Nhiệm tích Thánh Thể Nhiệm Màu

Bài Tin Mừng hôm nay (CN.XII/TN-A) trình thuật sự kiện Đức Giê-su ban diễn từ tại hội đường Ca-phac-na-um (Ga 6, 51-58). Trong diễn từ, khi Đức Giê-su nói: “Tôi là bánh từ trời xuống”, thì đám người Do-thái đã xầm xì: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?” Tới khi Đức Ki-tô nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”, thì họ lại càng sôi nổi bàn tán: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Họ càng tranh luận dữ dội hơn khi Đức Giê-su khẳng định: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” Thánh sử Mac-cô còn cho biết đám kinh sư Do-thái (kể cả những thân nhân của Đức Giê-su) khi nghe Người giảng dạy, đều cho là Người mất trí, bị quỷ ám. (Mc, 20.22.30).

Cứ kể ra, với con người trần tục, việc ăn thịt người thật là ghê tởm, khủng khiếp, không thể chấp nhận. Đám đông phàn ứng như vậy thì có thể hiểu được, vì họ đi theo Người (sau phép lạ “hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất”) cốt ý chỉ cần được no bụng, chớ không phải vì họ tin tưởng Đức Giê-su là Thiên Chúa (“Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” – Ga 6, 26). Tuy nhiên, với các môn đệ ở liền bên mà khi nghe Thầy nói vậy cũng thốt lên: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”; thậm chí khi bị quở trách, thì “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.” (Ga 6, 61… 66); thì quả thật… hết biết! Đó chẳng qua cũng bởi bản tính cố hữu của con người chỉ nhìn vấn đề theo cái nhãn quan thiển cận của “con mắt thịt” (nhục nhãn) nên mới “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6, 52). Rõ ràng là đám đông (kể cả các môn đệ) đã thiếu cái nhãn quan “nhìn linh thị” (Ds 24, 16), không thấy được vấn đề ở đây là Lời Chúa cần phải hiểu theo “nghĩa thiêng liêng” (nghĩa bóng) hơn là “nghĩa chiểu tự” (nghĩa đen) của ngôn ngữ (T/H “Lời Chúa”, số 27).

Hiểu theo nghĩa thiêng liêng cũng tức là một cách tìm hiểu, học hỏi Thánh Kinh theo chiều kích thần học tâm linh hơn là triết học văn tự. Nói cách khác là thông qua nghĩa chiểu tự, phải cậy nhờ vào Thần Khí soi sáng mà hiểu được ý nghĩa thiêng liêng vốn được ẩn dụ bên trong ngôn ngữ nói và viết (văn tự). Vâng, “Theo nghĩa này, định nghĩa của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh dành cho nghĩa thiêng liêng, theo cái hiểu của đức tin Ki-tô Giáo, vẫn còn hoàn toàn giá trị: nó là “nghĩa được bản văn thánh phát biểu khi đọc, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, trong ngữ cảnh mầu nhiệm vượt qua của Chúa Ki-tô và sự sống mới phát sinh từ ngữ cảnh kia. Ngữ cảnh này thực sự hiện hữu. Trong đó, Tân Ước nhìn nhận sự nên trọn của Sách Thánh. Bởi thế, ta được phép đọc lại Thánh Kinh dưới ánh sáng của ngữ cảnh mới này, một ngữ cảnh của sự sống trong Chúa Thánh Thần” (T/H “Lời Chúa”, số 27).

Dù sao cũng cần phải nhớ rằng: “thời các Giáo phụ và thời trung cổ, mọi hình thức chú giải, kể cả hình thức chiểu tự, cũng đều được tiến hành trên căn bản đức tin, mà không nhất thiết phải phân biệt giữa nghĩa chiểu tự và nghĩa thiêng liêng. Về phương diện này, người ta có thể nhắc tới 2 câu thơ trung cổ diễn tả mối tương quan giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh: “Littera gesta docet, quid credas allegoria, Moralis quid agas, quo tendas anagogia” (Chữ đen nói tới việc làm; ẩn dụ nói về đức tin; Luân lý nói tới hành động; loại suy nói về số phận ta)… Tóm lại, dù vẫn nhìn nhận giá trị và sự cần thiết, cũng như các giới hạn của phương pháp phê bình lịch sử, ta vẫn học được từ các Giáo phụ điều này: việc chú giải chỉ “thực sự trung thành với ý định của chính các bản văn thánh khi nó không những đi vào trái tim của câu nói để tìm ra thực tại đức tin được diễn tả ở đó, mà còn tìm cách nối kết thực tại này với kinh nghiệm đức tin trong thế giới ngày nay của ta”. Chỉ trong viễn tượng này, ta mới có thể nhận ra Lời Chúa đang sống động và đang nói với mỗi người chúng ta ngay tại đây và lúc này trong đời sống ta.” (T/H “Lời Chúa”, số 27).

Khi đã hiểu Lời dạy của Đức Giê-su theo nghĩa thiêng liêng (nghĩa ẩn dụ), sẽ thấy rõ ràng Người chính là “tấm bánh được bẻ ra” cho những kẻ tin và chỉ có những kẻ tin mới thực sự được ăn Thịt và uống Máu của chính Con-Thiên-Chúa-làm-người. Người vâng lệnh Chúa Cha xuống thế mặc xác phàm làm của lễ toàn thiêu trong hy tế thập giá để cứu chuộc nhân loại, thì đó chẳng phải là “Tấm Bánh từ trời xuống” đó sao? Khi thực hiện sứ vụ, thân mình Người đã bầm giập vì đòn roi, tan nát vì gươm giáo tội lỗi loài người; cho đến khi đã tử nạn trên thập giá, còn bị lưỡi đòng đâm thấu tâm can làm Máu cùng Nước trào ra; như vậy thì chẳng phải những kẻ được cứu độ đã được ăn Thịt và uống Máu Người đó sao? Lời Chúa “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” đã trở thành hiện thực và chỉ những “con mắt đức tin” mới nhìn ra được căn tính của vấn đề.

Trong mỗi Thánh Lễ – một cuộc tái hiện Hy tế Thập Giá Chúa Ki-tô – thì việc cử hành Bí tích Thánh Thể là trung tâm điểm, là trọng điểm. Khi tiến hành nghi thức Truyền Phép Thánh Thể, vị chủ tế nhắc lại chính Lời của Đấng Cứu Độ: “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em” và “Đây là chén Máu Thầy, Máu Giao ước mới, Giao ước vĩnh cửu”. Tất cả là Tấm Bánh huyền diệu nằm trong một trái tim ngút ngàn Máu và Nước (Máu dưỡng nuôi + Nước thanh tẩy) của suối nguồn Tình Yêu. Mầu nhiệm Thánh Thể chính là trọng tâm của đời sống Giáo Hội. Mà Giáo Hội là một cộng đồng hiệp thông với nhau và với Thiên Chúa Ba Ngôi, nên toàn thể Giáo Hội đều cùng uống chung một chén, cùng ăn chung một tấm bánh, để cùng thi hành chung một sứ vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Độ (“Người đã thiết lập trong Giáo Hội của Người nhiệm tích Thánh Thể kỳ diệu, vừa là dấu chỉ vừa thể hiện sự hiệp nhất của Giáo Hội. Người ban cho các môn đệ Người một giới răn mới là tình yêu thương nhau, và hứa ban Thánh Thần an ủi, Ðấng vừa là Chúa vừa ban sự sống để ở với họ mãi mãi” – Sắc lệnh về Hiệp Nhất “Unitatis Redintegratio”, số 2).

Từ lời nguyện hiến tế của Đức Ki-tô: “Xin cho tất cả nên một, lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho họ cũng được ở trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 21), Thánh Phao-lô đã xác quyết: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10, 17). Như vậy, Thánh Thể là nguồn sự hiệp nhất và là biểu tượng điển hình nhất của Giáo Hội, không những giữa Giáo Hội với Thiên Chúa Ba Ngôi mà còn là sự hiệp thông trong Giáo Hội với nhau. Đây là sự hiệp thông huynh đệ được rộng mở để yêu thương, cảm thông và tha thứ cho nhau, hỗ trợ nhau cùng được đón nhận Ơn Cứu Độ từ nơi Đầu của Thân Thể là Đức Giê-su Ki-tô. Nói Giáo Hội là Nhiệm Thể Đức Ki-tô chính là vì thế.

Xin đi từ đơn vị nhỏ nhất, cơ bản nhất của xã hội, của Giáo Hội, đó là gia đình. Muốn cho gia đình được hiệp thông, thì tiên vàn mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình phải biết dẹp bỏ những tự ái riêng tư, phải biết quên đi “cái tôi” để sống với nhau bằng một Tình Yêu đích thực. Cứ tự hỏi khi Thiên Chúa dựng nên loài người, thì tại sao Người không dựng nên chỉ một giống (nam hoặc nữ) cho đỡ phiền toái, mà lại là “có nam có nữ”? Tại sao sự đối kháng giới tính không nhằm để tiêu diệt lẫn nhau mà là bổ sung cho nhau, hoà hợp cùng nhau nên một tổng thể toàn bích, hoàn thiện (“một xương một thịt”)? Rõ ràng cái gia đình đầu tiên của loài người được khai sinh từ Tình Yêu, nên sẽ triển nở và tồn tại mãi trên nền tảng Tình Yêu đó. Và khi không còn Tình Yêu trên trái đất này, loài người sẽ bị huỷ diệt, đó là hệ quả tất yếu.

Phải chăng những dục vọng thấp hèn không xuất phát từ Tình Yêu đã làm nảy sinh những ghen ghét tị hiềm, những đố kỵ nhỏ nhen, những oán giận thù hằn, để đi tới những khủng bố đẫm máu, những chiến tranh tương tàn? Cho nên, câu cách ngôn “Tu thân –> Tề gia –> Trị quốc –> Bình thiên hạ” vẫn luôn luôn đúng với con người, đặc biệt là với con-người-Kitô-hữu muốn “nên thánh giữa đời”. Muốn “tu thân” để nên thánh, để thành “những người lớn nhất Nước Trời”, điều kiện ắt có và đủ là phải “trở nên như những trẻ nhỏ” (Mt 18, 1-4), hay nói khác hơn là phải quay về với đời sống “nhân bản”, quay về với “cái gốc của con người” (“Nhân chi sơ, tính bản thiện”: người mới sinh tính vốn lành), với chính sự thánh thiện ban đầu mà Thiên Chúa đã trao ban. Mà cái gốc của con người – nền tảng của nhân sinh quan Thiên Chúa Giáo – lại chính là Tình Yêu, vì thế nên xin hãy sống và làm việc bởi Tình Yêu, vì Tình Yêu, cho Tình Yêu đích thực là chính Thiên-Chúa-Tình-Yêu.

Lo cho bản thân (tu thân) để cùng chung lo cho gia đình (tề gia) mới có thể tiến tới xây dựng cho đất nước (trị quốc) và kiến tạo hòa bình cho thế giới (bình thiên hạ). Với Ki-tô Giáo thì khi trong gia đình đã thực sự sống trong bầu khí hiệp thông, nhiên hậu mới có thể nói tới sự hiệp thông trong Giáo xứ, trong Giáo phận, tiến tới Giáo Hội hoàn vũ. Và cũng từ đó – từ sự hiệp thông cơ bản ấy – vấn đề hiệp nhất các Giáo hội ly khai (vấn đề đại kết) trên toàn cầu mới gặt hái được thành công mỹ mãn như mong ước và hy vọng của toàn thể Giáo Hội (“Khi bảo toàn sự hiệp nhất trong những điều thiết yếu, hết mọi người trong Giáo Hội, tùy theo chức vụ được giao phó, cần giữ sự tự do phải có trong những hình thức khác nhau về đời sống thiêng liêng và kỷ luật trong các lễ nghi phụng tự và ngay cả trong việc khảo cứu thần học về các chân lý mạc khải: nhưng trong mọi việc, hãy thực hành đức bác ái. hành động như thế, chính họ sẽ biểu hiện càng ngày càng đầy đủ hơn tính cách công giáo và tông truyền chính danh của Giáo Hội” – Sắc lệnh về Hiệp Nhất “Unitatis Redintegratio”, số 4).

Biểu tượng tuyệt vời của tính hiệp thông trong Hội Thánh Chúa là hình ảnh một tấm bánh trên bàn tiệc cộng đồng dân Chúa, một cây nho sum suê cành lá, hoa quả tốt tươi. Mỗi Ki-tô hữu là một chi thể đều được hút nhựa từ thân cây nho, đều được chia phần từ tấm bánh Giê-su Ki-tô. Vậy hãy làm sao cho mọi người – cả trong và ngoài Giáo Hội – đều cùng được chung hưởng như chính bản thân mình. Đó không những là trách vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi thành phần Dân Chúa. Và đó cũng chính là một phương thế thi hành sứ vụ truyền giáo cách cụ thể và đắc lực nhất, đáp trả hồng ân của Chúa Thánh Linh (“Ý nghĩa sống động của việc thông hiệp trong Giáo Hội là ơn của Chúa Thánh Thần, đòi hỏi ta một sự đáp ứng tự do. Nó sẽ làm nẩy sinh hoa trái quí giá, tức là việc phôí hơp nhịp nhàng, trong Giáo Hội “duy nhất và Công Giáo”, tính cách khác biệt phong phú của các ơn gọi và các hoàn cảnh sống, các đoàn sủng, các thừa tác vụ, các công tác và trách nhiệm; hoa trái đó cũng là việc hợp tác đầy xác tín và quyết tâm hơn nơi các nhóm, các hiệp hội và các phong trào của các tín hữu giáo dân trong việc liên đới chu toàn sứ mạng cứu độ chung của chính Giáo Hội” – Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân “Christi Fideles Laici”, 64).

Xin được thắp sáng NIỀM TIN VÀ HY VỌNG vào truyền thống HIỆP THÔNG và mục đích HIỆP NHẤT trong TẤM BÁNH LỜI CHÚA của Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền: “Thánh Công Ðồng cũng tuyên bố là mình luôn ý thức rằng ý nguyện thánh thiện giao hòa toàn thể Ki-tô hữu trong sự hiệp nhất của Giáo Hội duy nhất và độc nhất của Chúa Ki-tô vượt quá sức lực và khả năng loài người. Vì thế, Thánh Công Ðồng đặt hết hy vọng vào lời Chúa Ki-tô nguyện cầu cho Giáo Hội, vào tình thương của Chúa Cha đối với chúng ta và vào quyền lực của Chúa Thánh Thần. “Hy vọng không bị hổ thẹn: vì tình yêu của Thiên Chúa giãi khắp lòng ta nhờ Chúa Thánh Thần, Ðấng đã được ban cho ta – Rm 5, 5” (“SL về Hiệp Nhất”, số 4).

Và, một lần nữa xin được chắp tay nguyện cầu cho sự hiệp thông, hiệp nhất của Giáo Hội Ki-tô Giáo “Nhân danh Chúa Cha † và Chúa Con † và Chúa Thánh Thần † ”. Ôi! “Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô).

JM. Lam Thy ĐVD.

Chia sẻ Bài này:

Related posts