Các bài suy niệm Chúa Nhật I Mùa Vọng C

22. Chú giải của Fiches Dominicales.

SỐNG TRONG MỘT THẾ GIỚI MAU QUA
HÃY TIN RẰNG MỘT THẾ GIỚI MỚI ĐANG ĐẾN
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Qua lời lẽ kinh hoàng của lối văn Khải Huyền…

Bài Phúc Âm hôm nay giống như trích đoạn song hành trong Phúc Am Máccô mà ta đọc vào Chúa nhật 33 thường niên năm B. Trước vẻ đẹp hùng vĩ và tráng lệ của Đền Thờ Giêrusalem, các môn đệ không ngớt lời trầm trồ khen ngợi và muốn Thầy mình cùng chia sẻ lòng thán phục, thì Đức Giêsu lại nhân cơ hội này nói lên một bài dài về con đường dẫn đến cuộc giải thoát.

Lời lẽ của bài diễn từ có thể gây kinh hoàng cho con người thời nay, nhưng lại rất quen thuộc với những người sống cùng thời với Đức Giêsu. Đó là lối văn bàng bạc trong từng trang Kinh Thánh mà người ta thường sử dụng để củng cố lòng tin của các tín hữu trong những giờ phút gian truân khốn khó: lối văn “Khải Huyền” muốn “vén bức màn” (đó là nghĩa của từ “apocalypse” = mạc khải) để hé mở cho ta thấy rằng mặc dầu sự thể bên ngoài có trắc trở thế nào, thì Thiên Chúa vẫn đang âm thầm hoạt động ngay trong hoàn cảnh đó. Việc mô tả quá quen trong lối văn chương này – “mặt trời ra tối tăm”, “mặt trăng không còn chiếu sáng”, “các vì sao từ trời rơi xuống”, “các quyền lực trên trời bị lay chuyển”… chỉ là một cách loan báo cuộc chiến thắng cuối cùng của Chúa vào ngày tận cùng của lịch sử.

Thể văn của bài diễn từ và ngay cả từ “Khải Huyền” đều là điều kỳ bí đối với độc giả thời nay – Hugues Cousin nhìn nhận: từ “Khải Huyền” do từ Hy Lạp apocalypsis có nghĩa là “vén màn” cho thấy điều bí mật ẩn khuất bên trong. Tại sao “vén màn” những biến cố liên quan tới Cánh Chung, những biến cố đi theo liền sự sụp đổ của thế giới cũ – thế giới của chúng ta để hướng tới thế giới mới?

Câu trả lời có cơ sở, đó là một niềm xác tín sâu xa trong Kinh Thánh rằng lịch sử các dân tộc không phải vô nghĩa, bới lẽ Thiên Chúa dẫn dắt lịch sử ấy tới một cùng đích được sửa soạn chu đáo. “Người sẽ cư ngụ cùng mới họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,3-4). Đó chính là cuộc giải phóng chung cuộc vĩnh viễn của lịch sử nhân loại”

2. … là Tin Vui loan báo việc Chúa quang lâm.

Chính trong bối cảnh một vũ trụ đổi mới, không còn một chướng ngại nào mà Đức Giêsu trong Luca cũng như trong Máccô, loan báo Tin Vui xuất hiện Vương quốc hòa bình và công chính của Người vào lúc thời gian kết thúc. Ở đây Người coi mình như nhân vật kỳ bí của sách Đanien (bài đọc 1, Chúa nhật trước) là “Con Người” ngự giá mây trời mà đến cho đất trời cùng mở hội giao duyên.

Nhưng trong ngày ấy, kẻ sinh ra từ thế giới mới sẽ là người tuyệt vời, chính người ấy đang hình thành, “đang tiên đến gần”. Thế nên người có lòng tin phải “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Lệnh Chúa mà thánh sử truyền lại không phải chỉ được gởi đến cho những Kitô hữu vô danh nào đó còn đang sống vào lúc Đức Giêsu trở lại; thánh sử cũng gởi đến cho các Kitô hữu thời ngài, đang là đối tượng của những cuộc đàn áp khủng khiếp đầu tiên, sau khi đã ngao ngán chứng kiến cảnh đổ nát của Đền thờ Giêrusalem; sau cùng, thông qua những tín hữu kia, “ngài gởi đến cho mọi kẻ có lòng tin mà sau này sẽ nghe hoặc sẽ đọc Tin Mừng thứ ba. Những giáo hữu của giáo đoàn thánh Luca – rồi (chúng ta hôm nay – đều phải sống với niềm tin chắc chắn rằng (công cuộc giải phóng họ thực sự dang tiến hành, đang gần kề” (H. Cousin, sđd, trg 282).

3. Đòi hỏi người tín hữu phải luôn tỉnh thức.

Được phấn khởi vì Tin vui về một Thế giới mới sẽ tỏ hiện vào lúc tận cùng thời gian và ngay từ lúc này không những hình thành trong giòng lịch sử của đời ta, người môn đệ Đức Kitô sẽ không được phép ngủ mê hay sống tiêu cực mà phải “tỉnh thức”, phải “cầu nguyện luôn” để có thể “đứng thẳng” (tâm tình kinh nguyện phụng vụ ngày Chúa nhật phục sinh) vào ngày Chúa trở lại trong vinh quang đem lại sự giải thoát dứt khoát và toàn vẹn.

H. Cousin kết luận: “Người ta sẽ có thể hiểu rằng chương 21 của Tin Mừng Luca không nhắm mô tả cho độc giả thấy trước diễn tiến của lịch sử cho bằng muốn thổi cho họ một luồng sinh khí đề họ sống hiên ngang giữa những cơn thử thách, nhắc nhở họ rằng giây phút hiện tại thực sự mang một giá trị tích cực: chính lúc này đây Chúa đang vẫy tay mời gọi ta đấy. Một bài diễn từ với ý nghĩa như thế vượt quá cả ý hướng của khải huyền vốn phủ nhận lịch sử, đem đến một niềm hy vọng mang tính cánh chung đòi hỏi người tín hữu phải sống tích cực với giây phút hiện tại “ở đây và lúc này”. Bởi lẽ, chính ngay bây giờ, chính trong thực tại khiêm tốn của đời thường là mầu nhiệm gặp gỡ với Đấng sẽ đến, được thực hiện. Một niềm hy vọng như thế không làm suy giảm tầm quan trọng của những trách vụ trần thế, nhưng đúng hơn còn giúp kiện toàn nhờ vào những dộng cơ mới” (Vatican II, sđd. trg 278)

>> Mục lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts