- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Các Bài Suy Niệm Lễ Thánh Gia C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 2, 41-52)

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.

Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.

Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.

Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ THÁNH GIA

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Những tranh ảnh về Thánh Gia thường diễn tả một gia đình ấm êm hạnh phúc. Thánh Giuse làm thợ mộc trong nhà. Đức Mẹ ngồi may vá. Đức Giêsu phụ giúp Thánh Giuse. Phải chăng Thánh Gia luôn sống trong êm đềm thư thái, không hề biết đến khổ đau? Phải chăng cuộc sống gia đình thánh cứ phẳng lặng trôi như mặt nước mùa thu không gợn sóng gió? Không phải, trái lại Thánh Gia đã biết đến rất nhiều sóng gió, thử thách.

Còn thử thách nào lớn hơn cảnh nghèo. Vì nghèo mà biết bao gia đình sinh ra bất hoà, ấy thế mà Thánh Gia đã phải trải qua những kinh nghiệm đớn đau của kiếp nghèo. Bị xua đuổi, bị hất hủi đến nỗi phải trú ngụ trong chuồng bò lừa. Thê thảm hơn nữa, phải sinh con giữa bầy súc vật, không giường chiếu chăn màn.

Còn gì buồn hơn là bị thù ghét, bị săn đuổi? Thánh Gia sống hiền lành khiêm nhường, thế mà phải chịu đựng sự thù ghét của Hêrôđê. Vừa sinh ra, còn non nớt đã phải bồng bế nhau chạy trốn, xa quê hương đất nước.

Còn cảnh nào bi đát bằng cảnh vợ chồng hiểu lầm nhau? Thế mà Thánh Giuse đã hiểu lầm Đức Mẹ khi Đức Mẹ thụ thai bởi quyền phép Đức Chúa Thánh Thần. Ai đã trải qua cảnh nghi ngờ bị phản bội sẽ hiểu Thánh Giuse đã bị giày vò đau đớn đến mức nào.

Còn gì khiến cha mẹ buồn hơn khi thấy con cái không ngoan ngoãn vâng lời, bỏ nhà ra đi? Vậy mà Thánh Giuse và Đức Mẹ đã phải chứng kiến cảnh đứa con ngoan ngoãn của mình tự động ở lại Đền Thờ mà không xin phép cha mẹ. Các ngài vất vả lo âu tìm kiếm thì ít, nhưng buồn phiền đau khổ thì nhiều. Làm sao các ngài tránh khỏi buồn phiền khi nghĩ rằng người con mà các ngài rất mực yêu quý đã cãi lời cha mẹ?

Những sóng gió mà Thánh Gia đã phải đương đầu như thế có lẽ nhiều và nặng nề hơn những gia đình bình thường. Thế nhưng các ngài vẫn giữ được hạnh phúc gia đình. Nhờ bí quyết nào các ngài đã vượt qua được biết bao cơn sóng gió như thế?

Trước hết các ngài luôn tìm thánh ý Chúa. Mỗi khi gặp gian nan thử thách, các ngài không tìm ý riêng mình, cũng không tìm ý thích của người đời, nhưng luôn đi tìm ý Thiên Chúa. Tìm ý Chúa mạc khải trong Kinh Thánh, qua các biến cố xảy đến. Tâm sự với Chúa trong giờ cầu nguyện. Hỏi ý kiến Chúa nơi các vị đại diện.

Khi biết được thánh ý Chúa, các ngài lập tức mau mắn vâng lời. Đức Mẹ muốn giữ mình đồng trinh, nhưng khi biết ý Chúa muốn cho Người làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ liền thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng lời thiên sứ truyền”. Thánh Giuse đang muốn bỏ đi, nhưng khi biết ý Chúa muốn cho Người ở lại, Người đã vâng lời ngay không ngần ngại.

Sau cùng, các ngài luôn quên mình vì hạnh phúc của mọi người trong gia đình. Thánh Giuse tuy là gia trưởng, nhưng đã hết tình phục vụ Đức Mẹ và Đức Giêsu. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng lại xưng mình là tôi tớ của Thiên Chúa. Còn Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng lại trở thành người con bé nhỏ nhất trong gia đình.

Ngày nay, nhiều gia đình gặp khủng hoảng, lâm vào cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, vì đã không biết áp dụng những bí quyết của Thánh Gia. Mỗi khi gặp khó khăn, thay vì cầu nguyện, đọc Phúc Âm để tìm ý Chúa thì lại đi tìm ý kiến ở những nơi mê tín dị đoan. Thay vì vâng lời Chúa qua các vị bề trên thì lại chỉ tìm ý riêng mình. Thay vì khiêm nhường quên mình thì lại kiêu ngạo tự ái, bắt người khác phải phục vụ mình.

Hôm nay, gia đình chúng ta hãy biết noi gương Thánh Gia: Bỏ ý riêng để tìm thánh ý Thiên Chúa; mau mắn vâng lời Chúa; và hạ mình khiêm nhường, quên mình để phục vụ người khác. Có như thế chúng ta mới hy vọng giữ được hạnh phúc gia đình, nhất là khi phải đối phó với những khó khăn ngày càng nhiều trong đời sống hiện nay.
Lạy Thánh Gia, xin nâng đỡ gia đình chúng con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Mỗi khi gia đình có việc rắc rối, tôi thường làm gì trước: cầu nguyện, đọc Phúc Âm, hay là đi xem bói?
2. Mỗi khi có bất đồng ý kiến, tôi thường khiêm nhường xét mình, hay là tự ái bắt người khác phải nhận lỗi?
3. Qua tấm gương của Thánh Gia, tôi có quyết tâm gì để xây dựng hạnh phúc gia đình trong năm mới?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

>> Mục Lục [10]

BỔN PHẬN Ở NHÀ CỦA CHA
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Giai thoại ‘thất lạc Trẻ Giêsu’ quá độc đáo này trình bày hình ảnh một Thánh Gia hoàn toàn khác: không an hòa, đầm ấm như người ta thường mơ ước, hay từng được các thi sĩ ca ngợi, nhưng là một Thánh Gia gần gũi hơn với thực tế của con người, căng thẳng, sung khắc, đầy dẫy những hiểu lầm. Biến cố này được ghi nhận không hẳn nhằm mục đích đề cao sự khôn ngoan trước tuổi của một đứa trẻ mới 12, cho dầu điều này có thoáng qua được đề cập tới. ‘Hai ông bà thấy con… đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt các câu hỏi. Ai nghe cậu cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu’. Ý tưởng trung tâm của giai thoại, cũng là bài học chủ chốt cho mọi gia đình Kitô, chính là câu nói xác quyết, đồng thời là câu nói đầu tiên được ghi nhận của Trẻ Giêsu: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

Thất lạc đứa con thân yêu quả là một biến cố đau thương đối với bất kỳ gia đình nhân loại nào. Ở đây mới chỉ là thất lạc tạm thời và thể lý, chưa kể tới những thật lạc dài lâu hay vĩnh viễn, hoặc thuộc diện tinh thần – đạo đức mà không ít gia đình gặp phải. Thất lạc gây buồn phiền, lo lắng, phiền trách… thậm chí đổ vỡ, thì cũng là thường tình thôi. “Con ơi, sao con lại sử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con va mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Một gia đình nhân loại lý tưởng lẽ ra phải là một gia đình không có những thất lạc mất mát dưới bất kỳ hình thức nào; phải là một gia đình mẹ tròn con vuông, cơm mặn canh ngọt, sum họp đầm ấm, trên thuận dưới hòa… Cứ theo tiêu chuẩn này, Thánh Gia không thể được coi là một gia đình lý tưởng về mặt đối ngoại cũng như đối nội. Thế thì đâu là điểm đáng được đề cao nơi Thánh Gia? Tìm ra giải đáp cho câu hỏi này quả là thiết yếu cho bấy kỳ một mục vụ hôn nhân Công Giáo nào. Trình bày một hình ảnh sai lạc về Thánh Gia, có thể biến mục vụ này trở thành một câu chuyện thần thoại chỉ tồn tại trong mộng mà thôi.

Thật may mắn, cái lý tưởng nhân loại đó đã không bị gạt bỏ hoàn toàn, vẫn là một điều đáng mơ ước và cần vun trồng. ‘Trở về Nazareth Người hằng vâng phục các ngài’. Cho dầu có như vậy đi nữa, các tác giả sách Tin Mừng đã không hề muốn khỏa lấp khỏi Thánh Gia cái thực tế rất ư là nổi cộm mà mọi gia đình nhân loại, giầu nghèo bất luận, đều phải ít nhiều đối mặt trong cuộc sống thường ngày:

– Ngờ vực lẫn nhau, ‘… Ông Giuse chồng bà… không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.’ (Mt 1,19)
– Tương lai bất ổn, “Cháu bé này… là dấu hiệu cho người đời chống báng… và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” (Lc 2,24-25)
– Phân ly vì lý do này hay lý do khác, ‘… Sau một ngày đường, ông bà mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc’.
– Không hiểu nhau, ‘…Sao cha mẹ lại tìm con?…Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.’

Thánh Gia chỉ có thể trở thành gương mẫu cho mọi gia đình Kitô một khi cống hiến được một cửa mở cho cái thực tế rất phổ biến trên. Thì đây bài học căn bản của chính Thánh Gia: “Con có bổn phận ở nhà của Cha con!” Nếu gia đình Kitô đích thực là ‘nhà của Cha’ thì trong đó mỗi người và mọi người đều có bổn phận đối với Cha. Hơn nữa nếu Cha của Đức Kitô Giêsu trên hết và trước hết là một Cha nhân từ và hay thương xót, thì trong gia đình Kitô mọi người đều phải coi việc thể hiện kế hoạch từ bi và thương xót của Cha như bổn phận hàng đầu. Trước những ngờ vực lẫn nhau, tương lai bất ổn, ly tán hay hiểu lầm… tất cả mọi người, trước cả khi đi tìm lời giải đáp thuộc dạng tâm lý hay xã hội, đều tiên quyết cần ‘chu toàn bổn phận ở nhà của Cha’ bằng việc thi thố một tình yêu tha thứ và độ lượng, mà Cha trên trời là người đầu tiên đã thực hiện nơi Đức Kiô thập giá. Ngay cả Giuse và Maria cũng phải học biết điều này nếu muốn trở nên một Thánh Gia thực thụ. “Này ông Giu-se… đừng ngại đón bà Maria vợ ông về”. Công việc này không hề dễ dàng chút nào, vì như bất kỳ ai khác, ‘hai ông bà không hiểu lời Người vừa nói’. Không sách tâm lý hôn nhân nào có thể dạy được, không tư vấn gia đình nào có thể chỉ vẽ, vì đây là lãnh vực của đức tin, mà ngay cả Maria cũng chỉ học được trong thinh lặng và cầu nguyện. ‘Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng’. Thánh Gia trước hết là một gia đình Kitô, một môi trường trong đó Tin Mừng cứu rỗi của Thiên Chúa hoàn toàn thống trị. Nói như thế thì mọi gia đình Kitô đều có thể và phải trở nên Thánh Gia, bất chấp, hay đúng hơn chính vì, có đầy dẫy những nổi cộm của đời sống thường ngày.

Lạy Thánh Gia của Đức Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, xin hãy làm cho Tin Mừng tình yêu nhân ái thấm vào mọi mọi thực tế nhân loại của các gia đình Kitô chúng con. Mỗi khi đề cập tới Thánh Gia, xin cho chính chúng con bị thách đố và được nâng đỡ để thi hành kế hoạch nhân ái của Chúa Cha, như bổn phận hàng đầu trong ‘nhà Cha’. Xin đừng để cho Thánh Gia trở thành một mơ ước hão huyền bất khả thực hiện, nhưng nên như một đỡ nâng hữu hiệu và thường ngày trong cuộc sống đức tin của mỗi người chúng con. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

>> Mục Lục [10]

TRÂN TRỌNG MÁI ẤM GIA ĐÌNH
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Hôm nay lễ thánh gia thất. Nói đến thánh gia là nói đến một gia đình hạnh phúc. Một gia đình luôn đồng cảm với nhau, chia sẻ vui buồn với nhau và cùng dìu nhau đi qua những thăng trầm của dòng đời. Gia đình thánh gia nơi có thánh Giuse, một người cha luôn là lá chắn chở che cho gia đình. Gia đình thánh gia, nơi có Mẹ Maria luôn sống âm thầm, tận tuỵ trong công việc của mình. Và nhất là có Chúa Giêsu luôn kính trọng và vâng lời cha mẹ. Chính các ngài đã tạo nên một mái ấm gia đình. Các ngài đã làm cho gia đình trở thành thiên đường tại thế khi mỗi thành viên đều sống có trách nhiệm với gia đình và cùng nhau vun trồng hạnh phúc cho gia đình. Nhất là các ngài luôn tìm kiếm ý Chúa và thực thi trong cuộc đời.

Là người ai trong chúng ta cũng có một gia đình. Gia đình là chỗ chúng ta tựa nương. Gia đình là thành trì vững chãi cho cuộc đời chúng ta. Gia đình mang lại cho chúng ta niềm vui, tiếng cười. Gia đình là chiếc nôi êm ái cho cuộc đời chúng ta. Thế nên, khi xa gia đình, chúng ta vẫn luôn cảm thấy mất mát, trống vắng trong cõi lòng.

Có một lời bộc bạch của một người con vừa chập chững bước chân vào đời đã tâm sự:
“Em nghĩ tới mẹ em lúc em đi học về, lúc em đói bụng. Nghĩ hồi trước về nhà, đi học về, có mẹ nấu đồ ăn, có cơm sẵn cho mình ăn. Bây giờ, đi học về, ngồi gặm bánh mì thui thủi một mình hay nấu mì gói. Em nhớ mẹ trong lúc đi làm, khi bị người ta nói này nói kia. Mình nghĩ lúc ở nhà, ba mẹ la mình thì mình giận, nghĩ là không thương mình. Rồi bây giờ, đi ra ngoài đi làm, người ta khó khăn với mình thì mình cũng phải chịu thôi, không nói lại được. Nên nghĩ lại thấy thương nhớ cha mẹ.”

Lời tâm tình này cũng là tâm sự của nhiều bạn trẻ – những chú chim non vừa bay ra khỏi tổ, tự một thân một bóng phải vật lộn, chống chọi lại mọi thứ để tồn tại trong khoảng không gian bao la vô tận mà trước đây bầu trời xanh trong với những ước mơ bay bổng từng thu hút và đầy quyến rũ để các chú chim luôn khao khát mau được bay ra khỏi tổ một cách tự do, độc lập.

Chính vì thế mà có nhiều bạn trẻ khi va vấp những khó khăn trong cuộc sống mới giật mình xót xa:

“Có đôi lúc,
Mải mê quay với dòng đời ồn ã
Những đô hội thị thành
Những phương trời lạ
Chợt giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ cha.”

Có một sự thật là khi còn trong mái ấm gia đình chúng ta lại sống dửng dưng. Chúng ta luôn muốn thoát ra khỏi sự ràng buộc của gia đình. Chúng ta muốn tự do, tự tại, tự hành xử theo ý mình. Nhưng, đường đời đâu mấy khi bằng phẳng, dòng đời đâu mấy khi bình yên, đã giúp chúng ta nhận ra không ở đâu bình yên cho bằng gia đình, không ở đâu có tình yêu chân thành cho bằng tình cha mẹ yêu con. Lúc này, kẻ xa quê mới cảm thấy xót xa:

“Giữa bể trời bao la rộng lớn.
Con bơ vơ, phố xá đông người.
Tìm lói về mênh mông bóng tối.
Con khóc nhiều, số phận thương đau.
Cuộc đời con cần mọt hạnh phúc.
Mái ám gia đình, buoir cơm chung.
Cùng nhau sum vầy, ba ngày tết.
Mười bảy năm rồi, Có được đâu?”

Hôm nay là lễ thánh gia, ngày thánh hoá các gia đình. Chúng ta xin ơn Chúa thánh hóa từng gia đình chúng ta và ban cho chúng ta một mái ấm gia đình hạnh phúc yêu thương. Xin cho mỗi thành viên trong gia đình biết trân trọng những ngày tháng bên những người thân yêu nơi gia đình, biết hy sinh, biết sống nhường nhịn và thân ái với nhau. Xin cho chúng ta cũng biết xây dựng gia đình mình hạnh phúc bằng việc chu toàn bổn phận và sống có trách nhiệm với gia đình. Xin đừng xúc phạm đến nhau khi đang được cùng sum họp trong một mái ấm gia đình. Và xin cho mỗi thành viên biết lắng nghe tiếng Chúa và đáp lại thánh ý trong cuộc sống hằng ngày. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

>> Mục Lục [10]

NHỮNG THÁNH GIA NAZARET THỜI ĐẠI MỚI
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Có họ đạo nghèo ở vùng duyên hải miền Trung có tên gọi là Thánh Gia. Sở dĩ đặt tên như vậy là vì họ đạo nầy chọn Thánh Gia Nazaret làm bổn mạng.

Phía bên hông nhà thờ họ đạo có một hang đá khá lớn, có bộ tượng hang đá bằng thạch cao to bằng tầm vóc người trưởng thành.
Hằng năm vào dịp lễ Thánh Gia là ngày bổn mạng của giáo xứ, theo một truyền thống đã có từ lâu đời, sau khi lễ xong, các gia đình trong giáo xứ tập trung đông đảo chung quanh hang đá cầu nguyện với thánh gia thất và mỗi gia đình cử ra một vị đại diện tuần tự tiến lên theo hàng đôi đến trước bộ tượng hang đá, dâng lên Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse những bông hoa thắm tươi và thơm ngát để tỏ lòng tôn kính mến yêu.
Thế rồi một biến cố đau lòng xảy ra hai ngày trước lễ thánh gia thất năm ấy, một nhóm trẻ tinh nghịch từ làng bên vì có thù hận với nhóm trẻ trong xóm đạo, đã kéo đến vào ban đêm đập nát bộ tượng hang đá!

Sự việc nầy khiến cho nhiều người hoang mang và bối rối!

Biết tính sao đây, khi ngày lễ Thánh Gia đã gần kề? Tìm đâu ra bộ tượng ba Đấng mới thế vào bộ tượng đã bị phá tan? Nghi lễ dâng hoa cho ba Đấng vào mỗi dịp lễ Thánh Gia là một nghi lễ truyền thống đã được thực hiện xuyên suốt từ hơn trăm năm qua, lẽ nào năm nay không tổ chức được? Ngoài ra, ngày lễ Thánh Gia đã cận kề nên cũng không thể đặt làm một bộ tượng khác thay thế.

Trước tình thế đó, Cha Xứ có một sáng kiến táo bạo: Ngài cho mời đôi vợ chồng mới sinh đứa con trai đầu lòng được chừng tháng tuổi và mới được rửa tội mấy ngày trước, mặc y phục truyền thống thật chỉnh tề, đóng vai Đức Mẹ, thánh Giuse và Chúa Giêsu thay cho bộ tượng hang đá bằng thạch cao đã bị hư hại. Ngài sắp xếp cho cặp vợ chồng quỳ bên trong hang đá, chầu hai bên đứa con thơ nằm ở giữa họ và kêu mời đại diện các gia đình trong giáo xứ dâng hoa cho ba vị nầy trong tư cách là hình ảnh của Thánh Gia Nazaret.

Sáng kiến nầy đã làm cho một số người trong họ đạo cảm thấy bị sốc. Họ cho rằng làm như vậy là quá đề cao gia đình người tín hữu và xúc phạm đến ba Đấng thánh.

Cha Sở cố gắng diễn giảng cho họ như sau:

Khi đề nghị gia đình anh chị Năm đóng vai Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu thế chỗ cho bộ tượng ba Đấng bằng thạch cao bị hư, chúng ta không làm gì xúc phạm đến ba Đấng thánh, nhưng chúng ta xem gia đình anh chị Năm đây là hình ảnh rất trung thực và cao quý về Thánh Gia Nazaret. Lâu nay, chúng ta quen nhìn hình tượng ba Đấng bằng thạch cao, bằng xi măng hay bằng nhựa dẻo và chưa quen nhìn hình tượng ba Đấng bằng xương bằng thịt nên cảm thấy bị sốc.

Nhưng xin quý ông bà hiểu điều nầy:

Thứ nhất, bộ tượng ba Đấng mà ta kính viếng xưa nay là hình ảnh của Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu do tay người phàm tạo nên bằng thạch cao, không có sự sống, không có linh hồn; trong khi gia đình anh chị Năm đây là hình ảnh của ba Ngôi Thiên Chúa , do chính Thiên Chúa tạo dựng nên, có linh hồn, có lương tri, có sự sống.

Thứ hai, nhờ lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, anh chị Năm cũng như mỗi người chúng ta được trở thành chi thể của Chúa Giêsu (glcg 1267). Thánh Phaolô cũng xác nhận điều nầy: “Nào Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?” (I Cor 6,15)

Thứ ba, nhờ rước lấy Mình thánh Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, các tín hữu được trở nên cùng chung máu thịt với Người, được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa, được thông phần bản tính Thiên Chúa (2 Pr 1, 4). (xem cước chú số 1)
Như vậy, không có một bức tượng nào do tay người phàm làm ra dù bằng thạch cao, bằng gỗ, bằng đá hay bằng kim loại quý… xứng đáng được chọn làm hình ảnh của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria, của thánh Giuse cho bằng chính mỗi người ki-tô hữu chúng ta.

Thứ tư, Hội Thánh công giáo xưa nay vẫn nhìn nhận gia đình của kitô hữu là gia đình thánh nên Giáo Hội quen gọi đó là những hội thánh tại gia, tức là thánh gia.

Ngoài ra, Chúa Giêsu còn lập bí tích hôn nhân để thánh hiến đời sống vợ chồng. Thế nên không gì thích hợp cho bằng chọn gia đình kitô hữu làm biểu tượng cho thánh gia Nazaret.
Sau khi hiểu được những điều cha xứ giải thích, mọi người vui vẻ dâng những đoá hoa thật đẹp thật tươi cho anh chị Năm được cử đóng vai thánh gia Nazaret.

Rồi qua những năm sau, nhiều người trong giáo xứ đều thấy thật là thích hợp và đầy ý nghĩa khi chọn một gia đình công giáo trong họ đạo đóng vai thánh gia Nazaret thay vì dùng bộ tượng thạch cao, nên cộng đồng giáo xứ thoả thuận với nhau rằng: đôi vợ chồng nào mới sinh con và được rửa tội sớm nhất trong tháng 12 dương lịch thì sẽ được chọn đóng vai thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu để cho giáo dân kính viếng. Và cũng từ lúc đó, thay vì dâng hoa cho ba Đấng như trước đây, người ta dâng cho em bé trong vai Giêsu những hộp sữa; dâng cho người mẹ trong vai Maria những cuộn chỉ, những chiếc kim, chiếc kéo; dâng cho người cha trong vai Giuse những dụng cụ làm việc nho nhỏ như những chiếc kìm, chiếc búa, cái đục, cái bào…

Từ sự kiện nầy, các gia đình tín hữu trong xứ đạo đều ý thức mình là những thánh gia Nazaret thời đại mới. Các đôi vợ chồng trong các gia đình luôn trân trọng và yêu quý nhau như tương quan giữa Mẹ Maria và thánh Giuse: Cha mẹ biết chăm lo giáo dục con cái như Mẹ Maria và thánh Giuse đã thực hiện với Chúa Giêsu năm xưa; Con cái luôn vâng phục và thảo hiếu với mẹ cha như Chúa Giêsu đã làm đối với thánh Giuse và Đức Mẹ.

Từ đó, niềm vui, hạnh phúc và đời sống thánh thiện chan hoà trong các gia đình.
Ngoài ra, tương quan giữa các gia đình trong giáo xứ được cải thiện đáng kể vì ai nấy đều biết tôn trọng những gia đình khác vì xác tín rằng đó thực sự là những thánh gia.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

>> Mục Lục [10]

HÃY TRỞ NÊN MỘT THÁNH GIA KHÁC
Lm Paul Nguyễn Nguyên

Đã từ lâu, đời sống gia đình đã được mặc cho những cái tên thật là kêu: “Gia đình là đơn vị nền tảng xã hội”; “Gia đình là ngôi trường đầu tiên của con người”. Gia đình là một tế bào sống động của xã hội và Giáo Hội”, là nơi cung cấp cho xã hội những công dân tài năng và lương thiện, cho Giáo hội những tín hữu nhiệt thành và anh dũng. Chính tại nơi đây, con người được sinh ra, nuôi dưỡng và học được nơi cha mẹ, là những người thầy đầu tiên, những bài học quan trọng về nhân cách và các nhân đức. Chính tại nơi đây, con cái được “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Thế nhưng, những ngôn từ mĩ miều ấy ngày hôm nay có còn được nhắc đến nữa không, hay xã hội đang rung lên một hồi chuông báo động để cảnh báo về sự tụt dốc của đời sống gia đình: con số các gia đình đổ vỡ cứ gia tăng đến chóng mặt vì giữa giòng đời hôm nay vẫn còn đó những người chồng, người cha đang bê tha rượu chè, đang ngoại tình lang chạ, đang đánh mất niềm tin với Thiên Chúa nên cũng bỏ bê gia đình. Giữa giòng đời hôm nay vẫn còn đó những người vợ đang bất tín, bất trung, đang thiếu trách nhiệm và hy sinh cho gia đình, vì họ không còn niềm tin nơi Chúa nên cũng chẳng còn hy sinh cho nhau. Giữa giòng đời hôm nay, vẫn còn đó những người con đang lao vào những danh lợi thú trần gian mà lãng quên tình Chúa nên cũng xem thường tình nghĩa mẹ cha.

Trong ngày lễ Thánh Gia, Giáo Hội kêu mời chúng ta suy tư nghiêm chỉnh, trở lại ý nghĩa cuộc sống gia đình và cũng đề nghị với chúng ta một mẫu gương. Đó là mẫu gương tổ ấm yêu thương của gia đình Nazareth, gia đình của Chúa Giêsu với Mẹ Maria và Thánh Giuse.

Khi nghĩ hay nói đến gia đình Nazareth, nhiều người chúng ta chỉ nghĩ đến sự vinh quang và đời sống thánh thiện của ba thành viên của gia đình ấy, mà quên bẵng đi những nỗi vất vả và khổ đau, những thử thách cam go mà ba Đấng ấy đã phải gánh chịu. Vì thế mà chúng ta không thấy được sự gần gũi và tương đồng giữa gia đình Thánh Gia và gia đình chúng ta. Nếu chỉ nhìn vào sự thánh thiện của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse làm sao chúng ta noi gương bắt chước cho được? Nhưng nếu chúng ta nghĩ đến cảnh Thánh Giuse thấy người bạn đời của mình có thai ngoài kế hoạch của hai người hay cảnh Thánh Giuse không tìm được chỗ trọ cho Đức Maria ở Bêlem khi giờ sinh ra đã gần kề hay cảnh Con Trẻ mới sinh được đặt trong máng cỏ là chốn náu thân của đàn gia súc, hay cảnh hai ông bà đem con chạy trốn khỏi sự lùng bắt giết hại con trẻ của nhà vua thì chúng ta thấy gia đình Nazareth đã trải qua những khoảnh khắc nghiệt ngã giống như những cảnh huống đời thường của gia đình chúng ta ngày nay. Hoặc nếu chúng ta hình dung cảnh lao động vất vả của hai cha con người thợ mộc là Thánh Giuse và Chúa Giêsu trong thôn xóm nhỏ bé Nazareth thì chúng ta thấy cảnh lao động của các ngài cũng giống hệt như cảnh lao động của hàng triệu triệu con người trong xã hội chúng ta. Hoặc nếu chúng ta nghĩ đến cảnh Chúa Giêsu xuất hiện công khai, rao giảng Nước Chúa, nay đây mai đó, lang thang khắp xóm khắp làng, đi hết đầu đường xó chợ… để tìm kiếm chiên lạc và đem chúng về thì chúng ta thấy Chúa vất vả cực khổ hơn các nhà giảng đạo ngày nay bội phần. Nhất là cảnh Đức Maria đi bên cạnh Con trên đường lên Golgotha và thấy Con ngã lên ngã xuống dưới sức nặng của thập gía và rồi cảnh Mẹ đứng lặng bên chân thập giá mà Con Mẹ bị treo trên đó, thì chúng ta mới thấy cảnh ấy khủng khiếp kinh hoàng như thế nào đối với một người phụ nữ làm Mẹ.

Vậy đó, cuộc sống của gia đình Thánh gia không phải là một cuộc sống bình yên, sung sướng; ngược lại, ta thấy những khó khăn cực nhọc, những đe dọa, những truân chuyên. Nhưng đó vẫn luôn là một gia đình thánh, tràn đầy hạnh phúc và tình yêu, bởi vì cuộc sống đó luôn được dẫn dắt bởi Thánh Ý Chúa; bởi vì thánh Giuse và Đức Mẹ là những người luôn sống trong ân nghĩa với Chúa. Trong chúng ta cũng vậy có nhiều người, nhiều gia đình phải sống những hoàn cảnh khắt khe nghiệt ngã, nhưng có lẽ chưa có ai, chưa có gia đình nào phải sống những cảnh mà Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu đã sống. Xin Chúa giúp chúng ta qua mẫu gương của gia đình thánh gia, biết đặt thánh ý Chúa làm quy luật duy nhất và nền tảng cho đời sống cá nhân và gia đình chúng ta. Nhờ vậy, mỗi gia đình Công giáo chúng ta sẽ trở nên “một Thánh gia khác”, một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất để làm chứng về sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.

Lm Paul Nguyễn Nguyên

>> Mục Lục [10]

NOI GƯƠNG GIA ĐÌNH THÁNH GIA
Lm. John Nguyễn

Con Thiên Chúa đã xuống thế gian để làm người và sống trong một gia đình mà chúng ta gọi là gia đình thánh gia. Một gia đình thánh thiện, gương mẫu cho mọi gia đình, mà hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta cùng nhau để học hỏi và chiêm ngắm nơi gia đình thánh gia, và nhờ đó chúng ta nhìn lại thực tại nơi gia đình của chúng ta. Khi nói đến gia đình Nagiaret thì chúng ta nghĩ rằng, các Ngài là những bậc thánh cả, thì không có gì phải nói. Nhưng sự thánh thiện đó có phải là những con đường dễ dãi không? Và sự thánh thiện đó có tránh khỏi những đau khổ, khó khăn và mâu thuẫn không? Nếu chúng ta đọc lại Tin mừng, thì chúng ta khám phá ra rằng, gia đình thánh gia cũng phải đương đầu với những khó khăn và mâu thuẫn giữa thánh ý của Thiên Chúa và ước muốn của con người.

1. Mẫu thuẫn giữa về việc vợ chồng.

“Khi ấy, Mẹ Maria đã đính hôn với ông Giuse. Trước khi hai ông bà về chung sống với nhau, thì Maria đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”. (Mt 1, 18-24). Ngày nay, người ta có thể coi việc có thai trước hôn nhân là bình thường, nhưng với phong tục của người Do Thái lúc bấy giờ thì việc mang thai trước hôn nhân sẽ bị sỉ nhục của người đời, hay bị hình phạt ném đá trước mặt dân chúng. Trước những áp lực về tâm lý, Giuse mới định tâm bỏ Maria cách kín đáo. Điều này cũng hợp lý thôi, bởi vì chẳng người con trai nào lại muốn lấy một người vợ đã mang thai, mà cái thai đó không phải là của mình. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, gia đình thánh gia không chỉ có những mâu thuẩn trong ý nghĩ mà còn bị áp lực của xã hội. Khi đứa con chưa sinh ra thì hai ông bà đã phải chạy trốn vì sợ bị nhà vua giết chết con trẻ. Thánh Giuse lại phải đưa Mẹ Maria lên lưng con lừa lang thang khắp các làng quê, vì không có tiền để vào nhà trọ, nên phải dừng chân tại chuồng bò trong đêm đông lạnh giá, để cho Mẹ Maria sinh con. Gia đình thánh gia nghèo hơn hết mọi gia đình. Gia đình thánh gia không chỉ có nghèo mà còn bị áp lực của xã hội nữa.

2. Mẫu thuẫn giữa cha mẹ và con cái.

Thánh Luca thuật lai cho chúng ta trong Tin mừng hôm nay. Sau ba ngày, hai ông bà vất vả đi tìm kiếm con trong nỗi lo lắng và sợ hãi. Đến khi gặp Chúa Giê-su trong đền thờ, thì Mẹ Maria nói một cách nhẹ nhàng: “Sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không cha mẹ đang phải vất vả tìm con!”. Người thưa: “Sao cha mẹ tìm kiếm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Làm sao Mẹ Maria và thánh Giuse có thể hiểu được lời nói của Ngài! Giả như chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh đó, thì chúng ta sẽ xử sự như thế nào? Một đứa con mười hai tuổi trả lời với cha mẹ mình như thế trong lúc đang tức giận, thì có chắn hẳn chúng ta phải cho một cái tát vào mặt, hoặc là dạy cho nó một bài học để nhớ đời. Đằng này, Mẹ Maria và thánh Giuse ghi nhớ những điều ấy trong lòng. Khi chúng ta đặt mình vào bối cảnh câu truyện trong Tin mừng, thì chúng ta thấy rằng, thánh Giuse và Mẹ Maria cũng không hiểu hết được thánh ý của Thiên Chúa thực hiện trong đời sống của gia đình thánh gia. Cho nên, các ngài cũng phải đương đầu với những khó khăn và thử thách.

3. Động lực nào giúp các ngài vượt qua những mâu thuẫn và khó khăn?

Tôi thiết nghĩ các ngài đều lấy thánh ý của Thiên Chúa làm giá trị tuyệt đối cho hướng đi chung là thực hiện theo kế hoạch của Thiên Chúa trong đời sống gia đình. Nhờ cái hướng đi chung đó giúp cho gia đình thánh gia vượt lên trên những mâu thuẫn và hóa giải những khó khăn trong đời sống gia đình. Một nhà tâm lý đã nói rằng: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là nhìn về cùng một hướng”. Gia đình thánh gia yêu thương nhau không phải là nhìn nhau mà là nhìn về một hướng. Hướng đó không ngừng lại trên bình diện xã hội trần thế mà là hướng đi theo chương trình kế hoạch của Thiên Chúa thực hiện. Ngay từ khi sứ thần loan báo cho Mẹ Maria mang thai cho đến khi Chúa Giêsu hoàn tất công trình cứu độ cho nhân loại trên cây thập giá.

Khi chiêm ngắm gia đình thánh gia hôm nay, thì chắc hẳn gia đình của chúng ta cũng không tránh khỏi bởi những khó khăn, thử thách và mâu thuẫn trong gia đình, cho dẫu nó trên một bình khác. Thực tế, đời sống hôn nhân hôm nay đang gặp phải bởi mâu thuẫn giữa vợ với chồng. Sự khác biệt về tâm lý, khác biệt cách nhìn, cách suy nghĩ và cách sống, nên có sự rạn nứt và đổ vỡ. Đời sống gia đình trở nên thảm kịch bi thương, chia rẻ và tan nát, bởi vì họ không có hướng đi chung. Hơn nữa, áp lực bởi trào lưu của xã hội tác động lên đời sống vợ chồng bởi đồng tiền, của cải và quyền lực, đó là những nguyên nhân dẫn đến làm cho gia đình không có hạnh phúc. Con cái mất niềm tin vào cha mẹ bởi những cuộc chia ly, thì làm sao chúng có thể tin vào tình yêu Thiên Chúa trong khi đó cha mẹ là hình ảnh của Thiên Chúa đang hiện diện trong gia đình. Mặt khác, trong bối cảnh sống hiện nay, thì đời sống gia đình cũng không tránh khởi bởi những xung đột mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái do sự khác biệt về tuổi tác, quan niệm, suy nghĩ, cách sống và thời đại, nó dẫn đến sự bất hòa và tranh chấp. Con cái thiếu tôn trọng, coi thường và bỏ rơi cha mẹ v.v.

Khi chúng ta nhìn ra những thực trạng của gia đình hôm nay dưới ánh sáng Lời Chúa, điển hình là nơi gia đình thánh gia, thì hẳn chúng ta cùng nhau xác định lại với nhau rằng: bởi đâu gia đình tôi đang bị rạn nứt, đang bị đau khổ và bởi đâu có sự bởi bạo hành, ghen ghét và tranh chấp. Nếu chúng ta dành thời gian để suy niệm, để nhìn và chiêm ngắm nơi gia đình thánh gia, chúng ta sẽ nhận ra được bài học quý giá cho mỗi gia đình chúng ta, đó là lấy giá trị Tin mừng làm nền tảng cho đời sống gia đình, và chúng ta hãy xác định lại hướng đi. Chẳng hạn, một buổi cơm chung, một giờ kinh chung trong gia đình. Nguyên tắc nền tảng giáo dục gia đình là cha mẹ phải đồng tâm nhất trí với nhau. Cho dù, có những khác biệt tâm lý, nhưng khác biệt đó không cho phép chúng ta tạo nên những mâu thuẫn và xung đột, nhưng nó phải được bổ túc cho nhau để hướng dẫn con cái có cùng một hướng đi. Bởi lẽ, với cuộc sống bận rộn, lo toan miếng ăn cho gia đình, cha mẹ muốn cho con cái học thành danh trong xã hội.

Cha mẹ có một hướng đi chung, nhưng hướng đi đó là làm sao kiếm được nhiều tiền để rồi quay lại thấy gia đình mình tan vỡ, mất hạnh phúc. Con cái bỏ nhà ra đi. Thay vì, cha mẹ là chắn cho niềm tin của con cái trong bối cảnh xã hội ngày nay trước những sự dữ, sự ác đang tìm cách giết chết niềm tin của con cái chúng ta. Ngày xưa, vua Hêrôđê muốn giết Hài nhi Giêsu, nên cha mẹ Hài nhi chạy trốn, thì ngày nay cũng có những áp lực xã hội đang muốn giết con cái chúng ta về thể xác và tinh thần. Vì vậy, đời sống đức tin luôn là điều kiện cần thiết nhất trong đời sống gia đình, vì đức tin là nguồn suối bảo vệ tình yêu và hạnh phúc gia đình. Như thánh Giuse và Mẹ Maria đã dạy cho chúng ta là hãy tín thác vào thánh ý của Thiên Chúa để xây dựng hạnh phúc gia đình.

Lm. John Nguyễn, Utica, New York.

>> Mục Lục [10]

BÍ QUYẾT GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
AM. Trần Bình An

Một đôi vợ chồng người Anh sống ở Herefort đã được nhận giấy chứng nhận từ sách Guinness thế giới về hôn nhân bền vững nhất thế giới. Đó là cụ ông Percy 105 tuổi và cụ bà Florence Arrowsmith 100 tuồi.

Vào ngày 1/6/2005, hai cụ kỷ niệm 80 năm ngày cưới. Cụ bà Arrowsmith hóm hỉnh nói: “Chúng tôi rất hạnh phúc khi gắn bó với nhau suốt 80 năm. Điều quan trọng nhất đến giờ chúng tôi vẫn yêu nhau… Từ năm 1925 đến nay, tôi cảm thấy thất vọng, nếu ngày nào ổng không nói với tôi những lời âu yếm.”

Trả lời về bí quyết hôn nhân bền vững của mình, cụ bà Arrowsmith cho biết: ”Chúng tôi ít khi cãi nhau, đôi bên không bao giờ ngại nói lời xin lỗi.” (Theo BBC & Telegraph)

Tình yêu và sự tôn trọng đã nuôi dưỡng đời sống hôn nhân mỹ mãn của ông bà Percy và Arrowsmith. Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Gia, trình thuật Tin Mừng Luca phác họa đầy đủ chân dung Gia Đình Thánh còn đằm thắm, chứa chan hạnh phúc hơn nữa.

Chia sẻ & Hiệp Nhất

Theo Luật Do Thái, mỗi năm phải đi hành hương Đến Thánh ba lần, Thánh Gia cũng đã tuân thủ giữ điều này thật nghiêm chỉnh. Khi Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, tức là tuổi trưởng thành về mặt tôn giáo theo Do Thái giáo, Người cùng theo Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse lên Đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.

Hình ảnh đó nêu lên sự hiệp nhất thân mật trong gia đình, cùng nhau khuyến khích chia sẻ việc đạo, cùng nhau vâng phục và tuân giữ lề luật, và nhất là cùng nhau sốt sáng thờ phượng Thiên Chúa, tôn kính, ngợi khen và cảm tạ.

Yêu thương & Trung tín

Hồn nhiên và hiếu động, Cậu Giêsu tung tăng trong đoàn lữ hành, khiến hai ông bà Thánh Gia, vốn luôn tin cậy nhau, cứ đinh ninh nghĩ Cậu Giêsu đi cùng với đám bà con, hay người quen thuộc. Nên sau một ngày đường, ông bà mới biết lạc mất người con yêu dấu. Tình mẫu tử và phụ tử đã dẩn hai ông bà trở lại Đền Thánh Giêrusalem.

Lo lắng, đôn đáo tìm kiếm, ba ngày sau ông bà mới tìm thấy Cậu Giêsu đang ngồi thảo luận, đối thoại về đạo lý cùng các thầy kinh sư, tại tiền đình trong khuôn viên Đền Thờ. Một hình thức giảng dạy rất gần gũi, bình dân, thân thiện và hiệu quả, mà sau này Người vẫn áp dụng khi đi rao giảng Tin Mừng.

Tình yêu và lòng trung tín là điều kiện tiên quyết xây dựng và củng cố gia đình vững chãi, an vui và hạnh phúc. Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse đã thể hiện lòng yêu thương vô bờ bến với Chúa Giêsu, qua tinh thần trách nhiệm, sự trìu mến, cùng quan tâm, chăm sóc. Thánh Gia hạnh phúc vì luôn có Chúa ở cùng.

Vâng theo Thánh Ý Chúa

Mẹ Maria sửng sốt khi tìm thấy Cậu Giêsu. Mẹ không hề bực bội, nóng giận, hay buồn phiền, la mắng, mà chỉ nhẹ nhàng thắc mắc về hành động bất ngờ của con: “ Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”Người đáp:“Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? (Lc 2, 48 – 49)

Nhân dịp này, Chúa Giêsu đã mặc khải thiên tính của Người trước Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và các thầy kinh sư. Người đặt mối quan hệ với Đức Chúa Cha bên trên mối quan hệ gia đình. Người vâng theo Thánh Ý Chúa, để rao giảng Tin Mừng.
Sau này Nguwoif còn giải thích rõ ràng vè mối quan hệ đặc biệt ưu tiên này: “Phải ai làm theo ý Cha Ta tên trời người ấy là anh em, chị em và là Mẹ ta vậy” (Mt 12, 50) Và “Mẹ Ta và anh em Ta là những ai nghe và thực hành Lời Thiên Chúa” (Lc 8. 21).

Theo như Thánh Gia, một gia đình bình an và hạnh phúc là gia đình có Chúa luôn hiện diện từng giây phút. Cùng nhau hiệp thông thờ phượng và vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, cùng nhau hiệp nhất và chia sẻ mọi sự. Cùng nhau yêu thương và trung tín trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.

Gia đình Công giáo làm tông đồ bằng “chứng tích.” Phải chứng minh rằng các con được gọi nên thánh và các con có thể sống một đời hôn nhân đẹp lòng Chúa. Các con chia sẻ với các gia đình khác: ân sủng, hạnh phúc, Chúa đã ban cho gia đình các con.
Nhìn vào gia đình các con, thiên hạ phải đặt câu hỏi: “Tại sao họ có thể sống hiệp nhất, yêu thương, trung thành với nhau như thế?” (Đường Hy Vọng, 501)

Lạy Cha yêu quý, xin hãy giúp chúng con biến đổi gia đình chúng con thành một Nazareth khác, nơi mà tình yêu, bình an và niềm vui ngự trị. Xin cho gia đình con biết suy niệm nhiều, biết yêu quý Thánh Thể, và rạng rỡ niềm vui.

Xin giúp chúng con sống chung với nhau, trong lúc vui cũng như lúc buồn qua việc cầu nguyện chung.

Xin dạy chúng con nhận biết Chúa Giêsu hiện diện trong mỗi người chúng con, nhất là trong sự đau khổ được ẩn giấu của Ngài.

Xin Thánh Thể Thánh Tâm của Chúa Giêsu biến đổi tâm hồn chúng con nên hiền từ và khiêm tốn như tâm hồn Ngài và giúp chúng con gánh vác trách nhiệm gia đình trong phương cách thánh thiện.

Xin giúp chúng con yêu thương nhau như Chúa yeu thương chúng con mỗi ngày một hơn và tha thứ lỗi làm của nhau như Chúa tha tội cho chúng con.

Xin Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, là nguồn vui của chúng con, cầu cho chúng con. Xin Thánh Giuse cầu cho chúng con. Xin Thiên Thần Bản Mệnh hãy ở với chúng con, xin hướng dẫn và bảo vệ chúng con. Amen (Mẹ Têrêsa Calcutta)

AM. Trần Bình An

>> Mục Lục [10]

LẶNG LẼ… YÊU!
Pio X Lê Hồng Bảo

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một sự cố trong gia đình Thánh Gia, một sự cố phổ biến mà tôi nghĩ hầu như gia đình nào cũng đã từng trải qua: “Lạc con – Cha mẹ đi kiếm”. Thông thường, đứa con bị lạc khi gặp lại cha mẹ hẳn rất mừng rỡ và đòi theo cha mẹ về ngay. Hoặc giả, gặp đứa con ngỗ ngược cố tình bỏ cha mẹ mà đi thì khi tìm gặp hẳn sẽ vùng vằng và có đôi lời hỗn xược. Chúa Giêsu chắc chắn không phải là người con ngỗ ngược nhưng những gì Người cư xử cũng không thể hiện là một người con ngoan: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Thánh Giuse và Mẹ Maria thì “không hiểu lời Người nói” nhưng vẫn giữ vẻ ôn hòa. Cuối cùng, Chúa Giêsu cũng theo hai ông bà về Nagiaret và hết lòng vâng phục cha mẹ Người.

Thì ra, Gia Đình Thánh cũng vấp phải những hoàn cảnh “lệch pha” như bất cứ gia đình nào khác! Nhưng tại sao Ba Đấng đã duy trì được một mẫu gương yêu thương và hiệp nhất như thế?

Còn các gia đình hiện nay thì sao? Chúng ta cũng vẫn thường nghe nói về cuộc đời của các ngôi sao điện ảnh, những ca sĩ nổi tiếng, những cầu thủ lừng danh… Cuộc tình của vài người trong số họ đã khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, để rồi sau đó không lâu, lại tốn nhiều giấy mực hơn cho những đổ vỡ… Trong tiếp xúc thường ngày, tôi cũng từng chứng kiến những cuộc tình lãng mạn, bay bổng, vượt mọi rào cản hay cấm đoán… Thế rồi, sau đám cưới linh đình chừng một vài năm hoặc có khi còn ít hơn – chỉ chừng vài tháng – đã lộ ra những vết nứt, đã xuất hiện những xung đột, đã thấp thoáng những lá đơn ly dị…

Có vẻ như, ngày nay người ta yêu nhau “ồn ào” hơn, “ầm ĩ” hơn! Khi mới quen, họ đã tung những tuyên ngôn “nặng ký” về tình yêu, họ dành cho nhau những mỹ từ “có cánh”, họ hết lời quảng cáo cho tình yêu “không đụng hàng” của họ… Rồi những đám cưới hết sức rình rang nối tiếp như một… hệ quả: 9 mâm lễ vật tượng trưng cho sự tròn đầy của tình yêu, chiếc áo đỏ của cô dâu tượng trưng cho tình yêu mãi thắm nồng, buồng cau phải đủ trăm trái, hoa tay phải đủ trăm bông tượng trưng cho hạnh phúc trăm năm viên mãn, họ hàng đi đưa dâu phải đủ đôi đủ cặp để cô dâu chú rể không bị “đứt gánh giữa đường”… Có vẻ như, tình yêu ngày nay có nhiều thứ để “tượng trưng” quá! Rồi, bước vào đời sống hôn nhân thì: “Tháng đầu anh nói em nghe, tháng sau em nói anh nghe, tháng sau nữa cả hai đều nói và… hàng xóm cùng nghe!” Không ầm ĩ, không phải… tình yêu!

Có vẻ như, khi mới yêu nhau, người ta phó thác đời mình cho nhau dễ dàng quá, tin tưởng nhau quá! Không cần hôn ước đã sẵn sàng “sống thử”. Ấy vậy mà, khi “sống thật” thì lại… tin người hàng xóm hơn tin người bạn đời đầu gối tay ấp của mình! Chả thế mà chúng ta vẫn thường nghe câu này ở những chỗ “trà dư tửu hậu”: Ra đường sợ nhất đua xe, về nhà sợ nhất vợ nghe… tin đồn!

Hiện nay, các văn phòng thám tử tư nở rộ như nấm mùa Hè. Phần lớn trong số họ cho biết hợp đồng phổ biến nhất của họ hiện nay là dịch vụ theo dõi vợ hoặc chồng của khách hàng. Một anh bạn chuyên mua bán, lắp đặt GPS (hệ thống định vị) cho xe cộ còn nói với tôi: “Đa số khách hàng hẹn cháu đến một ga-ra nào đó để lắp đặt chứ không gọi đến nhà. Hầu hết đều là vợ lén lắp đặt để theo dõi chồng hoặc ngược lại. Vì thế, họ không muốn người kia biết!” Có vẻ như, tình yêu càng “ầm ĩ” thì càng thiếu yếu tố… niềm tin. Nếu không tin thì làm sao họ yêu nhau được? Một anh bạn đầy chất… nghiệm sinh “mở mắt” cho tôi: “Họ chỉ yêu bản thân họ chứ họ đâu có yêu ai!” Ra thế, tôi tìm đến một tình yêu có vẻ “lặng lẽ” xem sao:
Anh là một người tài hoa nhưng đã trải qua khá nhiều lận đận suốt một thời bao cấp. Thời mở cửa, cơ hội đến khiến anh có điều kiện kiếm sống dễ dàng hơn bằng tài năng của mình. Bù lại, anh phải đi đây, đi đó giao du nhiều hơn. Chị an phận ở nhà lo lắng, chăm chút cho con cái. Tôi hỏi chị:

– Anh tài hoa thế, lại hay ra ngoài tiếp xúc nhiều, chị không ghen chứ?
– Chú nói lạ, phụ nữ ai mà chả ghen. Nhưng “ghen bóng ghen gió” thì không nên!
– Vậy có bao giờ chị thấy điều gì đáng nghi nơi anh không?
– Khi mình nhìn sự việc bằng đôi mắt Tào Tháo thì cái gì cũng đáng nghi cả. Tuy nhiên, chúng tôi đã cùng nhau trải qua những quãng đời rất khắc nghiệt và chú không biết được ảnh đã làm cho tôi những gì đâu. Một mái tranh nghèo đêm mưa dột khắp, ảnh phải trùm tấm ny-lông đứng lom khom cả đêm để che cho mẹ con tôi ngủ yên. Khi tôi bệnh, ảnh đã phải đạp xe cả đi lẫn về hơn 70 cây số để mua cho tôi hộp sữa và mấy viên thuốc, dọc đường khát nước ảnh nhảy xuống mương thủy lợi dọc đường uống tỉnh bơ… Và còn biết bao việc tương tự! Chú nghĩ, nghi ngờ một người đã đối xử với mình như vậy có phải là một tội lỗi không? Tôi thà để ảnh làm tổn thương tôi chứ tôi dứt khoát không làm tổn thương ảnh!…

Tôi đã hiểu, “tình yêu lặng lẽ” là thế! Vì người mình yêu chứ không vì bản thân mình. À, mà chị có một cái gì đó rất… quen thuộc, khiến tôi liên tưởng đến một người: Mẹ Maria cũng “lặng lẽ” như thế! “Maria, mẹ Người ghi nhớ những sự việc đó trong lòng”. Trong Tin Mừng Luca, tôi đọc được 2 lần câu này. Một lần nữa là khi những mục đồng đến thăm Chúa Hài Nhi trong máng cỏ và kể lại chuyện họ đã được các thiên thần loan tin như thế nào: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc. 2, 19). Chỉ cần 2 lần thôi cũng đủ nói lên đây là một thói quen của Mẹ, không cần nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc đối với những biến cố sau này. Chị “lặng lẽ” trên đây cũng thế! Chị ghi nhớ từng sự việc xảy ra cho gia đình chị ở những thời điểm khắc nghiệt nhất, và chị hằng suy niệm để tìm hiểu Thánh Ý, để tạ ơn Thiên Chúa, để nhận ra bổn phận, để lựa chọn thái độ sống… Nhờ đó, những thử thách chông gai bỗng biến thành gia vị nêm cho hạnh phúc của chị thêm nồng nàn trong chiếc nồi Hồng Ân.

Còn tôi? Có chồng tháo vát, có vợ đảm đang, có con khỏe mạnh; tôi có ghi nhớ và suy niệm trong lòng không? Hay chỉ đến khi chồng trở chứng, vợ lâm bệnh, con hư hỏng; tôi vội gào lên: “Thánh giá quá nặng, thử thách quá lớn!” Tôi than, tôi trách, tôi đổ lỗi cho người này, tôi quy trách nhiệm cho người nọ, tôi tìm cho mình một lối thoát, tôi đòi xã hội phải giúp tôi giải quyết vấn đề, tôi có quyền được hưởng hạnh phúc… Tôi đã quen yêu “ồn ào” nên không thể yêu “lặng lẽ”! Chung quy, tôi chỉ yêu bản thân mình và vì thế, gia đình tôi không thể là gia đình Thánh!

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết noi gương Mẹ để ghi nhớ và suy niệm mọi biến cố Chúa gửi đến trong đời sống chúng con. Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết quên mình để vun đắp cho đời sống gia đình của chúng con, biết mưu cầu hạnh phúc cho người khác hơn là cho bản thân mình; nhờ đó, chúng con sẽ tìm được hạnh phúc đích thực và gia đình chúng con sẽ ngày càng giống với mẫu gương Thánh Gia Nagiaret xưa. Amen.

Pio X Lê Hồng Bảo

>> Mục Lục [10]

Con Phải Lo Công Việc Của Cha Con
Tuyết Mai

Bài Phúc Âm của tuần này làm cho tôi tưởng nhớ tới một em đang học tập xa nhà, có mẹ già đang đau yếu bệnh tật nhưng chưa có thể thăm nhà được.   Vì có phải em đã đi theo tiếng gọi rất thân thương của Chúa? Mà đã theo Chúa thì không ngoảnh đầu lại, không bịn rịn, không quyến luyến tiễn đưa, như Chúa Giêsu đã trả lời cho Đức Maria Mẹ Ngài là: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?”.
Bài Phúc Âm của tuần này cũng nhắc nhở chúng ta bậc làm cha mẹ là chu toàn bổn phận Chúa trao ban, chăm sóc và lo lắng cho con trẻ, vì chúng hết thảy là con cái của Chúa.   Người ban chúng cho chúng ta hay gởi gắm chúng cho chúng ta dậy dỗ và hướng dẫn chúng một thời gian ngắn; rồi thì chúng sẽ rời xa tổ ấm, tách rời cha mẹ để đi làm một tổ ấm khác cho riêng chúng và gia đình riêng của chúng.   Có phải đó là luật rất tự nhiên của Thiên Chúa là Đấng đã tác tạo ra con người chúng ta?.
Đặc biệt là những con trẻ được Chúa tuyển chọn.   Chúng ta bậc làm cha mẹ chỉ biết tuân theo thánh ý Chúa, không nên cầm chân chúng lại vì ý muốn riêng của chúng ta.   Còn “Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng” tuy Mẹ không hiểu nổi điều Chúa Giêsu đã nói.   Còn chúng ta đây những ai đang có cuộc sống gia đình, rất nên lắm để bắt chước cuộc sống của một gia đình Thánh Gia là luôn sống trong ân sủng của Chúa.   Dù cuộc sống trần gian có nhiễu nhương có khổ cực nhưng các Ngài luôn sống trong vâng phục và tôn thờ Thiên Chúa cách tuyệt đối.
Phải như chúng ta ai cũng có tấm lòng yêu thương con cái như hai ông bà Giuse và Maria, thì các con chúng hạnh phúc xiết bao trong tình thương yêu tràn đầy và vô bờ đó!.    Nhưng khổ nỗi vì chúng ta là con người yếu đuối, ích kỷ, đã luôn chọn cuộc sống tự do, và trốn chạy trách nhiệm, do đó rất nhiều gia đình luôn là tan vỡ, luôn là hỏa ngục của đọa đầy.   Thay vì gia đình là chốn là nơi để mọi người được trao nhau yêu thương, chia sẻ, và lo lắng đùm bọc cho nhau thì gia đình lại trở thành nơi trận địa; không thiếu những ngày giao chiến, gào thét, và chán ghét nhau.
Hy vọng bài Phúc Âm hôm nay giúp chúng ta nhìn xa hiểu rộng biết đâu là trách nhiệm bổn phận làm cha làm mẹ.   Biết đâu là bổn phận làm con.   Biết đâu là ân sủng Chúa và biết đâu là Nhà thực sự sau này của chúng ta?.   Ai cũng có bổn phận đối với Cha chúng ta ở trên Trời.   Bổn phận làm con chúng ta cũng nên bắt chước gương Chúa Giêsu là làm những việc cho Cha của Ngài và cũng là Cha chung của chúng ta, thưa có phải?.   Có nghĩa chúng ta phải biết dành thời giờ trong tuần cho Chúa gồm học hỏi, trao đổi, và thực hành Giáo Lý Chúa.
Việc của Chúa trên trần gian này cả đời chúng ta cũng làm không xong và không hết.   Nhưng thiết tưởng chúng ta cũng không nên phí phạm thời giờ để tìm kiếm những điều vô bổ trên trần gian này, vì một mai ta ra đi cũng không mang theo được một thứ gì.   Xin Chúa Giêsu dậy dỗ chúng ta ngay từ nhỏ biết sống thanh liêm, chịu học hỏi trau dồi Lời Chúa, và đem Lời Chúa ra thực hành trên anh chị em của chúng ta.   Biết hiếu đễ với cha mẹ và một mực vâng lời như Chúa Giêsu đã luôn vâng lời cha mẹ nuôi của Ngài.
Xin cho những người cha trên trần gian biết học hỏi nơi thánh cả Giuse, ít nói, làm nhiều, biết chu toàn bổn phận là một người cha đối với các con trong gia đình.   Không phẫn nộ, không bạo hành, và không la lối vì thánh Giuse cả đời không ai nghe một tiếng than thở hay trách mắng ai từ nơi miệng của ngài cả!.   Ngài không dùng quyền làm gia trưởng mà ức hiếp ai, vì Mẹ Maria luôn hiền thục và một mực yêu chồng, yêu con.   Còn Chúa Giêsu ư? Ngài không thể có điều gì để cho cha mẹ phải khiển trách cả!.
Ước mong sao gia đình chúng con cùng mọi gia đình biết đem yêu thương cho nhau.   Bỏ ngoài mọi xung khắc của tuổi tác, tánh tình, và sự cá biệt.   Luôn tha thứ và bỏ qua cho nhau.   Hy sinh và nhường nhịn lẫn nhau, trên thuận dưới hòa.   Noi gương gia đình Thánh Gia là mẫu mực sống tuyệt vời nhất áp dụng cho cuộc sống Gia Đình.   Nhất là để tình yêu Thiên Chúa luôn chiếu rọi trong từng gia đình của chúng con.   Amen.
                            
Y Tá của Chúa,
Tuyết Mai

12-28-12

>> Mục Lục [10]

Chia sẻ Bài này:
[11] [12] [13]