- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Hãy làm hoà với Thiên Chúa

Ngày 2-5-1999, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) nâng Cha Pio da Pietrelcina (1887-1968) lên hàng chân phước. 3 năm sau, ngày 16-6-2002 ngài lại nâng Cha lên hàng hiển thánh.

Hôm ấy, một vị đại ân nhân người Mỹ, thường quảng đại đóng góp cho các công tác bác ái của Cha thánh Pio, từ Hoa Kỳ đích thân đến San Giovanni Rotondo. Tạm gọi là ông Thomas. Ông Thomas vui mừng đến gặp Cha Pio. Nhưng ông vô cùng bỡ ngỡ khi Cha Pio vừa đuổi vừa nói: “Hãy đi đi .. tôi không biết ông là ai!”Ông Thomas tức-tưởi khi thấy Cha Pio đối xử tàn-tệ như vậy!

Từ San Giovanni Rotondo ông xuống San Severo nơi có Cha Bề Trên Giám Tỉnh Alberto D’Apolito. Ông xin Cha Alberto tháp tùng mình đến gặp Cha Pio. Ông tự nhủ: “ Đi bên cạnh Cha Giám Tỉnh, hẳn Cha Pio sẽ nhận ra và tiếp rước mình đàng hoàng hơn!” Riêng về phần Cha Alberto sau khi nghe kể sự việc, Cha thầm nghĩ: “Nếu Cha Pio cư xử như thế, hẳn phải có một lý do chính đáng trầm trọng nào đó!”Cha dò hỏi, thì quả thật, ông Thomas đang phản bội vợ và ”mèo-mỡ” với một cô tình nhân. Cha Alberto liền đề phòng trước với ông Thomas: “Biết đâu giờ đây thấy mặt chúng ta, Cha Pio lại đuổi luôn cả hai!”

Và sự thật đã xảy ra như thế. Vừa trông thấy ông Thomas được Cha Giám Tỉnh đưa tới, Cha Pio nói ngay: “Con đi tìm luật sư biện hộ. Vậy thì hãy đi luôn cả hai!”Dĩ nhiên cả hai phải rút lui! Vì biết ông Thomas có ý định đi hành hương Assisi và Padova, Cha D’Apolito liền khuyên ông lợi dụng dịp này để xưng tội nơi một trong hai đền thánh ấy. Ông Thomas mau mắn nghe lời. Trước khi trở về Hoa Kỳ, ông Thomas ước ao trở lại San Giovanni Rotondo để gặp mặt Cha thánh Pio. Lần này ông cũng xin Cha Bề Trên Giám Tỉnh đưa mình đến gặp Cha Pio.

Vừa thấy mặt ông Thomas, Cha thánh Pio vui vẻ chào hỏi, như không hề có chuyện gì xảy ra trước đó. Cha ân cần cám ơn ông Thomas, luôn quảng đại đóng góp cho các công tác bác ái. Cha thăm hỏi rồi ôm hôn và chúc lành. Trước khi từ biệt, Cha thánh Pio dặn dò: “Giờ đây trở lại Hoa Kỳ, con nhớ sống đời Kitô hữu lành thánh. Con có hiểu không?” Ông Thomas thề hứa và xin Cha Pio an tâm. Thế nhưng khi trở lại Hoa Kỳ, ông lại yếu đuối rơi vào vòng tay cô nhân tình cũ.

Một năm trôi qua, ông ao ước trở lại San Giovanni Rotondo để thăm Cha Pio. Lần này, ông cẩn thận nhờ Cha Giám Tỉnh xin hẹn với Cha Pio trước. Cha Pio trả lời ngay: “Không! Không được đến!”

Bẵng đi một thời gian, ông Thomas quyết định dứt khoát một lần cho xong. Ông từ bỏ cô nhân tình, xin lỗi vợ hiền và quay trở về với gia đình con cái. Sau khi sắp xếp mọi chuyện ổn thỏa, ông lại nhờ Cha Giám Tỉnh, hỏi ý Cha Pio xem ông có thể đến gặp ngài không. Lần này, Cha thánh Pio trả lời ngay: “Được! Được! Hãy đến ngay!” Ông Thomas vội vã đến San Giovanni Rotondo. Ông đến thật đúng lúc, vì chẳng bao lâu sau đó, khi trở về Hoa Kỳ, ông Thomas lâm trọng bệnh và qua đời, sau khi đã giao hòa với THIÊN CHÚA, với Giáo Hội và với vợ con. (Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, Thúc giục tội nhân hoán cải, Grande Opera Mariana”, n.2, Maggio-Giugno/2001, trang 44)

Hành trình hoà giải của ông Thomas với Thiên Chúa tuy thật gian nan, vất vả, nhưng là lời mời gọi quý giá thật hợp thời, thật chân thành và thật tha thiết dành cho tất cả những Kitô hữu nào biết thức tỉnh, sám hối, sẵn sàng dọn lòng bước vào Mùa Chay Thánh.

Trong Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro hôm nay, Đức Giêsu ân cần mời gọi tín hữu hãy chân thành sám hối, âm thầm cầu nguyện, kín đáo chay tịnh và lặng lẽ làm phúc, cũng như sống tâm tình người con hoang đàng, biết sám hối quay về với Người Cha Nhân Lành. Nhân tiện, Đức Giêsu phản bác mạnh mẽ thói giả hình trong việc đạo đức.

Âm thầm Công đức

Làm phúc chưa hẳn là công đức, như làm từ thiện, giúp người khó nghèo, cô nhi, quả phụ, cứu trợ nạn nhân, dâng cúng nhà thờ, xây nhà tình thương, mà thiếu thiện tâm, thì chỉ là những việc cầu phúc vị kỷ mà thôi. Nếu không khiêm nhường, không ngay thẳng, chánh trực khi làm phúc, mà chỉ nhằm háo danh, phô trương, khoe khoang, kiêu căng, thì họ đã được thưởng công rồi.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, dày đặc các trang mạng xã hội như: Facebook, Tencent, Google, Twitter, Skype, Yahoo,…,thì cái bả danh vọng càng được cơ hội bộc phát. Bất kể chuyện chi lớn bé, riêng tư cũng trơ trẽn đem khoe với thiên hạ. Vì vậy, Đức Giêsu cảnh báo đừng chạy theo thói đời, ganh đua, mạ bóng tên tuổi, nhất là chớ tà tâm khi làm việc phúc: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời.

“Người khiêm nhường như hạ mình sát đất, không còn ngã xuống đâu nữa. Người kiêu ngạo như leo trên tháp cao, rất dễ nhào và ngã nặng khủng khiếp!” (Đườmg Hy Vọng, số 517)

Lặng lẽ Cầu nguyện

“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy.” Cầu nguyện mà nặng phần trình diễn, đóng kịch như người Pharisiêu là chỉ cốt yếu mong sao làm sáng danh bản thân, chẳng phải là biết ơn, tạ ơn, ca ngợi, tán dương, chúc tụng Thiên Chúa. “Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi.”

Cầu nguyện là cách biểu lộ tình yêu. Biểu lộ tình yêu đối với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần để chúng ta được sống đời đời với các Ngài. Như thế cầu nguyện có thể có nhiều mục đích. Nhưng lý do chính cầu nguyện là để yêu mến. Cầu nguyện là một hành vi yêu mến để liên kết chúng ta gần gũi hơn với Chúa là tình yêu. (Mark Link,S.J.The Catholic Vision IV – 27)

Đồng thời, “cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện, con kết hợp, nối liền với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện.” (Đường Hy Vọng, số 120)

Kín đáo Chay tịnh

Đức Giêsu tiếp tục tấn công thói gian xảo, giả hình ăn chay, hòng che đậy tâm hồn ôi ác, lấm lem, đen tối. “Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta.” Thay vì trở nên ơn ích, thì thói giả hình này lại còn gây thêm chất chồng tội lỗi cho người vấp phạm.

Đức Giêsu đã từng chay tịnh để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa, hoặc chuẩn bị thực hiện công trình cao cả với Thiên Chúa. Như ông Môsê và ông Êlia, Chúa Giêsu đã chay tịnh 40 đêm ngày trong sa mạc (Mc 4, 1; Xh 24, 18; 34, 28; 1V 19, 8), trước khi công bố Luật mới trong bài giảng trên núi. Tuy nhiên Chúa Giêsu cho thấy rằng chay tịnh tự nó chỉ có giá trị tương đối với các môn đệ, những người được mời tham dự bữa tiệc của Đấng Thiên Sai, thì chay tịnh nói lên thái độ sốt sắng đợi chờ Tân lang, tức là Đức Kitô (Mt 9, 14-15).

Chay tịnh của Hội Thánh vào ngày thứ Tư lễ Tro và ngày thứ Sáu Tuần Thánh nói lên ý muốn đền tội và từ bỏ tội lỗi, đó cũng là một sự chuẩn bị đón mừng lễ Phục Sinh. Chay tịnh Thánh Thể được giới hạn một giờ trước khi rước lễ – 15 phút đối với các bệnh nhân – chủ yếu đây là một cử chỉ tôn kính, là sự chuẩn bị đón nhận chính Chúa Kitô trong bí tích, làm hiện thực công trình yêu thương tuyệt diệu của Chúa. (truyenthongconggiao.org)

“Đừng hy sinh kiểu Biệt Phái, hãy hy sinh theo Phúc Âm.”(Đường Hy Vọng, số 154)

Lạy Chúa Giêsu, xin luôn thức tỉnh chúng con, đừng dại dột háo danh, mà vướng vào thói giả hình làm phúc, giả vờ cầu nguyện hay giả dối chay tịnh, càng thêm mất lòng Chúa. Vậy bước vào Mùa Chay Thánh, kính xin Chúa ban phúc lành cho chúng con biết thật tình ăn năn sám hối, để được Chúa thứ tha.

Lạy Mẹ Maria, khấn xin Mẹ cầu bầu cho chúng con canh tân, đổi mới tâm hồn, siêng năng làm việc phúc, chân tình cầu nguyện và âm thầm chay tịnh, để xứng đáng hưởng Lòng Thương Xót vào Mùa Chay Thánh này. Amen.

AM. Trần Bình An

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]