- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Trở về nhà Cha

Sự kiện thăng thiên, hay việc Chúa lên trời, đã được Lu-ca ghi nhận ở phần cuối sách Tin Mừng thứ ba cũng như ở đầu sách Công Vụ Tông Đồ, vẫn thường được coi như một biến cố bản lề, nó đánh dấu kết thúc sự hiện diện trần thế của Đức Giê-su và mở ra một hiện diện mới của Người trong tập thể những người tin là Hội Thánh. Đối với các tín hữu thuở ban đầu, biến cố này hình như không mấy quan trọng, hoặc không được quan tâm tới nhiều lắm. Gio-an và Mát-thêu đã không đề cập gì đến nó, Mác-cô cũng chỉ thoáng qua bằng một câu nhẹ nhàng (Mc 16,19). Điều này kể cũng hơi lạ! Căn cứ vào trình thuật của Lu-ca thì biến cố Chúa thăng thiên – lên trời xảy ra công khai, giữa thanh thiên bạch nhật hơn bất cứ một sự kiện nào khác kể từ lúc Đức Giê-su sống lại. Nó xảy ra trước mặt đông đủ các môn đệ, không thiếu một người (không giống như biến cố phục sinh, âm thầm trong đêm tối, chẳng ai có mặt để mà chứng kiến tận mắt), và như thế thường tình một sự kiện như thế phải gây ấn tượng cực mạnh.

Tại sao thế? Trong suy nghĩ của các tín hữu tiên khởi, thăng thiên có thể chỉ là một cách nói, một hình ảnh không mấy quan trọng. Mục tiêu của niềm tin họ không phải là ‘về thiên đàng’ hay ‘lên trời’ (cách nói sau này trở thành phổ biến, và thậm chí còn biến thành mục tiêu chính của việc giữ đạo nữa là đàng khác: ‘giữ đạo để được lên thiên đàng’). Các môn đệ “lòng đầy hân hoan” vì chứng kiến việc Đức Giê-su trở về với Cha, với Thiên Chúa là Cha. ‘Trở về nhà Cha’ đã là đề tài Đức Giê-su đề cập tới rất nhiều lần, và cho biết đó là niềm mong mỏi, khát vọng lớn nhất của Người, đồng thời cũng là niềm hy vọng của mọi kẻ tin vào Người. “Anh em đừng xao xuyến!… Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở;… Thầy đi dọn chỗ cho anh em… Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy; để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (xem Ga 14, 1-4).

Có thể tôi chủ quan chăng… nhưng tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm rất riêng tư đã xảy ra cho chính cá nhân mình cách nay hơn 05 năm, cụ thể là ngày 16/09/2007. Trước lúc tín hiệu điện tâm đồ đứng im một vạch thẳng và phổi ngừng thoi thóp, khi mà các bác sĩ cấp cứu tại bệnh viện tim ở Ulaanbaatar, Mongolia tuyên bố rằng tôi đã chết lâm sàng, trong cái khoảng khắc cuối cùng còn chút ý thức đó, biết giờ chết đã điểm, tôi chỉ kịp phó mình trong cánh tay yêu thương vô biên của Thiên Chúa là Cha. Và thế là tôi có được cái cảm giác trở về nhà Cha, được lòng thương xót hải hà của Cha ôm lấy và đón nhận. Lúc đó tôi không có bất cứ cảm giác sợ hãi phán xét nào, không tiếc muối, không ân hận điều gì… cũng không thấy ánh sáng chói lòa hay bất cứ điều gì khác… Chỉ thật giản dị, buông mình trôi vào lòng Cha nhân ái bao la.

Tôi thiết nghĩ là Đức Giê-su và mọi tín hữu đều trở về Nhà Cha cũng tương tự như thế thôi, vì thiên đàng hay quê trời chẳng qua cũng chỉ đơn thuần là trở về Nhà Cha đầy yêu thương. Nếu vậy, Nhà Cha sẽ đâu phải là một chốn thiên đàng đầy những lạc thú, vinh quang dành riêng cho một thiểu số hiếm hoi những con người đầy công nghiệp đáng được ân thưởng sau một cuộc sống tích cực tu thân tích đức (thứ thiên đàng này người Ấn Giáo và Hồi Giáo rất thích, và được vẽ lên bằng những hình ảnh hết sức cụ thể). Nhà Cha cũng sẽ đâu phải là một nơi gạn đục khơi trong sau một cuộc thanh luyện và chắt lọc khắc nghiệt. Nhà Cha sẽ chỉ đơn thuần là một vòng tay nhân ái ôm lấy tất cả mọi người không trừ một ai. Điều kiện duy nhất để được Cha ôm lấy là dám khiêm tốn rộng mở cõi lòng đón lấy tình thương xót vô biên trong niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Cứu Chúa.

Chính Đức Giê-su đã cho biết Nhà Cha là như thế. Người từng khảng định mình là hiện thân của Chúa Cha: “ai thấy Thầy là thấy Cha”. Người tuyên bố rằng mình đến để thâu nhận mọi người, đặc biệt những người đau yếu và tội lỗi nhất; rằng vương quốc của Cha sẽ đón nhận rất nhiều người, từ đông chí tây, từ bắc chí nam, thuộc mọi hạng người và mọi dân nước; rằng nhà Cha có nhiều chỗ ở do chính Người đích thân dọn sẵn “nếu không Thầy đã nói với anh em rồi”, và rồi chính Người sẽ “lại đến và đem anh em về với Thầy”. Nếu vậy thì làm sao mà không vui mừng và lòng chúng ta không hân hoan cho được, khi cộng đoàn Ki-tô chúng ta mừng biến cố Đức Giê-su thăng thiên, Người về nhà Cha, về với Chúa Cha… đầy yêu thương nhân ái? Thiên đàng chẳng qua là Lòng Nhân Ái thần linh bao la này, nơi chúng ta được tiếp nhận như một ân huệ vô điều kiện; và trong đó tâm hồn chúng ta sẽ tràn ngập niềm tri ân cảm tạ đến muôn đời. Thiên đàng sẽ chính là hồng ân cứu độ sung mãn kéo dài tới muôn đời. Ôi, nếu Thiên Đàng là như thế thật thì Ki-tô hữn chúng ta biết phải dành trọn cuộc sống mình, còn hơn cả trở nên thánh thiện đạo đức, tin vững chắc vào lòng nhân ái của Thiên Chúa, vào ơn cứu độ được trao ban trong Đức Ki-tô Giê-su. Trong niềm tin, ta chắc chắn mình sẽ được nhận vào thiên đàng, vào nhà Cha, không phải vì xứng đáng nhờ những nỗ lực cá nhân, nhưng hoàn toàn vì lượng hải hà vô biên của Thiên Chúa là Cha. Ôi một thiên đàng như thế mới thật là êm dịu siết bao!

Lạy Thầy Giê-su là đường dẫn chúng con tới Chúa Cha, Thầy đã cho con biết chính Thầy đi để dọn chỗ trong nhà Cha cho hết mọi hạng người. Hôm nay mừng lễ Chúa lên trời, chúng con vui sướng chiêm ngắm Thầy về cùng Cha – Đấng giầu lòng thương xót; về với Cha – Đấng hết mực yêu thương Thầy cũng như yêu thương chúng con. Xin cho con hiểu rằng nhà Cha không phải là nơi cao sang đầy ánh sáng, dành riêng cho một số ít được tuyển chọn, vì điều này có thể làm con lo âu ngại ngùng. Cảm tạ Thầy đã cho con biết rõ: nhà Cha đầy ắp yêu thương và nhân ái, luôn rộng mở đón tiếp hết mọi hạng người, cho dầu có bất toàn và tội lỗi tới mấy. Xin cho con biết chiêm ngắm Chúa ‘lên trời’ với lòng hân hoan và hy vọng tràn trề của một tín hữu tin vào tình yêu nhân ái của Thiên Chúa là Cha. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]