- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Gương Chúa Giêsu I

Quyển một

Những nguyên tắc hướng dẫn đời sống tinh thần

Mục Lục

Trang [1] Mục Lục

Trang [2] Lời Dịch Gỉa [1]

Trang [3] 1 Noi gương Chúa và khinh của thế tục [2]

Trang [4] 2 Tự khiêm [3]

Trang [5] 3 Học thuyết của chân lý [4]

Trang [6] 4 Hành động cho khôn [5]

Trang [7] 5 Đọc Kinh thánh [6]

Trang [8] 6 Tình dục [7]

Trang [9] 7 Tránh phù phiếm và kiêu ngạo [8]

Trang [10] 8 Đừng suồng sã quá [9]

Trang [11] 9 Vâng lời và tùng phục [10]

Trang [12] 10 Lời vô ích [11]

Trang [13] 11 Bình an và tiến bộ [12]

Trang [14] 12 Lợi ích của đau khổ [13]

Trang [15] 13 Chống với cám dỗ [14]

Trang [16] 14 Xét đoán [15]

Trang [17] 15 Bác ái [16]

Trang [18] 16 Một nhịn chín lành [17]

Trang [19] 17 Đời sống tu trì [18]

Trang [20] 18 Gương thánh hiền [19]

Trang [21] 19 Công việc một tu sĩ [20]

Trang [22] 20 Tìm thanh vắng và thầm lặng [21]

Trang [23] 21 Lòng thống hối [22]

Trang [24] 22 Những đau khổ ở đời [23]

Trang [25] 23 Suy gẫm cái chết [24]

Trang [26] 24 Ngày công phán [25]

Trang [27] 25 Cải thiện đời sống [26]

Nihil Obstat
Bùi-Chu die 9 -9 -1953
Jos. Maria Phạm-Châu-Diên
Cens. del.

IMPRIMATUR
Saigon, 25-5-1965
F.X. Trần-Thanh-Khâm
Vic. Gen.

Đôi lời tâm huyết gửi bạn đọc

  1. Bạn muốn được nên thân tình với Thiên Chúa, mời bạn đọc Quyển I sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU. Đó là hành trang cho bạn lên đường.
  2. Bạn muốn gặp Thiên Chúa, mời bạn đọc Quyển II sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU, để khi được gặp Thiên Chúa bạn biết tâm sự với Ngài.
  3. Bạn muốn được Thiên Chúa tiếp thu làm bạn tâm giao, mời bạn đọc Quyển III sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU, để biết nên làm gì, phải làm gì để bảo vệ tình bạn với Thiên Chúa.
  4. Bạn muốn nhờ Chúa Giêsu Kitô, với Chúa Giêsu, sống đời con thảo của Thiên Chúa, mời bạn đọc GƯƠNG CHÚA GIÊSU Quyển IV.

Nhưng xin lưu ý bạn : Con đường nên thánh không có bước nhảy vọt, mà phải là tiệm tiến. Phải vững bước thứ nhất, rồi mới tiến bước thứ hai, phải nắm chắc bí quyết rồi mới tiến bước thứ ba. Thuần thục giai đoạn ba, không cần mời, Chúa Giêsu sẽ đến với bạn, không chỉ dắt tay bạn mà còn cho bạn nhờ Ngài, với Ngài tôn vinh Thiên Chúa Cha.

GƯƠNG CHÚA GIÊSU là một tác phẩm đã có gần 500 năm nay mà vẫn hiện đại, vì được xây dựng trên nền tảng Phúc Âm.

Sách đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng, và đã trở thành sách gối đầu cho các thánh.

Việt Nam cũng đã có ba bản dịch, nhưng vì hoàn cảnh đất nước, sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU trở nên hiếm, nếu không nói là gần như bị mai một.

May mắn, chúng tôi gặp được một tập bản dịch của Linh mục Lê Bá Tư, tái bản từ năm 1965. Nhưng đối chiếu với nguyên bản La-văn thì có rất nhiều sai sót, có thể do kỹ thuật ấn loát, nhiều câu vì mất chữ hoặc dịch sát nghĩa quá nên khó hiểu; nhiều câu lại dài dòng quá nên ý nghĩa mất sắc bén…

Nhờ một Linh mục đọc đối chiếu với bản La-văn và sửa lại tới 5 lần, cốt ý là cho sách quý này không bị mai một, mà còn dễ đọc dễ hiểu hơn.

Nay tôi xin giới thiệu GƯƠNG CHÚA GIÊSU với bạn đọc.

GIÁM MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
Phaolô-Tịnh NGUYỄN BÌNH TĨNH

Lời Dịch Gỉa

Tác gỉa “GƯƠNG CHÚA GIÊSU” đã không đề một lời tựa cho tác phẩm của mình. Đáng lý vì tôn trọng cuốn sách tuyệt tác này, một cuốn sách mà nhiều học gỉa đã không ngần ngại đặt liền sau bộ Phúc Âm Thư, tôi cũng không cần và cũng không dám viết gì thêm.

Nhưng với hy vọng phổ cập tới mọi tầng lớp quần chúng, tôi thấy không thể không có mấy lời giới thiệu. Phải chăng đây chỉ là cố gắng đặt tác phẩm vào địa vị xứng đáng của nó.

Trong khắp Giáo hội Âu Châu – nhất là mấy thế kỷ trước – GƯƠNG CHÚA GIÊSU đã là cuốn sách thân yêu của giáo hữu, nhất là của giới tu sĩ. Nó dã được hân hạnh góp phần vào việc tác tạo nên những vị Thánh thời danh, như Inhaxiô, Phanxicô, Têrêsa….

Điều đó không có gì lạ.

Một đàng vì lúc ấy – cũng là hoàn cảnh hiện tại của giáo hữu Việt Nam – những sách tu đức còn ít phổ thông, những vị linh hướng chưa có đủ để cung cấp cho sở nguyện riêng của mỗi người. Trong hoàn cảnh đó, GƯƠNG CHÚA GIÊSU đã xuất hiện, để trở nên cuốn tu đức học phổ thông và là kim chỉ nam cho bất cứ những ai muốn và đang đi tìm đường trọn hảo.

Đàng khác – và đây là điểm đặc sắc nhất, vì GƯƠNG CHÚA GIÊSU hàm chứa một giáo lý đầy đủ, minh bạch và những phương pháp thực hành thích dụng cho mọi tầng lớp và mọi thời đại.

Điều đó thật dễ hiểu. Vì trong khi các sách tu đức học – với tính cách giáo khoa – chỉ chú trọng nhiều ở nguyên tắc mà ít lưu tâm giữ vững ngọn lửa sùng ái trong tâm hồn: điều mà hết thảy, nhất là những người phôi thai trên đường trọn lành, hằng mong ước. Còn các sách đạo đức khác, nhất là các sách chuyên nghiên cứu những phong trào sùng mộ riêng trong khi hấp dẫn được linh hồn, thì hầu như thiếu hẳn tính cách hướng dẫn: một điều kiện tất yếu của mọi sách tu đức. Vì thế – cũng như loại sách trên – nó chỉ thỏa mãn được từng phương diện và từng lớp người.

Trái lại, ngoài sức hướng dẫn sẵn có, vì căn cứ trên những lời bất hủ của chính Đấng tự xưng là “Đường và Chân lý”, GƯƠNG CHÚA GIÊSU còn có một sức hấp dẫn dồi dào, mãnh liệt và bền bỉ, một sức hấp dẫn hình như trào ra bởi chính ngọn lửa sốt mến của Tác gỉa và nhuần thấm vào từng trang từng chữ trong sách. Nó đã và còn đang có sức thiêu đốt và lôi kéo bất cứ những ai tin tuởng bước theo những lời chỉ dẫn của sách này.

Ngoài ra , nếu xét về phương diện xử thế, GƯƠNG CHÚA GIÊSU còn là tất cả một khoa Triết học thực hành. Vì, không kể những lời Thánh Kinh – nguồn mạch mọi khôn ngoan thông thái – mà ta có thể thấy trong hầu hết mọi trang sách, chính những kinh nghiệm của những người từng trải mà Tác gỉa đã khéo thu thập, thêm vào những nghiệm xét bản thân của Tác gỉa, đã làm cho mỗi câu của GƯƠNG CHÚA GIÊSU trở nên một bài học khôn ngoan vĩ đại có thể áp dụng cho bất cứ trường hợp nào của đời sống.

Một cuốn sách như thế mà không được phổ thông nơi quần chúng, nhất là riêng giáo hữu Việt Nam, qủa là một sự thiếu sót và thiệt thòi khó có thể đền bù được.

Sự thực trước đây đã có một vài bản dịch ra tiếng Việt Nam. Những bản dịch đó dầu sao cũng có mang lại lợi ích không phải nhỏ. Nhưng tiếc vì sách in có hạn, đàng khác hình như hiện nay các bản dịch ấy đã bị đặt vào một hoàn cảnh qúa hẹp hòi, nên không còn đủ điều kiện để thỏa mãn nhu cầu ngày càng thêm khẩn thiết.

Bản dịch GƯƠNG CHÚA GIÊSU đây hẳn chưa phải là bản dịch lý tưởng, vì nó ra đời trong một hoàn cảnh qúa ngẫu nhiên. Thực, bất đắc dĩ nó phải thay thế cho những đàn anh nó đã vắng bóng mà chưa có người thế chân.

Mong những bản dịch mới mẻ và đầy đủ hơn, sẽ đến bổ khuyết và thay thế cho nó, nếu cần.

Tại Hà Nội, ngày 1 tháng 11 năm 1953

» Mục Lục [27]

1. NOI GƯƠNG CHÚA VÀ KHINH CỦA THẾ TỤC

Con đường sáng

Lời Chúa Giêsu: “Ai theo Ta, người ấy không đi trong đường tối”. (1)

Lời ấy, Chúa dùng để khuyên nhủ ta bắt chước tính hạnh và hành vi Chúa, nếu ta muốn được sáng thật và thoát ly mọi tối tăm trong tâm hồn.

Bài học chính của ta sẽ là suy gẫm về tính hạnh Chúa Kitô vậy.

Tinh thần Chúa

Học thuyết Chúa Kitô trổi vượt trên học thuyết các thánh. Ai thấu nhập được tinh thần Chúa Giêsu, người ấy gặp được lương thực giấu ẩn trong đó.

Sở dĩ nhiều người nghe giảng Phúc Âm luôn mà vẫn không xúc động, là vì họ không có tinh thần Chúa Kitô.

Muốn hiểu tỏ và nếm thử thi vị của lời Chúa, cần phải tập sống đời sống của Chúa.

Cái thông giỏi của thế tục

Lý luận cao kỳ về Chúa Ba Ngôi có ích chi, một khi lòng đầy kiêu hãnh. Bạn lại vì đó mà mất lòng chính Chúa Ba Ngôi.

Không phải cứ lý luận cao mà nên được người lành người thánh, trái lại chỉ có đời sống đạo đức mới làm nên được bạn thiết của Chúa!

Thà biết sám hối còn hơn biết giải thích nghĩa sám hối là gì.

Thuộc lòng toàn pho Thánh Kinh và danh ngôn các triết gia, mà không có đức ái và ân nghĩa Chúa: tất cả cái đó có ăn thua gì!

“Phù hoa nối tiếp Phù hoa,

“Của đời hết thảy chỉ là Phù hoa” (2) trừ kính ái và phụng thờ một Chúa.

Khôn ngoan nhất là người biết cài đạp thế tục để tìm đến nước trời.

Của đời của chóng qua

Không gì phù phiếm bằng tích góp cho nhiều của mau qua và để hết lòng trí vào đó!

Không gì phù phiếm bằng ham hố danh vọng và ưa tìm ăn trên ngồi trốc!

Không có gì phù phiếm bằng bê tha nhục dục và đam mê những cái rút cục chỉ làm cho mình phải nghiêm phạt!

Không gì phù phiếm bằng thích sống lâu mà không cố gắng sống cho thánh thiện!

Không gì phù phiếm bằng chỉ để tâm đến của hiện tại mà không màng gì của tương lai!

Không gì phù phiếm bằng chỉ mải miết đuổi theo của mau qua mà không màng đến cái sẽ làm cho mình được vui sướng bất diệt!

Của vô hình

Hãy tâm niệm luôn lời này của Đấng Khôn ngoan: “Mắt không bao giờ xem no, tai không bao giờ nghe thỏa”. (3)

Bạn hãy cố gắng giữ lòng khỏi quyến luyến của hữu hình và hãy chuyên lo tìm của vô hình.

Ai sống theo nhục dục, người ấy làm nhọ lương tâm mình và mất ơn Chúa.

SUY NIỆM

Con người sống ở đời chỉ có một việc tối cần là lo phần rỗi… nhưng không có phần rỗi ngoài Chúa Giêsu.

Tin tưởng ở lời Chúa, tùng phục huấn lệnh Chúa, bắt chước các nhân đức Chúa: đó là cái sống cao quí nhất.

Bê tha của cải, thú vui, chức quyền, mà lãng quên phần rỗi, thiết tưởng không còn thứ phù phiếm nào nguy hại bằng!

Chúa Giêsu! ích gì cho con, nếu con chỉ tìm biết những mầu nhiệm lớn lao về bản thân Chúa mà không lợi dụng được công nghiệp và ân nghĩa Chúa, không biết cái sống của Chúa và thực hành các nhân đức Chúa!

Ích gì cho con, nếu con chỉ nhắm mắt đuổi theo cái phù phiếm mà không chuyên lo phần rỗi con!

Xin giúp con nhận định rõ và cương quyết sống theo gương lành Chúa.

—————–
1. Gioan VIII, 12
2. Eccl 1, 2
3. Eccl 1, 8

» Mục Lục [27]

2. TỰ KHIÊM

Tính ham biết

Thường tình ai cũng muốn biết, nhưng biết mà không có lòng kính sợ Chúa: cái biết đó có ăn thua gì!

Một người quê mùa nghèo khó mà biết phụng thờ Chúa, còn giá trị hơn ngàn lần một triết gia kiêu kỳ, chỉ mải miết nghiên cứu các tầng trời vận chuyển mà không màng chi phần rỗi!

Người biết mình tỏ, sẽ tự khinh và không màng tiếng người đời ca tụng.

Thông làu thiên kinh vạn quyển mà không có đức Ái, tất cả những cái đó ích chi trước mặt Chúa là Đấng sẽ đoán xét mọi hành vi của mình!

Đừng tò mò

Bạn hãy hãm tính ham biết thái quá! Nó chỉ làm cho bạn chia trí và lầm lạc.

Người biết, tự nhiên muốn được người khác khâm phục và ca tụng là thông giỏi, nhưng có những cái biết không có ích mấy hay chẳng ích gì cho phần rỗi.

Nếu thế, chỉ cặm cụi với những cái khác mà không quan tâm đến cái giúp mình lo phần rỗi, còn gì điên rồ bằng?

Không phải chỉ cốt nói cho nhiều mà linh hồn no thỏa, trái lại chỉ có đời sống đạo hạnh mới làm được cho lòng yên tĩnh; chỉ có lương tâm trong sạch mới làm được cho ta yên vui trước mặt Chúa.

Đừng nghĩ mình hơn

Càng thông biết nhiều mà không lợi dụng được cái biết ấy để sống thánh thiện, càng phải đoán xét nặng.

Tài ba lỗi lạc đến đâu, đừng lấy đó làm cao làm kiêu: càng biết nhiều càng đáng lo ngại nhiều.

Bạn tưởng Bạn biết nhiều ư? Bạn nên nhớ, cái biết đó chẳng thấm đâu với những cái mà bạn chưa biết.

Thánh Phaolô bảo: “Bạn đừng có tự cao tự đại” (1) một hãy thú nhận cái dốt của mình đi.

Bạn đưa lý do nào mà dám tưởng mình hơn người, trong khi còn biết bao người thông thạo hơn và am tường luật Chúa hơn!

Bạn muốn biết cái gì giúp cho Bạn hơn ư! Bạn hãy mong được đời bỏ qua và không đếm xỉa đến.

Tự giác

Khoa học cao quí nhất mà cũng ích lợi nhất, chính là khoa học tự giác và tự khinh.

Không nghĩ hay cho mình và biết kính trọng người khác: đó là khôn ngoan và trọn hảo nhất.

Gặp người phạm tội công khai – dầu là một tội đại ác – Bạn cũng đừng vội căn cứ vào đó mà tưởng mình tốt hơn, vì Bạn không thể biết chắc Bạn sẽ đứng vững trong điều thiện được đến bao giờ.

Đành rằng ta ai cũng yếu đuối, nhưng Bạn nên tin chắc không ai yếu đuối hơn Bạn.

SUY NIỆM

Lời Thánh Kinh: “Những tư tưởng của người đời sẽ hết sức phù phiếm và hoàn toàn vô ích, nếu nó không giúp nhìn nhận và kính ái Chúa, giúp lãng quên và coi khinh chính mình”.

Lòng tin đơn sơ và linh động của một người chỉ biết tin – tin không mà cả, không do dự – tất cả những điều Chúa dạy tin và thực hành tất cả những điều Chúa dạy làm: lòng tin đó cao quí hơn tất cả khoa học đạo cũng như đời. Vì thiếu lòng tin đó, khoa học chỉ làm cho trí thêm kiêu, hồn thêm lạnh.

Lạy Chúa Cứu Chuộc khả ái! Xin chữa con khỏi bệnh tham biết thái quá và tính lười làm những việc phải làm cho được rỗi. Con có thể thành tâm học biết mà không ca tụng và kính mến Chúa sao được? Con có thể tự giác mà không tự khinh tự bỉ thế nào được!

Lạy Chúa! Sống thấp hèn không được người biết tới, sống ẩn dật với Chúa trong Đức Chúa Trời: cái sống đó cao quí nhường bao! Xin ban cho con và mọi người biết tôn trọng và thực hành được cái sống ấy.

—————–
1. Rom XI, 20

» Mục Lục [27]

3. HỌC THUYẾT CỦA CHÂN LÝ

Bài học chân lý

Phúc lớn cho người được Chân lý hiện thân dạy vẽ, không phải bằng hình bóng, không phải bằng lời lẽ mau qua, nhưng bằng chính bản tính mình.

Lý trí và giác quan ít nhìn sâu được vào sự vật, nên thường khi nó chỉ đánh lừa ta.

Tranh luận cao kiến về những vấn đề thắc mắc và bí nhiệm có ích chi! Ngày công phán, ta có phải đoán xét vì đã không biết những cái đó đâu?

Khinh thường những cái hữu ích và cần thiết để chỉ chuyên lo những cái có hại: như thế thiết tưởng không còn có cái dại nào bằng!

Rõ thực có mắt mà không trông thấy là thế!

Tiếng Thầy

Làm gì những cuộc tranh luận về giống và về thứ?

Ai được Ngôi Lời hằng sống nói với, người ấy thoát ly được ngàn ý rởm.

Tất cả mọi cái do Ngôi Lời mà có. Hết thảy tạo vật chứng minh về một Ngôi Lời: Mà Ngôi Lời chính là “nguyên ủy nói với lòng ta”. (1)

Không có Ngôi Lời, ai là người hiểu biết được sự vật cho tỏ, phán đoán được sự vật cho nhằm?

Ai được một Chúa là được tất cả. Ai qui định tất cả vào một mình Chúa và nhìn nhận mọi vật trong Chúa: người ấy sẽ được vững dạ và yên lòng.

Ôi! Chúa Trời chân lý! Xin làm cho con hợp nhất với Chúa trong một tình yêu bất diệt.

Con đọc đã mỏi, con nghe đã nhàm. Trong Chúa có tất cả mọi sự con ao ước khát vọng.

Trước nhan Chúa, tất cả các nhà bác học, tất cả các tạo vật hãy im đi để một mình Chúa nói với lòng con.

Vinh danh Chúa

Ai càng hồi tâm, càng thoát ly được sự vật bên ngoài, người ấy càng hiểu được nhiều, càng thấu đáo được những vấn đề sâu nhiệm mà không phải vất vả gì, vì chính Chúa sẽ ban thêm trí hiểu cho họ.

Một tâm hồn trong sạch đơn sơ và kiên nhẫn, dù giữa trăm công nghìn việc, họ cũng không sao lãng, vì việc gì họ cũng làm vì danh Chúa, và họ luôn luôn cố gắng đề phòng những đòi hỏi của lòng tự ái.

Còn gì làm bận lòng và ngăn trở Bạn bằng những cảm tình lố lăng của lòng Bạn?

Người nhân đức và trung thành với Chúa, bất cứ cái gì hoạt động ra ngoài họ cũng xếp đặt tự bên trong. Nhờ thế mà trong khi hành động, họ không hề bị lôi kéo theo một khuynh hướng xấu, trái lại họ xếp đặt tất cả theo luật lệ của lý trí.

Còn ai phải chiến đấu gay go bằng người chiến đấu để thắng chính mình?

Cái đáng ta lưu tâm nhất là chiến đấu với mình, chiến đấu để thắng mình và tiến bộ trong đường nhân đức.

Sống đạo đức

Tất cả mọi cái hoàn hảo trên đời đều có pha một vài khuyết điểm. Tất cả mọi điều ta nhận xét đều chưa sạch hẳn được cái hồ đồ.

Khiêm tốn tự biết mình: đó là đường chắc nhất đưa ta đến cùng Chúa hơn tất cả những phát minh kỳ lạ của khoa học.

Nói thế không phải có ý lên án khoa học hay bất cứ một kiến thức nào về sự vật, dầu là một kiến thức tầm thường nhất. Xét bản tính nó và theo chương trình an bài của Thiên Chúa, khoa học lúc nào cũng vẫn tốt, nhưng một lương tâm trong trắng và một đời sống đạo hạnh bao giờ cũng tốt hơn.

Nhưng đa số người đời chỉ chuyên lo học biết hơn là sống thánh thiện, vì thế họ đã lầm khốn nạn và không được ích gì, hay có cũng chẳng được mấy.

Chuyên trồng nhân đức

Chà! Giá họ cũng chuyên lo khu trừ thói hư và tu luyện nhân đức bằng tranh luận những vấn đề vô ích, thì giữa các dân tộc làm gì còn nhiều cái ác và gương xấu đến thế! Các dòng tu làm gì sa sút đến thế!

Chắc ngày công phán, Chúa không hỏi ta đã đọc sách nào mà chỉ hỏi đã làm gì? Chúa không hỏi có nói lợi khẩu không, mà chỉ hỏi đã sống thánh thiện thế nào?

Bạn xem: những giáo sư, những học giả bình sinh nức tiếng thông thái bây giờ đâu?

Địa vị họ xưa, bây giờ người khác đang giữ, nhưng chả biết những người này có nghĩ gì đến họ không?

Sinh thời xem chừng họ rất được lưu ý, nhưng giờ đây còn ai nhắc đến tên họ nữa đâu?

Thông thái thật

Trời! Vinh dự đời chóng qua biết mấy? Giá đời sống họ ăn nhịp được với học lực của họ thì những sách vở, những khoa học tốt biết chừng nào!

Biết bao người chỉ mải miết với những khoa học phù phiếm mà sao lãng việc phụng sự Chúa: Vì chỉ nghĩ đến làm lớn hơn học ở khiêm nhượng, mà họ đã tự tiêu diệt theo với những tư tưởng của họ.

Người lớn thật, là người có một lòng bác ái quảng đại!

Người lớn thật là người tự cho mình thấp bé và coi khinh danh vọng ở đời này.

“Người khôn thật, là người coi của đời như phân thổ để chỉ được một Chúa Giêsu Kitô.” (2)

Sau cùng, người thông thái thật, là người biết tuân theo ý Chúa và từ bỏ ý riêng.

SUY NIỆM

Có hai thứ khoa học: khoa học Thiên Chúa và khoa học nhân loại, nhưng chỉ có một chân lý.

Khoa học Thiên Chúa cũng bất di dịch như Thiên Chúa, còn khoa học nhân loại cũng hay thay đổi như nhân loại .

Khoa học Thiên Chúa là chính ánh sáng của Ngài, của chân lý thuần túy mà Ngôi Hai đã đem xuống! Ngài ban cho hết thảy nhưng ban cho những ai có tâm hồn khiêm nhượng.

Là con đẻ của nhân loại, khoa học nhân loại mơn trớn tính tò mò, nuôi tính kiêu hãnh, gieo lầm tưởng và mê hoặc mà không đánh động và sửa đổi được tâm hồn.

Học chân lý không phải để biết cho bằng để thực hành.

Lời hằng sống là lời Chúa nói với lòng hơn là với trí.

Biết nhiều điều cần để được rỗi và thực hành: đó là tất cả khoa học của một người giáo hữu.

Lạy Chúa, Chúa đã dạy: Không phải những ai thưa: “Lạy Chúa, lạy Chúa” mà được vào Thiên đàng, mà chỉ ai làm theo ý Đức Chúa Cha và sống theo đức Tin mới được rỗi.

Con hối tiếc vì đã biết và nói nhiều về chân lý mà chỉ làm được rất ít để cứu lấy mình.

Xin Chúa ban thêm cho con một tinh thần đạo đức một tâm hồn đạo đức và một đời sống đạo đức. Xin cho con lánh xa thế tục và chỉ tìm một Chúa là chân lý tuyệt đối và là trót hy vọng của con.

——————
1. Gioan III, 25
2. Philipp III, 8

» Mục Lục [27]

4. HÀNH ĐỘNG CHO KHÔN

Đắn đo

Đừng bạ tin mọi lời người nói cũng như mọi ý mình nghĩ. Nhưng mọi cái, phải khôn ngoan, thận trọng đắn đo xem có hợp thần ý Chúa không?

Trời! Ta yếu hèn quá! Cái xấu của người khác, ta thường dễ tin, dễ nói hơn là cái hay, cái tốt của họ.

Những người hoàn thiện, họ không bạ ai nói gì cũng tin, vì họ đã biết cái yếu hèn của con người tự nhiên hướng về điều ác và dễ lỗi lầm trong lời nói.

Cái khôn ngoan của nhân đức

Đừng hành động hấp tấp, cũng đừng cố chấp theo ý riêng: thế mới thật là khôn.

Đừng bạ ai nói cũng tin, đừng bạ tin gì cũng vội đem học lại với người khác: thế mới thực là khôn.

Bạn hãy học hỏi những người khôn ngoan và có lương tâm.

Thà học với người khôn ngoan từng trải còn hơn theo ý riêng.

Đời sống thánh thiện làm cho người khôn cái khôn của Chúa và cho người ta một bài học kinh nghiệm vĩ đại.

Càng khiêm tốn và tùng phục ý Chúa, càng khôn ngoan và bình an trong hành động.

SUY NIỆM

Muốn hành động cho khôn, nên lấy hai điểm này làm mẹo mực:

Đừng bạ ai nói cũng tin, bạ nghĩ gì cũng cho là phải, trái lại phải dẹp lòng tự ái và tình dục mà chỉ sẵn sàng chờ đợi thần ý Chúa.

Đừng cậy tài giỏi, thông thạo, nhưng phải đơn sơ và thành thực đón nhận ý kiến của người khác.

Những vị cao niên, những người kinh nghiệm chính là những cái mốc vững chắc cho bước đường của ta.

Lạy Chúa! Chúa đã tự đặt mình làm mẫu gương hành động cho con, Chúa lại dạy con phải “khôn như con rắn và đơn sơ như bồ câu”. Xin Chúa giúp con noi sát gương Chúa và thực hành được như lời Chúa răn dạy.

» Mục Lục [27]

5. ĐỌC THÁNH KINH

Bài học khôn

Phải tìm chân lý chứ đừng tìm lợi khẩu trong Thánh Kinh.

Đọc Thánh Kinh, phải đọc với chính tinh thần của tác giả.

Phải tìm lợi ích thiêng liêng hơn là tìm lời lẽ văn hoa chải chuốt.

Ta phải chuộng đọc cả những cuốn đạo đức đơn sơ, cũng như những cuốn cao sâu mầu nhiệm.

Đừng bận tâm đến thân thế, học lực của tác giả: hãy đọc vì lòng mến chân lý thuần túy.

Cũng không cần tra vấn câu nọ, câu kia, của tác giả nào, một hãy để ý xem tác giả đã nói những gì.

Giọng nói của Chúa

“Người đời qua đi, nhưng đức tín trung của Chúa sẽ muôn đời tồn tại”. (1)

Chúa nói với ta bằng nhiều cách khác nhau và bằng những người cũng khác nhau. (2)

Thường tính tò mò rất có hại cho ta trong lúc đọc Thánh Kinh. Nó làm cho ta muốn hiểu thấu và bình luận những cái đáng lý chỉ nên bỏ qua.

Nếu muốn được iùch khi đọc Thánh Kinh, Bạn hãy đọc cho khiêm tốn, đơn thành và tin tưởng, mà đừng bao giờ đọc để mong được tiếng thông giỏi.

Hãy bàn hỏi những người sống thánh thiện và im lặng nghe họ trả lời. Cũng đừng coi thường câu nói của những người cao niên: không phải vô tình mà họ mở miệng nói ra đâu.

SUY NIỆM

Đọc Thánh Kinh cũng như các sách đạo đức, không bao giờ nên đọc vì tò mò: để tìm lợi khẩu, khoa học, văn chương. Những sách đó không viết vì mục đích ấy.

Muốn lĩnh hội được ý nghĩa những sách đó, phải đọc cho:

– khiêm nhượng: vì Chúa Thánh Thần chỉ dạy những bí nhiệm cho người khiêm.

– đơn sơ: vì ánh sáng Chúa soi bao giờ cũng tự đủ cho mỗi người.

– tin tưởng: dầu ta không hiểu thấu, lời Chúa bao giờ cũng đáng kính phục.

Lạy Cha! Con đội ơn Cha vì đã giấu những cái đó với người khôn ngoan, thông thái mà chỉ tỏ ra cho trẻ nhỏ và người đơn sơ khiêm nhượng. Xin Chúa dạy con biết sống thánh thiện theo gương Chúa.

—————–
1. Ps. CXVI, 2
2. Bản dịch của Lamennais

» Mục Lục [27]

6. TÌNH DỤC

Lố lăng sinh hỗn loạn

Mỗi lần người ta ao ước một cái gì lố lăng là y như kỳ sinh rối lòng rối trí.

Người kiêu hãnh và hà tiện không bao giờ được yên nghỉ. Người nghèo khó và khiêm nhượng trong lòng lúc nào cũng yên hàn thư thái.

Người chưa chết hẳn cho mình, dễ bị cám dỗ và sa ngã trong những dịp rất nhỏ nhen và tầm thường.

Ai bạc nhược tinh thần, ai còn quá “xác thịt” và hay chiều theo giác quan, người ấy chả dễ bỏ hẳn được những ước muốn trần tục.

Vì thế họ thường khổ tâm khi phải bỏ nó và buồn giận khi bị người khác trái ý.

Bình an thực

Giả thử có đạt điều mong ước, họ lại bị lương tâm cắn rứt, xâu xé vì đã đi theo tình dục, là cái không đem lại bình an thực cho lòng họ.

Vậy, chính nhờ cách chống tình dục – chứ không phải nô lệ cho tình dục – mà người ta tìm được bình an thực cho tâm hồn.

Thứ bình an ấy không ở trong lòng người “xác thịt”, người sống theo ngoại cảm, mà ở chính trong lòng người đạo đức và tinh thần.

SUY NIỆM

Không kể ơn Chúa, tâm hồn bình an là quí nhất.

Nhưng bình an không ở chung với tình dục. Muốn được bình an, cần phải chiến đấu và đào thải mọi tình dục mạnh nhất trong ta. Nó là nguyên nhân phát sinh mọi xao xuyến của lòng.

Trong cuộc chiến này ta phải can đảm, cương quyết tìm và đánh thẳng vào tình dục mạnh nhất trong ta. Nó là tướng. Hạ thủ được nó, tàn quân sẽ tan rã và bình an sẽ phục hồi mau chóng.

Nhưng:

Lạy Chúa, ai sẽ ban cho con sức mạnh để dám nắm chắc phần thắng lợi trong cuộc chiến gay go này! Vì địch thù con vừa đông vừa mạnh mà con lại hèn yếu vô tài!… Chỉ có Chúa, lạy Chúa! Vậy xin Chúa thương ban cho con ơn can đảm, cương quyết để chiến đấu cho đến cùng, vì chỉ có người thắng trận mới đáng công.

» Mục Lục [27]

7. TRÁNH PHÙ PHIẾM VÀ KIÊU NGẠO

Tín nhiệm vào Chúa

Không ai khờ dại bằng người đặt trót tin tưởng ở người đời hay ở bất cứ một tạo vật nào.

Đừng xấu hổ khi phải giúp đỡ người khác vì lòng mến Chúa.

Đừng xấu hổ khi thấy mình nghèo túng ở đời này.

Đừng cậy ở sức riêng, một hãy tín nhiệm vào Chúa.

Hãy cứ làm vừa sức rồi Chúa sẽ giúp cho thiện chí của Bạn.

Đừng cậy học lực mình, cũng đừng cậy sức mạnh của bất cứ ai khác. Bạn hãy cậy vào Chúa là Đấng yêu người khiêm tốn và hạ người kiêu ngạo xuống.

Đừng khoe của đời

Đừng khoe mình lắm của, cũng đừng cậy mình lắm bạn thế lực; hãy tự hào trong Chúa là Đấng sẽ ban cho Bạn mọi cái và, – hơn mọi cái, – còn muốn ban chính mình cho Bạn.

Đừng cậy sức khỏe, đừng khoe sắc đẹp. Một cơn bệnh xoàng cũng đủ làm tiêu ma hết.

Đừng tự đắc vì tài cán, vì khôn ngoan, không vậy sẽ mất lòng Chúa là nguồn mạch mọi cái hay cái tốt tự nhiên của Bạn.

Học khiêm tốn

Đừng nghĩ mình hơn ai, không vậy Chúa thấu suốt lòng mọi người, sẽ kể Bạn là người xấu nhất.

Đừng hãnh diện vì những việc thiện đã làm, vì lý đoán của Chúa có phải như lý đoán người đời đâu! Có khi cái người đời công nhận Chúa lại đánh phi đấy.

Bạn có đức ư? Hãy tin rằng người khác còn có đức hơn bạn. Có thế Bạn mới có thể khiêm tốn luôn được.

Có hạ mình dưới người khác, Bạn cũng chẳng thiệt gì. Còn như chuộng mình hơn người khác – dầu một người mà thôi – cũng tai hại lắm đấy.

Người khiêm nhượng lúc nào cũng bình an. Còn lòng trí người kiêu, lúc nào cũng luôn ghen hờn, giận oán.

SUY NIỆM

Hãy tin tưởng ở Chúa, ở một mình Chúa, vì Chúa là Đấng không hề lay chuyển.

Còn gì yếu hèn, còn gì thay đổi, còn gì lay chuyển bằng người, vì kỷ phần của người là lầm lạc, là xấu bụng, là dối trá!

Khiêm nhượng là nhận định được địa vị chính yếu và thiết thực của mình.

Kiêu ngạo là một thứ cách mạng phá hủy trật tự thiên nhiên và tự hủy hoại cả chính mình.

Lạy Chúa, Chúa ghét dơ những người kiêu ngạo và yêu thương nâng đỡ người khiêm nhượng. Xin Chúa sửa tánh kiêu ngạo trong con và ban cho con ơn khiêm nhượng thật trong lòng để con đến gần Chúa và đáng Chúa yêu.

» Mục Lục [27]

8. ĐỪNG SUỒNG SÃ QUÁ

Chọn bạn mà chơi

“Đừng bạ ai cũng thổ lộ tâm tình với”. (1) Việc bạn, bạn hãy đem bàn với những người khôn ngoan và kính sợ Chúa.

Đừng năng đi lại với những thanh niên và những người thế tục.

Đừng nịnh người giầu cũng đừng tìm dịp tới lui người quyền quí.

Hãy quen thân với những người khiêm nhượng, đơn sơ, với những người sống một đời sống đạo hạnh, ngay thẳng và hãy chỉ nói, chỉ bàn những truyện hữu ích.

Đừng quen thân với một phụ nữ nào. Tất cả những phụ nữ nhân đức, bạn hãy phú thác cho Chúa.

Hãy ước mong kết thân với một mình Chúa và các Thiên thần và hãy tránh đừng để người đời biết đến Bạn.

Bác ái

Phải bác ái đối với mọi người, nhưng đừng vì đấy mà suồng sã với mọi người.

Có lúc còn xa thì khen lấy khen để, mà vừa giáp mặt đã ghét cay ghét đắng.

Có lúc ta nghĩ kết thân với người khác, như thế là vừa ý họ lắm, nhưng ngờ đâu, chính lúc ấy lại là lúc họ bắt đầu chán ta, vì gần ta, họ đã khám phá ra những khuyết điểm của ta.

SUY NIỆM

Sống trong xã hội cần phải có tình… Nhưng tâm tình đó không bao giờ nên thái quá đến nỗi thành suồng sã!

Để đề phòng, tác giả khuyên ta:

– Đừng quá dễ tin, bạ gặp ai cũng thổ lộ tâm tình.

– Đừng quen thân với những thanh niên thế tục và người quyền quí giầu sang.

– Với nữ giới càng phải hết sức dè dặt.

Chỉ có một tình yêu không bao giờ có thể đi quá mà chúng ta không thể không có: tình yêu Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu! Xin giúp con mến Chúa hơn yêu cha mẹ con, bạn hữu con, và hơn chính bản thân con. Xin cho con mến Chúa trong Chúa và vì Chúa, bằng một tình yêu không nề quản và không biết nhượng bộ trước bất cứ một chướng ngại nào.

——————
1. Eccl. VIII, 22

» Mục Lục [27]

9. VÂNG LỜI VÀ TÙNG PHỤC

Thong dong thực

Sống trong đức vâng lời, có một Bề trên để tùy phục và không phải làm chủ việc mình; đó là đại ích đấy.

Vâng lời còn chắc chắn hơn cai trị ngàn vạn lần.

Nhiều người vâng lời vì bất đắc dĩ hơn là vì yêu mến: những người ấy khổ tâm và hay kêu ca lắm! Bao lâu họ chưa biết thực tâm phục tùng vì lòng mến Chúa, lòng trí họ sẽ không được thong dong thực.

Dầu đi đâu, ở đâu, bạn cũng sẽ không được yên trí, bao lâu bạn chưa biết khiêm nhường phục tùng một Đấng Bề trên.

Nhiều nguời lầm hết chỗ nói vì họ tưởng ở nơi này, đi chỗ nọ họ sẽ được dễ chịu hơn.

Sẵn sàng nhượng bộ

Tự nhiên ai cũng thích làm theo ý riêng, ai cũng thịnh tình với người hợp ý mình hơn.

Nhưng nếu ta muốn Chúa ở với ta, đôi khi ta cũng cần phải bỏ ý riêng để bảo vệ lấy An Bình.

Làm gì có ai thông thạo, hiểu thấu được tất cả sự vật. Nếu thế, Bạn đừng quá yên trí rằng mình sáng suốt, một hãy vui nhận ý kiến người khác.

Ý bạn hay ư? Vì lòng mến Chúa, Bạn cũng cứ bỏ nó đi để theo ý người khác, như thế trong đường nhân đức, Bạn sẽ tiến được xa lắm đấy.

Ta thường nghe nói: chịu nghe và theo lời bàn của người khác còn chắc chắn hơn.

Cũng có trường hợp, ý kiến đôi bên cùng phải cả, nhưng nếu cứ cố chấp không chịu theo ý người khác khi lý trí hay hoàn cảnh bắt buộc; đó là một triệu chứng kiêu hãnh và điên gàn.

SUY NIỆM

Phúc lớn cho người biết tùng phục một Chúa trong bản thân các Đấng Bề trên thay mặt Chúa. Và người biết kiên nhẫn thực hành đức vâng lời, có công lớn chừng nào! Đó là một hy sinh liên lỉ và kính ái hoàn toàn nhất.

Chính đức vâng lời là giá trị, là vinh dự, là công phúc của đời sống công giáo, nhất là đời sống tu trì, vì nó làm cho Chúa trở nên Thầy tuyệt đối và sở chủ lòng ta.

Nhưng cho được thế, cần lý trí, tâm hồn và hành động phải cộng tác vào việc thực hiện đức vâng lời; lý trí công nhận, tâm hồn yêu mến, làm cho nhanh nhẹn, quảng đại và bền bỉ.

Lạy Chúa cứu chuộc con! Tài nào thấy Chúa hy sinh quyền cả một Chúa Trời để vâng lời mà con không yêu thích và thực hành đức vâng lời được.

Tài nào thấy Chúa 30 năm trường vâng lời Đức Mẹ và Thánh Giuse trong hết mọi việc, mà con không thành tâm theo trọn những điều Chúa soi cho con trong lề luật và trong các Đấng Bề trên?

Thấy Chúa vâng lời cả đến bọn đao phủ khi chúng đặt Chúa nằm trên Thánh giá mà con phản kháng và kêu ca khi phải vâng lời được sao!

Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con biết thành tâm vâng lời để noi gương Chúa và để thực hiện thánh ý Chúa trong mọi nơi và mọi lúc.

» Mục Lục [27]

10. LỜI VÔ ÍCH

Nói ít

Bạn hãy hết sức lánh xa những đám đông người. Vì dù Bạn không có ý xấu, nhưng lời bàn soạn việc đời bao giờ cũng tai hại lắm.

Nó làm cho linh hồn ta chóng nhọ gỉ và nô lệ tính phô trương.

Thà nín lặng những khi phải gặp người đời và đừng xen vào giữa đám đông là hơn cả.

Đã biết rằng chả mấy khi nói truyện ra về mà khỏi lương tâm cắn rứt, thế sao còn cứ ngứa ngáy muốn nói, muốn bàn?

Thường ta thích nói là vì nhờ trao đổi cảm tình, ta có thể yên ủi lẫn nhau và rút cho lòng trí khỏi những tư tưởng bực rọc.

Những lúc đó ta thường hay nói về mình, về những cái ta ưa thích và ước ao hoặc những cái làm ta khó chịu.

Nói cho khôn

Nhưng khốn! Thường ta chả được toại ý! Vì chính những cái bên ngoài ấy, nó làm cho ta mất rất nhiều ơn Chúa yên ủi bên trong.

Vì thế, ta phải tỉnh tao và cầu nguyện, đừng để thì giờ qua đi vô ích.

Nếu được phép nói hay nói có lợi, Bạn cũng chỉ nên nói những cái có thể giúp Bạn tiến đức hơn.

Tập quán xấu, tính ươn hèn trong đường tiến đức ngăn trở ta rất nhiều trong việc giữ miệng lưỡi.

Lời nói đạo đức về những vấn đề thiêng liêng bao giờ cũng giúp ta tiến bộ rất nhiều trong đường đạo đức, nhất là giữa những người nhất tâm trí đoàn kết trong Chúa.

SUY NIỆM

Nói ít với tạo vật để nói nhiều với Chúa, tránh những lời vô ích tò mò, chỉ dùng miệng lưỡi để nói những điều tốt, điều cần: đó là phương pháp tối hảo để nên người trọn lành, để giữ tâm hồn trong sạch và kết chặt với Chúa.

Một người chỉ để lòng trí ở tạo vật, ưa thích những cái phù phiếm: người đó không thể mến Chúa được, không thể chuyên lo cầu nguyện và hồi tâm được.

Lời thánh Âugutinh: “Hỡi người đãng trí và lêu lổng! ngươi làm gì trong khi ngươi tìm thỏa mãn nhục dục, vui sướng? Hãy hồi tâm tìm của thật, của tối hảo ở trong lòng ngươi, một của đó sẽ có thể thỏa lòng ngươi”.

Lạy Chúa! Xin ban cho con tinh thần nội hướng và hồi tâm để con chỉ chuyên lo thần ý Chúa và trung thành với ơn Chúa. Xin hãy làm cho con chỉ luôn nhớ đến Chúa, nói về Chúa: Nhớ mà khuất phục, nói mà kính ái, và đừng để cho tạo vật nào có thể làm cho con xa Chúa.

Con ngán cái sống xa nhan Chúa, sống mà ít cảm thấy những cao cả của Chúa, con ngán vì con chưa làm được gì để đẹp lòng Chúa!

Xin cho lòng con sống động trước nhan Chúa, và trước nhan Chúa, xin cho lòng con chỉ thở ra hạnh phúc là đẹp lòng Chúa đời này, để Chúa nên kỷ phần của con trong đời muôn thuở.

» Mục Lục [27]

11. BÌNH AN VÀ TIẾN BỘ

Tuyên chiến với thói hư

Ta chỉ được bình an thực khi nào ta không muốn bận tâm đến lời nói hoặc việc làm của người khác, hay bất cứ những gì không hệ đến ta.

Ai hay pha mình vào việc người, hay đi tìm bên ngoài những việc bận bịu, ít hay họa mới hồi tâm tự xét, người ấy bình an lâu thế nào được?

Hạnh phúc những ai đơn thành, vì chính họ sẽ hưởng được bình an lớn lao!

Tại đâu có những thánh nhân đã trèo cao trên đường trọn lành và nguyện ngắm cao siêu được đến thế?

Vì họ đã cố gắng làm chết hẳn trong mình tất cả những ước muốn thế tục và như thế tâm hồn họ đã được kết chặt mật thiết với Chúa và trí khôn được thong dong chuyên lo phần rỗi.

Còn ta, ta đã nô lệ nhiều quá cho tình dục, ta đã bận tâm nhiều quá vì những cái mau qua. Vì thế, ít khi ta thắng dẹp hẳn được nết xấu – dầu là một nết xấu thôi! – và lòng ta ít ao ước tiến bộ luôn. Chính cái đó đã làm cho ta khô lạnh hơn hết.

Nếu ta chết hẳn cho mình và giữ lòng sạch mọi vương vấn, ta sẽ có thể nếm được những hương vị của Thiên Chúa và cảm thấy một phần nào cái thú khi suy gẫm về Chúa.

Trở lực lớn nhất mà cũng duy nhất là tại ta quá nô lệ và ham mê tình dục mà không cố gắng bước vào đường trọn lành của các thánh.

Thản hoặc đôi lúc gặp điều trái ý, ta đã nản lòng ngay và đi tìm an ủi của người đời.

Phải chiến đấu cho can trường

Nếu ta vững tâm chiến đấu như một tinh binh hùng dũng, nhất định ta sẽ thấy tay Chúa giúp ta. Vì Chúa hằng sẵn sàng luôn để đến giúp những ai chiến đấu cho Chúa và đặt trót tin tưởng vào Chúa. Phải không, chính để ta thắng mà Chúa đã ban cho ta dịp chiến đấu?

Nếu đà tiến bộ tinh thần của ta chỉ căn cứ vào cách giữ luật bên ngoài, lòng sốt sắng của ta chả lâu bền được?

Hãy đặt dìu vào gốc cây và hãy chặt đứt mọi vương vấn tình dục, như thế hồn ta sẽ hưởng được thứ bình an thực.

Giá mỗi năm ta tuyệt căn được lấy một thói hư, ta sẽ chóng nên người hoàn thiện biết mấy!

Nhưng trái lại, kinh nghiệm cho ta hay, những năm mới trở lại ta còn khá hơn những năm đã tuyên khấn nhiều.

Đáng lý hằng ngày ta phải sốt sắng hơn, tiến bộ hơn, nhưng tiếc! mới giữ được một phần ơn sốt sắng ban đầu ta đã cho là nhiều lắm!

Nếu ban đầu ta cố gắng ép mình hơn một chút, ta đã có thể làm được mọi việc cách dễ dàng và vui vẻ.

Chừa được một tập quán là khó. Nhưng chiến đấu và đoạn tuyệt ý riêng còn khó hơn nhiều.

Nếu giờ đây, Bạn không thắng nổi được những cái khó nhỏ, những cái khó vô nghĩa, mai ngày Bạn thắng sao nổi những cái khó lớn?

Hãy cự tuyệt ngay ban đầu những khuynh chiều của Bạn, hãy sửa bỏ ngay những tập quán xấu, không vậy dần dà nó sẽ thành nguy cơ lớn cho Bạn?

Chà! Nếu Bạn nhận định rõ – khi Bạn sống cho xứng đáng – bạn sẽ được hưởng an bình chừng nào và làm cho người khác vui mừng biết mấy, chắc Bạn sẽ cố gắng tiến bộ tinh thần nhiều hơn.

SUY NIỆM

Không gì ngược lại an bình, hạnh phúc thật, bằng buông lung theo tình dục để làm nô lệ và nạn nhân của nó.

Không gì có thể thiết lập một lương tâm thư thái thật, một đời sống huân công và hạnh phúc đời này và bảo đảm phần rỗi đời sau bằng chiến đấu để thắng tham vọng, bằng cự tuyệt những ước muốn lố lăng của lòng.

Tôi phải tuyên chiến với tà dục và quyết chỉ dành lòng trí tôi cho một mình Chúa.

Lạy Chúa! Con đã sung sướng, thỏa lòng và chắc phần rỗi biết mấy nếu con biết thắng dẹp tình dục và thành tâm thống hối, để trả nợ đức công bằng Chúa và đền đáp một phần nào lòng Chúa yêu con! Xin đừng để con phụng sự một cái gì ngoài Chúa? Chúa hãy đập tan xiềng xích, hãy cứu con khỏi tình trạng nô lệ, bất công và tàn nhẫn mà tình dục đang đàn áp con. Lòng con có bao nhiêu, con xin dâng trót cho Chúa. Chúa đừng để cho phô trương, tự ái, dâm ô, lười biếng, giận hờn – những tà chúa ngoại lai – chiếm đóng lòng con một lần nữa. Con cảm thấy chia sẻ lòng mến Chúa là ăn cướp, là bội phản.

Lạy Chúa là tất cả của con, Chúa hãy nên gia nghiệp muôn đời của con.

» Mục Lục [27]

12. LỢI ÍCH CỦA ĐAU KHỔ

Đau khổ giúp tự giải thoát

Đôi khi gặp đau khổ trái ý rất có lợi cho ta, vì nó giúp ta hồi tâm, nhìn nhận đời sống này như sống tù đầy, và đừng đặt hy vọng vào bất cứ vật nào ở đời.

Dầu đôi lúc bị người phản đối hay những khi làm phải, hoặc có ý ngay mà vẫn bị người công kích, ngộ nhận: cái đó rất có lợi. Vì nó giúp ta tự khiêm và tránh được tiếng phù phiếm.

Đau khổ đưa tới Chúa

Khi bên ngoài ta bị người đời khinh rẻ và ngộ nhận, chính lúc ấy là lúc ta dễ đi tìm Chúa để chứng kiến cho lòng ta.

Một lý do đó đủ bắt buộc ta tin vững vào Chúa và đừng đi tìm an ủi nơi người đời.

Khi một người có thiện chí mà phải khổ tâm bị thử thách, bị người xét đoán oan uổng, lúc đó họ cảm thấy mình cần Chúa hơn khi nào hết và ngoài Chúa họ thấy rõ mình không thể làm được gì hay và tốt.

Đau khổ làm cho ta ngán sống

Lúc đau khổ, ta buồn, ta cầu nguyện để thoát những đau khổ đang chịu.

Lúc đau khổ, ta ngán sống lâu, ta mong chết để thoát mọi vương vấn mà kết hợp với Chúa Giêsu Kitô.

Lúc khổ đau ta mới nhận thấy rõ đời này không có bảo đảm hoàn toàn, không có bình an vững chắc.

SUY NIỆM

Phải chân nhận những trái ý như là để thử, để gột rửa và siêu nhiên hóa tình ái.

Chúa để ta gặp khắp nơi những đau khổ, những trái khoáy, những phản kháng… nhiều khi bởi chính tay những người chung sống với ta, những người thân yêu ta, để ta yêu họ cho cao thượng và vì Chúa.

Hạnh phúc tâm hồn đã bị đau khổ thử thách, cám đỗ luyện lọc như lửa thử và luyện vàng. Chính bởi đó – lời Đấng Khôn ngoan – “Chính nhờ đó mà họ xứng đáng được Chúa và dễ am hợp với Chúa”.

Câu tụng niệm của tôi trong lúc gặp đau khổ sẽ là: “Vâng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy”.

Lạy Chúa! Xin giúp con trong những đau khổ và phản kháng mà Chúa cho phép xẩy đến. Xin đừng để nó làm kiệt quệ trong con ngọn lửa Bác ái. Đừng tiếc lòng con, một hãy giữ lấy lòng Chúa và hãy làm cho cám dỗ – thay vì làm con xa Chúa – sẽ nối kết lại với Chúa chặt hơn.

» Mục Lục [27]

13. CHỐNG VỚI CÁM DỖ

Cám dỗ: không ai thoát được

Bao lâu còn sống ở đời, ta còn phải chịu đau khổ và cám dỗ.
Vì thế thánh Job nói: “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.
Do đó, mỗi người chúng ta phải đề phòng cám dỗ, phải tỉnh tao cầu nguyện để cho quỉ – hằng tỉnh thức và luôn luôn “chạy rảo khắp nơi tìm mồi sát hại” – sẽ không làm gì được ta.
Làm gì có ai hoàn toàn và thánh thiện đến nỗi không phải cám dỗ bao giờ! Đã thế ta cũng không tài nào thoát được.
Nhưng cám dỗ – dầu nặng nề gay gắt mấy – thường lại rất lợi vì nó giúp ta tự khiêm, nó luyện lọc và cho ta những bài học quí giá!
Hết mọi thánh nhân đã phải qua những thử thách, những cám dỗ lớn lao và nhờ đó các Ngài đã được lợi rất nhiều.

Còn những ai không chịu nổi cơn thử thách đã phải loại bỏ và bị tiêu diệt.
Không một dòng tu nào thánh thiện mấy, không một nơi nào khuất tịch mấy mà thử thách và cám dỗ không tới được!
Không ai còn sống mà thoát hẳn được cám dỗ, vì bẩm sinh con người đã có dục vọng, mà dục vọng chính là mầm mống của cám dỗ.
Cám dỗ hoặc đau khổ này chưa qua hẳn, cám dỗ hoặc đau khổ khác đã dồn dập tới. Lúc nào ta cũng có một cái gì phải chịu đựng vì ta đã mất những sảng khoái của tình trạng diễm phúc sơ khai

Cám dỗ có thể thắng lướt được

Nhiều người tìm thoát cám dỗ, nhưng lại gặp ngay cám dỗ nặng hơn.
Không phải cứ trốn mà thắng nổi cám dỗ đâu.Nhưng phải nhẫn nại và khiêm tốn thực mới khuất phục được thù địch của ta.
Nếu chỉ tránh những dịp bên ngoài mà không nhổ cho tuyệt căn: Bạn sẽ không tấn tới được mấy. Cám dỗ sẽ tiến đến dồn dập và bạn sẽ thấy khổ tâm hơn.
Cứ từ từ chống trả cho nhẫn nhục và bền gan – với ơn Chúa giúp – bạn sẽ thắng cám dỗ dễ hơn là xua nó một cách tức tối hằn học.
Bị cám dỗ, Bạn hãy năng đi bàn hỏi. Cũng đừng bẳn gắt với những người bị cám dỗ: Hãy yên ủi họ như bạn muốn được người yên ủi.
Nguyên do mọi cám dỗ xấu là tại tâm hồn nông nổi và ít tín nhiệm vào Chúa.
Như một con thuyền không lái bị sóng nước lôi cuốn, con người nhát gan và không giữ điều quyết định luôn luôn bị cám dỗ lay chuyển.

“Lửa thử sắt” (1) cám dỗ thử người công chính.

Thường ta không biết ta có thể làm được những gì, nhưng cám dỗ cho ta biết rõ chân giá trị của ta.

Phải cẩn phòng luôn nhất là khi cám dỗ mới đến. Đừng mở cửa để nó đột nhập linh hồn. Hãy chặn đánh ngay khi nó vừa ló mặt như thế rất dễ thắng nó.

Một thi sĩ xưa viết:

“Chữa bệnh, chữa ngay từ mới phát. Để lâu thêm nặng tốn tiền thang”. (2)

Cám dỗ khởi điểm bằng một tư tưởng đơn sơ, rồi một ấn tượng rõ rệt, lòng vui thích và xúc động, cuối cùng là ưng thuận: đó là tất cả một chiến lược quân thù đắc dụng, để đột nhập lòng ta, nếu ta không kháng cự ngay từ đầu.

Ai càng lười kháng cự, càng chóng yếu nhược và, quân thù càng thêm mạnh.

Cám dỗ rất có lợi

Có người phải cám dỗ tàn tệ, ngay khi mới trở lại. Có người sau mới phải. Cũng có người phải chịu hầu suốt đời. Có người chỉ phải cám dỗ nhẹ.

Chúa ấn định thế, tùy theo khôn ngoan và công bình Chúa, vì Chúa đã biết rõ tình trạng của mỗi người, Chúa đo huân nghiệp của mỗi người và, xếp đặt mọi cái, cốt mưu phần rỗi cho những người Chúa chọn.

Vì thế, ta không nên ngã lòng, khi phải cám dỗ, một hãy khẩn nài Chúa đến giúp ta – trong cơn thử thách. Vì theo lời thánh Phaolô “Chúa sẽ giúp ơn đủ trong cám dỗ để ta: chịu đựng được”. (3)

“Vậy ta hãy tự phú thác trong tay Chúa” (4) trong một cám dỗ và, đau khổ vì: “Chúa sẽ cứu và nâng người thực lòng khiêm nhượng lên”. (5)

Chính nhờ cám dỗ và đau khổ, mà ta có thể biết được mình đã tấn tới được đến đâu. Chính trong đau khổ và cám dỗ mà ta được công lớn và, nhân đức chói lòa hơn.

Có ra gì người chỉ sùng mộ, và đạo đức, khi không gặp khó chịu! Nhưng nếu biết nhẫn nhục và chịu đựng đau khổ, họ sẽ có cớ tiến cao được lắm.

Có người can trường chịu đựng được những cám dỗ lớn, mà ngã thua trong những cám dỗ nhẹ thường ngày.

Chúa để vậy cho họ biết nhờ đấy mà tự hạ. Vì một khi thấy mình yếu đuối trong những cám dỗ nhỏ, họ sẽ không dám tự hào trong những cám dỗ lớn.

SUY NIỆM

Cám dỗ giúp ta luyện mình cho khỏi những dan díu thầm vụng của kiêu ngạo, của tự ái, vì nó làm cho ta cảm thấy sức nặng của đau khổ, làm cho ta ngán những thỏa mãn đời này và giúp ta tin tưởng vào một Chúa.

Nó còn giúp ta tự hạ vì, cảm thấy mình hèn yếu, vì trông thấy cái cội gốc hư tệ trong ta. Nó giúp ta thấy rõ ta bất lực, trước bất cứ một việc lành nào, vì thiếu ơn Chúa, ta không thể giữ mình khỏi phạm tội được.

Lạy Chúa, khi bị cám dỗ, con cảm thấy rõ, nguyên sức con chỉ có thể phạm tội mất lòng Chúa, vì lòng con luôn chiều về điều ác. Nhưng con lại biết: Chúa có thể giữ con khỏi những xô lấn tàn tệ của tình dục và, chính Chúa cũng muốn giúp con nữa. Vậy không tin ở con, con chỉ tin trót ở Chúa, con sẽ thưa Chúa: Lạy Chúa, con đang đứng trên bờ vực sâu, con giơ tay lên cùng Chúa và trông cậy Chúa sẽ không để con chìm mất.

——————-
1. Eccl. XXXI, 31
2. Ovide
3. Cor. V, 13
4. 1 Pet. V, 6
5. Ps. XXXIII, 19

» Mục Lục [27]

14. XÉT ĐOÁN

Xét đoán là bất công

Hãy lo xét mình mà đừng tìm xét việc người.

Xét người: đó là làm việc vô ích. Làm thế người ta rất hay lầm và, dễ sai lỗi lắm.

Thay vì xét người, Bạn hãy đoán, hãy xét mình: làm thế bao giờ cũng có lợi hơn.

Thường ta xét đoán sự vật theo độ cảm tình của lòng ta, đối với sự vật ấy và, lòng tự ái thường làm ta đoán xét thiên lệch.

Nếu ta quy hướng tầm mắt ta, về một mình Chúa, làm gì dễ khó chịu, khi gặp trái ý đến thế.

Thường có một cái gì, – không bên trong thì bên ngoài – nó lôi kéo ta.

Bao nguời hễ tra tay làm việc, là y như kỳ bí mật, đi tìm chính mình mà vẫn không biết.

Bao lâu sự vật xảy đến hợp sở ước, sở trường xem ra họ được an bình lắm, nhưng nếu gặp phản đối, là tức khắc họ bối rối và xu buồn.

Xét đoán rất có hại

Bất đồng ý kiến, bất hợp tình cảm, thường hay gây bất thuận, giữa bạn bè, giữa công dân một nước, có khi giữa cả một Dòng tu và những người đạo đức.

Một thói quen lưu cựu, bỏ đi được khó lắm, và chẳng mấy ai vui lòng chịu dẫn đi lối mình không muốn.

Nếu chỉ dựa vào ý kiến và tài năng riêng, hơn là theo gương Chúa Kitô, mà vâng lời, tùng phục Bạn sẽ ít – hay có cũng rất muộn – được ơn soi sáng trong đường thiêng liêng. Vì Chúa muốn ta phải hoàn toàn khuất phục Chúa, thắng hết mọi lý luận để đi tới một đức ái nồng hậu hơn.

SUY NIỆM

Tự nhiên ta thích điều tra và công kích những khuyết điểm của người khác.

Lòng tự ái thường làm ta công nhận trong ta cái ta phê bình nơi người khác và, ta thường sáng suốt khi xét khuyết điểm nguời, mà mù tối đối với khuyết điểm của mình.

Lời Chúa Giêsu: “Chúng con đừng xét đoán để khỏi phải đoán xét”.

Tôi sẽ đoán xét mình cho nghiêm nhặt, thay vì đi xét đoán người, để khỏi bị Chúa xét đoán, trong ngày công phán.

Lạy Chúa, xin ban cho con biết quên, hay không biết đến những cái con không có trách nhiệm phải biết, phải xét đoán, để con chỉ sống vì Chúa và trong Chúa. Lạy Chúa, một mình Chúa có quyền xét đoán, xin hãy đoán xét con đời này, để tha xét đoán con trong ngày công phán.

» Mục Lục [27]

15. BÁC ÁI

Hoạt động của bác ái

Đừng làm một việc ác, để được bất cứ một của gì, hay bất luận vì yêu một người nào. Nhưng có lúc cũng nên bỏ một việc thiện, hoặc thay thế bằng một việc tốt hơn, để làm ích cho một người cần được ta giúp. Lúc đó không phải là bỏ việc thiện, nhưng là trở thành việc tốt hơn.

Không có bác ái, công việc bên ngoài là việc chết. Nhưng một công việc dầu nhỏ bé mấy, dầu tầm thường mấy mà làm vì một nguyên do bác ái, lại lợi hết chỗ nói. Vì Chúa không xét việc ta làm, bằng xét lý do xui ta làm.

Bác ái nhiều, là làm nhiều rồi đấy.

Cái phải làm cứ làm cho hẳn hoi, cũng là làm việc nhiều rồi đấy.

Làm mà cốt mưu công ích hơn là tạo ý riêng, đó là làm nhiều rồi đấy.

Bác ái thật

Cái người ta cho là công việc của Bác ái. Thường khi lại chỉ là con đẻ của tham vọng. Vì khuynh hướng tự nhiên, ý riêng, tính vụ lợi, tính quen tìm cái vừa ý, hằng theo ta như bóng với hình.

Người có bác ái hoàn toàn thực, không tìm ích riêng, trong bất cứ công việc gì nguyện vọng duy nhất của họ, là làm vinh danh Chúa trong mọi sự.

Người đó không ghen ghét ai, vì họ không tìm vui sướng riêng cho mình.

Họ không tìm hạnh phúc cho bản thân, một tìm nơi Chúa một hạnh phúc cao quí, và trổi hơn hết.

Không nhìn nhận cái gì hay tốt ở tạo vật, họ qui hướng tất cả về Chúa, như nguồn sâu thẳm, phát nguyên muôn điều thiện, là cứu cánh làm cho hết thảy các Thánh được an nghỉ vui sướng.

Ôi! Ai có một tia Bác ái thật; người đó sẽ cảm thấy tất cả thế vật, chỉ là phù vân giả trá!

SUY NIỆM

Ta hãy cố lĩnh hội được câu: “Chúa không xét ta đã làm nhiều hay làm ít, chỉ xét ta Bác ái nhiều hay ít”. Và: “Bác ái nhiều tức là làm nhiều”.

Việc ta làm chỉ đẹp ý Chúa, khi nào nó đuợc đóng ấn tín của Bác ái.

Thánh Phaolô bảo: “Anh em hãy làm việc anh em trong cảm tưởng, và nhịp điệu của Đức Ái Thiên Chúa”.

Lòng Bác ái linh động và hiện hoạt ấy, chính là của nuôi dưỡng Đức tin trong ta, vì Đức tin mà không có Đức Ái, là Đức Tin chết.

Lạy Chúa, là trung tâm của mọi Tình Yêu! Con ân hận, vì đã qua bao năm tháng mà không mến Chúa! Con xấu hổ, vì đã ít nghĩ đến Chúa, trong khi Chúa nghĩ đến con luôn, đã thờ ơ lãnh đạm với Chúa trong khi Chúa nóng lòng yêu con! Lạy Chúa, xin cho con yêu mến Chúa cho tha thiết, để bù lại những năm tháng, mà con đã không mến Chúa, và đền đáp trong muôn một lòng Chúa yêu thương con.

» Mục Lục [27]

16. MỘT NHỊN CHÍN LÀNH

Nhịn là tinh khôn

Cái gì trong bạn, hay trong người khác mà Bạn không sửa được. Bạn hãy nhẫn nhục chịu đựng, cho đến khi Chúa ấn định cách khác.

Bạn nên nghĩ, biết đâu để thế lại có lợi hơn cho Bạn vì nó giúp bạn luyện tập thêm đức nhẫn, là một đức tối cần để lập nên công lớn.

Nhưng Bạn hãy cầu xin Chúa giúp Bạn trong những éo le ấy, để chịu cho vui lòng.

Nếu bạn đã bảo ai nhiều lần mà người ấy không chịu nghe. Bạn đừng cãi lẫy với họ, hãy để mặc Chúa, là Đấng có thể biến điều ác, nên điều thiện, để thần ý Ngài nên trọn và, để Ngài được hiển danh, trong các tôi trung của Ngài.

Nhịn là công bằng

Bạn hãy cố nhẫn nhục chịu đựng những khuyết điểm và sơ suất, bất luận lớn nhỏ của người khác, vì chính Bạn, cũng đầy khuyết điểm, mà người khác đang phải chịu đựng đấy!

Chính Bạn, Bạn cũng không thể trở nên như mình muốn, thế sao Bạn lại có thể bắt người khác phải trở nên như Bạn muốn?

Ta thích cho người khác nên trọn hảo; còn lỗi ta, ta vẫn không chịu sửa!

Ta muốn sửa trị người khác cho nhặt; còn ta, một lời sửa bảo xoàng đã chau mặt!

Ta khó chịu khi người khác được ơn rộng, còn ta, ta vẫn không muốn ai chối ta cái gì.

Ta muốn ràng buộc người khác, bằng những kỷ luật nghiêm khắc, còn ta hơi bó buộc thêm một chút, là ta đã không chịu nổi!

Những cái đó đủ để chứng tỏ, rất ít khi ta xử với người khác như xử với mình.

Nhịn là sáng suốt

Nếu ai cũng tinh toàn cả, làm gì còn khổ giá để ta vác cho Chúa.

Nhưng giờ đây Chúa an bài thế để ta tập tương trợ lẫn nhau, vì ai cũng có khuyết điểm, cũng như phải nhịn khuyết điểm người khác. Chẳng ai tự túc tự mãn, chẳng ai sáng suốt đủ mà không phải nhờ người khác hướng dẫn. Trái lại ta phải chịu đựng lẫn nhau, yên ủi lẫn nhau giúp đỡ lẫn nhau, dạy vẽ và chỉ bảo lẫn nhau.

Không gì chứng tỏ trình độ nhân đức của ta bằng phản trắc. Vì những dịp đó không làm cho ta yếu thêm, trái lại nó chỉ chứng tỏ cái chân thực của con người.

SUY NIỆM

Nhẫn nhục chịu đựng khuyết điểm trong ta, cũng như trong người khác, là một cử chỉ có năng lực thánh hóa và, là một phương thế tối hảo giúp ta xứng đáng được thiên đàng.

Không gì công bình bằng nhịn nhục ở người khác, cái ta muốn người khác nhịn ở ta.

Tốt hơn hết: ta hãy nhịn khuyết điểm người khác, mà đừng để người khác phải nhịn khuyết điểm ta. Làm như thế, là vác gánh nặng đỡ lẫn nhau.

Lời Thánh Phaolô: “Anh em hãy chịu đựng lẫn nhau theo tinh thần Bác ái và hãy tha thứ lầm lỗi cho nhau”.

Lạy Chúa, Chúa đã rõ những trái ý rất có lợi cho con, vì nó sửa chữa, luyện lọc và hoàn tất nhân đức trong con. Nhưng Chúa biệt rõ, chúng con vất vả chừng nào, mới chịu được những thử thách ấy, và dễ xúc cảm chừng nào, trước những trái ý ấy.

Lạy Chúa! Xin đừng để con theo xúc cảm riêng, nhưng hãy giúp con biết hy sinh, để đẹp lòng Chúa. Đó là điều con hy vọng ở lòng thương yêu vô cùng Chúa.

» Mục Lục [27]

17. ĐỜI SỐNG TU TRÌ

Phải có tinh thần hy sinh

Hãy tập quen thắng mình trong mọi trường hợp, nếu Bạn muốn sống bình an và hợp nhất với người khác.

Sống trong một nhà dòng, một viện tu, sống cho thuận hòa và trung thành cho đến chết, không phải là chuyện tầm thường.

Hạnh phúc những ai sống trong một nhà dòng, mà sống thánh thiện và chết một cái chết may lành!

Muốn được vững chắc và tiến đức, Bạn hãy tưởng Bạn là một người lưu lạc và, ngụ cư trên mặt đất.

Muốn sống một đời sống tu trì, Bạn hãy trở nên khờ dại vì lòng mến Chúa Giêsu Kitô.

Mang áo dòng và cắt tóc đầu, chưa vị tất là đã tu; nhưng phải cải thiện đời sống và hãm dẹp tình dục: cái đó mới làm nên được thầy dòng đích thực.

Ai đi tìm vật gì ngoài vinh danh Chúa và phần rỗi linh hồn, người ấy sẽ chỉ gặp sầu muộn và đau khổ.

Ai không trở nên bé mọn nhất và tùng phục mọi người, người ấy không thể sống bình an lâu được.

Luyện tinh thần hy sinh

Bạn đi tu không phải để chỉ huy, nhưng là để vâng lời.

Bạn cũng không đi tu để sống an nhàn hay đeo đuổi theo những phù phiếm, nhưng là để chịu đau khổ và để làm việc luôn.

Ở trong dòng, người ta bị thử như sắt bị nung trong lò lửa.

Không ai sống trong dòng đến cùng được, nếu không thành tâm tự hạ vì lòng mến Chúa.

SUY NIỆM

Đời sống tu trì, là một đời sống, lấy tinh thần hy sinh,xả kỷ, làm phương châm, để đạt cứu cánh toàn hảo của thánh thiện.

Mà hy sinh, xả kỷ, chẳng qua chỉ là bản toát lược nghĩa vụ đời sống công giáo. Vì không phải riêng cho giới tu sĩ, nhưng là chung cho mọi tầng lớp mà Chúa phán: “Chúng con hãy nên trọn hảo như Cha chúng con trên trời là Đấng trọn hảo”.

Để đầy đủ nhiệm vụ đó, ta phải từ khước mình, để kết chặt với hy sinh cao cả của Chúa “Đã tùng phục cho đến chết, và chết trên Thánh giá”.

Lạy Chúa, Chúa muốn và truyền chúng con phải nên trọn hảo! Nhưng tự sức chúng con, chúng con không làm được gì khác, hơn là xúc phạm đến Chúa và tự trầm luân! Vậy xin Chúa đến giúp chúng con, xin Chúa hành động trong chúng con. Có Chúa giúp, chúng con sẽ làm được tất cả.

» Mục Lục [27]

18. GƯƠNG THÁNH HIẾN

Đời sống phục tùng

Bạn hãy để trước mắt gương linh hoạt của các Thánh Giáo Phụ.

Các Ngài là mô phạm một đời sống trọn hảo và thánh thiện. Và bạn sẽ thấy những việc bạn làm chẳng giá trị mấy, hay đúng hơn, không giá trị gì.

Chà! Đời sống ta là cái gì sánh với đời sống các Ngài?

Các thánh nhân và các bạn tâm phúc Chúa Kitô đã phụng sự Chúa, lúc đói cũng như lúc khát, lúc rét cũng như khi phải trần truồng, trong hành động cũng như trong lao lực; các Ngài đã thức khuya dậy sớm, đã ăn chay hãm mình, đã đọc kinh nguyện gẫm sốt sắng và chịu ngàn vạn những tân toan, nhục nhã. (1)

Đời sống hy sinh

Ôi! Đếm sao được số ngần, cân sao được trọng lượng những đau khổ các thánh Tông đồ, các thánh Tử đạo, các thánh Hiển tu, các thánh Đồng trinh, và tất cả những người muốn bước theo lối Chúa Kitô phải chịu!

“Các Ngài đã coi khinh mạng sống mình ở đời này, để lại được nó trong đời muôn thuở”. (2)

Cay nghiệt và xả thân chừng nào, đời sống của các Giáo Phụ trên rừng vắng! Lâu lắc và gắt gao chừng nào những cám dỗ các Ngài đã trải! Biết mấy lần các Ngài đã chịu quỉ ma dằn vặt!

Nhưng cũng can trường và nồng nhiệt biết mấy, lời kinh nguyện các Ngài dâng lên Chúa! Nghiêm khắc biết mấy, những cử chỉ các Ngài hãm dẹp ngũ quan!

Lòng sốt sắng, nồng nhiệt tiến đức của các Ngài mãnh liệt chừng nào!

Cuộc chiến đấu của các Ngài để khuất phục tà dục nó gắt gao chừng nào!

Trong sạch và thẳng thắn chừng nào tâm ý của các Ngài trong việc phụng sự Chúa.

Ngày làm việc, đêm thức cầu nguyện, và cả trong khi làm việc, lòng trí các Ngài cũng không ngớt hướng về Chúa.

Đời sống khó hèn

Các Ngài lợi dụng được từng phút.

Thời giờ phụng sự Chúa, một giờ là giây phút.

Cái khoái sảng tuyệt bậc trong lúc nguyện gẫm làm các Ngài quên cả ăn nuôi xác.

Phú quí, chức quyền, danh vọng, bạn bè thân thích, các Ngài từ giã cả. Trần tục các Ngài cũng không thèm.

Các Ngài có dùng của gì cần cho được sống cũng là bất đắc dĩ và đau lòng khi vì nhu cầu phải cung cấp của gì cho thân xác.

Nghèo túng của đời, các Ngài rất giầu ân sủng và nhân đức.

Bên ngoài túng thiếu mọi vật, nhưng tâm hồn các Ngài đầy tràn ân sủng và an ủi của Chúa.

Đời sống khiêm nhượng và nhẫn nhục

Đời ở xa các Ngài, nhưng Chúa ở ngay bên cạnh và coi các Ngài như bạn tâm phúc.

Các Ngài coi mình như không và đáng đời khinh rẻ, nhưng lại được Chúa qúy trọng và cưng như con nõn.

Luôn luôn nhất mực khiêm tốn, thành tâm tùng phục, con đường các Ngài đi là con đường nhẫn nhục và bác ái. Như thế các Ngài đã được tiến bộ luôn trong đời sống tinh thần và được vừa lòng Chúa.

Những bậc thánh nhân ấy, Chúa ban để làm mô phạm cho giới tu trì. Gương các Ngài phải thúc đẩy ta tiến bộ luôn trong đường nhân đức, hơn ngàn vạn người khô khan lôi ta lại.

Lòng sùng mộ

Ôi! Lúc Dòng sơ khai, tu sĩ sùng mộ chừng nào! Họ cầu nguyện sốt sắng chừng nào! Họ thi đua tiến đức chừng nào! Cần cù giữ luật chừng nào! Kính cẩn và tùng phục huấn lệnh Bề trên chừng nào!

Những vết tích lưu lại cũng còn đủ chứng tỏ, các Ngài là những bậc thánh thiện và trọn hảo, đã can đảm chiến đấu và cài đạp trần tục dưới chân.

Trái lại, ngày nay, một tu sĩ không lỗi luật và nhẫn tâm chịu đựng những đau khổ của địa vị, cũng đã được người ta trầm trồ ca tụng rồi!

Can đảm lên

Ôi! Tính khô khan! Thói thờ ơ với chức vụ!

Chà! Sao ta chóng mất lòng sùng mộ ban đầu thế!

Sao ta chóng nản chán khô lạnh, đến nỗi cho đời sống là nặng nề sớm thế!

Hy vọng sao khi nhìn ngắm gương thánh hiền, bạn đừng để tắt hẳn trong bạn lòng hăng hái tiến đức sẵn có!

SUY NIỆM

Không gì thúc đẩy ta sống hẳn hoi bằng gương những người đã sống hẳn hoi.

Thực sự gương các Thánh làm cho ta thấy rõ nhân đức là cơ thể, là đáng yêu và dễ dàng, nó đã thực hiện được trong người khác và có khi cũng đã thực hiên được theo cách thức của ta.

Để đáng được thiên đàng, các Ngài đã phải làm, phải chịu, phải bỏ từng ấy cái.

Còn ta, để được thế, ta đã làm được những gì? Sao lại không làm cái các thánh đã làm, để cũng được cái các Thánh đã được?

Ngày công phán, Chúa sẽ cho ta thấy, một mặt, đức Tin, lòng đạo của ta, một mặt: gương những người đã sống trong một chức vụ như ta và sẽ chỉ các chứng đó mà bảo ta: đấy những việc ngươi đã làm, ngươi đáng gì?

Lạy Chúa, xin đừng xét con cách ấy. Vì sánh với đời sống các Thánh, đời sống của con không đủ để cứu rỗi con. Xin Chúa ban cho con ơn biết tận tụy với nghĩa vụ, thấu hiểu tinh thần chức bậc con, để ngày kia, đứng trước nhan Chúa mang theo sự thánh thiện Chúa, con đáng được Chúa khoan hồng dung thứ.

—————-
1. Cor. XI, 27
2. Gioan XII, 25

» Mục Lục [27]

19. CÔNG VIỆC MỘT TU SĨ

Tinh thần tu sĩ

Đời sống một tu sĩ tốt, phải tô điểm bằng mọi nhân đức, sao cho tinh thần bên trong, ăn nhịp được với điệu bộ bên ngoài.

Đã hẳn bên trong phải trọn hảo hơn bên ngoài nhiều mới hợp lý, vì Chúa hằng nhìn xét ta luôn và, dầu ở đâu, ta cũng phải tận tình kính cẩn. Nhất là khi tới trước mặt Chúa, ta phải trong sạch như Thiên thần.

Hằng ngày ta phải quyết tâm lại và cố gắng sống cho sốt sắng như những ngày ta mới trở lại.

Ta phải thưa Chúa: “Lạy Chúa, Chúa Trời con, xin giúp con giữ điều quyết định và vững tâm phụng thờ Chúa; xin giúp con bắt đầu làm việc hẳn hoi từ hôm nay, vì công việc từ đây về trước đều không có gì đáng kể”.

Quyết tâm và thực hành

Ta tiến bộ nhiều hay ít là tùy ở điều ta quyết định, và càng muốn tiến bộ nhiều càng phải thận trọng nhiều.

Người quyết định hẳn hoi mà đôi lúc còn sa sẩy, thì người ít quyết định hay quyết định sơ sài, sẽ sa sẩy đến đâu!

Có nhiều cách bỏ điều quyết định. Mà đã bỏ việc phải làm – dầu là việc nhỏ mấy – cũng không thể không hại được.

Người công chính quyết định theo ơn Chúa hơn là theo cái khôn của mình và mưu tính việc gì, họ cũng tin tưởng nơi Chúa.

Vì “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” (1) và “Người đâu tự tìm lối phải đi”. (2)

Việc thiêng liêng

Nếu vì lý do đạo đức hay vì mưu ích cho người khác mà đôi khi phải bỏ việc làm hằng ngày: việc đó sau bổ khuyết lại không khó lắm.

Nhưng nếu vì nhàm chán hay vì biếng lười mà bỏ: đó là một khuyết điểm lớn và không thể không có hại.

Ta hãy làm hết sức có thể: dầu vậy ta cũng chưa chắc khỏi sa sẩy trong nhiều lỗi lầm.

Vậy lúc nào cũng nên quyết định một điều rõ rệt: nhất là quyết định sửa những khuyết điểm nào có hại cho đường tiến đức của ta hơn cả.

Ta cũng phải xem xét và chỉnh đốn cả trong lẫn ngoài, vì cả hai cùng liên quan đến việc tiến bôï tinh thần của ta.

Xét mình

Không thể hồi tâm luôn được, ít ra bạn hãy hồi tâm từng lúc: mỗi ngày một lần: tốt hơn: sáng và chiều.

Sáng dậy hãy quyết tâm, chiều đến xét lại cách sinh hoạt trong ngày: đã nói làm và tưởng nghĩ những gì? Biết đâu trong đó bạn đã phạm đến Chúa và người khác.

Hãy tự võ trang cho ra dáng một chiến sĩ dũng cảm chiến đấu với mưu chước của ác quỉ.

Hãy hãm tính mê ăn: và Bạn sẽ dễ dàng cầm hãn các khuynh chiều khác của nhục dục.

Đừng bao giờ ở nhưng: hãy đọc, viết, cầu nguyện suy gẫm hay làm một việc gì hữu ích cho mọi người.

Riệng về công việc chân tay cần suy xét đắn đo nhiều, vì không phải mọi người cùng làm việc như nhau.

Tổ chức đời sống tư

Việc nào không phải là việc chung, không nên để lộ ra ngoài. Việc riêng cứ làm kín đáo chắc chắn hơn cả.

Hãy lưu ý đừng biếng lười trong việc chung mà chăm chú trong công việc riêng.

Tuy nhiên, sau khi chu tất hoàn toàn và trung tín được việc chung, còn giờ bạn có thể dùng làm việc riêng tùy theo lòng sốt sắng.

Không phải mọi ngượi cùng làm một việc như nhau: có việc hợp cho người này có việc hợp cho người khác hơn.

Công việc cũng nên phân theo thời giờ: việc này làm trong ngày lễ hợp hơn, việc khác chỉ hợp với ngày thường.

Việc này cần cho ta khi phải cám dỗ việc khác lúc bình an, thư thái.

Việc này hợp cho ta lúc sầu muộn, việc khác lúc được ơn Chúa an ủi.

Gặp ngày lễ trọng, ta nên nhắc lại việc đạo đức và xin các Thánh cầu giúp ta sốt sắng hơn.

Ta hãy quyết tâm sống từ lễ này đến lễ khác như thể ta sắp lìa khỏi thế tục để tới ngày lễ bất diệt.

Vậy trong những ngày đó, ta phải dọn mình cẩn thận, sống thánh thiện hơn, giữ luật chu đáo hơn, như thế là ta sắp đi lĩnh nơi Chúa phần thưởng của công việc ta làm.

Nếu Chúa chưa ban thưởng, ta hãy tin là tại ta chưa dọn mình đủ, ta chưa đáng được vinh dự lớn lao Chúa sẽ ban cho ta trong thời hạn đã định.

Trong khi chờ đợi ta hãy cố dọn dẹp cho sẵn.

Thánh Luca viết: “Phúc cho người tôi tớ nào Chúa gặp đang thức lúc Ngài đến. Ta bảo thực: Ngài sẽ đặt người đó làm quản lý tất cả tài sản của Ngài”. (3)

SUY NIỆM

Đời sống con người trên mặt đất là một cuộc chiến không ngừng với ma quỉ, với trần tục, với chính mình.

Có người lánh mình trong viện tu, có người sống giữa trần tục… nhưng dầu ở đâu, phần thắng lợi bao giờ cũng về bên biết cẩn trọng luôn.

Chỉ ai quen trầm tĩnh, yêu vắng lặng, biết giữ lời nói, tư tưởng, cảm tình, trung tín làm các việc tầm thường, người đó mới tránh được cám dỗ và đáng ơn trời giúp.

“Ai khinh điều nhỏ, dần dà sẽ sa sẩy” Lời Đức Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa, xin giúp con nhận định được rõ chân giá trị của việc làm vì nghĩa vụ và việc theo ý riêng: việc nghĩa vụ chính là những sinh tố cốt yếu để di dưỡng tinh thần, còn việc riêng chỉ là của nuôi phụ để thêm hứng khởi và phấn đấu.

Lạy Chúa, con đã mệt vì những ước muốn suông, những nghĩ mà không làm, những hứa mà không giữ. Xin Chúa giúp con đạt được ước muốn và thực hiện được ý nghĩ về nhân đức.

—————-
1. Prov. XVI, –
2. Jer. X, 23
3. Luc. XII 43, 44

» Mục Lục [27]

20. TÌM THANH VẮNG VÀ THẦM LẶNG

Tinh thần khuất tịch

Bạn hãy tìm giờ rảnh để lo việc riêng và hãy suy đến ơn Chúa luôn:

Hãy bỏ những truyện tò mò. Hãy chuộng đọc những sách có sức xúc động tâm hồn hơn những sách chỉ làm bận trí óc.

Hãy bớt những câu nói dư thừa, những cuộc ngao du vô ích, hãy bịt tai trước những tin tức và dư luận, như thế bạn sẽ không thiếu giờ rảnh để suy gẫm hẳn hoi.

Các bậc đại thánh cũng đã hết sức, tránh truyện vãn với đời và chỉ ưa phụng thờ Chúa trong khuất tịch.

Thầm lặng với Chúa

Cổ nhân nói: “Không lần nào giữa đám đông ra về mà tôi không thấy mình sút kém”. (1) Cái đó ta cũng thường tự nghiệm mỗi khi trò chuyện lâu với chúng bạn.

Nín lặng thế nào cũng dễ hơn nói mà không nói quá.

Ẩn khuất trong nhà, thế nào cũng dễ hơn ra ngoài mà giữ được hẳn hoi.

Ai muốn sống một đời sống nội tâm và tinh thần, phải theo gương Chúa Giêsu tránh xa những đám đông người.

Không thích trầm tĩnh, chả dễ vững chắc khi phải tiếp xúc với đời.

Ngài nín lặng, chả dễ nói cho chín chắn được.

Không vui lòng tùng phục, chả dễ giữ được chức vụ cao hẳn hoi. Không biết vâng lời đừng hòng chỉ huy được cho ra trò.

Bảo đảm của thánh nhân

Chả ai nếm được sảng khoái vững chắc bằng người có lương tâm tốt.

Nhưng các Thánh càng vững chắc, càng kính sợ Chúa. Và dầu nổi tiếng nhân đức và giầu ơn sủng, các Ngài không kém tự hạ và cẩn phòng trong cách sinh hoạt.

Vững chắc của người tội lỗi ở tại kiêu ngạo và phô trương: cái đó kết cục chỉ đánh lừa chúng.

Đừng tự cho mình là vững chắc ở đời này, Bạn ạ! Dầu cho Bạn được tiếng là một thày Dòng tốt hay ẩn sĩ đạo hạnh.

Cái phá hoại an bình

Thường những ai được đời cho là đại thánh, lại hay lâm phải cái nguy hại lớn: Tự phụ.

Với những người đó đôi khi phải cám dỗ, hay phải cám dỗ luôn, lại có lợi để họ khỏi thấy mình vững chắc mà sinh tự phụ: và đi tìm yên ủi bên ngoài một cách điên dại.

Đừng mong tìm vui thú chóng qua, đừng bân tâm vì của thế tục, lương tâm bạn sẽ được trong sạch biết mấy.

Gạt bỏ những lo toan vô ích để chỉ nghĩ đến Chúa, tin tưởng vào Chúa, Bạn sẽ bình an và thư thái biết mấy!

Sám hối

Chẳng ai đáng Chúa an ủi, nếu không biết thành tâm sám hối.

Muốn cảm được ơn sám hối – sám hối đến chảy nước mắt lòng – hãy vào trong phòng, tiễu trừ mọi tiếng ồn ào thô tục như lời Thánh Kinh: “Dầu khi nằm ngủ, Bạn cũng đừng thôi giục lòng thống hối”. (2)

Trong phòng riêng, Bạn sẽ tìm thấy cái đã mất khi ở ngoài.

Căn phòng êm dịu cho những ai biết ở luôn trong đó, nhưng buồn chán cho những ai không biết giữ hẳn hoi.

Nếu khi mới nhập tu, Bạn biết yêu quí và canh giữ nó, sẽ trở nên bạn thân và là nguồn yêu ủi êm dịu nhất của Bạn.

Lợi ích của thầm lặng

Chính trong thầm lặng và yên hàn mà linh hồn đạo đức tiến bộ nhiều, vì trong đó họ tìm ra được những bí nhiệm tàng ẩn của Thánh Kinh.

Trong đó họ gặp được những suối nước mắt: họ tắm gội suốt đêm trong đó và càng sống xa tiếng ồn ào của thế tục họ cáng kết chặt mật thiết với Chúa Tạo thành.

Ai từ biệt bạn bè thân thích, Chúa và các thiên thần sẽ đến cùng họ.

Thà náu một nơi mà chuyên lo phần rỗi, còn hơn làm được phép lạ mà lãng quên chính mình.

Thực đáng khen một tu sĩ ít khi ra ngoài, tránh con mắt người đời và cũng không muốn nhìn đến họ.

Vui qua, sầu tới

Cần chi phải nhìn những cái sầu Bạn không được phép nhìn?

Đời mau qua và những tham vọng của đời cũng mau qua. (3)

Tình dục muốn xui ta đi đây đó. Nhưng lúc trở về ta mang theo được cái gì? Phải không, một gánh nặng cho lương tri và rối rít cho tâm hồn?

Đi vui, về buồn; vui chiều hôm trước, buồn sáng hôm sau.

Cái vui của nhục dục đều thế đấy: nó nhập tâm thì dễ chịu, nhưng rốt cục, chính nó lại làm tổn thương và sát hại ta.

Còn gì ở nơi khác mà không có ở nơi nhà?

Trước mặt con cũng có trời, có đất, có mọi chất lượng.

Của đời hết thảy không do những cái đó cấu thành sao?

Bình an thực

Khắp gầm trời này, bạn có thấy đâu được cái gì bền bỉ vững chắc lâu không?

Có khi bạn tưởng sẽ được hoan toàn thỏa mãn, nhưng… cái thỏa mãn ấy không bao giờ bạn đạt được.

Giả sử bạn nhìn được tất cả sự vật hiện hữu: hỏi cái nhìn đó đã có ích gì?

Hãy ngước mắt lên trời nhìn vào Chúa và xin Người thứ tha mọi tội lỗi và sơ suất cho bạn.

Của đời hãy để cho đời, Bạn, Bạn hãy chuyên lo những điều Chúa răn dạy.

Hãy đóng kín cửa phòng lại và mời Chúa Giêsu chí ái đến ở với Bạn.

Hãy ở lại với Chúa trong phòng, vì bạn không tìm đâu được yên hàn hơn.

Đừng ra ngoài, cũng đừng mỏng tai nghe tiếng nhộn nhịp của đời, Bạn sẽ bảo toàn bình an thật cho tâm hồn.

Lúc nào Bạn lại mong nghe tin tức, lúc ấy lòng Bạn sẽ bắt đầu xao xuyến.

SUY NIỆM

Thầm lặng bên ngoài chưa đủ làm cho tâm hồn được yên tĩnh, còn cần phải thanh vắng bên trong.

Nó hệ tại ở một tinh thần trầm mặc và suy gẫm.

Một tâm hồn xa lìa vui thú giác quan, bưng tai trước ồn ào của thế tục, sẽ gặp được thỏa mãn thanh tao trong Chúa!

Trong thanh vắng, họ sống động, họ hô hấp trong tình yêu Chúa Kitô.

Họ quên tất cả để chỉ nhớ một mình Chúa.

Họ nức nở với Chúa vì bao lỗi lầm.

Giả thử có nghĩa vụ phải ở giữa tiếng ồn ào của thế tục, họ lại thiết lập một thanh vắng trong lòng họ, trong đó họ cũng được thỏa mãn cho lòng trí họ.

Lạy Chúa, bao giờ con mới được quen lơn với tịch mạc, thanh vắng, nguyện gẫm?

Con phàn nàn vì đã nói quá nhiều về tạo vật và làm quá ít cho Chúa! Lạy Chúa hãy đến – Chúa lòng con mến duy nhất, trung tâm điểm và đối tượng của lòng con! – hãy đến cho lòng con được hưởng tôn nhan Chúa hãy đến để nói với lòng con và bảo cái gì Chúa muốn.

Bao giờ màn che thời gian mới hạ xuống, để con xem thấy cái con xin? Bao giờ con mới gặp được của con đang tìm? Bao giờ mới tới được Đấng con yêu mến? Lạy Chúa!

—————-
1. Seneca Ep. 7
2. Ps V, 51
3. Gioan II, 17

» Mục Lục [27]

21. LÒNG THỐNG HỐI

Thực trạng con người

Muốn tiến đức, bạn hãy giữ lòng kính sợ Chúa và đừng tự do phóng túng quá!

Hãy siết ngũ quan vào kỷ luật và đừng mong tìm những thú vui điên rồ.

Hãy thực tâm sám hối, rồi bạn sẽ vãn hồi được ơn sốt sắng.

Sám hối trả lại những cái mà phóng đãng đã tiêu ma mất.

Một người sống ở đời, suy mình đang bị lưu lạc và hồn mình đang mắc ngàn vạn cái hiểm nguy mà cứ vui tít đi được, kể cũng lạ thật!

Cần phải thống hối

Tính nhẹ dạ, tính lười sửa khuyết điểm đã làm cho chúng ta không cảm được những đau khổ của linh hồn và thường khi lại cười một cách vô nghĩa trong lúc đáng lý ta phải khóc.

Chỉ có tự do thật, chỉ có bình an vững chắc, khi nào ta biết kính sợ Chúa và có lương tâm thẳng thắn.

Phúc lớn người biết khước từ những cái có thể làm cho mình chia trí và biết hồi tâm thống hối.

Phúc lớn người biết trừ khử những cái có thể làm bẩn lương tân.

Hãy chiến đấu cho hùng dũng: một tập quán xấu chỉ có thể thắng dẹp bằng một tập quán tốt.

Nếu Bạn biết để mặc người, người cũng sẽ để mặc Bạn yên hàn mà làm cái Bạn phải làm.

Ơn Chúa an ủi

Đừng tranh việc người khác cũng đừng bận đến việc thuộc phạm vi Bề trên.

Hãy mở to mắt nhìn thẳng vào mình trước và hãy tự răn mình trước khi sửa vẽ chúng bạn.

Không được lòng người cũng đừng buồn. Hãy buồn vì bạn đã không sống hẳn hoi, đã không thận trọng xứng đáng một tôi trung của Chúa, một tu sĩ đạo hạnh.

Không hưởng được nhiều an ủi ở đời, nhất là những yên ủi giác quan, thường lại có lợi và cũng vững chắc hơn.

Còn ơn Chúa yên ủi mà ta không được hay được ít là lỗi ta. Vì ta đã không thực tâm thống hối và đã không loại trừ những yên ủi ngoại lai vô ích.

Đau đớn vì tội

Bạn nên biết, Bạn không đáng Chúa an ủi trái lại chỉ đáng chịu đau khổ?

Toàn thể vũ trụ trở nên nặng nề, đắng đót, cho những ai có lòng thống hối thật. Người công chính lúc nào cũng thấy có đủ lý do mà than mà khóc.

Dầu suy mình hay xét đến người, họ nhận thấy rõ: trên đời không ai thoát đau khổ.

Và càng suy cho thấu, càng đau đớn nhiều.

Lý do xác đáng làm ta đau tủi và thống hối lại chính là tội và thói hư của ta. Nó trói buộc ta chặt đến nỗi ta khó nhắc lòng lên suy những cái trên trời.

Gẫm suy cái chết

Nếu bạn năng suy đến cái chết hơn là nghĩ đến sống lâu, chắc bạn sẽ được sốt sắng đền bù hơn.

Nếu bạn suy nghiệm kỹ những khổ hình hỏa ngục và luyện tội, ta tin chắc bạn sẽ vui lòng chịu được đau khổ cũng như vất vả và không sợ gì là khắt khe nữa.

Nhưng vì những chân lý đó chưa thấu nhập được tâm hồn ta và ta còn ưa chuộng những cái mơn trớn giác quan, nên ta còn lạnh nhạt và biếng lười.

Xin ơn thống hối

Thường tại tinh thần ta bạc nhược mà xác ta hơi tí đã phàn nàn.

Vậy bạn hãy khiêm nhường, xin Chúa ban cho một tinh thần thống hối, và cùng Thánh tiên tri thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con ăn no bánh khóc lóc và cho con uống nước mắt con”. (1)

SUY NIỆM

Gặp đau khổ mà không phàn nàn, trái lại biết vui chịu, tự hạ trước mặt Chúa và xin ơn Chúa giúp đỡ: chính cảm tưởng khiêm tốn và mối thành tín ấy là tinh thần thống hối mà tác giả vừa nói.

Phải, vui thế nào được, ở cái đời đầy đau khổ, đầy tội lỗi, đầy khách lưu này! Quả thánh Augutinh rất có lý khi nói: “Người giáo hữu thực đau khổ khi sống, chỉ chết đi mới có hy vọng hết tội lỗi và được tùng phục Chúa trọn đời”.

Lạy Chúa, xin cho lòng con xa lìa vật thế mà kết chặt với Chúa. Không còn gì sung sướng cho con hơn là được yêu mến Chúa, làm và chịu khổ vì Chúa. Con vui lòng nhận phần đau khổ Chúa chia cho con để làm vui lòng Chúa ở đời này và đời sau được vui thỏa trng tình yêu bất diệt.

—————-
1. LXXIX, 6

» Mục Lục [27]

22. NHỮNG ĐAU KHỔ Ở ĐỜI

Những thử thách

Dầu ở đâu, dầu quay hướng nào, Bạn cũng vẫn thấy khổ, bao lâu Bạn không biết hướng nhìn về Chúa.

Sao Bạn lại bối rối khi sự vật xẩy đến không hợp sở thích và nguyện vọng của Bạn?

Ai là người được mọi cái trúng như ý muốn? Không phải tôi, không phải Bạn, không ai khác trên mặt đất.

Trên đời, làm gì có ai, dầu là đế vương dầu là Giáo Hoàng mà thoát được mọi đau khổ, trái ý.

Thế ai là người sướng nhất? Hẳn chỉ có nguời chịu đựng được đôi chút vì Chúa.

Ta thường nghe bọn tầm thường, người nông cạn nói: Con người ấy sướng thật: Phú quí có, vinh quang có, thế lực có! Làm ăn lên như diều!

Cứ đem sánh với của trên trời, Bạn sẽ thấy của thế tục chỉ là hư vô. Nó không vững gì, lại hay sinh lụy vì có ai được của mà khỏi lo lắng sợ sệt bao giờ đâu.

Hạnh phúc con người không hệ ở lắm tiền nhiều của: miễn sao đủ dùng là xong rồi.

Nhu cầu khắt khe

Sống trên đời: đây thực là một cái khổ lớn.

Ai cũng muốn sống theo tinh thần, càng thấy cái sống hiện tại là cay đắng, vì họ cảm thấu, họ nhìn thấy rõ những khuyết điểm của tình trạng hư tệ của nhân loại.

Ăn, uống, thức, ngủ, nghỉ và nô lệ cho mọi thứ nhu cầu của thân xác: tất cả những cái đó là một phiền toái, một thống khổ cho người đạo đức, vì họ mong đừng phải phiền lụy gì đến thân xác và được thoát ly mọi xiềng xích của tội lỗi.

Thật những nhu cầu thân xác rất phiền lụy cho người sống nội tâm ở đời hiện tại.

Vì thế, Thánh Tiên Tri khẩn nài Chúa cho mình thoát khỏi: “Lạy Chúa.- Ngài nói xin cứu con khỏi những nhu cầu của con”. (1)

Nhưng khốn cho những ai không nhìn thấy cái đau khổ của mình!

Càng khốn những ai tha thiết với cái sống khốn nạn và hư tệ này!

Vì còn có những người thèm khát nó đến nỗi, dầu phải lao lực, dầu đi ăn xin cũng chưa vị tất đủ ăn, thế mà giá được sống mãi trên đời, họ sẽ không thiết gì nước thiên đàng nữa.

Ôi! Những tâm hồn điên dại và thất trung chừng nào! Họ đã táng tận linh hồn trong vật thế, đến nỗi chỉ ưa thích những cái gì là thể xác!

Nhưng giờ chết đến, những người đáng thương đó sẽ cảm thấy một cách đau đớn cái hèn kém, cái hư vô của những cái mà họ yêu chuộng.

Các thánh nhân và các bạn thiết của Chúa Kitô có thèm gì những cái mơn trớn xác thịt, những cái lộng lẫy trước mắt người đời. Tất cả hy vọng, tất cả ước nguyện của họ qui hướng về những của muôn đời.

Tất cả ước muốn của họ bay theo những của bất diệt và vô hình để lòng yêu của hữu hình khỏi kéo họ hướng về trần tục.

Đau khổ vì chiến đấu

Đừng thất vọng trong đường tiến đức Bạn ạ! Thì giờ hãy còn đủ.

Sao còn chầm chương thi hành quyết định?

Đứng lên! Hãy bắt đầu từ giờ phút này và tự niệm: “Đây, lúc phải hành động; đây, lúc phải chiến đấu; đây, lúc thuận tiện để tu chỉnh”.

Lúc nào Bạn gặp đau khổ và rủi ro chính đó là lúc để lập công.

“Bạn phải qua lửa, qua nước trước khi vào nơi mát mẻ”. (2)

Không cố gắng lắm, Bạn không thắng nổi nết xấu được.

Bao lâu còn mang thân xác yếu mềm này, ta không thể thoát ly tội lỗi, khỏi sầu tủi và đau khổ được.

Sống mà không phải đau khổ, ta lấy làm dễ chịu lắm, nhưng tội lỗi đã làm mất tinh bạch, đồng thời cũng đã làm mất cả hạnh phúc thực của ta.

Vì thế ta cần phải nhẫn nại và trông đợi ở lượng đại từ bi Chúa “Cho đến khi giai đoạn tội lỗi qua đi và cái sống sẽ tiêu ma cái chết trong ta”. (3)

Tính bất ổn

Trời! Con người mỏng giòn quá đến nỗi lúc nào cũng nghiêng chiều thói xấu!

Hôm nay bạn xưng tội, rồi mai lại tái phạm ngay những tội vừa mới xưng.

Giờ này bạn quyết tâm phòng ngừa, giờ sau bạn lại làm như thể không quyết định gì.

Như vậy, đứng trước tình trạng bất ổn bất nhẫn ấy ta đã quá đủ lý do để tự hạ và đừng nghĩ hay, nghĩ tốt về mình.

Vì lười biếng, ta có thể mất trong giây lát cái – nhờ ơn Chúa – ta đã dày công tìm tòi mới được.

Nếu ta sớm nhát gan thế, cuối cùng ta sẽ còn gì?

Khổ cho ta, nếu ta muốn được an nghỉ như thể đã được bình an vững chắc, giữa lúc đời sống ta không có mảy may gì là thánh thiện thật!

Vì thế ta cần được huấn luyện lại trong đường nhân đức như một người mới nhập tu, có thế mới trông ta cải tính đổi nết và tiến bộ trong đường đức hạnh.

SUY NIỆM

Vinh hạnh và công phúc, người biết tìm và gặp được Trái tim Chúa để đem đổ giốc tất cả đau khổ trong đó.

Hạnh phúc người hiểu và cảm được rằng hạnh phúc thật, thiên đàng dưới đất là được đau khổ vì Chúa, đau tất cả những cái đau của đời, cái đau nhỏ cũng như cái đau lớn nhất.

Thương hại những ai phủ nhận hay yêu thích những cái khổ của trần tục và không khát vọng một hạnh phúc bất diệt. Thánh Grêgôriô gọi thế là yêu cái đói, cái khổ mà không thiết cái no, cái sướng.

Lạy Chúa Giêsu! Xin giúp con biết và mưu tìm hạnh phúc thật. Xin dạy con vững tâm chiến đấu với tình dục, với tự ái và với chính mình con. Xin cho con biết vui chịu cho nhẫn nhục tất cả những thống khổ của đời để đáng dự phần vinh hiển cùng Chúa trên nước trời.

—————-
1. Ps. XXIV, 17
2. Ps. LXV, 12
3. II Cor. V, 4

» Mục Lục [27]

23. SUY GẪM CÁI CHẾT

Sẵn sàng luôn

Bạn chả còn sống bao lâu nữa: hãy xem mình đã sẵn sàng chưa?

Con người hôm nay còn sống, mai đã biến mất.

Họ chết đi khuất mắt để rồi cũng phai lạt khỏi trí lòng.

Điên dại, cứng cỏi thay lòng người! Chỉ biết nghĩ đến hiện tại mà không biết dự phòng tương lai!

Trong mọi hành động, mọi ý nghĩ, Bạn hãy xử như thể Bạn sẽ chết hôm nay.

Nếu lương tâm Bạn trong trắng, Bạn sẽ không sợ chết mấy.

Thà tránh tội còn hơn trốn cái chết.

Hôm nay bạn chưa sẵn sàng, đến mai bạn sẵn sàng thế nào được?

Mà ngày mai có gì là chắc; Bạn có chắc được Bạn sẽ sống đến mai không?

Sống lâu mà sửa mình ít quá, vậy hỏi có ích chi?

Trời! Sống lâu vị tất đã giúp được ta đền bù, mà thường chỉ tăng thêm lỗi lầm!

Giá ta chỉ sống hẳn hoi được ít là lấy một ngày chả hay lắm à?

Nhiều người chỉ tính năm tháng đã trở lại, nhưng năm tháng đã giúp họ tu chỉnh ít quá!

Nếu chết mà đáng sợ, biết đâu sống lâu lại không nguy hiểm hơn?

Hạnh phúc người để luôn giờ chết trước mắt và ngày ngày dọn mình sẵn luôn!

Đôi khi Bạn gặp người chết, Bạn hãy nghĩ một ngày nào đó Bạn cũng sẽ đi lối ấy.

Sáng thức dậy, bạn nên nghĩ Bạn sẽ không sống đến sáng mai.

Hãy sẵn sàng huôn: Hãy sống thế nào để giờ chết khỏi đến lúc Bạn chưa sẵn sàng.

Nhiều người chết một cái chết bất ưng không ngờ, “Vì Con người đến lúc không ai ngờ”. (1)

Sống sao chết vậy

Giờ chết điểm, Bạn sẽ bắt đầu xét đoán khác hẳn về đời sống dĩ vãng và sẽ hối hận hết chỗ nói, vì đã quá biếng lười và nhát gan.

Cố gắng có ngay lúc này cái mình muốn có lúc giờ chết, thế mới là hạnh phúc và khôn ngoan.

Cái làm cho ta hy vọng vững chắc sẽ được chết may mắn là đã hoàn toàn coi khinh thế tục, ước ao nồng nhiệt tiến đức, tôn trọng kỷ luật; thống hối đền bù, vâng lời mau mắn, hy sinh xả kỷ và nhẫn nhục chịu đựng tất cả những phản trắc vì lòng mến Chúa Kitô.

Bạn có thể làm được nhiều việc lành lúc còn khỏe, khi lâm bệnh, chả biết có làm được gì không!

Chả mấy người chịu bệnh mà khá hơn, cũng như chả mấy người thích ngao du mà nên thánh.

Đừng tin tưởng ở bạn bè, thân thuộc cũng đừng giãn việc phần rỗi lại lâu, vì người đời quên Bạn chóng hơn Bạn tưởng.

Thà tự liệu kỹ lưỡng cho mình ngay lúc này và sắm sẵn lấy đôi việc phúc thiện, còn hơn trông vào người khác giúp đỡ.

Nếu giờ đây Bạn không tự liệu cho mình, mai ngày lấy ai lo cho Bạn?

Giờ phút hiện tại là giờ phút vô giá: “Đây giờ phần rỗi, đây thời cơ thuận tiện”. (2)

Nhưng, ngán chưa! Bạn đã không biết lợi dụng để lập công đáng thưởng!

Sẽ có lúc Bạn chỉ ao ước được một ngày, một giờ để sám hối mà vị tất đã được!

Này, Bạn thân yêu! Nếu ngay từ lúc này Bạn biết luôn luôn lo sợ và đề phòng cái chết, thì còn cái nguy, cái sợ nào Bạn chả thoát được?

Bạn hãy cố gắng từ phút này sống hẳn hoi, để giờ chết đến Bạn chỉ vui mà không phải sợ.

Ngay từ lúc này, Bạn hãy tập chết cho trần tục, để lúc đó bạn bắt đầu sống với Chúa Kitô.

Ngay từ lúc này, Bạn phải tập khinh rẻ tất cả, để lúc đó Bạn được thong dong đến cùng Chúa Kitô.

Ngay từ lúc này, Bạn hãy ăn năn trị phạt thân xác, để lúc đó Bạn được hy vọng vững chắc.

Dọn mình chờ chết đến

Trời! sao Bạn ngây dại dám tưởng mình sống lâu, giữa lúc Bạn không chắc sống được vững lấy một ngày?

Biết bao người đã lầm khổ và họ đã chết giữa lúc họ không ngờ!

Bao lần Bạn nghe nói: người này phải dao đâm, người kia chết đuối, người khác từ trên cao ngã vỡ đầu, người này đang ăn mà chết, người khác đang chơi cũng lăn ra chết, người này chết thiêu, người kia chết chém, người này chết dịch, người kia bị trộm cướp sát hại.

Đó, cái chết là chung kết của mọi người “và cái sống của người đời qua vút như bóng”. (3)

Ai sẽ nhớ đến Bạn sau khi Bạn chết? Ai sẽ cầu cho Bạn?

Bạn thân yêu! Hãy làm, hãy làm ngay lúc này cái Bạn còn làm được, vì bạn không biết trước khi nào bạn sẽ chết. Bạn cũng không thể biết trước được số phận của bạn sau khi Bạn chết.

Lúc còn thì giờ, Bạn hãy tích góp cho Bạn những của bất diệt.

Đừng nghĩ đến gì khác ngoài phần rỗi của bạn, hãy chuyên lo duy những việc thuộc về Chúa.

“Ngay từ lúc này, hãy lo tìm những bạn thân: hãy kính các Thánh và noi gương nhân đức các ngài, để khi hòng lìa thế tục, các ngài sẽ đón Bạn vào lâu đài bất diệt”. (4)

Sống trên đời, Bạn hãy sống như người ngụ cư, như khách bộ hành, không màng chi của thế tục.

Hãy giữ lòng Bạn đừng vương vấn và hãy nâng cao tâm hồn lên cùng Chúa, vì Bạn không có “gia cư vững chắc trên đời”. (5)

Ngày ngày Bạn hãydâng lòi kinh nguyện, giọng thở than hòa cùng nước mắt, để khi lìa thế tục, linh hồn bạn được may mắn bay thẳng lên cùng Chúa.

SUY NIỆM

Bạn hãy bước lại gần chỗ đang cải táng và hãy nhìn xem một đống xương rụng, một nắm tro tàn! Tất cả di sản của những người thân yêu quá vãng của Bạn chỉ có thế!

Nhìn vào nhà họ ở trước xem gia tài họ đã có người chiếm hữu đang nhàn hưởng mà không qua nhớ đến họ: đó là cách đời báo ơn người quá cố!

Còn linh hồn họ ở đâu, bạn có biết không? Họ đang ở cái nơi mà cuộc sống, mà hành vi họ xưa kia đã tậu cho họ!

Nếu họ đã sám hối, đã nhẫn nhục, đã đền bù… đã thánh thiện!

Nhưng… nếu họ đã bước theo dục vọng, giầu sang, đã tự táng tận!!!

Lạy Chúa! Con chắc con chết, nhưng không biết sẽ chết lúc nào và cách nào? Xin Chúa vì cái chết thánh thiện của Chúa, giúp con dọn dẹp sẵn sàng bằng cách trung tín với nghĩa vụ, với ơn Chúa, với kinh nguyện, siêng năng chịu các phép Bí tích và chịu cho sốt sắng. Chính những cái đó sẽ yên ủi và bảo đảm cho con trong giờ chết.

Lạy Chúa! Con sẵn sàng chờ giờ chết đến để mau được trút bỏ trần tục và kết hợp chặt chẽ cùng Chúa! Lạy Chúa! Từ lúc này con xin phó thác hồn xác con trong tay Chúa!

—————-
1. Luc XII, 40
2. II Cor. VI, 2
3. Job XVI, 10; Ps. CXLIII, 4
4. Luc XVI, 9
5. Hebr. XIII, 14

» Mục Lục [27]

24. NGÀY CÔNG PHÁN (Phán xét chung)

Tài phán chí công

Trong mọi lúc, Bạn hãy nhớ luôn đến chung cánh của Bạn và hãy tưởng tượng như Bạn đang phải đứng trước Vị Tài phán chí công. Không gì giấu được mắt Ngài. Ngài không chịu hối lộ cũng không cho kháng án. Ngài sẽ đoán xử theo luật phép của công bình.

Thường khi gặp một người đang giận bạn cũng đã sợ, nếu thế, đầy tội lỗi và ngây ngô như Bạn, Bạn sẽ thưa thế nào với Chúa là Đấng thấu hết tội lỗi Bạn?

Thế sao Bạn chưa dọn dẹp để chờ ngày chịu công phán, ngày đó không còn ai có thể biện hộ, bào chữa giúp ai, một chỉ phận ai người ấy phải tự lo.

Giờ đây, việc làm còn có công, khóc còn có người thương, kêu còn có người nghe, sám hối còn đền tội được và rửa được linh hồn.

Người nhẫn nhục vẫn có thể biến trần tục thành một Luyện tội lâu dài và điễm phúc. Vì lúc bị nhục nhã, họ đau đớn vì lỗi người ta hơn là vì mình phải lăng nhục, họ vui lòng cầu nguyện và thực tình thứ tha những người mất lòng mình, họ không ngại xin người khác thứ tha cho mình, họ sẵn lòng khoan dung hơn giận oán, họ hà khắc với mình và cố gắng bắt xác thịt tùy phục lý trí.

Khổ hình

Thà gột rửa tội lỗi và khử trừ thói hư ngay bây giờ còn hơn đợi đến trong kiếp sau.

Thực, chính ta đã tự lừa dối mình, mỗi khi ta yêu chiều thân xác một cách quá đáng!

Lò lửa nóng bỏng kia dành để đốt tội ta chứ còn đốt gì?

Giờ đây càng tự dung thứ, càng chiều theo nhục thể sau này càng phải phạt nặng, càng chất thêm củi cho lửa hỏa ngục.

Cơ thể nào đã phạm tội nhiều hơn, cơ thể ấy sẽ phải chịu phạt dữ hơn.

Trong đó, bọn biếng lười sẽ bị những mũi dùi đâm chọc, người mê ăn sẽ phải đói, khát không tưởng tượng được.

Ở đó, người dâm đãng và đam mê nhục dục sẽ bị ngâm trong dầu thông bỏng và lửa sinh diêm khó ngửi. Người ghen ghét, trong lúc cường độ dau khổ, sẽ tru trếu như chó dại.

Không tội nào là không có hình phạt riêng.

Chính trong đó người kiêu hãnh sẽ phải đủ thứ nhục nhã và người hà tiện sẽ phải túng nghèo đến cùng độ.

Một giờ đau khổ trong đó còn khó chịu hơn một thế kỷ hãm mình đền tội hà khắc nhất.

Trong đó, tội nhân không được một phút nghỉ ngơi, một lời an ủi chứ không phải như ở đời, đau khổ còn có lúc được xoa dịu và còn được chúng bạn an ủi.

Phần thưởng

Vậy, giờ đây, Bạn hãy lo lắng và đau đớn vì tội lỗi Bạn, để ngày công phán, Bạn được vững chắc với người lành.

“Ngày đó người lành sẽ đứng lên vững chắc trước mặt những người xưa kia đã từng uy hiếp và coi rẻ họ”. (1)

Ai ngày nay khiêm tốn chịu người đời xét đoán, lúc ấy sẽ đứng lên đoán xử họ.

Lúc ấy người khiêm tốn và khó nghèo sẽ được tin tưởng rất nhiều, còn người kiêu hãnh sẽ phải sợ hãi mọi mặt.

Lúc đó người ta mới biết những ai đã biết chịu tiếng khờ dại và chịu khinh rẻ vì Chúa Kitô là hơn.

Lúc đó, mọi đau khổ chịu cho nhẫn nhục sẽ đem lại vui sướng và “mọi người dữ sẽ phải câm miệng lại”. (2)

Lúc đó, người đạo đức sẽ vui mừng và người ác sẽ phải buồn tẻ.

Lúc đó, thân xác bị cầm hãm xưa sẽ nhảy mừng hơn là lúc được nâng niu chiều chuộng.

Lúc đó, chiếc áo thô sẽ tỏa sáng, còn những lụa là lộng lẫy sẽ mất bóng.

Lúc đó, xó lều tranh còn đáng quí hơn gác tía, lầu vàng.

Lúc đó, lòng nhẫn nhục vững chắc còn có lợi hơn tất cả uy quyền thế tục.

Lúc đó, đức vâng lời đơn thật còn đáng khen hơn mánh khóe nhà nghề.

Lúc đó, một lương tâm trong sạch và thẳng thắn còn đem lại vui mừng hơn là khoa triết học uyên bác.

Lúc đó, lòng khinh chê của đời sẽ giá trị hơn tất cả kho tàng trái đất.

Lúc đó, một kinh đọc sốt sắng còn yên ủi bằng mấy bữa tiệc linh đình.

Lúc đó, nín lặng còn vui hơn đã nói nhiều.

Lúc đó, một việc làm tốt còn giá trị hơn ngàn lời nói đẹp.

Lúc đó, một đời sống khổ hạnh, một việc đền tội hà khắc lại dễ chịu hơn tất cả thú vui trên mặt đất.

Giây phút định đoạt

Giờ đây, Bạn hãy tập chịu những đau khổ nhỏ để lúc đó khỏi phải chịu những đau khổ lớn.

Bạn hãy thử trước xem, lúc đó Bạn sẽ chịu được bằng nào?

Nếu ngày nay Bạn chịu được ít quá thế thì những khổ hình muôn kiếp Bạn chịu thế nào được?

Nếu ngày nay Bạn bất nhẫn trước một đau khổ nhỏ nhẹ, thế hình khổ hỏa ngục sau này Bạn chịu thế nào?

Bạn hãy tin chắc, không khi nào Bạn được vui vẻ cả đôi đàng: nhàn hưởng với trần tục và đồng trị với Chúa Kitô trên trời.

Bạn ở đâu khi Bạn không hữu diện trong Bạn?

Giả thử từ trước tới nay Bạn đã được sống giữa danh vọng và khoái lạc, nhưng nếu Bạn phải chết ngay bây giờ: tất cả những cái đó ích gì cho Bạn?

Tất cả chỉ là phù vân, trừ yêu mến và phụng thờ một Chúa.

Người tận tâm mến Chúa không sợ cả cái chết, cả khổ hình, cả phán xét, cả hỏa ngục. Vì lòng mến hoàn toàn là lối vững chắc đưa họ đến cùng Chúa.

Còn người đuổi theo thú vui tội lỗi, họ sẽ chết và công phán có lạ gì?

Nhưng giả thử lòng mến Chúa trong Bạn chưa đủ giữ Bạn khỏi phạm tội, thì lòng sợ hỏa ngục lại có thể giúp ta xa lánh nó.

Ai không thực tâm kính sợ Chúa, người đó không thể bền lâu trong điều thiện và sẽ chóng ngã vào cạm bẫy của ma quỉ.

SUY NIỆM

Lời Thánh Augutinh “Thiên Chúa nhẫn nại vô cùng vì Người hằng hữu”.

Nhưng sau những ngày nhẫn nại đã đến ngày công bình, ngày thịnh nộ: ngày đó mọi người phải ra trước mặt Chúa để thanh toán về hành vi và tư tưởng mình.

Trước mặt Ngài không còn bí mật nào không bị tiết lộ, không tội nào không bị phạt cũng như không công nào không thưởng.

Bao lâu còn sống, ta còn có thể định đoạt lấy cho ta một kiếp may hay một vận rủi, nhưng một điều không bao giờ nên quên là: bên kia mồ không còn phải là lúc để thống hối nữa.

Lạy Quan xét tối cao của người sống và người chết! Khi con chết, Chúa sẽ quyết định về số phận đời đời của con. Xin Chúa hãy nhớ Chúa cũng là Chúa cứu chuộc con. Cũng như tội con phạm đến đức công bình Chúa thì những thương tích Chúa cũng kéo được lòng khoan dung Chúa. Chúa hãy nhìn lại những thương tích và máu Chúa đã đổ ra để rửa con mà giơ tay khoan hồng cho con trong giây phút đáng sợ ấy.

—————-
1. Sap. V, 1
2. Ps. CVI, 42

» Mục Lục [27]

25. CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG

Phải cố gắng luôn

Bạn hãy chu đáo và thành tâm trong việc phụng thờ Chúa và năng tự vấn tâm: “Bạn đến đây làm gì? Và tại đâu Bạn từ bỏ thế tục?”

Không phải ư, để sống trót cho Chúa và nên người siêu thoát?

Hãy hăng hái tiến bước luôn, không bao lâu nữa Bạn sẽ được công thưởng về các việc đã làm. Lúc đó sẽ không còn phải sợ sệt, đau khổ nữa.

Giờ đây chịu khó đôi chút, nhưng rồi Bạn sẽ được hưởng, – không phải một cuộc an nghỉ lâu dài, – nhưng là một sảng khoái bất diệt.

Nếu Bạn vững dạ tín trung và hăng hái để hoạt động, Chúa cũng sẽ trung tín và quảng tâm để thưởng Bạn.

Hãy vững niềm tin tưởng, Bạn sẽ chiếm được giải thưởng. Nhưng đừng tin quá đến nỗi sinh phóng túng và kiêu ngạo.

Có người kia bán tín bán nghi luôn. Một hôm buồn quá, ông vào thánh đường quì trước bàn thờ cầu nguyện. Tình cờ trí ông bật tư tưởng: “Ừ! giá ít ra mình cũng biết rằng mình phải kiên nhẫn!” Bỗng dưng tự đáy lòng ông nghe tiếng Chúa: “Như ngươi biết thì ngươi đã làm gì? Hãy làm ngay bây giờ cái ngươi định làm lúc ấy, có thế ngươi sẽ được bình an”.

Được yên ủi và vững dạ, người ấy tự phú thác theo thần ý Chúa và không phải xao xuyến nữa.

Người ấy không còn thiết tò mò tìm biết số phận tương lai, nhưng chỉ chuyên lo tìm biết ý Chúa, biết cái gì đẹp ý Chúa, cái gì hoàn hảo nhất và thực hành chu đáo những cái gì là tốt, là thiện.

Thánh Vương Đavid nói: “Hãy trông cậy Chúa và cứ làm thiện. Hãy cứ ở dưới đất và sẽ được no say của trái đất”. (1)

Cái ngăn trở nhiều người không tiến bộ và làm việc cho hăng hái để tự chỉnh, chính là tính sợ khó khăn hay đau khổ khi phải chiến đấu.

Trái lại, người tiến nhanh nhất trong đường tu đức, chính là người can trường hơn cả để lướt thắng những khó khăn, trái ý mình nhất.

Vì ai càng biết tự thắng mình và cầm hãm trí lòng, người ấy càng tiến nhanh và đáng nhiều ơn Chúa.

Vun trồng nhân đức

Không phải ai cũng có những cái phải cầm hãm, thắng dẹp như nhau: Người hăng hái – mặc dầu vương vấn tình dục hơn– cũng có cơ tiến bộ hơn người giầu đức tính nhưng lại không thiết gì nhân đức.

Hai yếu tố giúp tu chỉnh đắc lực nhất: là quyết tâm tiễu trừ những cái tính tự nhiên ưa thích và vun trồng nhân đức mình cần nhất.

Hãy lưu tâm đề phòng và thắng lướt cả những khuyết điểm bạn khó chịu trong người khác.

Bạn hãy lợi dụng mọi cái như dịp để tiến: như khi mắt thấy hay tai nghe thuật một gương tốt, Bạn hãy tự phấn chấn để bắt chước.

Thản hoặc gặp người làm điều lỗi, Bạn hãy đề phòng để khỏi sa một lầm lỗi ấy.

Mà giả thử Bạn đã sơ suất đôi lần, Bạn hãy cố gắng sửa lại cho sớm hết sức.

Con mắt người khác đang quan sát Bạn cũng như Bạn đang quan sát người khác.

Yên ủi và sung sướng biết mấy khi thấy anh em sốt sắng, đạo đức, đứng đắn và trọng kỷ luật.

Nhưng, trái lại, đáng buồn và khổ tâm biết mấy khi thấy có người sống bừa bãi, không thi hành cả những công việc thuộc chức vụ!

Coi khinh trách nhiệm của chức vụ và mải miết làm những cái không quan hệ đến mình, thực tai hại vô cùng!

Hãy nhớ lời đã tuyên hứa và đặt tượng Chúa Giêsu đóng đanh trước mặt.

Sau bao năm hiến thân theo đường Chúa, gẫm suy về thân thế Chúa Giêsu Kitô, mà mới bắt chước Chúa được ít quá như vậy, thật đáng mỉa mai chừng nào!

Một tu sĩ biết chuyên lo và sốt sắng suy gẫm thánh hạnh và cuộc Tử nạn Chúa, sẽ gặp được trong đó mọi cái hữu ích và cần thiết mà không cần phải tìm gì tốt hơn ở ngoài Chúa Giêsu.

Ôi! Giá được Chúa Giêsu đóng đanh ngự vào lòng, ta sẽ chóng được thấu hiểu mọi cái đầy đủ biết mấy!

Một tu sĩ hẳn hoi vui nhận và sẵn sàng đầy đủ mọi cái Bề trên truyền dạy làm.

Một tu sĩ biếng lười và bạc nhược, chỉ thấy đau khổ chồng chất trên đau khổ. Họ quay lối nào cũng chỉ thấy khó chịu. Vì thiếu ơn an ủi bên trong, mà đi tìm bên ngoài lại không được phép.

Một tu sĩ sống ngoài kỷ luật, sẽ sa ngã một cách thảm hại.

Một tu sĩ chỉ đi tìm phóng túng, rộng rãi, sẽ không bao giờ hết khổ cực, vì không lúc nào không gặp trái ý.

Hãy thẳng tiến

Thế còn bao nhiêu những tu sĩ sống dưới kỷ luật thép của viện tu, họ đang làm gì?

Họ ít ra ngoài. Họ sống ẩn khuất. Ăn kham khổ, mặc áo vải thô. Làm nhiều, nói ít. Thức khuya, dậy sớm. Nguyện gẫm lâu giờ và năng đọc sách. Họ giữ kỷ luật chu đáo lắm!

Bạn thấy không? Những tu sĩ Chartreux, những tu sĩ Citeaux và ngàn vạn tu sĩ nam nữ thuộc các Tu viện khác nhau, cứ nửa đêm thức dậy ngợi khen Chúa.

Thực đáng mỉa mai hết chỗ nói, vì Bạn đã quá lạnh nhạt làm nhiệm vụ thánh, trong khi từng ấy tu sĩ bắt đầu chúc tụng Chúa!

Này! giá Bạn đừng phải làm gì khác, ngoài việc lòng suy, miệng đọc lời chúc tụng Chúa nhỉ!

Giá đừng phải ăn, uống, ngủ, nghỉ để chỉ liên thanh chúc tụng Chúa, chỉ chuyên lo một việc thiêng liêng, như thế, sẽ sướng gấp mấy làm nô lệ cho mọi thứ nhu cầu của thân xác nhỉ!

Giá những nhu cầu đó thôi đi, để ta chỉ nghĩ đến việc nuôi linh hồn bằng những của ăn thiêng liêng, những của ăn mà – đáng buồn! – ta ít khi gặp.

Khi nào tới được trình độ không thèm tìm yên ủi nơi bất cứ tạo vật nào, lúc đó con người sẽ bắt đầu cảm mến Thiên Chúa đầy đủ. Và bất luận may rủi, lúc nào họ cũng vui lòng luôn.

Thắng lợi cũng chẳng vui, thua thiệt cũng không buồn, họ hoàn toàn tin tưởng tự phú thác cho Chúa: một mình Chúa là tất cả cho họ trong mọi cái. Với Chúa, không có gì hư hỏng cũng như không có gì chết đi; trái lại mọi cái sẽ còn mãi và sẵn sàng phục tùng ý Chúa.

Lời tâm phúc

Hãy suy niệm luôn đến chung cánh Bạn và nhớ luôn: thời giờ qua đi không trở lại.

Nhân đức chỉ có thể mua bằng chuyên cần và cố gắng liên lỉ.

Bắt đầu phóng túng, là bắt đầu trụy lạc.

Cứ vững tâm sốt sắng, sẽ được hưởng đại an bình. Với ơn Chúa và lòng mến nhân đức, việc làm nặng nhọc mấy cũng nên nhẹ.

Người sốt sắng và thành tâm, gặp gì cũng sẵn sàng luôn.

Cự tuyệt thói xấu và tình dục, bao giờ cũng khó hơn chịu đựng những nặng nhọc của thân xác.

“Không tránh khuyết điểm nhỏ, dần dà sẽ ngã vào khuyết điểm lớn”.

Ban ngày làm việc hẳn hoi, chiều đến sẽ được thảnh thơi an nhàn.

Hãy tự cẩn phòng, tự thúc đẩy, tự thức tỉnh. Việc người để mặc người lo, việc mình, mình phải so đo ân cần.

Trình độ tiến triển hệ tại ở sự thắng mình nhiều lắm đấy.

SUY NIỆM

“Muốn tiến đức, phải tự thắng”: đó là một khẩu hiệu và là toát lược trót chương trình thánh hóa của một giáo hữu.

“Tự thắng”, là cự tuyệt và chiến đấu với mọi tình dục, mọi khuynh chiều lăng lố và vui nhận những cái trái ý mình.

Lạy Chúa! Chúa đã dạy con biết: “Đường tiêu diệt rộng thênh thang mà đường cứu thoát thời nhỏ hẹp”. Với ơn Chúa, con cương quyết can đảm và mạnh dạn bước vào đường nhỏ hẹp để được cứu rỗi. Xin Chúa ban thêm nghị lực để con tiến bước tới cùng, để ngày kia được cùng Chúa hát bài ca chiến thắng trong Nước khải hoàn vinh hiển.

—————-
1. Ps. XXXVI, 3

Hết Gương Chúa Giêsu Quyển 1

Chia sẻ Bài này:
[28] [29] [30]