Những anh hùng cứu độ

Chủ đề: “Thập giá là dấu chỉ của Tình Yêu, là lời mời gọi đến Tình Yêu và là sự mặc khải về Tình Yêu.”

Cách đây nhiều năm các rạp hát có chiếu một cuốn phim nhan đề Little Lord Fauntlroy (Tiểu chủ Fannilleroy) nói về một cậu bé 7 tuổi đến sống với ông nội là một người giàu có đang quản lý nhiều công nhân dưới quyền. Ông lão bản chất là con người ích kỷ và độc ác, nhưng cậu nhỏ quá thần tượng ông mình, nên không thể nhận ra điều đó. Cậu lại nghĩ ông mình quảng đại và tốt bụng. Cậu bé thường nói với người ông: “Nội ơi! Thiên hạ chắc hẳn yêu ông biết dường nào! Cháu dám cá là họ yêu nội hầu như cũng nhiều bằng cháu yêu nội vậy !”.

Ðể rút ngắn câu chuyện, tình yêu của cậu bé dần dà làm mềm mại trái tim ông già, và ông đã trở nên loại người tốt mà đứa cháu vẫn nghĩ cho ông.

Câu chuyện này giống như một dụ ngôn của Chúa Giêsu cho thấy tình yêu Ngài dành cho chúng ta có thể thay đổi chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để trở nên loại người giầu yêu thương như Ngài vẫn thấy nơi tiềm năng chúng ta.

Tình yêu nằm nơi trọng tâm lời dạy và cuộc đời Chúa Giêsu. Và trong tất cả hành vi của Chúa Giêsu, không hành vi nào biểu lộ tình yêu Ngài rõ rệt hơn việc Ngài bị đóng đinh trên thập tự.

Và điều gì khiến cho việc chịu đóng đinh thập tự là bằng chứng hùng hồn về tình yêu của Chúa Giêsu như thế?

Trước hết, việc chịu đóng đinh thập tự là DẤU CHỈ gây ấn tượng sâu sắc về tình yêu vĩ đại Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: “Không tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15 : 13). Tôi rất vui mừng vì Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta dấu chỉ vĩ đại ấy, chúng ta cần biết rằng mình đáng yêu vì nếu chúng ta không thấy mình đáng yêu, chúng ta không thể yêu mến kẻ khác được. Tại sao chúng ta không thể yêu nếu không thấy mình đáng yêu? Lý do đơn giản: Tình yêu là một món quà tự hiến. Và nếu chúng ta không thấy mình là đáng yêu và vì thế đáng giá, thì chúng ta sẽ không trao tặng chính mình cho kẻ khác đựơc. Nói tóm lại, chẳng ai đem đồ rác rưởi cho kẻ mình khâm phục sâu xa. Vì thế điều đầu tiên mà sự đóng đinh thập giá đem lại chính là dấu chỉ tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Chúng ta đáng giá và đáng yêu đến mức Ðức Giêsu tự hiến mạng vì chúng ta.

Thứ đến, bên cạnh dấu hiệu của tình yêu, việc chịu đóng đinh cũng là lời mời gọi đến với tình yêu. Ðây là một cách diễn tả bằng hình ảnh điều mà Chúa Giêsu đã thường dùng ngôn từ để nói: “Các con hãy thương yêu nhau như Ta đã yêu thương các con”(Ga.15, 12).

Tôi rất vui mừng vì Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta như thế chứng tỏ Ngài nghĩ rằng tình yêu của chúng ta là quí giá. Ngài dạy chúng ta rằng chúng ta có thể giúp đỡ kẻ khác bằng tình yêu của mình giống như Ngài đã dùng tình yêu của Ngài để giúp đỡ chúng ta.

Các bậc tôn sư cho chúng ta thấy rằng lòng tự trọng của tuổi trẻ sẽ tiến bộ rất nhiều khi họ khám phá ra tình yêu của họ là đáng giá. Chúng ta có thể thấy đựơc sự đổi thay sâu xa khi một sinh viên dấn thân vào một chương trình phụng sự chẳng hạn: dạy kèm thêm cho các sinh viên lớp nhỏ hơn, đọc sách cho người mù nghe, hoặc thăm viếng người già cả. Thường đây là lần đầu tiên họ khám phá ra mình có giá trị, mình có khả năng giúp đỡ tha nhân.

Như thế, điều thứ hai mà thập giá chúng ta đem lại là lời mời gọi chúng ta yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Nó giúp chúng ta khám phá được tình yêu chúng ta là đáng giá, chúng ta có thể dùng tình yêu của mình để giúp đỡ tha nhân.

Thứ ba, ngoài dấu chỉ tình yêu chúng ta như lời mời gọi đến với tình yêu, thập giá Chúa Giêsu còn là sự mặc khải cho chúng ta về tình yêu rằng tình yêu thương kéo theo đau khổ.

Tôi rất vui mừng vì Chúa Giêsu đã mặc khải điều ấy cho chúng ta, vì điều ấy chống lại sự dối trá đang liên tục xẩy ra hằng ngày trên màn ảnh truyền hình cho rằng người ta có thể gíup kẻ khác mà mình chẳng phải mất mát gì hết. Vị bác sĩ trên truyền hình cứu chữa bệnh nhân mà bản thân chẳng hề đau khổ gì cả. Vị luật sự trên truyền hình bảo vệ cho kẻ bị áp bức bóc lột mà bản thân ông chẳng bị đau thương gì hết. Viên sĩ quan cảnh sát cứu đứa bé bị đối xử tàn nhẫn mà chính ông không hề bị đối xử tệ như vậy bao giờ. Giáp bào sáng loáng của những anh hùng cứu độ trên truyền hình này chỉ dơ bẩn thôi chứ chẳng bao giờ bị mẻ hay bị hư. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy yêu thương và giúp đỡ kẻ khác bao giờ cũng kéo theo đau khổ cho chính mình.

Không đau khổ sao được khi phải nhẫn nại với một kẻ thân yêu quát mắng chúng ta.

Không đau khổ sao được khi phải thứ tha giống như ông bố của đứa con hoang đàng và phải đón đứa con ương ngạnh trở về nhà.

Không đau sao được khi phải khiêm tốn nhìn nhận giống cậu con trai hoang trong câu chuyện ấy rằng mình đã sai lầm.

Ðôi khi tôi nghĩ: nếu chúng ta có luật bắt buộc phải ghi trên bao bì những thực phẩm có hai dòng chữ: “thực phẩm này có thể hại cho sức khoẻ bạn” thì chúng ta cũng nên có luật là các chứng thư hôn thú phải được ghi thêm dòng chữ sau: “Tình yêu chắc chắn kéo theo đau khổ”.

Ðiều này dẫn chúng ta tới chủ điểm sau cùng là: chúng ta nên vui mừng khi cảm thấy đau khổ vì đã dấn thân vào tình yêu. Chúng ta nên vui mừng khi phải đau khổ với cùng một người về cùng một việc hết ngày này qua ngày nọ. Chúng ta nên vui mừng khi cảm thấy đau khổ vì bị mất đi một cơ hội để hãnh diện, hoặc mất đi một vinh dự hay một dịp thăng quan tiến chức.

Tại sao chúng ta lại nói lên một điều khó tin như thế? Arthur Godfrey ngôi sao truyền hình trước đây có cho chúng ta lời giải thích tuyệt vời trong bài viết đăng trong cuốn “The Guideposts Treasury of Faith (1970) (Cẩm nang hướng đạo đức tin). Trên bức tường nơi văn phòng làm việc của mình, Godfrey thường treo một tấm biển ghi : “Lạy Chúa, con thà chịu lửa đốt hơn là phải làm vật phế thải”.

Godfryey nói rằng tấm biển đề nhắc ông câu chuyện về bác thợ rèn nọ, dù phải chịu nhiều tai ương mà vẫn vững tin nơi Chúa. khi một kẻ vô đạo hỏi bác ta làm thế nào bác có thể vẫn giữ niềm tin vào Chúa dù chịu biết bao tai ương, bác liền trả lời: “Khi tôi chế tạo một dụng cụ, tôi thường lấy một thanh sắt và nung lửa. Ðoạn tôi đập nó trên đe để xem nó có độ cứng không. Nếu có, tôi sẽ chế ra một dụng cụ hữu ích, nếu không tôi quẳng nó vào đống sắt vụn hết xài”.

Câu chuyện trên dẫn chúng ta trở lại chủ điểm của mình. khi chúng ta chịu đau khổ vì tình yêu, chúng ta có thể hoan hỉ vì biết rằng Chúa đang sử dụng chúng ta.

Tóm lại, sự kiện Chúa Giêsu bị đóng đinh thập tự là Dấu chỉ Tình yêu Ngài dành cho chúng ta, là lời mời gọi chúng ta yêu mến tha nhân, đồng thời cũng là sự mặc khải về tình yêu tức là tình yêu luôn kéo theo đau khổ.

Ðể kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin dạy chúng con yêu mến Ngài cho xứng đáng, xin dạy chúng con yêu tha nhân như Ngài yêu chúng con.
Xin dạy chúng con yêu cho dù yêu là đau khổ,
Bởi vì qua tình yêu chúng con tôn vinh Chúa,
Qua tình yêu chúng con mang hạnh phúc cho tha nhân,
Và qua tình yêu chúng con tìm đựơc ý nghĩa của cuộc sống mình.
Amen.

Cha Mark Link, SJ

Người Tín Hữu

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment