- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Đâu là giới răn quan trọng nhất?

Câu hỏi của vị kinh sư : « Thưa Thầy, trong các giới răn thì giới răn nào quan trọng nhất ? » đã vô tình nói lên tình trạng của cuộc sống xã hội lúc bấy giờ quá bị gò bó và bị đóng khung bởi đủ thứ luật lệ. Vâng, xưa kia ở Ít-ra-en người ta đã cho ra không biết bao nhiêu là luật pháp và điều lệ mà những người Ít-ra-en đạo đức cần phải giữ một cách cặn kẽ. Suốt cuộc sống – tư riêng cũng như xã hội – đều được qui định một cách rõ ràng và chi tiết tỉ mỉ trong các giới răn và các cấm chỉ. Tất cả đều muốn nói lên rằng Thiên Chúa là Chúa của Ít-ra-en trên tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống và trên toàn thể tạo vật. Cũng vì có quá nhiều luật lệ và giới răn đòi phải tuân giữ, nên nhiều khi người tín hữu không còn biết phân biệt được giới răn nào là quan trọng nhất !

Thuộc về số những giới răn quan trọng nhất ở Ít-ra-en phải kể đến giới răn yêu mến Thiên Chúa và giới răn yêu mến tha nhân. Nhưng nếu giới răn yêu mến Thiên Chúa là giới răn « đứng hàng đầu trong tất cả các giới răn », thì đâu là điều mới mẻ trong câu trả lời của Ðức Giêsu trước câu hỏi của vị kinh sư ? Ðâu là điều mà người ta có thể coi là đặc điểm của « Kitô » giáo ?

Ðức Giêsu đã thực hiện một bước đi mang tính cách quyết định trong sứ mệnh rảo giảng của Người. Ðó là khi Người cho rằng người ta không còn được coi hai giới răn « mến Chúa » và « yêu người » như hai giới răn khác biệt nhau và độc lập với nhau nữa. Không ! Ðức Giêsu đã liên kết cả hai giới răn đó lại với nhau một cách hết sức chặt chẽ, đến nỗi thiếu một trong hai, người ta sẽ không còn hiểu được giới răn còn lại. Cả hai cùng bổ túc và hoàn bị lẫn nhau!

Ðàng khác, theo Ðức Giêsu, tình yêu tha nhân là một giới răn bao la, không bị hạn hẹp trong bất cứ biên giới nào cả. Nó có một giá trị phổ quát. Nó bao trùm cả nhân loại. Không một ai bị loại trừ, dù cho có sự khác biệt về màu da, sắc tộc, tín ngưỡng, văn hóa hay chính kiến, v.v… giữa họ. Tất cả mọi người đều có chỗ của mình trong đức ái, trong tình yêu tha nhân Kitô giáo – kể cả kẻ thù nữa -, chứ không chỉ dành cho con cái Ít-ra-en mà thôi !

Dĩ nhiên, nếu Ðức Giêsu nối kết tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân lại với nhau một cách chặt chẽ bất khả tháo gỡ và chia cắt như thế, chắc hẳn là phải có một lý do quan trọng nào đó !

Ðối với những người Ít-ra-en, tình yêu Chúa chính yếu là hệ ở chỗ :

Nhưng trong việc thực hành lòng đạo đức như thế, chứa ẩn một sự nguy hiểm là người ta sẽ chú trọng đến văn tự và hình thức bên ngoài nhiều hơn là quan tâm đến trọng tâm của lề luật, là : chính Thiên Chúa. Và sau cùng trong một hình thức thực hành luật lệ về sự đạo đức như thế, chính con người sẽ dễ bị thiệt thòi, vì mọi cố gắng và thiện ý của họ đều mang tính cách nhân loại, nên trở thành vô ích, không có ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa.

Vì thế, Ðức Giêsu đã đem ra xét lại những cách thực hành sự đạo đức đó. Ðối với Ðức Giêsu, con người không hề bị tách rời ra khỏi Thiên Chúa là nguyên thủy của nó, con người mang trên mình hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó con người đứng trên luật pháp : Không phải con người vì luật pháp, nhưng luật pháp vì con người, nghĩa là không phải con người phục vụ cho luật pháp, nhưng là luật pháp phải phục vụ cho con người ! Nhất là đối với Ðức Giêsu, vì con người được Thiên Chúa yêu thương, nên con người có một giá trị khôn sánh. Do đó, không có tình yêu tha nhân, thì không thể có tình yêu Thiên Chúa được. Nói cách khác, ai không yêu tha nhân mình, thì không thể mến Chúa một cách thật lòng được. Ðúng vậy, tha nhân là người tôi thấy và lại mang trên mình hình ảnh của Thiên Chúa mà tôi không yêu thương, thì làm sao tôi có thể nói được là tôi yêu mến Thiên Chúa là Ðấng tôi không thấy ? Người ta phải hiện thực trọn vẹn hai giới răn « mến Chúa » và « yêu người », chứ không thể giữ giới răn này mà bỏ giới răn kia !

Ðức Kitô đã đặt nặng tình yêu tha nhân lên trên những hình thức tôn kính Thiên Chúa mang tính cách lễ nghi. Ðó là điều Người đã hơn một lần minh nhiên khẳng định : « Ta muốn lòng nhân ái hơn là của lễ » (Mt 9,12). Và trong Bài Giảng Trên Núi, Người còn nhấn mạnh : « Nếu khi ngươi mang lễ vật lên trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với ngươi, thì hãy để lễ vật lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của ngươi sau » (Mt 5,23-24).

Nếu Ðức Giêsu đã đặt nặng ý nghĩa của tình yêu tha nhân như thế, người ta có thể tự hỏi : phải chăng câu « ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi » được bao gồm trọn vẹn trong lãnh vực nhân đạo ? Hay hỏi một cách khác : Phải chăng tính cách nhân bản hay tình nhân đạo đã đủ để người ta có thể trở thành Kitô hữu đích thực ? Phải chăng người Kitô hữu biết yêu thương tha nhân, là đương nhiên đã yêu mến Thiên Chúa rồi ?

Dĩ Nhiên, tính cách nhân bản có một giá trị cao cả. Ngày nay, tính cách nhân bản hay tình nhân đạo lôi kéo được sự quan tâm của con người, ở trong cũng như ở ngoài Giáo Hội. Nhưng nếu chúng ta cố gắng tìm hiểu tình yêu tha nhân trong Bài Giảng Trên Núi, chúng ta sẽ xác định ngay được sự khác biệt với tình nhân đạo thuần túy. Trong Bài Giảng Trên Núi, Ðức Giêsu đề cập rõ ràng đến một tình yêu tha nhân không hề bắt nguồn từ một nhân cách được phát triển một cách thuần túy nhân loại và trong sự đạo đức được đặt nền tảng trên nhân cách đó, nhưng Người đã đề cập tới một tình yêu tha nhân bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người chúng ta, như nó đã được trở nên cụ thể trong con người Ðức Giêsu Na-da-rét.

Tình yêu tha nhân theo ý nghĩa xác thực của nó như Ðức Giêsu đòi hỏi, chỉ có thể, nếu nó được đặt nền tảng trên sự quan hệ mật thiết với Thiên Chúa. Nếu không, Ðức Giêsu đã không dạy cho các môn đệ của Người Kinh Lạy Cha; và nếu không, Người đã không rao giảng. « Các ngươi hãy ăn năn hối cải và tin vào Phúc Âm » (Mt 1,15).

Trong những năm cuối đời, giáo sư Max Horheimer, một trong những người đã sáng lập nên phong trào giáo dục « Frankfurter Schule », đã hiểu rõ được quan điểm đó, khi ông phát biểu rằng một sự vô vị kỷ thực sự mà không được đặt nền tảng trên tuyệt đối, thì bất khả. Và thần học gia, giáo sư Karl Rahner viết : «Ai không có được sự hợp nhất với mầu nhiệm bất khả dụng sâu thẳm nhất của cuộc sống và sự hợp nhất với Thiên Chúa, thì cũng không có thể chấp nhận và bảo tồn được sự tương quan giữa các nhân vị và tình trạng xã hội cụ thể của sự tương quan đó, một điều mà người ta phải mất nhiều vất vả khó khăn mới tạo được ».

Dĩ nhiên, là những Kitô hữu, chúng ta có bổn phận phải thực thi tình nhân đạo và trong đó chúng ta không được phép bỏ sót ai. Nhưng ý nghĩa đích thực cuối cùng và sâu xa nhất của nhân vị chúng ta không do thuyết nhân bản mang lại, nhưng là chính Thiên Chúa, Ðấng đã sống và hành động trong Ðức Giêsu một cách nhân bản hoàn hảo. Nhờ Người chúng ta mới thực sự biết được tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân đối với chúng ta có ý nghĩa gì. Do đó, ngoài một mình Ðức Giêsu ra, chúng ta không có bất cứ mẫu mực nào khác !

Lm Nguyễn Hữu Thy

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]