Có một điệp khúc

Nếu hiểu ngày đầu năm là ngày tết, thì hôm nay là Tết của phụng vụ. Vì hôm nay là Chúa nhật I mùa Vọng, Chúa nhật đầu tiên của năm phụng vụ mới, năm phụng vụ 2016. Nhưng không như tết bình thường mà chúng ta vẫn nghĩ. Tết của phụng vụ không mang màu sắc của lễ hội, không ồn ào, hình thức bên ngoài.

Tết của năm phụng vụ vẫn có nội dung riêng của nó. Đó là ngày Tết của đức tin, vì thế cũng là ngày Tết của những ai sống đức tin. Vì chỉ có những ai sống đức tin mới cảm nhận trọn vẹn một cách riêng biệt sự thánh thiện mà một ngày Tết rất riêng này mang lại. Đó là quà tặng dành cho những tâm hồn có Chúa.

Ý nghĩa niềm vui của ngày Tết như quà tặng dành cho người sống đức tin được Chúa Giêsu cho biết rất rõ trong bài Tin Mừng: Trong khi người ta kinh hồn bạc vía vì “những điềm lạ xuất hiện trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao”, làm cho “các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ”. Nó khiến “người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời rung chuyển”. Chính lúc ấy, chính lúc vũ trụ dao động dữ dội như thế, “Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả”.

Mặc dù người ta và cả vũ trụ nữa, sống trong tâm trạng đầy bất an đến mức Lời Chúa phải diễn tả bằng những cụm từ: “Buồn sầu lo lắng”, “Sợ hãi kinh hồn”, thì Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ rằng, chính lúc đó, “Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”. Đó không phải là cách nói để diễn tả niềm vui mừng lớn lao dành cho những người thuộc về Chúa, những người sống đức tin đó sao!

Chỉ bằng một câu nói ngắn, Chúa Giêsu đã cho thấy vinh quang của những tâm hồn có Chúa: “Hãy đứng dậy”; “Hãy ngẩng đầu lên”; “Giờ cứu rỗi đã gần”. Cách riêng, những động từ : “đứng dậy”, “ngẩng đầu” là những động từ không chỉ nói lên niềm vui, nhưng còn là một niềm vui chiến thắng, một niềm vui chứa đựng vinh quang, niềm vui kiêu hãnh.

Lý do của niềm vui lớn lao càng trở nên trọng đại vì đó là lúc “Con Người hiện đến”, đó là “giờ cứu rỗi đã gần”. Bởi có niềm vui nào dám sánh niềm vui ơn cứu rỗi. Và có tình yêu nào dám ví Tình Yêu của Đấng Cứu Rỗi đến cứu rỗi những ai thuộc về Người.

Vậy ai là người sống đức tin? Bởi đó, ai là người thuộc về Chúa?

Rất nhiều lần, Chúa Giêsu răn dạy: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”. Hôm nay, ngày Tết của phụng vụ, một lần nữa, qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lại nói với chúng ta: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”.

Nhưng không chỉ có hôm nay, ngày Tết chỉ là một khởi đầu. Vì Giáo Hội sẽ tiếp tục dùng chính những lời này của Chúa Giêsu như một điệp khúc nhắc nhở chúng ta, nhắc đi, nhắc lại suốt mùa Vọng. Và Giáo Hội sẽ còn tiếp tục nhắc nhở, cách này cách khác suốt năm phụng vụ.

Vì điệp khúc “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” quan trọng như thế, cho nên bất cứ ai sống và ý thức để sống một cách trọn vẹn mỗi ngày một hơn, người đó là người sống dức tin. Bởi đó là người thuộc về Chúa.

Vậy làm sao để có thể “tỉnh thức và cầu nguyện”?

Cầu nguyện thì ai cũng có thể hiểu được. Chắc hẳn trong đời sống thường nhật, người Kitô hữu vẫn biết rằng cầu nguyện là việc tối quan trọng đối với đức tin của mình, một việc làm không thể bỏ qua.

Nhưng tỉnh thức là như thế nào? Chắc chắn tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ. Đối với đức tin của người Kitô hữu, tỉnh thức là cảnh giác, đề phòng. Cảnh giác những nguy hại, những chước cám dỗ, đề phòng để đừng rơi và cạm  bẫy của tội lỗi, của sự dữ.

Một câu chuyện để có thể giúp chúng ta hiểu hơn ý nghĩa của tỉnh thức:

Có một anh thanh niên, một hôm, gặp thần chết đến với mình. Anh sợ hãi, năn nỉ thần chết đừng hại mình nhưng hãy cho anh ta sống thêm một thời gian nữa. Thần chết đồng ý. Nhưng không hiểu sao hôm ấy thần chết lại dễ tính quá. Sau khi để cho anh được sống, thần chết còn hứa, nếu sau này, khi nào thần chết đến gọi anh ra khỏi cuộc đời, thần chết sẽ báo trước để anh chuẩn bị. Anh mừng rỡ và cám ơn thần chết rối rít.

Thế là từ đó, biết rằng cái chết của mình sẽ được báo trước, anh thanh niên bắt đầu một cuộc sống rất thoải mái. Anh dung túng cho bản thân mình đến mức đêm ngày ngụp lặn trong dâu bể của tội lỗi. Anh bất kể Thiên Chúa, bỏ mặc vợ con, mải miết đắm chìm trong những thú vui đồi bại. Không những thế, khi vợ con lên tiến phản đối, anh còn tặng lại cho họ những trận đòn chí tử…

Rồi một ngày, anh bị một cơn bạo bệnh bất ngờ ập đến. Mọi người đều lo lắng cho anh. Ai cũng sợ anh phải chết. Riêng anh thanh niên vẫn thản nhiên vì mãi cho đến lúc này, lúc mà anh trở nên yếu sức vô cùng, anh vẫn chưa thấy thần chết nói gì. Và đúng như thế. Sau cơn bạo bệnh, anh nhanh chóng lấy lại sức khỏe như chưa hề có bệnh tật gì. Anh càng chắc mẫm rằng, ngày tận số của mình vẫn còn dài. Từ đó anh càng lao thân như điên như dại vào con đường bê tha, vào vũng bùng thối tha nhưng đối với anh, nó thật êm ái.

Lần khác, anh cùng vợ mình đang ngồi trên một toa xe lửa. Vì quá tủi buồn cho bản thân và cô đơn trong đời sống vợ chồng, vợ anh đã nhảy khỏi xe lửa trước mặt anh. Các bánh xe của đoàn tàu thản nhiên lăn trên thân thể của chị thật kinh hoàn. Bất giác làm anh rùng mình khiếp sợ. Nhưng giây phút chứng kiến cảnh tượng đó mau chóng biến tan. Không những anh vẫn thản nhiên sống, mà còn xem đó là cơ hội để thoát khỏi sự ràng buộc của vợ. Vợ anh chết, chứ thần chết có nói gì với anh đâu!

Một lần khác, anh lại bị một tai nạn khi đang đi đường. Anh ngất xỉu, máu me đầy người, nằm mê man, không hề biết gì. Đưa anh vào bệnh viện mà mọi người chẳng còn chút hy vọng nào cho sự sống của anh. Nhưng thần chết vẫn chưa đến, vẫn chưa báo trước điều gì. Và anh đã tỉnh lại. Lại thêm một lần, anh thầm cám ơn thần chết, vì ông đã không phản bội lời hứa của chính mình. Cuộc sống của anh lại bắt đầu và tiếp diễn.

Nhưng thật lạ lùng. Một hôm, khi anh vẫn đang là người khỏe mạnh, vẫn đang sống cuộc sống trác táng của mình, chính lúc ấy, anh lại gặp thần chết. Một lần nữa, thần chết viếng thăm anh. Anh lo sợ quá sức, bủn rủn tay chân. Dường như đất dưới chân anh đang quay cuồng. Tâm trí anh hoàn toàn sụp đổ. Thần chết mỗi lúc một đến gần hơn. Ông cho biết, hôm nay ông sẽ cất mạng sống của anh. Anh van lạy thần chết một cách tuyệt vọng và đớn đau. Anh trách móc thần chết đã quyên lời hứa, đã không báo trước giờ chết của anh. Nhưng thần chết rất bình tỉnh, từ tốn nói với anh: “Ta đã báo cho ngươi biết trước giờ chết của ngươi, không phải một nhưng đã nhiều lần. Ngươi đâu có nghe ta, vì thế hôm nay người đừng van xin gì hết. Đã đến lúc ngươi phải theo ta”. Anh thanh niên vẫn tìm cách kéo dài sự  sống: “Nhưng thưa thần chết, tôi đâu có bao giờ nghe thấy ông nói gì với tôi?” . “Ngươi đừng có cố viện lý do. Qua những lần ngươi đau nặng, và qua chính cái chết tang thương của vợ ngươi, ta đã báo cho ngươi biết. Chính cuộc sống, sự đau khổ, bệnh tật, cái chết của bản thân và của mọi người xung quanh là bài học kinh nghiệm quý giá cho ngươi học lấy, đó chính là sự nhắc nhở của ta dành cho ngưoi. Nhưng ngươi vẫn không nghe, vẫn cứng đầu, vẫn cố tình ở lỳ trong tội của ngươi. Vì thế hôm nay ngươi phải đền tội”. Và thần chết tiến tới lôi anh đi trong khi lòng anh rung sợ…

Như vậy: tỉnh thức là sự khôn ngoan, và tiên liệu trước giờ chết của mình ngay trong thực tại này, để giờ chết không bao giờ bất ngờ, nhưng luôn có trước một sự chuẩn bị sẵn sàng của bản thân ta.

Mùa Vọng là mùa của tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức để cảnh giác với mọi cám dỗ của tội lỗi. Cầu nguyện để tinh thần mạnh mẽ, để ơn Chúa ngày càng thấm đẫm và lớn lên không ngừng trong tâm hồn. Cầu nguyện để hỗ trợ cho sự tỉnh thức của bản thân, giúp ta có đủ nghị lực vượt qua và vượt lên trên những thói xấu, những đam mê, những toan tính và dính bén quá nhiều với trần thế, làm cho tâm hồn ta xa rời Thiên Chúa, xa rời lòng mong ước và ái mộ quê trời của mình.

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện”, một điệp khúc dù rất quen thuộc, nhưng rất cần thiết để nhắc đi nhắc lại, không phải chỉ trong mùa vọng, mà trong cả cuộc đời của bạn và của tôi. 

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts