Lữ khách không tên trên đường Emmau

Cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế tại Pháp thời hậu thế chiến thứ hai đã mời gọi Linh Mục Pierre dấn thân hết mình cho những người nghèo nhất và bị bỏ rơi, những người nghèo phải đi lượm rác để sống sót. Lúc đó Cha lên tiếng trên đài phát thanh Luxembourg kêu gọi: “Quá nhiều sự nghèo đói cho những người này, và quá dư thừa sự giàu sang cho những kẻ khác! Ðiều khẩn thiết cần làm ngay là Chia Sẻ!”

“Linh Mục Pierre” có tên thật là Henri Grouès, sinh tại Lyon, bên Pháp, vào năm 1912, trong một gia đình khá giả. Năm lên 18 tuổi, Henri Grouès, tức “Linh Mục Pierre” sau này, đã quyết định từ bỏ tất cả phần gia tài, để tận hiến hoàn toàn cho Chúa, trong đời tu dòng, theo tinh thần tu đức của Thánh Phanxicô Khó Khăn, tức dòng Ca-pu-xinh. Nhưng vì lý do sức khoẻ, Henri Grouès phải rời bỏ tu viện sáu năm sau đó. Tuy nhiên Henri Grouès không từ bỏ lý tưởng tận hiến để phục vụ; anh gia nhập hàng giáo sĩ giáo phận Grenoble, và được thụ phong linh mục năm 1938, lúc 26 tuổi. Thế chiến thứ hai bùng nổ, Cha Henri Grouès, bị động viên quân dịch, trong cấp bậc hạ sĩ quan quân đội Pháp, chống xâm lăng Ðức. Năm 1942, Cha hoạt động trong hàng ngũ lực lượng kháng chiến Pháp chống quân đội Ðức quốc xã. Trong khoảng thời gian từ năm 1941 cho đến năm 1943, Cha đã giúp cho nhiều người do thái vượt biên giới trốn sang Thuỵ Sĩ. Và cũng trong thời gian này mà Cha lấy biệt hiệu là “Linh Mục Pierre.” Năm 1944, Cha bị quân đội Ðức bắt giữ, nhưng sau đó cha trốn thoát sang Algêri, qua ngã Tây Ban Nha.

Năm 1949, tại vùng ngoại ô phía đông thành phố Paris, Cha Henri Grouès thành lập Cộng Ðoàn Emmau đầu tiên, để giúp cho những anh chị em nghèo cùng nhất, không nhà không cửa, phải đi lượm rác thành phố để sống qua ngày. Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Pháp thời hậu chiến vào năm 1954, làm cho hàng ngàn gia đình sống ngoài đường phố, đã khổ nay lại khổ thêm nữa. Nhiều người lớn và trẻ nhỏ phải chết vì lạnh. Linh Mục Henri Grouès, với biệt hiệu là “Linh Mục Pierre”, đã dùng các làn sóng phát thanh để thức tỉnh lương tâm con người và kêu gọi toàn dân Pháp lúc đó hăy thực hiện cuộc “Phục Sinh của Lòng Tốt.” Tiếng kêu của Cha vang xa, ra ngoài ranh giới Pháp. Những cộng đoàn Emmau khác được thành lập tại Genève, Thụy Sĩ, vào năm 1957. Và hiện nay, tại Thụy Sĩ đã có sáu “Cộng Ðoàn Emmau.” (Ðặng Thế Dũng, Radio Veritas)

Cộng đoàn Emmau phần nào phản ảnh tình yêu của Đức Giêsu Phục sinh. Hôm nay Tin Mừng thuật lại hai vị tông đồ trên đường Emmau tình cờ gặp một lữ khách không tên, đi cùng suốt 11 cây số từ Giêrusalem. Qua trò chuyện, trao đổi, nhị vị biến đổi tâm trạng từ đau buồn sang hân hoan, phấn khởi và hy vọng.

Đồng hành

Lữ khách không tên chẳng hề hỏi quý danh hai vị tông đồ, cũng chẳng hề tự giới thiệu mình là ai, mà mặc nhiên thoải mái y như bạn bè cố tri, thân thiết lâu năm. Lữ khách không tên còn tỏ ra gần gũi, xởi lởi, cởi mở, lôi cuốn, thuyết phục và gắn bó đồng hành.

“Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. “(Lc 24, 15-17)

Trên nẻo đường đời, Đức Giêsu luôn nhập vai một lữ khách thân thiết nào đó, đồng hành với mỗi người trong từng giây phút cuộc đời. Nhưng con mắt đức tin vẫn thường bị ngăn cản, không nhận ra Người, vì cái tôi vị kỷ, kiêu căng, tự phụ, hẹp hòi đố kỵ, tham lam, vô cảm che khuất, dửng dưng với tha nhân, vì cái bả danh lợi che chắn tầm nhìn. Làm sao nhận ra Người đang hiện diện qua người khác? Qua những người thân thương lẫn xa lạ? Qua những thân phận đau khổ, tật nguyền, bệnh tật, khó nghèo, bị khinh bỉ, chà đạp, bị đàn áp, bị tù đày, bị bỏ rơi?

Lữ khách không tên đồng hành còn sưởi ấm tâm hồn hai vị tông đồ đang giá lạnh buồn sầu, lo âu và thất vọng, đốt cháy lên ngọn lửa hy vọng sáng ngời, rạng rỡ, nóng bỏng, qua Lời Chúa.“Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32)

Từ Lời Chúa, lữ khách không tên khéo léo dẫn dắt họ vào bàn Tiệc Thánh Thể cao quý, sang trọng, khiến “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người:” Đức Giêsu Phục Sinh! Chính nhờ lời tha thiết khẩn cầu đã níu chân lữ khách, Đức Giêsu thân mật ở lại. Người vô cùng nhân từ, yêu thương với ai hằng ao ước hạnh ngộ với Người.

Bây giờ, Người vẫn còn tiếp tục đồng hành, hướng dẫn, chỉ dạy từng Kitô hữu trên nẻo đường hy vọng qua Lời Chúa khôn ngoan, thánh thiện và qua nhiệm mầu Thánh Thể, suối nguồn Tình Yêu.

Chí nhân, chí ái

Vì quá sức nhân từ, độ lượng, khiêm ái, Đức Giêsu đã không hề khiển trách nhị vị tông đồ, bỏ về quê nhà, thiếu niềm tin cậy mến vào Người, chẳng nỡ xúc phạm hay hạch hỏi, nên mới nhập vai lữ khách không tên gợi chuyện làm quen. Người làm bộ ngạc nhiên chẳng biết chuyện chi vừa xảy ra ở Giêrusalem. Nhân câu trả lời của Tông đồ Clêophas, Người mới nhẫn nại, ôn tồn giảng dạy: “Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người.” Người lý giải cặn kẽ lịch sử cứu độ của Đức Giêsu, tiệm tiến từng thời kỳ các ngôn sứ. Thế rồi, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa, xem nhị vị môn đệ có tha thiết, mong muốn Người ở lại chăng.

Hai môn đệ liền thiết tha khẩn khỏa xin Người ngụ lại: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. (Lc 24, 29)

Không phải Người làm bộ, giả vờ để tỏ ra kênh kiệu cao giá, hay vờ vịt như thói đời gian trá, ma mãnh, thủ đoạn, mà chính vì người chí nhân, chí ái, chỉ biết yêu thương và tha thứ, chậm bất bình và rất khoan dung, không muốn o ép, áp lực với bất cứ ai nhìn nhận hay đón tiếp Người. Luôn tôn trọng quyền tự do cá nhân, quyền quyết định, lẫn tính cảm, tâm tư, nguyện vọng từng người. Người cũng không bao giờ trách móc lỗi lầm đã qua, chắng nhắc đến sự bội phản, yếu đuối, vấp phạm của các môn đệ, đã bỏ rơi Thầy chịu nạn oan ức.

Chúng ta thấy ở đây trí nhớ của Chúa Giêsu dường như không còn làm việc nữa! Ngài quên vô điều kiện, quên tức khắc tất cả quá khứ không hay không tốt của ta, mỗi khi chúng ta quay trở về. Ngài chỉ nhớ mỗi người là con Cha Ngài, là em Ngài, nên khi ta quay lại gặp Ngài, thì tức khắc ta lại được mặc áo vinh hiển sự sống của Thiên Chúa. (ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, Tại sao tôi chọn Chúa?)

Sự hiện diện âu yếm và phấn khởi của bạn thân, sự hiện hiện dịu hiền và thắm thiết của người mẹ, sự hiện diện đầy tín nhiệm và tri ân của khách quý. Tất cả tình yêu, tất cả dịu dàng, tất cả vinh dự ấy sánh với sự hiện diện Chúa bên con, còn xa vời hơn trời xa đất muôn ngàn lần. (Đường Hy Vọng, số 236)

Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với chúng con, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn. Xin đốt cháy lòng mến chúng con bằng Lời Chúa. Xin đổi mới và tái sinh chúng con bằng Thánh Thể Người.

Lạy Mẹ Maria, xưa kia mẹ đồng hành cùng Đức Giêsu suốt 33 năm trần thế, nay xin Mẹ đồng hành cùng chúng con trong suốt cuộc đời, để chúng con mãi nhận được hồng ân cứu độ của Chúa. Amen.

AM Trần Bình An

Chia sẻ Bài này:

Related posts