Hãy làm rung chuyển thế giới

Trong bài Phúc Âm hôm nay, thánh Marcô cho chúng ta biết, “Đức Giêsu từ miền Nazareth xứ Galilê đến và được ông Gioan làm phép rửa tại sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống mình Người” (Mc 1:9-10).

Sau đó, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ rằng Thánh Thần cũng sẽ ngự xuống trên họ “để dạy dỗ mọi điều.” Và chúng ta là những người cũng được thừa hưởng lời hứa đó. Thánh Phaolô Tông Đồ đã nói, thân thể chúng ta là “đền thờ Chúa Thánh Thần” (1 Cr 6:19). Nhưng điều này có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của chúng ta? Trong cách sống và những gì chúng ta thực hiện trong đời sống không? Với câu hỏi, “Chúa Thánh Thần là ai?”, dựa theo câu nói của Armstrong, chúng ta có thể trả lời, “Bao lâu còn thắc mắc, chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được.” Kiến thức phát xuất từ kinh nghiệm. Kiến thức chỉ được sáng tỏ trong kinh nghiệm mà thôi.

Truyện kể rằng hai vị đạo hạnh gặp nhau, người nào cũng cố sức thuyết phục người kia hãy tin vào thần minh của mình. Người thứ nhất nói, “Bác nên tin vào vị thần của tôi, Người đã dựng nên mọi loài muôn vật.” Người thứ hai nói, “Chú nên tin vào vị thần của tôi, Đấng đã làm cho muôn loài muôn vật biết truyền sinh.” Hai câu nói trên đều có chân lý. Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa dựng nên vũ trụ. Thiên Chúa Tạo Hóa đã làm cho chúng ta trở nên những cộng tác viên của Người trong công trình sáng tạo. Thiên Chúa tiếp tục sáng tạo, Người sử dụng chúng ta là những thụ tạo trong tiến trình tạo dựng. Thần Linh Sáng Tạo – Thánh Thần Thiên Chúa – ngự trên chúng ta và ban quyền năng cho chúng ta thông dự vào hoạt động sáng tạo của Người.

Văn sĩ viết chuyện, họa sĩ vẽ tranh, nhạc công chơi đàn, kiến trúc sư vẽ nhà, phụ nữ sinh con, mỗi người đều đem vào thế giới này những cái chưa có. Bản thân chúng ta chưa hoàn tất, và chúng ta sống trong một thế giới chưa hoàn tất.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Và trong kinh nghiệm Quyền Năng sáng tạo của Thiên Chúa nơi hữu thể mình, chúng ta rộng mở bản thân cho Tình Yêu Thiên Chúa, một tình yêu mỗi ngày luôn mới, và Tình Yêu ấy giúp chúng ta làm ra những điều tốt đẹp; Tình Yêu ấy giúp chúng ta đem những điều tốt đẹp vào tương giao giữa chúng ta với nhau; Tình Yêu ấy giúp chúng ta biết quan tâm, chia sẻ, tha thứ và tương trợ qua việc thể hiện những gì ưu việt nhất nơi mỗi người. (White, T.E., “The Sword and the Stone.”)

Một câu chuyện ngộ nghĩnh kể rằng các bào thai đến tụ họp trước tòa Thiên Chúa để lãnh nhận những gì chúng mong muốn. Bào thai cọp xin răng nanh. Bào thai sư tử xin móng vuốt. Một số bào thai khác, như rùa chẳng hạn, xin mu cứng. Có những bào thai xin cánh. Bào thai cá xin vẩy. Bào thai hưu xin chân dài. Còn bào thai người thì lặng lẽ quan sát rồi xin Thiên Chúa cho được nên giống Thiên Chúa, được dựng nên theo hình ảnh Người, có thể yêu thương như Người. Bào thai người thưa rằng nếu muốn bơi, nó sẽ đóng một cái thuyền; nếu muốn bay, nó sẽ làm ra những chiếc cánh; nếu cần chỗ ở, nó sẽ làm ra những công cụ và dựng một cái nhà. Ước nguyện đó đẹp lòng Thiên Chúa. Và Thiên Chúa nói với bào thai người rằng vì nó muốn nên giống Thiên Chúa, tức là muốn điều tốt nhất. Và thế là bào thai đầu tiên của con người đi vào cuộc đời đầy sáng tạo của mình, Hóa Công Thiên Chúa phán, “Chúc lành cho con!”

Khi chúng ta sống với Thần Linh Sáng Tạo đang ẩn ngự trong chúng ta, trong tất cả những gì tốt đẹp chúng ta nhận, trong mọi công việc chúng ta làm, trong mọi quyển sách chúng ta đọc, trong mọi tiếng nhạc chúng ta nghe, trong tất cả những gì chúng ta sáng tạo, thì mọi việc sẽ tìm được ý nghĩa đích thực trong kinh nghiệm ấy. Khi chúng ta sống với Thần Linh Sáng Tạo ẩn ngự trong chúng ta, thì tất cả những tương giao của chúng ta sẽ tìm được ý nghĩa đích thực trong kinh nghiệm ấy. Khi chúng ta sống với Thần Linh Sáng Tạo trong chúng ta, thì tất cả cuộc sống chúng ta sẽ tìm được ý nghĩa trong kinh nghiệm ấy – kinh nghiệm về Thiên Chúa Tình Yêu giúp chúng ta vươn cao và trở nên mạnh mẽ.

Khi Chúa Giêsu đến giữa cộng đồng Kitô hữu Tân Ước, họ đã cảm nhận Thiên Chúa một cách mới mẻ, mãnh liệt, tràn ngập, chữa lành và viên mãn, nên không thể giữ lại cho riêng mình. Họ phải loan báo Tin Mừng cho thế giới. Họ nhận biết Chúa Cha, Đấng yêu thương họ quá mức, đã hiện diện nơi Người Con của Người và Người Con ấy đã thực sự hiện diện giữa họ như một mô phạm tuyệt hảo cho đời sống nhân loại.

Cộng đoàn ấy còn nhận được một kinh nghiệm khác về sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ. Thánh Kinh cho biết vào ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ “đã được đầy Thánh Thần.” Một dấu lạ đã xảy ra, như một luồng gió thổi mạnh, như một ngọn lửa nóng nẩy và sống động. Các ngài nhận ra kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa giữa các ngài là một nguồn sức sống thiêng liêng. Các ngài nhận ra đó là một kinh nghiệm có sức thanh tẩy. Cảm thức tội lỗi nơi các ngài được tẩy sạch. Các ngài cũng nhận ra đó là một kinh nghiệm tăng sức mạnh. Các ngài dám đứng trước mặt vua quan công bố những điều mà trước kia các ngài chưa bao giờ dám nói. Các tín hữu tiên khởi cũng phải ngạc nhiên về chính mình. Các thánh ký Tân Ước đã nhắc đến Chúa Thánh Thần hơn 350 lần bởi vì bản thân các ngài đã được kinh nghiệm về Người. Tự mình, các ngài thực sự chẳng thể sáng tạo được gì trong công trình xây dựng vương quốc Tình Yêu Thiên Chúa. Nhưng nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần, các ngài có thể làm được mọi việc. Với sức mạnh Chúa Thánh Thần, các ngài có thể xông pha giữa thế giới và làm nó đảo lộn, như lời Thánh Kinh đã cho chúng ta biết. Và với sức mạnh Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng có thể làm được như vậy.

Càng kính mến Thiên Chúa, chúng ta càng ý thức về Chúa Thánh Thần trong cuộc sống và càng muốn thực hiện một điều gì đó để biểu lộ niềm vui của mình. Chúng ta nhận thấy rằng món quà tuyệt vời nhất chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa chính là một đời sống tốt lành mà Người đã làm ra cho chúng ta; là trở nên con người như Chúa đã muốn cho chúng ta. Càng rộng mở bản thân cho ân huệ Chúa Thánh Thần, chúng ta càng khát vọng một đời sống tốt lành, một đời sống như Chúa Kitô.

Truyền thuyết Ấn độ cổ đại kể rằng có một con voi khổng lồ và một chú chuột nhắt chơi rất thân với nhau, đi đâu cũng đi với nhau và đi bên nhau. Một hôm, gặp một cây cầu vừa dài vừa hẹp bắt qua một con rạch khá sâu, voi và chuột cùng sánh bước lên để đi qua cầu. Khi đến đầu cầu bên kia, chuột nhắt tặc lưỡi nói với voi: “Chu choa! Chúng ta chắc chắn đã làm cho cây cầu cũ kỹ kia phải rung chuyển!”

Chúa Thánh Thần là ai? Bao lâu còn thắc mắc, chúng ta sẽ không bao giờ biết được. Chúng ta cần trầm lắng tận thẳm cung tâm hồn để kinh nghiệm sự Hiện Diện đầy tràn sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong chúng ta. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ không còn thắc mắc. Và chúng ta sẽ nói, “Chu choa! Chúng ta chắc chắn làm cho thế giới cũ kỹ của chúng ta phải rung chuyển!” (Boyd, R.M., “Turtles All the Way Down.”)

Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment