- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Đối thoại với Thiên Chúa

Một trong những lo lắng của Thánh Phaolô trong bước đầu truyền giáo của ngài là cầu nguyện không ngừng. Trong thư thứ nhất gửi cho Thessalonia, sách Tân Ước đưa chúng ta lại gần với Chúa Giêsu lịch sử, Phaolô viết, “Hãy vui mừng lên mãi, đừng bao giờ ngừng cầu nguyện, luôn dâng lời cảm tạ; đó là ý muốn của Thiên Chúa cho anh chị em trong Đức Giêsu Kitô” (1 Thes 5:16-18).

Phaolô muốn nói gì khi viết, “cầu nguyện không ngừng”? Ngài không có ý nói, theo nghĩa đen, chúng ta dùng trọn đêm ngày để cầu nguyện. Rõ ràng, trước hết, ngài hiểu rằng chúng ta sống quen với việc cầu nguyện rồi; chúng ta dành riêng những giờ cầu nguyện mỗi ngày để gặp gỡ Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta trong việc này. Có nhiều thời điểm trong Tin Mừng nói Ngài đi vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Nếu dành riêng thời gian ra để cầu nguyện là ý định của chúng ta, điều đó là ưu tiên của chúng ta, chúng ta đang thực hành bước đầu của việc “cầu nguyện không ngừng” rồi đấy. Ngoài việc cầu nguyện thường xuyên, chúng ta sẽ cảm nghiệm thêm về quyền năng và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của chúng ta. Nghĩa là chúng ta bắt đầu nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa rõ ràng hơn trong mọi sinh hoạt của chúng ta. Nói cách vắn gọn, chúng ta đang mở rộng tâm hồn ra cho Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài trở nên hiện thực trong mọi hoàn cảnh sống của chúng ta.

Đề tài về dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay là kiên trì. Câu chuyện về bà goá nghèo xin được xét xử. Bà đơn độc và không có gì để bảo vệ như hoàn cảnh các bà goá thời Chúa Giêsu. Mặc dầu các bà vợ chỉ có chút quyền lợi vào thời đó, nhưng họ được hưởng một vài sự bảo vệ. Các bà có chỗ đứng trong xã hội. Nhưng khi trở thành goá bụa, tình trạng kinh tế và địa vị xã hội của họ hầu như không có. Bởi vì họ không thể thừa hưởng tài sản của người chồng đã chết nên họ gia nhập hàng ngũ những người mồ côi, ngoại kiều cư trú, và các bà goá khác để được giúp đỡ. Trong dụ ngôn của Chúa đưa ra, bà goá này có lẽ dính dáng tới việc kiện tụng về chia của cải. Trường hợp của bà trong dụ ngôn là đòi được giải quyết. Có thể đối thủ của bà đã hối lộ quan toà để bỏ qua vụ kiện rồi (một việc làm quen thuộc vào thời đó), vì như Tin Mừng cho chúng ta biết, vị quan toà là người “không kính trọng Thiên Chúa và nể vì người ta” (Lk 18:2). Bà goá đến với quan toà hết lần này tới lần khác, trình rằng, “Tôi muốn quan toà xử cho tôi” (Lk 18:3). Nhưng cũng lần này tới lần khác, quan toà vẫn phớt tỉnh. Sau cùng, sự kiên trì không bỏ cuộc của bà làm cho quan toà chịu không nổi và ông vào cuộc, “Ta chẳng kính sợ Thiên Chúa và chẳng coi ai ra gì, nhưng bà goá này quấy rầy ta mãi. Ta sẽ minh oan cho bà kẻo bà đến hoài làm ta nhức óc” (Lk 18:4). Rồi Chúa Giêsu thêm: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ” (Lk 18:7,8). Chúa Giêsu kể dụ ngôn này, Luca cho chúng ta biết là để dạy các môn đệ “sự cần thiết phải cầu nguyện luôn luôn và đừng nản chí” (Lk 18:1).

Henri Nouwen là người viết về đàng thiêng liêng hiện đại mà sách viết của ngài từng mang một ảnh hưởng lớn lao trên rất nhiều độc giả. Một trong những tác phẩm đó có nhan đề, “Những anh hề tại Roma”. Sách bắt đầu với sự nhận thức rằng Thiên Chúa, trong sự tốt lành của Ngài, ban cho mỗi người chúng ta một trí óc như một máy vi tính rất tinh nhậy. Nó vô giá và luôn luôn làm việc. Không có cách nào chúng ta bắt nó ngừng lại được. Ngày và đêm, nó luôn làm việc. Mặc dầu tôi đang phát biểu, như là một diễn đạt tới những người đang nghe tôi. Vài người đang nghĩ tới những việc sẽ được làm vào cuối ngày. Vài người khác nghĩ tới những việc sẽ làm vào ngày mai, hay là có người nghĩ tới người ngồi ở hàng ghế bên cạnh. Henry Nouwen, một lần đã nói, khi đang tham dự một buổi họp rất quan trọng và ngay giữa một tranh luận sôi nổi, ngài bất ngờ nhận ra đầu óc mình đang nghĩ tới việc cần dùng bao nhiêu đậu lạc nhuyễn và jello cho vào bánh kẹp sandwich. Trí óc vi tính của chúng ta có rất nhiều khả năng để làm những việc tương tự như vậy. Dù trong giấc ngủ của chúng ta, máy vi tính vẫn tiếp tục làm việc. Tư tưởng trong sách của Nouwen là dòng tri thức luôn làm việc là nguồn độc thoại. Chúng ta nói với chính mình. Nhưng khi chúng ta luôn đặt mình trong ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, chúng ta biến đổi độc thoại sang đối thoại – đối thoại với Thiên Chúa – và nó sẽ thay đổi mọi sự.

Một phụ nữ đã trải qua cuộc đối thoại như thế, tả lại cách tuyệt vời như sau:

Một buổi sáng khi tôi đang ủi quần áo, bất ngờ tôi cảm thấy tội nghiệp cho mình, một câu Kinh Thánh cứ luẩn quẩn trong đầu tôi: “Con không cần phải trốn chạy cuộc gặp gỡ này. Hãy chọn chỗ cho mình, đứng vững, rồi xem Thiên Chúa ở với con thế nào và giải thoát con…”(2Chr 20:17). Dần dần ánh sáng bao phủ nhận thức của tôi: tôi không cần phải chống lại việc làm tôi không thích. Tôi từng biết rằng Thiên Chúa là tất cả! Vì Ngài là như vậy, tôi không thể chỉ có Ngài trong những việc thích thú; nhưng tôi phải làm mọi việc cho vinh quanh Thiên Chúa. Tôi vui sướng chừng nào! Tôi muốn hát lên. Trong chốc lát, công việc ủi đồ của tôi trở nên công việc của Thiên Chúa. Khi bạn cầu nguyện, bạn mở rộng tâm hồn và trí óc cho việc sáng tạo và chúc lành của Thiên Chúa. Hãy để cho Thiên Chúa nói với bạn cách hùng hồn. Khi bạn làm như vậy, tình yêu Thiên Chúa sẽ ban xuống dư tràn trên cuộc đời bạn. Thiên Chúa ban ơn cho bạn dư tràn đến nỗi bạn không còn chỗ chứa.

Một người cha đứng nhìn người con thứ di chuyển một hòn đá lớn. Anh ta không thể nào làm cho hòn đá nhúc nhích. “Con đã dùng hết sức chưa?” người cha nhắc nhở. “Thưa cha, con đã dùng hết,” người con lớn tiếng đáp lại. “Chưa đâu,” người cha lắc đầu nói tiếp, “Con chưa xin cha giúp đỡ.”

Trong mọi hoàn cảnh sống, dù khó khăn tới đâu, dù căng thẳng tới đâu, dù cám dỗ ray rứt làm mất lòng tin, chúng ta chắc chắn rằng chúng ta chưa dùng hết sức mình khi chúng ta chưa xin Thiên Chúa hướng dẫn. Hạnh phúc cho những ai nhận thức được sự tuỳ thuộc vào Thiên Chúa cho ý nghĩa cuộc sống và mục đích. Hạnh phúc cho những ai nhận thức rằng xa lìa Thiên Chúa thì không thể nào đạt được đời sống hoàn hảo. Hạnh phúc cho những ai cầu nguyện không ngừng để khám phá được sức mạnh và sự hiện diện của Thiên Chúa trong tất cả những gì họ làm. Hạnh phúc cho những ai cậy dựa vào sức mạnh nhiệm mầu chữa lành của tình yêu, biến đổi cách sống của họ từ độc thoại tới đối thoại với Thiên Chúa và tha nhân.

Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]