Giọt Nước Mắt Ăn Năn

Một phụ nữ 20 tuổi bỏ chồng ở Somalia, chị ta đã bị đám đông khoảng 200 người ném đá tới chết, vì cô ta phạm tội ngoại tình. Môt người phân xử trong nhóm chiến binh Al-Shabab cho biết, người phụ nữ đã có quan hệ với một người đàn ông 29 tuổi chưa có vợ, cô ta có thai và sinh non. Đứa bé đã chết sau khi sinh. Người phụ nữ này bị chôn sống nửa người và dân chúng ném đá chị ta cho đến chết. Người bạn trai của cô thì bị phạt 100 roi theo luật của Hồi giáo ở niềm nam Somalia. Cái chết đau đớn của cô gái hai mươi tuổi, vì cô đã phạm tội ngoại tình, hay đúng hơn là cô ta đã phạm luật.Vì luật mà người ta ném chết một người không mang hận thù, không oán hận, thật là nhẫn tâm.

Trong trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy quan niệm của người Do Thái thời bấy giờ, họ cũng có một số nguyên tắc giữ đạo, và họ phân chia ra làm hai hạng người rất rõ ràng: người tốt và kẻ xấu; người lương thiện và kẻ tội lỗi. Họ cho rằng, người tốt là những người tuân giữ Lề Luật, còn người tội lỗi là những kẻ vi phạm những điều luật. Từ trong quan niệm khắc khe về lề luật, họ thường có thái độ loại trừ, trừng phạt, và có cái nhìn định kiến về người anh chị em mình, khi có người mắc phải những sai lầm. Từ định kiến đó dẫn đến cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với những người Pha-ri-sêu về luật lệ và xét xử tội.

Chuyện xẩy ra khi Chúa Giê-su đi dự tiệc tại nhà ông Si-môn, một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu. Bỗng có một người phụ nữ, vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà người Pha-ri-sêu, chị ta đem một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau khóc, dùng nước mắt tưới lên chân Chúa Giê-su, lấy tóc mình lau, rồi đổ dầu thơm lên chân Chúa Giê-su và hôn.

Khi nhìn thấy việc làm của chị ta, ông ta cảm thấy khó chịu và bảo rằng: “Nếu ông này là ngôn sứ thật thì phải biết người đàn bà đang đụng mình là ai chứ!”. Từ sự thắc mắc của ông ta cho thấy cái định kiến của ông ta về người phụ nữ này. Ông ta là một người Pha-ri-sêu, mà người Pha-ri-sêu thì “tách biệt” với người dân thường. Ông ta tự cho mình là người công chính, nên ông ta xa tránh những người tội lỗi. Ngay cả những người bệnh tật cũng bị xã hội lên án và loại trừ ra khỏi cộng đoàn. Cho nên, các gái điếm hay phụ nữ ngoại tình thì phải chịu hình phạt và bị đá cho đến chết. Người Pha-ri-sêu giữ luật rất chặt chẽ. Khi Chúa Giê-su cho người phụ nữ đụng chạm thì có nghĩa là, Ngài đã bị ô uế và phạm luật của người Do thái.

Đằng sau những thứ luật lệ, người Do thái đặt ra, thì họ lại mắc phải lối sống vị luật. Họ dùng luật quá khắc khe và tỉ mỉ, họ dựa vào luật để đóng đinh, kết án và đánh giá người khác theo tiêu chuẩn cá nhân với lòng dạ hẹp hòi, ích kỷ, thiếu vắng tình yêu thương và cảm thông với người khác. Chúa Giê-su đã nhiều lần lên án họ: ” Dân này kính ta bằng môi, bằng miệng, nhưng lòng chúng lại xa ta”. Luật là để cứu sống chứ không phải để giết chết. Từ lối sống “tách biệt”, khinh thường của người Do thái, nó dẫn đến một thái độ tự mãn, tự kiêu và nhẫn tâm, rồi họ tự cho mình là người đạo đức, thánh thiện, nên họ không cần ăn năn, sám hối và hoán cải. Trái lại, người phụ nữ này, chị ta biết mình có quá nhiều tội lỗi và lầm lỡ trong cuộc đời. Chị ta khóc cho tội lỗi của mình. Giọt nước mắt ăn năn để diễn tả qua việc chị lấy tóc lau chân Chúa. Và chị khóc trong sự vui sướng vì được Chúa Giê-su yêu thương và tha thứ, Ngài không xa lánh, xua đuổi, nhưng lại cho chị ta xức dầu thơm và lấy tóc chị ta lau chân Chúa. Ngài cư xử với chị ta như người thân, và tôn trọng chị ta. Điều đó đã chạm vào trái tim của chị. Chị khóc trong vui sướng vì được Chúa nhìn đến chị, cho chị ánh mắt yêu thương và cảm thông, mà bấy lâu nay chị khao khát và mong đợi sự đón nhận từ những người chung quanh. Chúa Giê-su đã mở cho chị ta cánh cửa để chị ta có thể tiếp tục bước đi trong cuộc đời của chị, và hướng tới một tương lai phía trước tốt đẹp hơn. Thật vậy, chị có cơ hội để làm lại cuộc đời. Chúa Giê-su dùng tình yêu để hoán cải chị ta. Ngài quay lại nói với chị ta: ” Tội của con đã được tha”. Vết thương tội lỗi của chị đã được chữa lành và con tim đã vui trở lại sau những ngày tháng bỏ Chúa đi hoang.

Qua hình ảnh người phụ nữ và người Pha-ri-sêu trong trang Tin mừng hôm nay, tôi nhìn thấy cách sống của mình. Tôi cũng thường tự cho mình là người đạo đức, thánh thiện để rồi kết án anh chị em của mình một cách bất công bởi thành kiến, ích kỷ, ganh đua và ghen ghét. Từ cách nhìn đó, tôi tự tách biệt mình ra khỏi cộng đoàn giáo xứ, không muốn liên hệ với người chung quanh, tự đóng khung trong một ốc đảo của cái tôi chập hẹp. Điều tệ hại hơn nữa, tôi đóng đinh và kết án họ một cách bất công. Đó cũng là cách thức tôi đã đẩy họ vào bước đường cùng bởi lối sống đạo đức giả. Tôi cư xử và đánh giá con người bằng hình thức bên ngoài: giàu nghèo, địa vị, chức tước. Như những người Pha-ri-sêu, họ nhìn thấy người phụ nữ đổ dầu thơm để xức lên chân Chúa Giê-su, thì trong lòng ông ta trở nên bực tức khó chịu. Lòng ganh tỵ và ích kỷ làm cho con người ta trở nên hèn hạ và bất bao dung.

Điều cần thiết trong lúc này, chúng ta cần nghe lại lời Chúa nói: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là đã yêu mến nhiều” (Lc7, 47). Tình yêu là kết quả của ơn tha thứ. Tình yêu của chị ta được thể hiện qua thái độ nhìn nhận và tin tưởng, chị ta biết mình cần được ăn năn, sám hối và xin ơn tha thứ. Nó đi ngược lại với kiểu đạo đức của người Pha-ri-sêu, tính toán theo công tội. Và chúng ta cũng không có quyền để lên án và kết tội người khác.

Lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội thì ai sống nỗi được ư!. Chúa là Đấng nhân từ rộng lượng và giàu lòng xót thương. Xin cho con biết xót thương khi nhìn đến anh chị em con bằng trái tim cảm thương và bao dung. Xin Chúa cho con biết nhận ra tội lỗi của mình để sửa đổi và hoán cải mỗi ngày.

Lạy Chúa, xin cho con đừng lên án để khỏi bị kết án, vì chỉ có Chúa mới có quyền xét xử và kết tội. Xin Chúa cho con biết mang tình yêu để xóa hận thù và bất công. Và xin Chúa cho con trái tim của Chúa, biết mang tin vui đến những ai đang sầu khổ và đau buồn, để họ nhận ra Thiên Chúa là tình yêu. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts