Các Bài Suy Niệm Lễ Thánh Gia C

LẶNG LẼ… YÊU!
Pio X Lê Hồng Bảo

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một sự cố trong gia đình Thánh Gia, một sự cố phổ biến mà tôi nghĩ hầu như gia đình nào cũng đã từng trải qua: “Lạc con – Cha mẹ đi kiếm”. Thông thường, đứa con bị lạc khi gặp lại cha mẹ hẳn rất mừng rỡ và đòi theo cha mẹ về ngay. Hoặc giả, gặp đứa con ngỗ ngược cố tình bỏ cha mẹ mà đi thì khi tìm gặp hẳn sẽ vùng vằng và có đôi lời hỗn xược. Chúa Giêsu chắc chắn không phải là người con ngỗ ngược nhưng những gì Người cư xử cũng không thể hiện là một người con ngoan: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Thánh Giuse và Mẹ Maria thì “không hiểu lời Người nói” nhưng vẫn giữ vẻ ôn hòa. Cuối cùng, Chúa Giêsu cũng theo hai ông bà về Nagiaret và hết lòng vâng phục cha mẹ Người.

Thì ra, Gia Đình Thánh cũng vấp phải những hoàn cảnh “lệch pha” như bất cứ gia đình nào khác! Nhưng tại sao Ba Đấng đã duy trì được một mẫu gương yêu thương và hiệp nhất như thế?

Còn các gia đình hiện nay thì sao? Chúng ta cũng vẫn thường nghe nói về cuộc đời của các ngôi sao điện ảnh, những ca sĩ nổi tiếng, những cầu thủ lừng danh… Cuộc tình của vài người trong số họ đã khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, để rồi sau đó không lâu, lại tốn nhiều giấy mực hơn cho những đổ vỡ… Trong tiếp xúc thường ngày, tôi cũng từng chứng kiến những cuộc tình lãng mạn, bay bổng, vượt mọi rào cản hay cấm đoán… Thế rồi, sau đám cưới linh đình chừng một vài năm hoặc có khi còn ít hơn – chỉ chừng vài tháng – đã lộ ra những vết nứt, đã xuất hiện những xung đột, đã thấp thoáng những lá đơn ly dị…

Có vẻ như, ngày nay người ta yêu nhau “ồn ào” hơn, “ầm ĩ” hơn! Khi mới quen, họ đã tung những tuyên ngôn “nặng ký” về tình yêu, họ dành cho nhau những mỹ từ “có cánh”, họ hết lời quảng cáo cho tình yêu “không đụng hàng” của họ… Rồi những đám cưới hết sức rình rang nối tiếp như một… hệ quả: 9 mâm lễ vật tượng trưng cho sự tròn đầy của tình yêu, chiếc áo đỏ của cô dâu tượng trưng cho tình yêu mãi thắm nồng, buồng cau phải đủ trăm trái, hoa tay phải đủ trăm bông tượng trưng cho hạnh phúc trăm năm viên mãn, họ hàng đi đưa dâu phải đủ đôi đủ cặp để cô dâu chú rể không bị “đứt gánh giữa đường”… Có vẻ như, tình yêu ngày nay có nhiều thứ để “tượng trưng” quá! Rồi, bước vào đời sống hôn nhân thì: “Tháng đầu anh nói em nghe, tháng sau em nói anh nghe, tháng sau nữa cả hai đều nói và… hàng xóm cùng nghe!” Không ầm ĩ, không phải… tình yêu!

Có vẻ như, khi mới yêu nhau, người ta phó thác đời mình cho nhau dễ dàng quá, tin tưởng nhau quá! Không cần hôn ước đã sẵn sàng “sống thử”. Ấy vậy mà, khi “sống thật” thì lại… tin người hàng xóm hơn tin người bạn đời đầu gối tay ấp của mình! Chả thế mà chúng ta vẫn thường nghe câu này ở những chỗ “trà dư tửu hậu”: Ra đường sợ nhất đua xe, về nhà sợ nhất vợ nghe… tin đồn!

Hiện nay, các văn phòng thám tử tư nở rộ như nấm mùa Hè. Phần lớn trong số họ cho biết hợp đồng phổ biến nhất của họ hiện nay là dịch vụ theo dõi vợ hoặc chồng của khách hàng. Một anh bạn chuyên mua bán, lắp đặt GPS (hệ thống định vị) cho xe cộ còn nói với tôi: “Đa số khách hàng hẹn cháu đến một ga-ra nào đó để lắp đặt chứ không gọi đến nhà. Hầu hết đều là vợ lén lắp đặt để theo dõi chồng hoặc ngược lại. Vì thế, họ không muốn người kia biết!” Có vẻ như, tình yêu càng “ầm ĩ” thì càng thiếu yếu tố… niềm tin. Nếu không tin thì làm sao họ yêu nhau được? Một anh bạn đầy chất… nghiệm sinh “mở mắt” cho tôi: “Họ chỉ yêu bản thân họ chứ họ đâu có yêu ai!” Ra thế, tôi tìm đến một tình yêu có vẻ “lặng lẽ” xem sao:
Anh là một người tài hoa nhưng đã trải qua khá nhiều lận đận suốt một thời bao cấp. Thời mở cửa, cơ hội đến khiến anh có điều kiện kiếm sống dễ dàng hơn bằng tài năng của mình. Bù lại, anh phải đi đây, đi đó giao du nhiều hơn. Chị an phận ở nhà lo lắng, chăm chút cho con cái. Tôi hỏi chị:

– Anh tài hoa thế, lại hay ra ngoài tiếp xúc nhiều, chị không ghen chứ?
– Chú nói lạ, phụ nữ ai mà chả ghen. Nhưng “ghen bóng ghen gió” thì không nên!
– Vậy có bao giờ chị thấy điều gì đáng nghi nơi anh không?
– Khi mình nhìn sự việc bằng đôi mắt Tào Tháo thì cái gì cũng đáng nghi cả. Tuy nhiên, chúng tôi đã cùng nhau trải qua những quãng đời rất khắc nghiệt và chú không biết được ảnh đã làm cho tôi những gì đâu. Một mái tranh nghèo đêm mưa dột khắp, ảnh phải trùm tấm ny-lông đứng lom khom cả đêm để che cho mẹ con tôi ngủ yên. Khi tôi bệnh, ảnh đã phải đạp xe cả đi lẫn về hơn 70 cây số để mua cho tôi hộp sữa và mấy viên thuốc, dọc đường khát nước ảnh nhảy xuống mương thủy lợi dọc đường uống tỉnh bơ… Và còn biết bao việc tương tự! Chú nghĩ, nghi ngờ một người đã đối xử với mình như vậy có phải là một tội lỗi không? Tôi thà để ảnh làm tổn thương tôi chứ tôi dứt khoát không làm tổn thương ảnh!…

Tôi đã hiểu, “tình yêu lặng lẽ” là thế! Vì người mình yêu chứ không vì bản thân mình. À, mà chị có một cái gì đó rất… quen thuộc, khiến tôi liên tưởng đến một người: Mẹ Maria cũng “lặng lẽ” như thế! “Maria, mẹ Người ghi nhớ những sự việc đó trong lòng”. Trong Tin Mừng Luca, tôi đọc được 2 lần câu này. Một lần nữa là khi những mục đồng đến thăm Chúa Hài Nhi trong máng cỏ và kể lại chuyện họ đã được các thiên thần loan tin như thế nào: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc. 2, 19). Chỉ cần 2 lần thôi cũng đủ nói lên đây là một thói quen của Mẹ, không cần nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc đối với những biến cố sau này. Chị “lặng lẽ” trên đây cũng thế! Chị ghi nhớ từng sự việc xảy ra cho gia đình chị ở những thời điểm khắc nghiệt nhất, và chị hằng suy niệm để tìm hiểu Thánh Ý, để tạ ơn Thiên Chúa, để nhận ra bổn phận, để lựa chọn thái độ sống… Nhờ đó, những thử thách chông gai bỗng biến thành gia vị nêm cho hạnh phúc của chị thêm nồng nàn trong chiếc nồi Hồng Ân.

Còn tôi? Có chồng tháo vát, có vợ đảm đang, có con khỏe mạnh; tôi có ghi nhớ và suy niệm trong lòng không? Hay chỉ đến khi chồng trở chứng, vợ lâm bệnh, con hư hỏng; tôi vội gào lên: “Thánh giá quá nặng, thử thách quá lớn!” Tôi than, tôi trách, tôi đổ lỗi cho người này, tôi quy trách nhiệm cho người nọ, tôi tìm cho mình một lối thoát, tôi đòi xã hội phải giúp tôi giải quyết vấn đề, tôi có quyền được hưởng hạnh phúc… Tôi đã quen yêu “ồn ào” nên không thể yêu “lặng lẽ”! Chung quy, tôi chỉ yêu bản thân mình và vì thế, gia đình tôi không thể là gia đình Thánh!

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết noi gương Mẹ để ghi nhớ và suy niệm mọi biến cố Chúa gửi đến trong đời sống chúng con. Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết quên mình để vun đắp cho đời sống gia đình của chúng con, biết mưu cầu hạnh phúc cho người khác hơn là cho bản thân mình; nhờ đó, chúng con sẽ tìm được hạnh phúc đích thực và gia đình chúng con sẽ ngày càng giống với mẫu gương Thánh Gia Nagiaret xưa. Amen.

Pio X Lê Hồng Bảo

>> Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts