- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

May mắn được sống sót

Chủ đề: “Trong ngày cuối cùng, chỉ có hai điều là đáng kể, là tinh thần phục vụ và tình thương ta dành cho tha nhân”

Bộ phim Occurrence at Owl Creek Bridge (biến cố xảy ra ở cầu Owl Creek) kể lại chuyện một người đàn ông sắp bị treo cổ. Bọn lính địch của anh dẫn bộ anh ra một chiếc cầu bắc ngang qua sông Owl Creek. Chúng lấy một tấm ván đặt một phân nửa lên cầu còn phân nửa kia để lòi ra khỏi thành cầu. Đoạn một tên lính đứng lên nửa tấm ván trên thành cầu, còn người tử tội bị dẫn ra đứng trên nửa tấm để lòi ra khỏi thành cầu. Kế đó, người ta cột chặt tay chân người tử tội, đoạn thòng một sợi dây từ đỉnh cầu xuống quấn vào cổ anh ta. Khi mọi sự đã sẵn sàng, viên chỉ huy sẽ ra hiệu lệnh thì người lính sẽ nhảy ra khỏi tấm ván, lập tức người tử tội bị hất xuống phía dưới với sợi dây siết vào cổ anh.

Ngay bấy giờ một điều kỳ lạ đã xảy ra. Sợi dây bị đứt và người tử tội rơi tỏm xuống lòng sông. Anh ta chìm sâu dưới nước. Lúc bấy giờ anh ta ý thức được mình vẫn còn sống và anh cố gắng tháo gỡ dây trói nơi tay và chân ra. Thật kỳ diệu thay, anh đã tự cởi trói cho chính mình được. Thế rồi khi nhận ra mình có cơ may sống sót, anh ta bắt đầu lặn sâu xuống. Sau đó, anh bơi ngang qua một cành cây đang bềnh bồng trên mặt nước. Anh xúc động vì vẻ đẹp của những tàu lá cây. Anh sững sờ vì những đường gân phức tạp nơi tàu lá. Một lúc sau, anh nhìn thấy một chú nhện đang giăng lưới. Anh lại xúc động trước vẻ đẹp của nàng nhện và những giọt nước bám vào đó lấp lánh không khác gì những hạt kim cương. Anh cảm thấy mình sũng nước, anh liền ngước lên nhìn vào bầu trời xanh biếc, đối với anh, chưa bao giờ thế giới lại xinh đẹp thế!

Bỗng nhiên đám lính đứng trên đầu cầu bắt đầu nhả đạn xuống. Anh liền cố gắng lướt tới dưới làn mưa đạn, bơi nhanh nhẹn như một chú rắn nước băng qua nhiều ghềnh thác. Cuối cùng, anh cũng bơi được vào bờ và hoàn toàn kiệt sức. Anh ngã xuống cát, lăn qua lăn lại. Khi ngước nhìn lên anh trông thấy một bông hoa. Anh liền bò tới đưa mũi ngửi và thầm nhủ: Ôi! Mọi sự sao mà đẹp thế! Được sống sót quả là một điều vĩ đại biết bao! Nhưng ngay sau đó có tiếng đạn rít qua các tàng cây; anh vội đứng lên và bắt đầu co giò chạy tiếp. Anh chạy hoài chạy mãi tới khi đến được một căn nhà có hàng rào trắng bao quanh. Những cánh cổng bỗng mở ra một cách kỳ diệu. Anh không thể nào tin vào mắt mình: thế là anh đã về được đến nhà bình an. Anh gọi tên vợ anh và nàng vội chạy thật nhanh ra cổng giang tay chào đón anh.

Ngay khi họ vừa ôm nhau, máy quay phim mang chúng ta trở lại chiếc cầu Owl Creek. Bây giờ, chúng ta lại không thể tin được vào mắt mình khi nhìn thấy xác của chính anh ta bị treo thòng xuống đang đong đưa qua lại với sợi dây siết quanh cổ. Thì ra anh đã chết rồi!

Quả thực ai cũng cảm thấy sững sờ: thế là mọi nỗ lực trốn chạy và cơ may được sống sót chỉ là sản phẩm thuần tuý của trí tưởng tượng thôi. Người đàn ông ấy không chạy thoát được. Anh ta chỉ tưởng tượng ra điều ấy trước giây phút cảm thấy cái chết cận kề. Anh mơ thấy mình có cơ may được sống lần thứ hai. Và bỗng dưng anh cảm nhận sự sống ấy bằng đôi mắt hoàn toàn mới lạ.

Lần đầu tiên, người tử tội cảm thấy thế giới này quả là một nơi tuyệt hảo. Lần đầu tiên anh ta thấy cuộc sống quả là món quà quí báu mà anh và những người thân yêu của anh cũng được hưởng. Phải chi anh đã thực sự trốn thoát được và có một dịp may được sống sót lần thứ hai. Lúc đó chắc hẳn anh sẽ sống cuộc sống mới này một cách khác thường biết bao!

Điều này gợi lên cho ta một câu hỏi. Tác giả bộ phim đã nghĩ gì trong trí ông dựng một câu chuyện này. Ông muốn nói gì với khán giả? Nói cách khác tại sao tác giả đã cố ý phỉnh gạt chúng ta? Tại sao ông lại dựng nên một sự thất vọng khủng khiếp đến thế? Tại sao ông lại làm cho chúng ta tưởng rằng người tử tội ấy có được cơ may sống sót?

Theo tôi, điều nằm trong tâm trí tác giả bộ phim cũng chính là điều nằm trong tâm trí Chúa Giêsu qua bài Phúc Âm hôm nay. Tác giả cuốn phim nói với chúng ta: “Người tử tội trong câu chuyện của tôi là chính các bạn. Anh ta đã không có may mắn được sống sót, nhưng nhờ chia xẻ kinh nghiệm của anh ta mà các bạn chắn chắn sẽ có được cái cơ may đó”. Tác giả nói tiếp: “Rồi một ngày nào đó các bạn cũng sẽ phải chết giống như người tử tội trên. Không ai biết được bao giờ mình sẽ chết, nhưng chắc chắn giờ đó sẽ đến cũng như nó đã đến với người tử tội trên”.

Cách đây vài năm, bà bác sĩ Kubler-Ross thuộc trường Đại học Chicago có viết cuốn sách nhan đề: Chết và Hấp Hối (Death and Dying). Cuốn sách được viết ra là vì bà thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân sắp chết. Bàn về những cảm nghĩ của những bệnh nhân ấy về cuộc sống lúc họ nhìn ngược lại quá khứ khi đối diện với cái chết, bà viết: “Khi phân tích mọi sự cách tận cùng, họ thấy rằng chỉ có hai điều này là quan trọng thôi: Tình yêu đối với tha nhân, và tinh thần phục vụ tha nhân. Tất cả những gì khác mà ta đã từng cho là quan trọng, chẳng hạn như danh tiếng, tiền bạc, uy tín, quyền lực, thì đều là vô nghĩa“. Nhận xét này hoàn toàn phù hợp với điều Chúa Giêsu dạy bảo lúc Ngài còn ở dương trần. Ngài nói: “Con Người không đến để được phục vụ, mà Người đến để phục vụ” (Mc 10: 45) và Ngài cũng nói: “Các con hãy yêu thương nhau như ta yêu thương các con” (Ga 15: 12)

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ đến lúc chúng ta sẽ phải gặp Chúa Giêsu vào cuối đời chúng ta hoặc vào lúc tận cùng thế giới – bất kể lúc nào xảy ra trước. Bài Phúc Âm này mời gọi chúng ta tự vấn chính mình xem liệu vào lúc ấy, tinh thần phục vụ và tình tình yêu của chúng ta có được kể là thoả đáng không?

Không giống như người tử tội trong câu chuyện, chúng ta có được dịp may còn sống để chuẩn bị cho giờ phút ấy, bắt đầu ngay từ bây giờ. Chúng ta sẽ làm gì với dịp may này của chúng ta? Chúng ta có chân thành nỗ lực yêu thương như Chúa Giêsu đã làm không? chúng ta có chân thành nỗ lực phục vụ tha nhân như Chúa Giêsu đã làm không?

Chỉ chúng ta mới có thể tự trả lời cho câu hỏi ấy, câu trả lời rất quan trọng, có thể là quan trọng nhất trong tất cả những câu trả lời của con người.

Trước khi kết thúc, tôi xin đọc một đoạn văn trích trong tác phẩm God’s Trombones (Tiếng Kèn Của Chúa) của tác giả Weldon Johnson, trong đó ông mô tả cái chết của một phụ nữ thánh thiện.

Chị đã thấy những gì mà chúng ta không thấy được. Chị đã thấy Thần Chết. Chị đã thấy ông ta đến như một ngôi sao băng. Nhưng cái chết đâu có làm cho chị nữ tu Caroline sợ hãi. Chị đã nhìn Thần Chết như một người bạn thân, như một vị khách qúi. Chị đã thì thầm nói với chúng tôi: ‘Tôi đang trở về nhà tôi’. Rồi chị mỉm cười nhắm mắt lại“.

Cha Mark Link, S.J.

Người Tín Hữu

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]