Dạ tiệc ân tình

Lễ Vượt Qua hay lễ Quá Hải (Anh ngữ là Passover) là lễ quan trọng nhất của người Do Thái, kéo dài một tuần. Chiều ngày 14 tháng Ni-xan (khoảng tháng Ba, tháng Tư dương lịch), người ta sát tế chiên (cừu) tại đền thờ, rồi tư tế lấy máu chiên mà đổ dưới chân bàn thờ. Khi đêm xuống, người ta sẽ ăn tiệc Chiên Vượt Qua theo gia đình hay theo nhóm, rồi lấy chút máu chiên bôi lên cửa nhà.

Lễ Vượt Qua được cử hành như một cuộc tưởng niệm nhằm giúp mỗi người sống lại kinh nghiệm của cha ông họ được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập xưa kia. Trong bữa tiệc, người ta ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng (Xh 12:14), ngoài ra, họ cũng uống với nhau bốn chén rượu đã được vị chủ tọa bữa tiệc chúc lành để kỉ niệm bốn lời hứa của Thiên Chúa với dân Do Thái: [1] Ta sẽ đem các ngươi ra từ ách của Ai Cập; [2] Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi cảnh làm tôi mọi chúng; [3] Ta sẽ giương cánh tay mà chuộc lấy các ngươi; [4] Ta sẽ lấy các ngươi làm dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi. Cuối bữa tiệc này, mọi người cùng hát Thánh Vịnh.

Bữa Tiệc Ly là Dạ Tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu dùng bữa với các môn đệ. Trong bữa tiệc này, Ngài làm hai điều quan trọng và kỳ lạ: thiết lập Bí Tích Thánh Thể và Ngài đích thân rửa chân cho các môn đệ. Cả hai hành động đó là dấu chỉ của yêu thương, của lòng thương xót.

Vậy yêu thương là thế nào? Yêu thương là CHO hay NHẬN? Có ai cân-đo-đong-đếm được tình yêu đâu mà sao biết kẻ yêu ít, người yêu nhiều?

Xưa nay, từ cổ chí kim, chưa có một định nghĩa nào về tình yêu trọn vẹn nhất khiến người ta thỏa mãn. Chữ Yêu rất đơn giản mà cũng rất nhiêu khê. Chỉ có một tình yêu đích thực nhưng được nhìn với nhiều lăng kính, mỗi người yêu mỗi cách và mức độ cũng rất khác nhau. Nói chung, yêu là CHO nhiều hơn NHẬN, yêu đến quên mình, đó mới là Tình Yêu chân chính, thế nên người ta mới nói “yêu là chết trong lòng”. Yêu là khổ, không khổ không là yêu, khổ đến “chết” mới là yêu! Không chỉ “chết trong lòng” mà chết thật, vì có những người đã dám liều chết vì quá yêu!

Việt Nam có chuyện tình Đồi Thông Hai Mộ và chuyện tình Lan và Điệp, còn Tây phương có chuyện tình Romeo và Juliet. Những chuyện tình thật lãng mạn và đẹp nhưng cũng đầy chất bi thương!

Yêu là khổ, không yêu thì lỗ, nên người ta cương quyết “thà chịu khổ hơn chịu lỗ”. Những người đó “ngon” thật và can đảm thật! Người ta còn gọi đó là “thú đau thương”. Đau thương mà lại “thú vị”, yêu như điên, đó mới là yêu thật lòng, vị tha chứ không vị kỷ. Chúa Giêsu đã xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Sau những ngày tháng hoang đàng, Thánh Giám mục Tiến sĩ Augustinô đã hối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng”, và rồi thánh nhân nói thêm: “Mức độ yêu Chúa là yêu vô hạn”. Một mức độ kỳ lạ: giới hạn của yêu thương là yêu-không-giới-hạn!

Yêu thương liên quan hai động thái cần thiết: Vâng Phục và Phục Vụ.

VÂNG PHỤC VÌ YÊU THƯƠNG

Trình thuật Xh 12:1-8, 11-14 cho biết các chi tiết: Đức Chúa phán với ông Môsê và ông Aharon trên đất Ai Cập: “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng”. Luật cũ chú trọng cách sống tự nhiên của con người, và cách hành lễ cũng “thực tế” hơn ngày nay, nhưng đó là thể hiện sự vâng lời – vâng lời Chúa nghĩa là yêu mến Chúa.

Học ăn, học nói, học gói, học mở. Đầu tiên là phải học ăn. Cách ăn cũng có luật: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Cách ăn “lạ” nhất là “phải ăn vội vã”, vì đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. Đêm ấy Thiên Chúa rảo khắp đất Ai Cập, sát hại các con đầu lòng trong đất Ai Cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai Cập. Nghe vậy chúng ta cảm thấy Chúa “dữ tợn” quá. Nhưng không, luật cũ là luật tự nhiên, những gì là “đầu tiên” được dành ưu tiên cho Thiên Chúa, gọi là “của lễ đầu mùa”, kể cả con đầu lòng. Ngày nay, một số dân tộc vẫn có cách mừng thu hoạch như lễ mừng lúa mới, lễ mừng thu hoạch,…

Vết máu bôi trên nhà là dấu hiệu vâng phục, tức là “giữ luật”, và là “dấu hiệu tình yêu”. Những người trong nhà đó sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Thiên Chúa giáng hoạ trên đất Ai Cập. Ngày đó được chọn làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Đó là luật quy định cho đến muôn đời. Luật đó là hồng ân Chúa ban. Ngài ban đủ thứ ân sủng để con người đủ sức “vượt qua” biển đời. Thiên Chúa YÊU nhiều nên CHO nhiều, còn chúng ta NHẬN quá nhiều mà yêu chẳng bao nhiêu, thế nên:

Lấy chi đáp đền Chúa đây
Vì bao ân huệ chính Ngài đã ban? (Tv 116:12)

Dù thật lòng muốn đền đáp ơn Chúa nhưng chẳng có gì để dâng, nếu có thì cũng chẳng có gì xứng đáng. Thân phận bụi tro mọn hèn cả dám thân thưa:

Con nâng chén hồng ân cứu độ
Mà xưng tụng danh Chúa mãi thôi (Tv 116:13)

Thời quân chủ, thần dân không được ngước nhìn Long Nhan, ai nhìn sẽ bị tội khi quân và phải chết. Thần dân muốn tâu trình điều gì phải quay hướng khác và không được tâu trực tiếp mà chỉ được tâu với cái “bệ rồng” Vua ngồi: “Muôn tâu bệ hạ”. Thế nhưng, đối với Thiên Chúa là Vua các vua và Chúa các chúa, thân sâu bọ chúng ta lại được diện kiến Tôn Nhan thì quả là vô cùng diễm phúc: “Trước Thánh Nhan thật là quý giá, cái chết của những ai hiếu nghĩa với Ngài” (Tv 116:15). Chúng ta chỉ là tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, thế mà lại được diễm phúc thì phải ghi lòng tạc dạ thâm ân này: “Con sẽ dâng hiến lễ tạ ơn mà xưng tụng danh Chúa” (Tv 116:17), đồng thời phải chân thành tự thề hứa: “Lời khấn nguyền với Chúa, con xin giữ trọn, trước toàn thể Dân Ngài” (Tv 116:18).

PHỤC VỤ VÌ YÊU THƯƠNG

Biết thì phải chia sẻ cho người khác, trừ khi người ta không muốn được chia sẻ. Chia sẻ là một dạng yêu thương: cho, tặng, biếu. Chính Thánh Phaolô đã xác nhận: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em” (1 Cr 11:23). Rồi ngài kể lại việc Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”, và cuối bữa thì Chúa Giêsu nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:24-25). Thánh Phaolô giải thích: “Từ nay cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11:26), do đó mà chúng ta hằng ngày tuyên tín trong mỗi Thánh lễ: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”, hoặc “Lạy Chúa, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến”.

Ngay trước Lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết “giờ của Ngài” đã đến, đó là giờ Ngài phải bỏ thế gian mà về với Thiên Chúa Cha. Ngài yêu thương mọi người đến giọt Nước và giọt Máu cuối cùng, Ngài không muốn xa chúng ta, nhưng Ngài phải tuân phục Thánh Ý của Chúa Cha.

Đức Giêsu biết rõ Giuđa nghĩ gì, tính toán ra sao, và sắp làm gì. Nhưng Thánh Ý Chúa Cha nhiệm mầu. Thế nhưng, có người lập luận rằng “quỷ sứ không được cứu độ”. Giuđa bị gọi là quỷ sứ, Phêrô bị gọi là satan, mà quỷ sứ và satan có khác nhau? Sao satan được cứu độ mà quỷ sứ lại không được? Có gì lấn cấn? Thật ra chẳng ai dám phán xét, cũng chằng ai xứng đáng mà có quyền kết án ông Giuđa. Đừng chỉ “săm soi” một vài khía cạnh nào đó rồi quyết đoán. Tại sao Tội Nguyên Tổ lại được Giáo hội gọi là Tội Hồng Phúc? Thật là mầu nhiệm, vì Lòng Chúa Thương Xót lớn hơn mọi tội lỗi của cả nhân loại kia mà!

Chúa Giêsu bởi Thiên Chúa mà đến, và Ngài sắp phải trở về cùng Thiên Chúa. Do đó, trong một bữa ăn, Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Chắc hẳn môn đệ nào cũng ngạc nhiên vô cùng khi thấy Sư phụ hành động “kỳ cục nhất thế gian”.

Thế nên, khi Ngài đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13:6). Không hề có bề trên nào dám làm chuyện “ngược đời” và “động trời” như vậy. Nghe Phêrô nói, Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13:7). Ông Phêrô chưa thể hiểu nên lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13:8a). Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13:8b). Nghe Thầy nói “không được chung phần” thì ông Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa” (Ga 13:9). Nhưng Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” (Ga 13:10). Ông Phêrô cụt hứng, chẳng khác như bị tạt nước lạnh. Rõ ràng Ý CHÚA HOÀN TOÀN KHÁC HẲN Ý LOÀI NGƯỜI. Ngài rất thâm ý nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch”.

Rửa chân cho các môn đệ xong, Ngài mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?” (Ga 13:11). Hỏi vậy thôi, chứ Ngài biết tỏng là chẳng ai hiểu, vì ông nào cũng “mắt chữ O và miệng chữ A”, cứ như trời trồng hết thảy. Thấy thế, Chúa Giêsu nói luôn: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-15).

Thầy mà còn rửa chân cho đệ tử, chủ mà rửa chân cho đầy tớ, thế thì chắc chắn đệ tử hoặc đầy tớ cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho đệ tử, để đệ tử cũng làm như Thầy đã làm cho đệ tử. Đó là Luật Yêu của Chúa. Luật nhẹ nhàng mà KHÔNG DỄ thực hiện, lời giản dị mà thâm thúy. Và đó cũng là điều chúng ta phải suy nghĩ, nhất là trong Tam Nhật Thánh này, vì chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta noi theo.

Chữ Yêu bắt đầu bằng mẫu tự Y có hình “ngã ba”, nghĩa là có 3 hướng: Hướng lên Chúa, hướng tới tha nhân, và hướng về chính mình. Yêu Chúa hết linh hồn và hết trí khôn, yêu người như chính mình, yêu mình ít thôi – không được yêu mình thái quá (tự ái là yêu mình thái quá, là ích kỷ). Yêu có những hệ lụy quan yếu. Yêu là điều luôn có mối liên kết quan trọng: Cần thiết –> thiết tha –> tha thứ. Đó là quy-trình-yêu-thương, là vòng-tròn-thương-xót. Và một hệ lụy khác lại phát sinh: YÊU thì phải KÍNH, KÍNH thì phải NỂ, NỂ thì phải TRỌNG, TRỌNG thì phải VỌNG (mong), MONG thì thấy NHỚ, NHỚ nghĩa là YÊU. Đó là vòng-tròn-yêu bắt đầu và kết thúc bằng động từ YÊU. Chúa nhớ chúng ta và chúng ta cũng phải nhớ Chúa, mà NHỚ NGÀI thì PHẢI THI HÀNH THÁNH Ý NGÀI. Hoàn toàn hợp lý!

Cũng như khi nói về gia đình, chúng ta áp dụng danh từ kép “hiếu đễ”. Và thật kỳ lạ với chuỗi hợp lý này: HIẾU thì phải ĐỄ (nhường), NHƯỜNG thì phải NHỊN. Nhờ đó mà “trong ấm, ngoài êm”, tạo nên “tổ ấm”, tạo nên hạnh phúc gia đình. Xã hội cũng vậy. Cộng đoàn cũng thế. Nói chung, tất cả chỉ cần tóm gọn trong một chữ YÊU. Biết yêu thì biết thương, biết thương thì biết xót, đó chính là biết sống lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lạy Thầy Giêsu chí thánh, nhân từ và giàu lòng thương xót, xin đổi mới trái tim chúng con nên giống Chúa để càng ngày càng thêm nhiều “máu yêu” hơn, nhờ đó mà chúng con có thể vừa yêu mến Ngài vừa yêu thương tha nhân, đồng thời dám sống và hành động như Ngài trong mọi hoàn cảnh. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Chia sẻ Bài này:

Related posts