Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh C

NƠI HÀI NHI GIÊSU – THIÊN CHÚA MUỐN
HIỂN LINH THỨ VINH QUANG NÀO?
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Tôn giáo nào thì cũng muốn cho vị thần linh mình tôn thờ được hiển trị. Đó là một tình cảm tôn giáo đáng quí nhưng cũng thật đáng sợ, vì nó đã từng và còn đang là nguyên nhân gây nên biết bao cuộc bắt hại, chiến tranh tôn giáo, hay các thủ đoạn ác độc hòng triệt hạ đối phương. Lịch sử đã ghi lại không ít cuộc chiến tranh tôn giáo khốc liệt mà. Có phải Hiển Linh mừng hôm nay cũng là làm cho vinh quang Thiên Chúa được rạng rỡ, cho quyền năng Người được hiển hách, cho dầu còn trong hình hài một trẻ thơ bé bỏng yếu hèn? Có một thời tôi đã cảm thấy kiêu hãnh: ‘Có thế chứ… phải có những ông vua tới thờ lạy, tới triều cống những lễ vật quí giá mới xứng danh phận Ngài chứ! Phải có những vì sao lạ xuất hiện trên bầu trời để mà cả và thiên hạ trầm trồ ca tụng Ngài! Và tôi lấy làm hả dạ về lễ Chúa Hiển Linh. Tỉnh cảm đó thực ra là gì, một nhiệt tình tôn giáo cao quí đáng được đề cao, hay chỉ đơn thuần là một đầu óc háo thắng thiển cận (triumphalism)?

Thật ra câu chuyện về các chiêm tinh gia (thường được dân có đạo nâng lên hàng vua chúa cho nó oai: lễ Ba Vua) đến bái lậy Hài Nhi Giêsu chỉ được Phúc Âm Mátthêu ghi lại với chủ đích, như ông vẫn quen làm, để khảng định “thế là ứng nghiệm” những lời các tiên tri đã báo trước xung quanh việc Hài Nhi ra đời: Hài Nhi sinh ra tại Bêlem miền Giuđê; việc ngài chạy trốn qua và trở về lại từ Ai cập v.v… Tự nó câu chuyện rõ ràng mang tính truyền thuyết tới độ tôi dám nghĩ rằng, nó được thuật lại hầu nâng cao tình cảm tôn giáo nơi các tín hữu. Vấn nạn mấu chốt được nêu lên là: nếu Hài Nhi mới sinh tại Bêlem được hiển linh, thì là hiển linh điều gì? Nói cách khác, đâu là vinh quang đích thực của Hài Nhi nghèo hèn này?

Ba nhà chiêm tinh (hay đạo sĩ) là những con người uyên bác, chuyên tìm hiểu những qui luật của trời đất. Qua tinh tú chuyển vận, các ông đoán biết một nhận vật quan trọng mới xuất hiện, và các ông lên đường đi tìn Ngài. Theo lô-gich, nhân vật này chắc hẳn là một vị vua sinh trưởng trong chốn cung đình. Thế là họ tìm tới Giêrusalem là kinh thành của vương triều Đavit; nhưng ở đó họ chỉ gặp được Hêrôđê, con người của quyền lực và mưu mẹo. Nhưng vị dẫn đường cho họ là một ‘ngôi sao lạ’ nên nó phải dẫn họ tới một nơi không ai từng ngờ: tới một làng quê Bêlem hẻo lánh, và tới một hài nhi mới sinh nằm trong lòng một người mẹ đơn sơ nghèo hèn. Tín hữu chúng ta rõ ngôi sao lạ đó tượng trưng cho niềm tin vào Tin mừng. Vâng, chỉ có Tin Mừng đức Giêsu Kitô mới có khả năng dẫn chúng ta tới gặp một vị Thiên Chúa, không chút hiển hách, không đầy uy lực và không công thẳng, nhưng là một Thiên Chúa quá ư gần gũi, quá là con người trong hình hài một trẻ thơ: Thiên Chúa cứu độ của lòng từ nhân và hay thương xót chứ không phải một Thiên Chúa luận phạt. Nếu ba đạo sĩ đã phải gác qua một bên cái thứ lô-gich khôn ngoan thông thái thường ngày của họ để có thể sấp mình bái lậy một trẻ thơ trong căn lều nghèo nàn, thì Kitô hữu cũng vậy, càng cho mình là đạo đức chính trực bao nhiêu, họ lại càng phải để cho đức tin làm một cuộc cách mạng nơi mình, tôn thờ bái lạy vinh quang Thiên Chúa trong sự hiền lành, từ nhân, thương xót và hay tha thứ.

Câu truyện còn cho thấy có đối kháng sâu sắc giữa một bên là uy quyền thống trị và trừng phạt (điển hình là vua Hêrôđê) với bên kia là sự yếu đuối ẩn dật của một Hài Nhi bé bỏng nép mình bên hông mẹ. Quyền uy chinh phục có sức mạnh của nó và xem ra không thể đội trời chung với lòng trắc ẩn nhân ái. Uy quyền của bạo vương Hêrôđê không thể đem ra chia sẻ với Tân Vương cứu độ mới sinh ra. Ở đâu có nghiêm minh, ở đó không thể có chỗ cho trắc ẩn xót thương và ngược lại. Sự công thẳng nổi cộm như một quyền lực thống trị trong khi lòng nhân ái lại luôn tỏ ra quá yếu ớt lép vế. Chính vì thế mà một khi đề cao lòng trắc ẩn thương xót thì nhiều người lại tỏ ra e dè sợ sệt. Họ lo sợ sự hợp lý đầy uy lực của ‘lành thưởng dữ phạt’ sẽ bị phá đổ; thế là họ rắp tâm ‘tiêu diệt’ lòng nhân ái xót thương, ít là trong tư duy của riêng họ. Thiên Chúa giáng trần đã chọn hình hài một thơ nhi yếu đuối ẩn dật để biểu lộ lòng xót thương cứu độ con người, điều đó quả là vô cùng thích hợp… Có điều Người phải, lúc này đây, chịu mưu toan tiêu diệt hiểm độc của tên bạo chúa, để rồi hơn ba chục năm sau sẽ bị chính con của hắn đồng lõa với đế quốc thống trị Rôma kết án tử đóng đinh vào thập giá.

Lạy Hài Nhi đang ngủ yên trong vòng tay âu yếm của Mẹ hiền, xin cho con đặt cược toàn bộ cuộc sống con trên sự nhỏ bé, yếu đuối của lòng thương xót Chúa. Chính những lúc tâm hồn con lo sợ cuống quýt trước quyền lực ghê sợ của sự công thẳng, xin cho con can đảm lao mình vào vòng tay hiền mẫu, để con cũng có được giấc ngủ an lành trong tin tưởng phó thác vào lòng Chúa xót thương. Xin che chở để con không bao giờ bị sự công thẳng Chúa nhấn chìm trong lo âu sợ hãi, một vui hưởng sự an bình của những tâm hồn biết tín thác trọn vẹn cho lòng nhân ái yêu thương. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Chia sẻ Bài này:

Related posts