- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Fatima: Tội lỗi và việc đền bù phạt tạ

Bị ảnh hưởng và bị chi phối nặng nề bởi trào lưu vô thần, não trạng tôn thờ và hưởng thụ vật chất thái quá, con người ngày nay thường coi nhẹ tội lỗi, nên họ dễ dàng sa phạm tội. Từ quan niệm lệch lạc ấy, một số không nhỏ các Kitô hữu đã trở nên thờ ơ và ít quan tâm tới việc lãnh nhận Bí tích Cáo Giải và đồng thời vẫn tiếp tục rước Mình Thánh Chúa. Ở Đức vào thập niên 60 của thế kỷ vừa qua, triết gia Max Scheler (1928-2003) đã trình bày một hiện tượng – được coi là còn khá mới mẻ vào lúc bấy giờ – làm cho nhiều người đồng thời không khỏi bỡ ngỡ và thắc mắc, khi ông cho rằng, lúc làm trắc nghiệm một cách khách quan người ta thấy rằng khi tội lỗi càng nhiều thì ý thức về tội càng giảm thiểu và vơi nhẹ đi; trong khi đó, nếu việc sa ngã và phạm tội càng ít đi thì ý thức về tội càng tăng lên và càng nhạy bén hơn. Điều này muốn khẳng định rằng các người lành thánh thường cảm thấy mình là kẻ có tội, vì họ luôn ý thức được các tư tưởng và các hành động phải trái của mình, dù chúng nhỏ mọn đến đâu, và nhận ra được từng khiếm khuyết và lỗi lầm của mình, trong khi đó các kẻ phạm trọng tội lại cảm thấy hành động tội phạm của họ vẫn bình thường và lương tâm không hề cắn rứt chút nào. Dựa theo kết quả này, người ta chủ trương cứ sống bừa bãi và phạm tội, vì họ cho rằng việc ý thức có tội hay không hoàn toàn chỉ là một hiện tượng thuần tuý tâm lý mà thôi. Bởi thế, tình trạng luân lý của thế giới ngày nay đang trên đà xuống dốc một cách khủng khiếp: các trào lưu tục hóa, ăn chơi trụy lạc, truyền bá cách sống vô luân đồi trụy và khiêu dâm đang được phổ biến một cách công khai và rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kể các phương diện truyền thông các nhà nước.

Thực ra, sự ghi nhận của Max Scheler không hề là một khám phá mới mẻ, nhưng là phản ứng bình thường của con người. Chẳng hạn: khi người ta ngồi lâu trong một căn phòng khép kín, người ta cảm thấy bầu không khí trong căn phòng vẫn bình thường, chứ không có gì khác lạ cả, trong khi đó một người từ bên ngoài bước vào thì cảm nhận ngay là bầu không khí trong căn phòng khép kín ấy quá ngột ngạt và khó chịu, chứ không trong lành, nhẹ nhàng và dễ thở như bầu không khí ở ngoài trời khoáng đạt. Cũng thế, khi con người triền miên trầm mình trong tội lỗi, thì lương tâm họ đâm ra chai lỳ và thiếu nhạy cảm, khiến họ không còn cảm nhận được sự ghê tởm và nặng nề của tội lỗi nữa. Trong khi đó, những người lương thiện và lành thánh luôn tránh xa mọi tội lỗi và hướng tâm tìm kiếm một cuộc sống trọn lành hoàn hảo, thì lương tâm họ tựa như một cây đàn căng dây, chỉ một hạt bụi nhỏ rớt xuống va chạm vào cũng đủ làm vang lên tiếng ngân, chỉ một lỗi lầm nhỏ mọn cũng đủ làm cho họ ray rứt áy náy. Và đó mới chính là sự thật, chứ kết quả sự trắc nghiệm của Max Scheler về cảm giác vô tội của những kẻ trầm mình sống trong tội lỗi không hề liên quan gì tới bản chất xấu xa và nặng nề của tội lỗi.

Nhưng điểm đáng sợ ở đây không phải là những điều ghê tởm xảy đến – một điều mà trước kia chắc hẳn cũng đã từng xảy ra – nhưng là cách thức những điều ghê tởm ấy xảy ra: chúng không còn xảy ra cách e dè lén lút, nhưng một cách công khai, ngang ngược và vô luân; và nhất là đại đa số con người ngày nay nói chung và rất nhiều các Kitô hữu nói riêng – những người đã bị trào lưu tục hóa quá trớn của xã hội duy vật chất ngày nay chi phối một cách nặng nề – đã đánh mất hết mọi cảm thức về tôn giáo, về Thiên Chúa, về các thực tại siêu nhiên vô hình và về cả cuộc sống vĩnh cửu mai hậu. Vì thế, họ cũng không còn ý thức đầy đủ về tội lỗi nữa, hay ít ra họ đã hiểu và phán đoán một cách lệch lạc về tội lỗi, về những điều đi ngược lại lý trí, đi ngược lại luật luân lý tự nhiên của Tạo Hóa. Và hiệu quả tất yếu của một quan niệm sai lạc như vậy là người ta cảm thấy không cần phải sám hối và hoàn lương, và vì thế họ trở nên xa lạ với Bí tích Hòa Giải và tìm cách loại bỏ tòa giải tội ra khỏi các nhà thờ, và thay vào đó, người ta chỉ truyền bá và thực hành “lễ nghi thống hối”, tức giờ suy niệm chung về tội lỗi, và coi đó như một hình thức “xưng tội chung.” Nhưng trên thực tế, lễ nghi thống hối chỉ là một giờ suy niệm, một sự sửa soạn, giúp chúng ta ý thức đầy đủ và sâu sắc hơn về bản chất tội lỗi trước khi chúng ta bước vào tòa cáo giải để xưng tội và qua đó để lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, chứ tự bản chất của nó, lễ nghi thống hối không phải là Bí tích.

Để sửa sai và vạch trần các trào lưu và quan niệm sai lầm tai hại ấy, Sứ điệp Fatima đã cảnh cáo nhân loại trước các xúc phạm tới Thiên Chúa và kêu mời mọi người hãy sám hối các tội lỗi của mình và trở về cùng Thiên Chúa. Đặc biệt nhất trong lần hiện ra lần cuối cùng vào ngày 13.10.1917, Đức Mẹ đã khẩn thiết nhắc nhủ: “Nhân loại phải cải thiện cuộc sống, phải khẩn cầu ơn tha thứ các tội lỗi họ đã phạm.” Nhất là Đức Mẹ đã nhấn mạnh bằng những lời nghiêm trọng này: “Nhân loại thôi đừng xúc phạm tới Thiên Chúa nữa, vì Người đã bị xúc phạm quá nhiều rồi!”

Những lời cảnh cáo trên đây của Mẹ Thiên Chúa là một sự thật hiển nhiên, hoàn toàn trùng hợp với cuộc sống thực tế sa đọa của xã hội nhân loại ngày nay nói chung và cuộc sống cụ thể của mỗi người nói riêng. Bởi vậy, người ta đừng coi thường những lời cảnh cáo nghiêm trọng ấy, vì viện lý do: đó chỉ là những mặc khải tư. Không, những gì được Đức Mẹ nhắn nhủ qua ba trẻ tại Fatima không gì khác hơn là chính những mặc khải vô cùng quan trọng của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại, tức Người muốn nhân loại phải từ bỏ tội lỗi, cải thiện cuộc sống và hoàn toàn quay trở về cùng Người, hầu họ khỏi bị hư mất đời đời, nhưng là được cứu sống.

Và vì não trạng con người ngày nay coi nhẹ sự tai hại và nguy hiểm của tội lỗi cũng như dễ dàng để mình vướng mắc vào các thứ tội lỗi, nên người ta cũng xa lạ với những ý niệm “đền bù, phạt tạ tội lỗi”, “hy sinh hãm mình” hay “thực hành các việc lành”, v.v…, và coi chúng là những thực hành không những dư thừa vô ích mà còn làm cho con người trở nên hèn yếu, mất tự tín. Phải chăng đây là một sự ngụy biện của những kẻ không muốn hay không đủ can đảm từ bỏ lối sống tội lỗi và cải thiện cuộc sống mình? Và phải chăng sự ngụy biện sai lạc đó là dấu chỉ một đức tin èo uột và đang trên đường phai nhạt dần?

Bởi vì, sự thực hành việc đền bù tội lỗi, sự hy sinh hãm mình và làm các việc lành phúc đức không phải là những phát hiện do trí tưởng tượng của những người đạo đức bày đặt ra, nhưng hoàn toàn bắt nguồn trong Kinh Thánh và đã được chính Mẹ Thiên Chúa khẩn thiết nhắc lại trong các lần Mẹ hiện ra, ở Lộ Đức, ở Fatima cũng như ở các nơi khác trên khắp thế giới. Tuy mới vừa xấp xỉ bảy tuổi, tâm hồn hãy còn hoàn toàn trong trắng, nhưng Gia-xin-ta đã hiểu rõ lời yêu cầu sám hối và hy sinh hãm mình để cầu nguyện cho các kẻ có tội của Mẹ Maria, và để đáp lại lời yêu cầu của Đức Mẹ, em đã can đảm chịu đựng mọi thử thách và nhất là các cơn đau đớn dữ dội do chứng bệnh bất trị của em gây ra. Và đây, những lời vĩnh biệt đầy đơn sơ trong trắng và thánh thiện, nhưng cũng vô cùng cảm động và can trường của Gia-xin-ta khi em đứng bên giường hấp hối của anh trai mình là Phanxicô: “Khi về Thiên đàng anh nhớ chào Chúa Cứu Thế và Đức Mẹ thật nhiều giùm em. Xin anh thưa với các Ngài rằng, vì các kẻ có tội em luôn sẵn sàng chịu đựng tất cả mọi đau khổ như các Ngài muốn, để an ủi Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria.”

Đây quả thực là một sự khôn ngoan và sức mạnh chịu đựng hy sinh phi thường hiếm có nơi một đứa trẻ mới lên bảy, và chỉ với mục đích duy nhất là để làm đẹp lòng Thiên Chúa, an ủi Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria và để cầu nguyện cho các kẻ có tội được ơn ăn năn trở lại! Phải chăng nhân loại nói chung và các Kitô hữu chúng ta nói riêng không khỏi xấu hổ và tự vấn lương tâm mình trước tấm gương đạo đức thánh thiện và đầy quả cảm của Gia-xin-ta, của một em bé mới lên bảy như thế?

Phải chăng không phải là một trách nhiệm nặng nề và bó buộc đối với lương tâm các Kitô hữu chúng ta, nếu một đàng chúng ta biết rằng, nhiều dân tộc và cả thế giới rất có thể sẽ bị tiêu diệt – một điều mà với các thứ vũ khí tối tân ngày nay rất có thể xảy ra – nhưng một đàng khác chúng ta lại cũng biết chắc rằng, chúng ta có thể góp phần vào việc tránh cho các dân tộc ấy và cả thế giới khỏi rơi vào hố diệt vong qua việc siêng năng sốt sắng cầu nguyện, cải thiện cuộc sống và chấp nhận mọi hy sinh trong cuộc sống hằng ngày của mình?

Vâng, một trách nhiệm vô cùng linh thiêng đối với tất cả mọi Kitô hữu chúng ta và đối với mỗi người trong chúng ta là phải thực thi các phương tiện khả thi nhưng đầy hiệu quả ấy, để cứu vãn các dân tộc và cả thế giới khỏi bị tiêu diệt. Vì thế, nếu chúng ta sao nhãng không thực thi các phương tiện khẩn thiết ấy, chắc chắn chúng ta không tránh khỏi trách nhiệm trước sự tiêu diệt của đồng loại. Thái độ khinh suất và sao nhãng việc cầu nguyện, việc cải thiện cuộc sống và ăn năn sám hối cũng như việc đền bù các tội lỗi của mình là một tội ác đối với nhân loại, vì qua đó nhân loại bị hủy hoại và hư mất. Thiên Chúa là Đấng đầy nhân hậu và khoan dung, nhưng nếu con người khinh thường và không cần đến lòng nhân hậu vô biên của Người, thì Thiên Chúa cũng không thể cứu họ khỏi sự tiêu diệt được! Sự cứu sống hay sự hủy hoại của cả nhân loại hoàn toàn tùy thuộc vào sự cộng tác của chúng ta với ơn thánh và lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa.

Lm JB. Nguyễn Hữu Thy

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]