Triết lý khổ đau

Không ai thích đau khổ, nhưng không ai lại không đau khổ, và cũng chẳng có ai tránh được đau khổ. Chúa Giêsu còn chịu đau khổ tới tột độ thì chẳng ai thoát đau khổ ở đời này. Cái gì cũng có triết lý riêng, chắc chắn đau khổ có triết lý đặc biệt mà phàm nhân không thể hiểu nổi.

Tâm lý gia Elisabeth Kübler-Ross (1926-2004, người Mỹ gốc Thụy Sĩ) nói: “Những con người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát, và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Những người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời, cuộc đời đã làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Người đẹp không tự nhiên mà có”.

Cuộc đời cho chúng ta thấy rằng những con người đẹp nhất (đẹp đúng nghĩa chứ không là đẹp ngoại hình) là những người từng bị đánh bại, từng chịu đau khổ, từng phải tranh đấu, từng chịu mất mát, nhưng họ đã tìm được con đường ra khỏi vực sâu để thoát thân – tức là họ đã đi xuyên qua đau khổ. Những con người này có lòng cảm kích, sự nhạy bén và thấu hiểu đối với cuộc đời, chính cuộc đời đã làm cho họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và biết quan tâm yêu thương tha nhân một cách sâu sắc. Như vậy, “người đẹp” không thể tự nhiên mà có.

Ôi, loại triết-lý-sống luôn thâm sâu và! Và quả thật, chính nỗi đau khổ lại có sức mạnh kỳ diệu khả dĩ làm cho người ta nên khôn ngoan đích thực. Cụ Ngô Tất Tố đã đặt vấn đề: “Ai nên khôn không khốn một lần?”. Tương tự, cụ Phan Bội Châu đưa ra giả thuyết: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?”. Hai câu nghi vấn cũng là hai câu xác định, hai câu hỏi cũng là hai câu trả lời. Đó là dạng “nghi vấn xác định”.

Về tâm linh, Thánh Phanxicô Assisi thổ lộ: “Tôi hy vọng rất nhiều về cái hay, cái tốt. Vì vậy mà tất cả đau khổ đều là dễ thương”. Như vậy có nghĩa là cái hay và cái tốt đều xuất hiện sau đau khổ. Và thật kỳ lạ, văn thi sĩ Clive Staples Lewis (1898-1960, Anh quốc) xác định: “Thiên Chúa thầm thì với chúng ta khi chúng ta vui, nhưng Ngài nói to trong lương tâm của chúng ta khi chúng ta đau khổ”.

Sự đau khổ thật là mầu nhiệm. Thật vậy, cũng như tình yêu, có lẽ chẳng ai định nghĩa thỏa đáng về sự đau khổ, bởi vì đau khổ có nhiều dạng và nhiều mức độ. Thiết tưởng có thể đơn giản hóa để dễ hiểu theo phương trình: Đau khổ = Ưu sầu + Nước mắt. Tất nhiên phải “trừ” loại nước mắt vui mừng, dù hai loại nước mắt đều có vị mặn. Rất dễ dàng lấy vạt áo lau khô những “giọt mặn” rỉ ra từ khóe mắt, nhưng lại rất khó xóa “vết mặn” khỏi trái tim mình.

Thật vậy, sướng hay khổ còn do mỗi người có khái niệm riêng. Có những triết lý dễ hiểu, có những triết lý khó hiểu, thậm chí là không thể hiểu: Triết lý Thập Giá – tức là triết lý về sự đau khổ. Thảo nào Chúa Giêsu thường xuyên nhắc nhở người ta phải vác thập giá hằng ngày và tìm cách đi vào cửa hẹp.

Trong cuộc sống đời thường, chẳng ai ưa thích gì nỗi khổ, thế nhưng đau khổ vẫn luôn có giá trị tích cực mà chúng ta phải cố gắng hiểu suốt cả đời. Đại văn hào Victor Hugo nhận xét: “Đau khổ cũng như hoa quả. Chúa không khiến nó mọc lên trên những cành quá yếu ớt để chịu nổi nó”. Những người chịu đau khổ hẳn là những người mạnh mẽ, vì Chúa biết họ đủ sức nên mới để cho họ chịu đau khổ như vậy. Thật vậy, Elbert Hubbard giải thích: “Nếu bạn đau khổ, hãy cảm ơn trời! Vì đó là dấu hiệu chắc chắn cho thấy bạn đang sống”. Chính lúc chịu đau khổ lại là lúc người ta sống viên mãn, thật kỳ lạ vô cùng!

Triết lý đau khổ thật kỳ diệu, đúng là sự mầu nhiệm. Kinh Thánh cho biết rằng mặc dù đối mặt với các hung tin dồn dập, nhưng ông Gióp vẫn bình tĩnh. Ông trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và chân thành cầu nguyện: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, con sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21). Đặc biệt là dù đau khổ cùng cực, nhưng “ông Gióp KHÔNG hề phạm tội cũng KHÔNG buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa” (G 1:22). Hai cái “không” của ông Gióp trên cả tuyệt vời. Hiểu được như vậy thì cuộc đời sẽ thanh thản!

Người đời cũng có cách nói thú vị: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm”. Có lẽ đó là cách “tự an ủi” của người đời. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu theo góc độ nào đó về Chúa-Giêsu-làm-người. Cuộc đời Ngài đầy đau khổ ê chề, thế nhưng Ngài vẫn có khoảnh khắc huy hoàng là được thiên hạ tung hô lúc Ngài cưỡi trên lưng lừa trên đường tiến vào Thành Giêrusalem. Và chắc chắn không ngoài Thánh Ý Chúa Cha.

Ngày Lễ Lá, Phụng vụ Lời Chúa được Giáo hội sử dụng là bài ca thứ ba trong các “Bài Ca của Người Tôi Trung”, ngắn gọn mà ý nghĩa: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50:4-5). Quả thật, đó là điều không dễ, nhưng vẫn giữ được lòng trung tín ngay trong lúc chịu đau khổ!

Thật là kỳ lạ, đau khổ không làm người ta yếu đuối mà lại như loại “nước tăng lực” làm tăng sức chịu đựng: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50:6-7). Ôi, thật là mầu nhiệm, những người không có niềm tin Kitô giáo chắc chắn không thể hiểu được, và có thể họ sẽ cho những người chịu đau khổ là những người điên khùng.

Tác giả Thánh Vịnh than thở: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi, thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai: ‘Nó cậy Chúa, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!’ ” (Tv 22:7-9). Thách thức quá lớn, khoảng cô đơn quá rộng, nỗi nhục nhã quá ê chề!

Người ta thường nói: “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Điều này không khác quy luật muôn thuở, giống như định mệnh vậy. Đau khổ này cứ tiếp tục chồng chất lên đau khổ khác: “Quanh con bầy chó đã bao chặt rồi. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay, xương con đếm được vắn dài; chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem. Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn. Chúa là sức mạnh con nương, cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa” (Tv 22:17-20). Không còn gì để mất nữa, khốn khổ tột cùng, lo sợ run cả người, nguyện cầu không ngừng, thế nhưng vẫn chẳng nghe động tĩnh gì!

Tuy nhiên, dù có thế nào thì vẫn một lòng tín thác, vẫn xưng tụng Thiên Chúa, vì đó là mục đích sống: “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương. Hỡi những ai kính sợ Đức Chúa, hãy ca tụng Người đi! Hỡi toàn thể giống nòi Gia-cóp, nào hãy tôn vinh Người! Dòng dõi Ít-ra-en tất cả, nào một dạ khiếp oai!” (Tv 22:23-24).

Cầu nguyện là lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Cầu nguyện mà không nghe động tĩnh gì, đó là dấu chỉ chắc chắn rằng Chúa đang xót thương. Lại thêm một điều kỳ diệu. Muốn hiểu được triết lý này, đòi hỏi phải có niềm tin Kitô giáo. Với người ngoài Kitô giáo hoặc vô thần, họ cho đó là “bùa mê, thuốc lú”, ai tin như vậy đều bị họ coi là dại dột, là dốt nát, là ngu xuẩn hoặc điên rồ.

Thánh Phaolô phân tích: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2:6-7). Chúa Giêsu không chỉ tự nguyện như vậy, mà còn hơn thế nữa: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:8). Thật đúng là mầu nhiệm, do đó mà khó hiểu quá. Tuy nhiên, chỉ là “khó hiểu” chứ không phải là “không thể hiểu”.

Trong cuộc sống đời thường, người ta cũng nhận thấy rằng tình yêu nào cũng cần có “chất” đau khổ, có đau khổ mới chứng tỏ tình yêu chân chính. Như một lời xác định, đại văn hào Victor Hugo nói: “Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa; chết vì yêu là sống trong tình yêu”. Chết mà là sống. Lạ thật, người đời mà còn nhận định được như vậy đấy!

Chắc chắn đau khổ có giá trị nhất định và rất độc đáo. Gian nan là nhịp cầu dẫn tới thành công, đau khổ là nhịp cầu dẫn tới vinh quang. Cũng vậy, sự chết là con đường dẫn tới sự sống, là cửa ngõ bước vào cõi trường sinh: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (Thánh Phanxicô Assisi). Còn Thánh Phaolô kết luận: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:9-11).

Khi Chúa Giêsu hiển hách vào Thành Giêrusalem là lúc Ngài đi vào cõi đau khổ, và từ “biên giới” đầy gian khổ ở Vườn Dầu lại tiếp tục dẫn tới “cửa ải” sự chết nơi đỉnh đồi Can-vê. Nhưng từ nơi Can-vê “chết chóc” ấy lại dẫn tới cửa sự sống là Nước Trời. Một bản đồ lòng vòng như mê cung nhưng lại thú vị và hấp dẫn, có bao người khao khát sử dụng loại bản đồ này, và đã có nhiều người đạt được mục đích sống đó: Các thánh nhân, đặc biệt là các vị tử đạo.

Đời là thế. Chuyện gì đến sẽ đến – dù vui hay buồn, dù tốt hay xấu, dù to hay nhỏ. Đó là điều tất yếu của cuộc sống. Bài thương khó hôm nay là một bộ phim buồn khiến lòng người trĩu nặng…

Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai, đành lòng bán Thầy mình để lấy một số tiền. Từ lúc đó, gã cố tìm dịp thuận tiện để nộp Thầy mình. Vật chất và tiền bạc có ma lực cực mạnh khiến người ta mù quáng, không còn đủ lý trí sáng suốt để phân biệt đâu là phải hay trái. Ma lực đó rất khó cưỡng lại!

Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu xem Ngài muốn họ dọn Tiệc Vượt Qua ở đâu. Ngài dặn dò họ kỹ lưỡng từng chi tiết.

Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang tiệc vui, bỗng dưng Ngài bảo có người sẽ nộp Ngài. Các môn đệ tá hỏa tam tinh và rầu thúi ruột, họ hỏi nhỏ nhau xem ai là thủ phạm. Chẳng ai biết. Ngài nói: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26:23-24). Giu-đa nhột gáy, nhưng vẫn giả nai: “Thầy ơi, chẳng lẽ con sao?”. Ngài xác nhận là đúng!

Cũng trong bữa ăn đó, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26:26). Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26:27-28). Đây là lúc thật linh thiêng và xúc động, nhưng lại có nỗi buồn khi Ngài bảo: “Từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26:29).

Sau khi hát thánh vịnh xong, Thầy trò cùng ra núi Ô-liu. Bấy giờ Đức Giêsu nói với các ông về nhiều điều cần thiết, vừa cảnh báo vừa trăn trối. Nghe Thầy nói đích danh mình là sẽ chối Thầy ba lần. Ông Phêrô nói chắc: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26:35). Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy. Nhưng rồi… điều gì đến vẫn cứ đến!

Vào vùng đất Ghết-sê-ma-ni, Ngài bảo mọi người ở lại, chỉ dẫn theo Phêrô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo. Ngài bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến cực độ nên phải thốt lên: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy” (Mt 26:38). Ngài đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39). Nhân tính thật yếu đuối, nhưng Ngài vẫn quyết tuân phục Ý Cha cho đến cùng.

Ngài trở lại chỗ ba đệ tử ruột, ôi thôi, họ lăn ra ngủ khò. Ngài nói với Phêrô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:40-41). Phêrô còn ngái ngủ, chỉ biết gãi đầu thôi. Ngại ghê đi!

Rồi Ngài lại đi cầu nguyện lần thứ hai: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26:42). Ngài quay lại, thấy các môn đệ vẫn đang ngon giấc, mắt họ nặng trĩu. Có lẽ họ thấm mệt vì có chút men và trời đã quá khuya. Ngài để mặc các ông ngủ mà đi cầu nguyện lần thứ ba, cũng với lời như trước. Rồi Ngài đến chỗ các môn đệ, đúng lúc kẻ nộp Ngài vừa tới!

Giu-đa tỏ ra lịch sự đến chào và hôn Thầy, nhưng là để “chỉ điểm” cho những kẻ thủ ác bắt Thầy. Phêrô nóng gáy lấy gươm chém đứt tai Man-khô, đầy tớ của thầy thượng tế. Nhưng Chúa Giêsu chữa lành cho gã và bảo Phêrô cất gươm đi. Họ ập tới bắt trói Ngài. Thấy vậy, các môn đệ tá hỏa và bỏ của chạy lấy người, có kẻ mất dép, có kẻ tuột cả áo xống mà chạy tồng ngồng đi trốn. Nói thì mạnh lắm, cuối cùng cũng chỉ “lẻo mép”. Phàm nhân yếu đuối và nhát đảm quá!

Họ bắt Đức Giêsu và điệu đến thượng tế Cai-pha. Phêrô đi theo xa xa, đến tận dinh thượng tế, rồi vào bên trong ngồi với bọn thuộc hạ, xem kết cuộc ra sao.

Họ chất vấn Đức Giêsu đủ điều, nhưng Ngài vẫn im lặng. Vì có nói với họ thì cũng như nước đổ lá môn, nói với đầu gối còn hơn. Cuối cùng, vị thượng tế nói: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?” (Mt 26:63). Nghe chừng đạo đức lắm vì ông ta dám “nhân danh Chúa” mà tra xét. Lúc này Đức Giêsu mới lên tiếng: “Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mt 26:64). Như giọt nước làm tràn ly, vị thượng tế liền xé áo mình ra và bảo Đức Giêsu nói phạm thượng, rồi ông ta hỏi mọi người nghĩ sao, họ liền đồng thanh: “Hắn đáng chết!”.

Sau đó, kẻ thì khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Ngài, kẻ lại tát Ngài, rồi họ nguyền rủa và lăng mạ Ngài đủ thứ. Mỗi chúng ta cũng đã từng “khạc nhổ” hoặt “tát” vào tha nhận – cách này hoặc cách nọ, và đó là sỉ nhục chính Chúa Giêsu!

Tương tự, chuyện gì sẽ đến cũng lại đến. Phêrô được Thầy báo trước, nhưng cũng không thể vượt qua chính mình. Thiên hạ thấy ông nên bàn tán xì xầm, ông sợ nên không dám nhận mình là người quen với Đức Giêsu, và còn thề độc là không hề quen với người đang bị hành hạ bên trong kia. Và rồi có tiếng gà gáy, ông sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. Chắc hẳn từ đó, ông rất sợ tiếng gà gáy sáng, nhưng ông cũng phải cảm ơn tiếng gà gáy đó.

Kinh Thánh cho biết rằng vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho dân chúng một người tù, tuỳ ý dân. Khi ấy có một người tù khét tiếng tên là Ba-ra-ba. Người ta đồng ý thả Ba-ra-ba và cương quyết giết Đức Giêsu. Phi-la-tô thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Ngài, thế nhưng vì địa vị chức tước mà ông làm ngơ với công lý, vợ ông bảo đừng nhúng tay vào vụ xử vụ này, ông đi rửa tay để chứng tỏ mình vô can. Nhưng đó chỉ là giả hình, hèn nhát!

Thật vậy, chính Phi-la-tô đem Đức Giêsu vào trong dinh và tập trung cả cơ đội quanh Ngài. Chúng lột áo Ngài ra, khoác cho Ngài tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Ngài một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo báng, chúng khạc nhổ vào Ngài và lấy cây sậy mà đập vào đầu Ngài. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, cho Ngài mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.

Trên đường, chúng gặp một người Ky-rê-nê tên là Si-môn, chúng bắt ông vác thập giá của Ngài, vì thấy Ngài yếu sức, sợ không đến nơi hành hình. Những người nói mạnh hứa chắc đâu cả rồi? Những người tín cẩn của Đức Giêsu đâu cả rồi? Những người được Đức Giêsu chữa lành đâu cả rồi? Những người được Đức Giêsu cho ăn no nê đâu cả rồi? Sao chỉ có mình ông Si-môn ngoại giáo vác đỡ Thập Giá cho Ngài? Cuộc đời là thế thật sao?

Khi đến Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ, chúng cho Ngài uống rượu pha mật đắng, nhưng Ngài chỉ nếm một chút mà không chịu uống. Đóng đinh Ngài vào thập giá xong, chúng đem áo Ngài ra bắt thăm mà chia nhau, rồi họ cứ ngồi lì đó mà canh giữ Ngài. Cùng bị đóng đinh với Ngài là hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.

Điều đáng buồn là những kẻ qua người lại đều nhục mạ và thách thức Ngài. Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Ngài vì họ tưởng mình đã hành động đúng và hả hê chiến thắng! Thậm chí một tên cướp cùng bị đóng đinh với Ngài cũng không tiếc lời sỉ vả và thách thức Ngài.

Bỗng dưng bóng tối bao phủ cả mặt đất từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (12 giờ trưa tới 3 giờ chiều). Vào giờ thứ chín, trong nỗi cô đơn quá lớn, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni – lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46). Người ta cứ tưởng Ngài gọi ông Ê-li-a, rồi một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Ngài uống. Rồi Đức Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn!

Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới, đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung, xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. Thấy động đất và các sự lạ, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và phải thú nhận: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27:54). Ít ra cũng phải như thế, muộn cũng còn hơn không!

Và sự thật mãi là sự thật, dù người ta cố ý bóp méo thế nào thì cũng không thể biến hóa cách nào khác. Thắng và Thua đều cùng vần T. Sự đời lạ lắm, có những khi cứ tưởng Thắng mà hóa Thua, nhưng có khi thấy Thua mà lại là Thắng. Và chuyện gì sẽ đến cũng lại đến! Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ. Đúng là như thế!

Ước gì mỗi chúng ta đều như những chiếc lá luôn xanh biếc màu đức tin, luôn khiêm nhường vẫy chào đón Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh, trong lúc vui đã đành, trong lúc buồn mới thực sự có giá trị. Được như vậy là đã hiểu được triết lý của sự đau khổ rồi đấy!

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin ban Thần Khí để con có thể hiểu được triết lý của sự đau khổ, thông suốt triết lý của Thập Giá, nhờ đó con đủ sức vững bước theo chân Ngài đi xuyên qua mọi đau khổ. Xin giúp con can đảm cùng chết với Đức Kitô để xứng đáng được phục sinh vinh quang với Ngài. Con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Chia sẻ Bài này:

Related posts