Bài ca Magnificat

Bài ca khiêm nhường hay còn gọi là Bài ca Magnificat

– Linh hồn tôi ngợi khen Chúa (1Sm 2:1),
– Và lòng tôi hớn hở mừng rỡ trong Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi (Is 61:10),
– Vì Chúa đã trông đến sự thấp hèn tôi tá Chúa (1Sm 1:11; Tv 113:7; Xp 3:12), vậy từ nay muôn đời sẽ khen tôi có phước.
– Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại (Tv 71:19; 116:2 tt), và Danh Ngài chí thánh (Tv 111:9).
– Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những người kính sợ Chúa (Xh 20:6; Tv 85:9; 103:17).
– Chúa đã ra tay uy quyền (Tv 98:1; Is 4:10) đánh tan người kiêu ngạo với những ý nghĩ kiêu căng của chúng (G 5:12; Tv 33:10; 138:6).
– Chúa đã hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao và đã nâng người hèn mọn lên (G 5:11; Tv 75:8).
– Chúa đã cho người đói khó no đầy ơn phước (Ed 34:29), và để người giàu có trở về tay không (1Sm 2:5; Tv 34:10 tt; 107:9).
– Chúa đã săn sóc Ít-ra-en đầy tớ Chúa (Is 41:9), bởi nhớ lại lòng thương xót Chúa (Tv 98:3; Gr 31:3,20),
– Như Chúa đã phán hứa với tổ phụ ta, cho Áp-ra-ham và dòng dõi ông đến muôn đời (Ga 13:25; 22:18; Tv 132:11).

Cả bài ca có chín câu được chia làm ba phần rõ rệt. Bốn câu đầu ca tụng Thiên Chúa trong tâm tình mừng vui vì ơn cao trọng Chúa ban. Ba câu giữa cho biết Chúa là Chúa mọi sự, khả năng và ngay cả sự sống đều do Chúa ban. Ai sống kiêu căng sẽ lãnh nhận bài học đau khổ. Người sống khiêm nhường sẽ được Chúa cất nhắc ban thưởng, kẻ kiêu căng sẽ bị tước đi những gì họ có. Hai câu kết nói lên lòng thương xót Chúa và lời hứa trung tín Chúa hứa với tổ phụ chúng ta.

Khiêm nhường và ngợi khen là hai ý chính trong bài ca: ngợi khen, sự thấp hèn, tôi tớ, làm cho tôi, lòng thương xót, bao bọc, người hèn mọn, người đói khó, săn sóc, và lòng thương xót.

Tư tưởng đối nghịch trong bài ca gồm các câu ngợi khen đối với ganh tị. Hớn hở mừng vui với đau buồn, u sầu. Thấp hèn tôi tớ với kiêu căng tự đại. Muôn đời có phước trái với một đời bạc phước. Sự trọng đại đối lại sự thường, Đấng toàn năng chọi kẻ tầm thường, tiểu nhân. Lòng thương xót trái với thiếu xót thương. Bao bọc che chở trái với bỏ liều. Kính sợ Chúa đối với kẻ kiêu ngạo, ý nghĩ kiêu căng nghịch ý khiêm nhường. Quyền hành đối với thứ dân không quyền. Vị cao đối với thấp hèn không địa vị. Người hèn mọn đối với kẻ cầm quyền lãnh đạo. Người đói khó đối với kẻ dư ăn thừa mặc. Đầy ơn phúc đối với bạc phước. Giầu có với kẻ vô gia cư, tay không đối vởi kẻ đầy quyền hành. Lòng thương xót đối với ác đức, hứa với thất hứa. Chúng ta lần lượt đi qua từng câu trong bài ca khiêm nhường nói lên tâm tình của Mẹ Maria khi mẹ cao rao ca tụng Thiên Chúa.

Mở đầu bài ca bằng câu: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa và thần trí tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu chuộc tôi. Chỉ xét riêng câu trên cũng đủ cho thấy tâm tình khiêm nhường của Đức Trinh nữ Maria. Một tâm hồn biết ngợi khen người khác là một tâm hồn khiêm nhường. Người khiêm nhường luôn sống trong hạnh phúc bởi vì họ bằng lòng với những gì họ có, không đòi hỏi, hài lòng với những gì Chúa ban và sống vui với điều đó. Một thần trí nhảy mừng thể hiện một tâm hồn an vui, bình an. Người có nội tâm bình an yêu quý bình an, nhìn thấy giá trị của bình an từ đó ca tụng Đấng ban phát bình an. Mẹ Maria có được tâm hồn ngợi khen, thần trí nhảy mừng vì mẹ sống trong hạnh phúc và ca tụng Thiên Chúa là suối nguồn hạnh phúc. Người khiêm nhường là người biết ngợi khen Chúa, không phải trên môi miệng bề ngoài. Khiêm nhường nơi mẹ phát xuất tự trong tâm trí, sâu thẳm trong tâm hồn. Chính vì thế mà mẹ hát lên câu linh hồn tôi ngợi khen Chúa và thần trí tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa đấng cứu chuộc tôi. Linh hồn ngợi khen và thần trí nhảy mừng diễn tả một tâm hồn tràn đầy nguồn vui, hạnh phúc cao ngất ngây, dạt dào hoan lạc.

Phần hai của câu một. Vì Chúa đã trông đến sự thấp hèn tôi tá Chúa, từ nay muôn đời sẽ khen tôi có phước. Mẹ xác nhận rõ ràng mẹ vui vì không phải do tài sức, công lao của mẹ. Lí do dẫn đến niềm vui sâu thẳm trong tâm hồn và thần trí nhảy mừng vì thứ nhất chính Thiên Chúa đã thương đến phận hèn tôi tớ Chúa. Thứ hai chính Thiên Chúa đã làm cho mẹ những sự trọng đại. Người khiêm nhường biết giới hạn của mình. Không khoe khoang, tự cao, lên mặt khi thành công, khi đạt được những việc trọng đại, trái lại tâm hồn khiêm nhường mang tâm tình tạ ơn. Mẹ Maria đã xác tín điều đó mẹ vui mừng vì Thiên Chúa thương ban và Thiên Chúa làm sự cả thể nơi mẹ. Mẹ không sống theo châm ngôn ‘đẹp tốt khoe ra, xấu xa che lại’.

Mẹ nói lên tâm tình tạ ơn vì sao? Vì Thiên Chúa đoái thương đến sự thấp hèn tôi tá Chúa. Hai chữ thấp hèn cho chúng ta thấy mẹ không tự cao, nhận thiên chức làm mẹ Thiên Chúa là do công sức của mẹ nhưng tự nhận mình là người thấp hèn. Thân phận thấp hèn đã được Chúa nâng lên làm mẹ Thiên Chúa đối lại với câu sau là Chúa ra tay uy quyền đánh tan người kiêu ngạo với những ý nghĩ kiêu căng của chúng và câu kế tiếp là câu Chúa đã hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao và đưa người hèn mọn lên. Sau khi xác nhận thân phận thấp hèn mẹ nói thêm thân phận thấp hèn không phải của người thường nhưng là thân phận của kẻ nhỏ nhất, tầm thường nhất đó là thân phận của một người đầy tớ, kẻ làm tôi.

Mẹ tự nhận thân phận kẻ làm tôi là kẻ không có quyền hành gì với chủ, chủ cho sao được vậy, chủ cho sống thì sống, cho ăn thì ăn, không đòi hỏi. Thân phận khiêm nhường hạ mìn h của một kẻ tôi đòi được Chúa cất nhắc làm mẹ Thiên Chúa. Vì đời sống khiêm nhường thiên hạ khen mẹ là người có phước, không phải một đời mà là muôn đời sẽ khen mẹ là đấng có phước vì mẹ là mẫu mực của ơn khiêm nhường. Môt người nô tì nhờ lòng khiêm nhường được Chúa cất nhắc lên ngai cao.

Chúng ta bước sang câu thứ hai. Vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, Và Danh Người chí thánh.

Nói một lần không đủ Mẹ tái xác nhận thêm một lần nữa trong bài ca khiêm nhường: Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ những sự trọng đại. Mẹ trở nên trọng đại không phải do Mẹ nhưng hoàn tòan do Thiên Chúa. Đấng toàn năng làm mọi sự, Mẹ chỉ nhận ơn Chúa ban với tâm tình tạ ơn, ca ngợi Đấng toàn năng. Muôn đời khen Mẹ có phước không phải do công lao khó nhọc, cũng không phải do tài trí, cũng không phải do sự không ngoan của Mẹ nhưng chính là do Đấng toàn năng ban cho.

Mẹ không tự nhận công lao của mình nhưng nhìn thấy ơn cao trọng có được là do Chúa ban. Để cảm tạ ơn trọng đại, Mẹ ca tụng Thiên Chúa gọi Danh người là Thánh. Ca tụng một người khác là thánh nói lên tâm tình khiêm nhường. Bởi vì Danh người chí thánh nên người ban thưởng cho ai có tâm hồn khiêm cung, khiêm nhường, biết cảm tạ Đấng ban ơn và biết ca tụng Đấng ban ơn. Mẹ đã làm tròn điều đó là ca tụng Thiên Chúa, cảm tạ Thiên Chúa, Mẹ không nhìn vào tài của Mẹ để hãnh diện, khoe khoang, nhưng nhìn vào ơn cao trọng để cảm tạ, để mang ơn. Muôn đời sẽ khen Mẹ có phúc để cùng Mẹ cảm tạ Thiên Chúa. Ơn cao trọng Chúa ban cho nhiều người nhưng Mẹ được ơn cao trọng nhất đó là ơn làm Mẹ Thiên Chúa. Người khiêm nhường được Chúa ban ơn người đó cảm thấy ơn Chúa ban và ơn đó tràn lan đến độ người đương thời cũng nhìn thấy người đó có phúc vì thế Mẹ nói muôn đời sẽ khen tôi có phúc. Ơn phúc Chúa ban cho người khiêm nhường lan tràn, dư đầy đến độ người chung quanh cảm nghiệm được. Chúng ta bước sang câu số ba. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc người kính sợ Chúa. Câu này xác định ơn Chúa ban từ đời nọ đến đời kia, ơn Chúa ban không giới hạn thời gian, Chúa luôn ban ơn cho những tâm hồn khiêm nhường, cho những tâm hồn thiện tâm. Không phải đây là lần duy nhất Chúa ban ơn trọng đại, Chúa ban ơn trọng đại trước đó và sau đó cho những ai kính sợ Chúa vì lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia. Lòng thương xót đến với những ai kính sợ Chúa, hay nói cách khác lòng thương xót Chúa cho những tâm hồn khiêm nhường, không kiêu căng, tự cao, tự đại, nâng mình lên. Chúa ra tay uy quyền phá tan phường kiêu ngạo, diệt tan kẻ kiêu căng. Chúa không phải chỉ ban ơn cho những ai kính sợ Chúa nhưng Chúa còn bao bọc, chở che những ai Chúa ban ơn. Người nhận được lòng thương xót Chúa cũng nhận được ơn che chở, bao bọc. Bao bọc mang ý nghĩa toàn thể con người đó được Chúa che chở, nâng đỡ, và ủi an khi gặp khó khăn, nguy hiểm. Ai có thể làm hại được khi chính Chúa ra tay che chở.

Hai câu kế tiếp 4, 5 đi chung với nhau đó là các câu:

Chúa ra tay uy quyền đánh tan người kiêu ngạo, với những ý nghĩ kiêu căng của chúng.
Chúa đã hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao, và đã nâng người hèn mọn lên.

Kẻ kiêu ngạo thường là người có quyền hay là kẻ thành công. Uy quyền thường hay có tính ngông cuồng, coi trời bằng vung, coi người khác không ra gì, khinh người không lí do chỉ vì tính tự cao, tự đại, chỉ vì thành công đưa đến kiêu ngạo. Một khi kiêu ngạo người đó coi thường người đời, phụ trời và tự tin vào tài sức chính mình. Kẻ kiêu ngạo không bao giờ biết cám ơn trái lại muốn người khác cám ơn họ. Người không biết mang ơn không thể là người tốt, không thể sống khiêm nhường và không yêu người khác vì tự cho mình là hơn nên mọi người đều kém thua và do đó không nghe ai khuyên can, không lắng nghe luôn cho mình đúng, còn thiên hạ tất cả đều sai.

Khi thành công thường cậy mình với những ý nghĩ kiêu căng, tự phụ, cho mình là tài hơn người, biết nhiều hơn người đi đến khinh thường ngay cả anh chị em ruột. Chúa ra tay đánh tan người kiêu ngạo, Chúa còn đánh tan ý nghĩ kiêu căng. Trong nước Thiên Chúa không có kẻ kiêu ngạo, thành công nhiều khi không cần lớn, một chút thành công cũng đủ cho người kiêu ngạo lên mặt, một chút quyền hành cũng đủ lên mặt dậy đời, coi thường người khác, một chút thành công đủ dẫn đến kiêu căng. Mẹ Maria đưa ra cho con cái Mẹ một lời khuyên, một bài học nên tránh để khỏi làm mất lòng Chúa, mọi người xa lánh vì kiêu ngạo luôn luôn dẫn đến khinh người.

Câu 5, 6 giải thích rõ ràng hơn khi nghe nói,

Chúa đã hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao, và đã nâng người hèn mọn lên.
Chúa đã cho người đói khó no đầy ơn phúc, để người giầu có trở về tay không.

Câu này cho thấy Chúa hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao. Chúa hạ xuống, tước bỏ quyền hành người tự cao, người kiêu ngạo. Điều này xác định quyền hành, tài trí, tiền tài, gia sản chúng ta có là do Chúa trao ban. Quyền hành chúng ta có không phải hoàn toàn do tài đức của chúng ta nhưng mà do Chúa ban. Chúa ban cho ta chức vị, tiền tài để phục vụ anh chị em khác ta không làm tròn trách vụ đó ngày kia Chúa sẽ lấy đi, tước đi trao cho người hèn mọn, người khiêm nhường làm công việc phục vụ tốt hơn. Chính vì thế chúng ta thấy có người đang giầu có chỉ một cơn hoạn nạn họ trở về tay không, chức tước có chỉ một thoáng qua họ mất sạch, không còn chút gì ngoài cái vỏ bề ngoài. Ngay cả chính mạng sống ta cũng do Chúa ban cho. Con người không làm gì để được sống muôn đời, dù chức tước, dù tiền tài, tất cả đến rồi đi, tan nhanh như cơn mây trôi dập dềnh trên nền trời bao la, xanh thẳm.

Quyền tối thượng sống còn do Chúa ban. Hãy sống khiêm nhường và làm tròn trách vụ Chúa trao phó trong tay dù trách vụ đó là chức tước hay tài sản, tất cả đều do Chúa trao ban, hãy nhận lấy với tâm tình cảm tạ, biết ơn và ca tụng. Đây chính là điều Mẹ nhắc nhở con cái Mẹ. Ai bảo sống nghèo là khổ. Người sống khổ là người thiếu ơn phúc. Chúa cho người đói khó no đầy ơn phúc. Đây chính là cốt tủy của cuộc sống dương thế. Đói khó đây có thể là đói khó về tiền bạc hoặc tài năng nhưng giầu có ân sủng Chúa. Sống nghèo mà ở trong ân sủng Chúa vui hơn vạn lần giàu sang mà mất bình an. Nhiều người nghèo nhưng không vui vì trong họ luôn thao thức được giầu sang. Niềm mơ ước trái với thực tế họ đang sống. Càng khát khao giầu có họ càng đau khổ vì không chịu nhìn đến thực tế cuộc sống. Là chứng nhân cho Chúa Kitô không cần phải giàu sang, chức tước, chứng nhân sống thật với gì họ có và mang tâm tình cảm tạ tri ân. Sống như thế mới hưởng trọn điều Chúa hứa ban cho người đói khó no đầy ơn phúc. Người giầu có trở về tay không. Người giầu thiếu bình an họ đi tìm bình an nhưng không có, vẫn tay trắng. Giầu có không phải là tội. Chúa muốn con cái Chúa sống giầu sang, nhưng giầu sang cần phải đi đôi với khiêm nhường. Thiếu khiêm nhường sẽ trở thành kẻ nghèo hèn, tay không.

Hai câu kết nhắc đến lời hứa Chúa hứa với tổ phụ chúng ta là Chúa luôn trung thành với lời Giao ước và lòng thương xót Chúa trải dài qua bao thế hệ.

Chúa đã săn sóc Israel đầy tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót Chúa.
Như Chúa đã hứa với với tổ phụ ta cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời.

Lm Vũđình Tường

VietCatholic News

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment