- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Chúa cũng ngỡ ngàng

– Chúa Nhật 14 Thường Niên Năm B –

Con người sửng sốt, ngỡ ngàng và khâm phục trước những kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa, trước muôn ơn lành Ngài ban tặng cho trong cõi sống nhân sinh là điều bình thường và cần thiết. Vì quả thực: “Con người là chi mà Chúa tôi nhớ đến. Con người là chi mà Ngài để mắt trông nom.” Nhưng Thiên Chúa mà cũng ngỡ ngàng và sửng sốt đối với con người, thì đây là một điều khiến con người phải suy nghĩ, phải đắn đo. Bởi vì, con người chẳng là chi và chẳng có gì đáng cho Thiên Chúa phải sửng sốt cả.

Điều làm Thiên Chúa ngạc nhiên nơi con người là Đức Tin của nó. Và điều làm cho Ngài sững sờ nơi con người cũng chính là sự cứng lòng tin của nó.

Thật không thể tưởng tượng nổi một Thiên Chúa rất mực yêu thương, rất mực nhân hậu, và rất mực quyền năng như Ngài mà lại bị con người chối bỏ để đổi lấy chút giầu sang, quyền lực và lạc thú chóng qua, tạm bợ.

Thật không thể tưởng tượng nổi một Thiên Chúa rất mực thánh thiện, rất mực tốt lành, đời đời vinh hiển mà lại bị con người chối bỏ để chọn lấy Satan là đầu mối mọi tội lỗi, đau khổ, xấu xa và thất vọng trầm luân.

Nếu Thiên Chúa có thể buồn, có thể giận, và có thể thất vọng thì đây là sự buồn phiền, bực bội, và thất vọng lớn lao nhất mà Ngài có thể chịu đựng từ phía con người. Do đó, khi Ngài thấy bất cứ ai dám đặt niềm tin nơi Ngài, đón nhận Ngài vào cuộc đời mình, nhất là mật thiết và sống với lời Ngài, thì sự ngỡ ngàng và niềm vui của Ngài không thể kìm hãm được. Ngài thật bỡ ngỡ như Tin Mừng Thánh Máccô đã diễn tả khi Ngài cảm thấy sức mạnh tình thương và chữa lành của Ngài toát ra vì cái động vào áo Ngài của một thiếu phụ.

Cái chạm tay của người thiếu phụ vào áo Chúa đã làm cho Ngài vui mừng đến không dấu nổi xúc động: “Chúa Giêsu nhận thấy có sức mạnh chữa lành từ Ngài phát ra. Đưa mắt nhìn đám đông, Ngài hỏi: “Ai đã chạm đến ta” (Mc 5:30). Và khi đã biết con người giầu lòng tin đó là ai, Ngài nói với bà: “Hỡi con hãy đi bình an và được chữa lành” (Mc 5:34). Thử hỏi nếu con người đụng chạm đến trái tim Ngài, tức là động chạm đến tình yêu của Ngài thì sự vui mừng và sung sướng ấy to lớn đến đâu!

Ngược lại với thái độ ân cần, yêu thương và săn sóc mà Ngài dành cho người thiếu phụ tin tưởng, là thái độ buồn phiền, ưu tư của Ngài trước sự cứng cỏi, lạnh lùng và thờ ơ của dân làng Ngài. Thánh Ký diễn tả: “Người không làm phép lạ nào ở đó, ngoại trừ đặt tay và chữa lành một vài bệnh nhân. Và Ngài lấy làm bỡ ngỡ vì sự cứng lòng tin của họ” (Mc 6:5-6).

Sự cứng cỏi và thờ ơ của đồng hương Ngài là điều khiến Chúa phải bỡ ngỡ, và cũng là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Phải chăng đó cũng là thái độ và lối sống của nhiều Kitô hữu chúng ta.

Vì tự cho mình biết Chúa, hiểu Chúa, nên chúng ta không còn trọng kính, tin tưởng nơi Ngài. Có lẽ cũng như những đồng hương Ngài, nhiều lần chúng ta cũng tự hỏi: “Ở đâu ông ấy nhận được những điều này. Sự khôn ngoan của ông được ban cho là gì? Tại sao tay ông làm được những phép lạ như thế? Ông ta chẳng phải là anh thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon? Chị em ông chẳng phải là hàng xóm với chúng ta ở đây sao?” (Mc 6:2-3). Đem áp dụng vào đời sống tâm linh và mối dây mật thiết với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu của nhiều Kitô hữu chúng ta lúc này cũng có thể diễn nghĩa: Chúng tôi là người đạo gốc. Chúng tôi chịu phép Rửa từ nhỏ. Chúng tôi thường xuyên dâng lễ, tham dự thánh lễ, chầu Thánh Thể, rước Thánh Thể, nghe đọc Thánh Kinh và cầu nguyện. Nhưng nào đâu thấy Chúa? Nào được việc gì? Chúa vẫn ở đâu đâu, và kiếp sống con người vẫn chẳng là một gánh nặng đè trên cuộc sống chúng tôi sao? Những suy nghĩ ấy, những lối sống ấy đã làm ngạc nhiên, sửng sờ đối với Thiên Chúa. Một phản ứng mang ý nghĩa tiêu cực, một điều mà như Chúa Giêsu đã có đối với đồng hương của Ngài. Nó khiến Ngài không thể làm gì được ngoại trừ một vài ân huệ nho nhỏ mà Ngài có thể thực hiện.

Trong nhiều trường hợp Kitô hữu chúng ta cũng giống như quần chúng thời Ngài. Chúng ta chen chúc đi đến thánh đường. Lô lấn lên hôn chân Chúa. Vội vàng lên rước Thánh Thể. Bực tức vì bỏ lỡ một buổi rước kiệu. Khó chịu vì không được đồng tế trong một thánh lễ long trọng có Giám Mục chủ sự. Không được giảng nhân ngày đại hội đông đảo. Than ôi! Chúng ta chen lấn, giành giật và cố đến gần Chúa, nhưng lại chưa một lần động vào được Chúa như cái chạm áo của người đàn bà mang bệnh loạn huyết.

Thật vậy, những lần chúng ta dâng lễ, tham dự thánh lễ, rước Mình Máu Thánh Chúa nhưng đã không một đụng chạm khiến Chúa ngỡ ngàng. Bởi vì đó chỉ là những hành động, những việc làm mang tính xô lấn, va chạm ồn ào quanh Chúa; nhiều khi còn mang tính cách phô trương, tìm mình nên khiến Ngài dù muốn tâm sự, muốn chia sẻ với chúng ta cũng không được. Cũng thế, bao nhiêu lần chúng ta nghe lời Chúa, đọc lời Chúa, cần xin với Chúa mà vẫn không đụng chạm được đến Chúa. Bởi vì đó cũng chỉ là những tiếng la lối, ồn ào khiến Chúa dù muốn lắng nghe cũng không hiểu ta nói gì và xin gì.

Tâm trạng ấy, lối sống ấy quả thực gây cho Người sự ngạc nhiên. Có lẽ Ngài cũng không hiểu sao sự cứng cỏi, và thờ ơ của con người lại mãnh liệt, mạnh mẽ và ghê gớm đến thế!

Tâm trạng ấy, lối sống ấy như những tâm trạng và thái độ của đồng hương Ngài. Những người cho rằng mình đã hiểu, đã biết rất rõ về gia thế, và con người của Ngài, nhưng lại không chấp nhận Ngài như là một Cứu Chúa!

Khi còn nhỏ, tôi vẫn tự hỏi tại sao Chúa lại phải chết cho nhân loại. Và tại sao Ngài lại phải chịu đóng đinh trên thập giá. Chết như vậy Ngài có đau không?! Trong những lúc suy niệm như thế, tôi cũng muốn thông cảm với nỗi đau và cực hình của Ngài nhưng không sao hiểu nổi và cảm nổi. Nhiều lần, nhất là trong những tuần Thương Khó, một mình âm thầm trong nhà nguyện, tôi đã thử lấy tay véo mạnh vào người để cảm được nỗi đau của Chúa, và để hiểu Ngài thương yêu tôi như thế nào, nhưng tôi vẫn không hiểu.

Sau này khi lớn khôn và nhờ tình yêu thương Chúa, tôi đã từ từ hiểu và cảm được lý do cũng như nỗi đau của Ngài khi phải chết cho con người. Câu trả lời ấy đến từ cảm nghiệm lời Chúa qua Tin Mừng Thánh Máccô mà tôi đang suy niệm hôm nay. Nó đã thức tỉnh lòng tôi và làm cho tôi hiểu rằng Chúa đã chết một lần, nhưng nếu Ngài có thể chết không phải một mà là ngàn lần đi nữa thì vẫn còn có kẻ không tin. Đối với họ, Chúa Giêsu quê quán Nazareth ai mà chả biết. Con bà Maria, anh em với Giacôbê, với Giuse, với Simon và Giuđa ấy ai mà chả biết. Một anh phó mộc ấy ai mà chả biết. Những cái biết ấy họ muốn thay thế cho những cái biết qua ánh mắt Đức Tin. Bởi vì nếu nhìn Ngài bằng cặp mắt Đức Tin, thì họ phải thay đổi lối nhìn và lối sống là điều mà họ không muốn. Và đó cũng là lý do tại sao Đức Tin con người có thể động chạm đến Ngài, khiến sức mạnh chữa lành phát ra từ Ngài, và làm cho Ngài phải bỡ ngỡ.

Ts. Trần Quang Huy Khanh
Chi Dòng Ðồng Công Hoa Kỳ

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]