Tình Yêu Ba Ngôi

Một em bé trong bệnh viện Milwaukee, bị mù, đần độn, lại còn bị liệt não nữa. Em chỉ khá hơn loài thảo mộc một chút là biết đáp ứng lại âm thanh và sự ve vuốt mà thôi. Cha mẹ em đã bỏ rơi em. Nhưng bệnh viện cũng chả biết xử lý thế nào với trường hợp của em. Thế rồi có một người nhớ đến May Lempke, bà y tá 52 tuổi sống gần đấy. Bà nầy đã từng nuôi nấng năm đứa con của chính mình, nên bà sẽ biết cách chăm sóc cho một đứa trẻ như thế. Họ yêu cầu bà chăm sóc đứa bé và bảo: “Thằng bé có lẽ sẽ chết yểu!” Bà May trả lời: “Nếu tôi chăm sóc đứa bé, nó sẽ không chết yểu đâu, và tôi rất sung sướng được chăm sóc cho nó.”

Thế là bà May đặt tên cho cậu bé là Leslie. Chăm sóc cho cậu bé quả thật không dễ dàng chút nào. Ngày nào bà cũng phải xoa bóp toàn thân đứa bé, bà đã cầu nguyện cho nó, đã khóc vì nó, bà đã đặt đôi tay nó lên những giọt lệ của bà. Một hôm, có người nói với bà: “Tại sao bà không gởi đứa bé ấy vào viện? Nó chỉ làm phí cuộc đời của bà thôi?” Leslie càng lớn thì càng có nhiều vấn đề phải đặt ra cho bà May. Bà phải giữ nó chặt vào một chiếc ghế để nó khỏi bị té xuống. Thời gian trôi qua, năm mười, mười lăm năm. Mãi đến khi Leslie 16 tuổi, bà May mới có thể tập cho nó đứng một mình được. Suốt thời gian đó, bà May vẫn tiếp tục yêu thương và cầu nguyện cho cậu bé. Ngoài ra bà còn kể cho cậu bé nghe những mẩu chuyện về Chúa Giêsu, dù xem ra cậu chẳng nghe được tiếng bà.

Thế rồi một ngày nọ, bà May chợt nhận thấy Leslie dùng ngón tay của mình búng vào một sợi dây căng thẳng trên một gói đồ. Bà tự hỏi; điều ấy có ý nghĩa gì? Biết đâu Leslie lại nhạy cảm với âm nhạc chăng? Và bà May bắt đầu cho Leslie nghe âm nhạc. Bà chơi đủ loại hình âm nhạc, mà bà tưởng tượng ra được với hy vọng có một loại nào đó có thể lôi cuốn cậu bé. Cuối cùng, bà May và chồng mua được một chiếc dương cầm cũ kỹ. Họ đặt nó vào giường ngủ của Lislie. Bà May cầm những ngón tay của Leslie đặt vào tay bà và tập cho cậu bé biết cách nhấn phím xuống, nhưng xem ra cậu ta chả hiểu.

Vào một đêm đông năm 1971, bà May bỗng thức giấc vì nghe có tiếng đờn của ai đó, đang chơi bản hoà tấu số 1 của Tchaikovsky. Bà lay lay chồng đánh thức ông dậy, và hỏi xem ông có quên tắt radio không. Ông ta nói rằng không, nhưng họ quyết định, tốt hơn là nên xem xét lại. Và họ khám phá ra một điều vượt khỏi mọi giấc mơ kỳ quái nhất của họ. Cậu Leslie đang ngồi tại chiếc dương cầm. Cậu đang mỉm cười và chơi đàn một cách ngẫu hứng, không thể nào tin được đây là sự thật! Trước đây Leslie chưa bao giờ bước ra khỏi giường một mình. Trước đây cậu bé chưa bao giờ tự mình ngồi vào chiếc dương cầm được, cậu cũng chưa bao giờ tự dùng tay ấn được vào phím đàn. Thế mà bây giờ đây cậu lại đang chơi đàn tuyệt vời như thế! Bà May vội quì gối xuống và thốt lên: “Lạy Chúa! Con xin cảm tạ Ngài, Ngài đã không bỏ quên Leslie.”

Chẳng bao lâu, Leslie bắt đầu kiếm sống bằng cây dương cầm. Cậu chơi được nhạc cổ điển, nhạc đồng quê miền tây, nhạc trữ tình, nhạc dạo và cả nhạc Rock nữa. Hoàn toàn không thể nào tin nổi. Tất cả những bài nhạc bà May đã từng chơi cho cậu nghe, đều tồn trữ trong óc cậu và giờ đây tuôn trào ra trên phím dương cầm qua đôi tay cậu. Giờ đây ở tuổi 28, Leslie bắt đầu nói chuyện. Tuy không thể nói lâu giờ. Nhưng cậu có thể đặt câu hỏi, trả lời những câu đơn giản và phát biểu được những lời phê bình ngắn gọn. Dạo này, Leslie chơi nhạc hoà tấu cho những ca đoàn nhà thờ, cho các cơ quan dân sự, cho các nạn nhân liệt não và cha mẹ họ, cậu còn xuất hiện cả trên đài truyền hình quốc gia nữa!

Các bác sĩ mô tả Leslie như là một người thông thái bị mắc một loại tâm bệnh, nghĩa là một người chậm phát triển về trí tuệ do tổn thất nơi não nhưng lại cực kỳ tài năng. Họ không thể cắt nghĩa được hiện tượng dị thường này cho dù họ biết về nó gần 200 năm rồi. Bà May Lempke cũng không thể cắt nghĩa được điều ấy nhưng bà biết chắc rằng nhờ tình yêu mà tài năng ấy được khai mở. (Lm Mark Link, Phép Lạ của Tình Yêu)

Thiên Chúa đã ân cần đáp lại tình yêu và lời cầu nguyện của bà May Lempke, khiến cho chàng trại tật nguyền tái sinh, thoát khỏi chứng liệt não, có thể tự chăm sóc và mưu sinh. Thiên Chúa là tình yêu, (1Ga 4, 8) như thánh sử Gioan khẳng định. Ngài luôn yêu thương tất cả tạo vật, nhất là con người. Mặc dù con người vô tình hay tệ bạc, Ngài vẫn không ngừng thương yêu.

Trong Tin Mừng thánh Gioan Chúa nhật hôm nay, Đức Giêsu mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho các môn đệ. “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được.” Tuy nhiên Người không hề giải thích cho các môn đệ, mà trao phó cho Đức Chúa Thánh Thần soi sáng sau này, sẽ dạy biết tất cả sự thật. Qua Tin Mừng, Thiên Chúa Ba Ngôi là gương mẫu tuyệt đỉnh của tình yêu trao ban, dâng hiến, tình yêu hiệp nhất và tình yêu thánh hoá cho các gia đình, công đoàn, giáo xứ và Giáo hội.

Tình Yêu trao ban

Với tình yêu tác tạo, Thiên Chúa dựng nên vũ trụ, vạn vật và con người. Ngài yêu thương trao ban Thần Khí cho con người có sự sống. Tiếc thay, Ađam và Evà kiêu căng phạm tội, đã làm mất lòng Chúa.“Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.” ( 1Ga 4, 9) Với Lòng Thương Xót vô bờ, Thiên Chúa đã cứu độ loài người, bằng cách trao ban thế gian chính Người Con duy nhất. Rồi Đức Giêsu lại tiếp tục yêu thương con người, trao ban chính mạng sống mình, để cho nhân loại được sống dồi dào.

Khi Đức Giêsu chịu phép rửa của ông Gioan, vừa lên khỏi nước thì “Các tầng trời mở ra… Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 16-17) Đây là hình ảnh tượng trưng cho Ba Ngôi Thiên Chúa, khắng khít tràn đầy yêu thương. Vâng theo Thánh Ý Chúa Cha, nhập thể làm người, Đức Giêsu tiếp tục khiêm hạ mặc lấy thân phận phàm nhân tội lỗi, để sám hối và xin thứ tha. Người làm đẹp lòng Chúa Cha, cũng như được trao phó mọi sự: “Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. (Ga 3, 35)

Tình yêu hiệp nhất

Tình yêu luôn đòi hỏi thể hiện sự gần gũi, kết nối, hội nhập, hiệp nhất với nhau, không còn xa cách, dị biệt hay bất hoà. “Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10, 30) Tình yêu càng thắm thiết, càng đồng tâm, đồng nhất với nhau qua bản thể, tâm tình, suy tư, ý nghĩ. Qua cả hành động và ứng xử: “Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin vào các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” (Ga 10, 38)

Tuy mỗi người có bản sắc riêng, có năng lực và khuynh hướng riêng, nhưng tình yêu đoàn kết tín hữu Kitô vào một Giáo Hội, hiệp nhất niềm tin vào Thiên Chúa, nhất là hội nhập vào chính Đức Giêsu, như được tháp vào chung một cây nho. “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thểtự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.” (Ga 15, 4)

Tình yêu hiệp nhất ảnh hưởng lẫn nhau, dưỡng nuôi và tương tác sinh lợi. “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.” (Ga 15, 7)

Tình yêu thánh hoá

Với tình yêu thánh hoá, Đức Chúa Thánh Thần ngự xuống, canh tân, đổi mới, khai hoá và thánh hoá những tâm hồn đói khát công chính, thành tâm theo Chúa, dấn thân yêu thương và phục vụ tha nhân. “Khi Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 26)

“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”(Mt 5, 48) Với sự trợ giúp thân thương của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu luôn mong các môn đệ, những người tin theo Chúa, những Kitô hữu trở nên tốt lành, yêu thương tha nhân, “những người được Thần Khí thánh hoá, để vâng phục Đức Giêsu Ki tô và được máu Người tưới rảy.” (1Pr 2).

Tràn đầy tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, người tín hữu Kitô luôn được bình an trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tình huống thuận lợi hay khó khăn, tự do hay chịu bách hại, luôn được hoan hỉ và hy vọng, bởi vì Vương quốc Tình Yêu đang rộng tay chờ đón.

“Con hãy về tận nguồn là Thiên Chúa, để canh tân. Thánh Kinh nói về Thiên Chúa làm sao? Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu.” Chúa Giêsu nói: “Thày và Cha Thày là một”.

Cha muốn canh tân như ý Chúa: “Các con hãy yêu thương nhau”. “Xin Cha cho chúng nên một.” Yêu thương và hiệp nhất.” (Đường Hy Vọng, số 639)

Lạy Chúa Giêsu chí nhân chí ái, xin ban chúng con Đức Chúa Thánh Thần đến canh tân, dạy dỗ, uấn nắn chúng con biết yêu thương nhau, cũng như thánh hoá chúng con. Đức Thánh Cha Biển Đức đã khuyên nhủ: “Trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô đó là mục đích cuộc sống của mọi tín hữu kitô trong ngàn năm thứ ba.” Xin Chúa thương ban cho chúng con ngày càng giống Chúa hơn.

Kính xin Mẹ Maria cầu bầu chúng con sống theo Mẹ. Luôn biết dâng hiến cuộc đời cho Chúa và tha nhân. Luôn hiệp nhất với Đức Giêsu Kitô. Luôn trông cậy Đức Chúa Thánh Thần canh tân và thánh hoá chúng con. Amen.

AM. Trần Bình An

Chia sẻ Bài này:

Related posts