- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Mẹ Maria, Đấng An Ủi

Giáo Hội luôn hân hoan và đầy lòng cảm tạ xưng tụng Mẹ Maria là “solacium“ và “consolatrix afflictorum“, là niềm an ủi và là Đấng yên ủi các kẻ âu lo phiền muộn, vì Mẹ là niềm an ủi của Thiên Chúa, bởi Mẹ đã tự nguyện chấp hành mọi kế hoạch an bài của Người trong đời Mẹ, nhất là Mẹ đã chấp nhận cộng tác trực tiếp vào công cuộc cứu rỗi nhân loại của Người qua việc cưu mang Chúa Cứu Thế nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, tức thiên Chức làm Mẹ Thiên Chúa. Vì thế, người ta có thể khẳng định được rằng mọi tước hiệu cao quý của Mẹ Maria đều xuất phát từ thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa. Thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria là nguồn cội thiêng liêng và là thực tại cao cả đảm bảo cho tất cả mọi chân lý về nhân thân và toàn diện cuộc sống Mẹ Maria.

1. Mẹ Maria, niềm an ủi của Thiên Chúa

Thánh Ireneus thành Lyon (+202) đã quả quyết: “Đức Trinh Nữ Maria đã hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa khi Mẹ thưa: ´Vâng, con là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho con như lời Sứ Thần vừa nói.`(Lc 1,38) Trong khi đó, E-và ngược lại đã không tuân phục Chúa: Bà đã không tuân phục, mặc dù lúc ấy bà hãy còn là trinh nữ. Bởi vậy, cũng như E-và do sự bất phục tùng của bà mà gây ra cái chết cho chính bà và cho toàn thể con cái loài người, thì Mẹ Maria do sự tuân phục của Mẹ đã mang lại cho chính Mẹ và toàn thể nhân loại ơn cứu độ. Do đó, điều đã bị trói buộc, thì chỉ được cởi ra, nếu người ta mở các nốt thắt theo chiều hướng ngược lại. Thật vậy, các nốt thắt do sự bất phục tùng của bà E-và gây ra, thì qua sự tuân phục của Mẹ Maria đã được tháo gỡ, vì trinh nữ E-và đã buộc chặt lại bằng sự ngờ vực của bà, thì đã được tháo gỡ ra nhờ đức tin của Đức Trinh Nữ Maria.”(1)

Khi các khách du lịch ghé tham quan viện bảo tàng hội họa tại Vatican họ sẽ không thể bỏ qua bức tranh tuyệt tác của danh họa Rafaello trình bày khung cảnh “Truyền Tin”: Thiên sứ Gabriel thừa lệnh Chúa Cha đến thỉnh ý Đức Trinh Nữ Maria về chương trình cứu độ nhân loại của Người. Trong khi đó tại một khung cửa vòm ở phía hậu bức họa, Chúa Cha đang “chờ đợi” câu trả lời tích cực hoàn toàn tự nguyện của Đức Trinh Nữ Maria. Chính Chúa Cha đã dựng nên Đức Trinh Nữ từ hư không, nhưng nay Người muốn có sự cộng tác của Đức Trinh Nữ để công cuộc cứu chuộc nhân loại của Người có thể hiện thực được, Người phải kiên nhẫn chờ đợi sự đồng ý tự nguyện của Đức Trinh Nữ, chứ Người không thể áp đặt hay ép buộc được; vì cũng như mọi người khác, Đức Trinh Nữ Maria có ý chí tự do mà chính Chúa đã ban cho Mẹ; nếu không, Thiên Chúa Cha sẽ tự mâu thuẫn với chính mình, một điều tuyệt đối không thể xảy ra.

Nhưng theo thánh Bernard thành Clairvaux, thì không chỉ Thiên Chúa Cha, mà cùng với Người toàn thể vũ trụ cũng đều nín thở chờ đợi câu trả lời của Đức Trinh Nữ Maria. Khi diễn giải quang cảnh Truyền Tin được thánh sử Luca tường thuật lại (Lc 35-38), thánh Bernard đã phát biểu: “Lạy Mẹ Maria, toàn thể vũ trụ đang kiên trì quỳ dưới chân Mẹ để khẩn cầu Mẹ chấp nhận nói lên hai tiếng “xin vâng” đối với thánh ý Chúa Cha. Điều ấy không phải là điều bất công, vì niềm an ủi của những người nghèo đói, sự cứu thoát của những người bị giam cầm, sự giải phóng của những người bị kết án, nói tắt, sự cứu rỗi của tất cả mọi con cái A-dong, của toàn thể con cái loài người của Mẹ. Tất cả đều tùy thuộc vào những lời ấy bởi môi miệng Mẹ nói ra,.”(2)

Thánh Tổng lãnh Thiên Thần cắt nghĩa cho Đức Trinh Nữ hiểu rõ hơn mầu nhiệm cứu thế của Ngôi Hai Thiên Chúa. Đó chính là cao điểm của lịch sử nhân loại. Tất cả đều tùy thuộc vào câu trả lời của Mẹ Maria, của người Trinh Nữ thành Na-da-rét. Nhưng trước khi nói lên hai tiếng „xin vâng“ của sự đồng ý tự nguyện, Mẹ Maria đã đặt một câu hỏi hết sức rõ ràng, cụ thể và hợp lý: „Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng“(Lc 1,34). Còn Chúa Cha chắc chắn vào câu trả lời của người nữ tỳ „gratia plena“, đầy ơn phúc của Người.
Tước hiệu „gratia plena“, đầy ơn phúc, là chính lời Sứ Thần Gabriel đã thừa lệnh Chúa Cha xưng hô với Đức Trinh Nữ Maria, tựa hồ như chính tên riêng của Đức Trinh Nữ vậy: „Ave Maria gratia plena!“ Người ta cũng có thể nói được rằng, tước hiệu ấy cũng chính là nội dung, nguồn gốc và mục đích của cả cuộc sống Đức Trinh Nữ Maria.

Với thái độ khiêm tốn và đầy tin tưởng, Đức Trinh Nữ Maria đã lắng nghe, thấu hiểu và đón nhận Lời Thiên Chúa vào trong tâm hồn và trong trí khôn mình; bấy giờ Mẹ mới bắt đầu mang thai Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Thánh tiến sĩ Giám Mục Augustinô đã diễn tả sự kiện vô cùng cao cả ấy như sau: „Trong đức tin, Đức Trinh Nữ Maria đã sinh hạ Đấng mà Mẹ đã đón nhận trong đức tin (…). Sau khi Thiên Sứ đã trình bày với Mẹ, thì Mẹ đã đầy tin tưởng đón nhận Đức Kitô ngay trong Trái Tim Mẹ rồi, trước khi Mẹ đón nhận Người trong cung lòng Mẹ (prius concepit mente quam corpore).“(3)

1.1. Các tín điều loan báo Mẹ Maria là niềm an ủi của Chúa Cha

Ở đây, có lẽ một câu hỏi lại được đặt ra là căn cứ vào tín điều và nhân đức nào mà người ta có thể gọi Mẹ Maria là niềm an ủi của Chúa Cha?

Thực tại vô nhiễm thai của Đức Trinh Nữ Maria hoàn toàn ăn khớp nhịp nhàng với chức vị làm cha của Thiên Chúa và sự trung kiên tuyệt đối của Đức Trinh Nữ Maria trong mọi kế hoạch của Thiên Chúa là nột nhân đức an ủi Chúa Cha nhiều nhất.

Ngày 8.12.1854, khi công bố tín điều về ơn Vô Nhiễm Thai của Mẹ Maria qua Tông Thư “Ineffabilis Deus” của ngài, Đức Thánh Cha Piô IX đã viết: “Giáo huấn dạy rằng, Đức Rất Thánh Trinh Nữ Maria từ giây phút đầu tiên khi được dựng thai trong lòng mẹ nhờ một đặc ơn riêng của Thiên Chúa Toàn Năng dựa vào công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc của toàn thể nhân loại, đã được gìn giữ nguyên tuyền trước mọi tổn hại do nguyên tội gây nên, đã được Thiên Chúa mặc khải, vì thế buộc tất cả mọi tín hữu phải tin một cách chắc chắn và bền vững.”

Vì do vị thế bất khả giải thích thuộc lãnh vực tín lý của nó, tín điều “Immaculata Conceptio”, tín điều “Vô Nhiễm Thai” của Mẹ Maria, đã trở thành đối tượng cho một cuộc tranh luận thần học lâu dài. Một vấn nạn đã từng nêu lên thắc mắc: Mẹ Maria đã tham phần vào công trình cứu độ nhân loại như thế nào, khi Mẹ đã sống dưới các điều kiện của nguyên tội cũng như tất cả mọi người khác? Để giải toả thắc mắc quan trọng đã được đặt ra, người ta có thể trả lời bằng hai cách: Hoặc chấp nhận rằng ơn Vô Nhiễm Thai của Đức Trinh Nữ Maria là một sự thanh tẩy hay một sự thánh hóa (Sanctificatio Mariae) mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Trinh Nữ, như các Tu sĩ Dòng Đa Minh đã từng chủ trương, hoặc người ta quả quyết rằng Đức Trinh Nữ Maria được cưu mang trong lòng mẹ hoàn toàn tinh tuyền, không hề vướng mắc tội nguyên tổ nên không cần phải được thanh tẩy, như các Tu sĩ Dòng Phanxicô vẫn luôn khẳng định.

Vấn nạn thần học được nêu lên trên đây đã được thánh Gioan Duns Scotus, “Doctor Subtilis”, vị Tiến sị tinh tế và tài tình, nghiên cứu và giải đáp. Theo suy tư thần học của ngài, thánh Duns Scotus quả quyết rằng, ngay từ giây phút đầu tiên khi được thụ thai trong lòng mẹ, Mẹ Maria đã hoàn toàn được gìn giữ khỏi vết nhơ tội nguyên tổ, do Mẹ được hưởng trước công nghiệp Đức Giêsu, Con Mẹ. Chúng ta cũng có thể chiêm niệm mầu nhiệm cao cả này của Mẹ Maria về phương diện Chúa Cha, Đấng đã hài long và được an ủi trước về sự trung tín và tuân phục tuyệt của Mẹ đối trước mọi sự an bài của Người.

Vâng, khi để cho tâm hồn mình lắng đọng trong kinh nguyện, chúng ta hãy chiêm niệm tất cả những gì chúng ta học được từ sự trung tín của Mẹ Maria. Và hoa quả đầu tiên của đức trung tín ấy trước hết phải kể đến sự tin tưởng của các Kitô hữu, kể cả nhiều tín đồ các tôn giáo khác cũng như nhiều người bên lương, khi gặp hoạn nạn thử thách đều chạy đến cùng Mẹ để xin Mẹ an ủi, cầu bầu chở che, vì họ luôn cảm nhận được rằng, Mẹ Maria chính là nơi nương tựa và ẩn náu chắc chắn cho đời mình.

Nhưng phải chăng lòng tin tưởng và hy vọng ấy của chúng ta đối với Mẹ Maria chỉ vì lợi ích riêng của chính mình?

Câu trả lời vừa có vừa không. “Có”, vì mỗi người mẹ đều biết điều đó, nhưng đối với các ngài thái độ ấy của các con cái không quan trọng, đúng như lời thánh Josefmaria Escrivá, Đấng sang lập phong trào “Opus Dei”, viết: “Vì Mẹ Maria chính là mẹ, và tình mẫu tử vô vị lợi của Mẹ có thể nhìn thấy được phía sau cái vỏ bên ngoài của sự ích kỷ của chúng ta còn có tình con thảo và lòng tin tưởng phó thác của chúng ta nơi Mẹ nữa.”(4) Và “không”, bao lâu chúng ta còn dấn thân phụng sự một cách vô vị lợi như Mẹ Maria, và mong ước thực hiện tất cả chỉ để làm vinh danh Chúa mà thôi.

1.2. Mẹ Maria, niềm an ủi của Đức Giêsu Kitô

Trong bài suy niệm về chặng thứ IV của Đường Thánh Giá, thánh Josefmaria Escrivá đã trình bày khi Mẹ Maria gặp lại Con Mẹ khắp cả thân mình đầy thương tích và đang lê từng bước nặng nề đi lên núi sọ với cây thập tự trên vai, thì đã an ủi Người như thế nào: “Khi ngã quỵ xuống đất lần thứ nhất và đang lấy hết chút sức lực còn lại để gượng đứng lên, thì Đức Giêsu đã gặp lại Mẹ già dấu yêu của Người đang đứng bên lề đường. Với hai dòng nước mắt dàn dụa đầy đau đớn và tình thương vô bờ bến, Mẹ Maria nhìn Đức Giêsu và Đức Giêsu nhìn Mẹ Maria. Hai Mẹ Con cùng nhìn nhau lòng đầy tan nát. Sự đau khổ đầy chua xót của Đức Kitô tràn ngập tâm hồn Mẹ Maria. (…) Trong giờ phút đen tối bị bỏ rơi một mình trong đau khổ tột độ như thế của Con, Đức Mẹ đã an ủi vổ về Con mình bằng sự dịu dàng, bằng sự liên kết gắn bó và bằng sự trung tín và hoàn toàn “xin vâng” đối với thánh ý Thiên Chúa. Trong vòng tay hiền mẫu Mẹ Maria, chúng ta – bạn và tôi – cũng muốn an ủi Đức Giêsu, khi chúng ta luôn sẵn sang chấp nhận thánh ý của Cha Người và cũng là Cha của chúng ta trong mọi sự.”(5)

Điều đó đã minh chứng cho chúng ta biết rằng, thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria đã trở nên công nghiệp tràn đầy trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Đứng dưới chân thánh giá gồm có Mẹ Maria và một số các người phụ nữ khác. Cả thánh Gioan, người Môn Đệ yêu dấu của Chúa và là người duy nhất trong số những người từng theo Chúa, cũng có mặt tại đó. Mẹ Cực Thánh của Người đã phải một mình trải qua cái sa mạc mênh mông của sự lo lắng thương Con khôn kể xiết, của sự không thể hiểu hết những gì đang xảy ra cho Con, của sự đau đớn tột cùng. Nhưng giờ đây Mẹ đang đứng như chết dưới chân thập giá, phải tận mắt chứng kiến cảnh Con Yêu Dấu đang hấp hối từ từ, đang thì thào từng tiếng và trút hơi thở trong đau đớn. Trái tim Mẹ phải tan vỡ ra từng mảnh.

Nhưng khi Mẹ Maria can đảm đứng dưới chân thánh giá như thế, Mẹ đã thực sự trở nên “fortitude nostra”, trở nên sức mạnh của chúng ta trong mọi thử thách và trong mọi gian nguy của cuộc đời. Mẹ chỉ lặng yên đứng đó, và theo Kinh Thánh, Mẹ đã không nói gì với Đức Giêsu cả, hay nói đúng hơn: Mẹ không còn đủ sức lực để có thể nói được lời nào với Con Mẹ nữa, và chỉ đưa mắt đầy đau đớn chăm chăm nhìn lên Con mà thôi. Nhưng chính cái nhìn đầy yêu thương ấy, chính Trái Tim Vẹn Sạch bị bị đau khổ đâm nát của Mẹ (đúng như lời tiên tri Simeon đã báo trước: Còn chính Bà sẽ bị một lưỡi gươm đâm thấu linh hồn. Lc 2,35) là cả một niềm an ủi to lớn nhất cho Người Con đang trong cơn đau khổ tột cùng mà Trái Tim Cực Thánh của Người đã bị một lưỡi đòng của kẻ vô đạo đâm thủng, đến nỗi giọt máu cuối cùng trong tim Con Mẹ cũng không được đọng lại, mà phải tuôn chảy hết ra ngoài. Những điều đó đã nói hết tất cả rồi. Không cần phải nói gì nữa!

Tuy nhiên từ trên thánh giá, Đức Giêsu đã đưa mắt âu yếm nhìn về phía Mẹ. Người muốn nối lại sự liên lạc với Mẹ Người và chắc chắn đây sẽ là lần cuối. Hai cặp mắt của hai Mẹ Con lại nhìn nhau trong đau đớn nghẹn ngào, trong tủi buồn và trong yêu thương vô hạn. Vâng, trong không gian đau đớn Ngôi Lời đã thiết lập nên một sự khởi đầu mới cho một mối tương quan mới, mà chỉ những kẻ có con mắt đức tin sống động và tình yêu sâu xa như Mẹ Maria, thì mới biết đón nhận được, vì trong không gian của sự đau khổ thường nảy sinh không gian của tình yêu. Khởi đầu có lẽ không gian ấy chỉ nhỏ xíu thôi. Nhưng với thời gian, chính sự trung tín và sự nhẫn nhục sẽ làm cho không gian tình yêu ấy càng ngày càng trở nên bao la rộng lớn, và nhất là trở thành không gian sống cho nhiều người.

Ở đây, chúng ta lại chiêm ngắm tín điều thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria, mà Công đồng Ephesus (431) đã công bố, và được các Công đồng tiếp sau đó nhắc lại và chứng thực: Đức Giêsu Kitô, (Emmanuel: Chúa-ở-cùng-chún-tôi), là Thiên Chúa, và vì thế, Đức Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), vì theo phương diện xác thịt Mẹ đã sinh hạ Ngôi Lời nhập thể vốn phát xuất từ Thiên Chúa (Ngôi Lời Vĩnh Cửu và là Con Một của Thiên Chúa), tức Thiên-Chúa-Làm-Người: Đức Giêsu Kitô.

Nhưng tất cả những sự kiện trên đây muốn quả quyết sự thật này: Nhân đức nổi trội của Mẹ Maria là đức mạnh mẽ. Mẹ Maria quả thật là thầy dạy đức mạnh mẽ. Chúng ta hãy nhớ lại những gì đã xảy ra trong biến cố “Dâng Con Vào Đền Thánh” như chúng ta vừa nhắc trên, ông Simeon đã nói với Me: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en vấp ngã hay đứng dậy và cháu cũng là dấu hiệu cho thiên hạ chống đối; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươmg sẽ đâm thấu tâm hồn bà.”(Lc 2,34-35).

Nhưng lưỡi gươm ấy đã không chỉ đâm thấu tâm hồn Mẹ Maria trong cuộc khổ nạn của Con Mẹ mà thôi, nó đã đâm nát Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ ngay từ sau ngày “Truyền Tin”, lúc Mẹ phải chứng kiến sự đau khổ âm thầm đang dày xéo con tim Thánh Cả Giuse, một người công chính thánh thiện, vì ngài nhìn thấy Mẹ mang thai Đấng Cứu Thế mà không biết là bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, còn Mẹ chỉ biết âm thầm lau hai dòng nước mắt và hoàn toàn tín thác vào Chúa tất cả, chứ không thể tự giải thích được. Tiếp đến, Mẹ cùng Thánh Giuse phải lóc cóc vất vả cuốc bộ trên 170 cây số đường trường để về quê cũ Bethlehem khai sổ đinh và rồi phải sinh Con trong một hoàn cảnh vô cùng éo le, thương cảm: không có bất cứ phương diện tối thiểu nào; rồi lại phải vội vã tản cư sang Ai Cập để bảo toàn mạng sống cho Con trước lưỡi gươm hung dữ của bạo vương Hê-rô-đê; cảnh lạc mất Con trong ba ngày với bao ưu sầu lo lắng, v.v… mãi cho tới khi cùng theo con bước đi trên con đường dốc lên núi sọ: khi nhìn từng giọt máu con rơi rớt dọc đường là ruột Mẹ lại đứt ra từng khúc; khi những làn rót lý hình quật vào thân Con là ruột gan Mẹ lại nát vụn ra từng mảnh. Và sau cùng khi nhìn thấy lưỡi gươm tên lý hình đâm thủng Trái Tim Con, thì một lưỡi gươm vô hình khác cũng đã thực sự đâm thủng Trái Tim Mẹ.

Vâng, tình mẫu tử bao la và vô vị lợi của Mẹ Maria đối với Đức Giêsu, Con Mẹ, và đối với toàn thể nhân loại đã mang lại một tác động cụ thể là Lời Chúa đã thực sự trở thành thực tại trong Mẹ: Không một ai có tình yêu lớn hơn tình yêu người đã hiến mạng sống mình cho các bạn hữu.(x. Ga 15,13). Vì thế, người ta có lý khi nói rằng, Mẹ Maria đã cùng với Đức Kitô cứu rỗi cả nhân loại, vì Mẹ đã cùng với Con Mẹ chịu mọi khổ hình và khi Con Mẹ hấp hối trên thập giá, thì Trái Tim Mẹ cũng hấp hối theo Con; và vì phần rỗi con cái loài người Mẹ đã khước từ quyền lợi và bản năng của một người mẹ, là dùng hết mọi sức lực của mình để bênh vực và cứu Con Mẹ ra khỏi mọi nguy hiểm, như xưa kia Mẹ đã một lần từng làm khi đưa Con trốn sang Ai Cập.

Toàn diện kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa nói chung và cuộc khổ nạn của Đức Kitô nói riêng đều tùy thuộc vào Mẹ Maria, vào sự đồng ý tự nguyện của Mẹ, và, vì trước hết Mẹ muốn cho phép công bằng của Thiên Chúa được thể hiện và tiếp đến, là Mẹ muốn cho loài người được hòa giải lại với Thiên Chúa, và nhờ thế tránh cho họ khỏi bị tiêu diệt.(6) Vậy, chúng ta thực sự cảm nhận được đức mạnh mẽ của Mẹ Maria trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô một cách đầy đủ hơn, Đấng mà chúng ta hằng luôn đầy tâm tình yêu mến, biết ơn và hăng say chiêm ngắm, điều mà Mẹ Người đã làm xưa kia khi đứng dưới chân thập giá: “Stabat autem juxta crucem Jesu Mater ejus – Mẹ Đức Giêsu đứng dưới chân thập giá Con Mẹ.”(Ga 19,25)

Đúng vậy, khi giờ hy lễ thập giá đã điểm, Mẹ Maria vẫn đứng đó và lòng đầy đau đớn tủi nhục khi tai Mẹ phải nghe những lời thách thức, chửi bới và nhiếc mắng của thiên hạ, của kẻ đi người lại trước mặt Con Chí Thánh của Mẹ: “Mày đã từng muốn phá Đền Thờ Thiên Chúa và trong ba ngày mày sẽ xây lại. Giờ đây, mày hãy tự cứu mình đi! Nếu mày là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi xem nào!”(Mt 27,39-40) Thánh Josefmaria Escrivá đã cắt nghĩa sự kiện này bằng những lời tâm huyết này: “Nhờ có sự hiện diện âm thầm lặng lẽ nhưng đầy yêu thương của Mẹ Người, Đức Giêsu lại cảm thấy được củng cố và mạnh mẽ thêm. Mẹ Maria không thất vọng bỏ đi, không cán chường bỏ chạy. Stabat – Mẹ vẫn đứng yên, Mẹ đứng yên bên Con Mẹ. Từ trên thập giá, Đức Giêsu đưa mắt nhìn xuống Mẹ mình và lại nhìn sang môn đệ Gioan và nói: “Thưa Bà, kìa là con Bà”. Tiếp đến, Người lại nói với người Môn đệ: “Kìa là Mẹ con!”(Ga 19,26-27). Qua thánh Gioan, Đức Giêsu đã giao phó cho Mẹ Người coi sóc tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là các Môn đệ của Người, tức những kẻ tin kính Người.”(7)

1.3. Mẹ Maria, niềm an ủi của Chúa Thánh Thần

Trong Giáo Hội Mẹ Maria cũng được xưng tụng là “Hiền thê” của Chúa Thánh Thần, một kiểu nói mà không ít người cho là quá táo bạo, quá bạo miệng. Nhưng đây là tước hiệu đã được biện minh từ Công đồng chung Ephesus vào năm 431. Nhưng đồng thời tước hiệu “Hiền thê Chúa Thánh Thần” của Mẹ Maria không có nghĩa là người ta có quyền trình bày hay giới thiệu Chúa Thánh Thần như là cha của Đức Kitô, vì đó là một tư tưởng sai lầm mà Công nghị thứ XI ở Toledo đã kết án. Bởi vậy, tư tưởng sai lầm ấy chưa hề được xuất hiện trong các văn phẩm hay hội họa tôn giáo. Trong khi đó, người ta đã tìm gặp tước hiệu “Hiền thê Chúa Thánh Thần” rất phổ thông ngay từ thời hậu thượng cổ, và nhất là vào thời trung cổ. Trong các bản văn suy niệm về cuộc đời Đức Kitô mà thường được cho là của thánh Bonaventura, người ta đọc thấy rằng, ví dụ: Trong biến cố truyền tin, Mẹ Maria theo nghĩa thần bí học được coi như “Con gái của Chúa Cha, Mẹ của Chúa Con và hiền thê của Chúa Thánh Thần.” Sự suy niệm này được dựa trên nền tảng bản tường thuật của Tin Mừng theo thánh Luca: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Đấng tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà.”(Lc 1,35).

Như vậy, vấn đề đã quá hiển nhiên, là Mẹ Thiên Chúa đã được vinh danh qua tước hiệu “Hiền thê của Chúa Thánh Thần”, một tước hiệu danh dự mà theo quan niệm thực tiễn ngày nay có thể gây nên những phản hồi tiêu cực, nhưng nếu dựa theo truyền thống lâu đời trong Giáo Hội, thì đó là một tước hiệu danh dự hợp lý.(8)

Hơn nữa, Mẹ Maria là sự an ủi của Chúa Thánh Thần, bởi vì Mẹ là “Virgo fidelis”, là Người Trinh Nữ trung tín. Mẹ là “Immaculata”, là Đấng Vẹn Sạch, là Mẹ của Tình Yêu tuyệt vời: “Trên trời xuất hiện một điềm lạ: một người Nữ, mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.”(Kh 12,1). Chính Thiên Chúa đã dựng nên nét kiều diễm ấy và rồi Người rất ngưỡng mộ nét kiềm diễm ấy, như lời Thánh Vịnh đã viết: “Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái, hãy vào phục lạy: Người là Chúa của Bà! (…) Đẹp lộng lẫy, này đây công chúa, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng, phục sức huy hoàng, được dẫn tới Quân Vương.”(Tv 45, 12-15).

Mẹ Maria luôn mãi là đền thờ Chúa Thánh Thần. Mẹ được coi như là bồ câu Thánh Thể, là Nhà Tạm cất giữ “Sancta Sanctorum”, cất giữ Mầu Nhiệm Cực Thánh. Là bồ câu trắng, Mẹ Maria được biểu tượng cho uy quyền, sự tinh tuyền, sự bình an và niềm hoan lạc. Bồ câu trắng vốn là biểu tượng của sự bình an, của nền hòa bình! Nhưng khi bồ câu trắng mỏ gặm nhánh Ô-liu lại biểu tượng của niềm hy vọng, như trong câu chuyện ông Nô-e và trận lụt đại hồng thủy: một ngày kia, ông No-ê nhìn thấy con chim câu trắng bay trở lại với ông và mỏ nó gặm một nhánh Ô-liu, lập tức ông biết rằng đã có hy vọng, chiếc tàu của ông sắp có thể đậu vào một bến mới, vì đại họa đã qua. (x. St chương 6-8).

Là “Hiền thê” tinh tuyền của Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria dẫn đưa chúng ta đến với tín điều “Đồng trinh Vẹn Sạch” của Mẹ, đã được công bố trong Công Nghị Lateranô (Lateransynode) vào năm 649: Mẹ Maria, Đấng thánh thiện, luôn là trinh nữ và tinh tuyền. Chính thánh Giám Mục tiến sĩ Augustinô đã quả quyết: “Mẹ Maria luôn vẫn là trinh nữ khi Mẹ cưu mang Con Mẹ, là trinh nữ khi sinh hạ Con, là trinh nữ khi Mẹ bồng ẳm Con, là trinh nữ khi Mẹ ôm Con vào lòng để cho bú. Trọn đời Mẹ luôn mãi là trinh nữ.”(9)

Mẹ Maria là Đấng Vô Nhiễm Thai, vâng, Mẹ đã không hề bị vướng mắc vết nhơ tội nguyên tổ ngay từ giây phút đầu tiên khi được dựng thai trong lòng mẹ. Mẹ là “gratia plena”, Trinh Nữ đầy ơn phúc Chúa, vì Mẹ đầy tình yêu Chúa, vì Mẹ là Đấng kiều diễm, tinh tuyền và thánh thiện vô song trước mặt Thiên Chúa. Do đó, chỉ có Mẹ mới có thể chỉ cho chúng ta một cách cụ thể nét kiều diễm của sự tinh tuyền thánh thiện.

Thánh Tông đồ Phaolô đã từng nhắn nhủ các tín hữu Cô-rin-thô phải luôn ý thức mình đã thuộc về Đức Kitô và thân thể mình là đền thờ Chúa Thánh Thần, hầu lo sống đạo đức thánh thiện, hầu lo sống một cách xứng đáng là những người con Chúa: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Thế tôi lại được phép lấy phần thân thể của Đức Kitô làm phần thân thể một kỹ nữ sao? (…) Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần, Đấng đang ngự trong anh em sao? Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà mua chuộc lấy anh em. Vậy, anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.”(1Cr 6,15.19-20).

2. Mẹ Maria, niềm an ủi của toàn thể nhân loại

Nỗi vui mừng và niềm hy vọng! Mẹ Maria là niềm an ủi của Con Chí Thánh Mẹ và đồng thời cũng là “consolatrix afflictorum et causa nostrae laetitiae”, là Đấng yên ủi mọi kẻ âu lo khốn khó và là nguyên nhân niềm hoan lạc của chúng ta.

Là niềm vui, khi Mẹ Maria mang niềm vui tới cho bà Elisabeth: Đứa trẻ đã hân hoan nhảy mừng trong lòng mẹ!(x. Lc 1,41) Là niềm vui, sau khi Mẹ Maria đã mang đến cho chúng ta sự an ủi: “Này con cháu E-và, thân phận người lưu lạc, chúng con ngửa trông Bà, kêu Bà mà khóc lóc, than thở với rên la trong thung lủng đầy nước mắt… Xin Bà khấng tỏ ra cho đoàn con được thấy quả phúc bởi lòng Bà: Đức Giêsu khả ái!”(10) Và trong kinh Kính Mừng chúng ta cầu nguyện hằng ngày: Trước hết, chúng ta ca tụng Mẹ Maria với lời chào của Thiên sứ: „Ave Maria, gratia plena – kính mừng Maria, đầy ơn phúc“, và tiếp đến, chúng ta khẩn cầu sự bầu cử nguyện giúp của Mẹ trước tòa Đức Giêsu, Con Mẹ: „Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con.“

Niềm ủi an và nỗi vui mùng là hai chị em song sinh – tương tự như “auxilium christianorum“ và „causa nostra laetitiae“: sự cứu giúp các giáo hữu và nguyên nhân niềm vui mừng của chúng ta.

Mẹ Maria là niềm an ủi của chúng ta, vì Mẹ cứu giúp chúng ta trong khi phải chống trả ba thù và nhắc nhủ chúng ta luôn biết ăn năn cải thiện cuộc sống. Đồng thời, qua đó Mẹ đã mang lại cho chúng ta niềm vui mừng chân thật.

Và sau biến cố „truyền tin“, Mẹ Maria đã vội vã lên đường đi thăm bà Elisabeth, ngoài việc Mẹ đã thực hiện một cuộc hành trình dài đầy gian khổ và hiểm nguy, Mẹ còn mang gì thêm? Được đầy ơn Chúa Thánh Thần, Đấng rợp bóng trên Mẹ, Mẹ Maria muốn mau mang niềm vui cao cả và thánh thiện này cho hai mẹ con bà Elisabeth. Cũng chính Chúa Thánh Thần đã tuôn đổ tràn ân sủng xuống trên bà Elisabeth và tác động cho thai nhi nhảy mừng trong lòng bà, thoạt khi tai bà vừa nghe tiếng chào của Mẹ Maria. Nhưng đâu là hoa quả đầu tiên của ơn được “đầy tràn Chúa Thánh Thần“? Đức Thánh Cha Bêneđíctô XVI phát biểu về sự tương quan giữa niềm vui và chân lý là chính Đức Kitô: „Đức Kitô, Đấng là chính sự đầy tràn Chúa Thánh Thần, lôi kéo tâm hồn mỗi người đến với mình, mở rộng nó ra và tuôn đổ tràn đầy trên nó niềm hân hoan vui mừng. Bởi vì, chỉ có chân lý mới có thể thấu suốt được tinh thần con người và ban tặng cho nó niềm vui mừng trọn vẹn. Niềm vui mừng này mở rộng các chiều kích của tâm hồn con người, khi nó giải thoát tâm hồn khỏi sự chật hẹp của lòng ích kỷ và tạo điều kiện cho nó đạt tới tình yêu chân thật.“(11)

Trong suốt cả cuộc đời, Mẹ Maria luôn đồng hành cùng Con Mẹ trong từng bước đi, đó là: Khi Mẹ nói lên hai tiếng „vin vâng“ để Ngôi Lời Thiên Chúa toàn năng có thể mặc lấy xác phàm trong long Mẹ; trong sự khốn cùng của Bết-lê-hem; trong cuộc sống ẩn dật của Đức Giêsu với những công việc thường ngày ở Na-da-rét; khi Người bắt đầu cuộc đời công khai với quyền năng Thiên Chúa được tỏ hiện trong tiệc cuới Ca-na miền Ga-li-lê-a; trong suốt cuộc khổ nạn: khi Con Mẹ lần từng bước nặng nề tiến lên núi Sọ giữa những tiếng chửi bới, xỉ nhục và những cú gậy gộc của bọn lý hình phang tới tấp vào thân mình vốn đã bị đánh bầm dập của Con Mẹ không một chút thương tiếc, cho tới khi Người bị lột hết áo quần và bị đóng đinh trần truồng trên thập giá; rồi lúc Con Mẹ hấp hối trong đau thương tủi nhục và mệt nhọc thì thào từng tiếng cuối cùng để tạm biệt Mẹ, và khi xác Con đầy thương tích và bê bết máu vừa được tháo từ thập giá xuống Mẹ đã vội ôm chặt vào trong vòng tay gầy yếu, thân xác mà xưa kia Mẹ đã từng mang đầy bụng trong chín tháng mười ngày và yêu thương săn sóc từng miếng cơm manh áo; rồi khi Con được an táng trong mồ, và sau cùng khi Con Mẹ sống lại vinh quang và rước Mẹ về hưởng hạnh phúc bất diệt trên Nước Trời. Tất cả từng giờ từng phút trong suốt cả cuộc đời buồn vui của Đức Giêsu đều có bóng Mẹ Maria thấp thoáng hiện diện bên cạnh.

Trong mọi khoảnh khắc cuộc đời Mẹ, Mẹ Maria đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, Mẹ là chính „causa nostrae laetitiae“, là nguồn cội, là nguyên nhân niềm vui mừng của chúng ta. Sau biến cố truyền tin, lòng đầy vui mừng Mẹ đã vội vã lên đường đi thăm viếng và phục vụ bà Elisabeth trong khi sinh nở. Ở Bết-lê-hem Mẹ Maria là nguyên nhân niềm vui mừng của các các Thiên Thần – „Gloria in excelsis Deo“(Lc 2,14) – và của các mục đồng: „Các mục đồng ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như lời Thiên Thần đã nói với họ.“(Lc 2,20). Ở tiệc cưới Cana, Mẹ đã giúp cho bầu không khí vui mừng của cô dấu chú rể và các quan viên hai họ được tiếp tục: „Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: Họ hết rượu rồi.“(Ga 2,3). Vì thế, không phải là điều ngẫu nhiên khi thánh Ephraem đã gọi phép Thánh Thể là „Bánh làm từ bó lúa được chúc phúc (Mẹ Maria)“ và „Nho thơm do Mẹ Maria cung cấp“. Mẹ Maria hiện diện trong niềm vui của dân chúng khi Đức Kitô rao giảng: „Khi Người đang nói, một người phụ nữ trong đám đông nói đã thưa với Người: phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm“(Lc 11,27). Và dưới chân Thánh Giá, Mẹ là niềm an ủi và vui mừng cho thánh Gioan: „Kể từ giờ đó, người Môn đệ rước Bà về nhà mình.“(Ga 19,27).

Và sau khi Chúa đã sống lại, ánh sáng rực rỡ của Mẹ Maria càng chiếu tỏa trên các Tông đồ: „Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện (…) cùng với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu.“ (Cv 1,14).

Sau cùng, chúng ta cùng suy niệm tín điều về Mẹ Maria, Đấng là nơi ẩn náu chắc chắn nhất cho hết mọi người: Tín điều “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”. Đây là tín điều đã được Đức Thánh Cha Piô XII long trọng công bố vào ngày 1.11.1950 trong Tông hiến „Munificentissimus Deus“: „Với uy quyền của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của hai thánh Phêrô và Phaolô và với quyền hành của chúng tôi, chúng tôi công bố, diễn giải và định nghĩa: Là một tín điều được Thiên Chúa mặc khải, đó là Mẹ Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa tinh tuyền, sau khi hoàn tất cuộc sống dương thế đã được đón rước vào vinh quang Nước Trời cả hồn lẫn xác.“

Đây là chân lý đã được chính danh họa Raffaello, tên đầy đủ là Raffaello da Urbino (1483-1520), đã từng trình bày vào thế kỷ XV trên một bức họa thời danh và hiện đang được trưng bày tại viện bảo tàng hội họa Vatican: phía dưới bức họa là một cái thạch mộ (Sarcophage) trống không và các Tông đồ đang đứng chung quanh. Từ trong thạch mộ mọc lên từng cụm hoa huệ và hoa hồng bốc hương thơm ngào ngạt. Còn các Tông đồ đứng nhìn lên trời thấy Đức Giêsu đang đội triều thiên lên đầu cho Mẹ dấu yêu của Người. Và muôn vàn Thiên Thần đang ca hát nhảy mừng với tiếng đàn vĩ cầm du dương thánh thót. Cũng như các vị Thiên Thần, chúng ta nhận chân được rằng: Đức Giêsu đã hoàn tất tuyệt tác của Người.

Nói tóm lại

Mẹ Maria đã bước đi theo Đức Kitô trước chúng ta trên mọi nẽo đường của cuộc đời Người: Mọi vui buồn, mọi sướng khổ của Con là của Mẹ. Vì thế, nay Mẹ được Con Mẹ rước về Thiên Đàng cả hồn lẫn xác giữa sự hoan ca nhảy mừng của cả triều thần Thiên Quốc.

Ôi đẹp thay! Ôi huy hoàng thay! Ôi vui mừng thay! Mẹ vất vả ra đi vào cuộc đời mang theo hạt giống đức tin, hạt giống yêu mến và hạt giống tín thác để gieo vãi vào lòng đời, nay Mẹ trở về Quê Trời hai tay mang nặng bó lúa của vinh quang và của hạnh phúc bất diệt giữa tiếng chào đón reo mừng của các đạo binh Thiên Thần và các vị Thánh nhân.

Nhưng sự vinh quang và hạnh phúc bất diệt của Mẹ Maria ngày nay trên Thiên Đàng là niềm hy vọng chắc chắn cho sự cứu rỗi của chúng ta mai ngày, nếu chúng ta cũng như Mẹ biết hoàn toàn tín thác vào sự an bài đầy yêu thương của Cha trên trời và trung tín bước theo Tin Mừng Đức Kitô trong mọi giây phút của cuộc sống. Vì thế, chúng ta gọi Mẹ là “spes nostra”, “solacium vitae nostrae” và “causa nostrae laetitiae” – là niềm hy vọng, là niềm an ủi và nguyên nhân niềm hoan lạc của chúng ta.

“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”

__________________

1. Hl. Irenäus, Gegen die Häresien, III,22,4.
2. Bernhard von Clairvaux, Lobpreis der jungfräulichen Gottesmutter, 4. Homilie.
3. Augustinus, Gespräche 215,4; PL 38,1074.
4. Josefmaria Escrivá, “Freunde Gottes”, số 280.
5. Josefmaria Escrivá, Der Kreuzweg, 4. Station.
6. x. Benedickt XV., Tông thư “Inter sodalicia”, 22.3.1918, ASS 10 (1919), 182.
7. Josefmaria Escrivá, Freunde Gottes, số 288.
8. xem http://www.legion.mariens.de/maria-braut-des-heiligen-geistes.html.
9. Hl. Augustinus, Serm. 186,1.
10. Kinh Salve Regina, Gotteslob der deutschen kath. Kirche,570.
11. Ansprache an die Glaubenskongregation, vào ngày 10.2.2006.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]