitô hữu!

Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ

Chia sẻ Bài này:

Related posts