- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Không còn ai là kẻ thù

Zenkai là một thanh niên, con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ. Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.

Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.

Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy. Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời. Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia, bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:

“Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi.” Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha. Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai. Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.

Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:

“Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?” (Lẽ Sống)

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, qua ngòi bút của thánh Mat thêu, Đức Giêsu khuyên nhủ những đức tính cần thiết đề thực thi luật mến Chúa yêu người. Đó là nhẫn, xả và ái.

Nhẫn

Chữ nhẫn trong hán tự gồm chữ đao, con dao, bên trên chữ tâm, trái tim. Hàm ý gặp chuyện xấu, mà chẳng chịu nhẫn nhịn, thì tránh sao được đớn đau, như dao đâm thấu tim. Có nhẫn nhịn thì mới chuyển hóa nguy thành an, bại thành thắng, dữ thành lành. Cuối thời Xuân Thu, hai nước Ngô và Việt xảy ra chiến tranh. Vua Ngô là Phù Sai đánh bại nước Việt, bắt vua Việt là Câu Tiễn làm nô lệ trong ba năm. Câu Tiễn nhẫn nhục nằm gai nếm mật, quyết tâm tiêu diệt nước Ngô để báo thù. Cuối cùng, nước Ngô bị mất về tay nước Việt.

Trong suốt ba năm rao giảng, Đức Giêsu luôn nhẫn nhục trước những xúc phạm thô bạo, khiêu khích, chống đối, oán ghét, thù địch từ quý thầy tư tế, quý luật sĩ, quý Biệt phái, quý Sa đốc phái, vì Người vốn là “Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung.”(Tv 85) Người chính là tấm gương nhẫn nhịn sáng chói. Đỉnh điểm là trong cuộc tử nạn đau đớn ê chề, Người không hề phản ứng trước những lời nói, cử chỉ lăng nhục, phỉ báng, xỉ vả, chế giễu, khinh bỉ, cũng như những lời vu oan cáo vạ những tội tày đình, đáng bị tử hình.

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.”(Mt 5, 39-40)

Xả

Nhẫn, chính là thể hiện bản lĩnh của con người. Nhưng để có thể nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục, tiên vàn cần phải xả kỷ vị tha, xả đi mọi tự ái, vị kỷ, xả thân, bỏ đi chính cá nhân mình, với những cám dỗ kiêu căng, tự đắc, tự phụ, hãnh tiến. Từ bỏ mình đi, mới có thể chấp nhận, đón chào tha nhân, mới có thể tôn trọng, quý mến người khác. Có coi nhẹ mình, mới chân thành kính trên, nhường dưới, làm tôi mọi, phục vụ, Ôsin của mọi người.

Bao lâu còn coi mình là đinh của tập thể, của cộng đoàn, giáo xứ, thì tầm thường hóa, vùi dập kẻ khác, coi thiên hạ chỉ đơn thuần là phương tiện tiến thân cho mình, muốn muôn người ca khen, tôn vinh mình mãi.

Xả kỷ còn có nghĩa phá chấp ngã như bên Phật giáo quan niệm, không coi mình là gì hết, để có có thể vị tha, sống cho người, chết cho người. Hy sinh, dấn thân phục vụ tha nhân, mới có thể nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục.

“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.” (Lc 9, 23)

Vì thế, mới có thể sẵn sàng phục vụ tha nhân, làm vui lòng tha nhân, nhường nhịn, nâng đỡ, ân cần trợ giúp, đáp ứng yêu cầu khẩn thiết cấp bách. Chẳng hề kêu ca, phàn nàn vất vả mệt nhọc.

Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi.”(Mt 5, 41 -42)

Ái

Nếu chỉ dừng lại chữ nhẫn thì mới thành nhân, hay đúng hơn là kẻ sỹ, quân tử tàu, tự giải thoát khỏi vòng tục lụy, an phận trong vỏ ốc riêng tư. Nếu còn thêm xả kỷ vị tha, nhân ái, thì mới xứng làm môn đệ của Đức Giêsu. Bỏ đi tất cả mình có, bỏ đi cả danh giá, thể diện, để bao dung, tha thứ, thương yêu kẻ thù hằn, vì lòng mến Chúa yêu người, mới là người Kitô hữu chính hiệu. Thiếu lòng nhân ái, thiếu đức mến, thì chưa thể nào thành môn đệ chân truyền của Đức Giêsu.

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5, 44 -45)

Nếu con hiểu biết hạnh phúc được làm con Chúa, thì những điều sỉ nhục không thấm gì con và những lời hoan hô cũng chẳng thêm gì cho con.” (Đường Hy Vọng, số 506)

Lạy Chúa Giêsu, Người đã cam chịu nhẫn nhục, bao dung từ bi, tha thứ nhân hậu, xin dạy chúng con thấm nhuần, thấu đáo Lời Chúa, ghi lòng tạc dạ, để có thể thành tâm thi hành luật Tình Yêu.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã âm thầm chịu đựng bao lời dèm pha, đố kỵ, ganh ghét, thù hằn, khi đồng hành cùng Đức Giêsu bôn ba rao giảng, xin dạy chúng con biết nhẫn nhịn, xả kỷ vị tha và nhân ái, yêu thương chan hòa mọi người. Không còn ai là kẻ thù. Amen.

AM Trần Bình An

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]