Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C

‘MONG ĐỢI’ HAY ‘PHÒNG CHỐNG’ CHÚA ĐẾN?
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Gioan hướng tới điều gì khi kêu gọi dân chúng chuẩn bị đón đấng Mêsia với những lời lẽ nặng nề đe loi như thế? Nghe những lời cảnh báo của Gioan, bản thân tôi cũng thấy đấng Mêsia mà tôi đang mong đợi quả thật là đáng sợ. Một đấng như thế ai mà không khiếp sợ: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trên sân; thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. Đứng trước một nhân vật công thẳng như thế ai mà chẳng thấy mình phải mau mau, không trì hoãn, để thoát khỏi bị liệt vào hạng thóc lép, và mau chóng trở thành hạt thóc mẩy để khỏi bị thiêu đốt! Và nếu quả là như thế thật, thì tôi sẽ không gọi sự chuẩn bị này là ‘vọng = mong đợi’ đâu, mà là ‘vọng canh = phòng chống’ như khi người ta vẫn thường hô hoán phải phòng chống bão lụt hay thiên tai vậy.

Rất may là dân chúng, và có lẽ ngay cả Gioan, cũng chưa có một quan niệm rõ ràng về đấng mà lúc đó ông đang kêu gọi chuẩn bị đón tiếp. Dân chúng đã chẳng bị vẻ bên ngoài khổ hạnh và liêm chính của Gioan lôi cuốn là gì, tới độ nhiều người còn tự hỏi: “Biết đâu ông Gioan lại chẳng là đấng Mêsia?” Diện mạo đích thực của đấng Mêsia vẫn còn là một ẩn số đối với chính ông; “Thầy có thật là đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Đó là lý do tại sao Gioan đã gởi tới dân chúng một sứ điệp khủng khiếp đến thế. Cựu Ước, với cao điểm và điển hình nhất là Gioan, có mục đích chuẩn bị đón chào đấng Mêsia, nhưng lại không hề rõ về dung mạo đích thực của Ngài. Họ chỉ có một hình ảnh võ đoán về Con Người đó phải là một đấng cao cả đầy quyền uy, long trọng ngự xuống từ đám mây trời ( văn phong khải huyền). Vì lẽ đó mà khi Con Người đến giữa đoàn dân có sứ mạng đón tiếp Người, thì “… họ lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,10-11). Đơn giản là vì họ có biết ngài là ai đâu, họ đã có một hình ảnh quá lệch lạc về ngài.

Tác giả Luca, khi ghi lại những lời của Gioan, chắc chắn đã có một hiểu biết và nhận thức hoàn toàn khác. Chẳng hạn khi trích lời Gioan, “Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa” Luca chắc phải hiểu Thánh Thần trong nội dung của biến cố ngày lễ Ngũ tuần, trong khi Gioan chỉ đơn thuần là ‘sức mạnh của Thiên Chúa’, theo quan niệm Cựu Ước. Cũng vậy ‘lửa’ được Luca hiểu trong nội dung lửa tình yêu nung nấu, “Thầy đến để ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49), trong khi Gioan có lẽ chỉ nghĩ tới ngọn lửa hỏa hào thiêu hủy và luận phạt.

Vấn đề chính ở đây là chúng ta, các Kitô hữu, là người của Cựu Ước như Gioan, hay của Tân Ước như Luca? Chúng ta ‘phòng chống’ hay ‘mong đợi’ Chúa đến? Chúng ta có hình ảnh Thiên Chúa như một Thẩm Phán công thẳng đáng sợ hay như một Người Cha giầu lòng thương xót thứ tha? Vì là Kitô hữu, hình ảnh về Thiên Chúa mà tôi phải có chắc hẳn phải là hình ảnh mà Đức Giêsu đã cất công xuống thế để trình bày,“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời… Ai tin vào Người Con ấy thì không bị kết án…” (Ga 3, 16-18); và Người đã minh chứng điều đó bằng chính cái chết thập giá. Kitô hữu không thể tự biện minh là chưa từng biết, hay chưa hề đặt niềm tin tuyệt đối vào một Thiên Chúa như thế. Nói như vậy là đã minh nhiên phủ nhận bí tích Rửa Tội mình đã lãnh nhận, cũng như các Thánh Lễ cử hành hàng ngày. Vậy thì, bất chấp lời lẽ đe loi khủng khiếp mà Gioan – Cựu Ước gióng lên, chúng ta vẫn có thể, cùng với Luca, lập lại những lời của Gioan trong một nội dung Tin Mừng hoàn toàn khác: “Ngoài ra ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ”.

Lạy Chúa, xin cho con biết khao khát và mong đợi Chúa đến, vì con biết rằng chính Chúa hằng khát khao và mong đợi được đến với con, cho dầu (hay đúng hơn, chính vì) con tội lỗi, yếu đuối và bất xứng. Xin cho các yếu đuối và nhơ nhớp mà con mang nơi mình không làm con khiếp sợ Chúa đến, trái lại càng làm cho con thêm tin tưởng chờ mong Chúa nhiều hơn; y hệt như một bệnh nhân mắc chứng bệnh nan y hiểm nghèo, mong đợi thầy thuốc cao tay và từ nhân tới chữa trị cho mình lành bệnh. Amen.

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts