Đức Tin & Lòng Mến

Trong các bài Phúc Âm Mùa Phục Sinh, bài Phúc Âm hôm nay (Ga 20: 19-31), nói về sự hồ nghi của Thánh Tôma có lẽ dễ nhớ nhất, và dễ đánh động chúng ta nhất.

Chúa Nhật Phục Sinh tuần vừa qua, bài Phúc Âm tường thuật việc Chúa sống lại một cách âm thầm mà dấu tích chỉ là ngôi mộ trống cùng với các khăn liệm. Nhưng qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta được thỏa mãn sự tò mò của một con người bình thường, mà đại diện là Thánh Tôma, khi ngài muốn được sờ vào các thương tích của Đức Giêsu Phục Sinh thì ngài mới tin là Chúa đã sống lại. Có thể nói, Thánh Tôma đã đại diện cho chúng ta để kiểm chứng thân xác phục sinh của Chúa Giêsu bằng xúc giác.

Sống trong thời đại khoa học ngày nay, với các phương tiện truyền thông tân tiến, chúng ta được nghe, được thấy tận mắt những gì đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Qua màn ảnh truyền hình ngay tại nhà, chúng ta được chiêm ngưỡng các sinh vật lạ lùng ở thật sâu dưới lòng đại dương, hoặc các hình ảnh hùng vĩ của vũ trụ bao la trong không gian mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Quả thật, khoa học đã mở rộng kiến thức của chúng ta, và cũng vì vậy, ngày nay chúng ta lại càng dễ hồ nghi những gì không được nhìn thấy bằng hình ảnh rõ ràng.

Tuy nhiên, có nhiều điều chúng ta không nhìn thấy nhưng chúng ta vẫn tin. Thí dụ, chẳng ai thấy được trái đất xoay chung quanh mặt trời, và mặt trăng xoay chung quanh trái đất, nhưng chúng ta tin có sự vận chuyển như vậy nhờ vào sự suy luận của các khoa học gia, và suy luận ấy được chứng minh trên thực tế, đó là sự khác biệt giữa ngày đêm, năm tháng, bốn mùa thay đổi xuân hạ thu đông.

Ngoài sự suy luận, chúng ta còn tin nhờ vào các bằng chứng. Có thể là nhân chứng như trường hợp bác sĩ xác nhận sự liên hệ mẹ con khi sinh nở. Chẳng ai nhìn thấy mình được sinh ra như thế nào, nhưng nhờ vào giấy khai sinh với chữ ký của bác sĩ hộ sinh mà chúng ta biết được mình là con của ai.

Ngoài nhân chứng, chúng ta còn vật chứng, đó là những di tích còn sót lại trong quá khứ, tỉ như bộ xương của các con khủng long (dynasaur) sống cách đây hàng triệu năm mà chẳng có hình ảnh nào ghi lại được, nhưng nhờ các bộ xương di tích ấy mà chúng ta tin là có giống vật này sinh sống trên trái đất từ xưa.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Gioan cũng làm chứng về Đức Giêsu như sau: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh chị em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh chị em tin mà được sự sống nhờ danh Người.”

Chúng ta đang trong mùa Phục Sinh, qua các bài đọc, Giáo Hội tiếp tục cho chúng ta nghe lời chứng của các tông đồ để chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Quả thật sự sống lại của Chúa Giêsu là một biến cố duy nhất trong lịch sử con người, bởi thế người ta dễ hồ nghi hơn là tin tưởng. Hơn nữa, loài người không thể dùng các phương pháp khoa học, hay sự suy luận để tin vào sự sống lại, bởi vì thân xác phục sinh của Đức Giêsu là một thân xác lạ lùng, vượt lên trên các quy tắc vật lý—như bài phúc âm hôm nay cho biết, dù cửa nhà đã đóng kín, nhưng Đức Giêsu vẫn có thể đi vào trong phòng và xuất hiện trước mặt các tông đồ mà Người không phải là ma, bởi vì Người có thân xác để ông Tôma có thể sờ vào được.

Nói tóm lại, để tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu, chúng ta cần đến nhân chứng. Và theo lời Thánh Phaolô, ngoài các môn đệ còn có khoảng 500 người đã được trông thấy Đức Giêsu Phục Sinh. Rất đông trong những người này đã chịu tử đạo vào thế kỷ đầu tiên dưới thời La Mã, chỉ vì họ tin vào sự sống lại. Họ tin rằng một người đã chết, là Đức Giêsu, mà nay đã sống lại. Sự tin tưởng đó mãnh liệt đến độ họ sẵn sàng chịu chết mà không chối bỏ sự thật.

Ngày nay, khi đọc lại các tường thuật phúc âm về sự phục sinh, đôi khi chúng ta cũng ao ước được có mặt vào thời ấy để tận mắt nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh, được tận tay sờ vào các thương tích của Chúa Giêsu và nhờ đó lòng tin của chúng ta được mạnh mẽ hơn. Do đó, câu hỏi được đặt ra ở đây là chúng ta có cần phải xem thấy Chúa để tin vào Chúa hay không, hay còn cách nào khác để chúng ta tin Chúa ngoài sự cầu nguyện?

Thực tế đời sống cho thấy trước khi tin ai, chúng ta phải có cảm tình với người đó trước đã. Nói cách khác, một khi chúng ta có ác cảm với ai, thì bất cứ điều gì người ấy nói, chúng ta cũng không tin dù có bằng cớ. Điển hình là trong hôn nhân, khi vợ chồng còn yêu nhau thì nói gì cũng tin, nhưng khi giận ghét nhau thì chẳng có gì tin được!

Trước khi tin, phải có lòng mến. Điều này được thấy rõ nơi các trẻ em. Các em tin tưởng vào cha mẹ là vì nó cảm nhận được tình thương yêu của cha mẹ. Giả như em bé ấy là con nuôi của một người nào đó, nó sẽ tin tưởng vào người mẹ nuôi của nó hơn là người mẹ ruột, vì nó cảm nhận được tình thương của người mẹ nuôi hơn là mẹ ruột. Tình thương là một bằng chứng có sức mạnh thuyết phục hơn cả.

Thiên Chúa biết điều này nên Người đã dựng nên cả một vũ trụ bao la với các quy luật của nó để loài người chúng ta được sống. Không những thế, đôi khi Thiên Chúa còn sẵn sàng bỏ qua các quy tắc tự nhiên để can thiệp vào đời sống chúng ta bằng những biến cố lạ lùng mà chúng ta gọi là phép lạ. Tất cả những điều ấy Thiên Chúa thi hành chỉ để chúng ta tin rằng Người là Thiên Chúa đầy tình thương, Người muốn chúng ta được hạnh phúc không những ở đời này mà còn ở đời sau vĩnh viễn với Thiên Chúa.

Trước khi tin, phải có lòng mến. Nếu chúng ta muốn tin Chúa, chúng ta phải mến Chúa trước đã. Lòng mến càng nhiều thì đức tin càng mạnh. Có thể nói Thánh Gioan là tông đồ yêu mến Chúa nhiều nhất, và tình yêu ấy đã giúp ngài có can đảm đứng dưới chân thập giá với Mẹ Maria trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, trong khi các tông đồ khác thì bỏ trốn hết. Và cũng chính Thánh Gioan là người đầu tiên tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại khi thánh nhân nhìn thấy khăn liệm để lại trong ngôi mộ trống.

Lòng mến càng nhiều thì sự tin tưởng càng mạnh. Nhưng làm sao có thể yêu mến nhau nếu không biết nhau. Hai người nam nữ trước khi kết hôn cũng phải mất nhiều thời giờ để tìm hiểu nhau. Thánh Gioan yêu mến Chúa nhiều là vì ngài đã biết Chúa qua việc lắng nghe lời Chúa. Làm thế nào chúng ta có thể yêu mến Chúa, nếu chúng ta không dành thời giờ để tìm hiểu về Chúa qua Kinh Thánh, qua sự cầu nguyện, qua sách báo hay qua các phần thuyết giảng? Và khi yêu mến Chúa, chúng ta phải cố gắng thực hành lời Chúa vì Chúa Giêsu đã nói “ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy“, và điều Chúa mong muốn là “anh chị em hãy yêu mến nhau, như Thầy yêu mến anh chị em“.

Nói tóm lại, chúng ta không cần phải thấy Chúa mới có thể tin Chúa, mà chúng ta có thể tin Chúa khi yêu mến Chúa bằng những hành động cụ thể đối với tha nhân. Nói cách khác, khi sống lời Chúa là khi đức tin của chúng ta thêm vững mạnh. Một khi đã tin Chúa, chúng ta còn có thể giúp người khác chạm vào các thương tích của Chúa Giêsu bằng một lối sống giống như Chúa Giêsu, đó là hiền hòa, khiêm tốn, sẵn sàng thông cảm, giúp đỡ tha nhân.

Có câu chuyện của một nhóm thương gia Hoa Kỳ đi dự hội nghị ở Ba Tây, và tối thứ Sáu hôm đó họ vội vã ra phi trường để về nhà xum họp với gia đình sau gần một tuần lễ xa cách. Trong lúc chạy vội ra cổng để lên phi cơ, vô tình một người trong nhóm đã đụng phải quầy bán táo của một cô bé mù, thế là bao nhiêu trái táo đều rơi xuống đất và lăn lóc trên sàn nhà.

Vì sợ trễ chuyến bay nên hầu hết các thương gia đều vội vã xoay lưng bỏ đi, còn cô bé thì hoảng hốt lo sợ, vì làm sao có thể nhặt lại được số táo trong một dòng người đang di chuyển mà mắt thì lại mù!

Đang khi nước mắt lăn dài trên khuôn mặt lo sợ của cô thì một thương gia đã quay trở lại. Ông đặt hành lý xuống bên cạnh cô bé mù và đi nhặt lại tất cả các trái táo đang vất vưởng khắp nơi, rồi ông xếp ngay ngắn trên cái quầy nhỏ xíu cho cô ta.

Không những thế, ông còn rút ra tờ $20 đôla, dúi vào tay cô ta và nói, “Chúng tôi xin lỗi. Với số tiền này hy vọng sẽ bù đắp được những thiệt hại. Cô không sao chứ?” Cô bé chỉ biết gật đầu qua hàng nước mắt còn dàn dụa.

Khi người thương gia vừa mới xoay lưng bước đi, cô bé mù ngơ ngác gọi, “Ông ơi…”. Người thương gia dừng chân và xoay lại nhìn. Cô bé hỏi, “Ông có phải là Giêsu không?”

Câu hỏi của cô bé mù cũng phải là câu hỏi của những người chưa được biết đến Chúa Giêsu khi gặp chúng ta, là các Kitô hữu, “Ông/bà/anh/chị có phải là Giêsu không?” Đời sống của chúng ta sẽ giúp người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, và đó là chứng tích phục sinh vô cùng giá trị mà Chúa Giêsu mong đợi nơi mỗi người chúng ta, là những người manh danh Kitô Hữu.

Nhiều người ao ước được diễm phúc như các thánh tông đồ, là được sống cùng thời với Chúa Giêsu để được thấy tận mắt, được nghe tận tai những lời Chúa nói, nhưng qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta là những người có phúc hơn các tông đồ, vì Chúa đã nói, “Phúc cho những ai không thấy mà tin“.

Để được hưởng ơn phúc đó, điều cần nơi chúng ta là lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện qua hành động đối với tha nhân.

Pt. Giuse Trần Văn Nhật

Người Tín Hữu

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment