Của Ăn Đàng

Hành trình nào cũng cần có lương thực để duy trì sức khỏe, để có thể đủ sức tới đích đến. Lữ hành trần gian là hành trình tiến về Nước Trời, không thể thiếu Thần Lương là Thánh Thể. Thánh Giáo Hoàng Piô X (*) đã xác định: “Bí tích Thánh Thể là con đường ngắn nhất và chắc chắn nhất đưa ta về Quê Trời”.

Chính Chúa Giêsu đã xác nhận: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:54-56). Như vậy, ai không tiếp nhận Thánh Thể thì chắc chắn không có sự sống đích thực của Thiên Chúa. Yếu đuối thì làm sao đủ sức tiếp tục hành trình?

Trong thế chiến I, giữa chiến trận chống lại quân Hồi giáo đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), quân đội Australia và New Zealand luôn được nhắc nhở điều quan trọng nhất là hãy chăm sóc linh hồn của mình trước. Giữa sự nguy hiểm của làn bom mũi đạn, họ vẫn cung kính đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể. Trong trận chiến này, chỉ tính riêng lực lượng Australia, đã có hơn 8.000 binh sĩ tử vong. Thật là tuyệt vời, bởi vì ngay trong lúc nguy hiểm nhất, họ vẫn luôn ý thức và tôn kính Thánh Thể qua việc rước lễ như “Của Ăn Đàng”.

Chúa Giêsu đã xác định: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Thật tuyệt vời, vì chúng ta không chỉ ĐƯỢC SỐNG mà còn SỐNG DỒI DÀO nhờ sự sống của Ngài, cụ thể là chính Mình và Máu Ngài. Chúa Giêsu đã có cách độc nhất vô nhị mà không ai có thể tưởng tượng ra được, đó là Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trước khi Ngài bị kết án tử. Thánh Thể được hiểu bao gồm cả Thánh Huyết, vì trong thịt luôn có máu. Thánh Thể là Phép Lạ vĩ đại nhất, là Phép Lạ của các phép lạ.

Để có sự sống thì chúng ta phải ăn uống, và ăn uống để duy trì sự sống. Tuy nhiên, lương thực chúng ta ăn hằng ngày không chỉ là các loại thực phẩm bình thường mà đặc biệt là chúng ta được ăn chính Thánh Thể của Chúa Giêsu. Đó là Thần Lương, là Nguồn Sống cho bất cứ ai đang trên đường lữ hành trần gian.

THÁNH ƯỚC

Bí tích Thánh Thể là một trong các Thánh Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với chúng ta. Ngày xưa, Kinh Thánh cho biết rằng ông Menkixêđê là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, là vua thành Salem, và chính ông mang bánh và rượu ra. Sau đó, ông chúc phúc cho ông Áp-ram: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Áp-ram! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!” (St 14:19-20). Sau đó, Thiên Chúa đã thiết lập Giao Ước Vĩnh Cửu với Áp-ram và xác nhận: “Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc” (St 17:5).

Trình thuật sách Sáng Thế ngắn gọn nhưng có những chi tiết quan trọng. Thứ nhất, thời Cựu Ước, BÁNH và RƯỢU được dùng làm lễ vật; thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng dùng BÁNH và RƯỢU để thánh hóa trở thành chính Mình và Máu của Ngài. Thứ nhì, có lễ vật thì cần có người dâng, đó là các tư tế, đại diện dân Chúa mà dâng lễ vật lên Thiên Chúa hằng ngày, họ được mệnh danh là những người theo phẩm trật Menkixêđê. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, đồng thời Ngài cũng thiết lập chức linh mục. Các linh mục thừa tác tiếp tục công việc tế lễ để Chúa Giêsu hằng ngày hiện diện thật giữa chúng ta, để nhờ Mình và Máu Ngài, chúng ta được sống và sống dồi dào qua từng hơi thở. Quả thật, Đại Tôn Sư Giêsu quá tuyệt vời!

Trong tâm tình phấn khởi, tác giả Thánh Vịnh nói về sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng:“Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con” (Tv 110:1). Và từ Sion, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ. Thật vậy, chính Thiên Chúa đã tuyên phán: “Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con” (Tv 110:3). Chúng ta chỉ là cát bụi, hoàn toàn bất xứng, nhưng lại vô cùng hạnh phúc vì được Ngài giao ước. Tuy chỉ một lần thề ước, nhưng là vĩnh viễn, vì Ngài sẽ chẳng rút lời: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê” (Tv 110:4).

Thánh Phaolô chia sẻ rõ ràng: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:23-24). Thánh Phaolô tiếp tục nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:25).

Trên khắp thế giới, Phép Lạ vĩ đại vẫn xảy ra hằng ngày trên các bàn thờ, nhưng mắt thường không thể nhìn thấy, cho nên sau lời truyền phép, Giáo hội xác nhận: “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Và rồi mọi người cùng tung hô theo lời của Thánh Phaolô đã nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11:26). Quả thật, chúng ta phải dùng con-mắt-đức-tin để bù đắp cho con-mắt-trần-tục khi tôn kính Thánh Thể. Trong những lần hiện ra với các thị nhân, Chúa Giêsu và Đức Mẹ vẫn luôn nhắc nhở người ta phải hết lòng tôn sùng và yêu mến Thánh Thể.

NHÃN TIỀN

Từ cổ chí kim, “lời Chúa hứa được chứng nghiệm tỏ tường” (Tv 18:31), vì “Ngài là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời” (Tv 146:6). Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, vì thế Ngài không bao giờ nói suông, luôn thực tế, đồng thời cũng là để củng cố lòng tin cho mọi người.

Theo lời kể của Thánh sử Luca, một hôm nọ, có đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu. Ngài tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Khi bóng đêm dần buông xuống, các môn đệ đến bên Thầy Giêsu và thưa: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng” (Lc 9:12). Như vậy thì còn nói làm gì. Thế nên Ngài liền bảo các đệ tử: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9:13a). Ôi chao, “căng” thật đấy! Có lẽ họ gãi đầu và nhìn nhau, không biết xử lý ra sao. Nhưng rồi có người thấy đứa bé có ít lương thực, nên liền thưa với Thầy Giêsu: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này” (Lc 9:13b).

Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông, chưa kể phụ nữ và trẻ em. Một bữa tiệc nhỏ còn phải chuẩn bị cả tuần trước, dù chỉ vài chục thực khách chứ nói chi vài trăm người. Thế mà lúc này có tới gần chục ngàn người chứ ít gì. Làm sao mà xoay xở đây chứ?

Thấy các ông vò đầu, bóp trán, vẻ lo lắng hiện rõ trên từng khuôn mặt của các đệ tử, Đức Giêsu nói với họ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một” (Lc 9:14). Bị động và bị… “triệt buộc”, nhưng các môn đệ được Thầy gỡ rối tình huống, thế nên Thầy bảo sao thì họ làm ngay, chả dám ý kiến chi cả. Các ông bảo mọi người ngồi xuống theo nhóm. Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời CHÚC TỤNG, BẺ RA và TRAO CHO các môn đệ để họ dọn ra cho đám đông cùng hưởng dùng.

Thánh sử Luca cho biết thêm về một điều kỳ diệu khác: “Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được MƯỜI HAI THÚNG” (Lc 9:17). Đúng là một phép lạ vĩ đại và nhãn tiền, một phép lạ của lòng thương xót, cả hàng ngàn người thấy rõ chứ chẳng phải là nghe kể lại.

Trong cuộc sống, miếng ăn liên quan các vấn đề khác, không chỉ về sự sống mà còn về “quyền lợi”. Tục ngữ Việt Nam nói: “Trâu cột ghét trâu ăn”. Một thực tế buồn nhưng vừa minh nhiên vừa mặc nhiên. Ngày xưa, Thánh Phaolô đã có lần nhắc nhở: “Một số cành cây ô-liu đã bị chặt đi, còn bạn là ô-liu dại đã được tháp vào đó, và cùng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ô-liu chính. Vì thế, bạn đừng có lên mặt khinh dể các cành khác” (Rm 11:17-18a). Câu nói đáng để chúng ta “giật mình” và tự sờ gáy mình lắm. Và rồi Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Bạn cứ lên mặt đi! Đâu phải bạn mang rễ, mà là rễ mang bạn” (Rm 11:18b). Chắc chẳng ai dám cho mình là “ngon” hơn người khác. Nhưng theo thời gian, tự ái lại vùng lên, “cái tôi” chỉ rình đè bẹp người khác mà thôi. Phải luôn cảnh giác!

Chia sẻ là điều quan trọng, cả vật chất lẫn tinh thần, ai cũng biết. Việc chia sẻ liên quan động thái CHO và NHẬN: Phúc cho ai CHO mà không nhớ, NHẬN mà không quên” (Elizabeth Bibesco). Hai động từ này quan trọng và đầy ý nghĩa. Thánh Phanxicô Assisi đã đưa ra dạng nghịch-lý-thuận này: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hòa Bình). Quả thật, nếu chúng ta không chia sẻ với người khác về những thứ họ cần, đó là chúng ta đã cướp chính sự sống của họ! Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo cũng đề cập các vấn đề tương tự.

Sống yêu thương là chu toàn Luật Chúa một cách cụ thể – mở tấm lòng và mở đôi tay. Đó là cách bác ái tích cực, là sống tốt. Thật vậy, Thánh Giacôbê đã xác định: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội” (Gc 4:17). Và chúng ta đừng quên cầu nguyện: “Theo lời Chúa hứa, xin cho con được sống, đừng để con thất vọng ê chề” (Tv 119:116).

Lạy Thiên Chúa nhân từ và giàu lòng thương xót, xin cảm tạ Ngài đã thương ban Thánh Thể làm “của ăn đàng” để chúng con được sống và sống dồi dào, xin giúp chúng con xứng đáng lãnh nhận Thánh Thể hằng ngày để mai này cũng xứng đáng được đồng hưởng sự sống đời đời. Xin Chúa giúp chúng con biết sẵn sàng và vui vẻ chia sẻ với mọi người, nhất là những người thiếu thốn – tinh thần hoặc vật chất. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

(*) Thánh Piô X tên thật là Giuseppe Melchiorre Sarto, sinh ngày 2-6-1835, mất ngày 20-8-1914, lên ngôi giáo hoàng năm 1903. Ngài là người đã khuyến khích rước lễ thường xuyên, nhất là đối với trẻ em, được mệnh danh là “Giáo Hoàng của Thánh Thể”. Khẩu hiệu giáo hoàng của ngài là “Omnia instaurare in Christo – Canh Tân Mọi Sự Trong Đức Kitô”. Xuất thân là con nhà nghèo nên ngài tâm niệm: “Tôi sinh ra nghèo hèn, tôi sống nghèo hèn, và tôi muốn chết nghèo hèn”.

Ngài quan tâm chính trị và khuyến khích người Công giáo Ý cũng quan tâm chính trị hơn. Một trong các hành động trong triều đại giáo hoàng của ngài là chấm dứt quyền được coi là của chính phủ có thể can thiệp vào việc bầu giáo hoàng – một động thái làm giảm tự do của mật viện. Năm 1905, khi Pháp từ bỏ thỏa hiệp với Tòa Thánh và đe dọa tịch biên tài sản của Giáo hội nếu chính phủ không có quyền kiểm soát Giáo hội, ngài vẫn thẳng thừng từ chối yêu cầu vô lý của Pháp.

Chia sẻ Bài này:

Related posts