- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Hai mặt của một cơn cám dỗ

Đức Hồng Y Phanxicô Xavie có kể lại một câu chuyện về mẹ của ngài trong một diễn văn nhân lễ mở tay mừng tân chức như sau: “Cách đây khá lâu có hai linh mục đến thăm mẹ già của tôi tại Úc châu và hỏi bà: “Bà cố có muốn Đức Cha Thuận làm hồng y không?” Bà cụ (nay đã 98 tuổi) trả lời: “Không! Tôi dâng con tôi cho Chúa là để tế lễ Người, như thế là đủ! Tôi chẳng cần con tôi làm hồng y đâu” – “Nhưng lên hồng y sẽ làm vinh danh Chúa hơn!” – “Thế hai cha không làm vinh danh Chúa à?” · Mới đây, sau khi Đức Cha Thuận được tấn phong hồng y thực thụ, một trong hai linh mục hôm nọ cùng một vị khác lại gặp bà cụ và hỏi: “Nay Đức Cha Thuận đã lên hồng y rồi, bà cố có vui không?” – “Dạ vui chớ!” – “Sao hôm nọ, bà cố đã trả lời là không muốn con bà làm hồng y!” – “Nay tôi vui vì đó là ơn Chúa cho. Có chức quyền to ở trần đời dễ làm bậy lắm! Còn chức quyền to trong Giáo Hội thì phải lo mà chu toàn theo ý Chúa” – “Vậy bây giờ Đức Cha đã lên hồng y, bà cố cầu nguyện gì cho đức Hồng y?” – “Tôi chỉ cầu nguyện cho con tôi sống đẹp lòng Chúa!” – “Thế thôi à?” – “Vâng, sống đẹp lòng Chúa, đó là điều duy nhất tôi luôn cầu nguyện cho con tôi!”.

1. Tin vào Thiên Chúa, bản chất cuộc sống kitô hữu.

Cám dỗ lạm dụng chức quyền được ban và cám dỗ muốn làm theo ý riêng mình hơn làm đẹp lòng Thiên Chúa, đó cũng là điều Đức Giêsu trải qua trong bài Tin Mừng mở đầu Mùa Chay hôm nay.

Tự bản chất, Mùa Chay này giống như hoang địa làm nên hậu cảnh cho trình thuật Tin Mừng về việc Đức Giêsu bị cám dỗ. Y như hoang địa giản lược con người vào những gì chủ yếu, bóc trần nó khỏi những gì bên ngoài, dư thừa, phù vân và phóng đẩy nó đến một ít điều căn bản (thức ăn, nước uống, con đường đúng, một chỗ che nắng mặt trời), thì Mùa Chay cũng muốn đưa chúng ta về lại bản chất của cuộc sống kitô hữu. Và hôm nay nó làm điều đó với ba đoạn Thánh Kinh được liên kết với nhau bởi một chủ đề căn bản, chủ đề tuyên xưng đức tin, một đức tin theo đúng nghĩa Kinh Thánh (Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13)

Trong ba cuộc tuyên tín này (một của tuyển dân, một của thánh Phaolô, một của Đức Giêsu), đáng kể hơn hết là lời tuyên xưng của Đức Giêsu qua trình thuật cám dỗ: tuyên xưng lòng tín thác đối với Chúa Cha và đối với chương trình cứu rỗi của Người. Được cách điệu hóa trong ba cảnh, trình thuật có một sự đảo lộn lý thú giữa cảnh hai và cảnh ba so với bản song song của Mátthêu: đối với Luca, chóp đỉnh của cuộc cám dỗ không phải là “ngọn núi rất cao” như đối với Mátthêu song là Giêrusalem, thành phố mà tất cả Tin Mừng Luca hướng về. Thật thế, người ta biết rằng tác phẩm của Luca mở ra và đóng lại ở Đền thờ núi Sion và trung tâm của tác phẩm (các chương 9-19) chính là cuộc hành trình dài của Đức Kitô tiến đến định mệnh của mình sẽ được hoàn tất ở Thành thánh. Do đó chính Giêrusalem, đỉnh cao cuộc sống Đức Kitô, cũng là đỉnh cao cơn cám dỗ và lời tuyên xưng lòng tín thác của Người.

Thật thế, ở đó hoàn tất cơn thử thách cao nhất về tính chất Mêsia của Đức Giêsu: Người sẽ phải quyết định chọn định mệnh cuối cùng của mình, một định mệnh cứu rỗi không đạt tới bằng toàn thắng vinh quang nhưng qua nghèo khổ tột cùng của thập giá. Nếu chìu theo cám dỗ này, Đức Giêsu sẽ từ khước lòng tín thác hoàn hảo của mình vào Chúa Cha và chúng ta sẽ mất niềm tin vào một vị Cứu Thế đích thực. Nhưng trên thượng đỉnh Đền thờ, Đức Giêsu đã công bố tiếng “vâng”quyết định đối với Cha, và nhờ đó, đã trở nên biểu tượng sáng ngời của đức tin như Kinh Thánh nói, nghĩa là của việc gắn bó hoàn toàn và trọn vẹn vào Thiên Chúa và vào chương trình Người đã vạch trong lịch sử.

Lòng tin đó, Đức Giêsu đã mạnh mẽ công bố trước Tên cám dỗ số một, Satan, kẻ luôn tìm cách làm lung lay lòng tín thác của Người vào Cha Người và kéo Người đi xa con đường của Cha Người. Bám vào lời Chúa, Đức Giêsu đã xây dựng một kinh Tin kính mà đỉnh cao nằm trong câu đốp lại cơn cám dỗ thứ hai: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Mà đó là lặp lại giới răn thứ nhất, nền tảng và là nguồn suối của tất cả Thập điều cũng như của toàn bộ đức tin Kinh Thánh: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta… Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ…” (Xh 20,3.5).

Chống lại tất cả những ngụy tạo về khuôn mặt Thiên Chúa mà con người qua các thế kỷ đã tưởng tượng ra theo nhu cầu sử dụng và tiêu thụ của mình, chống lại biếm họa về Thiên Chúa mà Satan cố gắng gợi lên cho Đức Giêsu, chống lại chính Satan, bóng tối của Thiên Chúa đích thực, Đức Giêsu xác quyết lại nhu cầu phải thờ phượng một mình Thiên Chúa cứu độ và hằng sống, Tạo Hóa và Chủ Tể. Trên đồng đôla của Mỹ luôn có câu “In God we trust” (Chúng tôi tin vào Thiên Chúa), nhưng thực tế dân Mỹ có lẽ tin vào đồng đôla hơn!

2. Sống theo ý Thiên Chúa, con đường của kitô hữu

Tuy nhiên, việc xác quyết niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa cũng có thể biến chứng thành một thái độ lầm lạc: muốn tìm nơi Thiên Chúa nhiều quyền lực ma thuật để tránh né các khó khăn.

Thông thường, từ “cám dỗ” thường gợi lên cho chúng ta nhiều cuộc chiến đấu cục bộ, đặc biệt những cuộc chiến đấu thuộc loại tính dục. Nhưng ở đây, hoang địa, cái đói, việc hồi tâm mãnh liệt của Đức Giêsu lúc bắt đầu sứ vụ, nói lên cho chúng ta thấy đó là một cuộc chiến đấu mang tính tổng quát hơn nhiều, một cơn “cám dỗ vĩ đại”: muốn tìm nơi TC nhiều quyền lực ma thuật để tránh né các khó khăn trong đời.

Trong cuộc chay tịnh 40 ngày của mình nơi hoang địa -một cuộc tĩnh tâm kinh khủng – Đức Giêsu đã lường được tính đồ sộ của những gì Người sắp khởi công: thay đổi các ý tưởng về Thiên Chúa, nói ngược các “nhà thông thái khôn ngoan”, chống lại các kẻ cường quyền, đề ra một sự công chính và một tình yêu vượt rất xa những gì Biệt phái dạy.

Và này tên cám dỗ của cơn cám dỗ vĩ đại xuất hiện: “Nếu thực là Con Thiên Chúa, thì ông có biết bao quyền lực trong tay! Ông sẽ chinh phục được cả hoàn vũ”. Với sức mạnh rất trầm tĩnh, bộc lộ cho thấy có Thánh Thần (Luca nhấn mạnh: “Người được đầy Thánh Thần… Người được Thánh Thần dẫn đi”), Đức Giêsu từ khước đóng vai thuật sĩ. Mầu nhiệm Nhập thể chính là Thiên Chúa đi vào thân phận con người mà không gì bảo vệ cũng chẳng quyền năng đặc biệt. Một siêu nhân khó mà bảo chúng ta: “Hãy theo Thầy, hãy học cùng Thầy”.

Phần chúng ta, muốn theo Người, phải chăng chúng ta sẽ xin nhiều điều dễ dãi và nhiều quyền năng ma thuật? Hẳn bạn nói: “Tôi đâu có xin!” Nhưng bạn đã chẳng bao giờ thưa sao: “Lạy Chúa, xin làm cho cuộc sống con nên dễ dãi”? – “Chính Đức Giêsu kêu mời chúng ta xin tất cả: cơm bánh, ơn tha thứ, một sự giúp đỡ. Phụng vụ Giờ kinh bắt đầu bằng câu: “Lạy Chúa trời, xin tới giúp con” mà!”

Có một lời kêu xin giúp đỡ đúng và một lời kêu xin giúp đỡ bậy. Hãy nghe rõ câu đáp cuối cùng của Đức Giêsu: “Đã có lời rằng ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. “Thử thách Thiên Chúa”, đó là chờ đợi nơi Người nhiều cái sẽ làm sai lệch tất cả: sai lệch về Người, về chúng ta và về cuộc sống Người ban cho ta.

Chúng ta muốn một cuộc sống đỡ vất vả hơn, đỡ âu lo hơn, đầy hạnh phúc và niềm vui hơn. Và chúng ta bị cám dỗ xin những cái ấy nơi tôn giáo. Nếu không, chúng ta nghĩ, cầu nguyện để làm gì? đức tin mang lại lợi ích gì? Thật ra, đức tin không mang lại những phương tiện làm cho cuộc sống dễ dãi hơn, nhưng đem lại khả năng sống đến cùng cái dễ và cái khó. Nghĩa là khả năng sống một cuộc sống con người thực sự: trở thành đến mức tối đa cái chúng ta phải trở thành, và lợi dụng tất cả. Cha Jean-Francois Six từng định nghĩa về thánh nữ Têrêxa Hài Đồng như sau: “Ngài đã lợi dụng tất cả để yêu mến”. Một cách khác để diễn tả rằng “tất cả đều là hồng ân” khi người ta đã luyện được cái phản xạ cứu nguy: “Ở đấy, tôi có thể yêu thương như thế nào?” Bấy giờ ta có thể nói: “Lạy Chúa trời, xin tới giúp con!” không phải để gỡ con khỏi những gì mà cuộc sống đòi hỏi con, trái lại để ôm chầm lấy nó bằng cách đánh thức tối đa lòng can đảm của con và khai mở trí tuệ của con.

Đức Giêsu nghĩ tới điều ấy trong 40 ngày: làm những gì mình cần làm, với các phương tiện của một con người, với lòng can đảm và quả tim của một con người. Thật ngu đần cái thằng quỷ đến đề nghị với Người nhiều phương tiện ma thuật để lòe mắt và thống trị. Không đến nỗi ngu thế đâu! Nó biết làm cho cơn cám dỗ nên lấp lánh rực rỡ: sử dụng nhiều con đường ngắn và nhiều phương tiện nặng để toàn thắng. “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy sử dụng các quyền lực của ông đi nào!” Satan cũng rót vào tai ta như vậy: “Thiên Chúa yêu bạn, bạn có thể xin với Người tất cả”. Thậm chí nó sẽ đóng vai ông thầy: “Đã có viết rằng…” Chúng ta sẽ cùng với Đức Giêsu trả lời nó: “Đã viết rằng” không nên xin Thiên Chúa cho thoát khỏi nỗ lực sống, thoát khỏi gian khổ của đời chứng nhân!

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]