Sử dụng nén bạc đức tin

Thưa Quí vị,

Tôi rất ngạc nhiên không hiểu làm thế nào những cuộc cạnh tranh cờ bạc trên truyền hình lại phổ thông đến như vậy? Có tin đồn người ta sắp thiết lập một kênh truyền hình mới dành riêng cho các con bạc đỏ đen. Nếu đúng như vậy thì quả là tôi lạc hậu thông tin. Có lẽ kênh đó đã được thực hiện rồi. Vì tuần vừa qua tôi ngồi bên một người đàn ông trên máy bay và ông ta chơi video game suốt mấy tiếng đồng hồ ở chiếc vi tính sách tay, rà lại mấy ván bài đã phát tuyến trên ti vi. Ông ta có vẻ hài lòng và đầy nhiệt huyết. Một lần tôi nghe ông hô to “Yeah” (trúng rồi), lúc ông thắng ván bài. Tôi tự nhận đôi lúc cũng chú ý đến các cao điểm của ông. Một lần tôi định bụng xúi ông chơi ba lá bài thay vì hai. Thực tế, có khối lượng khổng lồ khán giả coi các pha trình diễn và trò chơi đen đỏ ấy. Tại sao vậy? Điều gì hấp dẫn họ?

Tôi biết một buổi tối mình đã bị cuốn hút vào trò chơi ở một lần phát sóng. Tôi phải nán lại vài phút vì một người đã đặt cọc tới 30.000 đôla, cho một lần rút bài. Tôi nghĩ mình đã run lắm thì phải. Nhưng ông ta lại chẳng tỏ dấu gì sợ hãi, và tôi hiểu ra ý nghĩa của cụm từ “poker-face” (mặt lạnh như tiền). Vì những liều lĩnh nào mà người đàn ông dám chấp nhận rủi ro? Tôi chẳng muốn lấy gương các trò chơi đỏ đen hay các con bạc làm mẫu mực cho nếp sống của chúng ta, các tín hữu Chúa Kitô. Bởi lẽ quá nhiều người hoang phí tiền bạc có hạn của mình vào các trò chơi vô bổ. Lại còn nhiều người khác trở thành các con nghiện của thần đỏ đen. Chắc chắn cuộc đời họ, gia đình họ sẽ tan hoang vì con bài hoặc bánh xe may rủi. Tuy nhiên, Tin mừng hôm nay có chút dính dáng đến nội dung liều lĩnh : “Nước Trời giống người kia sắp đi xa, gọi đầy tới đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi”. Rõ ràng, Chúa Giê-su muốn dùng dụ ngôn song song với câu chuyện bài bạc của thế giới đời thường để mạc khải một chân lý nào đó cho chúng ta. Đức tin Ngài để lại trần gian phải được các tín hữu sử dụng sao cho hợp thánh ý Ngài?

Trong câu truyện Tin mừng, số tiền ông chủ đã giao mỗi gia nhân rất lớn, nếu tính giá hiện kim thì một yến tương đương với mười lăm năm lao động của một công nhân nghèo. Hai yến là ba mươi năm lao động. Vậy thì số vốn quá dồi dào để các đầy tớ sinh lợi. Và sự thật ông chủ trông đợi họ buôn bán làm ăn cho đến khi ông trở lại. Câu truyện không phải là về ăn chay, hãm mình, phạt xác, bác ái, từ bỏ hay những chi giống như vậy. Chúa Giê-su đã nói về các vấn đề này ở nhiều đoạn Phúc âm khác. Ở đây ý tưởng của Chúa nhắm là nội dung sinh hoạt kinh tế, buôn bán, lợi lộc và khích lệ các môn đệ tăng trưởng về đàng thiêng liêng, sẵn sàng liều lĩnh đảm nhận những nguy hiểm vì Danh Ngài. Nếu như Ngài sống ở thời điểm chúng ta, có lẽ Ngài cũng dùng thí dụ về chuyện bài bạc trong truyền hình mà dạy dỗ, chỉ bảo chúng ta là các môn đệ Ngài phải biết điều hành “việc làm ăn, sinh sống” khi Ngài vắng mặt.

Dụ ngôn nhắc nhở rằng đức tin chúng ta nhận được từ Thiên Chúa không phải là cái bong bóng dễ vỡ, nó có nguồn gốc siêu nhiên, chắc chắn như nén bạc, chẳng dễ gì mà bị ô nhiễm bởi hoàn cảnh của xã hội, của những nơi tầm thường. Ngược lại, Chúa bảo chúng ta phải đầu tư vào đó : Gia đình, trường học, sở làm, chợ búa, vui chơi, ngay cả những chỗ sa đoạ, trác táng, những nơi tội ác có tổ chức, những bè đảng ăn cướp, giết người. Nói cách khác, Chúa ban cho chúng ta những ân huệ, những giá trị có thể đứng vững ngay cả khi thế giới tấn công với những thử thách độc ác nhất. Dụ ngôn khuyến khích chúng ta dám đảm nhận các liều lĩnh và đem theo đức tin vào các sinh hoạt hằng ngày. Chúng ta phải dám đứng ra làm nhân chứng cho những điều mình tin. Than ôi, lý thuyết thì mạnh mẽ lắm, tưởng như Nước Trời đã rõ ràng khắp nơi. Nhưng thực tế thì lại tối tăm, ảm đạm vì nếp sống kẻ rao giảng thường khi đi ngược với lời nói. Họ tìm kiếm những chi mà thế gian ưa chuộng, hưởng thụ những chi mà thế gian tìm kiếm. Họ không thiếu một sung sướng nào mà thế gian khao khát : Nhà lầu, xe hơi sang trọng, vợ đẹp con khôn, cho nên Lời Chúa dạy hai ngàn năm xưa vẫn có tính thời sự cho chúng ta hôm nay. Xin đừng nghĩ Tin mừng dạy dỗ người khác, nhưng mỗi linh hồn sa đoạ của chúng ta. Không cải tổ nếp sống, thì không xứng đáng đọc Tin mừng; Vì ngược đời, khó nghe.

Thực sự là như thế. Mấy tuần lễ vừa qua, Phụng vụ của Hội thánh cho tín hữu nghe các bài đọc có tính chất cảnh giác để sẵn sàng đón Chúa tới, và sửa soạn cho năm Phụng vụ mới. Chắc chắn năm cũ đang đến hồi kết thúc. Cứ như ý tưởng các bài đọc thì việc Chúa đến bị trì hoãn và có nguy cơ các môn đệ ngủ quên, đãng trí, bận rộn vì các công việc trần thế. Năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan, chàng rể đến muộn. Ông chủ về trễ. vv Dụ ngôn hôm nay không về vấn đề tỉnh thức và sẵn sàng nữa mà phải thi hành các công việc Chúa giao phó. Chúng ta phải dồn hết tâm lực chu toàn các bổn phận trong khi chờ đợi Chúa trở lại. Chúng ta phải dấn thân vào thế giới với lòng tin cậy, tự tin và ngay cả dám liều nếu hoàn cảnh đòi hỏi.

Điều khá lạ lùng là ông chủ hoàn toàn tín nhiệm vào các đầy tớ. Khi trao tài sản to lớn vào tay họ, ông không có những chỉ dẫn tỉ mỉ phải sử dụng chúng ra sa, khi nào, bao giờ, làm sao họ buôn bán với số tiền khổng lồ đó. Mỗi yến cân nặng ba mươi lăm ký lô vàng bạc chứ có ít đâu? Cũng vậy, ơn thánh và việc phục vụ của chúng ta rất đa dạng và phong phú, chúng ta được trao cho cả Nước Trời để làm sinh sôi nảy nở. Chẳng có sứ vụ nào, hình thức tông đồ nào là nhỏ bé, hèn kém. Người ta phân chia cấp bậc, giá trị việc làm trong Nước Chúa. Nhưng thực sự Chúa Giê-su tín nhiệm chúng ta trong bất cứ công việc nào, bất cứ đường lối nào mà chúng ta đầu tư sức lực, tiền tài, thời gian nhân Danh Ngài. Ông chủ giàu có trong dụ ngôn chắc chắn biết rõ các cơ nguy trong công việc làm ăn. Ở thương trường đầy dẫy âm mưu, thủ đoạn. Tài sản của ông có thể mất trắng. Vậy mà ông vẫn trao tiền cho các đầy tớ, trông đợi nhiều lợi nhuận, bất chấp các nguy hiểm. Vốn liếng ông trao không phải là ít. Một yến tương đương với sáu ngàn ngày công. Một năm chỉ có 365 ngày. Ông cũng rõ gia nhân thứ ba không có khả năng như hai người kia vì đã từng phục vụ trong nhà ông. Tuy nhiên, ông vẫn giao một yến, tức ba mươi lăm ký vàng bạc. Quả là mạo hiểm. Đối chiếu với cách Chúa tín nhiệm chúng ta, những ơn lành Chúa trao trong suốt cuộc đời thì lòng hào hiệp của ông chủ vẫn còn thua xa. Người đầy tớ thứ ba sợ hãi và bất kính với chủ, không nhiệt thành yêu mến chủ, nên đã đào lỗ chôn dấu yến bạc và đã bị chủ đuổi ra khỏi nhà, không được hưởng yến tiệc mừng chủ trở về. Cũng không được trao phó các trách nhiệm to lớn hơn. Trái lại bị ném ra ngoài khóc lóc, nghiến răng. Anh ta mất hết mọi sự trong nhà chủ chỉ vì không dám chấp nhận liều lĩnh. Số phận các linh mục, tu sĩ, giáo dân cũng vậy. Nếu chúng ta không dám mạo hiểm vì Nước trời, không dám dấn thân phục vụ Ngài thì sẽ cùng chung số phận. Do đó, chẳng ai dám vỗ ngực kiêu căng, ngồi mát ăn bát vàng, rồi chỉ tay năm ngón, sai bảo thiên hạ. Nhưng khiêm nhường phục vụ việc nhà Chúa, tự thân chấp nhận trách nhiệm và chu toàn hoàn hảo với hết khả năng, tâm tình, lòng mến như hai người gia nhân còn lại. Phần thưởng chắc chắn là bội hậu.

Nhân đề cập đến vấn đề chờ đợi Chúa trở lại, chúng ta thường lầm tưởng là tiêu cực, bất động, mai phục chờ sẵn, đứng ngoài các rắc rối. Phải công nhận nhiều khi sự rao giảng của các chủ chăn, thậm chí của Giáo hội nhắm hướng ấy. Nhưng chúng ta phải dám chấp nhận những thách thức mà dụ ngôn hôm nay dạy bảo. Ăn ở lười biếng sẽ chuốc lấy án phạt. Cậy vào hơn hai ngàn năm tồn tại chẳng chứng minh được gì. Nó không phải là thước đo thành công. Ngược lại, thất bại cũng không luôn là thê thảm nếu chúng ta dám mạo hiểm vì Danh Chúa Kitô. Dụ ngôn hôm nay không tính đến lòng sợ hãi, và cũng không có chỗ cho lười biếng. Thờ ơ những sinh hoạt trần gian mà nhiều tu sĩ nam nữ cho là “đầy dẫy cạm bẫy”. Có thể là như vậy. Nhưng dụ ngôn thúc đẩy chúng ta dấn thân và thực hành đức tin của mình. Một số ít được gọi vào đời sống chiêm niệm trong các nhà Dòng. Còn phần đông tín hữu phải sống giữa thế gian, chịu đựng thử thách của nó, có khi rất khốc liệt. Chúng ta được mời gọi sử dụng những kho tàng, những nén bạc Chúa trao, để thay đổi hoàn cảnh thế gian, cải tạo sai lầm, ngõ hầu triều đại Thiên Chúa mau xuất hiện trong cuộc sống mỗi người. Chúng ta phải hoạt động để được hạnh phúc đó, chứ không phải bất động ngồi chờ nó đến. Xin đừng nghĩ đức tin của tín hữu mỏng dòn, bởi không phải do bàn tay con người làm ra. Nó là ân huệ vững bền Thiên Chúa ban cho mỗi người. Nó là kho tàng sung mãn và hữu hiệu nếu chúng ta biết sử dụng cho chính đáng. Nó sẽ phát huy hiệu quả nếu chúng ta thực sự trình bày cho thế gian bằng lời nói, việc làm chân thật. Nếu chúng ta từ chối mạo hiểm đưa đức tin vào thế gian, vì sợ sệt hay ươn lười, thì làm thế nào nói được mình có đức tin ?

Tôi suy niệm Tin mừng hôm nay với một tờ nhật trình. Tôi vừa đọc Phúc âm xong, thì tờ báo loan tin một biến cố lớn cho đất nước : Bà Rosa Parks chết đêm hôm qua. Bà là một khuôn mặt lớn của dân chúng Hoa Kỳ. Người ta gọi bà là “Mẹ của phong trào quyền dân sự”. Trong những năm năm mươi của thế kỷ trước, bà hoạt động mạnh mẽ ở thành phố Montgomery, tiểu bang Alabama và trong đại hội NAACP ( National Association for Advancement of Colored People = Hiệp hội quốc gia vì sự thăng tiến dân da màu). Khi được yêu cầu nhường chỗ trên xe buýt cho một người da trắng, bà đã từ chối. Sau này bà cho biết, bà quá mệt mỏi vì bị hạ nhục và quấy nhiễu chỉ vì màu da của mình và chịu đựng chế độ phân biệt chủng tộc quá nhiều. Sự phản kháng của bà đã thắp lửa cho phong trào người Mỹ gốc Phi Châu ở Montgomery. Họ đứng lên tẩy chay xe buýt 381 ngày, kết thúc vào 13 tháng 11 năm 1956 khi Toà Án Tối Cao (Browder chống Gayle) quyết định bãi bỏ chế độ phân biệt chủng tộc trên các xe chuyên chở công cộng thành phố. Sự chống đối của bà và tiếp theo là bắt giữ, tù tội, đã biến đổi người thanh niên da đen 26 tuổi tên là Martin Luther King, Jn trở thành lãnh tụ phong trào giải phóng dân da đen, gọi là quyền dân sự quốc gia. Nhưng trước khi có Marin Luther King, Jn thì đã có Rosa Parks.

Lúc này, hành động ngạo mạn pháp luật của bà Rosa Parks xem ra đơn giản. Nhiều người trong chúng ta đã từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối hình thức này hay hình thức khác, và đa phần là an toàn. Nhưng ở thập niên 1950 tại Alabama là điều rất liều lĩnh và nguy hiểm. Bà ta liều mình gặp luật pháp trừng trị, dân da trắng ghét bỏ, thậm chí bị bạo lực trả thù. Bà ta chỉ là khuôn mặt bình thường của một công dân, không có chức, không có quyền, không có hậu thuẫn. Nhưng tính nết lại gây nhiều chú ý. Tôi có một tấm ảnh của bà lúc cầu nguyện. Bà đứng ở dãy ghế nhà thờ, nét mặt già dặn, hai tay đặt lên thanh dựa của chiếc ghế dài trước mặt bà. Tôi không hay mình đóan có trúng không, nhưng tấm ảnh gợi ý đức tin của bà mạnh mẽ, làm điểm tựa cho các hoạt động của bà, nó trợ giúp bà tranh đấu cho lẽ phải. Thục vậy, các nhà thờ của người Mỹ gốc da đen Phi châu đã nuôi dưỡng, trợ giúp, gây hứng cho phong trào quyền dân sự khắp nước Hoa Kỳ. Ngày nay chúng ta được hưởng ân huệ của phong trào ấy. Nhưng nó khởi sự từ đức tin của người đàn bà nhỏ bé da màu.

Vậy thì bà Rosa Parks có bao nhiêu yến bạc ? Bà ta là thần tượng của rất nhiều người Mỹ. Nhưng trong lòng khiêm tốn của mình, bà trả lời : “Một nén”. Tuy nhiên với nén ấy bà đã làm nổ tung dư luận Mỹ, bắt họ suy nghĩ và trở về đường ngay, lẽ phải. Bà đã dám chấp nhận rủi ro, đầu tư yến bạc vào xã hội phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ. Nếu như các tín hữu biết noi gương bà, sử dụng đức tin của mình cho đúng mức, hẳn toàn thể thế giới trắng vàng đen đỏ đều được hưởng lợi lớn lao biết mấy. Ước chi được như vậy. Amen.

LM. Jude Siciliano OP

VietCatholic Network

Chia sẻ Bài này:

Related posts