Bác Ái Quý Trọng Hơn Cả

Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.

Bác ái không khi nào qua đi. Ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả. (1 Cr 12, 31 – 13, 13).

Ai trong chúng ta đọc xong những điều trên cũng phải thè lưỡi mà người viết bài này tự đặt câu hỏi là thánh nhân khuyên người nhưng không biết ngài đã thực thi được hết những điều lệ trên hay còn yếu kém trong vài lãnh vực mà vẫn chưa thực thi được, cho đến ngay cả giờ phút chót của cuộc đời?. Chứ tôi thiết nghĩ đã là con người thì người không có học hay người thông thái học cao hiểu rộng, ai cũng biết những điều trên nhưng sự thật mấy ai trên đời đã làm được mà không làm lỗi. Bởi đó mới là cuộc đời và bởi đó ai muốn có được Nước Trời thì phải cố gắng hằng ngày tu tâm và tu đức.

Đã làm thân con người thì ai cũng dễ bị động tâm dù là một lời nói rất nhẹ nhàng không cố ý nhưng gặp người hay bắt bẻ thì xin thưa tất cả lời nói dù có uốn lưỡi cả 10 lần cũng không thể tránh được sự xích mích hay gây tổn thương cho nhau. Mà để tránh chiến tranh khỏi bùng nổ thì lời khuyên của thánh Phaolo ta phải cố gắng tu cho được, thưa có phải?. Đã làm thân con người thì tất cả những điều trên xem ra chẳng khác nào là một mớ lý thuyết và chỉ đáng được người xếp cao trên giá sách và để đóng bụi, chứ không thực tế chút nào!?.

Thử hỏi trên đời có mấy ai được kiên tâm? Vì nếu có được kiên tâm và bền chí thì mọi hậu quả của từng việc đã có khác lắm rồi, nhất là chiến tranh sẽ chậm xẩy ra. Có lòng nhân hậu từ tâm ư? Nếu có thì ít có thấy người nghèo sống đầy mặt đất. Không đố kỵ nhau ư? Nếu không đố kỵ thì mặt đất đã nở đầy những chồi lộc của công lý của tự do. Không khoác lác ư? Nếu không khoác lác thì hòa bình sẽ là khúc hát trong mọi gia đình và mọi nhà. Không kiêu hãnh ư? Nếu không kiêu hãnh thì con người ai cũng sống được khỏe mạnh yêu đời hơn và người người sẽ luôn là yêu thương nhau và trần gian quả là Thiên Đàng rồi còn gì.

Không ích kỷ ư? Nếu không ích kỷ thì nhà nhà yên vui vì biết chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau, từ củ khoai cho đến nắm cơm. Không nổi giận ư? Nếu không có sự nổi giận thì thật gia đình của từng nhà là nơi Trường Học đào tạo nên không biết bao nhiêu con cái thánh thiện và đạo đức. Vì gia đình xuất thân từ sự yêu thương và xã hội sẽ tốt đẹp biết bao nếu đừng có ai nổi giận, để phải trút trên đầu của ai đó. Sẽ không có xẩy ra những bạo hành bạo lực trong gia đình. Sẽ không có những vết bầm, vết sẹo, hay những dòng máu chảy trong âm thầm, trong thù hận, như vết sẹo ăn sâu trong đầu óc rất non nớt của con trẻ …. Và sự chịu đựng thật đáng thương.

Nói chung nếu hết thảy chúng ta thực hành được những điều thánh Phaolo khuyên trên thì thế gian không ai phải chịu đau khổ hay có hình ảnh của một Chúa Giêsu vác cây Thập Giá … vì ai cũng tốt lành cũng thánh thiện rồi!. Nhưng không đâu thưa anh chị em vì cuộc đời vẫn là những chuỗi ngày triền miên ngụp lặn trong đau khổ. Nói như một nhạc sĩ ví cuộc đời là những tháng ngày triền miên khói lửa như hai quốc gia Do Thái và Ả Rập chẳng hạn; vì giữa hai nước chưa bao giờ có được một ngày hòa bình.

Nói thế nhưng không có nghĩa hoàn toàn là không ai thực hành được vì nếu ta quyết tâm sửa đổi cho nên tốt và nhờ ơn Chúa ta sẽ làm được thôi. Vì có phải cuộc đời là những chuỗi ngày dài học hỏi, mong cho được cầu tiến, và có sự thay đổi cách hoàn mỹ theo khả năng riêng của mỗi người?. Cho nên cũng buồn cười lắm thay khi ta nghe một người cứ thao thao bất tuyệt dậy người và dậy đời bao điều nhưng nơi chính họ ta lại thấy họ có đủ điều thất bại từ gia đình cho đến sự liên quan tới mọi người.

Quả là sự thất bại đến ê chề như câu “ trăm voi không bằng thìa nước sáo” hẳn câu này ám chỉ cho những ai chỉ nói giỏi nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Hễ đã gọi là con người thì ai cũng như nhau chỉ khác là người thì nhiều và người thì ít nhưng không ai có thể tránh được những lỗi lầm mắc phải. Tệ nhất có thể gây hại cho chính bản thân ta là vào tù hay mất cả mạng sống. Do đó Thiên Chúa vẫn luôn luôn là Nguồn Sống của sự thánh thiện, yêu thương, và an ủi để chúng ta biết cùng chạy đến với Người. Vâng, Thiên Chúa đối với con người không khác nào mọi tạo vật trên thế trần rất cần có nắng cần có mưa để có được sức sống mãnh liệt và làm đúng chức năng của mỗi tạo vật từ nguồn sống nhận được ấy!.

Có Chúa con người mới thấy được cuộc đời có ý nghĩa. Có Chúa con người mới thấy rõ đức Bác Ái đem cho con người tràn đầy sinh lực và nghị lực do Thiên Chúa trao ban. Nhờ thế và nhờ dấu chỉ yêu thương đó ta sẽ nhận biết ai là con ngoan của Chúa và ai là anh chị em thiết thực của ta. Rồi thì khi ta có ơn Chúa trợ giúp thiết tưởng những điều xem chừng như rất khó cho con người để theo và thực hành trước đây thì nay như là sự tự nhiên như ta ăn cơm bữa vậy!.

Do đó phúc lắm thay khi ta nhận biết Chúa thì mỗi buổi sớm mai thức dậy chúng ta biết cảm tạ và tri ân một Thiên Chúa tối cao là điều đầu tiên ta thốt ra từ môi miệng. Vì người cho ta muôn vàn hạnh phúc và nhận ra cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Trong chúng ta ai chưa nhận được ơn Chúa thì hãy siêng năng tìm đến với Người và cầu nguyện với Người. Hãy nên có những giây phút đắm chìm trong trái tim của Chúa có nghĩa giây phút ấy chỉ có mình ta và Chúa trong thinh lặng, trong sự linh thiêng.

Y Tá của Chúa,
Tuyết Mai
(01-30-13)

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment