- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Tấm Bánh Tình Yêu

Bảy giờ chiều ngày 18-8-1996, Linh mục Alejandro Pezet cử hành Thánh Lễ tại một nhà thờ Công giáo ở Trung Tâm thương mại Buenos Aires. Khi Cha vừa mới cho rước lễ xong thì một người phụ nữ chạy đến thưa với ngài rằng bà thấy một Mình Thánh bỏ rơi trong dĩa đốt đèn cầy ở cuối nhà thờ. Vì Ngài không thể bỏ vào miệng được, nên cha để vào một ly nước lạnh và đặt vào trong Nhà Tạm nơi đặt Mình Thánh.

Ngày thứ Hai, 26/8/1996, khi mở cửa Nhà Tạm, Cha kinh ngạc vì thấy Mình Thánh đã trở thành một vật có máu. Cha thông báo sự việc cho Đức Hồng Y Jorge Bergoglio. ĐHY nói Cha Pezet nhờ một người thợ chuyên nghiệp chụp hình Mình Thánh. Bức hình được chụp vào ngày 6/9/1996, cho thấy rất rõ là Mình Thánh đã trở thành một miếng thịt tươi có máu, và đã to hơn lên một cách rõ ràng. Suốt trong mấy năm sau đó, Mình Thánh vẫn được giữ nguyên trong chỗ để an toàn nơi Nhà Tạm.

Ngày 5-10-1999, trước sự chứng kiến của những vị đại diện của Đức HY Bergoglio, Bác sĩ Castanon đã cắt một mẩu của Mình Thánh Chúa đầy máu đó và gửi sang New York để nhờ phân tích. Ngài không thông báo một chút gì cho nhóm những nhà khoa học về nguồn gốc, lai lịch cũng như nơi phát sinh vật thí nghiệm. Một trong những nhà khoa học là Bác sĩ Frederic Zugiba, một chuyên gia về tim (cardiologist) và là một chuyên viên pháp y bệnh lý học. Ông xác nhận rằng “Vật thí nghiệm” là thịt tươi thật và máu là máu người thật có chứa mẫu di truyền DNA.

Bác sĩ Zugiba ghi trong tờ chứng nhận rằng: “Vật được xét nghiệm là một miếng thịt cơ tim nằm về phía tâm thất trái gần với những van tim. Đây là phần cơ tim có nhiệm vụ làm tim co thắt, có nhiệm vụ bơm máu vào các phần khác của cơ thể. Cơ tim là một cấu tạo rất tinh nhạy và chứa rất nhiều tế bào bạch huyết. Tôi cả quyết rằng trái tim vẫn còn sống lúc đó vì tế bào bạch huyết không tồn tại nếu cơ quan không còn sống. Thêm nữa, những tế bào bạch huyết này nằm sâu trong mô cơ tim. Điều đó cho thấy rằng trái tim lúc đó đang bị một sức ép kinh khủng, có lẽ người mang trái tim ấy đã bị đánh đập với những thương tích rất nặng ngay chỗ trái tim.” (PX.Trần Bá Nguyệt, Lm M. Piotrowski Schr, Love One Another, Catholic Magazine)

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mặc khải Bí tích Thánh Thể, như một trái tim sống động thật sự, đang tiếp tục bơm máu, dưỡng nuôi cuộc sống vĩnh cửu, tràn đầy tình yêu, hiệp nhất và bình an.

Sống yêu thương

Sống yêu thương thực sự quan trọng và cao quý nhất. Thánh Gioan đã khẳng định: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1Ga 4, 8) Và tình yêu được Ngài biểu lộ cụ thể nhất: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm lễ đền tội cho chúng ta.” (1Ga 4, 10)

Đức Giêsu nhập thể để thực hiện Thánh Ý Đức Chúa Cha. “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.” (Ga 6,38) Qua nhiệm tích Thánh Thể, Người tự hiến mình thành lương thực trường sinh. “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời” (Ga 6, 54)

“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu anh em.”(Ga 15, 12) Người truyền cho các môn đệ hãy bắt chước Người yêu thương hoàn toàn xả kỷ vị tha, sống cho, sống vì tha nhân, một cấp độ yêu thương trổi vượt hơn so với cấp độ: “Yêu người như thể yêu mình” theo như Cựu Ước đã dạy. Như thế sống là yêu thương với tâm tình khiêm tốn, hy sinh bản thân, phục vụ mọi người, không phân biệt thân sơ hay thù địch. “Các con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con.” (Mt 5, 43-44).

Thánh Phaolô diễn giải thêm:“Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ… Nếu kẻ thù ngươi đói hãy cho nó ăn; nó khát hãy cho nó uống… Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ” (Rm 12, 14, 20-21).

Sống hiệp nhất

Với Mình và Máu Thánh, Chúa quy tụ mọi người hiệp nhất với Người, trở nên chi thể của Người. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56) Sống hiệp nhất chặt chẽ với Đức Giêsu thì tín hữu Kitô mới có thể nhờ Người mà trở nên công chính và thánh hóa. “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm được gì.” (Ga 15:5)

Thánh Phaolô giải thích Bí tích Thánh Thể là biểu tượng của tình yêu, cảm thông và hợp nhất: “Chúng ta tuy nhiều, nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh và làm nên một thân thể Đức Kitô.” (1Cr 10, 17)

Hiệp nhất trong tình yêu với Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng thời hiệp nhất với tha nhân, có nghĩa mỗi người thoát ra khỏi vỏ ốc vị kỷ, ích kỷ, để hy sinh và dấn thân, hòa nhịp vào cuộc sống chung hòa bình, hạnh phúc.

Sống bình an

Một khi sống kết hợp chặt chẽ với Chúa Giêsu, thì chẳng còn thế lực hắc ám, quyền lực sự dữ nào có thể chia rẽ, phân ly khỏi quyền năng Người. Dù bị đe dọa bằng bạo lực, tù tội, áp bức và bách hại, thì Kitô hữu vẫn cảm thấy bình an, sẵn sàng đón nhận mọi cực hình, kể cả án tử hình, như chứng nhân JB Nguyễn Hữu Cầu, người tù thế kỷ, đã từng trải nghiệm. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27)

Bình an viên mãn của Chúa không phải tạm bợ và phù du như của thế gian. Đức Chúa Thánh Thần luôn ban bình an kịp thời cho những ai sống trong hồng ân với Lời Chúa và Thánh Thể.

Bình an là tặng phẩm vô giá trước khi Đức Giêsu dấn thân vào cuộc tử nạn, để trở về với Chúa Cha. Bình an còn là quà biếu hạnh ngộ sau khi Đức Giêsu phục sinh khải hoàn, vào thời điểm các tông đồ còn đang run rẩy, sợ hãi, cửa đóng then gài,. “Bình an cho anh em.” (Ga 20, 19.21.26)

Trong lời giã từ trước khi hiến thân chịu nạn, Đức Giêsu không quên an ủi, vỗ về các môn đệ và tín hữu Kitô trước viễn tượng khá đen tối, khi dám can đảm “bỏ mình, vác thập giá” dấn bước theo chân Người: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16, 33)

“Thánh Thể làm cho ta hiệp nhất trong Nhiệm Thể. Dâng lễ, dự lễ mà không yêu thương là mâu thuẫn, quái gở.” (Đường Hy Vọng, số 362)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đã biết bao lần chúng con đón rước Người, nhưng lòng chúng con nguội lạnh, dửng dưng, tệ bạc, bất xứng, vì còn ngổn ngang tham sân si thế gian, nên lòng chúng con cứ mãi bất an, bấn loạn. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban Đức Chúa Thánh Thần đến sưởi ấm, đốt bừng cháy lên niềm tin cậy mến, đổi mới, hiệp nhất, thánh hóa và ban bình an cho chúng con.

Lạy Mẹ Maria, ngày xưa Mẹ cưu mang Đức Giêsu trong cung lòng với bao hồng ân Chúa Thánh Thần. Xin Mẹ dạy chúng con biết kính cẩn đón rước Thánh Thể Chúa cách xứng đáng và cũng được nhận lãnh các hoa trái của Thần Khí. Amen.

AM Trần Bình An

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]