Lòng mến Thiên Chúa

Vâng, Thiên Chúa yêu thương con người cách nhưng không, đó là điều kiện duy nhất và tiên quyết. Ngoài ra, Thiên Chúa không mắc nợ ai cả, vì Thiên Chúa là Thiên Chúa.

Từ đó, con người luôn “mắc nợ” ân tình của Thiên Chúa. Nên chi, Thiên Chúa chỉ có tình yêu, vì dù tin hay không, thì Thiên Chúa vẫn yêu thương con người vô điều kiện. Con người có biết cậy dựa vào Thiên Chúa hay không thì Thiên Chúa vẫn yêu thương họ. Vì, Thiên Chúa vốn dĩ là nguồn cội của sự yêu thương, vì , Ngài sáng tạo con người cách lạ lùng và cứu chuộc còn lạ lùng hơn nữa.

Vâng, thưa quý vị, thưa các bạn, chủ đề Tin Mừng ( Lc 4 , 21 -30) Chúa Nhật IV TN hôm nay có hai khía cạnh để chia sẻ. Một là: LÒNG MẾN THIÊN CHÚA . Hai là : VAI TRÒ NGÔN SỨ CỦA THIÊN CHÚA.

Vâng , vai trò hay sứ mạng NGÔN SỨ là một chương trình đau khổ , một thử thách cam go, chứ không phải chuyện đơn giản. Vì , Thiên Chúa muốn yêu thương ai, muốn đặt để ai, thì người ấy hầu như luôn gặp trở ngại về phía cộng đồng, đồng hương, đồng bào người đó.

Diễn biến Tin Mừng ( Lc 4, 21 -30) hôm nay, tiếp dẫn tuần trước, Sau khi Chúa Giêsu  đọc đoạn Kinh Thánh và giảng giải, thì mọi người đều thán phục, nhưng tỏ thái độ khinh khi, xét nét. Họ soi bói “gia cảnh” của Người, sự xuất thân của Người. Nhưng, thực tế Lời giảng giải của Người thật là chân lý, mang lại cho họ sự hạnh phúc đích thật, sự bình an vô biên. Đó là “ Tin Mừng”, là Lời Hằng Sống, nhưng, họ lại có thái độ thiếu tôn trọng, quá khích, không có thiện chí đón nhận sự thật. Điều mà Thiên Chúa muốn, đó là “ LÒNG MẾN “. Mà “lòng mến” theo thánh Phaolô tại bài đọc II ( 1 Cr 13, 4 -13) đã xác tín cách tuyệt vời là  sự khiêm nhu, ôn hòa, tha thứ, vì có giá trị trổi vượt trên cả ba nhân đức đối Thần, là tin , cậy , mến.

Vì không ai có lòng mến mà lại không tin, cũng vậy, không ai có lòng tin mà lại không có lòng trông cậy, cũng như không ai có lòng tin, cậy mà lại thù ghét được.

Khi có lòng mến yêu, tự nhiên biết tôn trọng tha nhân. Từ khởi sự, Thiên Chúa đã yêu thương con người cách tự nguyện, Thiên Chúa chọn ai là vì “lòng mến “ chứ không vì “ lòng tin “.

Khởi đi, từ bài đọc I ( Gr 1, 4-5; 17 -19) hôm nay, cho thấy, Thiên Chúa chọn Giê-rê-mia làm ngôn sứ cho Ngài, là Thiên Chúa chọn từ trong lòng mẹ. Và Ngài dẫn đắt cho đến tận cùng, chứ không bỏ rơi. Mặc nhiên tiên tri Giê-rê-mia là hình ảnh của Đấng Cứu Thế.

Vai trò, sứ mạng ngôn sứ là một sự cam go, một sự  hy sinh tràn đầy, thời nào cũng vậy, tiếng nói ngôn sứ là tiếng nói của Thiên Chúa , mặc nhiên trần gian phản kháng và chối từ, vì vậy, sự đau khổ rất lớn lao.Bởi vì, nó hoàn toàn không thuộc tiếng nói trần gian, nên trần gian không đón nhận.

Lòng mến là một sự đón nhận bởi một sự trao ban từ Thiên Chúa, suy ra đức tin, đức cậy là hệ quả của đức mến. Như chúng at biết, Đức Tin là sự mặc khải( sự trao ban ) từ Thiên Chúa và sự đáp trả từ con người. Đức Cậy là hành trình bởi Đức Tin và Đức Mến. Vì vậy, Đức Mến lớn hơn tất cả.

Chúng ta thấy hai nhân vật được cứu trong Thánh Kinh mà Chúa Giêsu đã trích dẫn, là những người có lòng mến và biết đặt lòng mến lên trên tất cả đối với người của Thiên Chúa sai đến.

Vâng, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến vì lòng mến phàm nhân, chứ không phải vì “tin “ phàm nhân. Bởi vì, thụ tạo, không thể làm cho Đấng Tạo Thành có thể tin mình, đó là điều không thể.

Ngày nay, tiếng nói “Ngôn Sứ” là tiếng nói của “con tim”, tiếng nói của Giáo Hội, tiếng nói của Giáo Hoàng, của linh mục, tu sĩ và giáo dân, phải xuất phát từ con tim.

Các vị ngôn sứ thời nay như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Gioan XXIII, Chân phước Mẹ Teresa Calcutta. v. vv… Là những vị ngôn sứ của con tim. Và từng giây, từng phút , Thiên Chúa vẫn gởi những ngôn sứ của Ngài đến trần gian để mặc cho trần gian chiếc áo của “con tim “.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để chu toàn sứ mạng “Con Tim “ bởi Thiên Chúa. Xin cho con người mọi thời biết dùng khối óc nhỏ bé, thấp hèn nhận ra chân lý cao cả là “Tình Chúa” mà tôn thờ, hầu mọi thứ rồi sẽ qua đi, nhưng tình yêu là vĩnh cửu, vì nơi đó có Thiên Chúa ngự trị./. Amen

 

Xin cầu cho LH Giuse Trần Đình Thẩm

31/01/2016

P.Trần Đình Phan Tiến

Chia sẻ Bài này:

Related posts