Đừng Sợ Nên Thánh

Một lần, một em bé lượm được một cây thánh giá nhỏ ngoài sân nhà thờ, đã tìm gặp và trao cho tôi. Có lẽ, hành động đó, đối với mọi người, ngay cả với em bé kia, rất đỗi bình thường. Bình thường đến nỗi không ai để ý hay quan tâm. Nhưng khi suy niệm lời mời gọi của Chúa: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”, tự dưng tôi nhớ lại hình ảnh của em cùng cây thánh giá nhỏ trên tay, trao cho tôi. Bởi hành động của em, dù có thể bị mọi người coi là bình thường ấy, lại chứng minh một tâm hồn yêu mến Chúa, chứng minh cho thái độ của đức tin. Vì yêu mến, vì tin, dù ở lứa tuổi chưa suy nghĩ nhiều, em vẫn nhận ra rằng, cây thánh giá tuy rất nhỏ bé kia, có một giá trị không nhỏ. Đó là hình ảnh của Đấng mà mình tôn thờ, chết cho mình. Người không phải chỉ là một con người, nhưng Người chính là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa làm người. Ở nơi thánh giá, Người đã ban ơn cứu độ cho khắp trần gian. Đàng khác, hình ảnh thánh giá còn là sự biểu lộ, sự tuyên xưng đức tin của bản thân em hòa chung với lòng tin của cả Hội Thánh khắp trần thế này.

Cách đây mười hai năm, để chuẩn bị cho ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 15 diễn ra từ ngày 15-20.8.2000 tại Rôma, Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gởi cho giới trẻ thế giới sứ điệp có chủ đề: “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc lại: “Các bạn trẻ thân mến, cách đây mười lăm năm, trong những ngày Đại hội Giới trẻ lần thứ I, 1985, Cha đã trao cho các con cây thánh giá lớn bằng gỗ và mời gọi các con đem đi khắp thế giới như dấu chỉ tình yêu của Chúa Giêsu đối với nhân loại” (Sứ điệp Giới trẻ lần thứ 15, số 1). Thánh giá Chúa Giêsu là “Dấu chỉ tình yêu”! Đúng vậy. Chỉ có thánh giá mới là dấu chỉ tình yêu đúng nghĩa nhất, cao cả nhất, trọng vẹn nhất.

Sau khi cùng các bạn trẻ chuyền tay nhau xuyên qua mọi ngã đường của thế giới, để trong Đại hội Giời trẻ năm Thánh 2000, Đại hội Giới trẻ lần thứ 15, cây thánh giá lớn bằng gỗ ấy, trở về mang theo một kết quả khổng lồ, một kết quả lớn đến nỗi trước đó, không ai dám nghĩ tới. Kết quả, theo lời Đức Cố Giáo Hoàng, đó là vô số lời cầu nguyện và cam kết trung thành với Chúa Kitô của triệu triệu người trẻ. Kết quả mang lại từ cây thánh giá đi hành hương khắp năm châu này, còn là sự hối thúc các bạn trẻ lên đường hành hương năm Thánh, để rồi sau cùng, Rôma đã chứa đến hai triệu người trẻ từ khắp thế giới về dự Đại hội, ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Kết quả này vẫn chưa hết. Ở cuối kỳ Đại hội Giới trẻ năm Thánh 2000, trong số hai triệu người tham dự, có đến năm ngàn bạn trẻ ký đơn dâng lên Đức Thánh Cha để tự nguyện dâng đời mình trong ơn gọi tu trì để tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô. Có thể nói, hình tượng thánh giá là hình tượng chủ chốt, hình tượng biểu trưng của cả Đại hội Giới trẻ năm Thánh ấy.

Nhưng có một điều liên quan đến Đại hội còn đáng chú ý hơn, đó là sứ điệp chuẩn bị cho Đại hội, cũng như trong suốt những ngày Đại hội diễn ra, Đức Thánh Cha luôn luôn mời gọi các bạn trẻ: “Các bạn trẻ thân mến, các con hãy có tham vọng thánh thiện là nên thánh như Người là Đấng Thánh…Đừng sợ trở nên những vị thánh của thiên niên kỷ mới…Một lần nữa, trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ mới, cha tha thiết mời gọi các con mở rộng cánh cửa đón Đức Kitô, ‘Đấng ban cho tất cả những ai đón nhận Người được trở nên con cái Thiên Chúa’ (Ga 1, 12)” (Sứ điệp Giới trẻ lần thứ 15, số 3). Đáng yêu quá, tuyệt vời quá: Đừng sợ nên thánh! Một lời mời gọi xoáy vào trọng tâm của đức tin người tín hữu! Nhưng chúng ta tự hỏi: Tại sao không phải là sợ bất cứ cái gì khác, mà lại là sợ nên thánh? Nên thánh mà “sợ” ư? Đúng vậy! Vì nên thánh là phải theo Chúa Kitô, sống như Chúa Kitô đã sống, là rập khuôn đời mình theo hình ảnh của Chúa Kitô. Và theo Chúa Kitô còn là một đòi hỏi quyết liệt, một đòi hỏi triệt để, theo đúng những gì mà trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Do đó, muốn nên thánh, chỉ có một cách duy nhất là “bỏ mình, vác thập giá mà theo Chúa”. Nói đến thập giá, là nói đến đau khổ, nói đến bất hạnh. Đó cũng chính là nói đến một cuộc sống bấp bênh, bi đát, không dễ gì có thể chấp nhận. Vì thế, phản ứng tự nhiên của mọi người là phải tránh xa thập giá, loại trừ thập giá, sợ thập giá. Nhưng trớ trêu thay, không chấp nhận thập giá, cũng có nghĩa là chối từ nên thánh. Chỉ có chấp nhận thập giá, tự nguyện mang lấy thập giá đời mình, chúng ta mới có thể đạt tới ơn cứu độ mà thôi. Chính vì thế, Cố Đức Thánh Cha mới mời gọi “các con đừng sợ nên thánh”. Chúng ta hãy lắng nghe lời Đức Thánh Cha, chấp nhận bước theo Chúa Kitô bằng cách vác thập giá cuộc đời mình.

Tại Đại hội giới trẻ, hình ảnh thánh giá giúp các bạn trẻ cầu nguyện, giúp các bạn trẻ lắng đọng tâm hồn, để cuối cùng, có quá nhiều cam kết bước theo Chúa Kitô. Cũng vậy, nếu chấp nhận cây thánh giá cuộc đời mà mỗi người phải mang gánh, chúng ta cũng sẽ có những kết quả to lớn như vậy. Đó là sự nên thánh mà không ai trong chúng ta không mong đợi.

Vậy để vác thập giá theo lời Chúa dạy: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”, chúng ta cần có những thực hành cụ thể. Những thực hành ấy không là những gì to tác, xa vời, nhưng là chính những nghĩa vụ, những lao nhọc thường ngày của đời sống. Hãy dâng lên Chúa tất cả những nghĩa vụ, những lao nhọc ấy. Hãy dâng lên Chúa trách nhiệm làm cha, làm mẹ, làm con trong gia đình. Đã là người, ai cũng có lúc vui, lúc buồn, nó làm thành những khúc quanh của cuộc đời mỗi người. Dù ta có muốn hay không, những bất hạnh, những đau buồn vẫn có thể đến với ta, bám lấy ta. Đó là thập giá của đời ta. Hãy chấp nhận thập giá cuộc đời để ta vác lấy nhẹ hơn. Hãy nhớ lời căn dặn “đừng sợ nân thánh” để sẵn sàng chấp nhận thập giá đời mình theo Chúa Kitô.

Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

Chia sẻ Bài này:

Related posts