- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 3, 10-18).

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Đức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG III MÙA VỌNG C

Chúng Tôi Phải Làm Gì? [1]  ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Mong Đợi Hay Phòng Chống Chúa Đến [2]  Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB Trg 3
Thắp Sáng Đức Tin [3]  Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 4
Xây Dựng Xã Hội Bằng Cách Chuyên Chăm … [4]  Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 5
Hãy Vui Lên [5]  Lm. Paul Nguyễn Nguyên Trg 6
Qùa Tặng Giáng Sinh [6]  Lm. John Nguyễn Trg 7
Hạt Lúa Trong Nia [7]  PM. Cao Huy Hoàng Trg 8
Cuộc Chạy Đường Trường [8]  AM. Trần Bình An Trg 9
Là Lúa Hay Là Rơm [9]  Pio X Lê Hồng Bảo Trg 10
Nhà Giảng Thuyết Đường Phố [10]  Lm. Mark Link, SJ Trg 11

CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, hàng đoàn người lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối. Hơn thế nữa, họ còn muốn thay đổi cuộc đời nên ai cũng hỏi thánh nhân: “Chúng tôi phải làm gì?”. Thái độ của họ thành khẩn, đơn sơ, hiểu biết và đầy quyết tâm. Để trả lời, thánh nhân đưa ra những hướng dẫn thật cụ thể. Đó là:

Phải làm những việc cụ thể. Hai thái độ cơ bản phải có là công bình bác ái. Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo” “hạt gạo cắn đôi”. Chia cả những gì mình đang cần thiết. Trong tinh thần huynh đệ. Trong tinh thần yêu người khác như chính mình. Cơm ăn áo mặc là những gì rất cụ thể thiết thực và vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể chia sẻ được. Chỉ cần muốn là có thể làm được. Công bình cũng không phải là điều gì quá phức tạp. Chỉ đơn sơ giữ đúng luật pháp: nhân viên thu thuế “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”. Và khi thi hành luật pháp binh lính phải có lòng nhân ái chứ đừng cậy quyền thế áp bức và nhất là bóc lột người khác: “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”. Tuy đơn sơ, thiết thực nhưng lại rất quan trọng để được ơn cứu độ.

Phải làm trong đời sống cụ thể. Những việc cụ thể đó không phải tìm những nơi xa xôi mới thực hiện được. Mỗi người hãy thực hiện công bình bác ái trong đời sống thường ngày của mình, với những người sống chung quanh mình. Thánh nhân không kêu gọi người ta phải ra khỏi môi trường cũ. Ngài chỉ kêu gọi người ta từ bỏ nếp sống cũ. Người thu thuế cứ thu thuế. Binh lính cứ làm nhiệm vụ của binh lính. Nhưng làm với tinh thần mới. Điều quan trọng không phải là đổi mới nơi ở, nhưng là đổi mới chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới lời ăn tiếng nói, đổi mới việc làm. Tục ngữ có nói: “Dù có đi xa vạn dặm mà không chịu thay đổi thì bạn vẫn chỉ là con người cũ”. Cứ ở nhà mà dám đổi mới là ta đã đi những bước rất xa, sẵn sàng gặp được Chúa và lãnh nhận được ơn cứu độ.

Những người Do Thái thời Thánh Gioan Tẩy Gỉa thực lòng mong chờ Chúa đến. Nên đã hỏi ngay những việc cụ thể để làm. Và khi nhận được lời khuyên của thánh nhân, họ đã thực hành ngay tức khắc. Vì thế họ đã gặp được Chúa. Hôm nay ta cũng tích cực sửa chữa đời sống theo tinh thần công bình và nhất là theo tinh thần bác ái. Biết sống tinh thần chia sẻ. Dám cho đi cả những gì cần thiết. Mẹ Têrêsa Calcutta dạy ta: hãy cho đi cho đến khi cảm thấy đau đớn xót xa, thì sự cho đi mới thực sự có ý nghĩa. Biết cho đi như thế, chắc chắn ta sẽ gặp được Chúa.

Ta luôn bất bình với thế giới chung quanh. Ta mong ước đổi mới thế giới. Hãy nghe lời Thánh Gioan Tẩy Giả, đừng đòi hỏi người khác đổi mới nếu chính mình không đổi mới. Hãy đổi mới chính mình trước, rồi mọi người sẽ đổi mới. Khi mọi người đổi mới, thế giới sẽ đổi mới. Hãy bắt đầu sống tốt. Rồi mọi sự và mọi người quanh ta sẽ trở nên tốt. Sống tốt chính là bắt đầu thay đổi thế giới. Sống tốt chính là góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con bắt đầu cuộc đời mới ngay từ ngày hôm nay, để con được gặp Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Chia sẻ khác với bố thí thế nào? Thánh Gioan Tẩy Giả đòi ta chia sẽ hay bố thí?
2. Bạn có ước mong thế giới đổi mới nên tốt hơn không? Muốn thế bạn phải làm gì?
3. Bạn có mong ước Chúa đến với mọi người không? Muốn thế bạn phải dọn đường cho Chúa như thế nào?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Mục Lục [11]

‘MONG ĐỢI’ HAY ‘PHÒNG CHỐNG’ CHÚA ĐẾN?
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Gioan hướng tới điều gì khi kêu gọi dân chúng chuẩn bị đón đấng Mêsia với những lời lẽ nặng nề đe loi như thế? Nghe những lời cảnh báo của Gioan, bản thân tôi cũng thấy đấng Mêsia mà tôi đang mong đợi quả thật là đáng sợ. Một đấng như thế ai mà không khiếp sợ: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trên sân; thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. Đứng trước một nhân vật công thẳng như thế ai mà chẳng thấy mình phải mau mau, không trì hoãn, để thoát khỏi bị liệt vào hạng thóc lép, và mau chóng trở thành hạt thóc mẩy để khỏi bị thiêu đốt! Và nếu quả là như thế thật, thì tôi sẽ không gọi sự chuẩn bị này là ‘vọng = mong đợi’ đâu, mà là ‘vọng canh = phòng chống’ như khi người ta vẫn thường hô hoán phải phòng chống bão lụt hay thiên tai vậy.

Rất may là dân chúng, và có lẽ ngay cả Gioan, cũng chưa có một quan niệm rõ ràng về đấng mà lúc đó ông đang kêu gọi chuẩn bị đón tiếp. Dân chúng đã chẳng bị vẻ bên ngoài khổ hạnh và liêm chính của Gioan lôi cuốn là gì, tới độ nhiều người còn tự hỏi: “Biết đâu ông Gioan lại chẳng là đấng Mêsia?” Diện mạo đích thực của đấng Mêsia vẫn còn là một ẩn số đối với chính ông; “Thầy có thật là đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Đó là lý do tại sao Gioan đã gởi tới dân chúng một sứ điệp khủng khiếp đến thế. Cựu Ước, với cao điểm và điển hình nhất là Gioan, có mục đích chuẩn bị đón chào đấng Mêsia, nhưng lại không hề rõ về dung mạo đích thực của Ngài. Họ chỉ có một hình ảnh võ đoán về Con Người đó phải là một đấng cao cả đầy quyền uy, long trọng ngự xuống từ đám mây trời ( văn phong khải huyền). Vì lẽ đó mà khi Con Người đến giữa đoàn dân có sứ mạng đón tiếp Người, thì “… họ lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,10-11). Đơn giản là vì họ có biết ngài là ai đâu, họ đã có một hình ảnh quá lệch lạc về ngài.

Tác giả Luca, khi ghi lại những lời của Gioan, chắc chắn đã có một hiểu biết và nhận thức hoàn toàn khác. Chẳng hạn khi trích lời Gioan, “Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa” Luca chắc phải hiểu Thánh Thần trong nội dung của biến cố ngày lễ Ngũ tuần, trong khi Gioan chỉ đơn thuần là ‘sức mạnh của Thiên Chúa’, theo quan niệm Cựu Ước. Cũng vậy ‘lửa’ được Luca hiểu trong nội dung lửa tình yêu nung nấu, “Thầy đến để ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49), trong khi Gioan có lẽ chỉ nghĩ tới ngọn lửa hỏa hào thiêu hủy và luận phạt.

Vấn đề chính ở đây là chúng ta, các Kitô hữu, là người của Cựu Ước như Gioan, hay của Tân Ước như Luca? Chúng ta ‘phòng chống’ hay ‘mong đợi’ Chúa đến? Chúng ta có hình ảnh Thiên Chúa như một Thẩm Phán công thẳng đáng sợ hay như một Người Cha giầu lòng thương xót thứ tha? Vì là Kitô hữu, hình ảnh về Thiên Chúa mà tôi phải có chắc hẳn phải là hình ảnh mà Đức Giêsu đã cất công xuống thế để trình bày,“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời… Ai tin vào Người Con ấy thì không bị kết án…” (Ga 3, 16-18); và Người đã minh chứng điều đó bằng chính cái chết thập giá. Kitô hữu không thể tự biện minh là chưa từng biết, hay chưa hề đặt niềm tin tuyệt đối vào một Thiên Chúa như thế. Nói như vậy là đã minh nhiên phủ nhận bí tích Rửa Tội mình đã lãnh nhận, cũng như các Thánh Lễ cử hành hàng ngày. Vậy thì, bất chấp lời lẽ đe loi khủng khiếp mà Gioan – Cựu Ước gióng lên, chúng ta vẫn có thể, cùng với Luca, lập lại những lời của Gioan trong một nội dung Tin Mừng hoàn toàn khác: “Ngoài ra ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ”.

Lạy Chúa, xin cho con biết khao khát và mong đợi Chúa đến, vì con biết rằng chính Chúa hằng khát khao và mong đợi được đến với con, cho dầu (hay đúng hơn, chính vì) con tội lỗi, yếu đuối và bất xứng. Xin cho các yếu đuối và nhơ nhớp mà con mang nơi mình không làm con khiếp sợ Chúa đến, trái lại càng làm cho con thêm tin tưởng chờ mong Chúa nhiều hơn; y hệt như một bệnh nhân mắc chứng bệnh nan y hiểm nghèo, mong đợi thầy thuốc cao tay và từ nhân tới chữa trị cho mình lành bệnh. Amen.

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Mục Lục [11]

THẮP SÁNG ĐỨC TIN
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Thời gian gần đây, mỗi ngày có hàng trăm cây nến được mang tới nhà thờ làm phép. Các cửa hàng bán nến xem ra “đắt như tôm tươi”. Vì người này rỉ tai người kia phải mua nến để chuẩn bị ngày “tận thế”. Người ta rỉ tai nhau “nếu không có nến được làm phép sẽ chịu cảnh tối tăm bao trùm trong ngày “tận thế”.

Có người còn xác định thật rõ ràng ngày định đoạt đó là ngày 21.12! Xem ra người ta rất sợ ngày đó. Đối với họ, đó không phải là ngày lành. Đó không phải là ngày họ chờ đợi mà là ngày họ không bao giờ muốn xảy đến trong cuộc đời của họ.

Theo niềm tin kytô giáo chúng ta vẫn xác tín sẽ có ngày “cánh chung” đối với con người và vũ trụ. Đó là ngày Chúa Kytô quang lâm để đưa vũ trụ tới thành toàn viên mãn. Nhưng đây không phải là ngày sợ hãi, mà là ngày tràn ngập niềm vui. Ngày mà muôn dân phải mong đợi. Vì trong ngày đó, Đức Kytô sẽ mang đến cho nhân trần niềm hạnh phúc viên mãn và trường cửu. Ngày đó con người sẽ không còn lo sợ chiến tranh, không còn lo âu vất vả, không còn những hỉ nộ ái ố. Ngày đó con người sẽ cùng nhau hát tiếng ca hoà bình. Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thiết đãi các dân tộc một bữa tiệc hiệp nhất, một bữa tiệc tràn đầy hoan lạc và bình an.

Trong ngày cánh chung của vũ trụ và cũng là ngày Đức Kytô quang lâm lần thứ hai, Giáo hội vẫn nhắc nhở chúng ta phải luôn cầm nến sáng trên tay. Nhưng không phải là cây nến vật chất mau tan biến mà là cây nến tâm hồn chúng ta. Cây nến của đức tin luôn toả sáng giữa thế gian. Cây nến của cuộc đời luôn tràn ngập tình yêu với tha nhân.

Như Gioan đã đề nghị người Do Thái một cung cách sống để đón chờ Đấng Messia. Giáo hội cũng mượn lời Chúa hôm nay để nhắc nhở mọi thành phần dân Chúa hãy có thái độ sẵn sàng chờ đón Chúa. Đối với tín hữu hãy biết sống chia sẻ với nhau. Hãy sống đùm bọc nhau trong tình bác ái chân thành qua việc chia sẻ cơm ăn, áo mặc. Đối với người thu thuế và người giầu có hãy sống công bình bác ái. Đừng cho vay nặng lãi. Đừng chồng chất thêm gánh nặng cho dân bằng sưu cao thuế nặng. Hãy sống bằng một trái tim nhân ái biết xót thương kẻ bần cùng lầm than. Đối với quan quân hãy biết thương dân, đừng hà hiếp bóc lột, đừng sống theo kiểu tham quan vô nại, hãy sống theo chức vụ của mình là để bảo vệ và gìn giữ sự an ninh cho dân làng.

Năm xưa dân Do Thái, nghe lời Gioan ai nấy đều muốn thay đổi lối sống cho đẹp lòng Đấng Messia. Từng đoàn người đến sông Giordan. Trong đó có đủ mọi thành phần già trẻ, lớn bé. Quyền qúy cao sang và đói khổ bần hàn. Tất cả đều cúi mình sám hối. Tất cả đều muốn thay đổi lối sống. Sửa lại những quanh co gian trá của lòng người. Lấp đầy những hố sâu của ngăn cách bằng tình yêu chân thành. Và san bằng núi đồi kiêu căng bằng đời sống hoà hợp mến yêu. Một bầu khí thật vui tươi và an bình trải rộng khắp dòng sông Giordan. Một niềm hy vọng cho một thế giới không còn bất công, không còn hận thù chỉ còn có sự chia sẻ, cảm thông trong yêu thương chân thành. Một bầu khí hứa hẹn những ngày tháng thanh bình như lời tiên tri Isaia đã nói: “sói nằm chung với chiên con. Trẻ con thò tay vào hang rắn độc. Người ta sẽ lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy và nhân loại sẽ cùng nhau hát vang tiếng hát hoà bình”.

Thế nhưng, thế giới hôm qua cũng như hôm nay vẫn còn đó những bất công và hận thù, những chia rẽ, dối gian vì con người vẫn chưa dám sống theo niềm tin của mình. Họ tin Chúa, tin đạo nhưng không thực hành đạo. Đức tin của con người chỉ dừng lại nơi đầu môi chóp lưỡi nhưng không mang ra thực hành giữa cuộc đời. Đức tin của con người hôm nay đôi khi chỉ thể hiện trong nhà thờ nhưng không dám thể hiện trong thánh lễ cuộc đời.

Ước gì năm đức tin sẽ là dịp để chúng ta thể hiện đức tin của mình bằng hành động. Đức tin không dừng lại ở lời tuyên xưng nhưng thể hiện bằng cả đời sống tin cậy mến giữa cuộc đời. Ước gì ánh nến đức tin của chúng ta luôn sáng ngời, luôn được thắp sáng giữa thế gian còn đầy bóng tối của nghi nan, bóng tối của bất công và chia rẽ. Và ước gì chúng ta luôn là ngọn nến thắp sáng cho trần gian ánh sáng của tin yêu và hy vọng. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Mục Lục [11]

XÂY DỰNG XÃ HỘI BẰNG CÁCH
CHUYÊN CHĂM THỰC THI LỜI CHÚA
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Sau khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi ăn năn sám hối, nhiều người tỏ ra phục thiện, sẵn sàng cải đổi nếp sống sai lạc của mình. Họ xin thánh Gioan những lời khuyên: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?”. Gioan Tẩy Giả đã đưa ra những lời khuyên thiết thực.

Đối với người khá giả thì ngài khuyên họ hãy chia cơm xẻ áo: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” (Luca 3, 11). Đối với người thu thuế thì ngài dạy họ đừng bắt chẹt ai: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” (Luca 3, 13). Đối với người nắm quyền lực trong tay thì đừng ức hiếp dân lành và đừng tham nhũng : “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.” (Luca 3, 14)

Nói chung, các lời khuyên nêu trên đều khuyến khích mọi người thực hiện công bằng và bác ái nhằm xây dựng một xã hội chan hòa hạnh phúc yêu thương. Nhưng tiếc thay, những lời khuyên của Gioan Tẩy Giả trên đây cũng như những lời Chúa dạy trong Tin Mừng chưa được nhiều người đón nhận và đem ra thực hành nên nhân loại phải sống triền miên trong bất công và nghèo đói.

Ủy ban phát triển xã hội (CSD) của Liên Hiệp Quốc ngày 6 tháng 2 năm 2012 đã đưa ra một nghịch cảnh là 20% dân số nghèo nhất thế giới chỉ sở hữu 1% tổng thu nhập toàn thế giới; trong khi 1% dân số giàu có nhất chiếm tới 14% tổng thu nhập toàn cầu.
Còn theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc tháng 10 năm 2012, gần 870 triệu người (một phần tám dân số thế giới) đang bị suy dinh dưỡng vì thiếu đói trầm trọng trong giai đoạn 2010-2012. (nguồn: www.fao.org/news/story/en/item/161819/icode/ )

Trong hoàn cảnh còn rất nhiều người đói ăn và sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng, thì việc chia cơm xẻ áo, thực thi công bằng mà Thiên Chúa mời gọi, qua miệng ngôn sứ Gioan Tẩy Giả, là việc làm khẩn thiết hơn bao giờ hết, để đem lại ấm no cho mọi người, đem lại công bằng cho xã hội, đem lại hạnh phúc cho muôn dân. Hơn ai hết, kitô hữu phải là người đầu tiên đáp lời mời gọi của Thiên Chúa và Hội Thánh để thực thi bác ái, công bình trong xã hội.

Một số người cho rằng đạo và đời là hai lãnh vực cách biệt, chẳng có liên hệ gì với nhau nên bên nào thì chuyên trách bên đó. Thực ra, hai lãnh vực nầy gắn bó với nhau mật thiết như xác với hồn, bởi vì khi tôn giáo đào tạo nên một tín hữu tốt thì xã hội có thêm một công dân tốt; khi tôn giáo cảm hóa được một tội nhân thì xã hội bớt đi một tên tội phạm; khi người tín hữu sống công bằng bác ái với người chung quanh, là họ đang làm cho xã hội nên tốt đẹp, vì họ cũng là công dân trong xã hội. Chính khi sống theo những lời khuyên dạy của Tin Mừng, kitô hữu làm cho xã hội có thêm công bằng và bác ái. Như thế, họ góp phần xây dựng và phát triển xã hội bằng chính đời sống của mình.

Vì thế, trong thư gửi cộng đồng dân Chúa năm 2010, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi cộng đồng dân Chúa: “Khi xây dựng đời sống mình trên nền tảng những giá trị Tin Mừng như bác ái, liêm chính và quý trọng công ích, anh chị em là những công dân tốt, tích cực tham gia vào việc xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Qua anh chị em, Giáo Hội đóng góp phần mình vào việc phát triển con người và xã hội cách toàn diện…”

Như thế, Lời Chúa không chỉ có tác dụng cảm hóa tâm hồn mà còn đề ra những giải pháp tốt đẹp để xây dựng xã hội và thế giới. Nhờ việc thực thi Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, người giáo dân góp phần xây dựng và phát triển xã hội ngày càng tốt hơn.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta chuyên chăm vâng giữ Lời Chúa truyền dạy để vừa tự làm đẹp đời sống mình vừa góp phần làm cho xã hội được an bình hạnh phúc hơn.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Mục Lục [11]

HÃY VUI LÊN
Lm. Paul Nguyễn Nguyên

Vào mỗi dịp cuối năm, qua các phương tiện truyền thông xã hội: báo chí, truyền thanh, truyền hình…chúng ta thấy người ta thường đưa ra những bản tổng kết những gì đã diễn ra trong suốt một năm qua. Và qua đó, chúng ta thấy cuộc sống xã hội chung quanh chúng ta là cả một hãng thông tấn chỉ tung ra đầy dẫy những tin buồn: tin buồn của dối trá lường gạt; tin buồn của phản bội xâu xé nhau; tin buồn của buông xuôi bỏ cuộc; tin buồn của không biết bao nhiêu đói khổ, chiến tranh, thiên tai, chết chóc…

Thế mà hôm nay, Giáo hội công giáo khắp hoàn cầu lại kêu gọi con cái mình “hãy vui lên”. Vui làm sao được khi đông đảo dân chúng đang nghèo đói, đau khổ? Vui làm sao được vì, hơn bao giờ hết, lúc này đây, vấn đề cơm áo, phát triển, quyền con người đang là những vấn đề nóng bỏng trên hành tinh này cũng như trong xã hội hiện tại của chúng ta.

“Hãy vui lên” – Lời đó có an ủi được chúng ta hay không, khi mỗi ngày tai chúng ta nghe sang sảng từ trong đài phát thanh những tin tức bi đát của một thế giới đang còn nhiều điểm nóng chiến tranh, còn những cuộc tranh chấp vì bất công, vì đói khổ; khi mắt chúng ta còn thấy nhan nhản những chiếc khăn sô chít trên đầu những đàn con mất cha mất mẹ; còn chứng kiến biết bao bệnh nhân trong các bệnh viện rên la đau đớn…

Khi nghe, khi nhìn các điều đó, có phải chúng ta là người ngoài cuộc không? xã hội, thế giới này ra sao mặc kệ, tôi chỉ biết bản thân tôi mà thôi. Thưa không phải như vậy đâu, mà “Hỡi Israel, hãy hân hoan. Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nhảy mừng. Chúa đã rút lại lời kết án. Vua Israel là Chúa đang ở giữa ngươi, ngươi sẽ không còn sợ tai hoạ nữa”.

Đấy, niềm vui là ở chổ đấy, chính vì thế mà trong Mùa Vọng, Chúa Nhật III bao giờ cũng nổi bật nét hân hoan: “Anh em hãy vui lên!”. Hãy hoan hỉ vui mừng vì Chúa giải thoát đã đến và đang ở với chúng ta. Ngài đang thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện, đang quy tụ muôn nước thành một dân một nước: Dân Chúa, Nước Trời. Không phải bằng vũ lực khống chế, nhưng bằng sự giải thoát loài người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, ích kỷ, nhỏ nhen, bất chính; bằng cách sống liên đới yêu thương, chia cơm sẻ áo; bằng cách sống công bình, chính trực và chan hoà với mọi người.

Đấy, niềm vui là ở chổ đấy, là người kitô hữu, chúng ta vẫn có thể mỉm cười trong đau khổ và vui tươi trong thử thách, vì chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện trong đau khổ của chúng ta. Nhưng làm sao để nhận thấy “Đấng đang đến” gần kề? Làm thế nào để nhận ra “Đấng đang ở giữa ngươi?” đó mới là điều quan trọng. Chúng ta vừa nghe trong bài tin mừng: Gioan Tẩy Giả đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho những người hỏi ông: “Chúng ta phải làm gì?” –thưa, “Ai có hai áo thì hãy chia cho người không có. Ai có cái ăn thì cũng làm như vậy” – “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định” – “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta. Hãy an phận với số lương của mình”. Nói chung, Gioan đưa ra những hướng đi cụ thể: bác ái, chia sẻ, chấp nhận thực tại, sống hiền hoà, công bình, chính trực trong các mối tương quan xã hội. Sống như vậy là chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế, là đặt mình vào trong hàng ngũ những kẻ bé mọn của Thiên Chúa. Chính những người bé mọn này mới cảm thấy vui mừng và hy vọng, vì nhận ra Chúa sắp đến, đang đến… Ngài sẽ thay đổi tất cả, đổi mới toàn thế giới và xã hội. Muốn hoà mình vào niềm vui của Phụng vụ, người Kitô hữu và Giáo hội không thể không liên đới với những người đang khao khát đổi mới, đang khát vọng phẩm giá con người. Hơn thế nữa, người kitô hữu, Giáo Hội Chúa Kitô không thể đứng ngoài những công cuộc phát triển xã hội mà loài người đang theo đuổi, không thể dững dưng trước nỗi đau của đồng loại. Sống Mùa Vọng là sống liên đới với người nghèo, là sống công bình với tha nhân, là sống hoà giải với hết mọi người, là sống yêu thương, an bình trong mọi hoàn cảnh, là đấu tranh cho tình huynh đệ và khơi lên niềm vui cho những ai đang chán nản, thất vọng chán chường vì không có niềm tin, vì đã mất niềm tin nơi con người, nơi xã hội và cả nơi Thiên Chúa nữa.

Vì thế, chúng ta phải là những người loan báo Tin mừng và đem lại niềm vui. Giữa một xã hội chỉ có tin buồn của thất vọng, chúng ta sẽ loan báo tin mừng của hân hoan, phó thác. Giữa một xã hội chỉ có tin buồn của dối trá, lường gạt, chúng ta phải loan báo tin mừng của lòng chân thật, vị tha. Giữa một xã hội chỉ loan báo tin buồn của ích kỷ, nhỏ nhen, cùng đứng để cùng tung hô niềm vui của chúng ta, chúng ta loan báo tin mừng của quảng đại, yêu thương, tha thứ và cảm thông. Nếu chúng ta biết sống theo tinh thần trên đây, chúng ta sẽ thấy đời mình có ý nghĩa và gieo rắc những hạt giống của niềm vui ra chung quanh trên mọi nẻo đường đời. Và cho dù hầu hết các hạt giống đó có mục nát đi, chúng ta vẫn tin rằng thế nào cũng có ít nhất một hạt nẩy mầm lên cây, và nó sẽ đâm bông kết trái làm thơm mát tâm hồn chúng ta.

Vui lên anh em! Hãy vui lên trong niềm vui của Chúa.

Lm. Paul Nguyễn Nguyên

Mục Lục [11]

QUÀ TẶNG GIÁNG SINH
Lm. John Nguyễn

”Một món quà mùa Noel làm xúc động thế giới”, đó là tựa đề của một câu chuyện đã làm rung động hàng triệu trái tim, đã xẩy tại Times Square vào một đêm giá lạnh. Anh Lawrence DePrimo 25 tuổi là một nhân viên cảnh sát của thành phố New York City. Khi anh đi tuần tại khu Times Square trong một đêm giá lạnh, anh phải đi 2 đôi vớ mà vẫn lạnh buốt. Anh nhìn thấy một người đàn ông vô gia cư không mang giày, nên đôi chân của ông ta bị xưng to lên. Anh DePrimo động lòng trắc ẩn. Anh ta dừng lại và hỏi: ” Ông có muốn một đôi vớ cho ấm không?. Người đàn ông bất hạnh trả lời không. Cảm ơn lòng tốt cuả anh, và ông ta lại nói: “May God bless you” (Xin Chúa ban phúc lành cho anh).

Sau đó, anh DePrimo chạy tới tiêm bán giầy Sketchers để mua một đôi giày số 12 (giá $100) cho ông ấy. Anh ta quỳ xuống và giúp người đàn ông mang vớ và giày vào. Rồi anh vội vã tiếp tục công việc mình. Nhưng hành động của anh DePrimo không khỏi lọt vào ống kính của một du khách từ xa đến. Bà Jennifer Foster sống ở thành phố Florence, tiểu bang Arizona, bà đến New York để tham quan thành phố. Khi nhìn thấy hình ảnh anh cảnh sát đang đeo giày cho người hành khất, thì bà đã lấy máy chụp được bức ảnh, và bà đã gửi tấm hình cùng với lá thư cho văn phòng cảnh sát thành phố New York, và đưa lên facebook, con số đã lên tới 77 ngàn người yêu thích, 322 ngàn người viết bình luận, thêm vào là 20 ngàn người với những lời khen ngợi đến từ khắp nơi trên thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn, anh DePrimo nói: “Tôi rất ngạc nhiên. Một người nghèo đến nỗi một đôi vớ cũng không có, thế mà ông ta lại có một tấm lòng vĩ đại để xin Chúa ban phúc lành cho tôi. Thật là một sự tuyệt vời. Và tôi không kỳ vọng một điều gì từ người đàn ông nghèo và cũng không hỏi tên của ông ta là gì, nhưng tôi không thể quên giây phút kỳ diệu khi trao quà”. Anh DePrimo nói thêm: “Ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi và cười vui vẻ, nụ cười thật là vô tư và hạnh phúc. Một lần nữa, ông ta xin Chúa ban phúc lành và cầu chúc cho tôi được an toàn. Thật sự, tôi không thể tin vào tai mình. Các ông thấy không, chỉ là một món quà nhỏ bé thôi, thế mà ông ta lại cảm tạ nồng nhiệt đến như thế”.

Tôi thiết nghĩ từ câu chuyện này là một ví dụ điển hình để gợi lên cho chúng ta cùng nhau suy niệm Lời Chúa hôm nay. Khi dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan Tẩy Giả chịu phép rửa, họ đến hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Rồi các binh lính cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã làm gì trong Mùa Vọng này?.

Như lời thánh Phao-lô nói: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Đức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ”. Thật sự, niềm vui đến với chúng ta khi chúng ta biết chia sẻ với người khác, những người đang nghèo đói, những người đang bị bỏ rơi, những người già nua cô đơn không nơi nương tựa. Như lời thánh Gioan nói: “Ai có hai áo hay chia cho người không có, đừng hà hiếp áp bức người khác, đừng cáo gian, vu khống ai, và hãy bằng lòng với những gì mình đang có”. Thật vậy, khi chúng ta rời khỏi thế giới chật hẹp ích kỷ chỉ biết cho riêng mình, thì ta sẽ nhận được ân phúc và niềm vui từ người khác. Khi trái tim của chúng ta biết thổn thức và rộng mở với tha nhân, thì ân sủng và bình an của Thiên Chúa đổ đầy trong tâm hồn. Chúng ta biết mong chờ Chúa đến với mình, thì tại sao chúng ta lại không đón tiếp người anh em mà Chúa gởi đến cho chúng ta gặp hàng ngày?. Chúng ta không thể nói yêu thương Chúa mà lại ghen ghét người anh em mình. Chúng ta biết mong chờ Chúa đến để mang lại những điều tốt đẹp cho chính mình và cho gia đình mình, thì sao ta lại nhẫn tâm làm hại người khác?. Điều đó thật là vô lý.

Những món quà Giáng Sinh thường biểu lộ tình yêu của mọi người với gia đình và bè bạn. Vì vậy, trong những ngày này, chúng ta thường tặng cho nhau những món quà để nói lên sự quan tâm và chia sẻ với người thân. Nhưng món quà quý giá nhất trong ngày lễ Giáng Sinh, chính là Chúa Giêsu, Món Quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người. Và Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy mở lòng ra đón nhận tình yêu Chúa Giáng Sinh nơi Đức Giêsu và qua những người chung quanh. Đồng thời, chúng ta hãy hát lên lời ngợi khen và cảm tạ Chúa vì biết bao ơn lành cho chúng ta trong cuộc sống. Như người hành khất nghèo luôn mở trên môi nói lời tạ ơn và chúc lành của Thiên Chúa cho anh cảnh sát. Như anh Lawrence DePrimo chạnh lòng thương với một người vô gia cư trên đường phố, để ông ta có được đôi giày mang trong mùa đông giá lạnh. Anh ta giống như người Samaritanô tốt lành trong Tin Mừng.

Trong những ngày đại lễ sắp đến, chúng ta đang chuẩn bị những món quà để tặng người thân và bạn bè, nhưng chúng ta đừng quên những người không có gì đang sống bên cạnh mình. Đó là những món quà tinh thần quý giá cho chúng ta đón mừng lễ Giáng sinh.

Lm. John Nguyễn, Utica, New York.

Mục Lục [11]

HẠT LÚA TRONG NIA
PM. Cao Huy Hoàng

Hạt lúa trong nia là hạt lúa no tròn, đẫy đà, chắc mẫm, vàng sáng. Hạt lúa ngoài nia là hạt lúa lép xẹp, rỗng ruột, nhẹ tênh.

Năm 1979, cánh đồng ông Bỉnh ở xứ tôi gần như mất trắng. Mẹ tôi sảy cả nia lúa mà không còn được mấy hạt chắc trong nia. Cả hecta ruộng được vài bao lúa chắc, còn lại là cả đống lúa lép. Cha tôi, mẹ tôi nhìn đàn con mà đau thắt ruột. Mất mùa, đói chắc.
Trong bữa cơm chiều, một hạt cơm cõng năm bảy lát củ khoai nhìn chua xót. Mẹ tôi nói: “Hành trình đời người như hành trình của hạt lúa con ạ. Thiên Chúa đã gieo chúng ta vào ruộng đời, và đến một ngày nào đó, Người sẽ đến mà thu hoạch. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người. Mỗi người phải là hạt lúa trong nia để Thiên Chúa thu vào kho lẫm của người. Nếu là hạt lúa lép, hẳn Người để ngoài đồng kia mà đốt đi”.

Lời Chúa hôm nay gợi lại cho tôi những bài huấn đức của mẹ thật tuyệt vời trong đêm trăng khó ngủ vì đói. Chị em tôi vẫn cảm phục Đức Tin của mẹ. Giữa lúc khốn khổ như thế mà mẹ vẫn không quên nhiệm vụ làm gương và giáo dục đức tin cho chúng tôi.

Mẹ từng giải thích cho chúng tôi về nguyên nhân sinh lúa lép: do cây lúa yếu, ngã đổ, do sâu bệnh, do sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn trên lá, đạo ôn cổ bong, do sạ dày, do dọn đất không kỹ, thiếu phân, thiếu nước… Đời sống đức tin cũng vậy con ạ. Rồi mẹ dừng lại ở đó để chị em tôi tự hiểu.

Vâng, nếu ngày ấy chưa hiểu ý mẹ, thì mỗi Chúa Nhật thứ 3 mùa vọng, Thánh Gioan Tẩy Giả lại giải thích cho chúng tôi hiểu “chúng tôi phải làm gì” để trở nên một hạt lúa no tròn chắc mẫm:
-“Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”.
-“Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”
-“Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

Vâng, hạt lúa Đức Tin của tôi của bạn hẳn cũng phải là hạt lúa no tròn chắc mẫm để khi Chúa đến, hạt lúa đời mình được Chúa chọn vào kho lẫm của Người.
Để được no tròn, phải tránh các nguyên nhân gây lép: một mặt cây lúa yếu do bộ rễ yếu vì không bám chặt vào Lời Chúa, vào Thánh Thể, mặt khác, cây lúa đời mình để nhiễm bệnh kiêu căng, ích kỷ, hà tiện, bất công, và bao thứ bệnh nguy hiểm khác cho Đức Tin.

Thánh Gioan còn đề nghị rất rõ phương thức làm cho hạt lúa no tròn. Đó là: Bác Ái, Công Bình. Bác ái, công bình không chỉ là những khẩu hiệu, logo, bích chương hay biểu ngữ, nhưng là một cuộc sống sẻ chia đích thực vì yêu mến Chúa. Sự sẻ chia cho người vì yêu mến Chúa, có sức làm cho mỗi chúng ta thêm phong phú dồi dào về đời sống đức tin: vì “Những bác ái trong cuộc đời tôi là kho tàng muôn đời cho tôi. Ngày tôi về với Người trên trời, kho tàng ấy lại thuộc về tôi”. (Lời bài hát Tôi Biết Tôi Tin. PMCHH).

Tôi bỗng nhớ trong lễ Giỗ Tổ Tộc Họ Trần Bùi và Mừng Chúa Giáng Sinh tại GX Gia Viên ngày 9-12-2012, Cha Vĩnh Tiến giới thiệu GX Xuân Sơn, hạt Túc Trưng, và mong mọi người sẻ chia. Người dẫn chương trình có đặt vấn đề: Mừng Chúa Giáng Sinh bằng việc bác ái cụ thể và đọc liền mấy câu thơ: “Hướng lòng lên tới Xuân Sơn, Nghe Con Thiên Chúa từng cơn nghẹn ngào. Tình này con quyết dâng trao, Tiền này con quyết gửi vào Xuân Sơn”. Rồi anh dí dõm: “Trong Nước Trời, không sử dụng đồng tiền in hình ông Abraham Lincohn, và các ông khác, nhưng sử dụng đồng tiền in hình Đức Giê-su, hoặc đồng tiền in hình Thánh Giá”. Và hôm ấy, gần 700 khách tham dự đã cùng đồng tình đổi tiền đang sử dụng thành tiền in hình Đức Giêsu, bằng cách bỏ vào thùng tiền hiệp thông làm quà cho giáo xứ Xuân Sơn. Mọi người hôm ấy hẳn vui vẻ, vì biết việc bác ái của mình chính là việc làm cho hạt lúa của mình no tròn, hạt lúa trong nia.

Hơn nữa, khi làm việc bác ái sẻ chia cho người, cũng chính là lúc chúng ta thể hiện đức công bình với Thiên Chúa và với anh em. Với Thiên Chúa Đức Công Bình là một hành vi cảm tạ. Với tha nhân, đức công bình không thể là một sự quân bình ăn đồng chia đều xét trên cá vị, hoặc được phép hưởng dùng cách ưu tiên cho xứng danh xứng phận, nhưng lại là sự hưởng dùng ở một mức vừa đủ để sống trong khi ta vẫn có thể tự do sử dụng cách sung túc hơn. Biết bao người đã chọn cách sống vừa phải, và phần sung túc có thể kia thì nhường cho những người thiếu thốn. Không thiếu những đại gia giàu lòng đai lượng nhưng không vì cầu được danh tiếng hay tên tuổi hão huyền. Cũng không thiếu những hạt muối chia đôi trong cảnh lao tù, khốn khó. Càng không thiếu những sẻ chia khi người chia sẻ thực sự là những người đói khổ.

Những hạt lúa của bao người đang no tròn chắc mẫm. Có lẽ nào, tôi và bạn bằng lòng làm hạt lúa lép rỗng ruột, nhẹ tênh bay theo gió cuốn giữa đời. Cũng có người vì thấy tôi, thấy bạn có chút khả năng, kiến thức giáo lý, chức vụ trong giáo hội, hay những đóng góp cách nào đó mà khen tặng chúng ta là “hạt gạo trên sàng”, nhưng thực ra, hạt hạo trên sàng phải là hạt gạo no tròn đức bác ái.

Chúa nhật thứ 3 mùa vọng là Chúa Nhật hồng, Chúa Nhật vui mừng vì Chúa sắp đến cho tất cả những ai sẵn sàng chờ đợi bằng chính đời sống bác ái công bình. Họ sẽ vui mừng vì an tâm tin rằng mình sẽ là hạt lúa trong nia, hạt lúa được vào kho lẫm của Thiên Chúa, hạt lúa được cứu độ.

Lạy Chúa Giê-su, Ngài sẽ sảy con trong nia lúa của Ngài. Xin cho đời sống Đức Tin của con no đầy vì những sẻ chia cụ thể cho người thân, kẻ sơ, cho người thương, kẻ ghét. Và xin cho tất cả việc bác ái công bình của chúng con làm là vì Tin vào Ơn Cứu Độ Chúa hứa ban. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 13-12-2012

Mục Lục [11]

CUỘC CHẠY ĐƯỜNG TRƯỜNG
AM. Trần Bình An

Cuốn nhật ký Pole to Pole – One Man, 20 Million Steps (Từ cực Bắc tới cực Nam – Một người, 20 triệu bước chân), của tác giả Pat Farmer chỉ vừa xuất bản vài tháng, đã in tới lần thứ 10, vì sự chân thật và sức hấp dẫn của nó.

Ông Pat Farmer đã từ bỏ con đường chính trị đang thênh thang, bán ngôi nhà cùng chiếc xe duy nhất để lấy vốn làm lộ phí. Bởi lúc đó, chẳng ai tin ông có thể chạy bộ từ Bắc cực đến Nam cực, với 21 ngàn cây số, trong vòng 10 tháng, 13 ngày, cùng vô số gian lao do thời tiết, con người và dã thú.

Ông đã chạy một cự ly bình quân không thể tin nổi: 65 km mỗi ngày, có một số ngày chạy tới 100 km hoặc hơn “Vì sao tôi chạy? Tôi chạy vì tôi cần cống hiến cho nhân loại. Tôi chạy từ cực này tới cực kia của tôi không phải vì mục đích trở thành một kẻ tử vì đạo hay một anh hùng. Cha mẹ tôi và người vợ quá cố của tôi là một tấm gương sáng cho tôi; họ luôn giúp đỡ người khác. Có lẽ tôi làm điều này xuất phát từ cảm giác tội lỗi, vì đang sống một cuộc sống nhiều đặc quyền đặc lợi, trong một đất nước nhiều đặc quyền đặc lợi, hay vì những tội lỗi mà tôi đã phạm” Pat Farmer viết.

Rất nhiều lần trong hành trình, Pat Farmer đã muốn ngã quỵ, muốn dừng lại, nhưng rồi ông đã tự chiến thắng bản thân để vượt qua mọi hoàn cảnh. Ông đã giúp các Hội Chữ Thập Đỏ Úc quyên góp là rất đáng kể. Sau cuộc chạy, đã có vô số cư dân nghèo, đặc biệt trẻ em được cứu sống hoặc giúp thoát khỏi bệnh dịch nhờ hệ thống nước sạch.

Từ ngày 9-12/2012 đến 20/1/2013, với cùng mục đích cao quý như trên, ông Pat Farmer và chàng thanh niên Việt Nam 25 tuổi, Mai Nguyễn Đình Huy, cùng đồng hành, thực hiện hành trình siêu maratông từ Móng Cái đến mũi Cà Mau, hơn 3200 Km trong 40 ngày liên tục, mỗi ngày chạy khoảng 80 km. (theo Hiền Hòa, Tiền Phong)

Như thế, ông Pat Farmer và Mai Nguyễn Đình Huy đang chạy để phục vụ tha nhân, dường như cũng đang hưởng ứng lời kêu gọi trong hoang địa.

Bài trích Tin Mừng hôm nay, ngôn sứ Gioan Tiền Hô ân cần hướng dẫn, chỉ vẽ những đường chạy vô cùng lý thú và hữu ích, khi thiên hạ đổ xô đến nhờ tư vấn, thắc mắc phải chạy đường trường như thế nào.

Chạy theo Bác Ái
Thay vì chạy ghế, chạy chức, chạy theo thói tham lam, vơ vét, vỗ béo bản thân, ích kỷ, bất nhân, hận thù, mù quáng, thì ngôn sứ Gioan Tiền Hô khuyên nhủ, lấy đức bác ái làm kim chỉ nam cho cưộc chạy: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có. Ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.”( Lc 3, 11)
Sự chia sẻ, như xẻ cơm nhường áo, lá lành đùm lá rách, là biểu hiệu đầu tiên của tính nhân bản, khiến cho con người thoát ra khỏi kiếp sống theo bản năng, giúp cho loài người đứng trên các loài động vật, các loài thọ tạo khác.

Chạy theo Công Bằng
Thay vì chạy theo thói bất công, tham ô, nhũng lạm, xách nhiễu, lợi dụng làm giầu bất chính trên mồ hôi, xương máu và nước mắt của dân đen, thì ngôn sứ Gioan khuyên nhủ mọi người, các nhân viên công chức, những người có chức, có quyền, như thuế má, hải quan, hãy chạy theo đức công bằng, ngay thẳng: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” (Lc 3, 13)
Không chỉ nói riêng với công viên chức, Gioan Tiền Hô còn nhắm đến quần chúng rộng rãi, những kẻ kinh doanh, những giao dịch mua bán, sang nhượng, những quan hệ trao đổi, phải sòng phẳng, không dối gian, lừa gạt, không lời lãi quá mức bình thường, không ép giá thu lợi bất chính.

Chạy theo Chính Trực
Thay vì dùng võ lực có sẵn trong tay, để uy hiếp, bóc lột, chiếm đoạt, ức hiếp, tịch thu tài sản, sở hữu của người dân, thì ngôn sứ Gioan khuyên nhủ, chạy theo đức chính trực, tôn trọng người khác, không tơ hào, lợi dụng quyền thế để quấy nhiễu hành dân: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình.” (Lc 3, 14)
Ngôn sứ Gioan Tiên Hô đồng thời cũng muốn nhắm đến những người có lợi thế, những người giàu có, quyền cao chức trọng, đừng lợi dụng thế mạnh tài chánh, hay quyền hành để chèn ép, bắt nạt, hoặc cướp trắng của cải người yếu thế, cô thế.

Chủ Nhân đường đua
Nhân tiện, ngôn sứ Gioan Tiền Hô đính chính điều dân Do Thái đang ngộ nhận. Rằng ông chỉ là người tiền hô, đi trước dọn đường cho Chủ Nhân của cuộc đua đường trường. Người cao trọng vô cùng, mà chính ông cũng tự nhủ, không đáng cởi quai dép cho Người!
Trước Đấng Quyền Thế hơn đang đến, ngôn sứ Gioan tỏ ra kính cẩn và khiêm tốn, cùng tỏ thái độ vâng lời và phục vụ. Ngài cũng nhận mình chỉ là tôi tớ hèn mọn, như phận nữ tỳ hèn mọn của Mẹ Maria trong kinh Magnificat.
Chủ Nhân kiêm luôn trọng tài, sẽ phán quyết, thưởng phạt công minh, dựa theo cung cách chạy của những tay đua đến đích: “Tay Người cầm nia, rê sạch lúa trong sân: Thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không bao giờ tắt, mà đốt đi.”(Lc 3, 17)
Thánh Phaolô cũng đã nỗ lực và nhiệt thành chạy đường trường, chia sẻ với tín hữu thành Philípphê: “Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong đức Giêsu Kitô. (Pl 3, 13 – 14)

Dù mọi người bỏ dở hành trình, con cứ tiến, quần chúng dễ bị lôi cuốn thì đônh đảo, lãnh đạo sáng suốt lại hiếm hoi. Con phải có bản lãnh, đừng theo quần chúng mù quáng. (Đường Hy Vọng, 50)

Lạy Chúa Giêsu, Chủ nhân của cuộc đua đường trường, xin luôn nhắc nhủ con bỏ lại sau lưng mọi thứ nặng nề, làm cản bước đường, mà bền chí vững vàng chạy đến Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ đồng hành cùng con, để con noi gương Mẹ nhân ái, đôn hậu, biết quên mình, yêu thương, phục vụ mọi người. Amen

AM. Trần Bình An

Mục Lục [11]

LÀ “LÚA” HAY LÀ “RƠM”?
Pio X Lê Hồng Bảo

Hôm nay được gọi là “Chúa nhật Hồng giữa mùa Tím”. Nỗi niềm trông đợi ngày Chúa đến được thể hiện bằng tấm lòng háo hức, nôn nao… “Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.” (Xp. 3, 14-15).

Trong những ngày này, tôi lại đọc thấy trên mạng Internet những thông tin từ nhiều nguồn về ngày 21 & 23/12/2012. Những thông tin dù lành dù dữ đều khiến những người đọc nó lo lắng, bồn chồn… Người thì dự trữ mì gói, gạo sấy; người thì trữ xăng dầu để chạy máy phát điện; người thì lo sắm áo phao, đèn pin, bếp cồn…; có người còn đào hầm để tránh động đất… Để đối phó với ngày quang lâm của Chúa, người ta lo tém vén mọi thứ có thể được để bảo đảm cho mạng sống của mình.

Còn Gioan khuyên dân Do Thái ngày xưa điều gì?
– Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy.
– Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi.
– Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai.
– Các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình.

Nói chung là: Bằng lòng với cuộc sống tối thiểu cho bản thân và dành sự quan tâm đối với tha nhân. Bài học từ hai ngàn năm trước đã mấy ai ứng dụng? Tôi vẫn thường nghe nói: “Không ai nghèo khó đến nỗi không có gì để cho đi và cũng không ai giàu có đến nỗi không có thể lãnh nhận được gì thêm nữa”. Đối với tôi, xem ra câu nói này chỉ đúng… có vế sau! Lo cho bản thân mình thì tôi thấy không biết bao nhiêu cho đủ nhưng cho người khác thì cứ phải cân nhắc, đắn đo…
– Đối với đại đa số dân chúng, hình tượng 2 cái áo diễn tả thật tích cực tâm tình bác ái và phó thác của Đức Tin Kitô giáo. Chỉ có 2 cái để thay đổi mà Gioan còn kêu gọi cho đi bớt 1 cái, rồi để ngày mai cho Chúa lo liệu. Trong thời đại hiện nay, có lẽ lại càng khó tìm ra người có ít hơn 2 cái áo. Điều này đồng nghĩa với việc “không có ai nghèo khó đến mức không có gì để cho đi”.
– Với những người thu thuế (đại diện cho tầng lớp viên chức), Gioan thấy được những cám dỗ kim tiền nơi họ. Chỉ cần thêm bớt một dấu phẩy, họ đã có cả một gia tài lận lưng. Ngày nay, giới viên chức lại càng có nhiều cơ hội để kiếm chác từ một chữ ký, một con dấu hay những hợp đồng tranh tối tranh sáng… Ngay cả giáo viên cũng cắn con chữ làm đôi, một nửa dạy trên lớp, một nửa đem về nhà… dạy thêm!
– Với giới quân nhân (đại diện cho thành phần nắm quyền lực), Gioan thấy được khuynh hướng lạm quyền để tư lợi nơi họ. Ngày nay, hình ảnh này lại càng đại trà và rõ nét hơn với hiện tượng tham nhũng (nhũng nhiễu dân chúng để thỏa lòng tham) khắp nơi. “Lương” không quan trọng bằng “bổng”. Tình trạng “chạy ghế” khiến tham nhũng càng phổ biến và lan tràn. Tốn vài trăm triệu để “chạy” vào một vị trí nào đó nên khi “yên vị”, tất người ta phải… “lấy lại những gì đã mất”.

Nhiều năm trước, tôi phải nuôi người thân điều trị ở bệnh viện K. Dính phải thứ này thì coi như “trúng số độc đắc”, không hết bệnh thì cũng hết tiền. Vô bệnh viện phải lo thủ thân, tối nằm không dám ngủ. Đêm đã khuya, tôi bỗng nghe tiếng thì thào từ giường bên cạnh: “Anh à, em thú thiệt với anh cái này… Em biết nhà mình chẳng giàu có gì! Anh cũng phải bán đi chiếc xe và mấy công đất để lo cho em. Nhưng em nghĩ… bệnh tình của em thì có thêm vài triệu bạc cũng chẳng bõ bèn gì! Vô đây, em mới thấy nhiều người còn khổ hơn mình gấp bội anh ạ! Như chị Hai ở Cai Lậy kia, mỗi cuối tuần về nhà, chị lại bới lên một bao dưa leo với chai nước mắm để dành ăn dần cả tuần… Rồi cô Sáu Lagi nữa, nhiều bữa mắc lo cho đứa con gái mà đi xin cơm từ thiện không kịp là nhịn đói luôn. Vậy cho nên, mỗi khi có người thân vào thăm cho chút ít tiền, em đều cho họ hết. Tuần trước, cô Ba cho em hai trăm; hôm qua, cậu Bốn vào cho năm trăm. Em không nói với anh vì số tiền đó em đã cho hết rồi! Anh đừng giận em nghen.” Thinh lặng giây lát rồi có tiếng anh chồng: “Ừ, em làm vậy anh thấy cũng hay. Hồi nào tới giờ mình cứ tưởng mình nghèo nên chẳng bao giờ giúp đỡ ai. Bây giờ mới có cơ hội…”
Gần chục năm sau, tôi lại gặp cô bệnh nhân ấy đi tái khám ở bệnh viện K. nọ, mặc mày tươi tắn, thân thể nở nang, khỏe mạnh… Vị bác sĩ tái khám nói với tôi: “Trường hợp của cô ấy như một phép mầu vậy. Tôi cứ tưởng cổ chỉ sống được chừng một năm nữa là cùng. Vậy mà… Hiện nay, tôi hẹn cổ 6 tháng tái khám một lần như là đi kiểm tra sức khỏe định kỳ vậy thôi, chứ mức máu CA của cổ không có gì đáng ngại. Lần nào, cổ vào tái khám cũng đem đường, sữa vô cho các bệnh nhân. Món quà thì chẳng đáng là bao nhưng sự hiện diện của cổ là niềm khích lệ rất lớn đối với bệnh nhân ở khoa này khi biết cổ đã từng điều trị ở đây 10 năm trước.”

Thiên Chúa giàu lòng từ ái đã không để ai phải thiệt thòi! Chúa lại đòi hỏi còn ít hơn Gioan, chỉ cần một chén nước lã: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mc 9,41).

Tôi cứ cố sức vơ vét cho mình những gì có thể được trong điều kiện sống hiện có và khư khư giữ lấy cho riêng mình, để rồi tôi lại dùng những thứ ấy để mua sắm mì tôm, xăng dầu, máy phát điện, áo phao, bếp cồn… mà lòng cứ thắc thỏm không yên. Trong khi nhiều người đã nghe theo Gioan trút bỏ những vướng víu trần thế để lòng nhẹ thênh thang khi ra trình diện Đấng Quyền Năng Uy Linh Cao Cả. Đấng ấy không chỉ giáo huấn và ban phép Thanh Tẩy như Gioan mà còn là Vị Thẩm Phán Tối Cao“cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Lúc bấy giờ tôi sẽ là “lúa” hay là “rơm”? Liệu những mì tôm, áo phao… có cứu tôi thoát khỏi “lửa không hề tắt”?

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì đã dựng nên chúng con, đã thanh tẩy hồn xác chúng con bằng lửa và Thánh Thần, đã ban Lời để giáo huấn chúng con, và nhất là đã hy sinh chính thân mình làm giá cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con biết từ bỏ những quyến rũ của thế gian hư ảo này, biết quan tâm đến anh chị em chung quanh chúng con như Lời Chúa dạy, để ngày sau chúng con được trở thành “lúa” được Chúa thu gom và tích vào kho lẫm vinh quang của Người. Amen.

Pio X Lê Hồng Bảo

Mục Lục [11]

NHÀ GIẢNG THUYẾT ĐƯỜNG PHỐ
Cha Mark Link, S.J.

Chủ đề: “Mùa vọng là thời gian giúp chúng ta quyết định hiến thân cho Chúa Kitô”

Cách đây ít năm, bác sĩ Karl Menninger, trưởng khoa tâm bệnh học của Mỹ đã làm nhiều người kinh ngạc với quyển sách của ông nhan đề: “Whatever Became of Sin?” (Bất cứ gì cũng là tội?). Ông bắt đầu quyển sách bằng một câu chuyện trào lộng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Vào một ngày chúa nhật tháng chín năm 1972, trên góc phố đông người qua lại thuộc khu trung tâm Chicago, xuất hiện một nhà chuyên giảng thuyết ở đường phố. Đang lúc các nhân viên văn phòng vội vã lo đi ăn trưa, nhà giảng thuyết này thình lình giương cánh tay phải lên, dùng ngón tay xương xẩu chỉ vào một nhân viên nào đó rồi la lên: “Anh là kẻ có tội!” đoạn ông đứng im, nghỉ vài giây rồi lại bắt đầu chỉ vào một nhân viên khác và la lên: “Anh là kẻ có tội!”

Bác sĩ Menniger nói: “Tác động mà nhà giảng thuyết gây ra nơi những người bộ hành đi ngang qua đó thật là kỳ lạ”. Họ lấm lét nhìn ông, rồi lại quay mặt đi chỗ khác, rồi lại lén nhìn nữa, và cuối cùng vội vàng đi tiếp.

Chắc chắn Gioan Tẩy giả cũng gây được tác động tương tự trên đám dân khi ngài xuất hiện ở bờ sông Giođan. Hẳn nhiên trong đám dân, một số chế nhạo ngài, số khác tức giận ngài, còn số khác nữa nhận biết từ thâm sâu cõi lòng mình sự sai quấy của họ. Chẳng hạn chúng ta đọc thấy trong bài Phúc Âm hôm nay: Các người thu thuế nhận ra mình đã có lỗi trong việc thu thuế quá mức, đám lính tráng nhận thấy mình thường hay bắt nạt dân chúng, còn tất cả dân chúng đều nhận ra tội không biết chia sẻ phần của cải dư thừa cho người túng thiếu. Trong quyển sách nói trên, bác sĩ Menninger cho thấy rằng nhiều người thời nay cũng đã phạm những điều sai quấy. Nhưng điều đó không làm cho bác sĩ Menninger phải ưu tư hay lưu tâm. Điều khiến cho ông phải ưu tư hay lưu ý là có rất nhiều người thời nay không chấp nhận rằng mình đã làm những điều sái quấy. Chính vì thế mà nhà giảng thuyết trên chỉ nói “Anh (hay chị) là kẻ có tội” đã tạo ra một tác động thật kỳ lạ nơi những nhân viên làm việc ở Chicago.

Thánh Gioan Tẩy Giả cũng như nhà giảng thuyết nọ đã chạm vào vơi vùng thâm sâu dễ thương tổn nhất của dân chúng. Ngài đòi buộc dân chúng xét lại tâm hồn mình và nhận biết lỗi lầm của mình. Ngài còn đòi họ phải từ bỏ tội lỗi để quay về cùng Thiên Chúa.

Trong cuốn sách tựa đề Something More (Một cái gì hơn thế nữa) của bà Catherine Marshall, người ta tìm thấy một minh hoạ sống động về những khuyến dụ của Gioan Tẩy giả. Một hôm, cô Linda, con gái bà chuẩn bị đi tắm. Ngay khi vừa đặt một chân xuống bồn ngay dưới vòi tắm, còn chân kia vẫn còn trên chiếc thảm ngoài bồn tắm, cô bỗng liên tưởng đến hình ảnh cuộc đời mình. Cô thường muốn hiến dâng đời mình cho Chúa, nhưng chẳng bao giờ hoàn tất được ước nguyện đó, vì cô luôn sống tình trạng chân trong chân ngoài như thế này. Giờ đây có lẽ đã đến lúc cô phải quyết định dứt khoát hoặc theo Chúa hoặc không theo Ngài, cô nghĩ đến cái giá phải trả khi chọn con đường theo Chúa. Giá ấy chẳng phải rẻ, nhưng cô đã quá mệt mỏi vì tình trạng lập lờ hai phía, để rồi chả phía nào đem lại cho bình an thoải mái. Thế rồi cô đứng im suy nghĩ một hồi lâu, đoạn hít một hơi sâu vào lồng ngực, và nói to lên: “Lạy Chúa, con xin chọn Ngài”. Nói xong, cô bước hẳn hai chân vào bồn tắm. Hành vi này đối với cô giống như một phép rửa đích thực. Đây chính là sự biến đổi tâm hồn mà Gioan tẩy giả đề nghị dân Do Thái thực hiện.

Vậy làm thế nào áp dụng thực tế những điều trên đây vào cuộc sống chúng ta? Muốn trả lời câu hỏi quan trọng này, chúng ta hãy trở lại câu chuyện của bác sĩ Menninger về nhà giảng thuyết trên đường phố nọ. Tất cả chúng ta đều đã từng làm đìều sai quấy. Nếu còn chút nghi ngờ gì về điều này chúng ta chỉ cần đọc lại lá thư thứ nhất của thánh Gioan trong đó ngài dùng những câu nói hết sức thẳng thừng: “Nếu chúng ta nói rằng: chúng ta không có tội là chúng ta tự lừa dối mình… nếu chúng ta cho rằng mình không hề phạm tội tức chúng ta xem Thiên Chúa là kẻ nói dối và không có lời Ngài trong bản thân chúng ta” (1 Ga 1: 8,10)

Tôi rất vui mừng khi nghe thánh Gioan công bố ra tội lỗi của chúng ta một cách thẳng thừng như thế, vì điều đó giúp chúng ta dễ dàng đồng ý với bác sĩ Menninger hơn, khi ông cho rằng việc nhìn nhận tội lỗi đem lại cho chúng ta sức khoẻ tâm lý lẫn tinh thần. Quả thế, chúng ta phải nhìn nhận mình là kẻ có tội. Nói rõ hơn là chúng ta rất xinh, rất đẹp, nhưng đồng thời cũng rất yếu hèn. Có nhiều khía cạnh trong cuộc sống chúng ta cần được Chúa tha thứ và chữa lành nhờ bí tích Giải tội.

Vì thế, Mùa Vọng chính là thời gian giúp chúng ta nhìn nhận mình là kẻ có tội để rồi chúng ta ăn năn thống hối xưng tội ra ngõ hầu mở rộng tâm hồn trước Chúa Giêsu Đấng cứu độ chúng ta. Đây là thời gian để chúng ta làm điều Linda Marshall đã làm, nghĩa là không thể kéo dài tình trạng sống hai mặt mà chả cái nào ra hồn cả. Đây là thời gian để chúng ta hít sâu hơi thở vào lồng ngực rồi thốt lên với Chúa: “Lạy Chúa, con xin chọn Ngài”.

Để kết thúc, chúng ta hãy lập lại lời cầu nguyện được một Kitô hữu tên là Origen viết ra cách đây 1600 năm; “Lạy Chúa Giêsu, đôi chân con dơ bẩn…. xin hãy đổ nước vào thau và rửa cho con, con biết rằng con quá bạo gan khi cầu xin Chúa điều này, nhưng vì con sợ bị Chúa quở trách: Nếu Ta không rửa chân con thì con chẳng phải là bằng hữu cuả Ta. Vậy xin Chúa hãy rửa chân con vì con ao ước được làm bằng hữu của Ngài”.

Cha Mark Link, S.J.

Mục Lục [11]

Chia sẻ Bài này:
[12] [13] [14]