- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 3, 1-6).

    Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.

   Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. 

  Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG II MÙA VỌNG C

Con Đường Nội Tâm & Dọn Đường Cho Chúa [1]  ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Sám Hối Nhằm Mục Đích Gì ? [2]  Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB Trg 3
Vô Nhiễm Nguyên Tội Cho Hết Mọi Người [3]  Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB Trg 4
Dọn Đường Cho Chúa Đến [4]  Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 5
Đổi Mới [5]  Lm. Paul Nguyễn Nguyên Trg 6
Sửa Lại Con Đường Tâm Hồn [6]  Lm. John Nguyễn Trg 7
Làm Chứng Cho Ơn Cứu Độ [7]  PM. Cao Huy Hoàng Trg 8
Tiếng Kêu Trong Hoang Địa [8]  AM. Trần Bình An Trg 9
Thời Điểm Chữa Bệnh Máu Mỡ [9]  Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường Trg 10

CON ĐƯỜNG NỘI TÂM

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng mở đầu thật long trọng khi nêu tên tất cả những vị lãnh đạo cao cấp thời đó. Từ Tibêriô, hoàng đế của đế quốc La mã, quyền uy phủ trên toàn thế giới thời ấy, đến Philatô, tổng trấn, đại diện cho hoàng đế cai trị nước Do Thái. Từ Hêrôđê, dù là bù nhìn, cai trị miền Bắc, đến em ông cai trị miền Nam. Từ Anna đến Caipha cùng trong gia đình làm thượng tế nắm giữ quyền đạo Do Thái. Tên tuổi những vị lãnh đạo cao cấp đầy quyền uy nói lên thực trạng của đất nước Do Thái thời đó: bị nô lệ. Chính vì thế, hơn bao giờ hết người Do Thái mong chờ Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân Người. Chúa đã đến, không phải bằng con đường phô trương nhưng bằng con đường nội tâm. Thánh Gioan Baotixita hôm nay khi kêu gọi mở đường cũng nhắm đến con đường nội tâm. Chỉ những ai đi đường nội tâm mới gặp được Chúa. Qua lời rao giảng của Thánh Gioan Tiền Hô, đường nội tâm có những đặc điểm sau:

Đường nội tâm đi trong cô tịch. Thật lạ lùng. Một chương trình cứu thế lớn lao như thế mà Chúa chẳng ngỏ lời với các vị lãnh đạo cao cấp uy quyền, nhưng lại ngỏ với Thánh Gioan Baotixita. Một chương trình lớn lao như thế không khởi đầu từ thủ đô đất nuớc nhưng lại phát xuất từ vùng hoang địa xa xôi. Thực ra Chúa vẫn ngỏ lời với nhân loại. Nhưng tiếng Chúa nói âm thầm, sâu thẳm. Các vị lãnh đạo cao cấp sống trong ồn ào của đô thị phồn hoa, bị tiếng thét gào của đam mê, dục vọng, quyền lực lấn át, nên không nghe được tiếng Chúa. Thánh Gioan Baotixita nghe được tiếng Chúa nhờ đi vào con đường cô tịch. Sống ẩn thân nơi hoang địa. Chuyên chăm cầu nguyện trong tu viện. Bỏ ngoài tai tất cả những tiếng ồn ao thế tục. Chỉ khao khát lắng nghe Lời Chúa. Nên đã gặp được Chúa và được biết chương trình cứu độ của Chúa.

Đường nội tâm đi trong đi trong khiêm nhường. Chúa là Đấng vô cùng khiêm nhường. Chỉ những ai khiêm nhường mới gặp được Chúa. Các vị lãnh đạo uy quyền nói trên rất tự mãn. Tự mãn vì quyền uy bao trùm khắp mặt đất. Tự mãn vì dinh thự đền đài nguy nga. Tự mãn vì quần áo lụa sang trọng. Tự mãn vì yến tiệc linh đình. Thánh Gioan Baotixita thật khiêm nhường. Khiêm nhường trong đời sống âm thầm nơi hoang địa. Khiêm nhường trong tu viện đơn sơ. Khiêm nhường trong thực phẩm tự nhiên rất đạm bạc: chỉ ăn châu chấu và mật ong rừng. Khiêm nhường trong trang phục giản dị bằng da thú, chỉ có mục đích che thân. Khiêm nhường xưng mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Nhờ thế đã gặp được Chúa, được Chúa tuyển chọn trở thành người mở đường cho Chúa.

Đường nội tâm đi trong chiến đấu. Không phải chiến đấu với người khác. Nhưng chiến đấu với chính mình. Cuộc chiến đấu được Thánh Gioan Tiền Hô dùng lời tiên tri Isaia diễn tả trong việc sửa chữa con đường. Con đường là tâm hồn. Sửa chữa con đường vật chất tuy khó mà dễ. Sửa chữa con đường tâm hồn khó biết bao. Tâm hồn có những núi đồi kiêu ngạo tự mãn. Để sửa chữa phải bát núi đồi xuống. Phải cắt đi một phần tâm hồn không phải dễ dàng. Tâm hồn có những khúc quanh co, để uốn nắn lại phải vạt bớt chỗ quanh co. Gọt dũa tâm hồn đau đớn lắm. Từ bỏ mình là một cuộc chiến khốc liệt. Thắng được mình khó hơn thắng vạn quân.

Đời sống ta quá lo lắng bon chen nên thiếu chiều sâu nội tâm. Hôm nay ta hãy nghe lời Thánh Gioan Tiền Hô dạy, biết ăn năn sám hối trở về với Chúa. Biết rửa sạch tội lỗi. Biết đổi mới tâm hồn bằng cuộc sống đi vào nội tâm. Tìm những giờ phút thanh vắng cô tịch để lắng nghe tiếng Chúa. Sống đơn sơ khiêm nhường để nên giống Chúa. Muốn được như thế ta phải chiến đấu để từ bỏ ý riêng. Chúa đã đến ở đầu đường. Ta chưa nhìn thấy chỉ vì con đường tâm hồn còn lồi lõm quanh co. Khi nào ta cắt bỏ được hết những lồi lõm quanh co trong tâm hồn, ta sẽ được thấy Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Đường nội tâm có những đặc điểm nào? Cô tịch, khiêm nhường và chiến đấu, đặc điểm nào cần thiết nhất cho đời sống bạn hiện nay?

2. Thánh Gioan Tiền Hô có sống những lời Ngài rao giảng không?

3. Con đường nội tâm của bạn còn phải sửa chữa ở những đoạn nào? Có dễ không? Tại sao?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Trong những trận bão lụt tại miền Trung nước Việt, nhiều làng bị nước ngập; nhiều đoạn đường bị nước lũ cuốn đi hay bị sạt lở, xe cộ không đi lại được… Dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn xử dụng được nữa. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.

Những con đường thật là quan trọng. Đường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Đường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Đường đi nối liên lạc giữa người với người.

Đường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.

* * *

Bạn thân mến, Con đường vật lý đã cần, nhưng “con đường thiêng liêng” còn cần hơn…Con đường thiêng liêng có thật tốt mới giúp ta lãnh nhận Ơn Chúa và nhất là đón nhận chính Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được Ngài vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.

– Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo, luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.

– Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh lợi, thú vui dục vọng.

– Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.

– Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì sự lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.

Tất cả những ngọn đồi, những hố sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta.. Trong Mùa vọng này, chúng ta được mời gọi hãy sửa chữa con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta cho tốt đẹp hơn để đón Chúa đến.

Hãy bạt đi những thói kiêu căng tự mãn; tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đầy những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà; những đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá, giả hình. Hãy san bằng những lượn sóng gồ ghề độc ác; những câu nói hành nói xấu trong cuộc sống hằng ngày.

Lạy Chúa,

Đổi mới một con đường bằng cách lấp đầy những hố sâu, uốn thẳng những khúc quanh thì thật dễ, dọn dẹp cho sạch sẽ một con đường thì dễ hơn… Nhưng đổi mới tâm hồn, dọn dẹp con đường thiêng liêng trong tâm hồn thì không dễ chút nào. Để chuẩn bị cho ngày Con Thiên Chúa lại đến, xin ban ơn giúp sức cho con trên con đường phấn đấu bản thân, để mỗi ngày con biết “bắt đầu lại” công việc dọn dẹp đổi mới con đường thiêng liêng trong tâm hồn con. Amen.

 

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

>> Mục Lục [10]

SÁM HỐI NHẰM MỤC ĐÍCH GÌ?

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Xem ra tác giả Luca đã quá trang trọng tới độ không cần thiết khi đặt những lời rao giảng không có gì là đặc sắc của Gioan Tẩy Giả trong một khung cảnh lịch sử quá ư rạch ròi. Gioan chẳng qua cũng chỉ lặp lại, hay nhắc nhở dân chúng về cái sứ điệp quen thuộc mà Isaia và nhiều ngôn sứ khác đã từng hô hào: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa!” Ông kêu gọi người ta chịu phép rửa biểu lộ lòng sám hối để được ơn tha tội. Nếu sứ điệp chỉ có thế thì có chi là đặc sắc mà phải làm to chuyện?

Qua khám phá những di tích khảo cổ nổi tiếng ở vùng sa mạc Kumram bên bờ Biển Chết, người ta cho là Gioan thuộc nhóm ẩn sĩ Étsêni sống trong một tu viện gần đó. Làm phép rửa để tỏ lòng sám hối là một nghi thức được cử hành hầu như hàng ngày trong tu viện. Do đó nhiều tác giả cho rằng chẳng qua Gioan chỉ muốn phổ biến thói tục này trong dân chúng trong bối cảnh chờ mong đấng Thiên Sai. Trước Gioan, tiên tri Giona cũng đã từng làm một công tác đại loại như thế với dân thành Ninivê. Lời cảnh tỉnh của cả hai đều mang cùng một nội dung là kêu gọi sám hối hầu tránh khỏi cơn thịnh nộ giáng phạt của Thiên Chúa. Có thể Gioan đã tiến thêm một bước nữa khi liên kết việc sám hối, biểu lộ qua nghi thức dìm mình xuống dòng sông, với việc được ơn tha tội. Ngôn sứ Isaia cũng đã từng bóng gió về thời đại của đấng Mêsia “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Nhưng ơn cứu độ đó hệ tại ở điều gì thì mỗi người Do Thái đều có ý kiến riêng rất khác nhau. Tác giả Luca coi lời kêu gọi sám hối của Gioan có tầm quan trọng đặc biệt, chính vì cái ý nghĩa tha tội của Tin Mừng, điều mà có lẽ ngay cả Gioan lẫn các vị ẩn sĩ Étsêni ở Kumram cũng chưa chắc đã biết tới. Sau này khi Đức Giêsu xuất hiện, Người cũng kêu gọi sám hối, nhưng đồng thời xác định rõ nội dung: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)… “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến!”(Mt 4,17). Như vậy đã quá rõ, đối với Luca ‘ơn tha tội’ chính là Tin Mừng, đồng thời cũng chính là Nước Trời. Đối với ông, cũng như đối với mọi môn đệ Đức Giêsu, điều này quả là quan trọng, quan trọng tới độ ông phải lồng lời rao giảng sám hối của Gioan vào một khung cảnh lịch sử thật cụ thể và rõ ràng.

Qua điều này ta nghiệm ra nội dung xác thực của từ ngữ ‘Tin Mừng’ hay ‘Nước Thiên Chúa’; đó chính là Thiên Chúa tha thứ, là Thiên Chúa biểu lộ lòng nhân ái của Người. Việc sám hối tức là nhìn nhận mình tội lỗi (hay nhìn nhận mình đích thực là một tội nhân) là điều kiện tiên quyết để ‘tin vào Tin Mừng’, để đi vào ‘Nước Trời’; nói cách khác là để đón nhận lòng Chúa thương xót được diễn tả nơi Thập giá Đức Kitô. Sẽ không thể có ơn cứu rỗi (hay tin vào Tin Mừng – đón nhận Nước Trời) mà không có sám hối. Ai tự cho mình là tốt lành, là nhân đức sẽ không thể sám hối và do đó cũng không bao giời có thể đón nhận Tin Mừng hay vào Nước Trời. Mối phúc đầu tiên“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3) sẽ là đương nhiên thôi, nếu ta hiểu ‘tâm hồn nghèo khó’ chính là cõi lòng sám hối, là thâm sâu nhìn nhận sự yếu hèn tột cùng của mình. Khó nghèo mang ý nghĩa thiêng liêng Tin Mừng, trước cả nội dung kinh tế, xã hội hay khổ chế. Thánh Âu-Tinh, trong kinh nghiệm bản thân, đã gọi chính các tội ngài từng phạm thời niên thiếu là tội hồng phúc’, chỉ vì chúng đã làm cho ngài biết mình hèn kém để có thể nghiệm ra lòng từ bi vô hạn của Thiên Chúa. Phaolô cũng thừa nhận mình yếu đuối, nhưng là để thấy rằng mình được nên mạnh mẽ trong đức Kitô. Điều này cũng chỉ ra rằng: điều quan trọng nhất khi sám hối (cả trong lẫn ngoài Bí Tích Cáo Giải) không nhất thiết phải là quyết tâm tránh tội hay sửa mình, tức dán cặp mắt lương tâm vào chính mình, mà là cảm nhận cách sâu xa hơn lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa, tức là nhìn vào Chúa và chiêm ngắm lòng thương xót thứ tha của Người. Phải chăng đó chính là ‘ăn năn tội cách trọn’ mà ta đã từng được dạy từ thời tấm bé? Phải chăng đây chính là nội dung sứ điệp sám hối của Gioan Tẩy giả, một sứ điệp có tầm quan trọng lịch sử, rất đáng được Phúc Âm Luca trân trọng đề cao vì gắn liền với việc Hài Nhi Giêsu giáng sinh sau này?

Lạy Chúa, xin mở lòng cho con biết đón nhận sứ điệp sám hối mà Gio-an đã rao giảng. Sám hối để không mạc cảm nhìn vào mình, nhưng là ngước mắt nhìn lên Chúa với lòng đầy cậy trông và hy vọng vào Tin Mừng tình yêu tha thứ. Trong Mùa Vọng này xin cho con có cảm nghiệm sâu xa về con người thấp hèn của mình, qua chính các tội lỗi mà con đã từng phạm, để tâm hồn con rộng mở đón nhận Hài nhi Giêsu giáng sinh, Người là biểu hiện vĩ đại nhất của tình yêu Thiên Chúa thứ tha. Xin đón nhận con vào Nước Trời chính trong tình trạng nghèo hèn nhất của mình, để con càng có khả năng ca tụng tình thương hải hà Chúa đến muôn đời. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

>> Mục Lục [10]

VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI CHO HẾT MỌI NGƯỜI

LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI – Lc 1, 25-38

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

 

Tại sao mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội? Tôi mừng một đặc ân chỉ dành riêng cho một mình Mẹ? Hay để chúc mừng một trường hợp biệt lệ có một không hai mà Thiên Chúa đã thực hiện cho riêng một mình Mẹ? Hay để làm vui lòng Mẹ, và nhờ đó tôi sẽ được Mẹ thương ban cho nhiều ân huệ khác nữa? Lễ Mẹ Vô Nhiễm có liên quan gì tới tôi? Mục đích có phải là để khích lệ tôi sống trong sạch, thánh thiện hơn không?… Những câu hỏi tương tự như thể đã lởn vởn trong đầu tôi từ lâu lắm rồi, nhưng chỉ không tiện công khai nói ra thôi. Thú thực, tôi vẫn né tránh đi tìm được một giải đáp thỏa đáng vì sợ đụng chạm tới một tín điều.

Thế nhưng âm thầm tôi vẫn tin rằng tín điều Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội phải là một điều gì liên quan rất chặt chẽ tới niềm tin của mình. Trong câu chào của Sứ thần: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà!” tôi vẫn thấy có một cái gì đó chạm tới chính bản thân mình, và tới từng người một. Phải, Đức Maria đâu phải là người duy nhất đầy ân sủng, vì Thiên Chúa đã ban ân sủng cách sung mãn cho hết thảy mọi người. Đức Chúa đâu chỉ duy nhất ở cùng Đức Maria, vì ngài “ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô khảng định nhiều lần một tư tưởng rất căn bản: “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng đồi dào và cho trở nên công chính, thì được sống và được thống trị” (Rm 5, 17, và toàn chương 5). Như vậy, giữa một bên là Ađam phạm tội để mọi người bị nhiễm tội tổ tông, và bên kia là đức Giêsu Kitô cứu chuộc để mọi người được trở nên công chính, ta phải làm nổi bật (highlight) bên nào? Theo Phaolô thì vế thứ hai phải được nhấn mạnh hơn, vì nó “lớn lao hơn biết mấy”. Không những cần làm nổi bật Giêsu Cứu Chúa hơn là tổ tông Ađam lỗi phạm, mà còn cần phải đề cao “ân sủng … còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” hơn là trên “muôn người phải chết”. Thật vậy, theo Phao-lô, “sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa” (Rm 5, 15).

Dưới nhãn quan đó, tôi sẽ chiêm ngắm Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội như thế nào? Nếu chủ yếu nhìn lên Mẹ như một trường hợp được đặc ân miễn trừ khỏi vế thứ nhất ‘mọi người mắc tội nguyên tổ’, thì dù rất cao đẹp, những vẫn là rất đơn độc nghèo nàn, theo lối nhìn thuần nhân loại. Còn nếu dùng con mắt Tin Mừng nhận ra đây là trường hợp điển hình (prototype chứ không phải unique) của ‘muôn người được trở nên công chính nhờ ân sủng’, thì mới thật sự là khám phá ra được ‘cái lớn lao’ mà Phaolô muốn nhắc nhở. Nếu tâm trí chỉ tập trung vào Maria như người nữ con cháu Eva, độc đáo vì không bị vướng mắc tội nguyên tổ, để rồi nhạt nhòa hình ảnh một Giêsu – Adam mới hoàn lại sự sống, sự công chính cho muôn người cách rất căn cơ và mạnh mẽ, thì đúng là ta đã chọn lấy cái yếu hơn cái mạnh, cái nhỏ mọn hơn cái lớn lao, cái tiểu tiết hơn cái tổng thể. Trong Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, tôi tìm thấy có cả hình ảnh một Maria Maddala sám hối, một tên cướp bị án phạt đóng đinh kêu cầu được Chúa xót thương; có cả hình ảnh của tôi khi quì gối ăn năn sám hối, của hết thảy mọi người trong cuộc sống ngụp lặn nơi dương thế… và nói chung của toàn thể nhân loại tội lỗi. Vô Nhiễm Nguyên Tôi không mang một nội dung loại trừ (exclusive: chỉ Maria thôi chứ không một ai khác), mà phải mang tính bao hàm (inclusive: Maria và mọi tín hữu, trong đó có cả tôi nữa). Vô Nhiễm Nguyên Tội phải nói được cho tôi rằng: ‘Mừng vui lên, hỡi người được đầy ân sủng, Đức Chúa xót thương và cứu độ luôn ở với bạn!’.

Mẹ Vô Nhiễm phải là đại lễ của tôi và của mọi người, vì Maria không phải là người duy nhất trên trần gian đã gắn kết cuộc đời mình cách bền chặt với Giêsu Kitô, mà cả tôi và mọi Kitô hữu cũng đã được gắn kết qua bí tích Thánh Tẩy đã lãnh nhận. Vô Nhiễm không chỉ mang nội dung tiêu cực ‘không vướng mắc tội nguyên tổ’ mà chứa đựng một mục tiêu tích cực hơn nhiều:  ‘gắn kết bền chặt hơn nữa với ơn cứu độ nhân ái’ mà Đức Ki-tô Giê-su đã thực hiện (xem kinh tiền tụng lễ Mẹ Vô Nhiễm)

Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cho con được cùng Mẹ không ngừng cất lời ca tụng Đức Chúa xót thương và cứu độ như Mẹ đã từng cất lên trong bài Magnificat. Nếu trinh trong/vô nhiễm đối với Mẹ trước hết là không ngừng rộng mở cõi lòng đón lấy ân sủng hải hà của Thiên Chúa, thì xin cho con cũng được bắt chước Mẹ không ngừng đón nhận và gắn kết bền chặt với lòng thương xót cứu độ đó trong suốt cuộc sống Kitô hữu, cho dầu rất yếu hèn và tội lỗi của con. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

>> Mục Lục [10]

DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA ĐẾN

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

Có vô vàn ngăn trở khiến con người không thể đến được với nhau.

Trước đây, những ngăn cách vì tường cao, luỹ sâu, vì đồi núi chập chùng hiểm trở… đã từng là những trở ngại lớn cản trở con người qua lại với nhau; hôm nay những ngăn cách như thế không còn đáng kể.

Ngăn cách vì đường xa vạn dặm đã dần dần bị thu ngắn lại; hai người ở cách nhau nửa quả địa cầu có thể gặp nhau sau vài ngày du hành bằng máy bay. Thậm chí ngăn cách giữa các hành tinh xa xôi diệu vợi cũng đã được bắc cầu.

Bên cạnh những ngăn cách về không gian, về đường sá thì ngăn cách về quan điểm, về ý thức hệ đáng quan ngại hơn nhiều.

Đã có thời, ngăn cách bởi ý thức hệ (cộng sản và tư bản), bởi những quan điểm đối nghịch và những chủ trương khác nhau, đã tạo nên những chia cắt rất sâu sắc giữa cộng đồng nhân loại, tạo nên những khoảng cách tưởng chừng không bao giờ có thể vượt qua. Vậy mà hôm nay những ngăn cách như thế xem ra đã được thu hẹp rất nhiều.

Rốt cuộc, chỉ còn ngăn cách vô hình trong lòng người, do lòng hận thù, do ghen tị, do hiểu lầm nhau mới là ngăn cách đáng quan ngại nhất và tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử loài người.

Những ngăn cách loại nầy đã khiến cho hai người láng giềng cách nhau một bức vách không thể đến với nhau được; khiến cho hai người bạn cùng chung sở làm không nhìn mặt nhau; thậm chí hai anh em ruột thịt, hai vợ chồng chung sống dưới một mái nhà, ngồi quanh một mâm cơm, nhưng tâm hồn xa nhau vạn dặm.

Con người đã xây dựng được nhiều nhịp cầu thật dài và kiên cố, bắc qua những dòng sông rộng mênh mông, để nối kết đôi bờ; nhưng ai có thể xây dựng những nhịp cầu thiêng liêng để kết nối những tâm hồn xa cách?

Thánh Gioan Tẩy Giả là người được sai đến để dựng xây những nhịp cầu như thế.

Theo Tin Mừng hôm nay, Ngài được sai đến làm tiền hô, làm kẻ bắc cầu, dọn đường cho Chúa đến: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.” (Lc 3, 4-5)

Phải dọn đường đón tiếp Chúa thế nào đây?

Người con cái Chúa rất sùng mộ Thiên Chúa uy linh ngự trên cõi trời cao thẳm nhưng lại hay thờ ơ, lạnh nhạt, thậm chí bạc đãi chính Thiên Chúa đang hiện diện nơi những người chung quanh; Thế nên việc mở cửa lòng đón tiếp anh chị em chung quanh vốn là hiện thân của Chúa là điều phải ưu tiên thực hiện mỗi ngày.

Chúa Giê-su luôn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng Ngài đang hiện diện trong các anh chị em chung quanh và những gì chúng ta làm cho những người chung quanh là làm cho chính Chúa. (Mt 25, 40)

Vậy thì dọn đường Chúa đến với ta không gì khác hơn là tiếp nhận, yêu thương, phục vụ Chúa đang hiện diện nơi người cha, người mẹ, nơi người láng giềng đang sống quanh ta.

Chính khi các chủ quán Bê-lem hôm xưa khước từ hai người lữ hành lạc lõng đi tìm chỗ trọ (thánh Giu-se và Mẹ Maria) là họ trực tiếp khước từ Thiên Chúa.

Chính khi các chủ quán Bê-lem không cho hai người khách lạ trọ nhà là họ từ khước không cho Hài Nhi Giê-su được sinh ra trong nhà mình. Chính Chúa Giê-su thường cảnh báo chúng ta về điều đó: “Ta là khách lạ mà các ngươi không tiếp rước” (Mt 25, 43)

Vậy thì đón tiếp Chúa là sẵn lòng tiếp nhận mọi người không trừ ai.

Dọn đường đón Chúa là xoá bỏ đi những ngăn cách do chúng ta dựng lên giữa mình với tha nhân mà chúng ta giáp mặt hằng ngày.

Chỉ khi nào giữa chúng ta và mọi người chung quanh không còn phân ly ngăn cách, ấy mới là lúc đường sá đã dọn xong và Chúa mới có thể đến được với mình.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

>> Mục Lục [10]

ĐỔI MỚI

Lm. Paul Nguyễn Nguyên

 

Có thể nói, cuộc đời của mỗi người chúng ta được ví như một con đường. Và trên con đường ấy, mỗi người phải tiến về cùng đích của mình. Cuộc đời chỉ có ý nghĩa nếu ta biết chọn cho mình đường đi đúng đắn. Cho nên, cuộc sống mỗi người cũng là quyết định của một sự chọn lựa tự do. Chúa muốn mỗi người trong chúng ta hãy tự quyết định phần rỗi cho chính mình. Ngài là Người Cha đầy yêu thương và cũng ban đủ mọi phương thế để giúp chúng ta chọn lựa con đường đúng đắn nhất để chúng ta có thể trở về với Ngài. Cũng có những chọn lựa thật đúng đắn, khôn ngoan ; nhưng cũng có những chọn lựa lệch lạc, chủ quan dẫn tới những sai lầm, khiến chúng ta ngày càng xa Thiên Chúa, lắm khi trở thành kẻ đối nghịch với Ngài. Vì thế, mỗi năm vào mùa vọng chúng ta luôn được nghe lại lời kêu mời của Thánh Gioan Tẩy Giả là “hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” để nhắc nhở chúng ta hãy uốn nắn con đường tâm hồn, cách sống cho thích hợp, để sẵn sàng đón chào ngày Chúa đến.

Chúa muốn chúng ta “hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”, bởi Ngài không thích và không muốn chúng ta đi trong sự quanh co, sống trong sự lừa đảo và lệch lạc. Thiên Chúa, Ngài muốn con cái của mình luôn sống và đi trong đường lối của Ngài, con đường dẫn đến sự sống. Gioan Tẩy giả đã dùng lời tiên tri  Isaia mà kêu gọi “hãy lấp mọi hố sâu, bạt mọi núi đồi, nắn lại con đường cong queo, san bằng con đường gồ ghề”. Chúa muốn chúng ta hãy sống trong sự công chính, trong sự thánh thiện và cũng đừng chậm trễ thi hành những giới luật của Chúa, vì “ngày của Chúa đến như kẻ trộm”. Chúa muốn ta sống trong sự trung thực, thẳng thắn.

“Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Chúa đang đến gần và thực sự Ngài đang bên cạnh, ngày đêm chờ đợi sự sám hối, ăn năn của mỗi người chúng ta. Chúa không muốn chúng ta đánh mất cuộc đời mình bằng “sự thiếu hiểu biết”. Chính Ngài đã sẵn sàng đánh đổi tất cả, để chỉ mong chúng ta sống và đi trong đường lối của Ngài, con đường sự thật dẫn đến sự sống. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết nắn lại cho thẳng những gì đang quanh co của gian dối, lừa đảo; lấp đi mọi hố sâu đam mê, ích kỷ, tham vọng; bạt đi mọi gò nổng kiêu ngạo, tự mãn, để tâm hồn chúng ta thật xứng đáng và bình an đón nhận tin mừng cứu rỗi của Chúa.

“Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” Chúa muốn đến với tất cả chúng ta bằng con đường thẳng, ngắn nhất, bởi con đường mà Ngài giới thiệu và sống chính là con đường của tình yêu, của tha thứ và cứu độ. Chính bản thân Ngài đã không chọn lựa con đường nào ngoài con đường của thí mạng, để làm gương cho tất cả chúng ta. Chính khi yêu thương là lúc chúng ta đang đi đúng con đường của Chúa. Chính khi yêu thương và tha thứ cho anh em, là chúng ta đang đến gần hồng ân cứu rỗi và thuộc trọn về Ngài.

Lời mời gọi “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” đang đặt ra cho chúng ta sự lựa chọn : ưu tiên cho những gì thuộc về Chúa, loại trừ ra khỏi tâm hồn chúng ta sự dối trá, quanh co. Uốn nắn những gì lệch lạc, điều đó luôn đòi hỏi mỗi chúng ta phải nỗ lực hằng ngày để cải thiện cuộc sống, đổi mới cách sống để xứng đáng hơn với tình thương của Chúa. Chúa đã và đang đến thật gần với từng người chúng ta, đừng chậm trễ, đừng ươn hèn trong chính những lẫm lỗi của mình, nhưng can đảm và quảng đại để ngày càng xứng đáng hơn với tình yêu của Thiên Chúa.

Dọn đường cho Chúa bằng cách lấp đầy những thung lũng, bạt những núi cao ấy và sửa lại những con đường quanh co hiện đang ở trong tâm hồn từng người chúng ta. Đó là những trở ngại khiến cho Chúa không đến được với ta. Những trở ngại ấy ở từng người không ai giống ai. Nhưng chắc chắn có chung một điểm : để chuẩn bị một con đường cho Chúa ngự đến trong tâm hồn mỗi người chúng ta không gì khác hơn là chúng ta phải luôn ý thức được tình trạng yếu đuối và tội lỗi của mình để sám hối và thay đổi. Thay đổi cuộc sống, thay đổi lối nhìn, thay đổi cách suy nghĩ. Chúng ta thường nhìn người khác bằng những định kiến, những nhãn hiệu do chính chúng ta tạo nên. Những định kiến đó là những lũng sâu tăm tối, nơi thiếu vắng ánh sáng tình yêu làm chúng ta không thể đến với  tha nhân.

Chúng ta thường vô cảm trước những nhu cầu của người khác, nhưng chỉ lo toan tính tìm lợi ích cho bản thân mình. Những toan tính ích kỷ đó, là những khúc quanh co, những mấp mô, lồi lõm của tâm hồn khiến chúng ta không thể mở rộng cõi lòng để cảm nhận và chia sẻ những nhu cầu của người khác.

Chúng ta thường tự mãn về những khả năng và thành quả mình thủ đắc được. Chúng ta luôn xem mình là “trung tâm”, luôn muốn áp đặt quan điểm, suy nghĩ của mình trên người khác nhằm thỏa mãn khát vọng thống trị của bản thân. Những khát vọng đó, là những núi đồi ngạo nghễ của tự cao, tự mãn làm chúng ta không thể khiêm nhường đến với người khác.

Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Đổi nơi sinh sống thì dễ, nhưng thật khó mà thay đổi lối sống. Ước gì qua lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức rằng: con đường sám hối và thay đổi bản thân mỗi ngày chính là con đường xứng đáng để Chúa ngự vào tâm hồn mỗi người chúng ta, để từ đó chúng ta biết từ bỏ những ham muốn ích kỷ của bản thân để có thể nhạy cảm hơn trước những nhu cầu của người khác và khiêm nhường mở rộng tâm hồn chia sẻ với tha nhân. Amen.

Lm. Paul Nguyễn Nguyên

>> Mục Lục [10]

SỬA LẠI CON ĐƯỜNG TÂM HỒN

Lm. John Nguyễn

 Khi thánh Gioan Tẩy giả đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối, cầu ơn tha tội, thì ngài dùng lời trong sách Tiên tri Isaia nói rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa“.

Đoạn Tin mừng này thì rất quen thuộc với chúng ta. Nhưng, khi suy nghĩ đến việc dọn đường Chúa, sửa lại đường Chúa cho ngay thẳng, thì chúng ta có thể tự hỏi: Con đường của Chúa là con đường nào?. Và con đường nào cần sửa lại?.Tại sao Gioan Tẩy Giả đi rao giảng trong hoang địa lại kêu dân chúng dọn đường?. Từ những vấn đề được đặt ra, tôi thiết nghĩ chúng ta sẽ có một cái nhìn thấu đáo hơn về ý nghĩa của Lời Chúa hôm nay. Đó là: Thiên Chúa không cần chúng ta sửa đường cho Ngài, vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng, nhưng chính chúng ta mới cần sửa lại những con đường quanh co,  gồ ghề và hố sâu nơi trong tâm hồn của mỗi người chúng ta.

Trở về bối cảnh của Tin mừng, chúng ta nhận thấy rằng, dân Do thái phải sống nô lệ, lầm than khốn khổ bởi các vua chúa quan quyền. Thánh Luca đã thuật lại như sau: “Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế“. Điều này nói lên rằng, lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả lúc bấy giờ là rất quan trọng và cấp bách. Nó không chỉ cho những dân Do thái đang sống trong cảnh nô lệ, lầm than, đói khổ mà là cho các vua chúa quan quyền hãy sửa lại lối sống của họ. Sự thống trị kiêu căng, độc tài, gian ác của họ trên dân chúng. Hình ảnh con đường là lối minh họa dẫn chúng ta đi vào con đường của nội tâm, con đường của tâm hồn đang mắc phải bởi hố sâu của tội lỗi, bởi những dục vọng ham muốn của con người. Những đam mê dục vọng đang lôi kéo chúng ta vào thế giới của hưởng thụ, trụy lạc và ích kỷ. Hơn nữa, khi đồi núi của thói kiêu ngạo, tự mãn đang lấp đầy nơi tâm hồn, thì làm sao Thiên Chúa có thể ngự trị. Khi lòng người quanh co, giả dối, gian xảo, thì làm sao Con Thiên Chúa có thể đến viếng thăm.

Nếu chúng ta so sánh hoàn cảnh của thánh Gioan Tẩy Giả với cuộc sống  chúng ta ngày nay, thì có sự khác biệt rất lớn. Gioan thì sống trong hoang địa đơn sơ, nghèo nàn, đói khát, lam lũ. Con đường thì đồi núi, gồ ghề, sỏi đá. Trái lại, ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới có đầy đủ phương tiện vật chất. Con đường thì bằng phẳng, rộng thênh thang, nhưng lòng người thì hẹp lại. Con đường đến nhà thờ thì không xa, nhưng lòng người thì ngại ngùng và không muốn đến. Thánh lễ ngày càng vắng bóng người trẻ. Khi tôi hỏi các bạn trẻ: “Thánh lễ có ý nghĩa đối với bạn”, thì họ cho biết rằng, họ đi lễ là vì bị bắt buộc hơn là yêu mến. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận sự thật trong bối cảnh sống của chúng ta ngày nay. Cho nên, Lời Chúa hôm nay không phải là dọn đường cho Chúa đến ở đâu xa xôi, mà là ngay chính nơi cõi lòng mỗi người chúng ta đang còn có những khúc quanh của bóng tối và tội lỗi bởi dục vọng, gian ác, tham lam, tính toán, lọc lừa, giả dối, ích kỷ. Giá trị đời sống thiêng liêng đang bị đảo lộn. Sự thánh thiện đang bị tha hóa bởi đồng tiền, thú vui, danh vọng và quyền lực. Từ đó, đời sống tâm linh của chúng ta đang bị xuống dốc, bấp bênh, chơi vơi giữa dòng đời và mất đi định hướng sống.

Đổi mới một con đường thì dễ, uốn thẳng khúc quanh co thì không khó, nhưng đổi mới tâm hôn, bỏ đi một tật xấu, dọn lại con đường thiêng liêng thì không dễ chút nào. Con đường ngắn nhất để cho chúng ta làm lại cuộc đời, sửa lại những vết thương của tâm hồn, chính là tin vào tình yêu thương khoan dung của Thiên Chúa, và chúng ta quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy. Chính thái độ khiêm tốn và vâng phục giúp cho chúng ta nhận ra yếu đuối và tội lỗi của mình.

Mùa vọng là thời gian cho ta sửa lại con đường của tâm hồn đang còn thiếu vắng Thiên Chúa, thiếu vắng lòng khoan dung, yêu thương và tha thứ cho nhau. Những hố sâu của hận thù, ghen ghét đang dằn xé cõi lòng.

Hãy học nơi Chúa Giê-su, Ngài yêu thương chúng ta để đến trong thế gian sống kiếp con người và chết và giải thoát tội lỗi cho chúng ta.

Hãy học nơi thánh Gioan Tẩy Giả, ngài đã cái chết để chống lại sự giả trá, lọc lừa và gian ác.

Hãy học nơi Mẹ Maria, Mẹ đã chấp nhận sống vâng theo thánh ý Chúa để nói lên hai tiếng: “Xin Vâng”. Nhờ đó, mọi người đã thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

Lm. John Nguyễn, Utica, New York

>> Mục Lục [10]

LÀM CHỨNG CHO ƠN CỨU ĐỘ

PM. Cao Huy Hoàng

 “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Chúa”.

“Và mọi người sẽ thấy Ơn Cứu Độ”. Có lẽ nào ông Gioan nói sai? Bởi, Chúa Giáng Sinh đã hơn hai ngàn năm rồi, mà vẫn còn nhiều người chưa “thấy ơn cứu độ của Chúa”. Cụ thể, ở Việt Nam, sắp đến 400 năm Tin Mừng đến Nước Mặn (Đàng Trong), đã qua hơn 350 năm thành lập 2 giáo phận tông tòa, hơn 50 năm thành lập hàng giáo phẩm, hơn 130.000 vị tử đạo…. mà chỉ có hơn chục triệu người được rửa tội, trong số 80 triệu dân Việt Nam. Và đó là con số được rửa tội. Còn con số được  “thấy ơn cứu độ của Chúa” thì không ai có thể làm một bản thống kê!

Ông Gioan nói sai rồi sao?  Ông nói là “Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Chúa” mà!

Thánh Luca không dùng điều kiện cách : “nếu… thì”, nhưng dùng cách câu đề nghị, khuyên bảo: “hãy… sẽ…”, cho thấy mức độ tôn trọng đối với người làm chứng và cả người đón nhận ơn cứu độ. Như vậy, Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của con người, để tự do ấy thực sự có giá trị khi con người biết dùng tự do mà chọn lựa cho mình phần tốt nhất. Phần tốt nhất phải ngộ cho ra, đó là Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa chúng ta. 

Nhiều người chưa thấy ơn cứu độ, cách riêng ở Việt Nam, trước tiên là do bị satan đầu độc tâm trí con người không cần đến ơn cứu độ, hoặc sử dụng tự do lệch lạc theo cách “tự do tin, tự do không tin”. Tự do theo cách của người vô thần. Suy nghĩ ấy đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết đời đời, chấp nhận một cuộc sống không có niềm hy vọng! Cũng đồng nghĩa với việc chỉ sống cho đời nầy, vì chỉ có đời nầy, nên có thể làm bất cứ điều gì miễn là có được một cuộc sống đời nầy trọn vẹn! Không cần đến ơn cứu độ cũng được hiểu là xác nhận không có một hữu thể nào siêu phàm thượng trí bằng con khỉ đột, ông tổ của loài người! Những con người nầy đang sống trong thế giới ảo, hạnh phúc ảo, sự sống ảo. Và khi hạnh phúc thật, sự sống thật, chắc chắn sẽ xuất hiện cách cá vị qua cái chết, họ vẫn ngoan cố không nhìn ra sự thật, liều mình chết đời đời!

Thật đáng tiếc, các tín hữu Việt Nam vẫn thường gặp, thường nghe những lời thách thức để từ chối Thiên Chúa: “Chúa đến đem hòa bình, sao vẫn còn chiến tranh?! Chúa đến xóa bất công, sao bất công vẫn còn nhan nhãn! Chúa đến đem sự thật, sao giả dối vẫn lan tràn!? Chúa đến đem tình yêu, sao vẫn còn tỵ hiềm, ghét ghen thù hận!?” Ngay cả miền đất Chúa sinh ra kìa, có khi nào được yên ổn đâu?

Thứ đến, còn nhiều người chưa thấy ơn cứu độ là do không có người làm chứng, hoặc chứng tá “đời sống trong ơn cứu độ” chưa thực sự thuyết phục. Chứng từ hùng hồn của các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã trổ sinh muôn ngàn bông hạt đức tin trên quê hương Việt nam. Rõ ràng là cho đến nay, chúng ta vẫn đang là người thừa hưởng gia sản của các Thánh Tử Đạo Việt nam để lại. Các thánh tử đạo, có thể nói, là những người đã “nhìn thấy ơn cứu độ” ngay khi còn sống trên trần gian nầy, nên các Ngài đã dám “lấy chính giọt máu của mình mà gieo trồng Hội Thánh Chúa”. Còn chúng ta, có dám hy sinh không? Con số những người mới theo đạo, mới được rửa tội  tại Việt Nam những năm sau 1975 chưa hẳn đã nói lên điều gì, mà nếu có nói được điều gì, thì điều ấy vẫn chưa gọi được là xứng đáng với các bậc tiền nhân anh dũng. Một cơ hội để chúng ta tự vấn về việc chúng ta đang để lại cái gì cho thế hệ hậu duệ?

Sự băng hoại trầm trọng của xã hội không Thiên Chúa có ảnh hưởng đến con cái Chúa không? Những lời thách thức từ chối Thiên Chúa càng có lý do để tiếp tục nhũng nhiễu các tín hữu hơn khi họ không nhìn thấy chứng tá đời sống ơn cứu độ nơi mọi thành phần dân Chúa. Bất kể thành phần nào, khi vướng vào một chút bất chính, cũng đủ trở thành nguy cơ che khuất ánh sáng, hồng ân của ơn cứu độ. Đã thế, lại còn, cảnh “nồi da xáo thịt” trong các thành phần giáo hội chỉ làm cho “ngư ông đắc lợi” mà thôi, chẳng sinh ích gì cho công cuộc “mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu độ”. Có khi “ngư ông” lại viết sẳn kịch bản cho chúng ta “nồi da xáo thịt” để ông được đắc lợi vui mừng, vỗ tay hoan hỉ mà chúng ta không hay biết!

Chúa nhật thứ hai mùa vọng trong Năm Đức Tin thật sự là một cơ hội vàng cho Dân Chúa Việt Nam. Lời ông Gioan Tiền-Hô vẫn còn đó! Để được nhìn thấy ơn cứu độ, và để mọi người nhìn thấy ơn cứu độ, phải sám hối, phải đổi mới canh tân: Lấp mọi hố sâu ích kỷ, tham lam, dục vọng; bạt mọi núi đồi chủ quan, kiêu ngạo, trịch thượng, quyền hành; sống công chính, ngay thẳng giữa những bất chính, gian dối, lọc lừa…. Canh tân không chỉ tuyên tín trong sâu thẳm tâm hồn mà còn phải biểu lộ điều chúng ta tuyên tín bằng đời sống công chính của người công giáo có thuyết phục.

Hẳn chúng ta còn nhớ nghi thức Sám Hối đầy ấn tượng trong phần Sám Hối Năm Thánh 2009 tại Sở Kiện, và lời của Đức Cha Nguyễn Chí Linh vẫn còn vang vọng: “Chiều hôm nay, khơi lại ngọn lửa đức tin như hồng ân quý giá nhất mà Chúa đã ban, đốt lên nén hương lòng tưởng nhớ tiền nhân đã để lại gương sống tuyệt vời, chúng ta tri ân cảm tạ và nguyện hết lòng trung kiên làm chứng cho Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam.  Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận, rằng với tư cách là Kitô hữu đang mang trong mình dòng máu Adam-Evà, chúng ta đã phạm tội, đã vấp phải nhiều lỗi lầm thiếu sót. Chúa Kitô là “Ánh sáng đã đến thế gian” nhưng chúng ta “đã ưa chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (Ga 3, 18). 

Hãy xin lỗi Chúa. Hãy xin lỗi nhau. Và hãy xin lỗi mọi người lương dân vì chúng ta chưa thực sự làm chứng cho ơn cứu độ. Việc xin lỗi ấy đồng nghĩa với quyết tâm theo lời mời gọi của Ông Gioan trong Tin Mừng hôm nay, và cụ thể là –Khâu lại tấm áo hiệp nhất – Làm đẹp dung nhan Thánh Thiện của Chúa Kitô – Nhiệt tình truyền giáo – Tin tưởng truyền thống Giáo Hội; sống yêu thương nhau, và hòa mình với những nỗi đau của những người đau khổ bất hạnh, bạn hữu chí thiết của Chúa Kitô.

Lạy Chúa, trong Mùa Vọng nầy, trong Năm Đức Tin nầy, nguyện xin Ánh Sáng Lời Chúa, Ánh Sáng Tình Yêu của Chúa chiếu dọi chúng con sống công chính, để đời sống chúng con trở nên lời tuyên tín và lời chứng về Ơn Cứu Độ của Chúa cho mọi người. A men.

 PM. Cao Huy Hoàng

>> Mục Lục [10]

TIẾNG KÊU TRONG HOANG ĐỊA

AM Trần Bình An

Vua Hêrôđê không thể làm điều gì có thể khiến ông được thần dân Giuđê yêu mến, ngay cả việc chi tiền không tiếc cho công trình xây Đền Thờ. Người ta không bao giờ quên ông là người gốc Êđôm. Nếu ông là một người Giuđa về mặt tôn giáo, đã xây lại Đên thờ Giêrusalem, thì điều đó cũng không ngăn ông xây dựng các đền thờ cho các thần ngoại giáo khắp nơi. Trên hết, việc ông tiêu diệt dòng dõi Hasmonaean là điều không thể tha thứ được.

Trên thực tế, hành động thẳng tay này đã không chấm dứt được những bất ổn trong hoàng gia. Có sự xích mích giữa họ hàng bên ngoại với những người vợ của ông, và giữa những người con  của các bà vợ. Hai người con của ông và Mariamne, là Alexander và Aristobulus, được dưỡng dục tại La Mã, và được chọn làm thừa kế. Chúng vốn thuộc dòng dõi Hasmonaean (họ mẹ) nên được dân Giuđa chấp nhận. Nhưng sự ưu ái đó làm những anh em khác mẹ ghen tỵ, đặc biệt là Antipater, con cả của Hêrôđê, đã quyết tâm gieo cho cha mình ý tưởng chống lại họ. Cuối cùng, năm 7 TCN, họ bị khép vào tội âm mưu chống lại cha và bị xử tử. Antipater cũng chẳng lợi lộc gì từ cái chết của hai em. Ba năm sau ông cũng là nạn nhân của sự nghi ngờ của vua cha, và đã bị xử từ, chỉ vài ngày trước khi Hêrôđê băng hà, năm 4 TCN.

Bản chát đa nghi của Hêrôđê được minh chứng bằng chuyến viếng thăm của Ba Vua, và các hài nhi Bêlem bị bách hại. Bất cứ tin đồn nào về sự dấy lên của một cị vua dân Giuđa cũng làm ông sợ hãi tột cùng. Sự nghi ngờ này đã lên đến mức điên cuồng. Hậu quả là Hêrôđê được nhớ đến qua cơn cuồng sát hài nhi, hơn là vì khả năng cai trị. (Flavius Josephus, Ant, A.H.M. Jones, The Herods of Judea)

Trước bối cảnh lịch sử máu me ghê tởm, tràn đầy những âm mưu, thù hận, nghi kỵ, hãm hại, giết chóc, từ nội tình lãnh đạo đế quốc La Mã đến hoàng gia chư hầu Giuđa, Israel, thì ngôn sứ Gioan Tiền Hô xuất hiện như một niềm hy vọng giải phóng dân Israel khỏi lầm than.

Trong khi quyền lực thế gian tập trung trong tay các hoàng tộc kiêu căng, độc đoán, gian manh, ác độc thì lịch trình Cứu Độ của Thiên Chúa lại khởi sự từ sự khiêm nhường, nhân ái, tràn đầy tình yêu.

Chúa nói trong nơi thinh lặng

Chính trong hoang địa, chứ không phải tại đền đài cao sang, ồn ào, nguy nga, tráng lệ, Thiên Chúa phán dạy, trao sứ vụ cho ông Gioan, vốn là con của hai người công chính, thầy tư tế Dacaria và bà Êlisabet. Chúa gần gũi thân mật với người thành tâm nơi cô tịch. Ngài không khoe khoang, không quảng cáo, không tiếp thị nơi phồn hoa, đô hội. Chúa luôn ẩn dấu trong mọi sự, dưới nhiều sự kiện, trong mọi biến cố, mà chỉ thổ lộ tâm tình trong cô liêu, tĩnh lặng.

Ông Gioan theo gương Chúa, cũng đi rao giảng trong hoang địa, cũng chẳng chọn nơi phố xá đông đúc, thị tứ xô bồ, náo nhiệt, ô nhiễm, ồn ào. Thế nhưng, bấy giờ người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giô đan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giô đan. (Mt 3, 5)

Do vậy, sẽ thất vọng khi tìm nghe tiếng Chúa nói với mình trên làn sóng radio, TV, trên báo chí, truyền thông, hoặc trên internet. Tất cả những phương tiện đó, nếu có, chỉ là tiếng vang vọng của Chúa. Bởi vì Chúa chỉ nói muốn chuyện tay đôi trong thinh lặng, tĩnh mịch, khi chúng ta giũ bỏ được mọi lo toan, đam mê, hay dục vọng thấp hèn.

Chúa nói cho tâm hồn khiêm nhu

Phần đầu bài Tin Mừng hôm nay có hai ý nghĩa. Trước hết ý nghĩa lịch sử về thời điểm Chúa Giêsu đến thế gian. Ý nghĩa thứ hai, chương trình cứu chuộc của Chúa hoàn toàn trái ngược với khuynh hướng thế gian. Không cần uy lực, không cần vinh quang phù du, không cần bá quyền, lẫn vương quyền. Ngài chỉ dùng đến con người tầm thường, nhỏ bé, khiêm hạ, nhân ái, để loan truyền Ơn Cứu Độ.

Vì thế, Chúa phán truyền sứ vụ cho ông Gioan Tiền Hô, khiêm tốn, ẩn dật trong hoang địa, ăn mặc xuềnh xoàng thô thiển, không khoác áo da thú đắt điền, như quý bà giàu sang bây giờ, không ăn ngon thỏa thuê, thừa mứa như các đại gia, thừa bạc lắm tiền, mà chỉ chay tịnh chấu chấu và mật ong rừng.

Chúa kêu gọi cải tà quy chánh

Khi nêu ra các hoàng gia đương thời, qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Lời Chúa muốn nhắc nhở chúng ta, đừng bắt chước, học đòi những thủ đoạn dã tâm của họ, để củng cố địa vị, để hưởng giàu sang phú quý, mà chà đạp, hay hãm hại người khác.

Trái lại, phải dọn đường cho thẳng, công tâm, chánh trực, phải lấp đầy thung lũng ham muốn, tham lam chức tước, của cải, tiện nghi, phải bạt cho thấp núi đồi kiêu căng, cao ngạo, tự phụ, tự cao, tự đại, phải uốn cho ngay khúc quanh co gian tà, lưu manh, dối trá, phải san cho phẳng đường lồi lõm, đam mê, hưởng lạc thú vui xác thịt…, mới có thể nhận ra Chúa đang đến, mà hưởng được Ơn Cứu Độ.

“Canh tân không phải chỉ đổi nước mã bên ngoài, đổi một số nghi thức cho ngoạn mục…Thánh Phaolô nói rõ: Hãy cởi con người cũ, mặc lấy người mới, là Chúa Giêsu.” (Đường Hy Vọng, 635)

Lạy Chúa Giêsu, hãy cho con thoát ra khỏi tiếng ồn ào, huyên náo danh lợi, cám dỗ xác thịt, để nghe được tiếng Thánh Gioan Tiền Hô kêu gọi canh tân đổi mới.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết ăn năn, sám hối, cũng như khiêm nhường, vâng phục và phó thác noi gương Mẹ, để có thể đón mừng Chúa đến. Amen.

 

AM Trần Bình An

>> Mục Lục [10]

THỜI ĐIỂM CHỮA BỆNH MÁU MỠ

Mấy nhà khảo sát về súc vật đều cho rằng loài nào ăn rau cỏ như con bò, con chiên, thì tính tình hiền lành, còn loài nào ăn thịt như con cọp, con sư tử, thì dữ tợn hung hăng. Con người thì vừa ăn rau vừa ăn thịt nên vừa hiền vừa dữ, tùy lúc tùy cơn. Người Á Đông ăn tôm cá và rau cỏ nhiều nên có thể vì thế mà tính tình điềm đạm hơn chăng? Bây giờ sang đất Âu Mỹ đầy ứ thịt, người mình cũng có thể thay đổi tính tình. Điều này còn cần được chứng minh, nhưng biết chắc rằng ăn thịt nhiều thì xác thịt nặng nề gồ ghề ra nhiều phía, dễ bị ứ mỡ, nghẹt tim, tắc mạch máu, khiến xe cứu cấp phải làm việc cần mẫn hơn: còi hụ hối hả, chết vội vàng…

Chất mỡ đọng bên vách mạch máu dễ làm tắc nghẽn lắm. Nấu phở mà cứ đổ bừa nước mỡ xuống bồn rửa thì chất mỡ sẽ đọng lại làm nghẹt cả ống nước, phương chi là chất mỡ cứ mỗi ngày mỗi thặng dư trong cơ thể vì đồ ăn nhiều chất béo.

RƯỢU TỎI VÀ RƯỢU NHO ĐỎ

Vận động cũng là một cách làm tan mỡ. Chính vì thế mà những người lớn tuổi bên này thường phải đi bộ mỗi ngày cho giãn xương cốt và làm mạch máu lưu thông đều hòa. Người Á Đông thì thích uống trà. Vì trong trà có chất làm tan mỡ. Người Tàu ăn mỡ nhiều mà ít bị chấn tim vì uống trà nhiều. Người Âu Mỹ cũng đang có phong trào uống trà với lời tiên báo lạc quan là một ngày kia trà sẽ thay thế coca vào thế kỷ 21.

Ở Âu Châu thì người Ý, người Pháp, nổi tiếng ăn nhiều. Vậy mà họ cũng ít bị chứng nghẹt máu. Khảo sát kỹ thì biết được rằng mấy dân này uống rượu nho đỏ thường xuyên khi dùng bữa. Chỉ có rượu nho đỏ mới có tác dụng làm tiêu mỡ, chứ không phải rượu nho trắng. Vì vỏ trái nho đỏ có chất này.

Mấy năm rồi một số người Việt bắt đầu uống rượu tỏi. Đây là một phương pháp được cơ quan WHO lo về sức khỏe của Liên Hiệp Quốc phổ biến trên báo y tế từ những năm 1982, 1983, 1984. Cơ quan này đã khám ra bên Ai Cập, nơi mà khí hậu sa mạc khắc nghiệt, đồ ăn thì thiếu chất, vậy mà người dân lại khỏe mạnh hơn các dân Ả Rập khác. Lý do là gia đình Ai Cập nào cũng có trong nhà một lọ rượu tỏi. Vì trong tỏi có chất phitoncid là loại kháng sinh thực vật có tác dụng diệt một số vi khuẩn, và hoạt tinh màu vàng giúp làm tan chất mỡ dưới dạng cholesterol bám vào vách mạch máu.

Cách làm rượu tỏi cũng đơn giản lắm. Lấy khoảng 50 gram tỏi khô bóc vỏ thái nhỏ bỏ vào một cái lọ, rồi đổ 100 ml rượu trắng vào. Bên Mỹ có loại rượu Vodka cũng được lắm. Ngâm 10 ngày thì bắt đầu uống được. Mỗi lần uống khoảng 40 giọt, bằng một muỗm cà phê. Mỗi ngày hai lần: sáng sớm trước khi ăn, và ban tối trước khi đi ngủ. Người phải kiêng rượu hay không uống được rượu cũng có thể uống được rượu tỏi vì với 40 giọt thì lượng rượu rất ít không đáng kể. Cơ quan WHO còn cho biết thêm rằng rượu tỏi cũng rất hiệu nghiệm đối với các chứng bệnh sưng khớp xương, huyết áp cao, phế quản, tiểu đường, tiêu hóa.

BÚP NGHI HOẶC: CÓ CHĂNG ĐỜI LÁ CHẾT?

Nhà thơ Du Tử Lê đã diễn tả cái cảnh tắc nghẽn ở một khía cạnh khác thê thảm hơn và ngột ngạt hơn nhiều. Lời thì bi quan nhưng quả là một bức vẽ sống động diễn tả dấu chỉ thời đại của nhiều tâm hồn lúc này, dù đang đứng ở vị thế nào trong xã hội, lương tháng bao nhiêu, thì vẫn thấy mình đang hụt hẫng trong một nhịp quay lớn hơn.

Mây kiệt sức kéo chiều lên đỉnh núi
Mặt trời rơi, hẫng, nhớ nhung / đen /
Cát xúc động xô sông về / mắt / cuối /
Sóng lênh đênh / oải / muộn / lãng quên, quen.

Dẫu điểm đứng chỗ nào trong vũ trụ
Em cách gì một lúc: – ở hai nơi
Chỉ tôi biết: -tôi vô cùng loãng, nhẹ
Sống phân thây từng miếng / vụn / hôi / mùi

Búp nghi hoặc: -có chăng đời lá: chết!
Hoa nào tin quả đắng đến không ngờ…

TIN VUI GỬI NGƯỜI BỊ TẮC MẠCH

Chất mỡ cholesterol làm tắc nghẽn mạch máu khiến nhiều người điêu đứng, mất đi cuộc sống thoải mái an vui. Cũng chính vì thấy vậy nơi nhiều tâm hồn mà Nhà Dọn Đường là Gioan đã gióng lên lời của tiên tri Isaia trong nơi thanh vắng:

” Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu, và bạt mọi núi đồi; con đường cong quẹo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Luca 3: 6)

Theo truyền thống đạo Chúa, bốn tuần sửa soạn mừng Chúa Giáng Sinh gọi là Mùa Vọng, là những ngày vọng chờ. Chất mỡ cholesterol làm tắc nghẽn mạch máu nên sức khỏe trở nên tiều tụy. Vậy phải tìm cách làm tan chất mỡ này, tức là “hãy làm cho thẳng những con đường cong quẹo, san cho bằng những con đường gồ ghề” thì tự nhiên sẽ khỏe mạnh lại, “sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”

Nước đục để yên sẽ lắng trong. Chất bùn đục, chất cholesterol tội lỗi tham sân si đang làm vẩn đục tâm hồn, vít mọi mạch lưu thông khiến mình bị ứ đọng tù túng và cằn cỗi, không còn chất sinh khí nữa.

Biết làm sao để làm tan chất mỡ vít mạch này? Cơ thể còn cần vận động, cần chất trà, chất rượu đỏ hay rượu tỏi, phương chi là tinh thần, chả lẽ cứ để bị chấn tim hoài?

Trong Đạo Chúa có một linh dược làm tan biến chất cholesterol tinh thần là bí tích hòa giải. Vọng chờ đúng nhất là tìm khai thông mạch máu bị tắc nghẽn qua bí tích này, tìm lại “ơn cứu độ”, tìm lại được niềm an vui đã bị vít chắn. Đừng để bị “heart attack” rồi mới tìm cách chạy chữa, e quá muộn.

PHÚT TỊNH TÂM

Xin cho con biết dành những giây phút tĩnh lặng hôm nay và mỗi ngày để mọi nước đục tâm hồn con được lắng trong, tìm lại được an bình. Chính trong những phút hồi tâm và cầu nguyện mà con tìm lại được sức khỏe tinh thần, khai thông được những mạch bị vít, làm cho những nẻo quanh co được thẳng lại.

Đó là sự KHÁC BIỆT trong cuộc sống của con lúc này:

Từ thật sớm tôi đã lo thức dậy,
Để hối hả cho xong việc một ngày;
Vì quá nhiều công chuyện phải tra tay
Nên tôi chẳng có giờ mà cầu nguyện.

Nhưng vấn đề mãi chồng chất thêm lo
Nhiều bổn phận càng ngày càng đè nặng.
Tôi phàn nàn sao Chúa chẳng giúp cho?
Ngài trả lời: “Tại con không cầu khẩn.”

Tôi muốn thấy niềm vui và vẻ đẹp
Nhưng ngày sống thật mệt mỏi xám đen
Tôi than van sao Chúa không cho gặp?
Ngài nói rõ: “Tại con chẳng kiếm tìm.”

Tôi ra sức mở vào hưởng Thánh Nhan
Mọi chìa khóa tôi đều mang thử hết.
Chúa ân cần rất âu yếm bảo ban:
“Này con hỡi, sao con không gõ cửa?”

Buổi sáng nay tôi cũng lo dậy sớm,
Để tĩnh lặng trước khi bước vào ngày;
Với quá nhiều công việc phải xong ngay
Nên tôi cần để giờ mà cầu nguyện.

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

>> Mục Lục [10]

Chia sẻ Bài này:
[11] [12] [13]