- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Mọi Người, Không Trừ Ai, Đều Là “Số Một”

Khi bảng số xe cá nhân được áp dụng tại Illinois, cục quản lý xe cộ nhận được trên một ngàn đơn yêu cầu xin nhận “số một.” Viên quan chức có quyền chuẩn nhận yêu cầu ấy tự nhủ, “Mình không thể cấp cho một người để rồi làm cho cả ngàn người thất vọng.” Ông đã giải quyết như thế nào? Ông đã dành số một cho chính mình.

Tại khu giải trí trong trung tâm thương mại, hai đứa bé, một trai một gái, cỡi chung một con ngựa máy. Đứa trai, ngồi phía trước, quay lại bảo đứa gái, “Nếu mày nhảy xuống thì tao sẽ được ngồi rộng hơn.”

Từ sau biến cố nguyên tổ sa ngã, tính sáng tạo tinh quái của con người được biểu lộ rất rõ ràng. Câu chuyện bắt đầu từ vườn Địa Đàng khi ma quỉ dụ dỗ Ađam và Evà tin rằng hắn đã tìm ra một phương sách giúp họ qua mặt Thiên Chúa để trở thành “số một.” Và câu chuyện cứ thế diễn tiến. Chúng ta hiện nay vẫn tìm cách để thành công tại chính nơi Ađam và Evà đã thất bại. Chúng ta tìm cách đứng đầu danh sách ưu tiên hơn mọi người. Chúng ta tìm cách đứng đầu ở mọi chỗ. Chúng ta tìm cách vọt lên làm người đầu tiên tại quầy kiểm tra hành lý. Chúng ta tìm cách để ra khỏi bãi đậu xe trước tiên. Chúng ta tìm đủ cách để chiến thắng cuộc chơi “Đến trước, ăn trước.” Nhưng kỳ thực đó là những biểu hiện của việc vi phạm lề luật. Trong trường hợp chúng ta là những tội nhân, tính sáng tạo tinh quái của chúng ta được biểu hiện rõ nhất khi chúng ta tìm cách để được thiên hạ thừa nhận là môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại không sống theo tấm gương của Người.

Có hai môn đệ thuộc nhóm đầu tiên của Chúa Giêsu đến thưa, “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin.” Chúa hỏi, “Các ngươi muốn Thầy thực hiện cho các ngươi điều gì?” Các ông thưa, “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10:35-37). (Nói khác đi, “Khi lên thiên đàng, chúng con muốn xin được chỗ nhất. Chúng con muốn được làm số một trên đó.”) Chúa Giêsu liền bảo, “Các ngươi không biết các ngươi xin gì! Giữa các ngươi, ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ các ngươi; ai muốn làm đầu các ngươi thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:38, 43-45).

Thánh Phaolô Tông Đồ kêu gọi, “Hãy khích lệ người nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối, và kiên nhẫn với mọi người” (1 Tx 5:14). Chúa Giêsu nói cụ thể hơn, “Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn. Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống. Ta là khách lạ, các ngươi đã đón tiếp Ta. Ta trần trụi, các ngươi đã cho Ta mặc. Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm Ta. Ta ở tù, các ngươi đã ghé đến Ta. Quả thật, Ta nói cho các ngươi biết, khi các ngươi làm điều này cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25:35-37, 40). Chúa Giêsu xác nhận những người yếu đuối, bất lực, bơ vơ, chán nản và nghèo nàn là những anh em của Người.

Tolstoy, văn sỹ người Nga, một ngày nọ đang tản bộ trên phố thì một người áo quần tả tơi ngửa tay xin bố thí. Ông thò tay vào túi nhưng bói mãi cũng chẳng ra được một xu. Ông đành thú thật với người hành khất, “Xin lỗi người anh em, tôi chẳng có một đồng nào trong người.” Vừa nghe tới đó, người hành khát với bộ dạng âu sầu bỗng tươi cười biết ơn và nói, “Ông đã cho tôi nhiều hơn những gì tôi xin. Ông đã gọi tôi là anh em của ông.”

Khi nghe tới khẩu hiệu, “Thiên Chúa đã chết,” một vị giảng thuyết thời danh đã thắc mắc, “Tại sao tôi không nhận được tin báo? Tôi cũng là người trong nhà.” Tất cả chúng ta đều là người trong nhà của Thiên Chúa. Chúng ta có đến hàng tỉ anh chị em. Ai muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ mọi người. Và ai muốn làm đầu thì phải làm tôi tớ mọi người. Không ai là “số một” vì mọi người đều là “số một.” Đó là bài thuốc của Chúa Giêsu để chữa lành tình trạng tồi tệ và đem lại ơn cứu độ cho chúng ta.

Một anh chàng bước vào lớp Thánh Kinh đã chật ních người. Anh nhìn quanh và thấy chỉ còn một ghế trống. Anh hỏi cô gái ngồi ghế bên cạnh, “Ghế này có người rồi phải không?” Cô gái đang đọc Thánh Kinh ngẩng lên và nói, “Chưa đâu, tất cả chúng tôi đang cầu nguyện cho chuyện đó.”

Trong Thánh Kinh, từ ngữ “cứu độ” thường nói lên những liên hệ đã được chữa lành hoặc chỉnh đốn. “Này đây là ngày cứu độ” (1 Cr 6:2). Đây là thời gian chúng ta chu toàn sứ mệnh yêu thương phục vụ của chúng ta. Đây là thời gian dành cho sự sáng tạo của Kitô hữu. Đây là thời gian tìm kiếm những phương sách để được thừa nhận là môn đệ Chúa Kitô qua việc noi gương Người. Thông thường, chúng ta giống như anh chàng trong buổi cầu nguyện đã thành khẩn thưa với Chúa, “Lạy Chúa, Chúa cứ dùng con thế nào tùy ý, nhưng trong lãnh vực tư vấn thôi.” Hôm nay là ngày chúng ta hãy nài xin Chúa sử dụng chúng ta trong cuộc sống.

Một tối nọ, William Randolph Hearst, một nhà xuất bản danh tiếng, bước vào văn phòng tờ “San Francisco Examiner” và nghe một nhóm phóng viên đang trao đổi về sự cố một người bị mắc kẹt trên tảng đá ngoài vịnh San Francisco. Thủy triều đang lên và sắp nhận chìm ông ta. Các phóng viên tranh luận về nguyên nhân vì sao ông ta lại mắc vào một trạng huống nguy ngập như thế. Hearst vội nói: “Làm sao cứu được nạn nhân mới là chính sự! Đi thuê ngay một chiếc thuyền nếu cần! Tuyển ngay mấy tình nguyện viên! Cứu người là việc phải làm tức khắc mới được.” Thông thường, khi thấy có ai cần đến sự giúp đỡ của mình, chúng ta dễ tỏ ra trịch thượng, “Sao lại để đến nước này?” Rồi chúng ta vận dụng đầu óc mưu mẹo để khỏi phải vướng tay bận chân. Nhưng đó không phải là cách sống của Chúa Giêsu, như chúng ta có thể thấy trong bài Phúc Âm hôm nay: Một người phung cùi đến gặp Chúa và quì xuống van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể cho tôi được sạch” (Mc 1:40). Vào thời Chúa Giêsu, người phung cùi là thành phần bị xã hội loại bỏ, bị coi như kẻ có thân thể ô uế, mà tâm hồn cũng ô nhơ. Người phung cùi bị cộng đồng loại trừ, bỏ mặc. Và người ta yêu cầu những kẻ tội nghiệp ấy phải tự cách ly. Trong bài Phúc Âm hôm nay, một người phung cùi đến với Chúa Giêsu, thế nhưng Đấng Cứu Độ không bắt anh ta phải đứng xa. Chúa cũng không hạch hỏi vì sao để ra nông nỗi như vậy. Người tiến lại gần: Người chạnh lòng thương, giơ tay, đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch!” Và lập tức, chứng phung cùi biến khỏi, và anh ta được sạch (Mc 1:41-42). “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.”

Cảm thông là hai tâm hồn cùng đỡ một gánh nặng. Charles Dickens cho rằng, “Trên đời này không có người vô dụng vì ai cũng có khả năng làm nhẹ gánh nặng cho người khác.” Thánh Phaolô Tông Đồ thì viết, “Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, thì cũng hãy nhờ Thánh Thần mà tiến bước. Chúng ta đừng tìm hư danh. Thưa anh em, nếu ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thánh Thần thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền lành mà sửa dạy. Hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn lề luật của Chúa Kitô. Thật vậy, ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, thì lường gạt chính mình” (Gl 5:25, 6:1-3).

Bài Magnificat tuyệt vời của Đức Maria bắt đầu bằng câu: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa… Người đã tỏ cánh tay dũng mạnh của Người, dẹp tan những phường lòng trí kiêu căng (Lc 1:46, 51).

Khi nghe những lời, “Chúng ta là số một! Chúng ta là số một!” vang lên từ những khán đài trong sân bóng đá, chúng ta thấy thật hứng thú và lành mạnh. Nhưng khi nghe vọng lên từ lòng trí chúng ta, thì đó là kiêu ngạo và ảo tưởng. Vì vậy, chúng ta hãy nhớ, “Chúa đã ra tay uy quyền đánh tan phường kiêu ngạo.”

Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]