- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Về và đừng phạm nữa

Chúa Nhật V MC năm C

Is 43, 16-21; Pl 3, 8-14l Ga 8, 1-11

Hôm nay, chúng ta được nghe lại đoạn Is 43,15-21. Đoạn sách Isaia này là lời sấm về việc dân Israel sẽ được giải thoát khỏi cảnh lưu đày bên Babylon. Lời lời sấm này được xây dựng dựa trên biến cố Xuất Hành:

“Đây là Lời Đức Chúa,

Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương,

Một lối đi giữa sóng nước oai hùng,

Đấng đã cho xuất trận

Nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng:

Tất cả đã nằm xuống và không còn trỗi dậy,

Đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn” (43,16- 17)

Trung tâm của lịch sử Israel, cũng là tâm điểm niềm tin của Israel chính là biến cố Xuất hành. Thiên Chúa tạo dựng dân Israel qua cuộc Xuất hành,. Nhưng trong lời sấm của tiên tri Isaia, dân Israel được nhắc nhớ: “đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước” vì “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy sao?” (43,17).

Như thế, Xuất hành không chỉ là biến cố của quá khứ mà là biến cố của hôm nay. Với xuất hành, biến cố này trở thành mẫu mực cho hành động của Thiên Chúa trong lịch sử và trong từng giây phút hiện tại. Điều quan trọng không phải là những gì Thiên Chúa đã làm thời Môsê mà là những gì Thiên Chúa làm hôm nay. Vì vậy Isaia khuyến khích ta đọc lại câu chuyện Xuất Hành để áp dụng cho chính hoàn cảnh hiện tại.

Lời Chúa trong Chúa nhật V Mùa Chay chọn lời sấm trên đây của tiên tri Isaia làm bài đọc I và trình thuật về người nữ ngoại tình (Ga 8,1-11) làm bài Tin Mừng.

Với việc kết hợp hai bài đọc hết sức hài hòa này đã cho ta một cái nhìn mới về câu chuyện Tin Mừng. Thiên Chúa là Đấng luôn mở cho con người cánh cửa đi về phía tương lai. Với tình thương bao la đại hải của mình, Thiên Chúa đã mở cánh cửa hi vọng cho dân sau cuộc lưu đày. Và với người phụ nữ ngoại tình hôm nay cũng thế, Ngài cũng mở cánh cửa hi vọng cho chị : “Tôi không lên án chị đâu! Hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

Một khi vợ chồng đã đánh mất lòng chung thuỷ thì không những gia đình ấy bị đổ vỡ, mà còn băng hoại đến toàn xã hội bởi lẽ gia đình chính là nền tảng của xã hội. Chính luật Môsê cũng truyền phải ném đá những người phạm tội ngoại tình. Chính vì thế, các kinh sư và nhóm Pharisêu dẫn người phụ nữ ngoại tình đến xin Chúa Giêsu xét xử là hợp lý. Và, đó cũng là cái bẫy để có bằng chứng để kinh sư và nhóm Pharisêu tố cáo Người mà thôi.

Sẽ lỗi luật Môsê nếu Chúa Giêsu bảo đừng ném đá chị ta. Còn nếu Người truyền phải ném đá thì Người đã làm sai lời dạy của mình là “Các con hãy yêu thương nhau”. Một cái bẫy vừa tinh vi vừa nham hiểm.

Chúa Giêsu cúi xuống vẽ trên đất. Người đang viết tội của họ ra hay Người đang suy nghĩ tìm câu trả lời, điều đó không ai biết nhưng có một điều chắc chắn là họ đang đắc thắng vì dồn được Người vào chân tường, họ sốt ruột nên gặng hỏi mãi. Người đã trả lời một câu như mũi dao xoáy vào tâm can họ, và mũi dao ấy vẫn tiếp tục xoáy vào lương tâm mỗi người chúng ta khi nghe lại lời đó : “Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi” (Ga 8,7).

Quả thật, không một ai dám can đảm ném hòn đá đầu tiên, và cũng chẳng có hòn đá cuối cùng. Có chăng chỉ là những bàn tay cách đây ít phút nắm chặt những viên đá đầy sát khí chuẩn bị tấn công, giờ đây đang nới lỏng các cơ bắp để các viên đá kia lặng lẽ kín đáo rơi nhẹ nhàng trên đất.

Vâng, không ai dám tự hào mình vô tội. Có biết bao tội bất trung bất nghĩa còn xấu xa chẳng kém tội ngoại tình. Có những tội ngoại tình trong ước muốn, trong tư tưởng. Có những tột ngoại tình lén lút chẳng ai hay.

Dường như ngày nay người ta chỉ nhận mình phạm tội khi bị bắt quả tang, còn những tội phạm trong thầm kín thì kể như không có. Vì thế người ta tìm mọi cách để che đậy, dấu diếm những hành vi tội lỗi để không bị bắt quả tang. Và họ cứ an tâm thanh thản trong cuộc sống. Họ hoàn toàn đánh mất cảm thức về tội lỗi.

Có một điều trớ trêu là khi người ta thấy một ai đó bị bắt quả tang phạm tội, họ không ngại ngùng vung hòn đá ra ném vào người đó. Có lẽ là để gián tiếp minh chứng mình vô tội chăng ? Người ta dễ dàng bỏ qua cho mình, nhưng lại không buông tha cho kẻ khác. Tuy nhiên, Đấng duy nhất vô tội lại chẳng lên án tội nhân : “Tôi không lên án chị đâu ? Chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8,11). Thật là an ủi biết bao cho chúng ta, những con người tội lỗi. Chúa không răn đe, không sửa phạt, chỉ an ủi, khích lệ, tin tưởng và hy vọng nơi chúng ta. Người không giết chết, nhưng cứu sống. Người không dung túng cho tội lỗi, nhưng nâng đỡ kẻ có tội. Người ghét tội nhưng lại thương xót tội nhân.

Với một Thiên Chúa giàu lòng thương xót như thế, niềm tin vào Thiên Chúa của hi vọng, Thiên Chúa của tương lai không cho phép ta tuyệt vọng trong bất cứ hoàn cảnh nào, không cho phép ta khoá chặt mình trong những mặc cảm tội lỗi, nhưng luôn mời gọi ta đứng dậy và đi về phía đằng trước.

Với cảm nghiệm về tội lỗi, về yếu đuối, chính thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu sắc chân lý này. Trong thư gửi tín hữu Philip mà chúng ta vừa được nghe : “Tôi chỉ chú ý đến một điều là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thuởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,13-14). Đồng thời, trong mối quan hệ với anh chị em đồng loại, ta được mời gọi học bài học bao dung tha thứ của Chúa qua cách ứng xử này. Với cách ứng xử này. chúng ta không bao giờ khóa chặt anh em mình trong những định kiến về họ hoặc những lỗi lầm của họ. Chúng ta phải mở lòng ra và mở cho họ một cánh cửa đi về phía tương lai. Cuộc sống này thật sự sẽ đẹp biết bao nếu con người biết đối xử với nhau như thế.

Với cuộc xuất hành mới mà tiên tri Isaia loan báo cho dân lưu đày, người Kitô hữu cũng phải nhìn lại, củng phải ý thức về cuộc xuất hành nội tâm của chính mình. Bài học về dân Israel vẫn còn đó. Dân Israel đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập nhưng rồi họ lại tiếp tục rơi vào tình trạng nô lệ khác khi họ rời bỏ Thiên Chúa của giao ước để chạy theo các thần ngoại lai. Vì thế họ cần một cuộc xuất hành mới, ban tặng tự do mới, tự do đích thực. Mỗi Kitô hữu cũng có kinh nghiệm tương tự trong đời sống. Đã được trở nên tạo vật mới trong bí tích Thánh Tẩy nhưng ta lại tiếp tục làm nô lệ cho những đam mê và dục vọng xấu. Vì thế ta cần phải tham dự vào cuộc xuất hành mới được hoàn thành trong Chúa Giêsu chịu đóng đinh, cuộc xuất hành ban tặng cho ta sự tự do nội tâm đích thực. Mùa Chay là thời gian đặc biệt hằng năm để ta ý thức và sống lời mời gọi này.

“Chị về đi, và đừng phạm tội nữa” : Chúa Giêsu không phủ nhận chị này có tội, nhưng Ngài muốn cho chị này một cơ hội để sám hối và làm lại cuộc đời. Chúa Giêsu không muốn chị này chối tội, bàu chữa tại sao chị phạm tội, hay đổ tội cho người khác, những cách làm này quá dễ nhưng không ích lợi gì. Ngài muốn chị can đảm nhìn nhận sự thật, không tuyệt vọng và khuyến khích chị sửa đổi. Đó mới là ơn giải thoát.

Hãy ngắm nhìn một Thiên Chúa giàu lòng thương xót và cũng hãy đứng dậy và đừng phạm tội nữa như lời Chúa mời gọi.

Lm. Anmai, C.Ss.R.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]