- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 2, 1-12).

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ HIỂN LINH

 

 

CHÚA TỎ MÌNH RA CHO NHỮNG TÂM HỒN THIỆN CHÍ
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra những chi tiết tương phản lạ thường.

Tương phản giữa Giêrusalem và Bêlem: Giêrusalem, thủ đô hoa lệ, trung tâm văn hoá chính trị của nước Do thái, nhưng đã khước từ, không đón tiếp Đấng Cứu thế. Trong khi đó, Bêlem, một thị trấn bé nhỏ, nghèo nàn lại là nơi đón tiếp Đấng Cứu thế hạ sinh.
Tương phản giữa những người có đạo và những người ngoại đạo: Các bậc chức sắc thông thạo Kinh thánh, nhưng chỉ ngồi im tại kinh thành, không chịu lên đường, nên không gặp được Đấng Cứu thế. Trái lại, ba nhà đạo sĩ mà ta quen gọi là Ba Vua, là những người ngoại đạo, không am tường Kinh thánh, nhưng đã biết tìm tòi học hỏi, dấn thân lên đường, nên đã gặp được Chúa.
Tương phản giữa Vua giả và Vua thật: Hêrôđê được gọi là Vua, nhưng lại cứ nơm nớp lo âu, sợ mất ngai vàng, nên tìm cách tiêu diệt người khác. Trong khi đó, Đức Giêsu Kitô, Vua Trời lại thản nhiên bình an trong cảnh khó nghèo, mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người xa gần.

Tất cả những tương phản ấy đáng cho ta suy nghĩ. Đấng Cứu thế không đến theo cơ chế, nhưng rất bất ngờ. Người không đến trong những cung điện sang trọng nhưng đến trong một chuồng bò tăm tối, hôi tanh. Người không đến trong quyền lực nhưng trong sự yếu đuối, khiêm nhường.

Tất cả những tương phản ấy khiến ta phải lo sợ. Không phải cứ có đạo là gặp đựơc Chúa. Không phải cứ giỏi giáo lý là biết Chúa. Muốn gặp được Chúa phải có thiện chí đi tìm. Muốn biết Chúa, phải dấn thân lên đường.
Ba Vua là những người ngoại đạo đến từ rất xa, nhưng đã trở nên gương mẫu cho ta trong việc đi tìm và hiểu biết Chúa. Các Ngài là những tâm hồn thiện chí.

Là những tâm hồn thiện chí, luôn luôn khao khát điều lành, nên các Ngài luôn để tâm tìm kiếm. Đêm đêm ngước mắt lên trời cố dò tìm dấu vết thần linh. Chắc chắn không phải chỉ trong phút chốc mà các Ngài phát giác ra ngôi sao lạ, nhưng phải trải qua nhiều năm tháng kiên trì chiêm ngắm bầu trời, cặn kẽ theo dõi đường chuyển dịch của các vì tinh tú, các Ngài mới có thể nhận biết ngôi sao lạ khi nó xuất hiện.

Việc đi theo ngôi sao lạ cũng không giản đơn. Trước hết việc lên đường đòi phải ra khỏi nhà, giã từ những tiện nghi dễ chịu, từ bỏ những sinh hoạt quen thuộc, chấp nhận những thiếu thốn, những nguy hiểm, những bất tiện trên đường đi. Thiện chí của các Ngài rất cao, nên khi ngôi sao biến mất, các Ngài vẫn không nản lòng bỏ cuộc, nhưng tìm mọi cách vượt qua khó khăn, tìm mọi cách để đến gặp được Chúa. Chúa đã chúc lành cho thiện chí của các Ngài, nên đã cho các Ngài được gặp Chúa.
Đời sống chúng ta là một cuộc đi tìm Chúa. Trong cuộc đi tìm, ta phải có thiện chí như Ba Vua, biết dấn thân lên đường, biết phấn đấu chấp nhận hy sinh gian khổ, biết kiên trì không nản lòng bỏ cuộc khi gặp thử thách.
Ba Vua không thể đến với Chúa nếu không có ngôi sao dẫn đường. Hôm nay, Chúa muốn mỗi người chúng ta là một ngôi sao lạ, loan báo tình thương của Chúa, đưa dẫn những tâm hồn thiện chí đến với Chúa. Hãy là ngôi sao sáng trong đời sống công bình. Hãy chiếu sáng đức thương yêu của Chúa. Hãy toả ánh sáng ấm áp tình người. Qua những làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và tìm về với Thiên chúa là ánh sáng chân thật.

Để kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện có thật. Một buổi chiều, một người lái xe con đi trên con đường miền núi vắng vẻ. ở một khúc quanh, người ấy phát hiện một gia đình bị hỏng xe. Đường vắng, trời tối, họ lo âu sợ hãi vì đó là đoạn đường thường xảy ra cướp bóc. Biết sửa chữa xe, nên người ấy đỗ xe, xuống giúp sửa chữa. Xe hỏng nặng. Người ấy phải chui vào gầm xe, tháo ra từng bộ phận. Tối mịt xe mới nổ máy. Cả gia đình mừng rỡ, muốn trả công cho người ấy. Nhưng người ấy không lấy công. Cả gia đình cám ơn rối rít và xin địa chỉ hẹn ngày lên thăm. Khi lên thăm, gia đình mới biết đó là một vị giám mục. Gia đình đem lòng cảm phục và xin theo đạo cả nhà. Vị Giám mục ấy chính là một Đức Cha ở cao nguyên Trung phần vào những năm 60.
Nhân dịp đầu năm mới, tôi xin cầu chúc tất cả anh chị em có một đời sống đạo trong sáng như ngôi sao sáng để đưa dẫn nhiều tâm hồn về với Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Ba Vua thiện chí ở những điểm nào?
2. Bạn có gặp thử thách trong đời sống đạo không? Khi gặp thử thách, bạn đã ứng xử thế nào?
3. Theo bạn, cách nào hữu hiệu nhất để làm chứng cho Chúa: giảng giáo lý, tranh luận, sống bác ái?
4- Tuần này, bạn quyết tâm làm gì để thực hành Lời Chúa?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

GỌI TÊN NGÀY LỄ
ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống
(Trích trong ‘VỚI CẢ TÂM TÌNH’ – Trg. 31)

Trong dịp tĩnh tâm Mùa Vọng ở một giáo xứ, có người bạn trẻ đã nêu lên câu hỏi liên quan đến Thánh Lễ hôm nay: “Tại sao ngày nay Phụng Vụ không sử dụng tên gọi lễ Ba Vua nữa? Phải chăng rốt cuộc chẳng có ông vua nào đến viếng Hang đá cả?”.
Câu hỏi ấy trực tiếp về mặt kiến thức, không khó trả lời; nhưng gián tiếp về mặt tâm linh, lại hé mở cho thấy đức tin hôm nay xem ra đang có nhu cầu tìm hiểu. Đã đành, hiểu chưa phải là tin hay chưa hẳn đã tin, nhưng một phần nào cũng góp phần dẫn tới đức tin cho người chưa tin, đào sâu đức tin cho người đã biết, và cũng quan trọng không kém là củng cố sức mạnh cho những niềm tin đang ở trong tình trạng nhạt nhòa.
Niềm tin là một công trình còn phải dựng xây và là một hành trình còn phải tiếp tục. Trên cơ sở ấy, xin đi vào Thánh Lễ hôm nay.

1) Từ tên gọi “lễ Ba Vua”…

Đây là tên gọi quen dùng đối với tín hữu Việt Nam, để chỉ về việc các Đạo sĩ Đông Phương tìm đến Hang đá viếng Chúa Hài Đồng. Gọi là vua vì họ là những bậc quyền quý đến từ phương Đông theo nhãn giới của bài đọc thứ nhất; và xác định con số ba vì có ba sắc dân được nói đến trong Isaia 60, mà cũng vì lễ vật tiến dâng được liệt kê ba món rành rành là vàng, nhũ hương và mộc dược, như chuyện kể của Phúc Âm. Để rồi cứ thế theo truyền thống, Ba Vua đã trở nên tên gọi cho ngày lễ.

Nhưng điều quan trọng không phải là lo xác định họ là vua hay không phải là vua, họ có ba vị hay có thể có nhiều hơn nữa, mà chính là hãy nhìn họ như hình ảnh sống động của tất cả những ai trong đời đã có một lòng khát khao chân thành tìm kiếm Thiên Chúa khởi đi từ những thiện hảo tốt lành, để rồi với sự trợ giúp của ơn thánh, tới lúc Chúa muốn và bằng muôn ngàn cách thế linh động theo sáng kiến của Ngài, họ sẽ được dẫn tới gặp gỡ Đấng họ nỗ lực tìm kiếm.

Dưới cái tên gọi “lễ Ba Vua”, chính là một thiện chí tìm kiếm đức tin. Nhưng cũng dưới tên gọi ấy, trong bối cảnh của trang Tin Mừng, người ta lại còn thấy cả một đối chứng đau lòng. Trong khi dân ngoại từ xa, dẫu chẳng hề biết đến lời hứa để mà hy vọng, chẳng hề có được giao ước để mà tin tưởng, và cũng chẳng hề được dẫn đường bởi lề luật, nhưng lại chân thành tìm kiếm và sẵn sàng vượt qua những chặng đường gian khổ để mà tìm gặp; thì ngược lại, dân Do Thái ở gần, dẫu có tất cả thuận lợi của một truyền thống dài lâu chờ mong Đấng Cứu Thế, lại không mảy may kiếm tìm, và tệ hại hơn nữa, còn xôn xao về chính việc Chúa đến, không phải vì hối hận về việc mình không sẵn sàng, mà vì lo ngại rằng Chúa đến sẽ đặt dấu chấm hết cho cả một cơ chế họ đã bao đời gầy dựng. Không lạ gì nếu cơ chế ấy đã sản sinh ra những khuôn mặt như Hêrôđê!
Hóa ra, Ba Vua tìm Chúa với lễ vật lòng thành, khi về đã thấy mình là những kẻ tin; còn Hêrôđê tìm Chúa với ác tâm tận diệt, mãi mãi sẽ thấy mình chỉ là một bạo chúa.

2) … Đến tên gọi “lễ Hiển Linh”…

Mặc dù tên gọi “lễ Ba Vua” vẫn giữ nguyên giá trị cổ kính, nhưng ngày nay Phụng Vụ thích sử dụng tên gọi “lễ Hiển Linh” hơn, chẳng phải vì tên gọi đó nghe kêu hơn hoặc hiểm hóc hơn, cũng chẳng phải để tránh né những câu hỏi không cần thiết về những chi tiết nhiều khi chỉ làm cho ngày lễ thêm rườm rà; mà thật ra là để làm nổi bật lên ý định mầu nhiệm chung nhất của Thiên Chúa trong Mùa Giáng Sinh. Đó là: Ngài muốn tỏ mình ra cho tất cả mọi người, mọi thời, bất luận họ là ai và ở đâu, miễn là họ biết chân thành kiếm tìm Ngài.

Nếu “Ba Vua” là tên gọi nói lên thiện chí của con người, thì “Hiển Linh” là danh xưng khẳng định hồng ân của Thiên Chúa. Thiện chí thôi, dẫu rất lớn, vẫn chỉ là khởi điểm; nhưng chính hồng ân Hiển Linh mới là kết điểm mở ra những mùa gặp gỡ. Và tới phiên mình, mỗi lần gặp gỡ tại kết điểm hành trình, lại là một khởi điểm mới cho hành trình tìm kiếm mới, với những thiện chí mới nhằm vươn lên những đỉnh cao mới. Và gặp gỡ như thế là một cuộc đổi đời. Vì thiện chí luôn tìm kiếm hồng ân, mà cũng vì hồng ân luôn đợi chờ một thiện chí biến đổi cuộc đời. Ba Vua gặp Chúa với cả tâm tình được thể hiện qua những lễ vật tiến dâng, họ đã được soi sáng để theo đường khác mà về nhà. Và ở đó sẽ là những cuộc Hiển Linh mới trong đời sống thường ngày.

Gặp ai thì cũng có thể gỡ ra được, nhưng thiện chí con người một khi đã gặp được Thiên Chúa vốn từ bao giờ đã sẵn tỏ mình ra, thì sẽ không thể gỡ ra được nữa. Người ta thành người nhà của Thiên Chúa, và trong mắt nhìn của Phaolô, người ta dẫu xa cũng hóa gần, dẫu lạ cũng nên quen, dẫu gốc gác thế nào đi nữa “cũng cùng được thừa hưởng gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (bài đọc thứ hai). Hiển Linh chính là tên gọi khác của mầu nhiệm Nhập Thể, của danh xưng Emmanuel và của bốn mùa gặp gỡ.

3) … Để dẫn tới sứ điệp đời sống.

“Lễ Ba Vua” hay “Lễ Hiển Linh”, mỗi tên gọi có những bước nhấn riêng, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là một mầu nhiệm gặp gỡ mà Thiên Chúa từ bao thuở đã mở ra cho những kẻ biết kiếm tìm. Thế nên đây không chỉ là một biến cố của ngày đã qua, mà còn là một sứ điệp của ngày hôm nay và cho những ngày sẽ tới. Chúa vẫn tỏ mình, nhưng vấn đề là người ta có thiện chí đến gặp Ngài không?

Hôm qua đã có một nghịch lý là những kẻ đến gặp Chúa đều là những kẻ thành tâm như các mục đồng tại Bêlem, như cụ già Simêon tại Đền Thánh, như những Đạo sĩ hôm nay từ xa đến; còn toàn thể xã hội tôn giáo Do Thái lại hầu như vắng bóng, hay nếu có thì chỉ như một lực cản đáng buồn. Thế đấy! điều tưởng như thuận lợi lại là một cạm bẫy dẫn tới sự thảm bại, còn điều tưởng chừng như bất lợi lại trở nên lợi thế cho việc gặp Chúa. Liệu nghịch lý ấy hôm nay còn có mặt trong đời sống đức tin của cộng đoàn cũng như của mỗi cá nhân?

Trả lời câu hỏi ấy với quyết tâm khởi hành trên con đường mới, thiết tưởng sẽ là một điều tích cực trong Mùa Giáng Sinh. Nhưng điều tích cực hơn của ngày lễ hôm nay không chỉ là sứ điệp hoán cải, mà chính là lời mời gọi mở rộng tấm lòng, mà trân trọng tất cả những người không cùng chia sẻ một niềm tin với mình, bởi lẽ họ cũng có chỗ đứng trong tấm lòng hiển linh của Chúa. Ơn cứu độ là phổ quát. Và nếu nét đặc trưng của lễ Hiển Linh là ánh sao dẫn đường, thì trách nhiệm của những kẻ đã được gặp gỡ Thiên Chúa sẽ không chỉ thu hẹp trong đời sống cá nhân tu thân tích đức, mà còn hướng tới sứ vụ đối với những kẻ lân cận mình. Những chứng tá đức tin cậy mến, những gương sáng đời sống gia đình, những nỗ lực thực thi các giá trị Phúc Âm chính là những ánh sao cụ thể soi đường truyền giáo.

Nếu mỗi kẻ tin là ánh sao, con đường gặp gỡ biết bao sáng ngời, và lời tiên báo của tiên tri Isaia sẽ nên hiện thực hiển linh cho đời.

Tóm lại, khởi đi từ cách hiểu về tên gọi của ngày lễ để dẫn tới đời sống đức tin, đó là chủ đích của những điều chia sẻ trên đây. Nhưng từ hiểu biết đến đức tin, khoảng cách vẫn không nhỏ. Chính Phúc Âm hôm nay là một kinh nghiệm. Xin đừng để kinh nghiệm ấy mãi còn là một nghịch lý không thể vượt qua. Nhưng hãy để kinh nghiệm ấy biến thành những kinh nguyện quyết tâm mở sang cuộc sống mới. Và đó chính là cách gọi tên cụ thể một ngày lễ.

ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống

NƠI HÀI NHI GIÊSU – THIÊN CHÚA MUỐN
HIỂN LINH THỨ VINH QUANG NÀO?
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Tôn giáo nào thì cũng muốn cho vị thần linh mình tôn thờ được hiển trị. Đó là một tình cảm tôn giáo đáng quí nhưng cũng thật đáng sợ, vì nó đã từng và còn đang là nguyên nhân gây nên biết bao cuộc bắt hại, chiến tranh tôn giáo, hay các thủ đoạn ác độc hòng triệt hạ đối phương. Lịch sử đã ghi lại không ít cuộc chiến tranh tôn giáo khốc liệt mà. Có phải Hiển Linh mừng hôm nay cũng là làm cho vinh quang Thiên Chúa được rạng rỡ, cho quyền năng Người được hiển hách, cho dầu còn trong hình hài một trẻ thơ bé bỏng yếu hèn? Có một thời tôi đã cảm thấy kiêu hãnh: ‘Có thế chứ… phải có những ông vua tới thờ lạy, tới triều cống những lễ vật quí giá mới xứng danh phận Ngài chứ! Phải có những vì sao lạ xuất hiện trên bầu trời để mà cả và thiên hạ trầm trồ ca tụng Ngài! Và tôi lấy làm hả dạ về lễ Chúa Hiển Linh. Tỉnh cảm đó thực ra là gì, một nhiệt tình tôn giáo cao quí đáng được đề cao, hay chỉ đơn thuần là một đầu óc háo thắng thiển cận (triumphalism)?

Thật ra câu chuyện về các chiêm tinh gia (thường được dân có đạo nâng lên hàng vua chúa cho nó oai: lễ Ba Vua) đến bái lậy Hài Nhi Giêsu chỉ được Phúc Âm Mátthêu ghi lại với chủ đích, như ông vẫn quen làm, để khảng định “thế là ứng nghiệm” những lời các tiên tri đã báo trước xung quanh việc Hài Nhi ra đời: Hài Nhi sinh ra tại Bêlem miền Giuđê; việc ngài chạy trốn qua và trở về lại từ Ai cập v.v… Tự nó câu chuyện rõ ràng mang tính truyền thuyết tới độ tôi dám nghĩ rằng, nó được thuật lại hầu nâng cao tình cảm tôn giáo nơi các tín hữu. Vấn nạn mấu chốt được nêu lên là: nếu Hài Nhi mới sinh tại Bêlem được hiển linh, thì là hiển linh điều gì? Nói cách khác, đâu là vinh quang đích thực của Hài Nhi nghèo hèn này?

Ba nhà chiêm tinh (hay đạo sĩ) là những con người uyên bác, chuyên tìm hiểu những qui luật của trời đất. Qua tinh tú chuyển vận, các ông đoán biết một nhận vật quan trọng mới xuất hiện, và các ông lên đường đi tìn Ngài. Theo lô-gich, nhân vật này chắc hẳn là một vị vua sinh trưởng trong chốn cung đình. Thế là họ tìm tới Giêrusalem là kinh thành của vương triều Đavit; nhưng ở đó họ chỉ gặp được Hêrôđê, con người của quyền lực và mưu mẹo. Nhưng vị dẫn đường cho họ là một ‘ngôi sao lạ’ nên nó phải dẫn họ tới một nơi không ai từng ngờ: tới một làng quê Bêlem hẻo lánh, và tới một hài nhi mới sinh nằm trong lòng một người mẹ đơn sơ nghèo hèn. Tín hữu chúng ta rõ ngôi sao lạ đó tượng trưng cho niềm tin vào Tin mừng. Vâng, chỉ có Tin Mừng đức Giêsu Kitô mới có khả năng dẫn chúng ta tới gặp một vị Thiên Chúa, không chút hiển hách, không đầy uy lực và không công thẳng, nhưng là một Thiên Chúa quá ư gần gũi, quá là con người trong hình hài một trẻ thơ: Thiên Chúa cứu độ của lòng từ nhân và hay thương xót chứ không phải một Thiên Chúa luận phạt. Nếu ba đạo sĩ đã phải gác qua một bên cái thứ lô-gich khôn ngoan thông thái thường ngày của họ để có thể sấp mình bái lậy một trẻ thơ trong căn lều nghèo nàn, thì Kitô hữu cũng vậy, càng cho mình là đạo đức chính trực bao nhiêu, họ lại càng phải để cho đức tin làm một cuộc cách mạng nơi mình, tôn thờ bái lạy vinh quang Thiên Chúa trong sự hiền lành, từ nhân, thương xót và hay tha thứ.

Câu truyện còn cho thấy có đối kháng sâu sắc giữa một bên là uy quyền thống trị và trừng phạt (điển hình là vua Hêrôđê) với bên kia là sự yếu đuối ẩn dật của một Hài Nhi bé bỏng nép mình bên hông mẹ. Quyền uy chinh phục có sức mạnh của nó và xem ra không thể đội trời chung với lòng trắc ẩn nhân ái. Uy quyền của bạo vương Hêrôđê không thể đem ra chia sẻ với Tân Vương cứu độ mới sinh ra. Ở đâu có nghiêm minh, ở đó không thể có chỗ cho trắc ẩn xót thương và ngược lại. Sự công thẳng nổi cộm như một quyền lực thống trị trong khi lòng nhân ái lại luôn tỏ ra quá yếu ớt lép vế. Chính vì thế mà một khi đề cao lòng trắc ẩn thương xót thì nhiều người lại tỏ ra e dè sợ sệt. Họ lo sợ sự hợp lý đầy uy lực của ‘lành thưởng dữ phạt’ sẽ bị phá đổ; thế là họ rắp tâm ‘tiêu diệt’ lòng nhân ái xót thương, ít là trong tư duy của riêng họ. Thiên Chúa giáng trần đã chọn hình hài một thơ nhi yếu đuối ẩn dật để biểu lộ lòng xót thương cứu độ con người, điều đó quả là vô cùng thích hợp… Có điều Người phải, lúc này đây, chịu mưu toan tiêu diệt hiểm độc của tên bạo chúa, để rồi hơn ba chục năm sau sẽ bị chính con của hắn đồng lõa với đế quốc thống trị Rôma kết án tử đóng đinh vào thập giá.

Lạy Hài Nhi đang ngủ yên trong vòng tay âu yếm của Mẹ hiền, xin cho con đặt cược toàn bộ cuộc sống con trên sự nhỏ bé, yếu đuối của lòng thương xót Chúa. Chính những lúc tâm hồn con lo sợ cuống quýt trước quyền lực ghê sợ của sự công thẳng, xin cho con can đảm lao mình vào vòng tay hiền mẫu, để con cũng có được giấc ngủ an lành trong tin tưởng phó thác vào lòng Chúa xót thương. Xin che chở để con không bao giờ bị sự công thẳng Chúa nhấn chìm trong lo âu sợ hãi, một vui hưởng sự an bình của những tâm hồn biết tín thác trọn vẹn cho lòng nhân ái yêu thương. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

ẢNH HƯỞNG CỦA THẦN TƯỢNG
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Những năm vừa qua, làn sóng hâm mộ Hàn Quốc đang rầm rộ và ảnh hưởng rất lớn đến xác quốc gia thuộc khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Hàng loạt cơn sốt mang tên “Hàn Quốc” liên tiếp bùng nổ trong một bộ phận người Việt trẻ như: ăn mặc theo phong cách Hàn, ăn đồ ăn Hàn, sử dụng mỹ phẩm Hàn, xem phim Hàn, nghe nhạc Hàn …

Ảnh hưởng rõ nhất và nhiều nhất của “Làn sóng Hàn Quốc” chính là pim ảnh, âm nhạc … Các trang web Hàn tràn lan tren mạng. Fan hâm một của ngôi sao Hàn, ca sĩ Hàn có mặt ở khắp mọi nơi.

Có những fan khi xem một bộ phim Hàn nào đó đã cất công lùng sục cho bằng được chiesc áo sơ mi, chiếc váy hay chiếc quần tây giống như ngôi sao Kim Hee Sun, Yoon Eun Hye, Kim Hyun Joo, Choi Ji Woo … diện trên phim. Không chỉ bắt chước về ngoại hình bên ngoài, nhiều bạn trẻ còn học cách suy nghĩ, hành xử của thần tượng trong phim. Những câu chuyện tình lãng mạn trên phim Hàn đã trở thành niềm mơ ước của nhiều đôi bạn trẻ.

Liệu có thể cấm giới trẻ thần tượng một ai đó? Theo các nhà giáo dục, điều này là không thể bởi nếu bị ngăn cản giới trẻ sẽ chống đối và có hành vi tiêu cực. Vì thế, tốt nhất là phải đẩy mạnh giáo dục, trong đó giáo dục gia đình rất quan trọng.

Một chuyên viên giáo dục đã nói: Khi con “thần tượng” một ai đó, cha mẹ nên trò chuyện, gợi mở để giúp con nhận ra những giá trị tốt đẹp mang tính bền vững ở thần tượng, đó có thể là tài năng, là sự nghiệp, là trái tim nhân hậu, là giọng hát hay… Nhưng, giá trị đó không phải là toàn bộ thần tượng. Micheal Jackson được nhiều bạn trẻ thần tượng vì giọng hát nhưng mặt khác, ông lại nghiện rượu, ma túy bởi đơn giản ông không hoàn hảo mà là “con người”

Thần tượng một ai đó là lẽ thường tình. Vì con người dễ rập khuôn theo người khác. Những người càng xuất hiện nhiều trước công chúng càng có nhiều fan hâm mộ rập khuôn theo mình. Nhưng, con người luôn bất toàn, khiếm khuyết, chúng ta không thể rập khuôn theo thần tượng hoàn toàn mà phải thanh lọc những cái hay cái đẹp nơi thần tượng của mình.
Hôm nay, lễ hiển linh. Lễ kỷ niệm ba vua theo ánh sao dẫn tới hang đá Belem. Ba Vua đã có cơ hội đến tôn thờ Chúa nhờ ánh sao, phải chăng để cho lương dân nhận biết Chúa, cũng cần những con người là ánh sao để dẫn dắt anh chị em mình? Hay có thể nói, chính chúng ta cũng phải là thần tượng cho anh em mình. Khi họ nhìn vào cuộc sống chúng ta họ muốn đến với Chúa. Khi họ nhìn vào cuộc sống chúng ta họ nhận ra Chúa đang làm chủ trong cuộc đời chúng ta.

Cuộc sống của người ky-tô hữu phải là khuôn mẫu của tình yêu, của lòng bác ái bao dung.

Đó chính là cách chúng ta lôi cuốn người khác đến với Chúa. Tuy nhiên, khi nhìn vào đời sống chúng ta đã nhiều lần chúng ta chưa phản chiến tình yêu Chúa ra bên ngoài. Chúng ta đã sống thiếu tình yêu, thiếu lòng bác ái, bao dung khi vẫn còn mang thù hận, ghen tương với nhau. Nhiều người vẫn chưa có thiện cảm với đạo Công giáo khi chúng ta chưa sống tin mừng qua việc xây dựng tình hiệp nhất, công lý và bình an. Chúng ta vẫn sống chia rẽ, lỗi công bình, gây mất bình an qua lời nói châm chọc, kết án, bỏ vạ cáo gian anh em mình.

Đời sống của chúng ta dù ít dù nhiều luôn có ảnh hưởng trên người khác. Nhất là các bậc cha mẹ, thầy cô luôn tác động mạnh trên lối sống của con trẻ. Có biết bao gương lành của người lớn đã làm nên những con người phi thường cho nhân thế. Nhưng cũng có biết bao gương xấu của cha mẹ hay các nhà giáo dục đã làm cho biết bao con người sa đoạ hay lạc lối.

Xã hội luôn cần gương sáng để đẩy lùi bóng tối. Xã hội luôn cần những ánh sao sáng cho bầu trời thêm trong xanh. Xin cho đời sống chúng ta luôn là ánh sao dẫn về chân thiện mỹ tình thương. Xin đừng để những lối sống tội lỗi của chúng ta trở thành gương mù cho anh em. Amen.

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

HÃY TỎA SÁNG
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Hôm ấy, đang khi vị linh mục giảng tĩnh tâm cho gần 500 tín hữu trong một hội trường rộng lớn về đề tài: “Hãy làm gương sáng”, thì điện bị cúp trong toàn khu vực (cúp điện theo chiến thuật!). Cả hội trường chìm trong bóng tối.
Bấy giờ ngài bật lên một que diêm, giơ cao lên và cất tiếng hỏi: “Anh chị em có thấy ánh sáng từ que diêm nầy không?”
Mọi người trong hội trường đáp lại: “Thưa có”
Vị linh mục tiếp: “Dù bóng tối phủ dày nhưng chỉ cần ánh sáng của một que diêm thôi cũng đủ cho nhiều người chung quanh nhìn thấy. Như thế, ánh sáng của việc tốt, dù nhỏ bé thôi, cũng có thể tỏa ra trước mắt nhiều người trong một xã hội dẫy đầy bóng tối.”

Sau đó, ngài mời gọi những ai mang theo hộp quẹt trong túi, hãy bật cho lửa sáng lên. Nhiều người hưởng ứng. Thế là bóng tối bị đẩy lùi, cả hội trường sáng lên bởi rất nhiều ánh lửa nhỏ từ các hộp quẹt của những người hiện diện.
Bấy giờ vị linh mục tiếp: “Nếu mỗi người chúng ta cố gắng thực hiện một việc tốt mỗi ngày thì cuộc đời chúng ta sẽ tỏa sáng như những đốm lửa trên tay chúng ta đây. Nhờ đó bóng tối của thói hư tật xấu và của tệ nạn đang bao trùm thôn xóm sẽ dần dần bị đẩy lùi.”

***

Hôm xưa, nhờ ánh sáng của ngôi sao lạ rực sáng lên ở phương đông, các nhà chiêm tinh mới lần theo ánh sao, tìm đến thờ lạy Chúa Hài Nhi. Hôm nay, mỗi người tín hữu theo Chúa Kitô phải trở thành những ánh sao mới để dẫn lối cho bao người tìm về với Chúa.

Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia được trích đọc vào thánh lễ hôm nay vang lên như một lời mời gọi tha thiết, thúc giục chúng ta hãy toả sáng.

“Hãy đứng lên, bừng sáng lên ! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi.
Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân ;
còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.” (I-sai-a 60,1)
Ngoài ra, qua thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô nhân danh Thiên Chúa kêu gọi chúng ta tỏa sáng: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ… anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.” (Philip 2,15)

Phải tỏa sáng cách nào?

Trước hết là bằng cách phát huy nếp sống đẹp: đẹp trong lời ăn tiếng nói, đẹp trong cách cư xử giao tế với người chung quanh, nhưng đẹp nhất là có lòng bác ái, yêu thương, tôn trọng và sẵn sàng phục vụ những người chung quanh… Ai thực hiện được những điều đó, thì họ là những ánh sao dẫn đường về với Chúa, về với Chân Thiện Mỹ. Thế giới và xã hội rất cần những ngôi sao như thế để soi đường dẫn lối cho bao người.

Như giọt sương mai

Những giọt nước bẩn đọng lại đây đó trên những lá cây bên đường không thể tỏa ra chút ánh sáng nào; thế nhưng những giọt sương mai còn đọng lại trên các ngọn cỏ lại trở nên long lanh tuyệt đẹp dưới ánh bình minh.
Vậy thì các tín hữu cần loại trừ khỏi cuộc sống mình những tệ nạn và thói hư tật xấu, bấy giờ tâm hồn họ sẽ trở nên trong sáng như những hạt sương mai.
Kế đó họ cần học hỏi và để cho Lời Chúa thấm đẫm tâm hồn. Một khi Tin Mừng Chúa Ki-tô được chiếu giọi tận đáy sâu tâm hồn thì Ánh Sáng Tin Mừng sẽ làm cho họ trở nên lấp lánh giữa cuộc đời, như ánh sáng mặt trời ngời sáng trên những giọt sương mai.

Lạy Chúa Giêsu,
Xin giúp chúng con tỏa sáng, dù không như ánh sao giữa bầu trời đêm thì ít nữa cũng như một cây nến sáng trong gia đình, để nhờ gương lành việc tốt của chúng con, gia đình, thôn xóm chúng con được bừng sáng, vì “gần mực thì đen, gần đèn ắt phải sáng.”

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

PHẦN THƯỞNG CHO TẤM LÒNG THÀNH
Lm Paul Nguyễn Nguyên

Thế là một mùa giáng sinh nữa lại chuẩn bị khép lại. Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo hội mừng lễ Chúa Hiển Linh, hay còn gọi là Lễ Ba Vua, nghĩa là mừng ngày Chúa tỏ mình ra cho con người, mừng ngày Thiên Chúa không dành riêng ân sủng của Ngài cho một nhóm người nào, nhưng Ngài kêu gọi tất cả mọi người đến gặp gỡ Ngài. Thế nhưng, có một điều trớ trêu mà chúng ta vừa nghe trong tin mừng. Không phải ai cũng có thể gặp gỡ được Ngài.

Thật vậy, dân Do thái sau bao thế kỷ đợi chờ nhưng khi vị Cứu Tinh xuất hiện, lại thờ ơ lãnh đạm, các thượng tế và kinh sư thì dửng dưng thụ động, cho dù họ thông thạo Kinh Thánh và biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu Thế. Nhưng họ lơ là, quá say mê hưởng thụ những lợi lộc vật chất mà không chấp nhận từ bỏ, không chấp nhận ra đi đến nơi Thiên Chúa chờ sẵn để gặp họ, dù từ Giêrusalem đến Bêlem chỉ có 7 cây số mà thôi. Tệ hơn nữa, như vua Hêrôđê lại còn hoảng hốt vì sợ ngai vàng của mình bị lung lay, lại sợ rằng Chúa đến để chiếm lấy quyền của ông, làm cho ông mất danh vọng, quyền hành, địa vị. Chính vì thế mà ông đã ngấm ngầm muốn hại Chúa. Chỉ có các đạo sĩ đại diện cho lương dân nhờ ánh sao dẫn lối đã hăng hái lên đường, hăm hở tìm kiếm, cho dù cuộc kiếm tìm đầy phiêu lưu trắc trở. Và khi tìm được rồi, Đấng Cứu Thế cũng chẳng có vẻ gì là một vị quân vương, không uy nghi trong cung điện đền vàng, nhưng họ đã tin vào ánh sao để nhận ra thân phận vị cứu tinh nhân trần từ chính khung cảnh nghèo nàn của kiếp người. Họ đã tin vào ánh sao để có thể cúi mình thờ lạy một hài nhi yếu ớt con của một gia đình nghèo khó. Họ đã nhờ ánh sao để tìm thấy chân lý trong nghịch cảnh đời sống và vui mừng đón nhận, xin được bái kiến, dâng lễ vật quý giá Vàng – Nhủ Hương – Mộc Dược với tất cả tấm lòng thành.

Trông người thì nghĩ đến ta!!! Nhìn về bản thân mỗi người, chúng ta cũng được Chúa ban cho những con đường để gặp gỡ Chúa, nhưng liệu chúng ta có đủ can đảm chấp nhận hy sinh để thực hiện cuộc phiêu lưu ra đi, từ bỏ nếp sống hưởng thụ vật chất, từ bỏ ngôi nhà vinh quang để đi gặp Chúa hay không? Rồi khi gặp Ngài có thể không như chúng ta nghĩ trước trong hình thể ẩn mình như trường hợp của các đạo sĩ gặp con trẻ, chúng ta có khiêm tốn và đủ đức tin để sấp mình thờ lạy một Hài Nhi nhỏ bé là Con Thiên Chúa hay không? Hay chúng ta sợ Chúa đến tách mất khỏi chúng ta những lợi lộc vật chất, những vinh quang, những uy quyền mà chúng ta đang hưởng như vua Hêrôđê ngày xưa.

Vì thế, mừng lễ Hiển Linh, chúng ta hãy nghiêm chỉnh xét lại thái độ sống của mỗi người chúng ta, hãy tự kiểm lại chính mình xem chúng ta đang mang trong mình hình ảnh của ai? Của Hêrôđê, khi chúng ta vì ích kỷ chỉ biết lo cho mình mà quên đi những lời kêu than của người chung quanh, không nhìn thấy nỗi đau xé lòng mà mình gây nên cho họ. Khi chúng ta ham hố quyền lực nên sẵn sàng tiêu diệt, loại trừ người khác để bảo vệ uy thế và chỗ đứng cho mình; của những Kinh sư khi chúng ta lo mãi mê với công ăn việc làm hoặc coi trọng việc vui chơi giải trí hơn nên chỉ ở cách nhà thờ có thể đôi ba cây số, vài ba bước chân, mà cũng chẳng mấy khi đến tìm gặp Ngài. Nếu có đến thì cũng chỉ đến cho tròn bổn phận chứ chưa đến với lòng thành tâm thiện chí. Hay chúng ta là những Nhà Đạo sĩ Phương Đông khi chúng ta khao khát và kiếm tìm chân lý, biết mở rộng vòng tay yêu thương để ban phát cho những người kêu cầu đến chúng ta. Khi chúng ta nhận thấy được những lỗi lầm thiếu sót của mình mà sẵn sàng sửa đổi cho tốt hơn, khi chúng ta biết sống quảng đại, để biết thông cảm và tha thứ.

Ước gì, mỗi người chúng ta sẽ trả lời: tôi đang mang hình ảnh của những nhà đạo sĩ để được Thiên Chúa cho gặp Ngài và được Ngài đong đầy tâm hồn chúng ta tình yêu Chúa để chúng ta được sống hạnh phúc với Chúa mãi mãi trong vinh quang Nước trời mai sau. Amen.

Lm Paul Nguyễn Nguyên

NGÔI SAO DẪN ĐƯỜNG
Lm. John Nguyễn

Ca khúc “Gangnam Style” của ca sỹ Psy, người Hàn Quốc vừa lập kỷ lục trên YouTube khi trở thành video được xem nhiều nhất với 803 triệu lượt. Với điệu nhảy phi ngựa và giai điệu vui nhộn, Psy bất ngờ trở nên nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Có những nhân vật nổi tiếng đã bắt chước điệu nhảy ngựa độc đáo của Psy, từ Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki – Moon đến Tổng thống Mỹ – Barack Obama. Tên thật của anh ta là Park Jae-Sang (Psy), anh được yêu mến với tư cách là rapper đa tính cách với nhiều video với lối diễn độc đáo. Chính ca khúc “Gangnam Style” này, Psy được bộ văn hóa Hàn Quốc trao tặng huân chương Okgwan nhờ việc đưa văn hóa Hàn giới thiệu đến với bạn bè quốc tế. Ca khúc Gangnam Style đã lọt vào Top 100 của bảng xếp hạng Billboard Mỹ và xếp thứ 11. Đây là đầu tiên trong lịch sử của nghệ sĩ Hàn Quốc lọt vào Top 20 của Mỹ, và anh ta đã trở nên thần tượng của giới trẻ.

Điều này chứng tỏ rằng, ngày này đặc biệt là những các bạn trẻ, họ thường tìm kiếm các ngôi sao màn bạc để làm thần tượng cho mình về phong cách và lối sống. Họ cũng mong muốn trở nên giống thần tượng của mình và được tỏa sáng trong mọi lĩnh vực. Và các nhà đạo sĩ trong Tin mừng hôm nay cũng đi tìm ngôi sao lạ, nhưng không phải là ngôi sao ca nhạc, ngôi sao thể thao hay là minh tinh màn bạc nào đó, mà là Ngôi sao Giêsu. Ngài là Ngôi sao của bình an, ánh sáng, hạnh phúc cho nhân loại trên thế gian này.

Thật vậy, con người luôn khao khát đi tìm kiếm hạnh phúc, và muốn khám phá những điều mới lạ trong vũ trụ này. Cũng như các nhà đạo sĩ đi tìm ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời, mà Tin mừng thánh Matthêu đã thuật lại cho chúng ta về biến cố trọng đại này. Khi các nhà chiêm tinh từ Đông phương đến hỏi dân chúng: Đức Vua dân Do thái sinh ra ở đâu? Và họ đã nhìn thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông. Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối và dặn các nhà đạo sĩ khi nhìn thấy Hài nhi ở đâu thì về báo lại cho ông ta. Họ đã đi và gặp Hài Nhi Giêsu với thân mẫu Maria và thánh Giuse tại làng Bêlem thuộc miền Giuđê. Các ngài sắp mình thờ lạy Người. Rồi họ dâng vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến lễ vật cho Chúa Giêsu. Sau đó, họ được báo mộng là không trở về báo lại cho vua Hêrôđê, nên các ông đã tìm lối đi khác mà về xứ mình.

Từ cuộc hành trình tìm kiếm ngôi sao lạ của ba nhà đạo sĩ cho chúng ta suy nghĩ gì?. Họ là ai? Họ là những người lương dân, nhưng họ nhận ra ngôi sao này, chính là ngôi sao chiếu mệnh của người dân Do thái. Vì theo phong tục của họ, mỗi vị vua sinh ra đều có một ngôi sao chiếu mệnh. Cho dẫu, cuộc hành trình của các ngài có nhiều khó khăn, vất vả và gian nan. Nhưng các ngài luôn khao khát để đến với Đấng cứu thế mà con người mong đợi. Các ngài đã sụp lạy và dâng lễ vật cho Hài Nhi để tỏ lòng tôn kính và mến yêu. Trong khi đó, vua Hêrôđê thì bực tức và lo sợ, vì ông ta đang nghĩ đến vị trí và ngai vàng của mình. Một kẻ tham quyền cố vị nên ông ta đã hành động một cách tàn bạo và gian ác. Ông ta sai quân lính đi khắp nơi để giết các trẻ em từ hai tuổi trở xuống. Lòng ganh tỵ của vua Hêrôđê đã giết chết biết bao nhiêu trẻ em vô tội. Sự tàn bạo và gian ác của con người hiện nay cũng đang giết chết những người vô tội bởi chiến tranh. Như lời Đức Thánh Cha đã công bố: ngày nay có những trào lưu muốn loại trừ Thiên Chúa khỏi con tim của con người. Đặc biệt là các tôn giáo độc thần, là nguyên nhân của bạo lực và các cuộc chiến xẩy ra trên thế giới. Nếu muốn có hòa bình, nhân loại trước tiên phải loại trừ tôn giáo. Thuyết độc thần quan niệm rằng, niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất là kiêu ngạo, là nguyên cớ cho sự bất khoan dung. Trong khi đó, họ cho rằng, họ có thể thay quyền Thiên Chúa để thực hiện theo ý riêng của mình, họ coi Thiên Chúa như tài sản riêng của mình. Họ bóp méo sự thánh thiêng và phủ nhận Thiên Chúa. Nếu ánh sáng của Thiên Chúa bị dập tắt, thì phẩm giá của con người cũng bị dập tắt. Lúc đó, con người không còn là hình ảnh của Thiên Chúa- Đấng mà chúng ta phải tỏ lòng kính trọng trong mỗi con người, nơi những người yếu đuối, khách lạ, và người nghèo, và thế giới phát sinh bạo lực, chiến tranh, người ta khinh thường và chà đạp lẫn nhau, mà chúng ta đã thấy được điều này trong thế kỷ vừa qua.

Ngày nay, thế giới đang có quá nhiều ngôi sao đang được tỏa sáng khắp nơi, và người ta cũng đi tìm các ngôi sao để làm thần tượng.Và tôi có thể tự hỏi với chính mình: ngôi sao nào đang dẫn đường cho tôi? Và tôi đang thuộc về ai? Nơi các nhà đạo sĩ, họ khao khát để đi tìm ngôi sao Hài Nhi Giêsu với một hành trình đầy khó khăn và vất vả, các ngài đã hạnh phúc khi thấy Hài Nhi, các ngài thờ lạy và dâng lễ vật cho Chúa Giêsu. Và giờ đây, chúng ta hãy noi gương các nhà đạo sĩ luôn biết khao khát và tìm kiếm Giêsu trong hành trình cuộc đời chúng ta, nhờ đó chúng ta trở nên ánh sáng cho anh em mình khơi đi từ ánh sáng của Chúa Kitô, vì Ngài là Ánh sáng, là Đường, là Sự thật và là Sự sống.Và nơi Đức Giê-su, chính Ngài là nguồn hy vọng cho nhân loại trên thế giới này, cho dù thế gian có quay lưng lại với Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn tiếp tục mang đến cho nhân loại tình yêu, công lý và hòa bình. Như lời thiên thần ca hát:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời.
Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Lm. John Nguyễn, Utica, New York

HÀNH TRÌNH BA VUA
AM Trần Bình An

Phúc Âm chỉ nhắc đến ba vị vua. Thế nhưng văn sĩ Joergernen người Ðan Mạch thì lại tưởng tượng ra một vị vua thứ tư. Vị vua thứ tư này đến chầu Chúa Giêsu sau ba vị vua khác.

Trước khi lên đường, ông chọn ba viên ngọc quý nhất trong kho tàng của ông, thế nhưng dọc đường gặp bất cứ ai xin, ông cũng mang ra tặng hết. Người thứ nhất mà ông đã gặp là một cụ già rét run vì lạnh. Ðộng lòng trắc ẩn, ông đã tặng cho cụ viên ngọc thứ nhất. Ði thêm một đoạn đường nữa, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông đành mang viên ngọc thứ hai ra thương lượng với chúng để chuộc lại cô gái. Cuối cùng khi tiến vào địa hạt Bêlem, ông gặp một người lính do vua Herôđê sai đi để tàn sát các hài nhi trong một ngôi làng lân cận. Vị vua thứ tư đành phải rút ra viên ngọc cuối cùng để tặng cho người lính và thuyết phục anh từ bỏ ý định gian ác

Tìm được Hài Nhi Giêsu, vị vua thứ tư chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình. Nghe xong câu chuyện, Hài Nhi Giêsu mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra đón nhận quà tặng của ông. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng là tấm lòng vàng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân, nhất là những người túng thiếu, đói khổ, những người cần giúp đỡ… cả tinh thần, thể xác lẫn vật chất. (Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài)

Bài trích thuật Tin Mừng lễ Hiển Linh hôm nay, đề cập đến ba nhà đạo sĩ phương Đông đến bái thờ Chúa Giêsu Hài Đồng. Một cuộc hành trình chẳng khác cuộc hành trình Đức Tin của tín hữu chúng ta bây giờ.

Ngôi sao dấu chỉ

Các đạo sĩ chỉ nhìn thấy dấu chỉ là một ngôi sao lạ, lập tức tìm hiểu mầu nhiệm ẩn giấu, liền chân thành tin tưởng, vội vã đi tìm Chúa thờ lạy. “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2, 2)

Trong bối cảnh xã hội nhiễu nhương hiện nay, Chúa vẫn thương ban cho tín hữu biết bao dấu chỉ. Những thảm họa thiên nhiên, những xung đột quốc gia hay quốc tế, những băng hoại, suy đồi đạo đức xã hội, chẳng lẽ không làm cho tín hữu nhận ra, sắp đến ngày cánh chung, ngày tận thế, để kịp thời ăn năn, sám hối và hoán cải chăng?

Lời Chúa dẫn đường

Các đạo sĩ tuy đã nhận ra Ơn Gọi qua dấu chỉ ngôi sao, nhưng không thể tự hiểu thấu đáo, không thể cậy vào khả năng, sự thông thái bản thân, mà có thể tìm đến Chúa. Nên các vị đó vẫn phải cậy nhờ đến Lời Chúa trong Kinh Thánh, qua các các thượng tế, các kinh sư tìm hiểu. “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách Ngôn Sứ có chép rằng: Phần người, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, người đâu phỉ là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời.” (Mt 2, 5-6)

Tuy các nhà lãnh đạo tinh thần thấu hiểu Lời Chúa, nhưng lại không hề tỏ muốn tìm đến thờ lạy Chúa. Dẫu vậy, các đạo sĩ vẫn không bị chao đảo, ảnh hưởng thái độ hờ hững, các vị nhờ Lời Chúa soi dẫn, vẫn trung thành cuộc hành trình, tiếp tục lên đường đi tìm Chúa.

Bền đỗ Đức Tin

Ngôi sao lại hiện ra như các đạo sĩ hằng mong đợi và hy vọng, lại tiếp tục hướng dẫn các đạo sĩ, tìm đến BêLem. Đáp lại niềm tin cháy bỏng, vững bền và trung thành, Chúa Hài Nhi tiếp tục hướng dẫn các đạo sĩ đến với Người qua ánh sao. Cuối cùng, các vị vui mừng được toại nguyện. “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người.” (Mt 2, 9 -11)

Đâu chỉ riêng các đạo sĩ mới nhận biết Chúa Giáng Sinh tại BêLem, mà các thầy thượng tế, các kinh sư, đông đảo dân thành Giêrusalem, Bêlem, và cả vương triều Hêrôê cũng đều biết. Nhưng họ đều quay lưng lại với Hài Đồng Giêsu, thậm chí còn nuôi thù chuốc oán, toan hãm hại Hài Nhi Giêsu, như hôn quân Hêrôđê ra mặt đố kỵ, thù hận.

Trong thế giới đang chối từ Thiên Chúa hôm nay, cũng biết bao người đang quay lưng, xa lạ với Đấng Cứu Thế. Dù Người vẫn hằng mong mỏi chờ đợi từng giây phút, mọi người đến lãnh nhận ơn Cứu Độ.

Lễ vật hiến dâng

Ba đạo sĩ đã dâng lên vàng, nhũ hương, mộc dược để tôn vinh Chúa Hài Đồng, vừa là Vua Vũ Trụ, vừa là Thiên Chúa, vừa mang xác phàm. “Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.” (Mt 2, 11)

Còn vị vua thứ tư của văn sĩ Joergernen, chẳng có chi dâng lên, ngoài tấm lòng vàng với tha nhân. Nhưng Hài Nhi Giêsu vẫn mỉm cười đưa bàn tay bé nhỏ ra đón nhận quà tặng của ông.

Đã ra đi phải bất chấp lưỡi thiên hạ đàm tiếu. Ba đạo sĩ ra đi, họ đã gặp; Phanxicô Xaviê ra đi, hy vọng cứu rỗi các linh hồn, ông đã gặp; Goretti ra đi, thoát cơn cám dỗ, hy vọng gặp Chúa, chị đã gặp. (Đường Hy Vọng, 7)

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhìn những biến cố xảy ra chung quanh, mà thấy được đâu là dấu chỉ Chúa muốn gửi đến, hầu con nhận ra và vâng theo Thánh Ý Chúa nhiệm mầu.
Lạy Mẹ Maria, xin hướng dẫn con luôn biết tìm đến với Chúa, như các đạo sĩ ngày xưa, dù vất vả, gian nan, cơ cực đi nữa, để dâng lên Người tấm lòng thành kính của con, tuy vẫn chưa được tươm tất xứng đáng. Amen.

AM Trần Bình An

Chia sẻ Bài này:
[9] [10] [11]