Ðền Thờ Thiên Chúa

Trong Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội tuyên xưng: “Vì cùng với Con Một Chúa và Chúa Thánh Thần, Chúa là Thiên Chúa và Chủ Tể duy nhất, duy nhất không phải trong một ngôi đơn độc, nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể … Để khi tuyên xưng thiên tính chân thật và hằng hữu của Chúa, chúng con tôn thờ Ba Ngôi riêng biệt, một bản thể duy nhất và một uy quyền như nhau”.

Theo giáo huấn của Giáo Hội: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm trung tâm của Đức Tin và của đời sống Kitô Giáo. Đó là nguồn mạch của tất cả các mầu nhiệm khác của Đức Tin. Đó là giáo huấn căn bản nhất và chủ yếu nhất trong ‘phẩm trật các chân lý’ của Đức Tin” (GLCG # 234).

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được mạc khải ở nhiều nơi trong Tân Ước, như dịp Chúa tỏ vinh quang của Người trên núi Tabor cho ba môn đệ thân tín (Mt 17:1-8), dịp Chúa chịu Phép Rửa tại sông Giođan (Mt 3:13-17). Và đây, chính lời Chúa Kitô phán truyền cho các Tông Đồ: “Mọi quyền năng trên trời dướt đất đã được ban cho Thầy, vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con”.

Là con cái Chúa, chúng ta được diễm phúc sống niềm tin, được Chúa Ba Ngôi ngự trong tâm hồn chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta chia sẻ sự sống và tình yêu thương của Chúa trong mối tương quan mật thiết giữa Cha và con. Chúa Kitô đã lấy hình ảnh cây nho để mạc khải cho chúng ta chân lý diễm phúc đó: “Thầy là cây nho các con là nhánh; ai ở trong Thầy, Thầy ở trong kẻ ấy, như vậy sẽ sinh được nhiều hoa trái; vì ngoài Thầy ra các con chẳng làm được việc gì” (Jn 15:5). Sau đó, Chúa còn quả quyết với chúng ta: “Điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh được nhiều hoa trái và nên môn đệ của Thầy. Cha Thầy yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu thương các con như vậy, các con hãy cứ ở lại trong tình yêu thương của Thầy” (Jn 5:8-9). Vì tất cả cuộc sống người Kitô Hữu là sự liên đới và hiệp thông với mỗi ngôi vị của Chúa Ba Ngôi.

Thánh Phaolô đã căn dặn chúng ta giữ tâm hồn trong sạch để xứng đáng làm nơi Chúa ngự: “Anh em không biết rằng anh em là Đền Thờ Thiên Chúa sao, ai tục hóa Đền Thờ Thiên Chúa, sẽ bị Thiên Chúa hủy diệt” (I Cor 3:16). Chính Chúa Kitô cũng dạy chúng ta: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ tuân giữ lời Thầy. Cha thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy cùng với Thánh Linh sẽ đến và ngự trong người ấy” (xem Jn 14:23).

Chớ gì mỗi người chúng ta là hiện thân của Thiên Chúa. Thánh Gioan quả quyết: “Thiên Chúa là tình yêu, ai sống tình yêu, người ấy sống trong Thiên Chúa và được Thiên Chúa sống trong người ấy” (I Jn 4:16). Mỗi người chúng ta là hiện thân của Đấng là Tình Yêu muôn thuở đang ẩn ngự trong tâm hồn chúng ta, chúng ta hãy chia sẻ tình yêu thương, lòng nhân từ, sự tha thứ của Chúa cho tha nhân, hầu chinh phục tha nhân về với Chúa.

Một thời gian ngắn trước khi chết, vị bác sĩ truyền giáo nổi tiếng người Mỹ, là ông Tom Dooley, đã trở lại Mỹ để cổ động gây thêm quỹ cho bệnh viện của ông ở Đông Nam Á. Là một bác sĩ, ông biết mình có bệnh ung thư và sẽ chết sớm. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đang gợi lên trong đầu óc ông là trong hoàn cảnh hiện tại, ông có nên dùng những ngày cuối đời ở quê hương ông để an dưỡng trong lúc đau yếu, hay trở lại bệnh viện của ông ở Đông Nam Á, nơi dân chúng đang cần đến sự săn sóc của ông.

Trong khi đang suy tính, ông nhận được một điện tín từ một nhân viên y tế được ông huấn luyện để giúp đỡ công việc ở bệnh viện như sau: “Chúng tôi cần bác sĩ ở đây”, hàng tin tiếp tục người ta đọc được: “Trong khi bác sĩ đi vắng, chúng tôi là những ngón tay của bác sĩ để chữa lành bệnh nhân. Chúng tôi là đôi tai của bác sĩ để nghe những tiếng than khóc đau đớn của họ. Chúng tôi là trái tim của bác sĩ để yêu thương săn sóc họ”.

Chúng ta hãy giữ tâm hồn chúng ta như Đền Thờ sống động của Người, chúng ta hãy trở nên những chứng nhân cho niềm tin, nên hiện thân cho Đấng đang ẩn ngự trong tâm hồn chúng ta, để trong cuộc sống hằng ngày, mọi người bên cạnh chúng ta tìm được niềm an ủi, lòng yêu thương, sự săn sóc của chúng ta, giống như vị y tá của bác sĩ Tom Dooley trong mẩu truyện trên đây, hầu mọi người có thể cảm nghiệm được Chúa đang yêu thương họ, qua các việc từ thiện bác ái của chúng ta.

Người có niềm tin, không những được nhận biết tôn thờ Thiên Chúa là Chúa của họ, là Đấng tạo dựng nên họ; mà còn nhận ra Chúa nơi các ơn phúc Ngài ban, nơi các công trình sáng tạo của Ngài, nơi mọi biến cố Ngài để xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, họ luôn nhìn thấy Chúa trong mọi sự, thuần phục thánh ý Chúa trong mọi sự và luôn có cuộc sống hạnh phúc, vì họ cảm nghiệm được Chúa thương yêu họ. Còn những người vô tín ngưỡng, không tin những điều không trông thấy và khoa học không giải thích được, họ chỉ tin những điều mắt thấy tai nghe, tay sờ mó được. Họ chỉ bám víu vào những gì là vật chất, nên những gì không đạt được như ý muốn là họ sinh bất mãn.
Nhưng nơi trần gian, lại có vô số những điều trong phạm vi tự nhiên, khoa học vốn không thể giải thích được, mà nó vẫn là một sự thật, không ai có thể chối cãi được thì sao?

Ví dụ, nếu hỏi các nhà bác học: Điện khí là gì và tại sao điện khí có nhiều công hiệu khác nhau, đôi khi lại tương phản nhau, như cùng một dòng điện, khi nó làm cho bàn ủi nóng, lúc lại làm cho tủ lạnh tỏa hơi lạnh giúp cho người ta giữ các đồ ăn khỏi hư hỏng? Chẳng ai thấy được hình thù sắc thái của điện khí ra sao, nhưng cứ lắp bóng đèn vào là đèn liền được thắp sáng, bật công tắc máy quạt, máy quạt liền quay, bấm nút máy télévision, máy télévision liền phát tiếng nói và xuất hiện hình ảnh … Còn biết bao điều tương tự như thế, dù các nhà khoa học có dùng sự khôn ngoan thông thái của mình cũng không thấu hiểu và giải thích được, nhưng nó vốn là một sự thật không ai chối cãi được.

Ðền Thánh Khiết Tâm Mẹ

Chia sẻ Bài này:

Related posts