- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Điều Tốt Nhất Cho Những Người Chung Quanh

Người ta hỏi một giáo trưởng Do thái giáo nổi tiếng: Trong Cựu Ước, những quyển nào quan trọng nhất đối với cộng đồng Do Thái. Thật ngạc nhiên, ông nói ngay là sách Lêvi. Sách Lêvi chủ yếu là một quyển luật, dùng những từ ngữ thực tế để diễn giải đời sống trung thành với Giao Ước Thiên Chúa; sống hợp nhất với Người; tín trung và yêu mến Người. Nếu đọc một cách nghiêm cẩn, chúng ta sẽ thấy sách Lêvi có nhiều khoản luật liên quan đến lòng nhân ái và cảm thông – dành cho những người xa lạ bơ vơ, những cô nhi quả phụ, những người nghèo khó và nô lệ. Và trong số những luật lệ ấy có một giới răn mà tất cả chúng ta đều rất quen thuộc: “Hãy yêu thương đồng loại như chính mình.” Sách Lêvi nêu lên một phương thế để kết hợp với Thiên Chúa là hãy yêu thương tha nhân; Thiên Chúa muốn dân riêng của Người minh chứng lòng trung thành bằng việc yêu thương tha nhân.

Nhiều thế kỷ sau, vào những ngày tháng cuối cùng trên cõi đời này, Chúa Giêsu đã giải đáp nhiều câu hỏi. Một số người đơn thành muốn tìm hiểu kiến thức và chân lý. Một số khác muốn gài bẫy để dựa vào câu trả lời của Chúa mà kết án Người. Câu hỏi cuối cùng là, “Giới răn nào là giới răn trọng nhất?” Trong cả trăm điều được ghi trong sách Lêvi, đâu là giới răn trọng nhất? Chúa Giêsu đã trả lời, “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết mình ngươi.” Rồi Chúa nói ngay, “Giới răn thứ hai giống như giới răn thứ nhất, ‘Ngươi hãy yêu thương đồng loại của ngươi.'” Trong sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã nhiều lần liên kết hai giới răn trọng đại này.

Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa tự do yêu thương chúng ta, thì chúng ta cũng được tự do yêu mến hoặc xa lìa Người. Tình yêu, chứ không phải lề luật, là căn bản tương giao giữa chúng ta với Thiên Chúa. Như vậy có nghĩa là, chẳng hạn, chúng ta cố gắng đến đây để tôn thờ Chúa không phải vì bị ép buộc, nhưng vì yêu mến và thâm tâm chúng ta muốn sống bên Thiên Chúa. Nhưng, như Chúa Giêsu đã nhiều lần cho biết, có một phương thế để sống với Thiên Chúa còn tuyệt hảo hơn nữa, để thể hiện lòng yêu mến đối với Người, đó là chúng ta hãy yêu thương tha nhân. Chúng ta đã nghe biết điều này quá nhiều, nhưng chúng ta dường như coi đó là một phần thêm thắt tùy phụ, có nghĩa là, nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ nhân ái, cảm thông và yêu thương tha nhân. Các thánh ký Tân Ước cho biết lòng yêu mến Thiên Chúa và tình yêu thương tha nhân liên hệ với nhau; lòng yêu mến Thiên Chúa và tình yêu thương đồng loại không thể tách lìa; yêu thương đồng loại là cách thức Thiên Chúa muốn chúng ta thể hiện lòng chúng ta yêu mến Người.

Chúa Giêsu sống “vì tha nhân,” Người yêu mến Chúa Cha bằng việc trở nên Con Người vì tha nhân. Khi người ta hỏi Mẹ Têrêxa về tác vụ của Mẹ dành cho những người nghèo nhất trong những người nghèo, Mẹ mô tả đó là “làm một điều tốt đẹp cho Thiên Chúa.” Và Mẹ trình bày về cách Mẹ gặp gỡ Thiên Chúa nơi những người nghèo nhất. Thánh Gioan đã nói, “Ai không yêu thương anh em thì không thuộc về Thiên Chúa,” và, “Nếu có ai bảo mình yêu mến Thiên Chúa mà lại giận ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối. Hễ ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 3:10, 4:20, 21). Thánh nhân còn viết một chỗ khác, “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu mà chẳng động lòng thương thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1 Ga 3:17). Chân lý Phúc Âm chính là tình yêu Thiên Chúa không thể sống nơi kẻ nào khép lòng lại trước anh chị em của họ đang cùng quẫn.

Tại một thị trấn nhỏ ở Trung Âu, anh thợ may Giacóp thấy mình bị người ta đối xử chẳng ra gì trong hội đường. Thế là anh ta rút khỏi cộng đồng và đoạn tuyệt với bè bạn láng giềng. Nhiều tuần lễ trôi qua, cuối cùng, vị giáo trưởng cho mời anh ta đến. Sau mấy câu chào hỏi xã giao, hai bên đều im lặng. Sau đó, vị giáo trưởng đề nghị, “Mình đến ngồi trước lò sưởi đi.” Hai người vẫn ngậm câm không nói gì. Khoảng một giờ đồng hồ trôi qua, vị giáo trưởng cầm chiếc gắp than, gắp ra một cục và đặt nó xuống nền đất, xa hẳn ngọn lửa. Vẫn không ai nói với ai một tiếng nào. Hai người vẫn ngồi và nhìn miếng than đỏ mỗi lúc một đen lại cho tới khi tắt hoàn toàn, lạnh tanh và phủ đầy tro. Một lát sau, chàng thợ may Giacóp nói khẽ, “Tôi hiểu rồi. Tôi sẽ trở lại với hội đường.” Vấn đề là chúng ta xa rời cộng đồng, chúng ta đoạn tuyệt với đồng loại, chúng ta sẽ chết. Chúng ta cần nhau.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu phán bảo các môn đệ, “Các con sẽ sống trong tình yêu của Thầy nếu các con vâng giữ các giới răn của Thầy, cũng như Thầy đã vâng giữ những lệnh truyền của Cha và sống trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con tất cả điều này để niềm vui của Thầy trở nên niềm vui của các con và để niềm vui của các con được trọn vẹn. Đây là giới răn của Thầy: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình. Giới răn Thầy truyền cho các con là các con hãy yêu mến nhau” (Ga 15:10-13, 17).

Cố linh mục Thomas Merton có lần đã viết rằng mỗi khi thấy phải cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong một hoàn cảnh nào đó, ngài luôn luôn giải quyết vấn đề bằng cách tự đặt cho mình một câu hỏi như thế này: “Điều nào là điều tốt nhất cho những người chung quanh?” Vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, vì chúng ta có thể để Thiên Chúa tỏ mình nơi chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta có tiềm năng nêu lên một câu hỏi thật đơn giản: “Điều nào là điều tốt nhất cho những người chung quanh?”

“Đây là giới răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.”

Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]