Phép rửa

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa khởi đầu mùa Phụng vụ của Chúa Nhật I Thường Niên. Chúa Giêsu bắt đầu khai mạc sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cứu độ. Thánh Gioan Tẩy Giả đã tiến dẫn Chúa Giêsu cho đại chúng. Các biến cố lớn nhỏ đều có vai trò quan trọng trong lịch sử ơn cứu độ. Tiên tri Isaia đã tiên báo về Ngài: Đây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân.” (Is 42,1).

Tất cả mọi sự đều qui về Chúa Giêsu Kitô là nguồn ơn cứu độ. Toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước là sự thể hiện một giao ước giữa Thiên Chúa và loài người. Thiên Chúa trung thành giữ lời đã hứa với các tổ phụ của chúng ta. Cho dù lòng con người có đổi thay, phản bội hay chối từ. Thiên Chúa vẫn giữ trọn lời đã hứa: “Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân.” (Is 42,6).

Chúa Giêsu đã giáng thế làm người. Qua thời gian năm tháng, Chúa Giêsu đã được sinh ra tại Belem, rồi tránh xa kẻ lùng bắt nên trốn sang nước Ai Cập và âm thầm trở về làng quê Nazareth sống cuộc đời dân dã lao động. Khi tới tuổi trưởng thành, tam thập như lập, Chúa Giêsu công khai xuất hiện rao giảng tin vui cho mọi người. Chúa Giêsu đã đến với Gioan Tẩy Giả để lãnh nhận phép rửa sám hối. Chúa Giêsu đã hạ mình xuống tận đáy lòng sông để rồi từ đó, Chúa cất nhắc mọi người lên cùng Chúa: Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. “Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người.” (Mt 3,16). Thánh Matthêu ghi lại sự kiện: “Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta.” (Mt 3,17).

Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta cùng nhau ôn lại giáo lý về Bí tích Rửa Tội. Bí tích Rửa Tội còn được gọi là Bí tích Thánh Tẩy. Bí tích làm cho ta được sinh vào đời sống mới trong Chúa Kitô. Theo ý muốn của Chúa, Bí tích Thánh Tẩy cần thiết để được ơn cứu độ. Hoa trái của Bí tích là tha tội nguyên tổ và mọi tội riêng đã phạm để sinh vào đời sống mới. Nhờ đó, con người trở thành dưỡng tử của Chúa Cha, làm chi thể của Chúa Kitô và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Người lãnh nhận Bí tích Rửa Tội được gia nhập vào Hội Thánh Chúa Kitô và được tham dự vào chức Tư Tế của Người (x. GLCG, số 1279). Bí tích Rửa Tội in vào linh hồn dấu ấn thiêng thiêng không thể xoá nhoà. Mỗi người chỉ lãnh nhận Bí tích Rửa Tội một lần trong đời. Nghi thức Rửa Tội gồm có: bày tỏ sự đồng ý của ứng viên, Phụng vụ Lời Chúa, kinh cầu các Thánh, lời nguyện trừ tà và xức dầu dự tòng (OS), làm phép nước, hứa từ bỏ tà thần và tuyên xưng đức tin, nghi lễ rửa tội, xức dầu thánh (SC), trao áo trắng, trao nến sáng, cầu nguyện và phép lành.

Từ rất xa xưa, Hội Thánh đã có truyền thống ban Bí tích Rửa Tội cho các trẻ sơ sinh. Các trẻ sơ sinh được thanh tẩy trong đức tin của Hội Thánh và gia nhập đời sống Kitô giáo đạt tới tự do đích thực. Thừa tác viên của Bí tích Rửa Tội là các giám mục, linh mục, thầy sáu và trong trường hợp khẩn cấp, mọi tín hữu đều có quyền và có bổn phận rửa tội. Ngay cả người không trong đạo Công giáo cũng có quyền, nếu được cắt đặt trong trường hợp khẩn cấp (thí dụ: các y tá ở bệnh viện), miễn là làm theo đúng nghi thức và ý của Giáo Hội. Bình thường, Bí tích Rửa Tội được cử hành trong nhà thờ hay nhà nguyện của giáo xứ. Sau khi cử hành Bí tích Rửa Tội, cần phải ghi vào sổ bộ một cách rõ ràng tên của thừa tác viên, cha mẹ đỡ đầu và các nhân chứng.

Bí tích Rửa Tội cần thiết cho được rỗi linh hồn, nhưng chúng ta nhận biết lòng thương xót của Chúa mở rộng cho mọi người, dù chưa lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, họ cũng có thể được phần với Chúa, thí dụ: Kẻ trộm bị đóng đinh cùng Chúa Giêsu, anh ta thưa: Ông Giêsu ơi, khi vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi. Chúa nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23,42-43). Hoặc câu truyện ông Giakêu, Chúa Giêsu nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham.” (Lc 19,9). Vậy những người không lãnh nhận Bí tích Rửa Tội cũng có thể được ơn cứu độ là những người chết vì đức tin, tất cả những người tuy không biết Hội Thánh nhưng do ân sủng thúc đẩy mà chân thành tìm kiếm Chúa và nỗ lực chu toàn thánh ý Người (x. GLCG, số 1281).

Một vài cách thực hành mục vụ, ai cũng có thể rửa tội cho các thai nhi hay các trẻ em trong những trường hợp khẩn cấp. Những người lớn tuổi muốn được rửa tội để gia nhập đạo thánh Chúa cần có thời gian chuẩn bị học hỏi và tuyên xưng đức tin. Các ứng viên phải bày tỏ ý muốn được rửa tội, được hướng dẫn về sự thật của niềm tin và những bó buộc của đời sống Kitô hữu. Họ phải trải qua thời kỳ thanh luyện, chứng tỏ sự đổi mới và tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và Hội Thánh. Trong trường hợp nguy tử, những người này có thể lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, nếu họ có một sự hiểu biết về những nguyên lý sự thật của đức tin, bày tỏ ý muốn được lãnh nhận Bí tích và hứa tuân giữ các giới luật và điều răn của đạo Công giáo (x. GLCG, số 865).

Với các thừa tác viên ngoại thường: Xin đừng rửa tội cho một người đã trưởng thành, trừ khi họ thật sự yêu cầu hay thỉnh nguyện (request) được rửa tội. Đừng rửa tội cho một người lớn trong khi họ bị hôn mê (unconscious). Đừng rửa tội cho một người mà họ đã được rửa tội trong một Hội Thánh khác. Nếu chúng ta chỉ là thừa tác viên (giáo dân), cần nhớ rằng không nên rửa tội cho một người đã trưởng thành, nếu có các linh mục và phó tế có thể sẵn sàng hiện diện. Nếu các linh mục và phó tế chối từ rửa tội cho một người, thừa tác viên cũng đừng tự ý rửa tội cho họ. Nếu linh mục và phó tế chỉ dẫn rằng không nên rửa tội cho họ vì không cần thiết, các thừa tác viên giáo dân không nên rửa tội. Nghi lễ của Bí tích Rửa Tội là lấy nước lã đổ trên đầu kẻ lãnh Bí tích Rửa Tội, vừa đổ vừa đọc rằng: (Tên)… cha (tôi) rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Trong trường hợp khẩn cấp, sau khi rửa tội tại nhà thương, các thừa tác viên phải bá cáo đầy đủ chi tiết cho văn phòng để ghi vào sổ lưu và bá cáo cho giáo xứ thuộc quyền để ghi tên vào Sổ bộ rửa tội.

Bí tích Rửa Tội do Chúa Giêsu đã lập để sinh ta lại làm con Chúa và con Hội Thánh. Chính Chúa Kitô là Đấng ban phát mọi ân sủng cứu độ. Sách Tông đồ Công vụ đã tuyên xưng: “Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài.” (Cv 10,36). Chúng ta không dựa vào danh nào khác ngoài Danh Chúa Giêsu Kitô. Ngài là trưởng tử của mọi loài có uy quyền trên tất cả vạn vật: “Chúa Giêsu thành Nazareth. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.” (Cv 10,38). Chúa Giêsu là nguồn ban sự sống và là sự sống lại. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được sinh lại bởi nước và Chúa Thánh Thần. Chúng ta cùng được thông dự vào sự sống đời đời với Đức Kitô.

Lạy Chúa, Chúa đã bước xuống dòng sông Giođan để thánh hóa nguồn nước trong lành. Chúa đã lập Bí tích Thanh Tẩy để tẩy sạch tâm hồn chúng con khỏi vết nhơ tội khiên. Xin cho chúng con biết gìn giữ tâm hồn tinh sạch như chiếc áo trắng tinh tuyền của ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Chúng con sẽ cùng được chung hưởng hạnh phúc với Chúa trong cõi sống trường sinh.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Chia sẻ Bài này:

Related posts