Chân Lý và Những Hệ Lụy

Chúa Nhật XIX TN B

Hằng năm cứ vào những Chúa Nhật cuối tháng 7 và đầu tháng 8, nhiều linh mục thấy oải vì Hội thánh dọn bàn tiệc Lời Chúa cứ xoáy mãi vào đề tài Thánh Thể. Dĩ nhiên, mầu nhiệm Thánh Thể là khôn dò và thật khó tát cạn, nhưng đó là trong đức tin, còn với sự hạn chế của con người thì khi nói mãi một vấn đề hẳn sẽ gây nhàm chán không chỉ cho thính giả mà cho cả người trình bày. Dẫu vậy, dựa trên những bài đọc Lời Chúa của Chúa Nhật XIX TN B, xin cùng xem xét đôi điều về chân lý và những hệ luỵ của nó.

1. Là chân lý thì không thể chấp nhận tình trạng thoả hiệp hay nước đôi: “Phải tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, ngoài Người ra không được có thần nào khác” (x.Dnl 6,4-7). Đây chính là lệnh truyền của Giavê cho dân được tuyển chọn, một lệnh truyền được lặp đi lặp lại nhiều lần nói lên tầm quan trọng của nó. Vào thời Vua Akhap cai trị đất nước, vua đã cưới nhiều bà vợ ngoại bang và hệ quả là vua quan, dân chúng đã bỏ Giavê để tôn thờ thần Baal, vị thần hoàng hậu Giêgiaben tôn thờ. Ngôn sứ Êlia đã khẳng khái lên án tình trạng này. Và Ngài đã dám thách thức 450 sư sãi Baal làm một cuộc đọ sức trên núi Cácmêlô để xem Giavê hay là Baal, ai là Thiên Chúa thật. Câu chuyện làm thịt bò rồi xin thần cho lữa từ trời xuống thiêu đốt của lễ thì chúng ta ít nhiều đã nghe. Dĩ nhiên Êlia đã thắng, vì chỉ có Giavê là Thiên Chúa thật mới cho lữa từ trời xuống thiêu huỷ lễ vật. Tuy nhiên ở đây chúng ta muốn nhắc với nhau lời cảnh tỉnh của Êlia với dân Chúa xưa khi họ vì theo hoàng hậu nên bỏ Giavê mà tôn thờ thần Baal: “Các ngươi đi hàng hai cho tới bao giờ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa thì hãy theo Người; còn là Baal thì cứ theo nó!” (1V 18,21). Phải rõ ràng, không được lập lờ kiểu nước đôi khi phải đối diện với chân lý. Dân Do thái thời bấy giờ không bỏ Giavê nhưng lại tôn thờ thần Baal.

Sau khi đã cho dân chúng no nê bánh và cá, Chúa Giêsu cũng đã rõ ràng với đoàn dân theo Ngài: “Các người tìm ta chỉ vì cái bụng của các ngươi. Hãy ra sức làm việc vì của ăn đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,27). Để sống thì cần phải có lương thực cơm bánh, nhưng hơn các loài vật, con người không nguyên chỉ sống bằng cơm canh cá thịt. Đây là một chân lý mà lắm khi chúng ta tránh né cách này hay cách khác. Cuộc đời con người không chấm dứt với cái chết thể lý, thế mà lắm khi chúng ta không dám đối diện với sự thật này. Tin thì vẫn cứ tin nhưng ta vẫn cứ hàng hai trong cách sống. Tin Chúa thì vẫn tin, bỏ đạo thì không không dám bỏ nhưng ta lại cứ sống như người không biết Chúa, không tin Chúa. Ta vẫn cứ bon chen cách tinh quái, hơn thua cách xảo quyệt như người đời. Một kiểu đi hàng hai như dân Do Thái thưở nào.

2. Công bố chân lý nhiều khi phải chấp nhận sự lẻ loi: Nói lên sự thật về căn bệnh giả dối trong giáo dục nước nhà ta, nhà giáo Đỗ Việt Khoa đã từng cảm nghiệm sự cô đơn, lẻ loi. Elia mặc dù chiến thắng các sư sãi Baal cách oanh liệt trên núi Cácmêlô thế mà vẫn phải chịu cảnh đơn chiếc một mình. Trước sự truy diệt của hoàng hậu Giêgiaben, Ngài đã phải trốn chạy vào trong hoang địa. Vị ngôn sứ đã như thất vọng và thầm xin: “Lạy Chúa, đủ rồi! Xin cho con chết quách đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con”. Số phận của những người làm chứng cho chân lý rất lắm khi như vô vọng vì thấy công sức của mình thật như muối bỏ biển. Chúng ta đừng quên, nhà giáo Đỗ Việt Khoa khi mạnh dạn nói lên sự thật về chuyện gian dối trong thi cử ở Hà Tây cũng từng có tâm trạng này.

Khi trình bày sự thật về đám dân theo Ngài và về căn tính của chính mình, chắc hẳn Chúa Giêsu đã từng cảm nghiệm sự lẻ loi, cô đơn cách nào đó. Tin Mừng tường thuật khi nghe Chúa Giêsu giới thiệu Ngài chính là bánh ban sự sống, thịt Ngài thật là của ăn, máu Ngài là của uống đem lại sự sống trường sinh thì dân chúng đã bỏ Ngài mà đi, kể cả nhóm môn đệ, chỉ còn lại nhóm Mười Hai. Chúa Giêsu đã hỏi họ: “Còn chúng con, chúng con có bỏ Thầy mà đi không?” Đằng sau câu hỏi nay hẳn nhiên bàng bạc một nổi buồn cô đơn. Ôi, số phận của người rao truyền chân lý! Sợ phải một mình, sợ phải cô đơn, chắc chắn sẽ khó mạnh dạn nói lên sự thật, sẽ khó can đảm làm chứng cho chân lý.

3. Bảo vệ chân lý thì không bao giờ đơn độc, vì chân lý là tuyệt đối nên luôn có người tiếp nối để bảo vệ, để rao truyền: Mây đen không thể che mãi được mặt trời, sự giả dối hay tội lỗi không thể nào phủ lấp được chân lý. Êlia những tưởng mình đơn độc trong cuộc chiến vì chân lý nhưng ông có ngờ đâu, vẫn còn đó 7000 người không hề bái lạy thần Baal. Nỗ lực bảo vệ chân lý của ngài ngôn sứ không hoài công vì sẽ có đó sứ ngôn Êlisêu tiếp bước Ngài, sẽ có đó Giêhu, con của Nimsi thay thế Akhap. Điều này thì Chúa Giêsu biết rõ hơn Êlia. Bánh sự sống, bánh ban sự sống đời đời mà Chúa Giêsu ban tặng sẽ mãi mãi ở với nhân loại qua nhóm Muời Hai và những người kế vị cũng như những người cộng tác. “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Chính lời này nhắc nhở chúng ta rằng luôn có đó, luôn còn đó người rao truyền chân lý, ngưòi bảo vệ chân lý, vì chân lý thì bất diệt, chân lý thì không thể bị dập tắt.

Chỉ có chân lý mới giải thoát chúng ta (x.Ga 8,32). Chỉ có chân lý mới dẫn đưa ta đến sự sống đời đời. Cuộc đời con người không chỉ có ở đời này. Giêsu là Chân Lý. Lời Ngài là Chân lý và là sự sống. Thịt Máu Ngài là lương thực trường sinh. Đã tin thì xin đừng có đi nước đôi, xin đừng “bắt cá hai tay”, lập lững, nửa vời. Cũng xin hãy cầu nguyện cho những ai rao truyền chân lý, bảo vệ chân lý được kiên vững trong gian truân, bền chí trong khi gặp thất bại, nhất là nhẫn nại khi thấy mình lẻ loi.

Rao truyền chân lý, bảo vệ chân lý là một bổn phận của Kitô hữu. Thánh tông đồ dân ngoại đã thốt lên: “Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cor 9,16). Trước Thượng Hội Đồng Do Thái năm nào, Phêrô và Gioan đã khẳng khái rằng phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta vì các ngài không thể không nói lên sự thật mắt thấy, tai nghe (x.Cvtđ 4,18-20). Xin đừng viện cớ sự “khôn ngoan” để che giấu lối sống nửa với hay nước đôi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chia sẻ Bài này:

Related posts