Các Bài Suy Niệm Lễ Thánh Gia C

BỔN PHẬN Ở NHÀ CỦA CHA
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Giai thoại ‘thất lạc Trẻ Giêsu’ quá độc đáo này trình bày hình ảnh một Thánh Gia hoàn toàn khác: không an hòa, đầm ấm như người ta thường mơ ước, hay từng được các thi sĩ ca ngợi, nhưng là một Thánh Gia gần gũi hơn với thực tế của con người, căng thẳng, sung khắc, đầy dẫy những hiểu lầm. Biến cố này được ghi nhận không hẳn nhằm mục đích đề cao sự khôn ngoan trước tuổi của một đứa trẻ mới 12, cho dầu điều này có thoáng qua được đề cập tới. ‘Hai ông bà thấy con… đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt các câu hỏi. Ai nghe cậu cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu’. Ý tưởng trung tâm của giai thoại, cũng là bài học chủ chốt cho mọi gia đình Kitô, chính là câu nói xác quyết, đồng thời là câu nói đầu tiên được ghi nhận của Trẻ Giêsu: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

Thất lạc đứa con thân yêu quả là một biến cố đau thương đối với bất kỳ gia đình nhân loại nào. Ở đây mới chỉ là thất lạc tạm thời và thể lý, chưa kể tới những thật lạc dài lâu hay vĩnh viễn, hoặc thuộc diện tinh thần – đạo đức mà không ít gia đình gặp phải. Thất lạc gây buồn phiền, lo lắng, phiền trách… thậm chí đổ vỡ, thì cũng là thường tình thôi. “Con ơi, sao con lại sử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con va mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Một gia đình nhân loại lý tưởng lẽ ra phải là một gia đình không có những thất lạc mất mát dưới bất kỳ hình thức nào; phải là một gia đình mẹ tròn con vuông, cơm mặn canh ngọt, sum họp đầm ấm, trên thuận dưới hòa… Cứ theo tiêu chuẩn này, Thánh Gia không thể được coi là một gia đình lý tưởng về mặt đối ngoại cũng như đối nội. Thế thì đâu là điểm đáng được đề cao nơi Thánh Gia? Tìm ra giải đáp cho câu hỏi này quả là thiết yếu cho bấy kỳ một mục vụ hôn nhân Công Giáo nào. Trình bày một hình ảnh sai lạc về Thánh Gia, có thể biến mục vụ này trở thành một câu chuyện thần thoại chỉ tồn tại trong mộng mà thôi.

Thật may mắn, cái lý tưởng nhân loại đó đã không bị gạt bỏ hoàn toàn, vẫn là một điều đáng mơ ước và cần vun trồng. ‘Trở về Nazareth Người hằng vâng phục các ngài’. Cho dầu có như vậy đi nữa, các tác giả sách Tin Mừng đã không hề muốn khỏa lấp khỏi Thánh Gia cái thực tế rất ư là nổi cộm mà mọi gia đình nhân loại, giầu nghèo bất luận, đều phải ít nhiều đối mặt trong cuộc sống thường ngày:

– Ngờ vực lẫn nhau, ‘… Ông Giuse chồng bà… không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.’ (Mt 1,19)
– Tương lai bất ổn, “Cháu bé này… là dấu hiệu cho người đời chống báng… và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” (Lc 2,24-25)
– Phân ly vì lý do này hay lý do khác, ‘… Sau một ngày đường, ông bà mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc’.
– Không hiểu nhau, ‘…Sao cha mẹ lại tìm con?…Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.’

Thánh Gia chỉ có thể trở thành gương mẫu cho mọi gia đình Kitô một khi cống hiến được một cửa mở cho cái thực tế rất phổ biến trên. Thì đây bài học căn bản của chính Thánh Gia: “Con có bổn phận ở nhà của Cha con!” Nếu gia đình Kitô đích thực là ‘nhà của Cha’ thì trong đó mỗi người và mọi người đều có bổn phận đối với Cha. Hơn nữa nếu Cha của Đức Kitô Giêsu trên hết và trước hết là một Cha nhân từ và hay thương xót, thì trong gia đình Kitô mọi người đều phải coi việc thể hiện kế hoạch từ bi và thương xót của Cha như bổn phận hàng đầu. Trước những ngờ vực lẫn nhau, tương lai bất ổn, ly tán hay hiểu lầm… tất cả mọi người, trước cả khi đi tìm lời giải đáp thuộc dạng tâm lý hay xã hội, đều tiên quyết cần ‘chu toàn bổn phận ở nhà của Cha’ bằng việc thi thố một tình yêu tha thứ và độ lượng, mà Cha trên trời là người đầu tiên đã thực hiện nơi Đức Kiô thập giá. Ngay cả Giuse và Maria cũng phải học biết điều này nếu muốn trở nên một Thánh Gia thực thụ. “Này ông Giu-se… đừng ngại đón bà Maria vợ ông về”. Công việc này không hề dễ dàng chút nào, vì như bất kỳ ai khác, ‘hai ông bà không hiểu lời Người vừa nói’. Không sách tâm lý hôn nhân nào có thể dạy được, không tư vấn gia đình nào có thể chỉ vẽ, vì đây là lãnh vực của đức tin, mà ngay cả Maria cũng chỉ học được trong thinh lặng và cầu nguyện. ‘Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng’. Thánh Gia trước hết là một gia đình Kitô, một môi trường trong đó Tin Mừng cứu rỗi của Thiên Chúa hoàn toàn thống trị. Nói như thế thì mọi gia đình Kitô đều có thể và phải trở nên Thánh Gia, bất chấp, hay đúng hơn chính vì, có đầy dẫy những nổi cộm của đời sống thường ngày.

Lạy Thánh Gia của Đức Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse, xin hãy làm cho Tin Mừng tình yêu nhân ái thấm vào mọi mọi thực tế nhân loại của các gia đình Kitô chúng con. Mỗi khi đề cập tới Thánh Gia, xin cho chính chúng con bị thách đố và được nâng đỡ để thi hành kế hoạch nhân ái của Chúa Cha, như bổn phận hàng đầu trong ‘nhà Cha’. Xin đừng để cho Thánh Gia trở thành một mơ ước hão huyền bất khả thực hiện, nhưng nên như một đỡ nâng hữu hiệu và thường ngày trong cuộc sống đức tin của mỗi người chúng con. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

>> Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts