Nhân cách Tín Hữu Kitô

Có một bà lớn tuổi bị bệnh nặng và đang trong tình trạng hấp hối. Bà cảm thấy như được đưa lên thiên đàng và đứng trước tòa phán xét. Có một Tiếng Nói hỏi, “Bà là ai?”

“Tôi là vợ của ông thị trưởng,” bà trả lời.

“Ta không hỏi bà là vợ của ai, nhưng bà là ai?” “Tôi là mẹ của bốn đứa nhỏ.”

“Ta không hỏi bà là mẹ của ai, nhưng bà là ai?” “Tôi là một giáo chức.”

“Ta không hỏi bà làm gì, nhưng bà là ai?” “Tôi là một người Công Giáo.”

“Ta không hỏi tôn giáo của bà, nhưng bà là ai?”

Hiển nhiên là bà không trả lời được câu hỏi này, và bà giật mình tỉnh dậy. Sau khi được bình phục, bà quyết tâm tìm hiểu mình là ai. Và vì vậy cuộc đời bà trở nên khác biệt. (Trích trong Anthony De Mello, Taking Flight, 140).

Câu chuyện nói trên giúp chúng ta hiểu được phần nào câu hỏi của Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay khi Người hỏi các môn đệ, “Các con nói thầy là ai?”

Giả như có một người đàn ông đứng trước mặt chúng ta và hỏi, “Ông/bà nói tôi là ai?”, câu trả lời của chúng ta sẽ tùy thuộc sự hiểu biết của chúng ta về người ấy. Nếu chúng ta không quen biết gì thì câu trả lời sẽ rất khách quan, “Ông là một người đàn ông.” Nếu quen biết đôi chút, có thể chúng ta sẽ trả lời, “Ông là một người tôi thấy trong nhà thờ St. Justin,” hoặc “Ông là phó tế, ông là thừa tác viên, ông là chủ tịch giáo xứ”, v.v. Nói chung, câu trả lời của chúng ta sẽ rất khách quan, và như vậy, nó chưa thực sự trả lời được câu hỏi của Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay, “Các con nói thầy là ai?”.

Trở lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, sau khi được hỏi, ông Phêrô không trả lời, “Thầy là người thợ mộc ở Nagiarét”, hay “Thầy nổi tiếng là người làm phép lạ,” nhưng ông đã nói đến nhân cách, đến con người và bản chất của Chúa Giêsu, “Thầy là Đấng Kitô” (Kitô có nghĩa là Người Được Xức Dầu, Được Chọn, Được Sai Đến), nhờ tương quan mật thiết với Đức Giêsu nên ông biết rõ về Đức Giêsu.

Câu trả lời của ông Phêrô được Chúa Giêsu gián tiếp công nhận là đúng, nhưng vì chưa đến lúc nên Người đã ngăn cấm tiết lộ. Qua câu trả lời này chúng ta thấy nhân cách, bản chất của con người thì quan trọng hơn địa vị, nghề nghiệp. Nói cách khác, một người xấu hay đẹp, làm thợ mộc hay làm bác sĩ, kỹ sư thì không quan trọng bằng nhân cách của người ấy.

Trong xã hội, không thiếu những người có địa vị cao, có quyền thế nhưng không có nhân cách, và ngược lại, nhiều người thấp kém trong xã hội nhưng lại có nhân cách.

Tỉ như ông Santiago Gori, một tài xế taxi ở Á Căn Đình, vào một ngày trong tháng Năm 2009 ông khám phá ra có người khách nào đó đã để quên một gói tiền trị giá $32,500 đô la ở trên xe của ông. Thay vì im lặng lấy số tiền mà chẳng ai biết, ông đã cố gắng tìm ra địa chỉ của người khách này và trả lại số tiền ấy. Xã hội Á Căn Đình hiện đang nổi tiếng là tham nhũng, hối lộ, nên hành động của ông Santiago Gori, tài xế taxi, được coi là phi thường và đáng thán phục, vì thế một trang web đã được thiết lập để vinh danh ông, và những người vào trang web ấy đã đóng góp để tặng cho ông một số tiền tổng cộng khoảng $14,580 đô la! (http://news.bbc.co.uk/go/pr/fr/-/2/hi/americas/8039240.stm).

Trái với thái độ đầy nhân cách nói trên, lại có câu chuyện ngược lại. Vào tháng Năm 2006, David Sharp 34 tuổi, người nước Anh đã đơn độc leo lên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn cao nhất thế giới. Nhưng khi đi trở xuống anh ta bị thương phải nằm ở một chỗ chờ cấp cứu. Trong ngày hôm ấy, có khoảng 40 người khác cũng leo núi, cũng đi ngang qua chỗ anh ta nằm, họ đã trông thấy anh, biết anh cần sự giúp đỡ nhưng không một ai dừng chân để cứu anh. Hậu quả là anh đã chết trong một hốc đá vì thiếu dưỡng khí.

Câu chuyện của người tài xế và câu chuyện của 40 người leo núi giúp chúng ta thấy rõ hơn giá trị của lời Chúa trong bài phúc âm hôm nay mà thoạt nghe, chúng ta tưởng mâu thuẫn, khi Chúa nói, “Ai muốn duy trì mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

40 người leo núi trên kia không muốn dừng chân giúp đỡ, không muốn chia sẻ dưỡng khí cho anh David vì họ muốn gìn giữ mạng sống của mình trong tình trạng nguy hiểm, và có lẽ họ vội vã muốn đạt được điều mong muốn là leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới để thấy mình có giá trị vì đã thành công. Nhưng sự tự hào về sức mạnh, về giá trị của họ lại bị khuất phục trước tham vọng cá nhân của chính họ! Họ nghĩ là mình có giá trị vì đã chinh phục được ngọn Hy Mã Lạp Sơn cao vút, nhưng nhân cách của họ đã bị lu mờ khi để mặc một đồng loại nằm chết cóng! Đỉnh thành công vẫn còn thấp hơn sự ích kỷ và cao ngạo! Thái độ của 40 người này không khác gì gián tiếp giết người!

Nhân bài phúc âm hôm nay, chúng ta thử tìm hiểu xem nhân cách là gì?

Một danh nhân Hoa Kỳ đã tóm lược định nghĩa nhân cách trong một câu ngắn gọn, “Nhân cách là con người của bạn khi ở trong bóng tối” (D.L. Moody). Khi không ai trông thấy chúng ta mà chúng ta vẫn hành động đàng hoàng, công chính, đó là nhân cách của chúng ta. Điều chúng ta nói sau lưng người khác, điều chúng ta thi hành lén lút sẽ góp phần làm nên nhân cách của chúng ta. Khi hành động mà không ai thấy, đó là khi chúng ta phải đối diện với lương tâm, với sự thật, với sự tự do lựa chọn, và điều đó làm nên con người chúng ta.

Ông tài xế Santiago Gori đã có thể im lặng lấy số tiền bỏ quên ở trên xe vì chẳng ai biết, nhưng ông đã hành động như thể Thiên Chúa thấy rõ mọi công việc của ông. Ông là một người có nhân cách. Nói theo ngôn từ của phúc âm, ông đã “từ bỏ chính mình”—ông đã quên đi chính mình khi nghĩ đến sự đau khổ của người mất tiền để tìm cách hoàn trả lại cho họ. Đó không phải là một việc dễ dàng. Ông đã phải chiến đấu với chính bản thân khi bị giằng co giữa sự thiện và sự dữ, “có nên trả lại số tiền ấy hay không hoặc cứ giữ lấy mà tiêu xài”. Nói cách khác ông đã “vác thập giá của mình” khi cố gắng sống công chính. Bản tin không cho biết tôn giáo của ông, nhưng hành động của ông rất phù hợp với bài phúc âm hôm nay, và những ai “từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình” và theo Chúa Giêsu thì sẽ được sự sống đời đời.

Bài phúc âm hôm nay đưa ra một bài học khó khăn cho những người lãnh đạo, được thấy qua ông Phêrô. Là một con người bình thường, ông Phêrô cũng có cái nhìn bình thường về người lãnh đạo một tổ chức: Người lãnh đạo thì không thể nào thất bại. Vì thế khi nghe Chúa Giêsu nói về sự đau khổ, sự thất bại của Người thì ông Phêrô đã lên tiếng khiển trách. Nhưng phản ứng của Chúa Giêsu—rất mạnh mẽ khi gọi ông Phêrô là “Satan, hãy lui ra đằng sau”—cho chúng ta thấy điều quan trọng của người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo tôn giáo, thì không phải là sự thành công nhưng là nhân cách.

Trong lịch sử thế giới, nhiều lãnh tụ chính trị chỉ vì sự thành công mà họ đã đánh mất nhân cách. Họ sẵn sàng gian dối, mưu mô, thủ đoạn và ngay cả sử dụng người dưới như bàn đạp để xây đài danh vọng cho chính mình. Nhưng tấm gương của Chúa Giêsu cho thấy người lãnh đạo thì phải hy sinh chính mình cho người dưới chứ không thể sử dụng người dưới như công cụ. Cũng qua tấm gương của Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được đâu là một tổ chức tôn giáo đích thật. Ở đây, chúng ta phải cảm ơn các giám mục, linh mục đã can đảm đi theo con đường của Chúa Kitô mà hy sinh cả cuộc đời cho giáo dân chúng ta.

Bài học về nhân cách trong phúc âm hôm nay cũng có giá trị cho các người làm cha mẹ, là những người lãnh đạo một gia đình. Nhiều khi chúng ta quá chú trọng đến học vấn, sự nghiệp của con cái mà quên rằng nhân cách quan trọng hơn tất cả. Khi quá chú trọng đến sự thành công trong đời, vô tình chúng ta coi nhẹ giá trị tinh thần, và rồi để thành công trong đời, nhiều khi chúng ta sẵn sàng chấp nhận những lối sống trái ngược với phúc âm.

Nếu ngày hôm nay, Chúa Giêsu đứng trước mặt chúng ta và hỏi, “Các con nói Thầy là ai?”, chúng ta sẽ trả lời như thế nào?

Câu trả lời sẽ tùy thuộc sự tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Sự tương quan ấy không lệ thuộc vào hình thức đạo đức bên ngoài, nhưng lệ thuộc vào cái nhìn của chúng ta về nhân cách. Nếu chúng ta quý trọng nhân cách thì Đức Giêsu là một tấm gương để chúng ta cố gắng noi theo, và khi ấy, chúng ta sẽ thấy rằng chính chúng ta cũng là những người được Thiên Chúa chọn để thi hành một công việc nào đó trong Vương Quốc Thiên Chúa ở trần gian.

Câu chuyện của ông tài xế Santiago Gori và câu chuyện của anh David Sharp với các người leo núi cho thấy nhân cách giúp đem lại hạnh phúc, đem lại sự sống cho người khác, dĩ nhiên, nó phải trả bằng một giá nào đó. Nhưng chính sự hy sinh đó đã được Thiên Chúa nhìn thấy và đã được hứa ban cho sự sống đời đời.

Xin Thiên Chúa giúp chúng ta có được nhân cách giống như Chúa Giêsu Kitô.

Pt. Giuse Trần Văn Nhật

Người Tín Hữu

Chia sẻ Bài này:

Related posts