- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1, 39-45).

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG IV MÙA VỌNG C

 
 

NIỀM VUI TRONG THÁNH THẦN
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Bà Elizabeth vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Thánh Gioan Baotixita vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Những niềm vui ấy hoà chung, biến buổi gặp gỡ thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Nguồn gốc của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc. Ta thấy được ơn Chúa Thánh Thần qua những dấu hiệu sau đây.

Dấu hiệu thứ nhất: ơn khiêm nhường.
Tâm hồn có Chúa Thánh Thần sẽ trở nên khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết thân phận mình hèn yếu, bé nhỏ, tội lỗi. Khiêm nhường vì biết tất cả những ơn nhận được không phải do công trạng của mình nhưng là do lòng thương xót của Chúa. Vì thế, khi nhận được tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã xưng mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa”. Bà Elizabeth khiêm nhường tự hỏi: “Bởi đâu tôi được phúc đón tiếp Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. Và Đức Maria đã trả lời bằng một bài ca khiêm nhường ngợi khen Thiên Chúa vì tình yêu thương đã đoái thương đến phận hèn nữ tỳ của Chúa.

Dấu hiệu thứ hai: ơn bác ái.
Thánh Thần là tình yêu. Đến đâu là đốt lên lửa bác ái ở đấy, Ngài đã rợp bóng trên Đức Maria và lập tức Đức Maria được tràn đầy lòng bác ái, đã nghĩ đến bà chị họ. Đức Maria không nghĩ phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và chuẩn bị cho bản thân trong thời kỳ sinh nở sắp tới, nhưng đã nghĩ phải ra đi giúp bà chị họ neo đơn, yếu mệt. Đây là một lòng bác ái mạnh mẽ, nên Đức Maria vội vã lên đường ngay, không chần chừ, không tính toán. Lòng bác ái không chỉ hướng về những người thân trong gia tộc mà còn mở rộng ra cho cả dân tộc, cả đồng loại. Nên trong bài Magnificat, Đức Maria đã nhớ đến công ơn tổ tiên và nhớ đến cả dân tộc.

Dấu hiệu thứ ba: ơn quên mình.
Được ơn Chúa Thánh Thần tác động, tâm hồn sẽ quên bản thân mình. Trước hết quên mình để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria đã hoàn toàn quên mình khi thưa với thiên thần: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền”. Không những quên mình cho thánh ý Chúa, Đức Maria còn quên mình vì tha nhân. Ngài quên mình cũng đang mang thai, cần được nghỉ ngơi, cần được chuẩn bị, chỉ nghĩ đến bà chị họ thai nghén ốm yếu, nên đã bỏ nhà ra đi thăm viếng. Ngài quên mình là khách mời trong tiệc cưới Cana, nên đã xuống bếp giúp đỡ việc bếp núc, và hoà vào cả nỗi lo của chủ nhà thiếu rượu. Ngài quên mình nên đã theo Đức Giêsu và can đảm đứng dưới chân thập giá, cùng chịu đau đớn nhục nhã với Con.

Dấu hiệu thứ tư: ơn phục vụ.
Lòng bác ái, sự khiêm nhường và sự quên mình được kết tinh ở cao điểm phục vụ. Tâm hồn được Chúa Thánh Thần tác động sẽ tìm phục vụ như tìm niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì thế Đức Maria không quản thân phận là Mẹ Thiên Chúa đã đến phục vụ cho bà Elizabeth. Đức Maria cũng không nề hà mình đang thời kỳ thai nghén đã vui vẻ phục vụ người họ hàng cần sự giúp đỡ. Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã tự nguyện trở nên tôi tớ để phục vụ con người. Đó chính là kết tinh của ơn Chúa Thánh Thần.

Với tất cả những đặc điểm của ơn Chúa Thánh Thần, cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Thánh Gioan Baotixita còn trong bào thai đã trở thành cuộc gặp gỡ của niềm vui: niềm vui ơn cứu độ. Nhờ những chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, hai người mẹ và hai bào thai đã họp thành cộng đoàn biết đón nhận và trao tặng ơn cứu độ. Đã tập họp thành Nước Thiên Chúa, đã là cộng đoàn đầu tiên đón nhận được ơn cứu độ, tiên báo cho Giáo Hội và Nước Thiên Chúa.

Chỉ còn vỏn vẹn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, ta hãy noi gương Đức Maria, nài xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn ta nên xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế. Ta hãy xin Đức Maria dạy ta biết sống theo ơn Chúa Thánh Thần trong khiêm nhường, bác ái, quên mình và phục vụ, để ta được niềm vui đón nhận ơn cứu độ.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Có những dấu chỉ nào cho thấy ơn Chúa Thánh Thần?
2. Nhờ đâu cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth tràn đầy niềm vui?
3. Những cuộc viếng thăm gặp gỡ của bạn có đem lại niềm vui cho người khác và cho chính bạn không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

>> Mục Lục [9]

TẠI SAO LẠI NHẢY MỪNG?
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Ai cũng biết lễ Giáng Sinh là lễ của vui tươi, của rạng rỡ: đó chính là lễ hội của các ngày lễ hội; nói theo cách người Việt thì là Tết của các ngày tết. Chẳng thế mà ngay cả trong một xã hội vô thần không thiết gì tới việc Thiên Chúa giáng trần, người ta vẫn cứ trang hoàng mua sắm và ăn mừng. Chắc chắn là tôi và bạn cũng sẽ hòa mình vào niềm vui chung đó, vì điều này cũng tự nhiên thôi. Tuy nhiên với tư cách là Ki-tô hữu, chúng ta thuộc số ít những người biết rõ nguồn gốc của niềm vui này. Nó có xuất sứ từ một Hài Nhi, một con người cụ thể, và khi Hài Nhi – Con Người đó xuất hiện thì đã đem lại niềm vui cho toàn thể nhân loại, làm cho mọi người đều nhảy mừng. Nhưng ‘biết’ thế thôi thì chưa đủ. Có thật Ki-tô hữu chúng ta, sau khi đã biết và tin vào rằng Hài Nhi đã đến viếng thăm mình, sẽ thực sự nhảy mừng như Gio-an ngay từ trong dạ mẹ hay không? “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy mừng lên”.

Bên Mông Cổ dân chúng theo một thứ tôn giáo tự nhiên của nhóm người du mục Trung Á gọi là đạo Sha-man. Trong tôn giáo đó, tương tự như Cựu Ước, thầy Sha-man đóng vai ngôn sứ sẽ chỉ cho dân biết các nơi thần thánh ngự trị, và sẽ dạy cho dân biết cách làm cho các ngài không nổi cơn thịnh nộ ra tay vật chết hay làm hại được mình. Tới gần các ngài, hoặc nơi các ngài ngự trị, thường là một tảng đá hay một gốc cây nào đó, mọi người đều phải kính cẩn đi quanh ba vòng. Như nhiều tôn giáo cổ xưa, Sha-man quả thực là một tôn giáo của sợ hãi. Chính vì thế mà khi dạy giáo lý cho các sinh viên Mông Cổ, tôi đã cố gắng trình bày đạo Công giáo như một tôn giáo của tình thương, tôn giáo đem lại vui mừng và hy vọng. Tưởng là làm một công việc dễ dàng, nhưng càng dạy, tôi càng nghiệm thấy vẫn còn phảng phất đâu đó, ngay trong ‘Tin Mừng’ mà tôi đang rao giảng, một nỗi sợ hãi bàng bạc (đôi khi được biện minh bằng từ ‘kính sợ Thiên Chúa?). Lúc đó tôi mới nhận ra yếu tính thực sự của Tin Mừng phải là vui mừng trọn vẹn. Tin Mừng không đội trời chung với sợ hãi dưới bất cứ hình thức nào. Bao lâu còn vương vấn sợ hãi, dầu là nhỏ nhất, bấy lâu vẫn chưa thực sự hiện diện một Tin Mừng chân chính. Từ cửa miệng Đức Giê-su, không biết bao nhiêu lần, đã liên tục vang lên điệp khúc: “Đừng sợ!” để chấn an các môn đệ là gì?

Nhưng làm sao mà không sợ cho được? Nếu đã phạm tội thì phải sợ hình phạt hỏa ngục chứ… Không sợ hãi thì sẽ phạm tội bừa phứa mất thôi! Sợ hãi dựa trên thưởng phạt được coi là yếu tính của mọi tôn giáo, nền tảng của mọi nền luân lý và đạo đức xã hội. Nhân quả là một định luật căn bản tuyệt đối của trời đất và con người. Đã có nhân thì phải có quả, có thưởng thì phải có phạt, như vậy mới thật công bằng, mới giúp làm lành lánh dữ chứ!

Hài Nhi mà bà Maria mang trong dạ chắc phải có một khả năng gì đặc biệt lắm: khả năng làm cho mọi người đều có thể nhảy mừng, chấm dứt vĩnh viễn mọi mối sợ hãi. Phải chăng đó là khả năng đạp đổ định luật nhân quả cho tới lúc đó vẫn thống trị thế giới cách tuyệt đối? Sau này khi lên đường rao giảng ‘học thuyết’ của mình, Giêsu sẽ đặt cho khả năng đó cái tên là ‘Tin Mừng – Tin Mừng cứu độ’. Tin Mừng này hệ tại ở việc tin và đón nhận vô điều kiện tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Chính lòng thương xót và từ ái Chúa, được thể hiện nơi thập giá đức Ki-tô Giê-su, sẽ trở thành định luật mới, đối kháng với luật nhân quả ngàn đời.“Ai tin vào Người Con ấy thì không bị kết án… và không bị luận phạt…”(Ga 3,18). Kể từ khi xuất hiện Hài Nhi, nhân loại sẽ được chia thành hai phe, không phải là tốt và xấu, nhưng là một bên những người tiếp tục sống dưới luật nhân quả, chấp nhận thưởng phạt như một định luật bất di bất dịch, kèm theo mối sợ hãi thúc đẩy họ làm lành lánh dữ, bên kia là những ai tin và chấp nhận lòng từ nhân và tha thứ nhiệm mầu của Thiên Chúa mà Hài Nhi Giê-su đã khai mở. Phe thứ hai này sẽ sống không như đầy tớ trong sợ hãi, nhưng trong tinh thần nghĩa tử của con cái, tuy vẫn biết bản thân mình còn vương đầy bất toàn và tội lỗi (xem Gl 4,7). Gioan lả một trong các nhân vật đầu tiên được ghi danh vào nhóm thứ hai này, và vì thế đã nhẩy mừng ngay từ lúc khởi đầu kiếp sống làm người của mình. Ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội, mỗi Ki-tô hữu chúng ta trong lòng Hội Thánh mừng vui, cũng đã ghi tên mình vào nhóm hai này để vui mừng đón nhận tình yêu tha thứ, là thứ Tin Mừng không vương chút sợ hãi. Dưới góc cạnh này, Truyền giáo – ‘Tân Phúc Âm hóa’ sẽ được hiểu như một cuộc chinh phục phe nhân loại còn nằm trong sợ hãi của luật nhân quả, để đưa vào niềm ‘vui mừng và hy vọng’ của Tin Mừng Đức Kitô Giêsu.

Lạy Mẹ Maria hớn hở mừng vui, xin hãy mang Hài Nhi đến viếng thăm con và làm cho con cũng được nhảy mừng. Xin cất khỏi lòng con mọi nỗi sợ hãi, như Mẹ đã từng cất tiếng ca ngợi Thiên Chúa ‘Magnificat’:“tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, đấng cứu độ tôi; phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới…; đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót…” Và trong tâm tình đó con sẽ lên đường rao giảng Tin Mừng, là loan truyền cho mọi người niềm vui bất tận vì biết rằng mình đã được Thiên Chúa yêu thương cứu độ. Amen.

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

>> Mục Lục [9]

MẸ MARIA – MỘT TRÁI TIM YÊU THƯƠNG
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Có một gia đình nọ: Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ. Duy chỉ một người, không ai lo đến – ông nội già yếu. Và cho đến một ngày – ngày ông nội mất.
Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào?
Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?
Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào?
Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cha ông trong chứng minh nhân dân để làm bia mộ cho ông.
Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông.

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta vẫn vô tình lãng quên nhau. Quên nhau không phải là không có dịp gần nhau, nhìn thấy nhau, nhưng là thiếu sự quan tâm chia sẻ với nhau. Sống bên nhau nhưng vẫn thờ ơ, dửng dưng. Sống bên nhau nhưng vẫn như người xa lạ. Không quan tâm, không chia sẻ, không hỏi han nhau.

– Có những đôi vợ chồng sống bên nhau mà vợ mang thai, chồng đau yếu mà cũng chẳng hề hay biết.
– Có những người cha, người mẹ chẳng bao giờ quan tâm hỏi han sự học hành, quan hệ bạn bè của con cái chỉ tới khi con phạm pháp lúc đó mới hay thì đã quá muộn.
– Có những người con chỉ biết xài tiền cha mẹ nhưng đâu hiểu được những giọt mồ hôi, những cay đắng của đồng tiền vẫn gắn liền với chữ “bạc”.

Chính vì thế, dòng đời vẫn còn đó những mảnh đời cô đơn, thất vọng vì thiếu sự quan tâm, chăm sóc của anh em. Dòng đời vẫn còn đó những con người đang sống trong tủi nhục ngay giữa những người thân của mình. Dòng đời vẫn còn đó những phận người bị loại bỏ ngay trong mái nhà của mình.

Cuộc sống cần tình yêu, cần sự chia sẻ của tha nhân như cơ thể cần không khí để thở, để sống khoẻ mạnh hơn. Cuộc sống không có tình yêu là hoả ngục, là đoạ đầy của kiếp người chúng ta.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm một tấm lòng đầy nhân ái nơi Mẹ Maria. Mẹ đã yêu, đã sống vì tình yêu. Một tình yêu không dừng lại ở đầu môi chóp lưỡi mà thể hiện qua tấm lòng luôn nhạy cảm trước nhu cầu tha thân. Không cần họ van xin. Không cần họ lên tiếng. Tấm lòng nhân ái nơi Mẹ đã hiểu được việc gì cần làm và nên làm. Mẹ Maria khi nghe tin chị họ mình là bà Elizabet mang thai khi tuổi đã già. Mẹ hiểu vợ chồng già cần sự giúp đỡ. Mẹ cảm thông trước những khó khăn của gia đình Giacaria. Mẹ đã đi bước trước để đến đồng hành và giúp đỡ họ.

Vâng, Mẹ đã mang niềm vui đến cho gia đình Giacaria bằng tình yêu nhạy cảm của Mẹ. Mẹ còn mang đến cho gia đình Giacaria tràn đầy niềm vui khi mang Đấng Cứu Thế viếng thăm gia đình họ. Chính vì thế, gia đình Giacaria đã tràn đầy niềm vui. Bà Elizabet đã bộc lộ niềm vui khi thốt lên: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm tôi”.

Là người kytô hữu chúng ta cũng luôn có Chúa ở cùng. Ngài cũng cần đôi chân của chúng ta để mang Ngài đến viếng thăm những mảnh đời bất hạnh lầm than. Ngài cũng cần đôi tay của chúng ta để xoa dịu những thương đau cho nhân thế. Ngài cũng cần môi miệng của chúng ta để nói những lời cảm thông chia sẻ đến với tha nhân. Và Ngài cũng rất cần trái tim đầy yêu thương của chúng ta để chạnh lòng thương xót anh em.

Ước gì niềm vui giáng sinh của chúng ta là niềm vui “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” sẽ mang lại cho cuộc đời chúng ta trọn vẹn niềm vui khi mang Chúa đến cho tha nhân qua đời sống yêu thương và phục vụ của chúng ta. Nguyện xin cho mỗi bước chân của chúng ta luôn nở hoa bác ái và yêu thương trên mọi nẻo đường. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

>> Mục Lục [9]

TRỞ NÊN NHỮNG EMMANUEL MỚI
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Khi đang lâm bệnh ngặt nghèo, thập tử nhất sinh hay đang cơn hấp hối mà có người thân yêu ở kề bên chia sẻ cảm thông thì đó là niềm an ủi lớn lao không gì sánh được. Khi gặp cô đơn sầu não không kẻ đoái hoài mà có một người bạn chân tình hiện diện bên cạnh thì không gì quý báu hơn. Trong những trường hợp đó, người ta mới cảm nhận được nhu cầu có người thân sống-với mình hay hiện-diện-bên-cạnh mình cần thiết xiết bao!

Vì thế, Đức Cha Gaillot, một giám mục Pháp, đã nhận định rất xác đáng rằng:
“Sống quảng đại thì tốt, nhưng sống-với tốt hơn; Việc từ thiện là cần thiết, nhưng hiện-diện-bên-cạnh cần thiết hơn.”
Như thế, chấp nhận sống-với tha nhân, hiện-diện-bên-cạnh tha nhân thì tốt hơn mọi hình thức trao ban giúp đỡ khác.

Thiên Chúa là Người Cha nhân lành rất yêu thương nhân loại nên Ngài muốn sống với, muốn hiện diện bên cạnh nhân loại mãi mãi không cùng. Chính vì thế, Thiên Chúa tự xưng mình là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa hằng ở cùng chúng ta. (Isaia 7, 14. Mat-thêu 1, 23)
– Vì muốn ở cùng nhân loại nên Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua khoảng cách vô tận giữa trời và đất để đến ở với loài người.
– Vì muốn ở cùng nhân loại nên Chúa Giêsu đã sống kiếp phàm nhân suốt ba mươi ba năm để chia sẻ mọi vui, buồn, sướng, khổ của phận người.
– Vì muốn ở cùng nhân loại nên dù đã sống lại và lên trời vinh hiển, Chúa Giêsu vẫn không rời xa các môn đệ. Ngài nói với họ: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). “Thầy đi để dọn chỗ cho các con… Thầy sẽ trở lại để đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng sẽ ở đó.” (Mt 14,3)

Vì mong muốn ở lại mãi với các môn đệ, nên Chúa Giêsu khấn nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con.” (Mt 17,24). Thế rồi Chúa Giêsu lập nên Bí Tích Thánh Thể để không những ở với, ở cùng, hiện diện bên cạnh mà còn ở trong chúng ta và nên một với chúng ta.

Vì biết rằng nhu cầu được thăm viếng, được sống với, được hiện diện bên cạnh là rất cần thiết nên khi hay tin người chị họ cao niên của mình được Chúa đoái thương cho cưu mang quý tử, Đức Maria đã không quản ngại thân gái dặm trường, sẵn sàng băng rừng vượt núi tiến lên miền sơn cước để chúc mừng, để phục vụ và nhất là để sống với, để hiện diện bên cạnh người chị họ cao niên suốt cả ba tháng trời. (Lc 1, 39. 43. 56)

Về sau nầy, khi tâm hồn các môn đệ hoang mang xao xuyến sau biến cố Chúa Giêsu về trời, Mẹ Maria tiếp tục hiện diện bên các môn đệ, củng cố niềm tin đang chao đảo của các ngài. Và rồi trong suốt dòng lịch sử Hội Thánh, Giáo Hội phải nhiều phen trải qua gian lao sóng gió, Mẹ Maria luôn có mặt trong những thời điểm khó khăn đen tối, để hiện diện và đồng hành với đoàn con cái trong lúc gian nan, để ủi an khích lệ họ trong cảnh u sầu như Mẹ đã thực hiện tại La-vang, Fatima, Lộ-đức và nhiều nơi khác.

“Sống quảng đại thì tốt, nhưng sống-với tốt hơn. Việc từ thiện là cần thiết, hiện-diện-bên-cạnh, cần thiết hơn.”

Hôm nay, noi gương Chúa Giê-su là Emmanuel, Đấng luôn ở với loài người để cùng chia sẻ ngọt bùi, noi gương Mẹ Maria là Đấng luôn ở cùng nhân loại để che chở ủi an họ trong những lúc gian truân khốn khó, chúng ta hãy trở nên những Emmanuel khác, để viếng thăm, an ủi, để sống-với, để hiện-diện-bên-cạnh những người đang gặp hoàn cảnh đau thương.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

>> Mục Lục [9]

THĂM VIẾNG – TRAO NHAU NIỀM VUI
Lm. Paul Nguyễn Nguyên

Trong cuộc sống hàng ngày, thăm viếng nhau là chuyện hết sức bình thường. Nghe tin bên nhà ông A có chuyện không may, ông B đến nhà ông A thăm hỏi, chia sẻ niềm đau. Hoặc biết nhà bà C có tin vui, bà D đon đả chạy sang góp thêm tiếng cười, chia sẻ niềm vui. Hai người hàng xóm thăm nhau, hai người bạn thăm nhau, những người trong thân tộc máu mủ, họ hàng thăm nhau, tất cả đều là chuyện bình thường của cuộc sống.

Tin mừng Chúa nhật cuối cùng của mùa vọng năm nay cũng kể cho chúng ta một cuộc viếng thăm: Đức Maria thăm viếng bà Isave. Tuy nhiên, đây không phải là một cuộc thăm viếng bình thường, một cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ mà thôi. Nhưng đây là một cuộc trao ban ơn cứu độ. Mẹ đã mang chính Đấng là Ơn Cứu Độ tuyệt đối đến cho gia đình bà Isave.

Thật vậy, với lời xin vâng của Mẹ trong ngày truyền tin, lời hứa thuở ban đầu đã trở thành sự thật. Thiên Chúa đã đến với con người để giải thoát họ khỏi án phạt của tội lỗi. Thế nhưng, khi biết mình đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, mang trong mình Con Thiên Chúa và trước khi đem Chúa đến cho nhân loại, thì ngày hôm nay bằng hành động thăm viếng, Mẹ Maria đã đem Chúa đến cho nhà bà Isave, khiến cho Gioan cũng nhảy mừng. Nhảy mừng vì đây không phải là niềm vui bình thường, nhưng là niềm vui ơn cứu độ. Chính vì niềm vui ơn cứu độ mà Mẹ đã cất bước ra đi. Việc Mẹ Maria cất bước đâu phải việc tự nhiên. Bởi, Mẹ Maria có nhiều lý do để không ra đi, không tiến hành cuộc hành trình: nào là từ nay phải giữ gìn sức khoẻ nhằm lợi ích cho thai nhi là Con Thiên Chúa chứ không phải chuyện đùa. Nào là đường đi xa xôi, phải ít nhất bốn ngày đường mới tới nơi. Lộ trình này có nhiều rủi ro nguy hiểm nhất là cho thân gái dặm trường. Một thiếu nữ trẻ tuổi tự ý làm một cuộc hành trình dài ba, bốn ngày đường, rồi ở lại cả mấy tháng trời xa nhà xa cửa, hẳn phải là cái gì gây kinh ngạc cho người thời đó, và có thể được coi là quá đáng.

Thế nhưng, những lý do trở ngại ấy không cản được Mẹ. Mẹ đã bất chấp tất cả những cái nhìn phàm trần đó một khi muốn thực thi Thánh Ý Chúa. Lòng quảng đại của Mẹ quét sạch mọi chần chừ và lưỡng lự đó. Từ xưa, Mẹ đã quen quan tâm đến người khác hơn nghĩ đến chính mình, thì lúc này, Mẹ cũng không phải đo lường cân nhắc sự bất tiện của chuyến đi, Mẹ chỉ nghĩ đến việc cần giúp đỡ bà chị già, và Mẹ đã vội vã lên đường, băng qua đồi núi để viếng thăm và giúp đỡ bà chị họ trong những ngày tháng mang nặng đẻ đau.

Như thế, qua cuộc thăm viếng người chị họ của mình, Mẹ Maria dạy chúng ta một bài học đáng giá: Hãy mang Chúa đến với mọi người, chứ đừng mang hận thù, đừng mang những suy nghĩ đen tối về anh chị em mà hãy đến với nhau. Chúng ta hãy bắt chước Mẹ để yêu thương và chia sẻ tình yêu của bản thân với mọi người. Càng hướng tới lễ Giáng sinh, ta càng phải chuẩn bị tâm hồn thoát ly khỏi những gì làm cản trở mình đến với anh chị em. Hãy cưu mang Chúa Giêsu trong tâm hồn, để như Mẹ, ta cũng có thể mang một tâm hồn tràn ngập sự sống của Chúa Giêsu và mang chính Chúa Giêsu đến với anh chị em xung quanh. Nhờ đó, mọi người sẽ chứa chan niềm vui, chứa chan ơn thánh, chứa chan niềm hạnh phúc và bình an. Tuy nhiên, để cưu mang chính Chúa Giêsu trong tâm hồn, thì mỗi người chúng ta cần thường xuyên tra vấn chính mình, cần nhìn lại mình, kiểm điểm mình một cách cẩn thận, để nhận ra chỗ nào còn gồ ghề, chỗ nào là hố sâu, chỗ nào làm ta chưa thể đến với anh chị em, mà thành tâm sửa đổi, làm mới lại con người mình. Làm mới lại chính mình để có thể thuộc về Chúa và anh em mình. Và đó chính là biểu hiện của một tâm hồn có Chúa, cưu mang Chúa.

Ước gì qua mẫu gương của Đức Maria mỗi người chúng ta biết mở rộng lòng ra để đón nhận niềm vui đích thực là Ngôi Lời Thiên Chúa và lên đường mang niềm vui ấy đến với những người xung quanh. Cầu mong cho tình liên đới hiệp thông giữa từng người trong chúng ta ngày càng trở nên tốt đẹp hơn góp phần làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Ý nghĩa vì chính chúng ta cùng đón nhận và chia sẻ niềm vui đích thực, niềm vui Ngôi Hai Thiên Chúa trong dịp lễ Giáng sinh sắp tới. Amen.

Lm. Paul Nguyễn Nguyên

>> Mục Lục [9]

ĐỨC MẸ ĐI THĂM VIẾNG
Lm. John Nguyễn

Hành trình lịch sử cứu độ của Thiên Chúa được diễn tả qua các cuộc viếng thăm mà Thiên Chúa đã ký kết giao ước qua các tổ phụ và dân riêng của Ngài. Cho dù, con người có bất trung và thất tín nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương và thực hiện mầu nhiệm cứu chuộc qua Người Con của Ngài là Chúa Giêsu. Khi sứ thần Gabrien báo tin cho thiếu nữ làng Nazaret là Maria mang thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, thì người thiếu nữ ấy hôm nay vội vã lên đường để viếng thăm người chị họ của mình là bà Êlisabét.
Tin mừng của thánh Luca thuật lại: “Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa”. Theo diễn từ của Tin mừng, thì hành trình viếng thăm của Maria là rất vất vả mệt nhọc, đi bộ mất khoảng 3 ngày đàng, con đường thì quanh co, nguy hiểm, và trắc trở vì bà Êlisabét sống ở miền núi xa xôi. Lý do cuộc viếng thăm này là khi nghe tin người chị họ đã già nua rồi, nhưng được Thiên Chúa chúc phúc cho có con. Niềm vui đó cần được chia sẻ và nhân lên. Khi Đức Maria vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng, và bà Êlisabét được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”. Cuộc viếng thăm này đã mở ra một kỷ nguyên mới giữa Thiên Chúa với con người. Bà Êlisabét đã lớn tiếng kêu lên rằng: “Bởi đâu tôi được Mẹ của Thiên Chúa viếng thăm”.
Từ cuộc viếng thăm của Đức Maria đã nói lên điều gì cho chúng ta ngày hôm nay, và nó có giá trị gì cho con người khi chúng ta đang sống trong thế giới của khoa học kỷ thuật?. Chắc chắn, chúng ta không thể hành động giống như Đức Maria vì ngày nay phương tiện đi lại rất dễ dàng. Nhưng, ý nghĩa của Tin mừng hôm nay không chỉ dừng lại cuộc viếng thăm giữa con người với con người nhưng là cuộc viếng thăm giữa Thiên Chúa với con người được diễn tả trong cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ mang thai. Kinh Thánh đã mạc khải cho chúng ta thấy mối liên kết giữa giao ước cũ với giao ước mới đã được thực nơi thánh Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu. Do đó, bà Êlisabét vui mừng kêu lên rằng: “Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.

Cuộc viếng thăm của Mẹ Maria là thể hiện tình yêu thương, chăm sóc và quan tâm đối với người chị họ, vì được Thiên Chúa chúc phúc cho người con, Nhưng, cuộc viếng thăm của Thiên Chúa là trao ban Người Con của Ngài cho nhân loại nơi cung lòng của Đức Maria. Chính Chúa Giêsu là Đấng cứu độ và giải thoát con người khỏi nộ lệ của tội lỗi. Ngài mang lại cho con người nguồn ánh vinh quang của Thiên Chúa với những ai đón nhận tình yêu của Ngài.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong xã hội có đầy đủ phương tiện vật chất, nhưng vẫn cảm thấy lạc lõng, cô đơn và xa cách. Mỗi người thường chọn cho mình một thế giới riêng với quan niệm là không muốn làm phiền khác. Cho nên, những cuộc viếng thăm nhau càng trở nên khó khăn. Ngay cả khi chúng ta có nhiều phương tiện thuận lợi như: điện thoại, vi tính, internet…, nhưng lòng người không muốn thì cũng trở nên vô nghĩa.
Cuộc thăm viếng của Đức Maria mang lại ý nghĩa rất lớn đối với bà Elizabeth. Noi gương Mẹ Maria, chúng ta hãy đến thăm viếng người khác. Lễ Giáng Sinh là một dịp tốt nhất để thăm viếng những người mà chúng ta đã quên lãng suốt bao năm qua. Nhất là hãy viếng thăm Chúa Giêsu nơi nhà nguyện đã bị quên lãng.

Lm. John Nguyễn, Utica, New York.

>> Mục Lục [9]

CUỘC HẠNH NGỘ
AM Trần Bình An

Cha Jerome Pattyn mới hơn 70 tuổi, nhưng vì sức khỏe yếu kém, Cha xin về hưu sớm. Từ đó Cha dâng hiến cuộc đời còn lại để thăm viếng các bệnh nhân ở nhà thương Stella Maris ở Makassar, Indonesia.
Cha nói: “Tôi thích công tác tông đò này. Nó giúp tôi cảm thấy hữu ích vì còn làm cái gì đó cho tha nhân. Các Người bệnh mong chờ tôi đến an ủi họ. Lời cầu nguyện củng cố Đức Tin và giáp các bệnh nhân sẵn sàng chấp nhận bệnh tật. Lời cầu nguyện còn trao ban sức mạnh và nâng đỡ tâm lý khiến việc chữa trị được hữu hiệu và nhanh chóng.”
Một hôm, cha Jerome gặp một bệnh nhân Hồi giáo sùng đạo. Anh ta bị “đứng tim”. Anh để ý những người bệnh Công giáo cùng phòng, được chữa trị “khẩn trương”, đã mau chóng bình phục. Sau khi được cha Jerome viếng thăm, cha cầu nguyện và cùng bệnh nhân Công giáo cầu nguyện chung. Anh Hồi giáo nhờ người mời cha Jerome đến thăm và cầu nguyện cho mình, khi cha Jerome giải thích với anh rằng người bệnh kia là tín hữu Công giáo, anh nói: “Không sao hết, chỉ có một THIÊN CHÚA duy nhất cho hết mọi người: Hồi giáo, Công giáo và các tôn giáo khác. Tôi nhận thấy THIÊN CHÚA nhậm lời quí vị cầu xin. Vậy Ngài cũng cầu nguyện cho toi với, hầu tôi được khỏi bệnh.” Dĩ nhiên, cha Jorome sốt sắng cầu nguyện cho anh. Và người Hồi giáo ấy được khỏi bệnh thật, anh hết sức tri ân.

Cha Jerome cho biết chính phong trào Canh Tân trong Thánh Linh gợi ý khiến cha dành thời giờ thăm viếng bệnh nhân và cầu nguyện cho họ. Mỗi khi đến nhà thương, cha thân mật bắt tay chào thăm tất cả từ các bái sĩ, y tá đến các nhân viên thiện nguyện và các bệnh nhân. Cha quen biết mọi người và ai ai cũng quí mến cha. Trung bình mỗi ngày cha Jerome viêng thăm khoảng 60 bệnh nhân. Vì thế cha không thể ở lại lâu với từng người, trừ những người đang hấp hối hoặc lâm vào cảnh tuyệt vọng … Quả thật, Cha Jerome Pattyn mang niềm HY VỌNG, lòng TIN TƯỞNG, sự NHẪN NHỤC đến cho các bệnh nhân. Cha xoa dịu nỗi đau khổ và gieo rắc NIỀM VUI cho mọi người, không trừ ai. (“Chronica CICM” n.5, Juin/2003, trang 145 – 148, Sr Jean Berchmans Minh Nguyệt)

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Mẹ Maria đi thăm bà Êlisabet, đã có thai được 6 tháng, dù đã cao niên, như bà Xara, vợ ông Abraham.

Vâng Phục và Chia sẻ
Trong cuộc đời, ai cũng đều có nhu cầu được chia sẻ niềm vui, cũng như nỗi buồn. Niềm vui sẽ được nhân lên và nỗi buồn sẽ vơi đi. Như Cha Jerome Pattyn đã ân cần chia sẻ nỗi đau đớn của các bệnh nhân, khiến họ được an ủi, có thể mau mắn vượt qua bạo bệnh.
Mẹ Maria khi hay tin Bà Êlisabet dù đã cao niên mà vẫn được thọ thai, nhờ quyền năng Thiên Chúa, liền vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa, để chia vui với bà. (Lc 2, 39). Theo các nhà chú giải, thì nơi đó là một trong mười hạt của miền Giuđê, có thể là A-in Carim, cách Giêrusalem 6km về phía Tây.
Không quản đường xa vất vả, dốc đá cheo leo, nắng nóng nghiệt ngã, nguy hiểm thú dữ, hay cướp bóc rình rập, Mẹ vẫn can đảm và hăng hái dấn thân đi thăm bà Êlisabet, vâng phục theo Thánh Ý Thiên Chúa, qua Sứ thần bày tỏ. Mặt khác, Mẹ bày tỏ lòng khiêm cung, lẫn thái độ kính cẩn, hiếu đễ với bà chị họ cao niên.

Chúc Tụng và Ngợi Khen
Được tràn đầy Thánh Thần khi thụ thai, Mẹ Maria đến thăm chào hỏi bà chị Êlisabet, cùng chia sẻ Thánh Thần: Bà Êlisabet vừa nghe bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người con em cũng được chúc phúc.” (Lc 2, 41-42)
Lời chúc tụng của bà Êlisabet đã trở nên phần đầu Kinh Kính Mừng, ngợi khen Đức Mẹ, mà ngày nay chúng ta vẫn thường lập lại lời chào cao quý, đầy ý nghĩa và sâu sắc đó.
Thánh Gioan Tiền Hô còn đang trong bụng, đã thể hiện vai trò ngôn sứ, bằng cách hân hoan, vui sướng, nhảy lên chào đón Chúa Giêsu, cũng đang còn ẩn mình trong lòng dạ Mẹ Maria. Còn bà Êlisabet tạm thời làm phát ngôn viên thay cho con, là ông Gioan Tiên Hô. Bà thay thế ông Gioan chúc tụng Đức Maria và Chúa Hài Đồng Giêsu

Cảm tạ và Tri Ân
Trong tâm tình cảm tạ và tri ân, bà Êlisabet đã cất tiếng biểu lộ lòng biết ơn vô hạn, khi được diễm phúc Đức Thánh Mẫu và Chúa Giêsu đến chia vui, cùng thăm viếng. Nhờ tràn đầy Thánh Thần, bà Êlisabet mới có thể nhận ra Chúa của mình, đang ở trong cung lòng Đức Thánh Mẫu, Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 2, 43 –45)
Trái ngược với lòng nghi ngờ của ông Dacaria, khi được Sứ Thần báo tin sắp có con, Mẹ Maria đã hoàn toàn Tin Tưởng và Vâng Phục, ngay khi Sứ Thần Gabriel loan báo được cưu mang Đấng Cứu Thế. Do vậy, bà Êlisabet đã hết lòng ngợi khen Đức Mẹ Maria, đã làm đẹp lòng Chúa. Cũng như biết ơn Mẹ đến viếng thăm. Một vinh dự đặc biệt, một cảm nhận tri ân sâu sắc vô cùng. Bà Êlisabet được Mẹ Thiên Chúa đến thăm, mà đã hoan hỉ sung sướng đến thế. Trong khi các Kitô hữu bây giờ còn có cơ hội vinh dự gấp bội, đó là được hân hạnh rước Mình Máu Chúa ngự vào lòng hằng ngày. Một cuộc hạnh ngộ quý giá biết chưng nào! Ôi hạnh phúc nào hơn?

“Tông đồ bằng tiếp xúc”: “Phải chăng tâm hồn chúng tôi sốt mến khi nói chuyện với Người dọc đường?” Con không nghĩ rằng, mỗi cuộc tiếp xúc là một công tác Tông đồ sao? (Đường Hy Vọng, số 323)

Lạy Chúa Giêsu dấu yêu, xin cho con luôn biết hiệp thông cùng Bà Êlisabet ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ tri ân Thiên Chúa, mỗi khi con được đón rước Chúa Thánh Thể vào lòng.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dẫn dắt con đến cùng Chúa Giêsu hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, để con luôn luôn được sống trong hồng ân cứu độ. Amen.

AM Trần Bình An

>> Mục Lục [9]

PHẦN MỀM ĐÁNG NGUYỀN RỦA
Pio X Lê Hồng Bảo

Có một định nghĩa về máy vi tính mà tôi rất lấy làm tâm đắc: “Máy vi tính gồm 2 phần: phần cứng là phần có thể thay thế, còn phần mềm là phần chỉ có thể… nguyền rủa!” Thật vậy, làm bạn với máy vi tính mười mấy năm nay, tôi không nhớ đã “nguyền rủa” nó bao nhiêu lần: khi thì lổ hổng trong hệ điều hành, khi thì virus “đớp” mất một vài files hệ thống, khi thì xung đột giữa 2 phần mềm ứng dụng… Tôi thường khâm phục các programers vì họ biết thiết lập các chương trình riêng để ứng phó đối với những lỗi hệ thống. Vậy mà, tôi cũng từng chứng kiến nhiều programers… vò đầu bứt tai! Biết là vậy, thế mà không ai có thể loại trừ máy vi tính khỏi cuộc sống hiện nay. Thậm chí, nhiều người còn không thể tưởng tượng nổi một cuộc sống thiếu… máy vi tính!

Trong đời sống thực tế cũng tương tự, người ta cố chạy đua để “lập trình” cho mình một cuộc sống hoàn hảo:

– Chọn cho mình một trường Đại Học thật “hot” để ra trường dễ kiếm việc.
– Ra trường rồi, phải “chạy chỗ” để có cái job dễ hái ra tiền.
– Lập gia đình phải chọn ý trung nhân thuộc loại thành đạt hoặc “con ông cháu cha” để bảo đảm tương lai.
– Lên kế hoạch đi du lịch đây đó để “thỏa chí tang bồng” trước khi… vướng bận con cái.
– Lập biểu đồ dinh dưỡng để con cái phải thông minh và cao lớn.
– Đầu tư giáo dục sao cho con cái phải trở thành thần đồng.
– Tính toán sao cho cuộc sống phải được bảo đảm bằng các thứ bảo hiểm, tài khoản hoặc cổ tức, cổ phiếu…
– Chuẩn bị hẳn một trang trại để vui thú điền viên lúc tuổi già…
– …

Tôi cũng rất khâm phục những người này, họ sắp xếp từng li từng tí cho nẻo đời của họ không sai chạy mảy may. Thế rồi, một biến cố xảy ra! Không ít người đã lâm vào nỗi chán chường, tuyệt vọng… Thỉnh thoảng, chúng ta lại được nghe một tin nóng hổi: diễn viên này, ca sĩ nọ, đại gia kia… tự vẫn. Mới đây là một giám đốc đài truyền hình tự treo cổ khi con gái (cũng đang làm trong Đài truyền hình này) bị bắt để điều tra về vụ “lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản”. Thì ra, chương trình tôi lập ra “hoàn hảo” quá nên khi bị một lực nào đó tác động vào, chắc chắn nó sẽ… gây nên sự cố! Còn những chương trình “chập chờn” có khi lại đón nhận những tác động đó như một Ân sủng.

Đức Maria chắc không hề có một “chương trình hoàn hảo” cho riêng mình, Mẹ cũng từng ước ao được dâng mình cho Chúa nhưng bằng cách nào thì có lẽ chưa mường tượng ra được. Mẹ luôn trông chờ Chúa tác động vào cuộc đời của Mẹ. Chỉ có luôn sống với tâm trạng đó Mẹ mới sẵn sàng thốt lên: “Xin hãy làm mọi sự cho tôi như lời sứ thần truyền”. Ở cái thời mà tội ngoại tình còn bị ném đá đến chết thì một thiếu nữ chấp nhận mang thai khi chỉ mới đính hôn quả là một sự can đảm và phó thác vô điều kiện. Hẳn Mẹ cũng thấy được những khó khăn thử thách đang chờ đón Mẹ ở phía trước, nhưng Mẹ vẫn sẵn sàng đón nhận như một Hồng Ân mà không hề có chút miễn cưỡng, bởi vì ngay sau đó, mẹ đã cất tiếng ngợi khen Chúa bằng lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa… vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả.” (Lc. 1, 46b. 49a.) Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. (Tv. 23, 3-4) Tôi có anh bạn thường sáng tác nhạc Thánh Ca, anh thích dùng từ “Chúa dìu con” hơn là “Chúa dẫn dắt con”. Vì theo anh, chữ “dìu” nghe nhẹ nhàng và không mang tính áp đặt như “dẫn” hay “dắt”, và vì “Chúa dìu” nên chỉ cần ta hơi miễn cưỡng một chút là đã nằm ngoài tầm tay của Chúa rồi! Vì vậy, chúng ta phải luôn sống trong tâm thế buông lỏng để được Chúa “dìu” đi trên đường ngay nẻo chính như Chúa đã “dìu” Mẹ Maria đi trong ân sủng. Nhờ vậy mà Mẹ được tôn vinh là “Đấng đầy ân phúc” như trong phần đầu kinh Kính mừng mà chúng ta vẫn đọc. Nguồn gốc ân phúc ấy phát xuất từ chính Đức Tin của Mẹ như lời bà Ysave đã chào mừng Mẹ: “Phúc cho Em vì đã tin rằng lời Chúa phán cùng Em sẽ được thực hiện.” (Lc.1, 45)

Lời Chúa phán cùng tôi có chắc sẽ được thực hiện như bản “lập trình” của tôi?

– Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng (Mt. 12, 28-30) Nghe thật êm ái, du dương, thơ mộng! Nhưng thôi, một chuyến du lịch cho đầu óc thư giãn vẫn thiết thực hơn.
– Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? (Mt. 6, 25-27) Cũng hay đấy, cũng đẹp đấy! Nhưng nghe như chuyện “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Liệu cỏ có mọc kịp cho voi ăn không? Thủ thân cho yên tâm!
– Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao? (Mt. 7, 7-11) Không dám đâu! Tôi chưa nghe nói ai nhờ cầu nguyện mà có được ti-vi, tủ lạnh, nhà lầu, xe hơi cả… Thôi, tự kiếm tiền mà sắm cho chắc!
– Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp. (Mt. 20, 29) Tôi cũng chưa thấy ai trung thành theo Chúa mà… giàu! Sự sống vắn vỏi đời này còn chưa có thì nói gì “sự sống vĩnh cửu”!

Tôi đành làm người “vô phúc” vì không dám tin Lời Chúa phán cùng tôi được thực hiện, chứ không dám “liều mạng” như Mẹ Maria. Tôi cũng lựa chọn những điều như bất cứ người vô thần nào lựa chọn. Tôi bám vào “phần mềm” của đời tôi để thỉnh thoảng lại… “nguyền rủa” vì tôi chẳng biết tin vào cái gì! Thỉnh thoảng một “hộp thoại” hiện ra, tôi “vò đầu bứt tai” không biết nên “Yes”, “No” hay “Cancel”… Chẳng có gì bảo đảm rằng tôi sẽ không còn bị hành hạ bởi cái program đáng nguyền rủa này! Chương trình quét virus bản quyền của tôi bỗng chốc trở thành vô dụng. Nó còn ngớ ngẩn nhận nhầm file .exe của tôi là virus nữa chứ! Tôi chưa cảm nhận được làm Người Diễm Phúc như Mẹ Maria sung sướng dường bao nhưng tôi đã thấm thía nỗi niềm của kẻ “vô phúc”…

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin chúc tụng Chúa vì đã đem Lời Hằng Sống xuống thế gian. Khốn nỗi, Lời Chúa chưa sinh ơn ích gì cho chúng con chỉ vì chúng con còn quá cứng lòng. Xin Chúa khấng ban Ơn Đức Tin cho chúng con, để cho dù Đức Tin chúng con chỉ nhỏ bé như hạt cải, chúng con cũng dũng cảm tin rằng lời Chúa phán cùng chúng con sẽ được thực hiện, và chúng con sẽ được chung chia diễm phúc với Mẹ Maria là thầy dạy Đức Tin cho chúng con. Amen.

Pio X Lê Hồng Bảo

>> Mục Lục [9]

Chia sẻ Bài này:
[10] [11] [12]