Đấng Là Tình Yêu Nổi Giận

Năm ngoái, bên Mỹ có một đại công ty công nghiệp lãi được sáu trăm triệu đô la. Một món lời thật béo bở! Đến cuối năm, công ty ấy loan báo một tin mà các nhà kinh doanh cổ phiếu tại Wall Street sốt ruột chờ đợi: sa thải mười ngàn nhân công. Tại sao vậy? Vì khi giảm bớt mười ngàn công việc, lợi tức của công ty sẽ tăng rất nhanh. Loan báo trên không đá động đến việc công ty sẽ làm gì để giúp đỡ mười ngàn nhân công bị sa thải. Khi công ty loan báo, tin vui lan tới sàn giao dịch chứng khoán tại New York, và toàn bộ Wall Street hớn hở vì giá cổ phiếu của công ty ấy lập tức vọt thêm 9 điểm. Một nhà bình luận tin tức thuộc nghiệp đoàn nhân công cho rằng sự kiện này này phản ảnh thái độ của những nhân vật đứng đầu các ngành công nghiệp và tài chánh.

Cách đây vài năm, tạp chí “Rotarian” kể rằng một tổ chức nọ treo giá năm ngàn đô la cho ai bắt được những con sói. Tin này khiến Sam và Jed quyết tâm đi săn vận may. Suốt ngày đêm hai cậu lùng sục núi rừng để tìm kiếm những con mồi giá trị. Một đêm kia, hai cậu mệt nhoài nằm ngủ ngay dưới đất và mơ thấy kho tàng tương lai. Thình lình, Sam thức dậy và thấy chung quanh một đàn sói ít nhất 50 con đang trừng mắt nhe răng. Sam vội vàng đánh thức bạn, “Jed, dậy mau! Tụi mình giàu tới nơi rồi!”
Vào thời kỳ đại khủng hoảng kinh tế ở Mỹ, nhiều người tán gia bại sản đã thú nhận rằng đến khi sản nghiệp kếch xù của họ tan tành mây khói, họ mới nhìn ra giá trị của cuộc sống và đã phải làm lại từ đầu. Tại sao những kẻ tham lam sau khi tổn thất rồi mới thấm thía và tới lúc “đàn sói đứng ngoài cửa” rồi mới bừng tỉnh trước chân lý: nhu cầu của linh hồn, không cần tiền bạc cũng mua được như Henry David Thoreau đã nhìn thấy?

Trước đám đông cả ngàn người tề tựu nghe giảng, Chúa Giêsu đã căn dặn, “Các ngươi hãy giữ mình khỏi mọi thứ tham lam. Vì không phải giàu có mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu. Hễ ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được trao phó nhiều thì sẽ bị đòi lại nhiều” (Lc 12:15, 48).

Một người Ái Nhĩ Lan đạo đức tên là Patty O’Doul rời bỏ quê hương sang New York lái taxi để mưu sinh. Một hôm, một hành khách vời xe, “Cho tới nhà thờ Chúa Kitô ở đại lộ thứ Năm.” Thế là Patty lái xe tới nhà thờ chính tòa Thánh Patrick. Nhưng ông khách phản đối, “Tôi bảo tới nhà thờ Chúa Kitô cơ mà.” Patty chỉ vào nhà thờ chính tòa và nói, “Nếu như Chúa có mặt ở thành phố này, thì nhất định Người ở trong đó.”
Nhiều người chúng ta tưởng rằng nếu Chúa Kitô tới thành phố, nếu Chúa Kitô hiện diện giữa chúng ta một cách thân thiết, thì Người sẽ có mặt trong thánh đường, thông thường vào ngày Chúa Nhật. Như vậy, có thể chúng ta dễ dàng lãng quên yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống với Thiên Chúa trong Đức Kitô: phải luôn cảm thương tha nhân. Chúng ta thấy rất rõ điều này trong cuộc đời của Chúa Giêsu, “Đấng sống vì tha nhân.” Chúa Giêsu nhiều lần đã dạy bài học ấy cho đám đông và các môn đệ của Người. Đóng kín bản thân trước nhu cầu tha nhân là cản trở hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta; khi chúng ta cảm thương tha nhân, khi chúng ta quan tâm tới tha nhân như Chúa Kitô, thì đó là mở rộng tâm hồn. Điều này không cần giải thích dài dòng, nhưng là một điều rất thật: sống với tha nhân; phục vụ họ; quan tâm tới họ là phương cách hiệu quả nhất để sống với Thiên Chúa. Và điều này đưa chúng ta đến với bài Phúc Âm hôm nay, trong đó Chúa Giêsu hùng hồn chứng tỏ lòng cảm thương của Người dành cho tha nhân.

Bài hôm nay trích từ đoạn II Phúc Âm thánh Gioan, một bài học tuyệt vời với những đối chiếu. đoạn này kể lại hai vụ việc. Cảnh thứ nhất, Chúa Giêsu đầy tràn hoan lạc. Người vui mừng dự tiệc cưới. Cảnh thứ hai, Chúa Giêsu giận dữ. Bấy giờ, trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến Đền Thờ Jerusalem. Tại đó, “Người thấy có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng, ‘Hãy đem những thứ này ra khỏi đây, và đừng làm Nhà Cha Ta thành nơi buôn bán'” (Ga 2:14-17).

Đọc trình thuật trên đây, mới đầu chúng ta tưởng Chúa Giêsu hình như thiếu bình tĩnh. Thực ra, chúng ta cần nhận ra, ở đây, Chúa Giêsu, “Đấng sống vì tha nhân,” rất bình tĩnh. Khi chắp dây thừng làm roi xua đuổi những kẻ đổi tiền bạc, Chúa Giêsu minh chứng cơn giận nhiều khi cũng là một ân huệ Thiên Chúa ban để giúp chúng ta bảo vệ những nạn nhân bị xâm hại, bị bóc lột hoặc đàn áp, mà trong nhiều trường hợp, họ không có khả năng tự vệ. Thái độ phẫn nộ có thể là một lợi khí của lòng cảm thương để bảo vệ những người bị đàn áp. Để hiểu được những gì đã khiến Chúa Giêsu phải giận dữ, chúng ta cần hiểu rõ thực trạng cuộc sống vào thời ấy. Được vào khu vực Đền Thờ là một sự kiện quan trọng. Các ngư phủ, mục đồng, nông gia cũng như gia đình của họ và nhiều người khác có khi phải dành dụm cả năm trời mới hy vọng thực hiện được chuyến hành hương hằng năm lên Đền Thờ Jerusalem. Việc đó liên quan đến toàn bộ gia đình và hết sức quan trọng trong đời sống của họ. Thế mà khi đặt chân tới Đền Thờ, họ lại bị bóc lột – bị chính những bậc lãnh đạo của họ bóc lột. Họ bị ăn chặn, phải trả tiền quá đắt khi mua những con vật để tế hiến vào Đền Thờ. Và vì cảm thương những người dân tội nghiệp này, Chúa Giêsu đã nổi giận, Người chắp dây thừng làm roi và xông vào phản đối.

Cơn giận dữ có kiểm soát, có chừng mực, trong tinh thần trách nhiệm, nhằm bảo vệ những nạn nhân bị áp bức có thể là một phương thế cảm thông hữu hiệu – và vì thế, trong vụ này, Chúa Giêsu vẫn hoàn toàn tự chủ. Cơn giận của Chúa là hệ quả trực tiếp từ việc cảm thương sâu sắc trước nỗi khổ thống của những người nghèo, những người bị áp bức và bị bóc lột.

Tác giả Ivan Turgenev đã nêu lên một trường hợp để phác họa cơn giận mãnh liệt nhưng chính đáng và đầy trách nhiệm qua bối cảnh một chim mẹ yêu thương cảm thương con của nó. Khi con của nó bị thú dữ tấn công, con chim mẹ vụt lao xuống, giận dữ đập cánh. Nó lao thẳng vào con thú đang hằm hè. Thông điệp của con chim mẹ thật rõ rệt. Xúc động và cảm thương, nó đã liều thân cho đứa con vô phương tự vệ.

Khi dùng thái độ giận dữ như một phương cách để đứng lên vì những nạn nhân yếu ớt bị đàn áp, chúng ta đang theo bước Chúa Giêsu, Đấng Yêu Thương Giận Dữ, tiến về quê hương của chúng ta trên thiên quốc.

Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ

Chia sẻ Bài này:

Related posts